VỖ NHẸ MIỀN KÝ ỨC

PHAN XUÂN SINH

Tôi sinh sống ở Sài Gòn rất ít có dịp về quê tại Ðà Nẵng, mặc dù công việc không mấy bận rộn. Lý do anh em bạn bè chẳng còn bao nhiêu người ở ngoài đó, cha mẹ đang sống với tôi tại đây nên chuyện về thăm nhà cũng không cần thiết. Nói vậy chứ đôi khi vẫn cảm thấy nhớ làng, nhớ xóm, nhớ từng góc phố con đường, đã có một thời gắn liền với mình. Một thằng bạn thân, ngày xưa cùng học một lớp và khi đi lính cùng đơn vị, là Nguyễn Xuân Âu khóa 24 sĩ quan Ðà Lạt, cũng đang sinh sống tại Sài Gòn. Hai đứa rủ nhau về Ðà Nẵng một chuyến thăm anh em. Âu nói với tôi là mình còn khỏe mạnh, còn làm ra tiền, có dịp là nên về quê thăm bà con đừng để sau nầy già cả muốn đi cũng không đi được. Tôi thấy thằng nầy nói có lý, cũng có tình có nghĩa với quê hương. Nó đánh động được lương tâm tôi, vốn dĩ đã ngủ quên. Tôi đồng ý cách lý sự của Âu, và hứa sẽ đi với nó một chuyến. Một ngày nọ hai đứa mua vé máy bay đi Ðà Nẵng.
Khi máy bay hạ thấp, cảnh vật bên dưới hiện rõ trong mắt tôi. Năm hòn núi Non Nước dựa sát biển Ðông, nơi đây một thời tôi cùng với những cô bạn gái leo mấy trăm bậc tam cấp thăm chùa chiền và các hang động. Dân ngoài tôi bảo rằng dẫn bồ bịch leo lên tới chùa Non Nước, bước vào cổng là thế nào về sau cũng rã đám. Tôi không biết với những người khác thì sao, chứ trường hợp của tôi đúng phong phóc. Lúc đó thì tôi không tin, chuyện nhảm quá. Tụi tôi vào chùa lạy Phật thành khẩn, nguyện cầu thành tâm. Phật không ngó tới thì thôi, cớ sao lại chia lìa, ngăn cách. Không biết Phật có nhúng tay vào sự chia lìa nầy không, nhưng tụi tôi thì chia tay nhau thật.
Từ phía biển máy bay vào đất liền, quốc lộ số 1 hiện rõ trong mắt tôi. Ðây là vùng đất mà ngày xưa đơn vị tôi dẫm nát gót giày, những địa danh quen thuộc như Thanh Trường, Thanh Quít, Cẩm Hải, Phù Kỳ, Phú Sơn, đồi 55 v.v… từng địa hình, địa vật, tụi tôi thuộc nằm lòng. Âu ngồi bên tôi, nói với tôi: “Mỗi lần ngồi trên máy bay nhìn xuống quê mình, là mỗi lần như muốn khóc. Sao thấy nó nghèo mạt quá”. Ði nhiều nơi như tụi tôi, nhất là ở miền Nam, khi trở về mới thấy quê mình xơ xác thật, từ cây cối đến đất cát cằn cỗi, khô khốc. Tôi khe khẽ đọc câu thơ của Tường Linh:
“những mười năm những mười năm ly xứ
phía hồn đời chưa tịnh nỗi tha hương”
Máy bay hạ thấp hơn trước khi đáp, cầu Cẩm Lệ hiện rõ. Vẫn chiếc cầu sắt hằng mấy chục năm không sửa chữa. Chiếc cầu mà tôi đã từng đạp xe qua lại không biết bao nhiêu lần, để đi Miếu Bông, cách nhà 15 cây số. Chỉ ghé uống một ly nước chanh tại quán nước bên đường, rồi đạp xe trở về. Quán nước đó có một người con gái thật đẹp. Vừa ngồi nhìn cô vừa nhấm nháp ly nước đá chanh thấy hả dạ quá chừng. Chờ những giọt mồ hôi vừa ráo rồi lại quay đầu còng lưng trên xe đạp trở về. Không hề nói với cô bé một câu nào, dù một câu bâng quơ, hay đùa cợt một chút. Khi về, thường thì tôi dừng xe giữa cầu Cẩm Lệ hóng mát một chặp, nhìn dòng nước trong vắt chảy dưới chân cầu. Lãng mạn một thời học trò, không tốn kém vật chất, nhưng hao tổn sức lực. Cho đến bây giờ vẫn không biết người con gái đó tên gì, có còn ở đó hay không? Chuyện nầy mấy chục năm bây giờ mới dám bật mí, đúng ra cái ngu nầy sống để bụng chết mang theo. Thế nhưng càng lớn tuổi, nghĩ lại nó không phải “ngu” mà nó thật dễ thương, tội nghiệp cho mấy thằng con trai mới lớn. Ði tìm cái hạnh phúc thật phiền phức, cái thú tiêu khiển thật nhức đầu. Lúc đó không dám hở môi cho bạn bè biết, hay rủ bạn bè đi ngắm người đẹp, sợ chúng nó cuỗm mất của mình. Ích kỷ, nên chịu cực khổ một mình là vậy.
Cũng cái tật mê gái đó, nghe nói ở Tam Kỳ có quán Mì Quảng trên đường Quốc Lộ, nằm trong thị xã. Người con gái, con bà chủ quán đẹp mất hồn. Sáng sớm chủ nhật, rủ vài ba thằng bạn đạp xe 60 cây số vào Tam Kỳ ăn mì Quảng. Mấy thằng kia cũng muốn đi chơi thôi, chứ không biết cái mục có gái đẹp. Ðinh ninh như vậy, nên tôi cười thầm trong bụng. Vào tới nơi, dựng xe vào quán, thì đã thấy mấy thằng bạn khác, ngồi chễm chệ trong quán hút thuốc từ lâu. Như vậy chúng nó phải đi thật sớm. Té ra thằng nào cũng nghe đồn quán nầy có cô Th., đẹp nổi tiếng của Tam Kỳ, vào để nhìn cho biết nhưng không thằng nào chịu nói ra điều nầy, sợ rằng thiên hạ cho mình dại gái. Rốt cuộc rồi toàn cá mè một lứa cả. Chứ mì Quảng, dù có ngon cách mấy, cũng không thể đạp xe vượt mấy chục cây số để ăn như vậy. Mì bà Ðợi ở Hội An nổi tiếng, chỉ bằng một nửa đoạn đường vào Tam Kỳ. Có nghe thằng nào rủ vào đó đâu? Hì hục đạp xe trở về Ðà Nẵng, thằng nào cũng thấy thèn thẹn với lòng mình.

**

Về tới Ðà Nẵng, chúng tôi tới thăm vài thằng bạn cũ vẫn cố bám trụ tại quê nhà. Trong thời gian ở lại, Tôi và Âu được bạn bè tiếp đãi hậu hỉ. Nghèo thì vài xị rượu đế, cá chuồn mặn phơi khô nướng lên. Kha khá thì bia hơi, vài con mực khô. Chiều chiều anh em bè bạn cũng hẹn nhau lai rai tán dóc. Toàn là những thằng có vấn đề với chế độ, xúm lại với nhau phần nhiều nói toàn chuyện cấm kỵ. Chưa say thì khi nói dòm trước dòm sau, khi tới chỉ rồi thì vung vít chẳng sợ ai. Thằng Âu nói nhỏ với tôi: “Ở đây riết, chung đụng với tụi nầy, bọn mình sẽ trở thành phản động”.
Một hôm thằng em rể của tôi, mời tôi và Âu về nhà nó ăn đám giỗ. Trong bữa ăn tụi tôi là người từ xa về, còn phần đông đều ở Ðà Nẵng, nên tôi cũng chẳng biết và quen với ai trong bàn ăn. Người chú của thằng em rể là cán bộ, làm trưởng phòng tài chánh Thành Phố Ðà Nẵng. Ông bị mất một cái chân trái trong chiến tranh, trên tay và mặt của ông có nhiều vết sẹo. Tôi nghĩ trong bụng, chắc ông nầy ngày xưa thuộc đơn vị tác chiến dữ dằn lắm, nên thương tích đầy mình như vậy. Thằng em rể sắp xếp tôi và Âu ngồi đối diện với ông, để dễ bề nói chuyện. Cũng xã giao, tôi hỏi thăm gia cảnh, về nhà cửa, đất đai của ông, rồi đến công ăn việc làm. Dĩ nhiên ông là người được nhà nước ưu đãi, chiếu cố. Còn tụi tôi thuộc lớp người trước đây bị nhà nước đày ải, nên nghe sự thành công của ông trong cuộc sống bây giờ mà chảy nước miếng.
Ngồi vừa ăn uống, vừa chuyện vãn gần hết bữa tiệc, bất thần ông hỏi tôi:
– “Tôi nghe thằng em rể anh cho biết, trước đây anh là sĩ quan Trung Ðoàn 51 của Miền Nam?”.
Tôi giật mình, tại sao thằng em rể tôi lại thiếu tế nhị như vậy, đem đời tư bất lợi của thằng anh vợ, kể lại cho người chú thuộc phe đối nghịch nghe. Trung Ðoàn của tôi trước đây chịu trách nhiệm an ninh vùng Quảng Nam, các đơn vị của địch từ chủ lực đến du kích đều biết tiếng, là mối đe dọa sinh mệnh của họ, nên làm sao có cảm tình với tụi tôi được. Hơn nữa, người nầy có chức có quyền của phe chiến thắng. Phần đông họ đều tự mãn, ganh ghét, có đầu óc mang nhiều thành kiến với tụi tôi. Có thể vì chuyện bị thương của ông trong cuộc đụng độ với Trung Ðoàn của tôi chăng? Trước đây, ông hoạt động tại Quảng Nam, thì chắc chắn phải đối đầu với tụi tôi. Tôi gật đầu, xác nhận với ông đúng như lời ông hỏi. Mặc kệ, ra sao thì ra, không cần phải chối cãi. Tôi chờ đón lời nặng nề của ông dành cho tôi.
Tôi và Âu nhìn nhau, không biết chuyện gì sẽ xẩy ra. Nhưng ngược lại, khác với điều chúng tôi tiên đoán. Ông từ tốn nói: “Tôi bị thương trong cuộc truy quét của một đơn vị thuộc trung đoàn các anh, nhưng cũng nhờ người chỉ huy toán lục xét tha cho tôi khỏi chết”.
Rồi ông kể cho tôi nghe về sự may mắn mà ông đã thoát khỏi cái chết. Ông không thuộc đơn vị tác chiến, mà thuộc đơn vị tài chánh quận Ðiện Bàn. Một đêm về thu tiền các cơ sở kinh tài tại Thanh Trường xong, thì trời sáng. Toán của ông gồm 5 người phải ẩn núp trong một cái hầm kiên cố, do xã ủy Thanh Trường giao. Hôm đó có máy bay trực thăng đổ lính Trung Ðoàn 51 hành quân tại đó, nên toán của ông nằm dưới hầm không lên được. Hầm của ông bị họ phát hiện, đặt mìn phá hũy. Chỉ có một người con gái sống sót bị họ bắt đi, còn bốn người kia xem như chết không toàn thây, kể cả ông. Quả thật thì ông chưa chết, cả thân người bị xé nát, chân trái mất. Trong số người chếtø họ kéo lên trong đó có ông giả chết. Trước khi rút đi, có người lính đòi bắn trên xác chết, như là một viên đạn ân huệ nhưng người chỉ huy của toán không cho làm vậy, vì nghĩ rằng tất cả đã chết.
Tôi ngồi mồ hôi toát ra. Âu mặt mày cũng trắng chạch. Sao lại có một chuyện hi hữu như vậy. Sao lại giống như trường hợp tôi đã gặp. Ðể chắc chắn hơn, tôi hỏi ông:
– “Ông thu tiền kinh tài, chắc bữa đó có tiền nhiều lắm?”.
– “Vâng, trong ba lô của chúng tôi có 2 triệu đồng”.
Tôi hỏi thêm:
– “Ông còn nhớ năm đó là năm nào không?”
– “Năm 1971”.
Thôi rồi, đúng như trường hợp trung đội của tôi hành quân năm xưa.

**
Hồi đó tôi làm trung đội trưởng Viễn Thám, thuộc đại đội Trinh Sát. Âu làm đại đội phó. Trong một cuộc hành quân Diều Hâu bằng trực thăng tại Thanh Trường, trung đội chúng tôi phát hiện một căn hầm bí mật của VC. Muốn phá vỡ căn hầm chúng tôi phải dùng chất nổ TNT. Người lính phụ trách chất nổ, cột 5 thỏi TNT thả xuống đường thông hơi, rồi cho nổ. Khi nắp hầm bung ra, những người lính khác ném xuống hầm thêm 3 quả lựu đạn cho thật an toàn, trước khi bước xuống lục xét. Thế mà, có một nữ chiến binh VC từ dưới hầm chạy lên, trần truồng vì sức ép quá nặng xé nát quần áo. Thằng lính đứng gần miệng hầm, đưa súng lên bóp cò, nhưng súng lại bị khóa an toàn. Cô gái được may mắn sống sót. Sau nầy tôi tự hỏi, sao cô gái ấy được may mắn quá vậy. 5 trái TNT, 3 quả lựu đạn dưới căn hầm mỗi bề 2 thước, sức ép khủng khiếp đó không có cái gì dưới hầm còn tồn tại, huống chi con người. Thế mà cô gái chỉ trầy trụa sơ sài. Khi chạy lên miệng hầm, thằng lính đứng canh, sẳn sàng nhả đạn bất cứ ai dưới hầm chun lên, để tránh trường hợp mở đường máu tẩu thoát. Súng lại khóa an toàn, cô ta thoát hiểm lần thứ hai. Ði hành quân, súng lại khóa an toàn đó là trường hợp quá hi hữu, vì vậy đã cứu sống cô ta.
Ðơn vị tôi đã từng đụng chạm nhiều với các đơn vị Giải Phóng. Trong trận truy lùng đại đội Nữ Pháo Binh Phù Kỳ, chúng tôi đã bắt sống nhiều nữ chiến binh. Thường mấy cô chiến binh Giải Phóng, vì quá dải dầu mưa nắng trên trận mạc, kham khổ trong ăn uống, nặng nhọc trong công việc nên từ nước da đến thân hình không bằng mấy cô gái thành phố. Thế mà cô gái chúng tôi bắt dưới hầm nầy thật đẹp, nước da trắng nõn, vóc dáng giống như tiểu thơ. Khi dưới hầm cô chạy lên hốt hoảng, trên người không còn miếng vải che thân. Sức hơi công phá của chất nổ, đã thổi bật tất cả áo quần trên người. Cô không còn thấy mắc cở, hay e thẹn, khi trần truồng đứng trước bọn lính chúng tôi, bởi vì cô đã trải qua những giây phút khủng khiếp nhất. Cô vừa vượt thoát khỏi cái chết trong đường tơ kẽ tóc, nên cô như người mất hồn, không còn biết gì cả. Tôi bảo người lính truyền tin lấy bộ quần áo lính của tôi cho cô thay, rồi chúng tôi giải giao cô lên trực thăng, đưa về đơn vị của mình.
Khi lính vào khui hầm, tôi đứng bên ngoài cách nơi đó chừng 10 mét, hầm đào khuất trong bụi rậm. Một điều lạ là những người lính xuống hầm lục soát, họ đều mang ba lô mà tôi không để ý. Sau khi lục soát xong, tôi mới vào xem xét lần cuối, gọi máy báo cáo trước khi ra về. Tôi báo cáo là lấy được 2 cây súng K54 và 2 cây súng AK47, một bao cát tài liệu. Về nhân mạng thì giết được 4 tên và bắt sống 1 tên. Lính của tôi kéo lên 4 cái xác nhầy nhụa, để nằm trên miệng hầm. Người nào cũng mất chân mất tay, máu me lai láng. Tôi nghĩ ngoài cô gái không còn người nào sống sót, với sự công phá của chất nổ nầy.
Trước khi kéo quân ra bãi trực thăng, thằng lính đi trước quay lui nói với tôi:
– “Thiếu úy, để em bắn mỗi thằng một phát ân huệ”.
Tôi khoát tay trả lời:
– “Chết nhăn răng hết rồi, còn đâu nữa mà ân với huệ. Thôi ra về ngay”.
Chúng tôi lên trực thăng, dẫn theo cô gái về giao tất cả tài liệu và tù binh cho Ban 2 khai thác.
11 giờ đêm, Âu vào phòng tôi dựng đầu tôi dậy:
– “Chiều nay lính của mầy khui được một hầm tiền, mầy biết không?”
– “Không, tau không thấy gì hết. Ai nói với mầy chuyện nầy?”
– “Ban 2 khai thác tài liệu báo cáo cho Trung Ðoàn Phó biết. Mầy dậy mặc đồ lên trình diện ông ta”.
Trước khi lên văn phòng Trung Ðoàn, tôi kêu thằng truyền tin của tôi dậy hỏi thử nó có biết chuyện tiền nong dưới hầm không? Nó trả lời với tôi là chính nó xuống dưới hầm sau cùng, cũng mót được vài chục ngàn. Hèn gì thằng nào xuống hầm lục soát cũng mang ba lô theo là vậy.
Tôi hỏi nó:
– “Tại sao lúc ấy mầy không nói với tau chuyện nầy?”
– “Tôi nghĩ rằng Thiếu úy biết rồi chứ. Trung đội mình ai cũng có chút đỉnh hết mà”.
– “Tau ở ngoài xa, làm sao biết tụi mầy làm gì bên trong đó, nhứt cử nhứt động phải báo cáo với tau chứ. Gọi trung đội dậy ra sân điểm danh”.
– “Còn thằng nào nữa đâu mà gọi, tụi nó chuồn về nhà hết rồi”.
Trong các cuộc hành quân, những vật dụng cá nhân tịch thu được của địch, ngoại trừ súng ống và tài liệu, còn mọi thứ khác, thằng lính nào lấy được là của riêng chúng nó. Không ai chia chác gì được nếu nó không muốn. Tôi cúi đầu, lửng thửng bước lên văn phòng trung đoàn. Trung tá Nhàn ngồi dựa lưng trên ghế, trước bàn bureau, ông cười cười hỏi tôi:
– “Trung đội mình chiều nay làm ăn khấm khá quá, Sinh hỉ”.
– “Dạ thưa đúng vậy. Ðược hai K54, hai AK47, bốn chết tại chỗ, bắt sống một”.
– “Còn chi nữa không em?”.
– Dạ thưa Trung Tá, chỉ chừng đó”.
Ông nhìn tôi, như có vẻ soi mói chuyện gì. Rồi ông nhẹ nhàng hỏi:
– “Theo tài liệu Ban hai khai thác, dưới hầm còn có 2 triệu đồng”.
– “Không biết dưới hầm có bao nhiêu tiền, nhưng nghe nói trung đội của tôi, thằng lính nào cũng lấy được chút ít tiền. Tụi nó bây giờ chuồn về nhà hết rồi”.
– “Chỉ còn ông trung đội trưởng ngu ngơ ở lại. Tội nghiệp”.
Có lẽ nhìn mặt tôi, ông biết thằng nầy còn măng sữa quá, tụi lính qua mặt cái vù mà không biết. Ông bắt tay tiễn tôi ra cửa, vỗ vai tôi tỏ vẻ thông cảm những điều tôi trình bày. Tôi nhìn thấy người lính dọn ra giữa sân một mâm trái cây chuẩn bị cúng, ông bước tới thắp nhang. Thỉnh thoảng từ sân đại đội nhìn qua Bộ Chỉ Huy Trung Ðoàn, những ngày rằm hay mồng một, tôi thường thấy ông cúng như vậy. Tôi quay qua hỏi ông hôm nay là ngày gì. Ông cho biết, hôm nay đúng là ngày Phật Ðản.
Ðêm đó tôi nghĩ miên man, không phải về số tiền lính đã lấy, mà về người con gái tù binh. Ai đã che chở cho cô tránh được tai họa một cách linh nghiệm như vậy. Nếu cô ấy tin rằng có một bàn tay vô hình che chở cho cô, thì tôi nghĩ cô sẽ không chọn con đường của cô đang đi. Tôi không bao giờ tin vào những điều có tính mê tín, nhưng trường hợp của cô ngẫu nhiên trùng hợp trong ngày Phâït Ðản, tự nhiên tôi thấy là lạ.

**

Bây giờ tôi mới biết thêm, ngày Phật Ðản 1971. Không phải có một mình cô gái thoát chết, mà có thêm ông Trưởng Phòng Tài Chánh Ðà Nẵng. Ông nhìn tôi một cách chăm chú, như đọc được hết tất cả những gì trước đây đã xẩy ra cho ông, mà chính tôi có tham dự. Một quyết định vu vơ ngày xưa của tôi, không ngờ đã cứu sống được một mạng người. Người đó bây giờ đang ngồi trước mặt tôi.
Ông đã vỗ nhè nhẹ vào ký ức tôi, để cho nó phải thức dậy một cách xót xa. Chiến tranh, thật tàn nhẫn, đúng là một cuộc tương tàn nhục nhã cho cả đôi bên. Tôi tưởng chừng như nó đã ngủ quên trong tôi, vùi sâu đáy lòng tôi. Thế mà khi nhắc tới là bỗng nhiên nó sống dậy, đày ải tôi, hành hạ tôi. Ông có biết rằng, cũng chính cuộc chiến đó trong mùa hè 1972, nó cũng đã cướp mất một phần thân thể của tôi. Nó đã làm khốn đốn tôi suốt trong cuộc sống nầy.
Âu hỏi ông về cô gái thoát nạn, được ông cho biết cô ta sau khi bị bắt, năm sau trong đợt trao trả tù binh cô được ra Bắc. Ðến khi Miền Nam bị chiếm, cô trở về nhưng từ chối mọi chức vụ mà chính quyền mới giao cho. Cô đã ngán ngẫm ê chề khi chung đụng thực tế xã hội ngoài kia, cái mà cô đã từng hy sinh mạng sống, quyết bảo vệ cho bằng được. Bây giờ cô đã vỡ mộng. Cô về quê mở một quán nước bên đường, sống trong lặng lẽ. Sau vài năm, thành hôn với một sĩ quan cải tạo về, vợ chồng có với nhau vài mặt con và hạnh phúc.
Tôi thở ra, tự nhiên thấy tươi tắn hẳn lên. Hình như tôi vừa mới thoát được một cái gì đè nặng trên người từ mấy năm nay. Sau khi nghe chuyện về cô gái năm xưa, tôi thầm kính phục thái độ sáng suốt của cô ta. Thái độ đó đã làm cho tôi bừng tỉnh lại. Giữa muôn ngàn cái quyền lợi, giữa bao nhiêu cái tự mãn tự đại, giữa sự béo bở cuộc sống mà quyền thế cung phụng, cô ta từ chối, đứng bên ngoài tất cả. Có lẽ bàn tay vô hình năm xưa, đã nhìn thấy và che chở cho cô chăng? Nếu quả đúng vậy, cho tôi xin cầu nguyện, hãy giúp thêm ý chí để cho cô được đứng thẳng người, mãi mãi trong cuộc sống nầy.
Mấy ngày sau tôi trở về Sài Gòn, trong lòng tôi cảm thấy thoải mái. Chuyến về thăm quê nhà thật hữu ích. Ðúng ra tôi phải tìm cô gái tù binh năm xưa, nhìn lại một con người mà ngày đó đã để lại trong tôi một chút suy nghĩ. Thái độ của cô bây giờ cho tôi một chút kính trọng. Nếu gặp, tôi sẽ nói đùa với cô, là tôi đến đây để đòi một món nợ, bộ đồ treillis mà có người đã mượn của tôi năm xưa, trong thời kỳ chiến tranh tại Thanh Trường. Tôi chắc rằng cô đỏ mặt và lúng túng ghê lắm./

Back to top button