Tưởng nhớ những mùa xuân

Trần Trung Ðạo

Thời gian trôi nhanh. Mới đó mà đã hai mươi năm. Từ một chàng sinh viên 20 tuổi ôm mộng lớn vào đời tôi đã thành một trung niên 40 tuổi. Hai mươi năm qua trong khoảng thời gian được gọi là tuổi trẻ hay đôi khi còn được gọi một cách văn chương là “mùa xuân của cuộc đời”.

Những năm mới đến xứ nầy, mỗi đêm giao thừa là mỗi đêm nghe lòng mình thắt lại. Nằm một mình trong căn phòng trống vắng, giữa mùa đông đất khách, tôi nhớ lại những mùa xuân qua đi. Nhớ đến những nỗi đau ngất trời của bản thân mình, của đồng bào mình, của quê hương mình.

Đón giao thừa trên đất khách, cũng là lúc tôi thiết tha nhớ về những bè bạn, anh em, nhớ về những người đã ra đi vì một chọn lựa riêng tư hay nhiều khi ra đi chỉ vì không còn một chọn lựa nào khác dành cho họ. Giấc mộng vàng của tuổi trẻ chúng tôi đã chết.

Biết kể anh nghe những chuyện gì
Chuyện buồn thôi hãy cố quên đi
Nghìn năm nước chảy cầu sông Dịch
Chí lớn hao mòn theo dấu rêu

Thuở tóc còn xanh trên mái đầu
Chuyện trò tâm sự suốt đêm thâu
Tôi mơ một mảnh trời thơm ngát
Anh bón chùm hoa rực sắc màu

Hai đứa thường mơ chuyện vá trời
Tâm hồn trải rộng khắp muôn nơi
Anh như tay kiếm thời ly loạn
Tôi bút nghiên rung vẽ lại đời

Nhắc nhở làm chi chuyện đã rồi
Mộng vàng đã chết thuở hai mươi
Soi gương tóc bạc vài ba sợi
Tổ quốc nhìn lên chỉ ngậm ngùi

Định viết thư thăm đã mấy lần
Gởi về đâu nhỉ, rất xa xăm
Đời trôi không hẹn ngày tương ngộ
Xin giữ mang theo xuống mộ phần .
(Thăm Bạn, thơ Trần Trung Đạo)

Tôi nhớ Thắng, anh chàng sinh viên quốc gia gốc Quảng Nam thẳng thắn, thông minh. Tôi nhớ đến Cư, anh chàng sinh viên có đầu óc xã hội, tả khuynh, nông nổi. Đối với tôi, cả hai không những là hai người bạn thân thiết nhất mà còn là những đại diện cho suy nghĩ của thế hệ chúng tôi, một thế hệ sinh ra khi vở bi kịch đã mở màn. Chúng tôi quờ quạng, loay hoay giữa sân khấu, cố tìm một hướng đi đích thực cho mình và cho đất nước.

Tôi còn nhớ trong những ngày cuối tháng Tư năm bảy lăm, khi Cộng Sản đã chiếm được hơn nửa miền Nam, các phong trào Sinh Viên Cộng Sản nội thành bắt đầu xuất hiện hoạt động mạnh công khai lộ liễu hơn. Nhiều tổ chức chính trị, tôn giáo xuống đường đòi Tổng Thống Thiệu phải từ chức. Cư tìm hỏi Thắng “Trong giai đoạn nầy, cậu nghĩ ai là người có khả năng lãnh đạo đất nước?” Cư hy vọng Thắng sẽ trả lời “Dương Văn Minh” hay “Nguyễn Cao Kỳ”. Nhưng không. Thắng trả lời ngay không cần suy nghĩ: “Nguyễn Văn Thiệu”. Cư ngạc nhiên. Trong số bạn bè, Thắng là người hay phê bình Tổng Thống Thiệu, không những ở trong lúc riêng tư, hay trong khuôn viên Đại Học mà ngay cả trước công chúng. Nghe Thắng trả lời, Cư bật cười, ngỡ rằng cậu ấy nói chơi. Thắng không cười. Tôi không cười. Tôi biết Thắng nói thật. Lời nói của Thắng vọng ra từ nơi sâu thẳm nhất của trái tim cậu ấy.

Tôi cũng đồng ý với Thắng. Đã quá trễ cho mọi sự đổi thay chính phủ, cho đấu tranh nội bộ.

Sau đó vài tuần khi Nguyễn Thành Trung ném hai trái bom xuống Dinh Độc Lập. Đứng trên hành lang đại học, chúng tôi âm thầm van vái cho bom đừng trúng nhằm ông Thiệu. Ông Nguyễn Văn Thiệu phải sống. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu của nước Việt Nam Cộng Hòa phải sống. Trong hoàn cảnh nầy chẳng còn ai nữa. Mọi thay đổi chỉ gây thêm bất ổn mà thôi. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu dù có muôn vạn lỗi lầm, đồng bào miền Nam cũng sẽ tha thứ hết, sẽ quên hết để cùng chiến đấu cho nền Cộng Hòa non trẻ và đáng thương của chúng ta còn tồn tại. Phải tồn tại dù phải chịu đựng nhiều hy sinh. Bởi vì ngoài Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ra, trong giai đoạn nầy không còn ai đủ sức đương đầu với Cộng Sản. Cộng Sản chỉ mong Tổng Thống Thiệu chết hay bỏ đi. Ông chết hay ra đi chắc chắn sẽ để lại một miền Nam hỗn loạn và tan nát về mọi mặt. Nhờ vậy họ sẽ dễ bề chiếm đoạt.

Nhưng rồi niềm hy vọng mong manh cuối cùng của chúng tôi cũng tan vỡ. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã ra đi. Với chúng tôi, ông ra đi không phải chỉ mang theo 16 tấn vàng như người đời đồn đãi. Điều đó, dù có thật chăng nữa, đối với chúng tôi cũng không quan trọng. Nhưng quan trọng ở chỗ, ông đã mang theo của chúng tôi chút niềm tin còn lại cuối cùng của tuổi hai mươi.

Vàng bạc của cải có thể làm lại, có thể tìm lại được nhưng niềm tin thì rất khó.

Bạn tôi, Cư, cũng ra đi. Cư không đi Mỹ như ông Thiệu nhưng đi Tây Ninh hay Trảng Bôm, Trảng Bàng gì đó. Nói theo danh từ chiến tranh du kích thì Cư đã vào Bưng. Chàng thanh niên nhiệt huyết nhưng nông nổi đó đã chính thức bỏ trường mà đi. Cư chẳng biết gì về Cộng Sản cả. Cư yêu nước cực đoan và bảo thủ. Mỗi lần nói về sinh mệnh dân tộc, cậu thường trích câu nói của một giáo sư khuynh tả: “Xã hội Việt Nam giống như chiếc áo rách tả tơi, vá víu chỉ tốn công và tốn vải, cách duy nhất là xé bỏ và may chiếc áo khác”.

Cư thích nói về cách mạng, về Che Guevara, về Robert Pierre và cũng thích nói về quê hương Sơn Tịnh nghèo khổ của cậu. Mơ ước của Cư không phải để trở nên một nhà chính trị, nhà lãnh đạo đất nước nhưng là một chuyên viên kỹ thuật. Cậu ấy chỉ mong làm sao, ngày nào đó, có khả năng chế tạo được cái máy tráng bánh tự động và tự làm khô lấy, để mẹ cậu khỏi phải ngồi bên cạnh nồi nước sôi từ tờ mờ sáng đến xế chiều để làm bánh tráng và cha cậu khỏi phải phơi nắng suốt ngày để hong khô bánh tráng.

Thắng cũng là một thanh niên có lòng yêu nước hết sức đậm đà. Nhưng khác Cư, Thắng là một sinh viên có tinh thần quốc gia triệt để. Thắng là một người có nguyên tắc sống, có ý thức chính trị và có lý tưởng. Thắng không tha thiết đến việc đấu tranh cho “tự do, dân chủ” như nhiều tổ chức ngụy hòa, bung xung thời bấy giờ vì cậu ấy cho đó là không thực tế trong một hoàn cảnh cuộc chiến tranh tự vệ tàn khốc như chiến tranh Việt Nam. Mong muốn hàng đầu của Thắng là trong sạch hóa guồng máy lãnh đạo. Thắng cho rằng chính phủ phải cứng rắn, nếu cần cũng phải độc tài, nhưng, trước hết, phải trong sạch và yêu nước. Chao ôi, điều gọi là lý tưởng yêu nước và trong sạch giữa giai đoạn nhiễu nhương thời bấy giờ có vẻ viễn mơ hơn cả ngàn lần cái viễn mơ của các chàng thi sĩ.

Thắng rất lạc quan. Ngày Đà Nẵng mất, Thắng vẫn bình tĩnh trong lúc tinh thần tôi đang xuống dốc thậm tệ. Cậu ta rất tin vào sức mạnh của quân đội. “Chẳng qua là một mùa Xuân đỏ lửa, giống Mùa Hè Đỏ Lửa như nhà văn Phan Nhật Nam gọi trước đây mà thôi. Quân đội sẽ phản công và chiếm lại các phần đất đã mất”, Thắng có lần nói với tôi như thế. Không biết là cậu nói thật lòng hay là chỉ nói để tự trấn an chính mình. Ở Sài Gòn, ngoài Ngọc, người yêu của cậu, Thắng chẳng còn ai là thân nhân. Ngọc, biết Thắng không thể nào sống được với Cộng Sản, cứ năn nỉ Thắng phải tìm cách ra đi. Thắng không bỏ đi như Tổng Thống Thiệu hay ra đi như Cư. Thắng đã ở lại. Ở lại để chứng kiến cơn giông thời đại đang càn quét lên sinh mệnh dân tộc và lên những ước mơ vừa mới đâm chồi của thế hệ chúng tôi.

Ngày 30 tháng tư, ngày mà nhân dân miền Nam không mong đợi đã đến. Nền Cộng Hòa sinh thiếu tháng, ốm đau của chúng tôi vừa chết. Đứng trên lầu hai trường Tân Văn, chúng tôi khóc như những đứa trẻ vừa mất mẹ. Cả thành phố Sài Gòn chìm trong tang tóc. Sài Gòn đã đổi thay. Không những trong mỗi con đường, mỗi khu phố nhưng đổi thay cả trong lòng người. Khi nghe đài phát thanh triệu tập sinh viên nào trở về trường nấy, chúng tôi trở về trường. Hai đứa tôi ngồi phía cuối lớp nghe bọn lãnh đạo đoàn đọc như vẹt “Chính sách Bảy và Mười điểm” của Ủy Ban Quân Quản. Thắng và tôi đứng dậy bỏ lớp ra về.

Bất chợt, chúng tôi gặp Lĩnh, sinh viên năm thứ nhất và cũng là em họ của Cư, ngơ ngác ngoài cổng trường. Tôi hỏi Lĩnh về Cư. Lĩnh trả lời rất nhỏ: “Anh Cư chết rồi anh ạ, ảnh chết tại Ngã Tư Bảy Hiền hôm sáng 30 tháng 4 trên đường về lại Sài Gòn”. Lĩnh vừa nói vừa rơm rớm nước mắt. Cư chết, những bức xúc không kềm chế được của tuổi thanh niên đã giết chết Cư.

Tại sao và tại ai. Một câu trả lời thật đúng trong hoàn cảnh nầy đã không còn cần thiết. Cuộc đời Cư giống như một giòng sông. Xin đừng trách giòng sông đã làm ra những con nước xoáy nhưng hãy trách những ghềnh đá hiểm nguy nằm đợi trên đường.

Những đổi thay dồn dập của vận mệnh đất nước làm chúng tôi không có một cơ hội dù ngắn ngủi để thắp một nén hương, nhỏ một giọt nước mắt cho Cư. Những thảm trạng trùng trùng đổ xuống đã làm cho tâm hồn còn non trẻ của chúng tôi không còn chỗ để chứa thêm một nỗi đau đớn khác. Thắng cũng từ giã tôi để về quê. Cậu ta phải trở về quê hương Quảng Nam để lo lắng cho mẹ. Cha của Thắng bị bắt ngay sau ngày 29 tháng 3, ngày Đà Nẵng bị lọt vào tay Cộng Sản, mà cậu ta mãi đến sau 30 tháng 4 mới biết. Tôi tiễn Thắng ra bến xe trong một buổi sáng sớm. Hai đứa ngồi trong một quán cà phê vắng, uống với nhau một ly cà phê. Từ đó tôi không gặp lại Thắng nữa.

Trước ngày vượt biên tôi về thăm quê lần cuối. Tôi ghé Vĩnh Điện tìm Thắng nhưng không gặp được cậu ta. Mẹ Thắng nói là cậu ấy bỏ nhà ra đi đã mấy năm. Trước khi đi Thắng có hứa với mẹ là sẽ quay về nhưng đã mấy mùa Xuân trôi qua vẫn miệt mài tin tức.

Giòng nước Thu Bồn vẫn cuồn cuộn chảy. Đất nước đã “hòa bình” và “thống nhất” nhưng quê hương tôi lại bước vào một kỷ nguyên của nghèo đói, lầm than nhất. Tôi đứng một mình bên chân cầu Vĩnh Điện nhìn hai rặng tre dài nghiêng mình soi bóng nước và những cụm lục bình đang âm thầm trôi về hướng biển. Trôi đi và trôi đi biền biệt như số phận tuổi trẻ chúng tội Thắng đi đâu? Thắng tham gia các phong trào phục quốc? Thắng vượt biên? Tôi không biết. Nhưng có một điều tôi biết chắc, dù ở đâu, Thắng không bao giờ từ bỏ lý tưởng tự do cho dân tộc mình.

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button