tuổi trẻ hải ngoại và cuộc cách mạng internet

tham luận Trần Trung Ðạo

Sau ngày cả nước rơi vào tay Cộng Sản, hàng triệu người Việt Nam như bầy chim bay lạc khắp bốn phương trời. Sự chọn lựa nơi cư trú gần như không còn là quyết định của cá nhân nhưng tùy thuộc vào sự sắp xếp của quốc gia cho phép định cư, hay trong nhiều trường hợp chỉ là rủi may trong cuộc sống. Nhưng dù định cư ở bất cứ nơi nào trên trái đất, người Việt Nam, qua nhiều cách, nhiều phương thức, cũng cố tìm đến nhau, tìm về nhau, tìm nhau ngoài đường phố và trong cả học đường. Tháng 8 năm 1988, một sinh viên Việt Nam từ trường đại học Boston, qua trung gian thư điện toán (email) đã có dịp làm quen với một sinh viên Việt Nam khác đang học tại University of California at Irvine (UCI). Ngay sau đó, một số sinh viên khác từ các trường ở Florida, Học Viện Kỹ Thuật MIT cũng lần lượt làm quen nhau và gia nhập vào nhóm nhỏ những người Việt đầu tiên trên Liên Mạng được gọi là Viet Net (Vietnamese Network).

Từ tháng 8 năm 1988 đến đầu năm 1992, Viet Net là một môi trường tích cực và hữu hiệu cho giới trẻ Việt Nam khắp nơi trên thế giới “gặp” nhau và học hỏi lẫn nhau. Trong cộng đồng của khoảng 500 người Việt, trong đó có kẻ viết bài nầy, đã tạo nên một sinh hoạt Việt Nam đa diện và thân tình. Tham dự viên cư ngụ khắp nơi trên thế giới, từ California miền Nam đến tận các tiểu bang Đông Bắc như Massachusetts, Main, từ Hoa Kỳ cho đến tận các quốc gia cực Bắc xa xôi như Na Uy, Phần Lan hay các quốc gia thuộc châu Đại Dương như Tân Tây Lan, Úc Đại Lợi.

Trong thời gian nầy, vì các thành quả kỹ thuật điện toán chưa được dồi dào, phương pháp ráp nối vào liên mạng không dễ dàng như ngày nay, thư điện toán (e-mail) là phương tiện duy nhất để trao đổi, để chuyển và để nhận các tin tức sinh hoạt trong cộng đồng người Việt. Mỗi ngày trung bình khoảng 50 e-mail được hai máy trung chuyển, một ở California và một ở Massachusetts, gởi đến mỗi thành viên của nhóm. Vì trị giá của các máy điện toán thời ký đó còn quá mắc nên thành phần tham dự viên của diễn đàn đa số là sinh viên theo học chuyên ngành điện toán từ các đại học lớn hay các chuyên viên kỹ thuật làm việc cho các công ty chuyên về điện toán như Sun, Motorola, IBM, Apple, Sony.

Viet Net phục vụ như là một nhịp cầu trao đổi các ý kiến và ưu tư của người Việt về nhiều mặt trong cuộc sống mới. Khoa học kỹ thuật, xã hội, văn thơ và tình bạn được xem là các sinh hoạt chính của Viet Net. Có những tình bạn thân thiết đã nảy sinh từ Viet Net và ngay cả một vài cuộc tình tha thiết đã dẫn tới hôn nhân cũng bắt nguồn từ những cuộc hẹn hò kín đáo trong “công viên Viet Net” nầy.

Ngoài sinh hoạt xã hội, giáo dục, các cuộc tranh luận chính trị sôi nổi giữa các khuynh hướng chính trị khác nhau, nhiều khi mang nặng tính cách ý thức hệ Quốc Gia Cộng Sản cũng đã xảy ra trên diễn đàn nầy. Nhìn từ hướng tích cực, nhờ vào các buổi “Internet crossfire” đó, mà các tham dự viên có dịp đọc các bài viết chính trị nghiêm túc và có nghiên cứu của các tham dự viên trong diễn đàn, cũng như đọc các bài trích đăng từ các học giả, các chính trị gia ngoài diễn đàn Viet Net. Dĩ nhiên, cộng đồng Viet Net, cũng không tránh khỏi một số hiện tượng tiêu cực thường có trong các quan hệ xã hội và quan hệ con người, đặc biệt đối với tâm lý của người Việt Nam sau một cuộc chiến tranh dai dẳng mấy chục năm trời.

Đến đầu năm 1992, con số tham dự viên của Viet Net lên đến khoảng 600 người. Với con số đó việc chuyển thư điện toán do các máy trung chuyển trở thành một vấn đề khó khăn và chậm chạp. Với sự ủng hộ của khối người Việt đông đảo trên Internet và sự chấp thuận của đa số tham dự viên của Viet-Net, Viet-Net hội nhập vào soc.culture.vietnamese (SCV). Ngoại trừ một số rất ít tham dự viên vẫn phải nhận điện thư qua trung gian các máy trung chuyển, đa số tham dự viên đã hội nhập dễ dàng vào môi trường mới của SCV.

SCV là một nhiều ngàn nhóm tin được lưu chuyển trên Liên Mạng. SCV là một Viet Net trên một tầm vóc rộng rãi hơn và đông đảo hơn nhiều. Việc liên lạc với SCV cũng dễ dàng và nhanh chóng hơn vì không nhất thiết phải qua trung gian thư điện toán mà có thể qua trung gian của các nhu liệu đọc tin khác do trường học và công ty cung cấp để đọc các bài từ các nhóm tin trên Liên Mạng. Cuối năm 1992, tập thơ Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười của kẻ viết bài nầy là tập thơ đầu tiên được in và phát hành hai lần trên Internet do công sức của những người bạn thân thiết nhưng không biết mặt nhau, và hơn mười năm sau, nhiều người trong nhóm, vẫn chưa biết mặt nhau.

Từ năm 1994 trở về sau, Liên Mạng đã trở nên phổ biến, thông dụng và nhiều phương tiện dẫn đến Liên Mạng, một trong những phương tiện đó là Mạng Nhện Toàn Cầu (World Wide Web gọi tắt là WWW). Sự xuất hiện của Mạng Nhện Toàn Cầu được đánh giá như một cuộc cách mạng trong lãnh vực thông tin. Cộng đồng người Việt trên Liên Mạng đã tỏ ra rất bén nhạy trước kỹ thuật mới nầy. Hàng trăm trạm cung cấp (web server) đã được thành lập để cung cấp tin tức thời sự, sinh hoạt văn học, đấu tranh chính trị chống Cộng Sản, quảng cáo thương mại, v.v… Con số trang nhà (homepage) cá nhân cũng đã tăng một cách nhanh chóng đến nhiều ngàn trang. Với sự ra đời của Mạng Nhện Toàn Cầu sinh hoạt trên Liên Mạng hoàn toàn đổi khác. Thành phần tham dự viên cũng phát xuất từ nhiều ngành nghề, nhiều thế hệ khác nhau. Liên Mạng không còn là nơi gặp gỡ của tuổi trẻ mà là của mọi giới, mọi thành phần xã hội. Các hội đoàn, các tổ chức, các tạp chí, các tôn giáo, các nhà xuất bản, đài phát thanh….đều có trạm cung cấp trên Liên Mạng.

Ngoài ra, các nhóm chuyên biệt dựa vào sở thích và nhu cầu (Special Interest Group, gọi tắt là SIG) cũng đã ra đời. Mỗi nhóm sinh hoạt riêng và có trạm cung cấp riêng được xây dựng công phu và đẹp đẽ. Mỗi nhóm có tham dự viên hay hội viên riêng. Các nhà văn, nhà thơ quen thuộc ngoài Liên Mạng cũng đã có thơ văn trực tiếp gởi lên Liên Mạng qua trung gian các trang nhà riêng của họ hay trạm cung cấp ái mộ họ. Các tạp chí và các tờ báo lớn cũng đã có trạm cung cấp riêng trên Liên Mạng, các nhà xuất bản và tổng phát hành cũng đã mở cửa hàng trên Liên Mạng. Ngày nay, tất cả công ty lớn của Mỹ, các đại học lớn nhỏ và ngay cả nhiều trường trung học đã nối vào Liên Mạng. Rất đông công ty thương mại, văn phòng luật sư, bác sĩ, bảo hiểm, v.v…thuộc quyền sở hữu của người Việt đã nối vào Liên Mạng.

Không giống như trong thời kỳ Viet Net và SCV từ 1988 đến 1994, trong đó các sáng tác văn học chỉ có mỗi một nơi để gởi, sinh hoạt văn học trong Liên Mạng từ 1994 trở về sau đã phân chia thành nhiều nhóm sở thích. Ngoài ra, không giống như thời kỳ Viet Net với số lượng những cây bút viết đều đặn chỉ đếm đủ trên đầu mười ngón tay, các nhóm sinh hoạt văn học trên Liên Mạng phát xuất từ các trang nhà (homepage) ngày nay đông không kể xiết. Mỗi trạm cung cấp có số tham dự viên lên đến mấy trăm người hay cả ngàn người và cũng có một số cây bút thường xuyên cho trang của họ. Ngoài các nhóm đặt cơ sở hoàn toàn trên Liên Mạng, còn có nhiều nhóm gián tiếp sinh hoạt trên Liên Mạng và cũng đã có nhiều đóng góp ý nghĩa vào sinh hoạt văn hóa của giới trẻ hải ngoại và đáng được ca ngợi.

Những ngày chúng ta còn ở trong nước, dù quan niệm “chiếu trên chiếu dưới” còn tồn tại, dù ngăn cách nhau trong suy nghĩ, trong tuổi tác, người cầm bút và người đọc vẫn chia xẻ nhau chung một môi trường văn hóa, một đời sống kinh tế, và các mối quan hệ xã hội. Các em học sinh trung học đang tập tành viết lách hay dù không viết lách cũng biết đọc tạp chí Văn, Văn Học, Bách Khoa như các chú các bác nhà văn nhà thơ tên tuổi khác. Giáo dục trong các trường hợp đó là giáo dục trực tiếp và khả năng sáng tạo trong trường đó đã được kích thích trực tiếp qua các va chạm kiến thức và đời sống.

Tuy nhiên điều nầy không còn là một thực tế đối với tuổi trẻ lớn lên tại hải ngoại. Các thế hệ Việt Nam trẻ tại hải ngoại lớn lên trong một môi trường văn hóa giáo dục hoàn toàn khác. Họ ăn hamburger, học tiếng Mỹ, mang vào đời sống những suy nghĩ rất khác với suy nghĩ của ông bà cha mẹ. Cách đây không lâu, trước khi Liên Mạng trở nên phổ biến, đa số tuổi trẻ hải ngoại dù yêu thích văn thơ và đang tập tành làm thơ viết văn bằng tiếng Việt, cũng không biết nhà văn Doãn Quốc Sĩ là ai, không biết nhà thơ Hà Bỉnh Trung là ai, không biết nhà thơ Hà Huyền Chi là ai. Họ không có ai để dẫn dắt, không có ai để so sánh, không có một khuôn thước để noi theo, không có ai để chọn làm mục đích tiến thân.

Cuộc cách mạng điện toán đã giúp các thế hệ Việt Nam vượt qua các khó khăn đó và Liên Mạng thật sự đã trở thành một chiếc cầu quan trọng nối liền khoảng cách giữa các thế hệ Việt Nam hải ngoại trong nhiều lãnh vực. Trong năm năm qua, không ít nhà văn nhà thơ quen thuộc ngoài Internet có cơ hội tiếp xúc hay làm việc trong môi trường điện toán, ý thức vai trò quan trọng của Liên Mạng, nên đã tìm cách nối liền hai sinh hoạt văn chương cũ và mới, trong và ngoài Liên Mạng. Một vài đóng góp đáng cho giới trẻ biết ơn và kính trọng như trường hợp nhà thơ Du Tử Lê trong nỗ lực đưa các tác phẩm của ông sang Anh Ngữ, dịch giả Hoài Văn Tử phiên dịch Lục Vân Tiên, Chinh Phụ Ngâm sang Anh Ngữ.

Xin hãy đến với tuổi trẻ, những người đang khao khát tìm về nguồn cội, để dẫn dắt họ, dạy họ làm thơ, tập họ viết văn.

Xin các bậc cha mẹ chú bác hãy đến với tuổi trẻ bằng một tấm lòng bao dung, rộng mở, tự nhiên, không định kiến.

Xin hãy thương yêu và chăm sóc họ như chăm sóc cây xanh, hoa lá trong khu vườn sau nhà quý vị vì chính họ cũng là những cây xanh, hoa lá trong khu vườn văn hóa của dân tộc Việt Nam sau nầy.

Trong những địa phương có phương tiện, hãy phối hợp với cộng đồng địa phương để lập ra các giải luận văn, các phong trào khuyến học, những lớp văn hóa Việt Nam, các lớp dạy về lịch sử Việt Nam, các ngày văn hóa Việt Nam để các em có dịp đến nghe, thưởng thức và biết ơn các giá trị văn hóa Việt Nam. Hãy đến với tuổi trẻ vì tuổi trẻ đang cần chúng ta chứ không nên chỉ đến với tuổi trẻ khi chúng ta cần tuổi trẻ.

Thành thật mà nói, không ít các bậc cha mẹ chú bác dù đã và đang sống trên đất Mỹ hàng chục năm nhưng nếp sinh hoạt văn hóa, xã hội vẫn giữ như thời kỳ còn ở trong nước, khép kín trong một môi trường sinh hoạt cũ và với những phương pháp làm việc cũ. Đã đến lúc phải cập nhật hóa kiến thức về kỹ thuật và hội nhập vào môi trường sinh hoạt mới. Không phải học thành kỹ sư, bác sĩ mới có khả năng hội nhập và hội nhập cũng không có nghĩa là chấp nhận bị đồng hóa. Hội nhập ở đây có nghĩa là một thái độ sống mới, những phương thức làm việc mới, không bỏ cái hay của ta nhưng học cái hay của người. Hội nhập để có một cái nhìn thực tế hơn trong hiện tại và khai phóng hơn về tương lai, của loài người cũng như của đất nước chúng ta.

Tuổi trẻ hải ngoại, phát xuất từ căn bản giáo dục Âu Mỹ, lớn lên với những khái niệm mơ hồ về lịch sử dân tộc mình, nguồn gốc văn hóa của chính mình, của quê cha đất tổ mình. Họ nhìn lên tìm kiếm một ngọn hải đăng chỉ để thấy ở đó là một vùng đầy bóng tối của tranh chấp, của phân hóa ngay giữa những các bậc cha chú họ. Cũng vì thiếu người dẫn dắt, con đường tìm về nguồn gốc văn hóa Việt của các em là một con đường mờ căm, xa xôi và đầy gai góc. Xin các bậc cha mẹ chú bác, đừng đợi tuổi trẻ tìm đến quý vị, hãy đứng đậy đi về phía tuổi trẻ, gõ cửa tâm hồn họ, thắp lên ngọn lửa niềm tin và hy vọng trong lòng họ, đi cùng với họ trên đường tìm đến suối nguồn văn hóa dân tộc. Các tổ chức cộng đồng cũng nên có các ủy viên đặc trách về Internet, đặc trách về khoa học kỹ thuật và nhất là đặt nặng việc phát huy văn hóa dân tộc trong các sinh hoạt cộng đồng cũng như trong khuôn viên đại học.

Trong nhiều chục năm qua, Cộng Sản đánh lận con đen trong việc đồng nghĩa văn hóa dân tộc và văn hóa nô dịch kiểu Cộng Sản là một, đồng hóa ý thức hệ Cộng Sản và lòng yêu nước thuần kiết của con người Việt Nam là một. Thủ đoạn đó có thể được tìm thấy qua vô số văn thơ của các nhà thơ Cộng Sản như Tố Hữu trong “Mũi Cà Mau”, Nguyễn Khoa Điềm trong “Đất Nước”, Giang Nam trong “Quê Hương”,v.v và v.v… Để chiến thắng trong mặt trận văn hóa, tư tưởng, xin các bậc cha mẹ chú bác, trước hết, hãy giúp cho tuổi trẻ tìm lại Việt Tính trong ý thức của họ chứ không mua vé máy bay về Việt Nam để tìm Việt Tính, và cũng không phải từ những câu khẩu hiệu khô khan được trích ra từ các tuyên ngôn, tuyên cáo được lập đi lập lại nhiều lần và thậm chí nhiều năm.

Mỗi người Việt Nam đều mang trong người đặc tính kế thừa di truyền từ nhiều ngàn năm văn hóa Việt. Mỗi người Việt Nam là một tích lũy của bốn nghìn năm nổi trôi cùng vận nước. Về Nguồn trong quan điểm đó là tự tìm lại Việt tính đang ngủ quên hay lắng đọng trong chính bản ngã của mình. Về Nguồn, trong quan điểm đó, là một niềm tin mà mỗi người Việt Nam cần phải có để có thể đưa dân tộc Việt Nam bước qua năm hai ngàn để đi vào nhiều ngàn năm sau của lịch sử.

Chúng ta không thể đợi đến mùng 10 tháng 3 mới kêu gọi tuổi trẻ đi dự Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, trong khi tuổi trẻ sinh ra và lớn lên ở Mỹ không biết rõ vua Hùng là ai. Tương tự, không thể đợi đến gần ngày 30 tháng 4 mới gởi văn thư đến các tổ chức trẻ, các hội sinh viên để yêu cầu họ ký, yêu cầu họ đi họp, yêu cầu họ đi biểu tình nhưng trong ý thức họ không biết ngày 30-4 mang một ý nghĩa sâu xa gì, ngoài việc đó là ngày đánh dấu “the fall of Saigon”. Nếu họ có học lịch sử chiến tranh Việt Nam từ các trường đại học Mỹ thì họ cũng chỉ học trên quan điểm của người Mỹ, của McNamara, của McGovern, cũng chỉ nhìn cuộc chiến Việt Nam từ hướng Tòa Bạch Ốc, từ hướng Ngũ Giác Đài, thậm chí hướng Hà Hội, chứ không phải nhìn cuộc chiến Việt Nam từ hướng Yên Thế, Yên Bái, An Lộc, Bình Long hay Cổ Thành Quảng Trị. Trước khi phiền trách tuổi trẻ thờ ơ với đất nước, các bậc cha mẹ cũng nên tự hỏi quý vị đã dạy cho con cái quý vị những gì về đất nước.

Khi nêu lên các hiện tượng tiêu cực không có nghĩa kẻ viết bài nầy mượn danh các thế hệ trẻ để trách cứ cha anh. Thưa không. Lịch sử là lịch sử. Mỗi thế hệ Việt Nam có những nhiệm vụ lịch sử để hoàn thành. Thế hệ của cha anh có những nhiệm vụ mà cha anh phải thực hiện và thế hệ trẻ cũng có những nhiệm vụ mà lịch sử đang chờ đợi họ. Học lịch sử không phải để phê bình, oán trách nhưng để làm lịch sử. Tuổi trẻ Việt Nam đang chôn dấu những suy tư về đất nước vào trong một ngăn kín của tâm hồn họ. Nếu quý vị có chiếc chìa khóa để mở cánh cửa tâm hồn của tuổi trẻ, quý vị sẽ khám phá ở đó một kho tàng quý giá của những tài năng dân tộc. Kho tàng đó sẽ là những vốn liếng và tài nguyên quan trọng để xây dựng lại căn nhà Việt Nam tự do dân chủ và giàu mạnh sau nầy.

Cái chìa khóa đó không cần phải vay mượn của ai, không phải tìm đâu xa, nhưng ở ngay trong truyền thống đạo đức, văn hóa của dân tộc chúng ta. Đó chính là tinh thần yêu nước, cần cù, thông minh, nhân bản, khai phóng mà tất cả người Việt Nam đã được kế thừa.

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button