Xuân Xanh

TRẦN YÊN HÒA

Buổi tối trở về trong căn phòng thuê một mình, Thạch thấy lòng mình ngầy ngật một nỗi cô đơn lạ lùng. Căn phòng thuê chỉ để một cái giường và một cái bàn viết nhỏ, cái computer đã cũ mà Thạch đã mua hơn 6 năm. Căn phòng tự dưng nghe như rộng thêm ra, Thạch như thấy mình bơi trong không khí, cái se lạnh của mùa đông làm anh muốn co mình lại, nằm lên chiếc giường, trùm cái mền lên thân thể, để giữ một chút hơi ấm, ủ trong lòng nỗi khát khao mong chờ tuyệt vọng. Trời đã trở lạnh từ một tháng nay, tuần nầy lại có mưa bão, cơn say vật vờ làm Thạch ríu mắt lại.
Buổi chiều ngồi trong quán Đỉnh Thiêng với Hoán uống mấy chai bia. Hoán bay từ Virginia qua, gọi điện thoại đến cho Thạch, “Tau mới đáp xuống Cali sáng nay để lo vài công chuyện gia đình, nay tau gọi tìm mầy đây, rãnh ra quán Đỉnh Thiêng uống với tau mấy chai bia, mình lâu quá không gặp nhau”. Thạch đáp, “Rồi, mầy ngồi đó đi, tau mặc quầøn áo rồi ra ngay”.
Hai người bạn cũng trên năm năm chưa gặp lại. Thân nhau từ hồi còn ở trường Đại Học, rồi ra đơn vị tác chiến, rồi đi tù, rồi về lại Sài Gòn, chưa bao giờ hai người xa nhau lâu quá vậy. Hồi trước, hú nhau một tiếng là tìm đến nhau. Bây giờ những năm năm, ở xứ Mỹ nầy gặp nhau cũng rất dễ mà cũng rất khó, từ Đại Hội Đoàn Tụ, kỹ niệm ngày ra trường của hai người, đến bây giờ cũng đã năm năm trôi qua.
Gặp Hoán, hai người ôm nhau, thằng nào trông cũng già, thằng nào cũng ở trên độ tuổi “tri thiên mệnh”, tóc Hoan bạc hơn tóc Thạch một chút, Hoán nói:
“ Qua đây tau chỉ tìm mày, bọn mình thằng nào cũng có gia đình bình an hạnh phúc, chỉ có một mình mày là xô lô.”
“ Thì đành chịu vậy, đó là cái nghiệp mà.”
“ Nghiệp gì, mầy lắm mối tối nằm không.”
“ Đâu có lắm mối, mày chỉ nghe tin đồn thất thiệt, thôi uống đi”
Hai đứa cúi đầu vừa uống vừa ăn. Lúc ngẫng lên, Thạch hỏi:
“ Vợ con mày khỏe chứ?”
“ Bình thường.”
Thạch nhìn Hoán, trông mặt nó trên năm mươi tuổi mà lúc nào cũng như trẻ con. Trong tình bạn của những ngày nhỏ dại, Hoán là người bạn thân nhất, đi học chung, đi lính chung, ở tù chung. Nhất là ngày ấy, hai người cùng yêu một người con gái.
“ Công việc của mày vẫn đều chứ?”
“ Thì vẫn bình thường như mày biết, vợ chồng tau đi làm hãng, mấy đứa nhỏ đi học xa, chỉ còn thằng út là ở với tụi tau thôi.”
“ Thế là mầy vui rồi, mày là nhất.”
“ Nhất con mẹ gì, ở bên đó trời lạnh, suốt ngày chỉ lẫn quẫn trong hãng rồi về quanh quẩn trong nhà, chẳng có ai là bạn bè để cùng uống chung một ly rượu, một chai bia. Một mình tau uống vào nghe đắng chát.”
Thạch ngó mông chung quanh quán, anh không ngờ ở xứ Mỹ nầy cũng có mấy quán nhậu như ở Việt Nam, có lẽ, anh chưa bao giờ đi la cà ở mấy quán xá, anh cũng không giám đến đây để nhậu vì sợ cảnh sát bắt về tội lái xe say rượu. Anh sống thui thủi trong nỗi lạnh lẽo cô đơn tột cùng.
Hoán gắp một miếng lòng heo bỏ vô miệng, rồi nói:
“Hôm nay mầy cứ uống tự nhiên, một chút nữa tau kêu hai thằng cháu tới chở cho mày về, mày đừng sợ gì, uống rượu mà sợ lái xe là hết vui.”
Thạch ậm ừ trong miệng. Cái sợ nhất của những cuộc nhậu ở Mỹ là phải lái xe về, sợ cảnh sát chận bắt mà nghe mùi rượu là đời tàn. Đó cũng là một điều không hạnh phúc. Bây giờ nghe Hoán nói thế, anh yên tâm, vô tiếp chai thứ ba.
Hoán cũng hơi chếnh choáng, nó nói giọng lơ lớ:
“ Mầy biết tau kêu mầy ra đây với tau có ý gì không nào, tau nhớ mầy một phần, nhưng tau cũng có một sứ mạng quan trọng để nói với mầy một chuyện, theo mệnh lệnh của bà xã tau, không biết mày có chịu nghe không đây?”
Thạch hơi khựng lại. Sao có chuyện gì mà thằng Hoán làm bộ mặt quan trọng vậy, lại còn đem bà xã ra hù dọa Thạch nữa đây. Nhưng dù gì, khi nhắc đến Vân, trái tim Thạch như nghẹn thở.
“ Chuyện gì mà quan trọng vậy ông?”
“ Thì chuyện của mày chứ chuyện gì nữa.”
“ Sao là chuyện của tau?”
Hoán trầm ngâm một chút, nó nhìn quanh quất trong quán, quán buồi chiều hơi vắng, có mấy đám nhậu lai rai ở mấy bàn đàng kia.
Hoán nhìn Thạch thật lâu, rồi nói giọng nhỏ xuống:
“ Bà Vân nói, thấy mầy lang bang độc thân hoài, bả áy náy trong lòng quá, nên bả bàn với tau khuyên mày nên lấy vợ đi, bả có đứa cháu gọi bả bằng cô đang dạy học ở Quảng Ngãi, trên 30 tuổi mà chưa có chồng, cô bé ngoan hiền dễ thương, nếu mầy ưng, bả đứng ra làm mai mối cho mầy, bả nói, con nhỏ nầy hiền, qua Mỹ không bỏ mầy đâu mà sợ, bả cam đoan vậy”.
Thạch hơi ngớ người, anh không ngờ thằng Hoán nói ra điều đó, điều mà từ lâu anh chưa có một ý nghĩ nhỏ trong đầu là… lấy vợ. Từ ngày anh xa Vân, tan vở mối tình đầu tiên và duy nhất của anh, Vân về làm vợ Hoán, anh chưa tìm được một người đàn bà nào thay thế được chỗ đứng của Vân trong tim anh, anh hạnh phúc trong cái hạnh phúc của Hoán và Vân trong suốt mấy chục năm nay. Bây giờ thì anh được nàng ngõ ý làm mối mai cho một người con gái khác.
Thạch vội tìm cách hoản binh:
“ Mầy nói gấp quá tau nghĩ không kịp, thôi để tau về nghĩ lại trả lời mày sau.”
Sau đó Thạch uống thật nhiều chai bia liên tiếp, anh say vùi. Hoán gọi điện thoai kêu hai người cháu đến, một đứa lấy xe Thạch chở anh về, một đứa chở Hoan theo xe Thạch, rồi rước đứa cháu, như vậy là ổn cả.
Cho nên khi Thạch loạng choạng mở cửa bước vào căn phòng, anh nghe lạnh khắp người, cái mùa đông lạnh lẽo đã đến, đã ngự trị ở đây, trên đất Mỹ nầy, anh thấy mình thật hoang vắng và cô đơn cùng cực.
Trong cơn say chập chờn, đầu óc anh lãng đãng những ngày tháng cũ, với những hình ảnh của một thời hoa mộng, một thời chinh chiến điêu linh xưa.

Ngày tháng đó, ở một nơi chốn không bình yên, Thạch là sĩ quan bộ binh, trấn đóng trên một ngọn đồi lấy tên một cô ca sĩ, một loài chim hay hót, Hoàng Oanh. Căn cứ hỏa lực Hoàng Oanh ở miền Tây Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Tiểu đoàn của Thạch, tiểu đoàn 3, thuộc Trung Đoàn 6 bộ binh đóng tại căn cứ nầy.
Thạch và Hoán ra trường sau hai năm miệt mài trên quân trường Đà Lạt. Hai đứa cùng chọn chung một đơn vị, cùng về sư đoàn 2, rồi trung đoàn 6, rồi tiểu đoàn 3. Sau hai năm, hai đứa cùng nắm đại đội trưởng tác chiến, cuộc sống lấy súng đạn làm bạn, suốt trong mấy năm trời.
Thế rồi buổi chiều định mệnh đã tới.
Đó là dịp Tết ở tiền đồn.
Mùa Xuân đã về trên khắp các ngã đường đất nước, mùa xuân rộn ràng ở đâu nhưng ở tiền đồn thật là buồn tẻ, ngày Xuân mà vẫn ba lô súng đạn hành quân, phải đào hầm, phải canh gát, Thạch phải dẫn lính đi từ đồi nọ lên núi kia, kể cả Hoán cũng vậy, hai anh như quên đi mình đang đứng giữa quê hương với mùa Xuân về giữa đất trời.
Vào ngày mùng năm Tết, đại đội của Thạch được lệnh về Bộ Chỉ Huy Tiểu Đøoàn để dưỡng quân và để được phái đoàn – các em gái hậu phương, lên thăm viếng, chúc Tết và hát giúp vui các anh em chiến sĩ ngoài tiền tuyến.
Ngày đó Thạch đã gặp Vân.
Vân, cô nữ sinh của một trường trung học quận lỵ, cô đi theo phái đoàn thăm viếng tiền đồn. Cô có giọng hát hay và một sắc đẹp nhẹ nhàng dễ lamø mê đắm lòng người. Bãi đất rộng, lính tráng ngồi la liệt trước bộ chỉ huy tiểu đoàn, một sân khấu dã chiến nhỏ, Vân đứng trước đám lính và bắt đầu hát, “ nếu em không là người yêu của lính, ai thương nhớ anh chiều rừng hành quân…” Giọng hát nàng nồng nàn gợi cảm, những người lính kham khổ với nỗi gian nan, với tháng ngày nằm bờ nằm bụi không một bóng dáng đàn bà, nay được nhìn dáng dấp một người con gái mang hình ảnh nữ sinh thì người lính nào không mê đắm, cái mê đắm trần tục là được thỏa mãn sinh lý dồn nén, cái mê đắm tinh thần là được yêu thương, vỗ về, vuốt ve, nhưng thật ra, có ai được lọt vào mắt xanh của nàng đâu, đó chỉ là những mơ ước âm thầm.
Bầu trời tối đen, thỉnh thoảng những đóm hỏa châu được đám lính bắn lên soi sáng một góc trời, tiếng súng nổ ở đâu đó. Tiếng hát của Thúy Vân vẫn lướt trên từng hơi thở nàng, tiếng hát vút lên trời cao lãng đãng, đúng như hoàn cảnh lính tráng tiền đồn bây giờ, những ước mơ của đám lính, như lời bài hát: “những đóm mắt hỏa châu là hoa đăng ngày cưới, như mắt em sáng ngời theo anh đi ngàn lối…”
Tiếng hát bỗng chợt khựng ngang khi có một lời hét to: “ Pháo kích, tất cả xuống hầm mau.” Đó là tiếng của Thạch khi anh nghe tiếng depart của pháo binh địch, tiếp sau đó là tiếng oàng oàng nổ vang trong vành đai căn cứ. Người con gái tắt đi tiếng hát, cô lạng quạng không biết phải làm gì kèm theo sự lo sợ kinh hoàng ùa tới. Thúy Vân chưa định thần được thì cô nghe tiếng nổ thứ hai, cùng lúc đó, có một bóng người nhào tới ôm và kéo cô nhảy xuống một cái hầm gần đó. Tiếng nổ ầm oàng của pháo địch cũng mười phút mới im. Những người lính đã quen với những cảnh nầy, nhưng phái đoàn văn nghệ thì sợ hải vô cùng. Khi Vân mở mắt ra thì cô thấy mình nằm trong một căn hầm tối thui, không khí ẩm mốc. Nàng đang nép mình vào một người lính, Vân hoảng hốt ngồi dậy:
“ Xin lổi anh, tôi sợ quá, địch pháo kích ghê quá.”
Người lính trả lời:
“ Cô an tâm, ở đây tụi nó vẫn thường phá rối như vậy, hôm nay biết có các cô lên, nó chào đón các cô nhiều hơn chút xíu.”
Vân bây giờ mới hoàn hồn, trong bóng tối mù mờ của căn hầm, nàng thấy một bông mai đen được may trên cổ áo người lính. Nàng nhìn Thạch mĩm cười cùng với lòng biết ơn. Thạch hỏi:
“ Cô ở thị xã học trường nào vậy?”
“ Nữ trung học, lớp đệ tứ A.”
Như vây là hai người quen nhau. Lần về phép sau đó, Thạch đã đến đón Vân tại cổng trường và tình yêu mật ngọt đã đến với hai người. Họ yêu nhau say đắm trong men nồng tuổi trẻ, như những bài hát “anh tiền tuyến em hậu phương”. Hoán là bạn của hai người, cùng đứng bên cuộc tình đó.
Không ngờ, sau đó chiến tranh lại xô đẩy Thạch vào một con đường khác, khi tiểu đoàn anh hành quân tại vùng Ba Gia Đồng Ké, một đêm địch ào ạc tấn công vào đại đội. Lính đại đội anh chống cự mãnh liệt nhưng địch quân quá đông, đại đội bị tan hàng, anh bị bắt làm tù binh.
Tin anh bị mất tích đến với Vân như một tin sét đánh, cô khóc hết nước mắt, cô chạy đi hỏi dò tin tức khắp nơi, chỉ biết một tin duy nhất là Thạch mất tích, có thể là bị chết mà không lấy xác được. Tất cả đều không có niềm hy vọng nào. Càng ngày tin tức Thạch vẫn bặt tăm.
Hoán đến an ủi Vân và sau đó anh đã yêu Vân, anh nghĩ bạn mình đã chết nên anh không có tội gì, một năm sau Hoán xin cưới Vân.
Hai người sống hạnh phúc yên vui thì đến ngày 30/4/75. Hoán cũng như những sĩ quan khác lục tục vô trai tập trung. Vân vẫn thăm nuôi chồng và nuôi con chu đáo. Khi Hoán đổi ra ngoài miền bắc, anh gặp Thạch trong trại tù, hai người mới chưng hửng ra. Hoán kể cho Thạch nghe tất cả. Thạch cay đắng ngậm ngùi. Nhưng anh chợt nghĩ ra rằng, đây là hai người thân nhất của đời anh, họ không có lổi gì cả, tất cả chỉ vì chiến tranh.
Khi trở về, cả ba đều đối xữ với nhau rất tốt. Vân đã khóc nhưng Thạch nói không giận nàng. Anh chúc cho bạn mình hạnh phúc và anh vẫn sống thui thủi cô đơn như vậy cho đến ngày xuất cảnh.

Trong một bức thư email Vân gởi cho Thạch:
“Chắc anh Hoán đã nói cho anh biết ý định của vợ chồng em, em thấy anh sống độc thân hoài em không chịu nỗi, anh cần có một mái gia đình, một người vợ và những đứa con, em biết anh cao thượng, nhưng bây giờ anh hãy nghĩ đến anh, anh nghe lời em nhé.
Điều anh Hoán nói với anh là ý định của em đấy, em không phải muốn cho cháu em xuất cảnh mà em giới thiệu Yếân cho anh, nhưng em biết, Yến giống em ngày cũ, ngày cách đây mấy chục năm em đã có, năm ngoái em về thăm lại quê hương, em gặp Yếân và tự nhiên thấy lại hình ảnh của em ngày đó, áo dài trắng, tóc thề, mắt biếc và mộng mơ. Và những lần anh từ vùng hành quân trở về thăm em, em nhớ tất cả. Bây giờ, tụi em thương anh như ruột rà, anh không trách em và Hoán, đã coi tụi em như đứa em ruột của anh vậy. Em làm sao trả hết nợ cho anh đây.
Nếu anh có một mái ấm gia đình thì lòng em cũng yên tâm. Nhưng anh cứ một mình thui thủi. Hình bóng cũ? còn gì đâu, đó chỉ là hoài niệm của một mối tình học trò vụng dại, bây giờ anh hãy sống cho anh, anh nhé.
Thanh Yến là cháu kêu em bằng cô, mang dòng máu của em và thật giống em, như vậy em “đổi mạng” cho anh được chưa, Thanh Yến đang đi dạy học và cũng chán dạy học ở một xó xỉnh khỉ ho cò gáy đó rồi. Em đã hỏi ý kiến Thanh Yến và cô nàng đã ưng thuận. Em nghĩ là anh không thất vọng.
Nghe lời em đi, anh không còn trẻ nữa, ở đất Mỹ nầy nếu không có một mái gia đình thật là cô đơn quá đổi, em không chia xẻ được gì cho anh vì em đã có Hoán, mối tình chúng mình em sẽ giữ mãi trong tim em, đến chết em cũng không quên. Nhưng bây giờ em có Hoán và những đứa con, còn anh thì có ai? anh nghe lời em nhé.
Tất cả mọi chuyện để em lo, nếu anh đồng ý. Đây là những lời em viết từ tấm lòng chân thành của em. Anh hãy hiểu như vậy và mong anh bằng lòng.
“Của Tin còn một chút này mà thôi.”
Thạch đọc đi đọc lại bức email, những dòng chữ nhảy múa trên màn hình. Anh nghe lạnh buốt dọc xương sống. Mùa đông ở Mỹ lạnh quá.
Anh không còn trẻ nữa, ngày xuân xanh đã qua, một thời tuổi trẻ đã qua. Anh phải dừng lại chứ, một nơi chốn, một mái nhà.
Thạch nói thầm trong miệng:
“ Em nói đúng đó Vân, anh phải dừng lại chứ.”

Buổi tối, phi trường Tân Sơn Nhất thật rộn ràng. Niềm vui và nỗi buồn. Nụ cười và nước mắt. Đi tiễn đưa những người đi ngoại quốc, nhất là đi Mỹ thì buồn chỉ là buồn vậy thôi, còn trong lòng, ai cũng mở cờ trong bụng, vì người thân của mình sắp được đến vùng đất hứa, một vài năm có thể trở về thăm nhà với mác Việt kiều nghe rất hách, có thể có quà và tiền viện trợ. Như vậy thì vui chứ sao lại buồn.
Thanh Yến cũng theo dòng người ra đi đó, nàng đi xuất cảnh theo diện vợ chồng. Thạch đã làm đơn bảo lãnh cho nàng sang Mỹ, Thạch đã về Việt Nam kết hôn với nàng theo lời giới thiệu của cô Vân. Nàng vui vẻ chấp nhận.
Với Thanh Yến, điều đầu tiên là nàng phải ra đi, sẽ bỏ lại ngôi trường tiểu học nàng đang dạy với lương tháng năm trăm ngàn, bỏ lại đám học trò tóc vàng khè bởi nắng. Bỏ lại xứ Quảng Ngãi mây mù mưa suốt mùa đông. Tuổi con gái nàng đã quên đi, với một vài cuộc tình nhỏ nhoi không đâu tới đâu. Cô Vân đã giải thoát nàng ra khỏi những bế tắc của cuộc sống. Cô Vân trở về đem đến cho nàng một hy vọng mới:
“Cháu bao giờ cho cô uống rượu đây?”
“ Lâu lắm cô à, ở đây con gái ế chồng nhiều lắm. Mà lấy chồng, chẳng biết lấy ai?”
“ Thì các giáo viên dạy với con, hay là các cán bộ.”
“ Ô, giáo chức là “húp cháo”, năm trăm ngàn đồng một tháng thì làm sao sống nỗi, mà lo cho gia đình con cái, còn cán bộ thì chỉ ham đi đến các quán bia ôm.”
Thúy Vân nhìn Thanh Yến, đây là hình bóng của nàng hai mươi năm về trước, cũng dáng dấp đó, cũng nụ cười, khóe mắt làn môi. Cô nghĩ đến Thạch, có lần cô hỏi, sao anh Thạch không cưới vợ đi, Thạch nói, anh không quên được hình bóng em, khi nào tìm ai giống em anh mới lấy. Câu nói làm nàng cảm động, cho mãi đến hôm nay nàng gặp Thanh Yến, đứa cháu của nàng. Vân nói với Yến:
“ Để cô làm mai cho một ông Việt kiều nhe, bạn với anh Hoán chồng cô đó.”
Thanh Yến hỏi lại:
“ Ổng chưa có vợ à?”
“ Chưa cô mới giới thiệu cho cháu chứ, ổng lớn tuổi hơn cháu nhiều, nhưng vẫn còn độc thân, mà tính tình tốt lắm.”
Thế là hai người thỏa thuận với nhau. Vân về Mỹ, đem chuyện nầy nói với Hoán, hai người đồng ý quyết tâm cưới vợ cho Thạch.
Thanh Yến đi Mỹ, cả nhà ai cũng vui. Trong gia đình chỉ cần một người ở Mỹ thì sẽ có hy vọng những người khác sẽ được bảo lãnh, Thanh Yến đi trong nỗi hăm hở đó.
Hôm nay Thanh Yến bận chiếc áo dài màu xanh da trời. rất đẹp, nàng có dáng dấp của một tiếp viên hàng không. Con Khanh, người bạn thân nhất của Thanh Yến đi đưa tiễn, Khanh đến cầm tay Thanh Yến rồi nói:
“Mầy qua bên đó nhớ thư về cho tau với nhe, nếu có ông già Việt kiều nào thì làm mai cho tao, tao cũng cần chồng để đi xuất cảnh đây.”
“ Thì tau viết thư về mầy thường xuyên. Ừ, để tau kiếm cho, mầy đợi đi.”
Khanh cười lên nắc nẽ, nàng cũng có ý kiếm chồng Việt kiều, miễn là đi khỏi đất nước nầy bằng bất cứ giá nào. Khanh nhỏ giọng lại hỏi Yến:
“ Ê Yến, “you” thấy lão chồng “you” thế nào, có khá không?”
Thanh Yến ngó quanh quất rồi trả lời:
“ Theo cô Vân tau nói thì lão tốt lắm, nhưng hồi về cưới tau, lão ở lại Việt Nam hai tuần, tau thấy lão thế nào ấy, lừng kha, lừng khừng như người mát dây. Nhưng thôi chuyện đó tính sau, mình lo chuyện ra đi trước đã.”
Giọng Khanh nhỏ lại như thầm thì:
“ Còn “cái vụ kia”, còn phong độ không?”
“ Cái con nhỏ nầy, hỏi gì mà kỳ, lão trên năm mươi rồi, đâu còn xuân xanh nữa.”
“ Thôi tau không hỏi nữa.”
Bây giờ đến lược Thanh Yến ghé sát vào tai Khanh:
“ Chuyện đó không quan trọng, tau nghe nhiều người chỉ bảo, qua đó nếu sống không được cũng cố sống trên ba năm, rồi li dị, có gì đâu, như vậy là mình hợp pháp”
“ Ừ, như vậy mới đáng đời mấy tay già dịch.”
Tiếng loa phóng thanh báo hiệu giờ bay, Thanh Yến vội đẩy xe vào phòng cách ly và vẫy tay tha thiết đến những người đưa tiễn, tiếng của Khanh nỗi lên rỏ nhất:
“ Yến nhớ nhe, tau chờ tin mầy từng ngày đấy.”

Trần Yên Hòa

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button