Vài dòng tiểu sử về cựu giáo sư Trần Đình Quân
Phan Thái Yên
Trần đình Quân tuổi Mậu Dần (1938), mặc dù trong khai sinh ghi là 1939. Thân sinh là cụ Trần đình Dần người làng Tam Đa, huyện Thanh Oai,tỉnh Hà Đông (bây giờ là Hà Tây ). Thuở trai trẻ, ở Hà Nội, làm việc tại toà soạn Báo TIẾNG DÂN của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Khi tờ báo này bị đóng cửa, cụ chuyển vào Huế, hoạt động cách mạng một thời gian. Không thoát ly ra Bắc, ở lại Huế làm cho tờ báo TIẾNG DÂN của Võ Như Nguyện. Thân mẫu là bà Bùi thị Uyển nổi tiếng nhan sắc một thời, con gái cưng của một vị tri huyện, làng Mỹ Xá, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Khi hai ông bà gặp nhau, Ông đã có một người con riêng: Trần đình Trung. Hai người có 3 người con chung: Trần đình Quân, Trần thị Mai Hoa, Trần thị Hồng.
Trần đình Quân thừa hưởng dòng máu nghệ sĩ lãng mạn của bên ngoại. Lúc 6 , 7 tuổi đã rất mê âm nhạc. Hồi đó có rất nhiều đoàn văn công về hoạt động ở quê ngoại làng Mỹ Xá. Mỗi khi có đoàn nào đến là gia đình không thấy mặt Trần đình Quân đâu cả. Anh bám riết theo đoàn, theo các văn nghệ sĩ của đoàn, nhìn họ sinh hoạt, nhìn họ tập ca tập múa, say sưa không chán. Bà mẹ vốn có máu nghệ sĩ trong người, không lấy thế làm buồn, luôn luôn che chở khuyến khích con trai, mặc cho đi sớm về khuya thỏa thích. Cậu nhỏ hồi đó thuộc làu làu các bài ca cách mạng, về nhà là hát oang lên.
Năm 1951, Quân được cho lên Huế học, trú tại Gia Hội. Anh theo học 4 năm Trung học Đệ nhất cấp tại trường Trung Học Tư Thục Nguyễn Du. Anh là một học sinh giỏi và luôn luôn là người tổ chức mọi sinh hoạt văn nghệ cho lớp, nên rất được các thầy cô bạn bè yêu mến. Thời gian này anh rất mê xem hát bội, hể có giờ rãnh là thấy anh có mặt ở rạp Đồng Xuân Lâu, len vào tận hậu trường, làm quen với mọi người, có khi cầm trống chầu đệm nhịp. Về nhà, tay anh không khi nào rời cây lục huyền cầm. Say sưa. Cuồng nhiệt .
Năm Đệ Tam anh vào học Quốc Học cho đến khi tốt nghiệp Tú tài . Thuở đó, Huế vừa có trường Đại học, nhưng anh chiều ý gia đình, vào học tại Sài-Gòn. Anh thi vào trường Cao Đẳng Sư Phạm (hậu thân của Cao Đẳng Sư Phạm Đông Dương, Hà Nội) , năm sau trường Đại Học Sư Phạm Sàigòn thành hình, anh được chuyển qua học năm hai tại đó, cho đến khi tốt nghiệp (1961) và được bổ về dạy tại trường Trung học Phan châu Trinh, Đà Nẵng.
Năm 1965, anh bị gọi nhập ngũ. Anh tốt nghiệp Khoá 25 Thủ đức và được biệt phái về dạy lại tại PCT. Năm 1971, lấy lý do sức khỏe, anh xin chuyển qua làm Quản thủ Thư viện, rồi được cử qua Úc tu nghiệp hai năm về thư viện.
Về nước anh lập gia đình với chị Nguyễn thị Hương, hoạt động Du ca, sáng tác, dạy học. Sau tháng Tư năm 1975 anh bị lùa đi học tập cải tạo. Trần Đình Quân và anh Lê Quang Mai, Trương văn Hậu, là người có thời gian học tập cải tạo dài nhất trong số các giáo sư biệp phái tại PCT. Chính quyền buộc anh và gia đình phải đi kinh tế mới, anh trốn vào Sài Gòn. Vào đó anh cũng bị chính quyền yêu cầu ra khỏi thành phố. Anh trốn chui trốn nhủi và sau đó vượt biên, năm1985. Qua Úùc ở một thời gian rồi tiếp tục định cư ở Mỹ, Orange County, California. Những năm sau này anh mắc bệnh Alzheimer rất trầm trọng.
Anh từ trần ngày 22 tháng 9 năm 2003. Để lại vợ, chị Nguyễn thị Hương, và hai con: Duy, Nam-Phương.
KHÚC TÌNH CA XỨ HUẾ:
Đi vào cửa Thượng Tứ Huế, rẽ phải, theo con đường Nguyễn Thành, dọc bờ thành một quảng 200m (bây giờ có Quán Cà Phê NGÕ HẠNH), leo một bậc cấp gồm những tảng đá xếp vào nhau, trèo lên thượng thành, phía trái có một gian nhà tranh vách gỗ, mặt tiền có một giàn hoa bất tử màu tím, hoa nở quanh năm, phía sau nhìn vói xuống là hồ sen hương thơm ngào ngạt, nhìn ra xa xa con sông Hương lặng lờ uốn khúc, như thật như mơ, huyền ảo, trữ tình. Đó là nhà TĐQ ở hồi anh sáng tác bài KHÚC TÌNH CA XỨ HUẾ, khoảng 1958.
Bài nhạc này lúc đầu được đặt tên là NIỀM THƯƠNG XỨ HUẾ, tên tác giả là TRẦN ĐA MỸ (chứ không phải Trần đại Mỹ). Đa là Tam Đa, quê nội, Mỹ là Mỹ Xá, quê ngoại. Đến năm 1961, ca sĩ Duy Khánh vào gặp Trần Đình Quân tại trường PCT, đề nghị xuất bản, bài hát ấy mới được đổi tên thành KHÚC TÌNH CA XỨ HUẾ. Ca sĩ Duy Khánh bảo QUÂN, tên anh hay như vậy thì lấy biệt hiệu làm chi, vì vậy Q mới ký tên TĐQ vào bài hát. Người hát bài hát này đầu tiên là một cô gái rất trẻ rất đẹp của đất Thần Kinh lúc đó, DẠ ÁI . Với bài hát này, được TĐQ luyện tập tận tình, DẠ ÁI đã đoạt giải quán quân trong Kỳ Thi Tân Nhạc do đài Phát thanh Huế tổ chức. Thuở đó, đi khắp phố phường xứ Huế, bãi sông, bến chợ, rạp hát, rạp ciné, quán trà, quán cà phê, tiếng hát DẠ ÁI với NIỀM THƯƠNG XỨ HUẾ thánh thót, nỉ non ngậm ngùi ru lòng người bâng khuâng, man mác…
VƯỜN DÂU XANH
Năm 1991, qua sự giúp đở của thân hữu va học trò cũ, nhà xuất bản Người Việt Cali đã phát hành tuyển tập nhạc Vườn Dâu Xanh của nhạc sĩ Trần đình Quân
CÁC NHẠC PHẨM TIÊU BIỂU
khúc tình ca xứ Huế (Thiên Trang, WMA format)
Những chiếc khăn (Diễm Chi, MP3, Source Du Ca Việt Nam)
Bỏ trường mà đi (Duy Khánh, MP3, Source Du Ca Việt Nam)
Bấy giờ (Hương Lan, MP3, Source Du Ca Việt Nam)
(Phần tiểu sử do một cựu GS Phan Châu Trinh viết, Phan Thái Yên trích lược, cung cấp)