LUÂN HOÁN, Bốn Mươi Năm Nhìn Lại
Vương Trùng Dương
Tháng 5-2004, nhận được tập thơ Sông Núi Cùng Người Thơm Ngát Hoa của anh Luân Hoán từ Canada gởi tặng; tôi chọn những bài thơ trong thi phẩm nầy để đăng tải trên vài tờ báo ở Nam California, đáp lại tấm lòng của anh từ phương xa. Anh cho biết, đang thực hiện Kỷ Niệm Một Đời Thơ Luân Hoán, rất mong sự đóng góp của bằng hữu để làm món quà lưu niệm lúc tuổi già, sống chết lúc nào không biết!. Nghĩ đến bệnh tình và sức khỏe của anh, tôi chợt nhớ đến những lời tâm tình của chị Trần Thị Lý – hiền thê của anh – với Hồ Đình Nghiêm “Ông nhà tôi, thì mở miệng ra, không nhức chân quá thì cũng đau đầu quá, không buồn quá thì cũng chán quá… cứ thế gặp ai cũng than thở, làm như than thở thì hết buồn chán. Đặc biệt đầu mùa đông, ảnh thường phán một câu: chắc không qua khỏi mùa đông năm nay…” lòng bàng hoàng, xúc động!
Anh với tôi, đồng hương, cùng những ngày trong quân trường Bộ Binh Thủ Đức. Tháng 12 năm 1996, tôi theo học Khóa I Nguyễn Trãi của Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt, quân trường lúc đó đang hình thành nên khóa tôi được gởi sang học quân sự giai đoạn I ở Trường BB Thủ Đức cùng với khóa 24. Năm 1966, Đại Úy Vũ Trọng Mục, Trưởng Khối CTCT Trường BBTĐ thành lập Ban Biên Tập với thành phần Sinh Viên Sĩ Quan cho nguyệt san BBTĐ; vì vậy, khóa 23 & 24 đã quy tụ khá đông như Nguyên Sa, Trần Sơn Hà, Lưu Trung Khảo, Trần Hoài Thư, Luân Hoán, Chu Tân, Mê Kung Phan Nhự Thức, Phạm Văn Bình, Hồ Minh Dũng, Cao Thoại Châu, Lâm Chương… tạo thành sắc thái đặc biệt cho tờ báo. Cùng sinh hoạt trong Ban Biên Tập lúc đó, tôi thân với Phan Nhự Thức và Chu Tân hơn vì thường mượn cớ để trốn học.
Tháng 5-1967, chúng tôi chia tay, hơn hai năm sau, tôi nhận được điện thoại của Phan Nhự Thúc, trong tiếng khóc, báo tin Luân Hoán mất một bàn chân rồi!… Chiến trường ở Quảng Ngãi lúc đó rất khốc liệt, không còn gì ngoài lời an ủi “thôi đành, để còn sống với vợ con”.
Ba mươi bảy năm rồi, mỗi người một phương, tuy không gặp Luân Hoán nhưng thơ văn của anh rất gần gũi với tôi. Tôi đang thực hiện loạt bài Chân Dung Người Lính Cầm Bút giữa người nằm xuống và kẻ còn lại, nhưng viết về Luân Hoán, khó quá, bạn bè đã đề cập rất nhiều; nếu có ghi lại cũng khó thoát ra quỹ đạo các cây bút đã viết về anh.
Thơ anh đã xuất hiện cho đến nay gần nửa thế kỷ, tôi xin lấy thời điểm thi phẩm Về Trời cho đến tập thơ vừa nhận được để “trả nợ tình xa”.
Dòng Đời
Luân Hoán, tên thật là Lê Ngọc Châu, sinh ngày 10 tháng 1 năm 1941, Canh Thìn ở phố cổ Hội An, Quảng Nam. Quê nội ở Liêm Lạc, Hòa Đa, Hòa Vang, Quảng Nam, cách Đà Nẵng khoảng mười cây số về hướng Nam. Quê ngoại ở La Qua, Điện Bàn, Quảng Nam, cách Đà Nẵng khoảng ba mươi cây số về hướng Nam.. Thân phụ anh là ông Lê Hoán, thân mẫu là bà Nguyễn Thị Luân nên anh ghép tên song thân thành bút hiệu Luân Hoán. Ngoài ra, anh còn có các bút hiệu: Lê Quyên Châu, Châu Thị Ngọc Lê, Đoàn Thị Bích Hà…
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, như nhiều gia đình khác, năm 1945, gia đình anh di tản lên miền rừng núi Tiên Hội, Tiên Phước, Quảng Nam. Sau nầy, Tiên Phước thuộc tỉnh Quảng Tín; vào cuối thế kỷ XIX, Quảng Nam có hai phủ là Điện Bàn và Thăng Hoa, tổng Tiên Hội thuộc Thăng Hoa có các thôn, trong đó có thôn tên cũng là Hội An và Hội Lâm sát nhập thành Tiên Quý, và Thanh Bôi cùng Tiên Quý còn gọi là Tứ Hòa, nằm cạnh sông Tiên, nhánh sông Chiên Đàn, chạy dần về hướng bắc, gặp sông Tranh thành sông Thu Bồn.
Năm 1951, gia đình anh chuyển về Hòa Vang và năm 1953 dời về Đà Nẵng. Sau đó, thân phụ anh là viên chức ở Ngân Khố. (Trong thi phẩm Sông Núi Cùng Người Thơm Ngát Thơ có ba bài thơ của anh ghi lại địa danh: Hội An, 1945 – Tiên Phước, 1949 và Hòa Đa, 1953).
Cụ Lê Hoán rất sính thơ văn nên từ nhỏ Luân Hoán được hấp thụ máu thi phú của thân phụ để tấp tễnh làm thơ.
Giữa thập niên 50, năm học Đệ Ngũ, anh có thơ được đăng tải trên Tuổi Xanh, Gió Mới rồi dần dà đến các tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Ngàn Khơi, Kỷ Nguyên Mới, Mai, Bách Khoa, Văn Học… Những bài thơ của thuở học trò được chọn lọc lại để in trong các thi phẩm Về Trời (Văn Học, 1964), Trôi Sông (Văn Học, 1966)…
Vào giữa thập niên 50 và 60, những nhà thơ trẻ đất Quảng xuất hiện trên nhiều tờ báo ở Sài Gòn như Luân Hoán, Thành Tôn, Thái Tú Hạp, Chu Tân (gốc Huế), Triều Hoa Đại (gốc Bắc) Trần Như Liên Phượng, Phương Tấn, Hoàng Quy… Phan Duy Nhân (Dương Phù Sao), Huy Giang… bên cạnh hai khuôn mặt hiện diện ở Sài Gòn như Hoàng Trúc Ly, Tường Linh. Sau đó, xuất hiện thêm các khuôn mặt trẻ như Tần Hoài Dạ Vũ (gốc Huế), Hoàng Lộc, Uyên Hà, Vũ Đức Sao Biển, Đinh Trầm Ca, Hạ Quốc Huy, Nguyễn Nho Nhượn, Phan Xuân Sinh, Trần Yên Hòa… tạo thành phong trào thi ca trong giới trẻ cùng với nhóm Song Thu, Đất Hàn…
Mê thơ và cứ nhởn nhơ với đời nên đường học vấn không đi đến chốn. Cuối năm 1966 anh bước vào “Ngưỡng Cửa Quân Đội” Khóa 24 Trường Bộ Binh Thủ Đức.
Ra trường, anh đổi về làm Trung Đội Trưởng, Trung đội II, Đại Đội II, Tiểu Đoàn I, Trung Đoàn 44, Sư Đoàn 2 Bộ Binh. Ở đó, anh có dịp sinh hoạt văn nghệ với Hà Nguyên Thạch, Khắc Minh, Phạm Trung Việt, Vương Thanh, Đynh Hoàng Sa, Nghiêu Đề, Minh Đường… với tờ Trước Mặt, Tập Hợp của Phan Nhự Thức.
Cũng như Trần Hoài Thư, hai que sậy văn nghệ, ra trường đã lao ngay vào đơn vị tác chiến. Và, tháng ngày quân ngũ kết thúc với bàn chân trái của anh vào cuối năm Mậu Thân, đầu năm Kỷ Dậu, 1969. Anh đã kể lại hình ảnh đau thương nầy:
“Cuộc hành quân bước qua ngày thứ 5, chúng tôi có lệnh trở về Núi Dẹp. Khi ngang một chòm mộ mồ côi, con đất Thi Phổ của Quảng Ngãi. Bổng toát miệng cười, trải tôi nằm ngửa trên một thảm cỏ rất xanh. Có lẽ 4 giờ chiều, trời đất mênh mang yên lặng. Tôi nhịn đau chống tay ngồi tháo giầy, cái áo giáp đè nặng trên lưng. Ba ngón chân sát cánh ngón cái bị dập nát. Với vết thương này, nếu Quân Y Viện Việt Nam, có lẽ tôi chỉ bị mất đi nửa bàn chân. Tiếc thay vì có chút xúi cấp bậc, người đồng minh sốt sắng đưa tôi về bệnh viện dã chiến Hoa Kỳ, trên ngọn núi Đức Phổ. Và sau đó, theo công thức ấn định, tôi bị cắt bỏ nửa phần chân dưới trong cơn mê. Kỹ thuật cưa cắt từ một phần xương thịt lành lặn, qủa đã sớm giúp vết thương liền miệng an toàn. Nằm với thương binh Mỹ từ 24 tháng chạp đến mùng Ba Tết, tôi được đưa về Quân Y Viện Quảng Ngãi. Bạn văn tìm đến đủ mặt Vương Thanh, Phan Nhự Thức… khóc như trẻ thơ. Qua một đêm tôi được về Quân Y Viện Duy Tân, trong tay ngoài cặp, còn có cái khăn tay của Khắc Minh buộc sẫn. Gần một tháng sau, tôi nhắn tin buồn cho gia đình. Vợ tôi đang trong thời kỳ chuẩn bị sinh cháu đầu lòng, Lê Ngọc Hòa Bình…”
Cuộc tình của anh giống như cuộc tình của nha øthơ Hữu Loan với cô học trò Lê Đỗ Thị Ninh, năm Hữu Loan 33 tuổi và cô học trò mới tròn 16. Người tình, người bạn đời Trần Thị Lý gắn bó với Luân Hoán trong những thập niên qua cho biết: “Tôi đến với ảnh chẳng qua vì hồi đó tôi còn trẻ quá mà ảnh thì có cái mã được trai lắm. Ảnh đến nhà ba mẹ tôi thuê phòng ở trọ, rồi kèm tôi học, ngon trớn kèm luôn, quỉ thật”. Chị nhỏ hơn anh tròn một con giáp nên phải man khai giấy khai sinh thêm hai tuổi cho đúng vị thành niên mới hợp lệ để làm hôn thú.
Thi phẩm Nén Hương Cho Bàn Chân Trái (cùng với bạn văn) ấn hành năm 1970 với những bài thơ buồn rất tuyệt.
Giải ngũ, anh về làm việc ở ngân hàng; sau tháng 4-1975, trong thời điểm nầy anh cho biết:
“Tôi chỉ phải tập trung cải tạo tại trại Ngô Văn Sở cũ. Và đến đợt thực thi chính sách đổi tiền một cách rầm rộ, đều khắp, tôi cũng như hầu hết viên chức cũ của ngành ngân hàng, đều được móc ra để trở về việc chuyên môn. Tôi trở lại bộ phận kế toán. Trước khi nhận việc, tôi bị gọi trình diện thủ trưởng. Lão cán bộ này, có lẽ chấp hành đúng chính sách, cho tôi xem lời phân loại trên phíếu lý lịch cá nhân của tôi: “Thành phần cặn bã của chế độ cũ”. Dĩ nhiên tôi không hề buồn và xấu hổ bởi sự đánh giá trên. Nhưng tinh thần bị bao vây và khủng bố tinh tế như vậy, tôi phải biết lo sợ, đề phòng và quyết tâm trốn ra nước ngoài. Sự thiếu hụt chân đi, chân chạy của tôi là một trở ngại quá lớn trong kế hoạch vượt biên. Nhưng tôi cũng đã tổ chức, tham dự hai lần. Cả hai đều thất bại trước khi bị phát hiện . Lần đầu, trong lúc cả nhà đang đợi đến giờ ra đi, bất ngờ cách cửa nhà tôi độ 40m xảy ra một án mạng. Đường Hùng Vương, mặt tiền của nhà tôi bị phong tỏa. Lần thứ hai, ông gìa vợ tôi trù trừ tạm giử lại một chiếc xe đò chạy Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Chúng tôi trà trộn cùng hành khách đến điểm hẹn thứ nhất, bất ngờ xe hỏng máy giữa đường, sửa mãi không được. Bỏ cuộc. Cũng may vào năm 1979 tôi nhận được giấy bảo lãnh đoàn tụ của em trai tôi (Lê Hân) từ Canada. Có giấy, nhưng vẫn sợ và ngại, nên mãi đến năm 1981, bắt được mối lo lót, tôi mới lập thủ tục và ra đi vào năm 1985”.
Ngày 28 tháng 2 năm 1985, anh định cư tại thành phố Montréal, Québec, Canada. Gia cảnh: vợ và bốn con, hai trai, hai gái.
Dòng Thơ
Trong bốn thập niên qua, nhà thơ Luân Hoán đã ấn hành 14 thi phẩm, riêng anh và chung với bằng hữu. Trang web của anh được thực hiện đã lâu và rất công phu nên được phổ biến khắp nơi.
Trong cuộc sống, bản tính anh hơi nhút nhát, không thích đám đông, tính tình chơn chất, hiền lành, chân tình, không màu mè, kiểu cách nên ảnh hưởng rất nhiều trong ngôn ngữ thi ca. Có điều, trong tình yêu, anh sống trọn vẹn với người bạn đời, anh cảm thấy hạnh phúc có được người vợ thủy chung, lo cho chồng, chăm soc con cái để tâm hồn anh “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” vì vậy, anh có những người tình trong thơ, tưởng chừng như thật để bày tỏ với tha nhân.
Dù thơ anh bay bổng với bóng dáng nào đi nữa, hình ảnh Lý, vợ anh, vẫn là nguồn an ủi vô biên:
“… em hỡi em,
người anh yêu
anh có quyền hôn em lúc này
bởi ngày mai anh trở ra mặt trận
ở đó, anh không thiếu một thứ gì
kễ cả máu
chỉ duy có thứ này
hãy viện trợ cho anh
đó là giọt lệ em xanh biếc…”.
(Và, hình như nhiều nhà thơ xứ Quảng tôi quen thân, thơ tình rất lãng mạn nhưng đời thường lại chung tình với vợ, có lẽ sợ QN hay cãi nhau… thì bất tận).
Nhận định về thơ Luân Hoán, qua các thi phẩm, thân hữu và bạn bè đã ghi nhận, điển hình như: Đỗ Quý Toàn, Bùi Bảo Trúc, Thái Tú Hạp, Nguyễn Đông Ngạc, Trần Hoài Thư, Nguyễn Mạnh Trinh, Lưu Nguyễn, Hồ Trường An, Phan Ni Tấn.
Đỗ Quý Toàn gặp Luân Hoán định cư tại Canada, nơi xứ lạnh, tâm tình của nhà thơ đến trước trao gởi đến người bạn mới:
“Nếu kiếp sau trời cho tôi làm thi sĩ, tôi muốn được làm thơ tình như Luân Hoán. Sáng làm thơ. Trưa làm thơ. Tối trước khi đi ngủ cũng hãy làm thơ đã. Làm thơ khi thức dậy, để lót dạ. Làm thơ khi đứng đợi xe, để qua thì giờ…
… Thơ Luân Hoán mang lại cho tình yêu học trò nhiều điều mới lắm. Vì những bài thơ tình của Luân Hoán thật hơn, cụ thể hơn, lẩm cẩm ngu ngơ hơn tất cả những thi sĩ nổi tiếng trên. Nghĩa là học trò hơn. Thật sự học trò không khoác vô tình học trò một bộ áo của ngôn ngữ diễm lệ hay thêu dệt những tình tứ kiêu kỳ. Ngôn ngữ của Luân Hoán thật giản dị. Hình ảnh là hình ảnh bình thường của đời sống hàng ngày”.
Vừa định cư tại Canada, thi phẩm Hơi Thở Việt Nam do Sông Thu của Thái Tú Hạp xuất bản năm 1986 như món quà ra mắt với thân hữu hải ngoại, dòng thơ của người xa xứ khi vọng về dĩ vãng đã in đậm trong tâm thức, Bùi Bảo Trúc viết:
“Hơi Thở Việt Nam với 39 bài thơ, 5 chữ, lục bát, 7 chữ, 8 chữ là những bài thơ còn vang vọng âm hưởng của những bài thơ mà người ta đã được đọc của ông trong những năm trước 1975. Những hình ảnh xám ngắt của quê hương tan nát, những binh đao trận mạc, những ước mơ của một đời về một hòa bình không bao giờ đến, những quà tặng chiến tranh, những chân tay chia lìa trên một thân thể trở về sau một cuộc chiến”.
Thái Tú Hạp và Luân Hoán, thân nhau từ thuở mới cắp sách đến trường, qua suốt bao thập niên, tình bạn luôn luôn gắn bó, và cái nhìn của anh về Luân Hoán cũng như ý nghĩ của bạn bè:
“Bút pháp của Luân Hoán vững vàng, nhuần nhuyễn. Thong dong, xuôi suốt ở thế 7, 8 chữ. Mềm mại, nhẹ nhàng ở thể lục bát. Cô đọng, tự nhiên ở 5 chữ. Thơ của anh dồi dào hình ảnh, màu sắc với giọng giản dị đôn hậu, hay đưa tục ngữ vào thơ, đánh thức được xúc cảm của người đọc. Kêu gọi sự tham dự của người thưởng thức đến từng dòng, từng chữ… Tóm lại Luân Hoán là nhà thơ của cảm xúc. Và anh đã thành công trên đường đi của anh”.
Nguyễn Đông Ngạc cảm nhận tấm lòng của Luân Hoán với thơ, đã bày tỏ:
“Thơ ông là sự cô đọng của tâm hồn được bày tỏ phần lớn bằng thể thơ dân tộc, sáu tám, phóng khoáng, hồn hậu, ngọt ngào, trữ tình, dạt dào như ca dao. Do đó khi đọc thơ ông những dòng chữ như biến mất chỉ còn lại cái nghĩa hay nói cách khác chữ và nghĩa chỉ còn là một, hổ tương, nói ngay được với người đọc những điều nhà thơ muốn diễn tả. Tâm hồn người đọc đồng điệu với tâm hồn người sáng tác rất nhanh, rất dịu dàng, rất thấm, rất sảng khoái. Người đọc thấy thú vị tưởng mình cũng đang là người sáng tác, cũng làm thơ với Luân Hoán”.
Gặp nhau ở quân trường, cảm nhận được sự trân quý của con người yêu thơ, sau ba mươi năm, thời thế đổi thay ảnh hưởng đến tâm tính, nhưng với Luân Hoán, vẫn một lòng như xưa, Trần Hoài Thư ghi nhận:
“Chưa bao giờ tôi thấy một người thơ nào lại âu yếm cùng thi ca đến như thế. Tôi không nói đến chữ nghĩa như một số người đã bảo. Bởi Luân Hoán không phải là một phù thủy chữ nghĩa. Phù thủy chữ nghĩa chỉ là cái thùng rỗng, hay người kỹ nữ về già. Đọc kêu to nhưng không thấm thía, không bùi ngùi, tha thiết. Với anh, tưởng như mọi thứ, mọi điều, mọi vật, nhỏ vô cùng như hạt bụi, to lớn vô cùng như trời đất vô lượng, tất cả đều có linh hồn và tất cả đều được thi ca gìn giữ…
… Nói đến thơ, người ta sẽ nói đến cái gì tốt đẹp, tuyệt vời, vượt xa cõi ô trọc thường tình. Với Luân Hoán, trái lại, thi ca gần kề với quả đất, cõi trần gian”.
Qua các cuộc mạn đàm, trao đổi, Nguyễn Mạnh Trinh nhận xét:
“Thơ Luân Hoán gần gụi với đời sống. Đề tài không cao xa, nó đứng gần thực tại một với tay. Tất cả có mặt trong dòng sống chất nghèo đói, thiếu thốn, bất công dãy đầy, nhưng tràn đầy mơ ước. Trong tiếng than van vẫn ẩn chứa cao ngạo. Trong cam chịu vẫn cố ý vượt lên…”.
Với tình yêu và cuộc đời được thể hiện trong thơ Luân Hoán, khi đề cập đến Kỹ Thuật Trong Thơ, Lưu Nguyễn dẫn chứng về ngôn ngữ, hình ảnh và nhạc điệu, với dòng kết:
“Tôi đã đọc thơ Luân Hoán trong nỗi thông cảm sâu xa, từ những bài thơ tình nồng nàn lãng mạn của tuổi học trò thơ ngây trong trắng, đến tình nghĩa vợ chồng đậm đà giấy mực, Luân Hoán lúc nào cũng tha thiết, cuồng nhiệt như tuổi vừa biết yêu. Có thể nói dưới mắt của Luân Hoán, cuộc đời là một bài thơ bất tận. Thơ trải dài theo từng chặng đường đất nước, mang nỗi ray rức thương nhớ khôn nguôi qua cuộc bể dâu của vận nước nổi trôi, âm vang như tiếng thở dài trong đêm vắng của một kiếp người lầm than lưu lạc bên trời lận đận…”.
Từ Pháp, Hồ Trường An cũng bắt gặp được dòng thơ của Luân Hoán, lưu lại suy nghĩ của mình:
“Ngôn ngữ thơ anh cực kỳ đơn giàn mà tinh khôi tân kỳ. Tài xử dụng ngôn ngữ cùa anh lạ lắm: anh làm thơ khơi khơi như nói chuyện, đôi lúc như hí lộng. Chúng ta không bắt gặp sự gọt dũa, trau chuốt trong thơ anh. Y vậy, mà ngôn ngữ anh đẹp lạ lùng, nó chứa cả nguồn sinh lực vô biên, hồn nhiên tuyệt vời. Qua ngôn ngữ thơ đó, chúng ta bắt gặp một sự nhạy cảm rất thơ, một tâm hồn phóng khoáng kỳ diệu”.
Nhật Ngân, Phạm Thế Mỹ, Vĩnh Điện, Mai Đức Vinh… đã đem thơ Luân Hoán phổ thành ca khúc. Phan Ni Tấn đã phổ nhạc hai ca khúc Khiêng Nước và Phải Lòng Con Gái Bến Tre, với anh, chân dung Luân Hoán được phác họa:
“Nhìn chung trong Luân Hoán có hai con người. Một con người vọng động nổ lực diễn đạt thơ mình bằng những lời lẽ đơn sơ, phóng túng, hào sãng, nhiều khi gần với khẩu ngữ. Và hồn nhiên trong sáng đối với tình yêu lứa đôi, tình học trò. Một con người khác lặng lẽ hơn thâm trầm hơn làm thơ về nỗi chia lìa quê hương nhắm mắt như sờ được….”.
Gần nửa thế kỷ đóng góp trên thi đàn Việt Nam, rất nhiều bài viết về Luân Hoán từ nhân xét về bài thơ, từng tập thơ đến tổng quát về dòng thơ của Luân Hoán… cảm nhận được con người chọn thơ như lẽ sống, trân quý ý thơ mà giản dị trong ngôn ngữ. Quê hương, tình yêu, bạn bè, chiến chinh… được gói trọn qua hàng trăm bài thơ của Luân Hoán, rất gần gũi và dễ cảm thông.
Kết
“… Ngoài tập Về Trời, đầu tay, phải bán một phần nhỏ ruộng đất được gia đình chia cho phần mình để in thơ. Những thi phẩm còn lại, hầu hết được bạn đọc, bạn văn (trong số này, có nhiều bạn đến nay, tôi vẫn chưa được gặp mặt, bắt tay một lần) in cho….
… Trong cuộc sống tôi, có nhiều việc bắt đầu bằng những tình cờ. Nhưng việc làm thơ lại được quyết tâm học hỏi, trau dồi đàng hoàng với ông thân sinh. Thời gian khởi đầu, tôi làm thơ, thuần tuý về mê thơ, khoái làm thơ…
… Quê hương đúng là một đề tài lớn trong thơ của tôi. Tôi có thể viết về quê hương dù đang ở bất cứ một nơi nào khác trên trái đất. Tuy nhiên sức sống và linh hồn của những dòng thơ này vẫn chỉ bất nguồn từ những rung động sống thật đã được có trong quá khứ…
… Tôi không làm dáng cho thơ tôi, nhưng tôi cũng không thể, không tiến chiến mục tiêu… Thời gian hoàn tất một bài thơ, (với tôi, thường là một loạt, vài ba bài) quả không có thời gian nhất định. Nhưng trung bình độ 3 đến 4 tiếng đồng hồ là nhiều nhất, dĩ nhiên không – những bài thật dài. Sau khi hoàn tất, thường chỉ thay đổi một ít chữ. Nếu phải sửa lại nhiều, tôi viết lại bài mới, có khi đổi cả thể loại… Và, làm thơ là để giải bày tâm sự của chính mình và viết cho người khác…”
Thơ và chân dung Luân Hoán được đúc kết lại từ bản thân, người bạn đời, thân hữu và bạn bè quá đủ để nói lên Luân Hoán qua thi ca và Luân Hoán dễ thương trong cuộc sống.
Vương Trùng Dương
Little Saigon, Tháng 7-2004