xin đừng quên nơi đây

Trần Trung Ðạo

 

Người nhạc sĩ trẻ tuổi đang ôm đàn đứng hát nhạc phẩm Tự Hỏi của chính anh trong đêm văn nghệ Đại Hội Chuyên Gia Việt Nam Bắc Mỹ Châu: Anh là Nguyễn Văn Thành, và người giới thiệu anh cũng là người vợ của anh: chị Vũ Mỹ Anh. Anh chị đến từ Alabama, xa tận miền Trung nước Mỹ. Nếu tiếng hát đầy lửa của chị Nguyệt Ánh, anh Việt Dzũng có khả năng thúc dục người nghe đứng dậy ra đi để làm nên bão tố thì tiếng hát đầy ắp tâm hồn của anh Nguyễn Văn Thành, anh Phan Văn Hưng có thể sẽ làm cho người nghe ngồi xuống. Không phải để trốn tránh, không phải để bỏ cuộc. Ngồi xuống để lắng lòng nhìn lại chính mình. Ngồi xuống để rồi sau đó sẽ cùng đứng lên và cùng đi xa hơn vào tương lai vinh quang của đất nước bằng tài năng và trí tuệ của mình.

Em hỡi vui đi em
Anh hỡi say đi anh
Nhưng đừng quên nơi đây
Một ngày là một bài học nhớ quê hương
Một việc làm là một chuẩn bị cho quê hương
Nhưng đừng quên nơi đây
Mỗi ngày là một ngậm ngùi với quê hương
Và đời người là một tủi thẹn với quê hương ..
(Tự Hỏi – Nhạc Nguyễn Văn Thành)

Lâu lắm rồi tôi mới được nghe một nhạc phẩm nặng lòng với quê hương như thế. Tiếng hát của anh chậm rãi, nhắc nhở và đau xót. Chậm rãi như rót vào lòng từng chữ một, nhắc nhở như anh đang đọc cho các em anh nghe di chúc của người mẹ nghèo vừa quá vãng và đau xót chẳng khác gì số phận trầm luân của đất nước anh.

Lần đầu tiên tôi được mời thuyết trình một vấn đề văn hóa và tuổi trẻ trong một diễn đàn của các bạn trẻ đa số là những chuyên gia kỹ thuật. Mùa thu đang trở về trên miền Đông nước Mỹ. Chiều nay, cơn mưa bắt đầu rơi nặng hạt. Những chiếc lá vàng sũng ướt mưa thu đang nặng nề rơi trên thảm cỏ xanh. Những thanh niên thanh nữ Việt Nam từ khắp nơi tụ hội. Đa số còn rất trẻ. Nhiều em còn quá trẻ. Họ từ Houston, Dallas, Chicago, Atlanta, North Carolina, Boston, California…và tận cả Châu Âu.

Với vóc dáng Việt Nam nhỏ nhắn, thật khó tin khi biết rằng họ ngoài đời sống là những bác sĩ tài ba lo lắng cho sinh mạng nhiều người. Thật khó tin khi biết họ là những chuyên viên kỹ thuật điều khiển những hệ thống thông tin hiện đại có giá trị nhiều tỉ Mỹ kim. Trời mưa mặc trời mưa, họ vẫn đi, vẫn cười nói ung dung như chim hót. Những tràng tiếng Việt chào nhau rộn ràng, tiếng Việt có dấu và tiếng Việt không có dấu, đó đây còn có cả đâu đó vài câu tiếng Anh quen miệng. Họ bước hồn nhiên trên xác lá thu vàng như những chú nai tơ ngơ ngác trong những vần thơ Lưu Trọng Lư quen thuộc ngày nào. Đêm đó, tôi lần đầu tiên được nghe tiếng hát Nguyễn Văn Thành và những nhạc phẩm do chính anh sáng tác. Biết anh từ trại Về Nguồn ở Tennessee ba năm trước nhưng mãi tới năm nay mới có dịp ngồi nghe anh hát. Anh hát hay. Tiếng hát anh vang xa, đưa xa núi rừng trùng điệp của mùa thu Bắc Mỹ. Đêm đó, lần đầu tiên tôi được cười hồn nhiên, sống hồn nhiên như một trẻ thơ. Đêm đó hàng trăm mái đầu xanh chụm lại với nhau, cầm lấy tay nhau, nhìn nhau tha thiết như những kẻ mới yêu nhau và có thể chết vì nhau, nhưng không phải bằng tình yêu trai gái nhưng bằng một tình yêu thánh thiện, thiêng liêng nhất: tình yêu nước.

Em có tự hỏi rằng
Sao em đến nơi đây
Chung quanh bao vui say
Những người qua, lời chào xa lạ
Buồn gì buồn gì không?
Những người lòng rỗng không
Xa quê hương như loài chim say
Ngẩn ngơ, chưa nguôi ngoai
Vội trôi theo mây bay
Lo đời an vui hôm mai
Chợt buồn buồn gì không?
(Tự Hỏi – Nhạc Nguyễn Văn Thành)

Không ai nói với nhau một lời nào. Chúng tôi im lặng nghe nhau hát, im lặng nghe nhau đọc thơ. Những tiếng hát, những bài thơ được viết lên bằng máu của một dân tộc đầy thống khổ. Chúng tôi ngồi nghe trong im lặng. Im lặng đến nỗi như nghe rõ cả từng nhịp đập từ những trái tim, những trái tim Việt Nam lưu lạc, hoài vọng về quê hương đang chìm đắm trong hận thù tang tóc bên kia trái đất.

Ta có tự hỏi rằng
Ta hăng say nơi đây
Công lao vun trên tay
Đắp bồi cho đời người thêm đẹp
Chợt buồn, buồn gì không?
Những người mỏi mòn trông
Khi quê hương đang còn tang thương
Bàn tay ta đang hăng say
Lại không dâng cho quê hương
Những tài năng hôm nay
Buồn gì, buồn gì không?
(Tự Hỏi – Nhạc Nguyễn Văn Thành)

Người con gái ngồi cạnh tôi có đôi mắt ướt. Em từ đâu đến đây? Sài Gòn hay Dallas? Hà Nội hay Houston? Huế hay Boston? Tại sao em lại khóc. Tuổi thơ em đâu? Quê hương em đâu? Chùm khế ngọt của em đâu? Con diều biếc của em đâu? Em khóc vì sung sướng hay đau buồn. Nhưng, dù buồn hay vui, ừ thôi em hãy khóc đi em. Nếu giọt nước mắt của em khóc sung sướng cho ngày hạnh ngộ hôm nay, giọt nước mắt kia sẽ là những viên ngọc muôn đời sáng mãi. Nếu em buồn, nước mắt sẽ làm em vơi nỗi tủi buồn của một đời người tạm dung trên đất khách. Một phần tư thế kỷ rồi đó phải không em? Bao nhiêu giọt nước mắt như thế đã rơi trên quê hương khốn khổ của mình. Giọt nước mắt của bà mẹ điên ôm xác con đứng hát trên vỉa hè Đồng Khởi. Giọt nước mắt của vợ ôm xác chồng, người lính Biệt Động Quân vừa gục xuống bên nầy cầu Tân Thuận trong buổi sáng 30 tháng 4 bất hạnh. Giọt nước mắt của người con gái Việt Nam quằn quại trong bàn tay bọn hải tặc Thái Lan. Ngay cả cây trái của quê hương em cũng đã được tưới bằng nước mắt. Em là chuyên gia trẻ tuổi, em đã học rất nhiều trường lớp, đọc rất nhiều sách vở, em biết có dân tộc nào chịu nhiều khổ đau hơn dân tộc Việt Nam không em?

Thưa mẹ
Chúng con là người Việt Nam lưu lạc
Ngày ra đi không hẹn buổi quay về
Không phải là sương mờ sao khóc lúc đêm khuya
Không phải gió sao đời là giông bão
Không phải là mây sao miệt mài trôi nổi
Không phải là rừng sao héo úa mỗi tàn thu.
Mẹ Việt Nam ơi
Chúng con sống âm thầm và chết giữa hoang vu
Biển cả, rừng sâu, non mờ, núi thẳm
Chúng con đi gót chân mòn vạn dặm
Ngơ ngác nhìn nhân loại, tủi thân nhau.
(Thưa Mẹ, Chúng Con Đi, thơ Trần Trung Đạo)

Thế hệ của nhiều trong số các em, thế hệ của Nguyễn Văn Thành, cũng là thế hệ của tôi. Chúng ta cùng lớn lên trong bão lửa ngút ngàn của đất nước. Những thế lực, nhân danh, lọc lừa và phản bội đã âm mưu nhau để tàn phá đất nước chúng ta. Cây cỏ còn biết đau đừng nói chi con người. Thế nhưng khả năng chịu đựng của người Việt cũng quả thật là vô hạn. Sức chịu đựng đối với dân Việt đã thành một đặc tính di truyền nhân chủng, đã thành một thứ di sản văn hóa của ông bà tổ tiên để lại. Người Cộng Sản trong chiến tranh đã lợi dụng triệt để tính chịu đựng của con người Việt Nam, tiếc thay không phải để xây dựng mà để tàn phá đất nước, không phải để chống lại ngoại xâm nhưng để thủ tiêu, hãm hại đồng bào ruột thịt của mình.

Lớn lên trong mùa bão lửa đó, tuổi trẻ Việt Nam mơ ước được thấy quê hương không còn chiến tranh, hận thù, ngăn cách, quê hương được thật sự tự do, dân chủ, thịnh vượng và hòa bình. Những khẩu hiệu hoa mỹ không nuôi sống thân thể ốm o gầy gò của những bà mẹ Việt Nam. Những lời ca ngợi suông không làm ấm lại những thi hài lạnh ngắt của trẻ thơ Việt Nam. Hãy để chúng tôi yên. Hãy để đất nước chúng tôi yên. Ba mươi tháng Tư như một nhát dao chém xuống cuộc đời đầy hy vọng của tuổi thanh niên. Ba mươi tháng Tư như cơn bão quét ngang qua những ngọn cây xanh vừa mới đâm chồi. Chiến tranh chết chóc đã được thay bằng nghèo đói, ngục tù. Tiếng rú của đạn bom được thay bằng tiếng khua của xiềng xích.

Và cũng từ đó, chúng tôi, những người trẻ tuổi miền Nam, cắt lòng từ giã mẹ Việt Nam mà ra đi tìm tự do. Ôi tự do, bao nhiêu triệu đồng bào tôi đã chết vì hai tiếng thiêng liêng đó. Đêm nay, tiếng hát của những người con gái con trai yêu nước khác, nguyện đem hết nhiệt tình và trí tuệ của tuổi trẻ chuẩn bị cho một ngày xây dựng lại quê hương khi đất nước không còn trong tay Cộng Sản. Tiếng hát và lời thơ của họ đã đưa tôi về với tình người dân Việt.

Như người lữ khách soi mặt mình trong dòng suối để thấy mình chưa thay đổi, chúng tôi soi mặt mình trong ánh mắt của nhau và nhận ra rằng vẫn còn đó niềm tin, vẫn còn đó những anh em bè bạn nặng lòng với đất nước, vẫn còn đó trách nhiệm của tuổi trẻ Việt Nam trước thềm thiên niên kỷ.

Người con gái ngồi bên tôi thôi không còn khóc nữa, chúng tôi nhìm nhau, mỉm cười, ngoài kia mưa đã ngừng rơi.

Back to top button