Vườn Sau (Trích trong Đá Mục.)
Thảo Trường
Ở nhà, cả ngày ông lão nhốt mình trong phòng riêng với cái computer. Theo ngôn ngữ quảng cáo trên radio “suốt ngày ông ôm lấy nó…” Ông du lịch theo các mạch điện tử đi khắp toàn cầu. Ông quên mất ông đang ở chỗ nào trên trái đất. Ông sống trong cái thế giới “hư không” ngay trong căn phòng của mình, ngay trong căn nhà của mình. Vì thế mấy mẹ con bà lão phải tìm kế điệu ông ra khỏi nhà, bắt đi đây đi đó. Bà lão than:
– Cộng sản nó nhốt tù miết chưa chán hay sao sang đây lại tự giam mình một chỗ.
Ông cãi:
– Đâu phải giam mình một chỗ, Bố ở một chỗ nhưng giang hồ khắp năm châu bốn biển.
Chơi cờ tướng với máy cũng là cái thú tiêu khiển cho ông. Hồi ở tù cộng sản, ông lão cũng tìm được cái thú chơi cờ tướng một mình. Chơi cờ một mình thì mình là cả hai bên, mình đánh lại mình, mình “đấu trí” với chính mình, mình muốn nhận là bên thắng hay bên thua tùy ý. Khi muốn làm anh hùng nhận là kẻ chiến thắng hô hoán reo hò, gặp khi lãng mạn muốn làm quân tử nhận là kẻ bại trận câm nín chịu đựng đầy đọa nhục nhằn. Bây giờ sang Mỹ chơi cờ với máy không ăn gian nó được.
Máy nó đã được “thảo chương”, ông không vật nổi nó mà còn bị nó hạ cho thua tan hoang không còn manh giáp, bị nó chiếu bí không còn đường chạy, không cả lối thoát. Nó không cho ông làm anh hùng, nó bắt ông phải làm người quân tử, dù ông muốn hay không muốn. Nó “đánh” ông thua dài dài mà ông chẳng làm gì được nó. Ông có tức cũng ráng chịu, có thù hận cũng kệ ông chớ hề mủi lòng nương tay nhường nhịn thương xót. Thế mà ông vẫn cứ tối ngày “ôm lấy nó”…
Bà bắt đi thì ông đi, bắt xem thì ông xem, ông vẫn là người dễ tính. “Dễ tính như Mỹ”, ông nói đùa như thế.
Có khi bà lão còn bầy kế lôi ông ra khỏi căn phòng riêng, tách ông rời bỏ cái thế giới mạch điện tử. Đến khổ! Mấy năm ra tù sang cư ngụ bên Mỹ, ông chưa thoát khỏi nỗi ám ảnh kinh hoàng quá khứ, thì đã lại sa vào chốn dây dưa trong hệ thống điện toán toàn cầu. Ông đang online thì bà nói:
– Vườn trái cây của em ở phía sau nhà bị chim chóc đến rỉa mồi sắp hư hết cả.
Ông lão trúng kế:
– Thì đuổi chúng đi.
– Bố giúp em nhé.
– OK.
Thế là ông ra vườn sau ngồi, bà đem bia ra cho ông uống, cứ như là yểm trợ tiếp vận tiền tuyến đánh giặc. Khu vườn sau nhà từ ngày được ông kêu thợ đến cắt bỏ những cây thông già cỗi và trồng thay vào đó những cây mới với thảm cỏ mới thì bà dành phần cho bà một miếng đất làm vườn. Bà trồng tùm lum cam quít, ổi, xoài, hồng dòn, gấc, cà chua, chanh, ớt, rau thơm đủ loại…Bà nói:
– Má cũng phải có một chút vốn riêng.
Bà còn lý sự:
– Hữu sản hóa tài xế taxi. Người cày có ruộng. Thượng tọa có chùa. Linh mục có nhà thờ. Nhà văn có báo… Bố và các con cũng phải tôn trọng quyền tư hữu của má. Phải chừa cho má một mảnh vườn nhỏ để má trồng những cây cỏ má thích chứ.
Ông OK cấp đất cho bà. Cô con gái út dành phần cho con chó Patrick một góc sân làm chốn riêng tư, ông cũng OK luôn. Anh con trai thứ tư, vốn là một nhân vật thường điều chỉnh, phân xử và quyết đoán những chuyện vớ vẩn trong nhà, bèn ra tay hành nghề tổng thư ký. Tưởng chỉ là cảnh “rạch đôi sơn hà” ai ngờ lại “chia ba thiên hạ”. Việc chia cắt đất đai được thực hiện qui mô. Xây một hàng gạch viền xung quanh khu vườn của bà canh tác. Tráng xi măng và dựng rào nhôm đẹp đẽ miếng sân góc vườn làm nơi đặt chuồng cho con chó. Ông lão sơn màu xanh mái chuồng, màu nâu vách chuồng, gắn một cái hộp nhỏ xinh xắn trên thân cây để cất giữ giấy tờ và tấm thẻ bài của nó. Diện tích đất chia cho chó nhỏ nhất, diện tích đất chia cho bà trồng trọt khá hơn, phần đất trồng thảm cỏ rộng hơn cả. Nói cho ngay cuộc cách mạng nào thì cũng vẫn có những tí biệt đãi riêng tư, bất công thủ lợi trong đó. Bóc lột vừa vừa thôi thì có lẽ cũng chẳng có nổi dậy. Chỉ khi nào làm quá mới xảy ra nông nỗi.
Ông lão ngồi uống bia dưới mái dù màu, nhìn con chó nằm trong sân của nó, nó cũng thản nhiên nhìn ông. Người và chó nhìn nhau. Không ai có ý kiến về nhau. Vì ai cũng có căn phần cho riêng mình. Bà lão lúi húi vun xới những gốc cây của bà trong khu vườn tư hữu và cũng chẳng có ý kiến gì về hai người kia. Thế giới gặp thời ổn định. Nhưng mà như thế thì buồn nản quá. Ông lão gợi chuyện. Thoạt tiên với Patrick. Ông mở cánh cổng nhỏ cho nó vào sân cỏ với ông. Cu cậu cong đuôi hí hửng chạy lung tung sung sướng lắm. Lại còn sán đến gần bà lão. Bà la lên:
– Cho nó vào sẽ làm gẫy hết cây của em. Nhà ai người ấy ở.
Ông lão gọi Patrick lại nằm dưới chân, ông vỗ về:
– Chơi trong thảm cỏ thôi, không được xâm phạm sang lân bang. Phải duy trì trật tự thế giới.
Nhưng Patrick không nằm yên được lâu. Nó lại chạy đi, chui cả vào những khóm hoa của bà mà cà rỡn. Lần này thì bà phản đối quyết liệt. Ông lão đành phải thu quân, bắt Patrick trở về lãnh thổ của nó. Cài cổng lại. Nhà ai người ấy ở. Tạm yên. Nhưng hình như nỗi buồn lại đến. Ông nâng ly bia lên uống. Ở một màn nào đó trong kịch bản của tác gỉa Vũ khắc Khoan có viết: “Rượu, chưa đủ.”
***
Nhớ lại hồi đi tù ở miền Bắc, nghe Việt cộng đặt tên những con cho ùcủa họ bằng tên các Tổng thống Mỹ và Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, có ý bêu riếu, để mỗi khi cần bày tỏ lập trường chính trị dứt khoát và chuyên chính với kẻ thù thì lập tức kêu réo con chó thịt chuyên ăn cứt ra mà mắng chửi. Cô Nhài, một thiếu nữ trắng trẻo xinh đẹp ở xã Việt hồng, đeo bên hông một con dao quắm đi phát rẫy, cô vừa đi vừa ca hát, chạy theo cô có một con chó mực, “nhất mực nhì vàng tam khoang tứ đốm”, bí thư chi bộ vẫn nói thế. Khi đi ngang đoàn tù binh miền Nam ngồi bên vệ đường, cô bèn đứng lại, chỉ tay vào con chó của cô, réo tên vị tổng thống đã từ chức ra mà gọi. Các sĩ quan tù binh ngơ ngác nhìn nhau. Con chó thì chẳng hiểu gì, chỉ biết cong đuôi. Anh cán bộ coi tù ôm súng đứng gần đó nói với cô thôn nữ yêu kiều: “Chó ba bát. Gà lọt giậu.” Cô Nhài vênh mặt hả hê. Chuyện này xưa đã hơn hai mươi năm. Cũ rích. Bây giờ các cô Nhài và các tay hoạt đầu xúi biểu cô, liệu có khi nào hình dung lại cái bản mặt của mình lúc coi người như chó? Chó cũng khổ. Chó ta còn khổ hơn ai hết. Ăn thì tự túc. Sống thì bị lợi dụng vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Chết lại vào nồi, múc ra bát, chui vào bụng nhà cách mạng, rồi ỉa ra thành phân bón sản xuất nông nghiệp. Nhìn chó “tây” lại nghĩ đến chó “ta”. Dĩ nhiên nhìn người “tây” phải nghĩ đến người “ta”. Chuyện cũ bỏ đi. Nói chuyện bây giờ. Bà lão vào trong nhà, khi trở ra cầm trên tay một nắm tên. Bà giơ lên cho ông coi và nói:
– Mượn Bố mấy cái tên này nha.
Ông lão chưa kịp phản ứng thì bà đã bước tới cây bưởi thấp lè tè nhưng lại đã có trái. Bà cắm ba mũi tên chéo nhau thành một cây ba chạc, gác quả bưởi lên cái ba chạc ấy cho nó không bị chạm đất. Diệu kế. Cứ thế, bà dùng hết nắm tên xong lùi ra ngắm nhìn thành quả hài lòng. Ông lão nói:
– Bộ cung tên của Bố, má lấy đi những mũi tên thì cũng như là tước vũ khí Bố rồi còn gì.
– Má chỉ mượn tạm.
– Ngoài tiệm bán thiếu gì, mỗi bó 18 que nhựa, dài 3ft, giá chỉ 99 xu, không mua xài…
– Biết rồi, nhưng không đẹp bằng những mũi tên của Bố.
Cung thủ thở dài nghĩ tới cây cung và túi tên gắn trên tường phòng làm việc của ông. Bộ cung tên của một bà bạn gái mua ở Big 5 mang đến tặng ông nhân ngày ông thoát khỏi chế độ ngục tù. “Để anh kỷ niệm một cuộc chiến đã đi vào dĩ vãng” bà ấy nói thế. Quả là như vậy, khí giới chỉ để trưng, chưa bao giờ ông xử dụng. Và ông cũng không biết xử dụng nó làm gì, xử dụng ở đâu. Ông không còn đất dụng võ. Khi ông gắn “kỷ vật” trên tường, bà lão nói:
– Chỗ đó để treo một tấm tranh, chứ ai lại treo cái thứ…vớ vẩn đó.
Ông lão lặng thinh thì bà lẩm bẩm:
– Cuộc chiến dĩ vãng. Người tình dĩ vãng. Nhưng cung tên thì sờ sờ ra đó.
Lát sau bà tiếp:
– Khi “tráng sĩ” sa cơ, nằm trong trại tù binh chỉ có gái già này thăm nuôi tiếp tế, tuyệt nhiên chẳng thấy nàng em gái hậu phương nào ngó ngàng, ngày anh ra tù lại bày đặt “kỷ vật” cho anh. Trông mà…ngứa cả mắt !
Bây giờ cây cung vẫn còn đó nhưng túi tên đã trống rỗng. Cây cung nằm đó đơn độc như những cỗ đại pháo không đạn, như những chiến xa không xăng, như những máy bay phản lực thiếu cơ phận rời thay thế…nằm lổn ngổn ở sân bay Tân Sơn Nhất… tháng tư năm nào. Ối giời, lại chuyện cũ, cứ nhắc tới những chuyện cũ hoài! Bỏ đi. “Phải luôn luôn nhớ rằng hãy quên đi tất cả!”
***
Mấy con chim ở đâu bay đến rỉa mỏ quả hồng chín trên cây. Ông lão chợt nhớ nhiệm vụ bèn đứng lên quơ tay la lớn đuổi nó đi. Bà lão nói:
– Bố làm gì màồn quá. Khẽ chứ. Hàng xóm Mỹ họ nghe.
Bà vẫn phải nhắc ông không nên nói lớn. Ở Mỹ người ta cần sự yên tĩnh hơn cần ăn. Ở Mỹ “I’m hungry” là câu xạo nhất. Nhưng mà đừng làm ồn. Ông cãi:
– Đuổi chim mà.
– Kệ nó. Thấy người là nó không giám tới đâu.
– Thấy Bố ngồi đây mà chúng vẫn tới ăn trái cây của em.
Bà nhắc lại:
– Kệ nó.
Ông lão ấm ức lắm vì thấy mình “vô tích sự”. Ông hỏi:
– Bố có cần phải “đứng giang tay, đội nón mê, mặc áo tơi” không?
Bà đứng lên quay lại nhìn ông, với một tay ra sau lưng đấm đấm nhè nhẹ chiếc lưng còng:
– Chi vậy ?
Ông lão đáp nho nhỏ:
– Có như thế chim chóc nó mới sợ.
Bà lão quay nhìn đi nơi khác cười chúm chím:
– Thôi. Khỏi. Bố uống bia nữa hay uống trà móc câu?
– Trà.
– Em pha trà. Trong khi chờ đợi, Bố nhổ những cọng cỏ xung quanh bụi hồng giùm em.
Khi bà mang bình trà ra, thấy ông lão vẫn ngồi ì, ngả người trên chiếc ghế nhựa, nhìn lên không trung, bà nói:
– Bố không nhổ cỏ à ?
– Bố bận. Đuổi chim. Người ta chỉ có thể hoàn hảo được một công việc thôi.
Bà nói:
– Lười.
Thảo Trường.