Giang Sơn Một Gánh Dị Thường – Bùi Giáng

Thái Tú Hạp

Cho đến nay trong sinh hoạt văn học nghệ thuật từ trong nước đến hải ngoại, Thi sĩ Bùi Giáng đã để lại cho đời nhiều giai thoại lý thú. Ngoài tài làm thơ, Bùi Giáng còn là một nhà giáo, dịch giả, nhà văn, nhà phê bình văn học, triết học… và một du tử lang thang trên hè phố Saigon nổi tiếng mấy chục năm qua. Trong mấy ngày vừa qua nguồn tin từ gia đình Thi sĩ Bùi Giáng hiện định cư tại Hoa Kỳ cho biết ông vừa bị bất tỉnh vì tụ máu não do bị té thình lình hiện đang còn mê man trong bệnh viện ở Sài gòn. Chúng tôi đang theo dõi và sẽ thông báo đến những khách yêu thơ Bùi Giáng khắp nơi biết thêm về tình trạng sức khỏe của ông. Nhân dịp này chúng tôi trân trọng giới thiệu độc giả về những giai thoại của Bùi Giáng như một hiện tượng thân thương.

Trước thời điểm lịch sử đầy nghiệt ngã, đau thương 75, trong những sinh hoạt văn nghệ gây nhiều chấn động bất thường nhất ở miền Nam, là hiện tượng Nguyễn Ngu Í, Nguyễn Đức Sơn Sao Trên Rừng, Thế Phong, Phạm Công Thiện và Bùi Giáng… Riêng biệt ở thế giới nửa vời hiện thực và hư vô có Phạm Công Thiện và Bùi Giáng. Phạm Công Thiện xuất hiện như một thiên tài của tuổi trẻ, anh đã đề cập đến trí tuệ uyên bác của Nietzche, của Hegel của Schelling, của Jean-Paul-Sartre của Camus… những dòng thơ trữ tình ẩn mật trong ngôn ngữ Apollinaire hay nỗi buồn cô đơn của con người lang thang trong đời sống… Phạm Công Thiện bao giờ cũng tỉnh táo trong công trình khai phá những tư tưởng hiện đại mới mẻ của thế giới cũng như tình yêu những thiên tài và những siêu nhiên ở cõi hư vô. Cuộc rong chơi trăng sao vẫn triền miên, cho đến những năm gần đây khi thì ông ở Paris, khi thì Úc Đại Lợi và thỉnh thoảng uống rượu tại Los Angeles với bạn bè đồng điệu… như cánh chim đại bàng vượt đại dương cùng khắp. Ông Nguyễn Ngu Í đã chết ở Saigon và vợ con đang sống những tháng ngày khốn cùng nhất trong địa ngục trần gian. Với Bùi Giáng thì khác. Điên khùng có hơn hai mươi năm qua, làm thơ đến cả ngàn bài và vẫn đuổi theo cõi ảo giác siêu hình. Đã từ lâu tôi yêu thơ Bùi Giáng từ những tập Lá Hoa Cồn, Mưa Nguồn, Ngàn Thu Rớt Hột… và đã cố ý sưu tầm những nguyên nhân dẫn tới những chấn động mất bình thường trong đời sống của Bùi Giáng. Theo Trần Phong Giao… “Thuở nhỏ, Bùi Giáng học rất thông minh, có năng khiếu xuất sắc về sinh ngữ và văn chương. Lập gia đình năm 18 tuổi, nhưng không được hưởng hạnh phúc bao lâu vì chiến tranh và nạn lụt đã cướp mất vợ và hai đứa con thơ của ông…”. Có thể đây là một trong những giả thuyết biện chứng cho những cơn điên của Bùi Giáng? Ở một tài liệu khác của Giáo sư Vũ Ký hiện ở Bỉ viết về những kỷ niệm giữa Giáo sư và Bùi Giáng, Tạ Ký, Nguyễn Thùy là những tâm giao đồng điệu văn nghệ cùng xứ Quảng Nam. Có đoạn Giáo sư đề cập tới Bùi Giáng: “…Năm 1943 Bùi Giáng từ Trung Phước xuống học ở trường Viên Minh, Hội An được một thời gian ngắn đột nhiên bỏ về quê sống đời Tô Vũ Mục Dương làm thơ ca hát nghêu ngao giữa trời đất và phát điên từ đó không hiểu nguyên nhân…” nhiều bạn bè thương Bùi Giáng khám phá chiều sâu tư tưởng của ông thì lại nhận định khoa học hơn… “Bùi Giáng có cái biệt tài học và hiểu ngoại ngữ rất nhanh như Pháp, Anh, Đức Ngữ nên ông đã đi vào thế giới của Simone de Beauvoire, Jean Paul Sartre, Heidegger, Somerset Maugham, của Sagan của Camus, Henry Miller… thêm vào những triết lý của Khổng, Lão và Phật giáo đã làm cho Bùi Giáng nghịch lý triền miên trong tâm thức. Tuy nhiên Bùi Giáng tinh lọc những tuyệt vời nhất để hình thành những dòng thơ rất đông phương và cũng rất là Bùi Giáng:

… Rêu trời phủ xuống hiên xanh
Một bờ chim én vây thành sang thu
Sương Hy lạp phương lên mù
Ba mươi thế kỷ cầm dù dưới mưa
Đầu sông nước gọi cây mùa
Gốc du sung đẩy sông đùa phăng trôi
Cành nguyên thủy mọc xa trời
Chùm xuân xanh thổi lại đời lang thang…
… Chín phương trời tuyết ra bông
Trong nguồn thủy thảo đất đồng khai nguyên
Đầu sơ mộng cuối phi thuyền
Ngàn năm mai trúc chim chuyền bữa nay…

(Lá Hoa Cồn)

 

Ở những bài thơ khác Bùi Giáng biểu lộ toàn bộ hình ảnh cất giấu từ trong tiềm thức thuở ấu thơ, chăn dê trên những cánh đồng hoa bát ngát:

…Bữa nay ruộng nhớ lưng trời
Thông ngàn lũng hạ núi ngồi chiêm bao
Ra đi mang hận hội nào
Cổng xô còn vọng điệu chào bay ngang…
Mười lăm năm ngó triều dâng
Bóng trăng thánh thót ngọn gần ngọn xa
Ngọn cây người ở bên ta
Ngọn cây đón bóng trăng tà tà nghiêng
Mười lăm năm mộng kim tuyền
Tính vân như mãi uy quyền đầy vơi
Chim bay cất cánh từng hồi
Chim về ở lại bên đời đời dâng
Mười lăm năm ngọn tử phần
Mù sương cố quận chín tầng tầng rơi.

(Mười Lăm Năm)

Nguồn thi hứng của Bùi Giáng, phát sinh từ những dòng suối róc rách ven ngọn đồi Trung Phước, từ những giọt sương mai lấp lánh trên cành lá biếc, từ những sợi khói lam tương tư chiều trong thôn xóm Vĩnh Trinh, thuở ấu thơ đầy hoa mộng… Thơ Bùi Giáng đã chứa chan tình cảm đôn hậu của hương đồng phấn nội, của đêm trăng tỏa sáng trong vườn cam Đại Bình:

…Ruộng đồng mọc lúa quanh năm
Em về Đại Lộc tôi nằm Bình Dương
Kể ra hai nẻo lộn đường
Sầu riêng châu chấu một nường năm xưa…

Những hình ảnh thân thương lấp lánh trên đôi cánh chuồn chuồn, châu chấu, những giọt sương như đính ngọc trên lối cỏ sớm mai làm sao nguôi ngoai trong tâm hồn thi sĩ, cho dù cuộc đời đã chia cách đôi nơi:

…Bữa nay ruộng nhớ lưng trời
Thông ngàn lũng hạ núi ngồi chiêm bao
Ra đi mang hận hội nào
Cổng xô còn vọng điệu chào bay ngang…

Ở mỗi thời điểm, Bùi Giáng có những giai thoại điên khùng rất là dễ thương vì trong những cơn điên ấy Bùi Giáng chỉ tự làm tội làm tình chính thể xác ông thôi chứ không làm phiền lụy đến ai. Như trường hợp điển hình Bùi Giáng đang dạy học ở trường Tân Thanh Saigon của ông Phan Út.

…”Một đêm nọ, Bùi Giáng vào lớp mặc đến bốn áo sơ-mi và nghiêm chỉnh trịnh trọng cởi từng chiếc áo một cho đến khi… trước mặt nam nữ học sinh làm chúng hoảng kinh bỏ chạy ra khỏi lớp… Đoạn ông lấy tay chỉ lên mặt trăng phán lớn: “Các em hãy nhìn lên cao và xem kìa… chân lý… đã xuất hiện…”. Thế là xem như lớp đệ ngủ đông nhất học sinh của trường chỉ trong một đêm là tan hoang. Ông hiệu trưởng chỉ còn có nước nhăn mặt kêu trời!…” Đó là một trong những giai thoại điên của Bùi Giáng trước năm 75. Sau những năm 75 một số anh em văn nghệ sĩ vượt thoát ra hải ngoại hầu như mỗi người đều có mang theo một vài kỷ niệm buồn vui của Bùi Giáng. Như nhà thơ Hà Nguyên Thạch kể lại với người bạn khi ghé về thăm Saigon: “Một người đàn ông ăn mặc rách rưới như ăn mày, lang thang ăn ngủ trên vỉa hè, tụ tập đám trẻ bụi đời móc trong túi còn bao nhiêu tiền cho chúng ăn nhậu no nê. Trên đầu lúc nào cũng đội cái nón nhựa của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chọc quê mấy anh bộ đội…”. Một người bạn khác trong nhóm Việt Thường ở Canada kể lại chuyện “Bùi Giáng la cà ở các quán chợ trời, dừng chân bên hàng quán bán đồ phụ tùng xe đạp đang là mục tiêu xem xét của các anh bộ đội miền Bắc mới vào. Bùi Giáng với tay lấy cắp một cái ghi-đông rồi tỉnh bơ quay lưng đi làm cho người bán hàng chạy theo la lối om sòm. Bùi Giáng bình thản đưa lại cái ghi-đông và nhói nhỏ nhẹ: “Bà con thấy không? Mới mất một cái ghi-đông đã sớn sác, ồn ào đến như vậy. Sao đất nước mất đi thì chẳng nghe ai than thở tiếng nào… Lạ chưa?” Giáo sư Vũ Ký khi rời Saigon có mang theo nụ cười về Bùi Giáng: “Có lần Bùi Giáng đi bụi đời rồi nằm ngủ đêm trong chợ Trương Minh Giảng. Công an cộng sản bắt Bùi Giáng định lôi về công an Phường đánh đập. Bùi Giáng la to lên giữa chợ: Cụ Hồ hồi đi làm Cách Mạng, ngủ dọc đường xó chợ, ngủ bờ ngủ bụi, đã không bị ai bắt, sau này còn được tiếng dấn thân gian khổ làm Cách Mạng cứu nước, còn tôi theo gương Cụ thì bị mấy ông Công an này bắt bớ làm tội làm tình. Bớ Cụ Hồ ơi! Con cháu Cụ đã bắt tôi đây này! Bớ Cụ Hồ ơi! Cụ Hồ! Cụ Hồ ơi!” Ở một câu chuyện dí dỏm sâu sắc khác do một người bạn ở Hội An cư ngụ tại Los Angeles đã về thăm gia đình ở Saigon qua kể lại… “Một buổi xế trưa ở Saigon trên đường phố Lê Lợi cũ, thoáng thấy vài ba tên Liên Sô đi với một phụ nữ nhởn nhơ qua trước mặt Bùi Giáng. Thi sĩ bất thường này đã xông tới bóp vú con mẹ Liên Sô làm cho mụ ta la hoảng như nhà cháy. Bùi Giáng vẫn đứng lại chỉ trỏ vào hai cái vú to tướng mà rằng: “Có gì đâu mà sợ, để ông xem thử sữa của Liên Sô có đủ để nuôi nổi dân Việt Nam không?” Câu nói của Bùi Giáng làm cho khách qua đường một phen cười khoái chí. Sự kiện viện dẫn quả thật Bùi Giáng vẫn còn thông minh sáng suốt hơn những người sáng suốt. Tất cả những cái bất bình thường mà người ta cho là khùng điên của Bùi Giáng nhưng với Bùi Giáng thì không có gì phải quan trọng trong đời sống đầy vẩn đục, tham, sân, si, mê muội phù hư giả tướng. Nên ông đùa nghịch khinh thường cái đời sống đó. Nhưng điều gây ngạc nhiên và hoài nghi cho mọi người, cõi thơ Bùi Giáng lại trong sáng, mộc mạc, tuyệt vời thơ mộng như trăng sao:

…Thư em tờ mộng rách rồi
Tim thơ rướm máu vừa rơi thiên đường
Bấy chầy chưa tỏ chưa tường
Vì sao tâm sự như dường như không…

Thiên hạ điên chứ ông không bao giờ điên. Trong những bài thơ ở Mưa Nguồn, Lá Hoa Cồn, Màu Hoa Trên Ngàn… quả ông đã đưa mọi người yêu thơ lục bát vào cõi say mê tuyệt vời bằng những tư duy mới lạ đầy sáng tạo và bao giờ ông cũng cho ông là những người tỉnh táo nhất:

…Hết điên rồi! Hết điên rồi
Bài thơ bất tận rạng ngời Việt Nam
Con nguyên châu thổ hội đàm
Dòng sông bất tận
Huy hoàng Cửu Long
Thênh thang dưới nguyệt đêm rằm
Nguyên tiêu sương tuyết tơ tằm bủa giăng
Người điên ta có gặp người
Người không điên cũng là người gặp ta…

(Hồi Phục)

Năm 1990 nhóm Việt Thường do các ông Luân Hoán, Lưu Nguyễn, Bắc Phong, Hoàng Xuân Sơn, Đỗ Quý Toàn, Lê Quang Xuân… ở Montréal, Quebec Canada chủ trương cho ấn hành tập thơ Bùi Giáng gồm 200 bài thơ mới sáng tác sau 75.

Với mục đích nhằm mở đường cho một loạt sáng tác khác, của biết bao nhiêu người dẫn đang “đưa đầu trần, đứng một mình chống lại tất cả những thế lực đen tối đang vồ chụp quê hương”. Nhờ đó, chúng ta có cơ may đọc những bài thơ mới của Bùi Giáng nơi đất khách quê người:

…Đi về mây gió về theo
Đá vang tiếng ngựa ngọn đèo đầu khe
Đầu truông nắng dựng hội hè
Ngàn hoa mộng tưởng há dè sử xanh…

(Bình Minh III)

…Ban sơ thế điệu phiêu bồng
Về sau rớt một chùm bông quê nhà
Bây giờ một lúc uống trà
Ăn qua loa chút gọi là tái sinh…

(Tặng Cố Nhân)

Hai trăm bài thơ như giải Trường Giang Thu Bồn từ Hòn Kẽm Đá Dừng cuốn trôi ra Cửa Đại, hòa nhập vào Thái Bình Dương đầy tình người và quê hương dân tộc. Nói đến Bùi Giáng ở nhiều phương diện khác nhau, ở văn chương, ở đời sống, ở bạn bè và ở cõi hư vô khùng điên đáo để. Nhà văn Mai Thảo đã kể những kỷ niệm lý thú về Bùi Giáng ở Saigon trên những số Văn đặc biệt về Bùi Giáng khi ở trong nước và lúc ở hải ngoại. Nhà văn Võ Phiến, Viên Linh đã viết về Bùi Giáng trên Bách Khoa ngày xưa và Thời Tập bây giờ. Trần Phong Giao với Tất Cả Bùi Giáng, Du Tử Lê trong Năm Sắc Diện, Năm Định Mệnh, Cao Thế Dung qua Văn Học Hiện Đại, Thi Ca và Thi Nhân. Tạ Tỵ tác giả Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay. Không ai còn xa lạ đến cái quê quán sinh thành ra Bùi Giáng: Quảng Nam. Miền đất đã hình thành những nhà Cách Mạng như Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Nguyễn Duy Hiệu, Tiểu La Nguyễn Tất Thành, Huỳnh Thúc Kháng, Hoàng Diệu, Phạm Phú Thứ, Thái Phiên, Ông Ích Khiêm, Phan Thành Tài…
Quảng Nam còn nổi danh “Ngũ Phụng Tề Phi” nơi khoa trường như các tiến sĩ thủ khoa là các ông Phan Quang, Phạm Liệu, Phạm Tuấn, Ngô Lý và Dương Hiển Tiến… Ngoài thiên tài Bùi Giáng, cái xứ “đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm. Rượu hồng đào chưa uống đà say…” đã đào tạo nhiều thế hệ văn nghệ sĩ tên tuổi trong sinh hoạt văn học nghệ thuật Việt Nam. “…Theo nhận xét của cổ nhân, có thể vì chịu ảnh hưởng của sơn kỳ, thủy tú nên dân Quảng Nam phần đông có tư chất thông minh, cần cù, hiếu học. Sĩ phu thì có khí tiết, cứng cỏi ngay thẳng, bộc trực nhưng vì thổ lực không hậu, mà thế nước chảy xiết, cho nên tính người ít trầm tĩnh, phần nhiều nóng nảy…” (Tài liệu Hứa Hoành). Qua phân tích của người xưa đã viện dẫn, không biết có ảnh hưởng gì đến cái thể tính bốc đồng gàn dở, ngang bướng của Bùi Giáng mà người đời bình thường gọi ông là “thi sĩ điên”? Ở những cảm tình mến mộ tài hoa Bùi Giáng khác thì gọi ông là nhà thơ rong chơi ở cõi “Giang sơn một gánh dị thường!”

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button