TUỔI NHỎ, MỘT THỜI NGẬM NGÙI

Phan Xuân Sinh

Tôi không biết cái làng Nại Hiên Tây có tự bao giờ. Hồi tôi còn nhỏ làng nầy còn thưa thớt dân chúng, phía trong có lũy tre, bờ ruộng. Trong ngõ vào nhà tôi hàng tre mát rượi, rắn rít thỉnh thoảng bò qua lại trên đường (người ngoài tôi thường gọi là đường kiệt). Nhà trong hẻm cũng chẳng có bao nhiêu cái. Phần đông nhà tranh vách đất, tối thắp những ngọn đèn dầu lù mù. Riêng nhà tôi là một trong những ngôi nhà ngói hiếm hoi trong con hẻm. Nhà nầy của ông nội tôi xây dựng từ lâu lắm mà nay trở thành nhà thờ của giòng họ tôi ở Ðà Nẵng.

Mẹ tôi mất sớm, khi tôi vừa chỉ mới 1 tuổi. Tôi được chuyền tay từ bên nội qua bên ngoại nuôi nấng. Ðến khi 4, 5 tuổi mới về sống hẳn với ba tôi tại ngôi nhà thờ. Ba tôi, một người đàn ông góa vợ. Ở vào cái tuổi thanh niên, chưa quá ba mươi vừa đi dạy vừa săn sóc con. Thật tội nghiệp cho ông, mỗi buổi chiều hai cha con ra ngoài giếng sau nhà, tắm rửa và giặc giũ cho tôi. Trời chạng vạng tối ông đút cơm cho tôi ăn và dỗ cho tôi ngủ. Có một điều mà tôi vẫn còn nhớ mãi cho tới bây giờ, không biết lúc ấy tại sao ông lại bắt tôi lên giường ngủ quá sớm. Sau nầy lớn lên tôi mới hiểu được. Tôi có đi ngủ sớm thì ông mới rảnh rỗi lo chấm bài cho học sinh, chuyện trò với bạn bè, và cũng lo tìm một người thay cho má tôi để sửa túi nâng khăn, tối lửa tắt đèn có nhau. Có lẽ là chuyện sau cùng nầy, đã chiếm nhiều thời giờ của ông nhất.

Sau nầy nhìn lại những tấm hình còn trẻ của ông, tôi mới biết ông cũng thuộc típ người đẹp trai nên cũng được nhiều bà chú ý. Có một lần, tôi thức dậy nửa đêm chợt không nhìn thấy ba bên cạnh, khóc thét lên. Nhưng rồi tôi biết có khóc lớn cũng chẳng có ai dỗ dành. Trong ngôi nhà thờ lớn, trống vắng, tôi thì lại sợ ma. Tôi đắp mền kín đầu thút thít khóc, thì bỗng nhiên có một bàn tay gỡ tấm mền trên đầu tôi xuống. Tôi điếng hồn không dám mở mắt ra nhìn, không dám khóc. Tôi nghe những người trong nhà kể lại, má tôi thường hay hiện về ngồi trên đầu giường nhìn tôi ngủ. Vong linh của bà không thể nào siêu thoát được, khi còn ràng buộc bởi những hệ lụy quá lớn của cõi trần. Má tôi mất tuổi đời chỉ mới 22. Tôi là đứa con đầu lòng và cũng là cuối cùng của đời bà. Làm sao bà yên tâm ra đi khi đứa con duy nhất chỉ mới 11 tháng tuổi, cho nên người trong nhà thường thấy bà lởn vởn chung quanh tôi mỗi đêm nhìn tôi ngủ. Nói thế, chứ quả thật tôi chưa bao giờ thấy được mặt của má tôi. Khi tấm mền được gỡ ra khỏi đầu, một bàn tay mềm mại vuốt lấy tóc tôi. Tôi điếng hồn không sao khóc được, mắt không dám mở ra, thiêm thiếp nằm không dám cựa quậy. Tiếng nói văng vẳng bên tai: ” Tôi nghiệp cho thằng bé, mới có mấy tuổi mà phải ngủ một mình. Cha thì lo đi o mèo”. Tiếng nói trách móc êm dịu của một người đàn bà thân thiện, quen thuộc. Rồi bà ôm tôi vào lòng. Lúc nầy tôi mới nhận ra được đó là cô Thanh, người bạn của ba tôi. Ðây là lần đầu tiên trong đời tôi mới thấy được sự yêu thương của người mẹ, mặc dù cô Thanh không phải là mẹ tôi. Hình ảnh hiền dịu của cô cho đến bây giờ vẫn còn trong tôi mãi mãi. Sau nầy, tôi không biết giữa cô Thanh và ba tôi đã xẩy ra chuyện gì, mà tôi không còn gặp cô nữa. Hồi đó cô đến nhà tôi chơi thường lắm, có bữa ở lại ăn cơm với cha con tôi.

Tôi là đứa bé đến trường sớm nhất, ba tôi mở trường dạy học ngay tại nhà, để vừa chăm sóc tôi vừa kiếm một ít tiền chi phí. Hình như trong đời, ông ít quan tâm đến tiền bạc. Ông ngại khổ, ngại khó và không thích bon chen, mà người như vậy thường không siêng năng. Các bạn bè của ông chê ông như vậy, nhưng với tôi bao giờ ông cũng là một người cha tuyệt vời. Sống trong hoàn cảnh thiếu thốn ông vẫn giữ được tấm lòng thanh bạch. Khi bắt đầu biết đọc, biết viết, tôi thèm đọc các truyện bằng tranh, nhưng lại không có tiền để mua. Tôi thường đến nhà mấy đứa bạn để xin tụi nó cho đọc ké. Mỗi lần như vậy tôi phải hối lộ bằng những cây kẹo chanh, mà tôi xin tiền bà ngoại để mua. Kẹo, thèm chảy nước miếng, nhưng truyện bằng tranh thèm hơn. Tôi mua kẹo mà ít khi nào được ăn vì phải để dành đổi truyện đọc trong vài giờ. Hồi đó có những loại truyện bằng tranh dành cho trẻ con, phát hành mỗi tuần một lần. Ðến thứ năm, mấy đứa con nít thuộc cỡ tuổi tôi nhộn nhịp bàn tán, vì đó là ngày các hiệu sách bày truyện tranh mới. Nói thế chứ mấy đứa có tiền thì nôn nóng, còn tôi đâu có cái diễm phúc nầy (vài ngày sau mới được đọc). Từ thuở bé, tôi đã biết thế nào là nghèo khổ. Thiệt thòi và thèm khát đủ mọi thứ, khi sinh nhằm vào những gia đình như vậy.

Tôi lớn lên từ những thiếu thốn tình thương cho tới vật chất, mặc dù tôi nghe người ta kể lại rằng ông Nội tôi thuở xưa giàu có. Có lẽ vì chiến tranh, nhiều lần tản cư đã làm khánh tận biết bao gia đình, trong đó có gia đình của tôi. Tôi biết thân phận mình, nên không vòi vĩnh hay đòi hỏi ba tôi một thứ gì. Sống trong cái nghèo, thiếu thốn đủ thứ. Chỉ biết thèm thuồng, nuốt nước miếng, khi nhìn thấy những đứa bé cùng trang lứa ăn sung mặc sướng. Cái nghèo đã làm cho tôi ray rứt suốt trong thời thơ ấu. Tôi nguyện trong lòng sau nầy sẽ phải cật lực làm việc, để kiếm tiền cho đỡ thua thiệt với mọi người. Tuổi thơ của tôi đầy những bất hạnh, sống thui thủi một mình, lặng lẽ, trong lúc những đứa trẻ khác được nũng nịu với mẹ, được mẹ nưng chiều. Xóm tôi cũng có những đứa bụi đời, nhưng trong xóm chúng không phá phách. Tôi thì nhập bọn với tất cả, miễn sao được vui. Những thằng bạn nhỏ vừa giữ em vừa chơi, có đứa vì ham chơi bỏ em trên bãi cỏ lăn lóc, ăn bất cứ thứ gì mà đứa bé có thể lượm được dưới đất. Thằng anh thì sa đà trong cuộc chơi không ngó ngàng tới, đến khi mãn cuộc nhìn lại thì miệng của mấy đứa bé nhồm nhoàm đủ thứ đất, rác rến.

Thằng bạn có nhiều kỷ niệm nhất trong thời thơ ấu của tôi là thằng Nhứt. Thằng nầy lớn hơn tôi vài tuổi, con của bà ba Sanh gần nhà tôi. Mẹ nó là người nổi tiếng dữ nhất xóm, nên không có ai dám đụng tới bà. Thằng Nhứt là con trai trưởng, rồi tới con Nhì và sau đó thêm cả chục đứa nữa. Không biết sao mấy đứa kế tiếp không mang tên thằng Tam, con Tứ mà lại được bà ba Sanh đặt tên thường, không theo thứ tự số của chữ Nho nữa. Có lẽ bà biết trước rằng bà sinh nhiều con, sinh con năm một, qua con số mười chẳng lẽ phải gọi thằng Thập Nhứt, con Thập Nhị nghe không được thuận tai. Người khác sẽ cười cho, khi chữ Nho tràn ngập cả nhà mà chẳng có người nào biết một chữ cái. Nhưng khi bà sinh đứa con thứ mười, không biết sao bà nhớ lại chữ Nho nên đặt ngay cho đứa con gái đó là tên con Thập, để đánh dấu mình được mười mặt con. Con quá đông mà nhà lại nghèo, chẳng ai coi ngó nên các đứa bé trông thật thảm hại.

Tôi còn nhớ khi tôi bảy, tám tuổi gì đó, chúng tôi hay tập trung trước sân nhà một ông Trung úy để bắn bi. Trung úy lúc đó lớn lắm, còn mang lon của quân đội Pháp. Nhà ông nầy ở ngay đường cái, trước hẻm Bảo Trác. Ông có nuôi một con chó bẹc-giê rất dữ. Thường thì con chó nầy được cột vào trụ trước hành lang. Không biết sao bữa đó chủ nhà quên cột nó lại. Bọn trẻ tụi tôi kéo vào bắn bi, mấy đứa vừa bỏ em xuống bãi cỏ thì con chó nhào ra. Ðứa nào không có em thì phóng ra trước, đứa nào có em thì tới ẵm em rồi chạy ra sau. Thằng Nhứt trước khi chơi, đã tìm một chổ bãi cỏ sạch ở phía trong cho em ngồi chơi. Khi con chó nhào ra thì nó phải chạy u vào bên trong ẵm em nên chạy ra sau cùng. Ðứa em mà nó cõng trên lưng, bị con chó nhảy lên cắn vào đít rách quần. Chiều hôm đó về nhà, nó bị cha nó đánh cho một trận đòn nên thân. Sáng ngày hôm sau nó còn uất ức nên tìm cách hại con chó. Nó là thằng lì lợm và gan dạ nhất trong bọn tôi, nên khi nó tuyên bố là nó phải đánh con chó cho bằng được là tụi tôi tin ngay, tụi tôi đi theo sau để xem nó làm gì với con chó dữ kia.

Một mình nó vào hành lang chỗ con chó đang bị cột, tay nó cầm cây ba-toong xăm xăm đến gần. Con chó lồng lộng nhe răng nhảy vồ ra, không ngờ sợi dây bị sút. Thằng Nhứt luýnh quýnh không biết làm cách nào, cây ba-toong trên tay rơi mất. Tới không được, lui không xong, đứng trân người chịu chết. Con chó phóng lên định táp vào cổ nó. Phản ứng tự nhiên nó đưa tay phải ra để chống đỡ, cũng vừa lúc con chó há miệng rộng, cộng với sức phóng của con chó, bàn tay nhỏ của thằng Nhứt lọt vào miệng con chó tới tận cuống họng. Tay nó móc chặt vào cổ họng, làm cho con chó không cắn được, quỵ xuống nhảy đành đạch một hồi rồi chết. Tụi nhỏ chúng tôi đứng bên ngoài vỗ tay vang dội, xem như đây là chiến thắng lẫy lừng của thằng Nhứt. Tôi còn nhớ rõ, vóc dáng như thằng ốm đói, mặc cái quần xà lỏn quá khổ của cha nó, một tay luôn luôn giữ lưng quần cho khỏi tụt. Khi con chó tấn công, sợ quá hai tay quờ quạng không giữ được đai quần, chiếc quần xà lỏn tụt xuống dưới đất. Thấy hình ảnh nầy thật buồn cười, mà ngay lúc ấy hết sức nguy hiểm cho nó, tụi tôi đứng bên ngoài không thể cười được. Cho tới khi con chó chết, nó rút tay ra khỏi miệng, rồi vội vàng kéo quần lên, thủng thẳng đi ra ngoài. Lúc đó tụi tôi mới cười được, vừa mừng cho nó thoát nạn, vừa thấy nó lửng thửng giống như Charlot trong phim hề. Chiều về ông Trung úy mang súng vào nhà thằng Nhứt, tìm nó. Bọn nhỏ tụi tôi hết hồn, thế nào cũng xẩy ra chuyện lớn. Cha nó kêu nó ra ngoài. Ông Trung úy rất ngạc nhiên thấy thằng bé con loắt choắt, ốm tong, mà làm sao giết chết một con chó cao lớn. Tôi cứ nghĩ, thế nào ông cũng rút súng ra dọa, hay tát cho nó vài cái cho hả cơn giận. Nhưng không, ông chỉ hỏi nó vài câu rồi lắc đầu ra về. Có lẽ khi nhìn thấy thân hình còm cõi của nó, ông động lòng thương hại, nên cơn giận của ông hạ ngay.

Sau nầy khi mọi chuyện êm xui, nó kể cho tụi tôi nghe với cái giọng trịch thượng, như một võ sĩ nhà nghề. Tôi không biết “Võ Tòng sát hổ” ngày xưa oai hùng ra sao, chứ “Lê Nhứt sát cẩu” của bọn tôi, danh vang dội cả làng Nại Hiên thuở ấy. Ðám con nít đầu trên xóm dưới đều nể sợ. Vài năm sau, nó thành thật khai báo với tôi là lúc đó nó chẳng biết gì cả. Con chó khi sút dây nhảy tới là nó muốn đái trong quần, chỉ còn chờ đợi cho nó tới cắn. Khi con chó nhảy lên định cắn vào cổ nó, nó sợ quá đưa tay ra đỡ, để con chó cắn vào cánh tay. Không ngờ mọi việc xẩy ra như vậy, chứ làm gì có võ nghệ. Cơm không đủ ăn làm gì có tiền để đi học võ.

Ngoài chuyện gan lì, thằng Nhứt còn có một biệt tài là hát rất hay. Tân nhạc thì tôi chưa nghe nó hát lần nào, nhưng cải lương, hát bội, nó hát nhuần nhuyễn như một kép hát chính hiệu. Hát có đúng bài bản hay không, bọn nhỏ tụi tôi làm sao biết được. Mà cần gì bài với bản, miễn sao hay là được rồi. Tôi còn nhớ giọng của nó cất lên thanh như chuông đồng. Mấy người lớn đi ngang qua chỗ chơi của đám con nít tụi tôi, gặp lúc nó hứng chí cất giọng oanh vàng lên, họ cũng đứng lại lắng nghe. Ðiệu bộ của nó khi hát cũng có vẻ thành thục lắm. Có lần tôi hỏi tại sao nó biết nhiều bài đến thế, còn điệu bộ ăn khớp với lớp lang nó diễn tả. Nó nói dóc với tôi là nó được thầy dạy. Ông thầy dạy hát nầy hứa sau nầy nó lớn lên, ổng sẽ thu nhận nó vào gánh hát bội Ý Hiệp Miền Trung.

Có một lần cậu tôi chở tôi đi ăn khuya ở ngã năm về. Khi ngang qua rạp hát bội Hòa Bình có gánh Ý Hiệp Miền Trung đang hát, đúng vào lúc thả cửa cho những người vào coi cọp màn chót, tôi trông thấy thằng Nhứt đang chen lấn để được vào xem. Tôi xin cậu tôi cho tôi vào coi một chút cho biết cảnh hát bội. Cậu tôi đồng ý dựng xe đạp bên ngoài đứng chờ. Tôi lẻn vào trong rạp tìm thằng Nhứt mà không được, vì rạp hát tối quá không thấy nó ở đâu. Hôm đó đoàn Túy Nguyệt treo trước cửa diễn vở “Tống Thái Tổ trảm Trịnh Ân”. Ngày hôm sau tôi ra chỗ bọn nhỏ tụ họp hơi trễ, nên chưa cho nó biết là tôi trông thấy nó ở rạp hát hồi hôm. Thằng Nhứt đang cao hứng diễn lại đoạn chót của vở tuồng khi hôm nó đã coi. Cảnh Tống Thái Tổ đi đôi hia vòng sân khấu, che chở cho ái phi của mình, khỏi phải rơi đầu bởi nhát đao của bà vợ Trịnh Ân. Ðiệu bộ và cốt cách y chang các diễn viên của đoàn Túy Nguyệt. Phải công nhận rằng nó nhớ dai thật và hát cũng không thua gì mấy kép hát chính hiệu. Tôi mới để ý một điều, là tuồng nào thằng Nhứt cũng đều diễn màn chót, mà không lúc nào nó diễn đoạn đầu. Thì té ra nó coi cọp chỉ có đoạn chót nên bắt chước, làm sao nó biết được đoạn đầu ra thế nào. Tôi cũng không khui ra chuyện trông thấy nó làm gì, để nó cụt hứng tội nghiệp. Hơn nữa, tôi cũng sợ nó giận là một sự bất lợi cho tôi. Có một điều quan trọng là dù có ra điệu bộ gì, thì một tay nó vẫn giữ đai quần đùi cho khỏi bị tụt. Cái quần đùi quá khổ của cha nó cho, rộng thùng thình, lúc nào cũng thấy nó mặc. Có lẽ khi qua tay nó chiếc quần xà-lỏn nầy chưa bao giờ thấy nó đem giặt. Nó mặt cái quần dơ hầy, đẫm đủ thứ mùi hôi, trong đó có mùi nước đái của em nó là nhiều nhất. Cũng lạ là dây lưng quần đâu có tốn kém gì, mà mẹ nó không làm cho nó một sợi.

Người thứ hai, trong đám bạn nhỏ của tôi thuở ấy là thằng Bông, con bà ba Lọ ở đầu xóm. Thằng nầy chơi bắn bi thuộc hàng cao thủ. Tôi còn nhớ những viên bi ngày xưa bọn nhỏ của tụi tôi tự làm, viên bi bằng chì sau khi đúc xong tụi tôi ngồi mài cho tròn, rồi đánh bóng bằng cát. Chúng tôi phải mất mấy ngày trau chuốt cho nó tròn trịa đẹp mắt, chứ làm gì có tiền để mua những viên bi chai màu sắc sặc sỡ. Tụi tôi tự may một cái bọc nhỏ, để đựng mấy viên bi. Quý lắm, như một thứ gia bảo. Thằng Bông có nghề mài bi, trong xóm đứa nào cũng nhờ nó mài giùm. Mấy đứa bé trong xóm có đồng bạc nào đều đem ra nộp cho nó hết, bởi cách cách bắn bi thiện nghệ của nó. Thằng nầy tính tình hiền lành, nên khi bắn bi bị mấy thằng nhóc tụi tôi ăn gian, cũng không sao. Nó biết chắc rằng, dù tụi tôi có gian lận cách mấy, thì rốt cuộc mấy đồng bạc cũng vào tay nó. Vị thế của viên bi ở bất cứ chỗ nào, nó cũng bắn trúng. Mỗi lần nó bắn trúng là tụi tôi dà hùa với nhau bắt bẻ, không chấp nhận kết quả bằng đủ mọi cách. Nó ăn đồng bạc của tụi tôi cũng khó lắm chứ không phải chơi. Nếu tụi tôi không đồng ý là nó bắn lại, đến lúc nào tụi tôi không còn đường chối cãi, thì lúc đó mới móc tiền ra trả cho nó. Thời đó chưa có phim kiếm hiệp, chưa có ai biết cái câu “tâm phục khẩu phục” mà mấy diễn viên tàu hay nói, thế mà câu nầy lại ứng dụng, đúng phóc vào hoàn cảnh của tụi tôi với thằng Bông lúc đó, làm cho tụi tôi khi móc hầu bao trả tiền cho nó còn phải phục nó sát đất.

Tôi thì chơi bắn bi, tay chân lọng cọng, dù gần cũng không bắn trúng được. Chỉ có đánh bóng bàn là thuộc loại chiến nhất. Khu xóm nghèo làm gì có bàn, có vợt đàng hoàng. Nhà cô tôi làm nghề mộc nên có nhiều bàn thợ mộc. Chúng tôi dùng bàn thợ mộc làm bàn “bing-bông”. Lưới chính giữa là khúc cây, vợt là tấm bảng đen nhỏ cá nhân của học sinh. Từ bàn” bing bông” nầy tôi lần lượt hạ các cao thủ của xóm tôi như chơi. Sau nầy trở thành cây vợt của lớp, rồi của trường. Tôi có khiếu về thể thao, chơi thứ nào cũng được. Sau nầy khi vào Thủ Ðức tôi là cây vợt đại diện cho khoá. Thiệt tình tôi đánh bóng bàn vì ham thích nhưng không có sự huấn luyện bài bản. Một hôm, trong cuộc thi đấu tôi gặp một Tân khóa sinh thuộc khóa đàn em mới vào. Cách giao bóng của người nầy làm cho tôi lúng túng và hạ tôi một cách dễ dàng. Tôi biết đây là một cao thủ. Cỡ tôi không phải là đấu thủ của người nầy. Thế mà không biết sao khi vào đấu với nhau, “rơ” đầu tôi hạ người nầy một cách dễ dàng. Còn hai “rơ” sau người nầy hạ lại tôi. Sau nầy tôi mới biết, mấy đứa bạn cùng khóa tôi đứng bên ngoài thấy tôi đánh quá yếu, bèn hầm hừ dọa nạt. Mấy ông thần cùng khóa tôi thuật lại.Vì giữ thể diện cho tôi, nên tụi nó bắt thằng nhỏ phải thả nếu không ra ngoài tụi nó sẽ chận đầu thằng nhỏ để phạt. Khi về phòng tụi nó lặp lại cho tôi nghe, tụi nó đứng phía sau thằng nhỏ Tân Khóa Sinh dọa: “Biết mình đánh hay hơn huynh trưởng mà cắm đầu chỉ biết ăn, không biết giữ lễ gì cả, không biết nhường cho huynh trưởng xếch đầu. Anh ra ngoài sẽ biết tay chúng tôi, sẽ phạt treo giò lên hàng rào…”. Tụi nó hầm hừ nhiều lần như vậy. Tân khóa sinh mà thấy các huynh trưởng “ra lệnh”, không tuân hành thì bỏ mạng. Lúc tôi học ở Thủ Ðức là ông Lê văn Inh, vô địch bóng bàn Việt Nam thuở ấy làm huấn luyện viên thể dục.

Tôi thấy lúc ấy, chơi với mấy đứa bạn nghèo “chí tình” hơn những đứa giàu có. Thằng Bông khi ăn tiền của tụi tôi xong, là nó chạy ra mua quà đãi lại cho tụi tôi ngay. Tôi nhớ một lần nhìn thấy thằng Hồng ngồi đọc truyện bằng tranh, thằng Tự biết tôi thèm thứ nầy nên nói nhỏ với tôi rằng ngày mai nó sẽ cho tôi một xấp, tha hồ mà đọc. Quả thật ngày mai, không biết từ đâu thằng Tự mang cho tôi một xấp truyện mới tinh, còn thơm mùi mực in. Sau nầy tôi mới biết nó ăn cắp ở Nhà sách Lam Sơn. Nó kể rằng muốn lấy thứ nầy dễ lắm, kéo vào hiệu sách chừng năm bảy đứa hỏi tứ tung, cô bán hàng xao lãng là thằng khác cứ tha hồ lấy nhét vào bụng, đậy áo lại là xong. Sau nầy, tôi được những đứa bạn nghèo cung cấp các truyện nầy, đọc mệt nghỉ. Dần dần khi tôi học lớp ba, tôi mới khám phá ra truyện bằng tranh không còn hấp dẫn nữa, truyện in sách dày mới hấp dẫn.

Hồi đó ngày thứ năm được nghỉ học, tôi ra phố một mình la cà vào mấy hiệu sách, mắt dán chặt vào mấy quyển truyện tàu như Tam Quốc, Thủy Hử, Ðông Châu Liệt Quốc, những tựa đề nghe ra không hiểu, nhưng muốn xem thử. Tôi cầm lên đọc vài đoạn nhưng không vô, đành phải bỏ xuống. Trong đầu tôi lúc đó chỉ có mấy cái truyện Lâm Sanh Xuân Nương, Phạm Công Cúc Hoa, Thạch Sanh là hấp dẫn hơn cả , không có truyện nào bằng. Nước mắt tôi đã đẫm ướt không biết bao nhiêu kể, qua các thăng trầm của từng nhân vật chính trong truyện. Tôi là một đứa bé mau nước mắt, sống lủi thủi một mình, nên đầu óc mang nhiều tưởng tượng, mang nhiều ao uớc, trong đầu tôi luôn luôn suy diễn đủ thứ. Những đầu sách quen thuộc tôi đã đọc nên lướt qua. Tôi đến một gian khác có quyển sách nào mới lạ không, thì mắt tôi dừng lại ngay quyển truyện của Hà Mai Anh mang cái tên là “Tâm Hồn Cao thượng”. Chao ôi, chỉ có cái tên thôi quá hấp dẫn, làm cho mấy thằng bé ham sách như tụi tôi phải ngẩn người. Lật sách ra phía sau xem giá tiền, dù có mơ cũng không thể nào mua được vì giá quá cao. Về nhà tôi tơ tưởng mãi, ước gì đọc được quyển sách nầy. Trong lớp tôi có thằng Hưng nhà bán thuốc bắc mua được, nhưng dù có năn nỉ rớt nước miếng nó cũng không cho mượn. Thật là bất công, một thằng có tiền mua sách không chịu đọc, còn thằng nghèo muốn đọc sách lại không có tiền để mua.

Tôi có bà dì ở Huế vào thăm, (dì xuất gia đang tu ở chùa Vạn Phước ngoài Huế). Tôi mất mẹ quá sớm nên Dì Diệu rất thương tôi. Mỗi lần có dịp vào Ðà Nẵng là Dì dẫn tôi đi sắm đủ thứ từ giày, dép, quần áo. Và bao giờ khi sắm xong dì cũng hỏi tôi còn muốn thứ gì nữa không. Lần nầy thì tôi nhứt định không để lỡ cơ hội. Tôi xin Dì mua cho quyển Tâm Hồn Cao Thượng của Hà Mai Anh. Dì rất ngạc nhiên, không ngờ tôi ham đọc sách như vậy. Dì vò đầu, rồi dẫn tôi vào hiệu sách Lam Sơn. Ngoài quyển Tâm Hồn Cao Thượng, Dì còn chọn cho tôi mấy bộ sách lạ hoắc như Vô Gia Ðình, Những Kẻ Khốn Cùng. Tôi không thể nào diễn tả hết được sự sung sướng của tôi lúc ấy, tôi cất kỹ mấy quyển sách nầy trong hộc đựng chung với quần áo. Quả thực thì mấy bộ sách dịch mà dì mua cho, quá khả năng hiểu biết của tôi lúc ấy. Ba tôi bảo rằng giữ kỹ, chừng vài năm sau hãy coi, song tôi đâu chịu như vậy, phải đọc cho biết. Hình như lớp ba, lớp nhì ngày xưa già dặn hơn bây giờ, đọc mấy quyển nặng ký nầy tôi cũng lõm bõm hiểu sơ sơ tuy không sâu sắc bằng khi lên đệ thất, đệ lục đọc lại.

Hồi nhỏ khi đọc xong truyện nào tôi gấp sách lại, chạy ù ra ngoài tìm mấy đứa bạn rồi kể cho chúng nó nghe, để cho chúng cùng chia xẻ với cái thú mà tôi đã tận hưởng. Tôi không biết mình đã có cái năng khiếu kể chuyện lúc nào, mà mấy thằng bạn nhỏ trong xóm rất thích nghe và phục tôi sát đất. Dĩ nhiên trong khi kể tôi thêu dệt thêm cho câu chuyện mặn mà. Chuyện của tôi kể bao giờ cũng có hậu, nhiều khi chính bản của nó trong sách không phải vậy. Nhưng tôi thêm vào cho đúng với ý mình “hết cơn bĩ cực đến hồi thái lai”, mà có thêm thắt chút đĩnh thì tụi nhỏ bạn cũng chẳng có đứa nào biết, mà nếu chúng nó biết thì cũng không phản đối vì như thế tức là chọc quê tôi, làm tôi mất hứng, lần sau tôi không kể những truyện mà mình đã đọc cho chúng nó nghe. Tôi không thể để cho nhân vật chính chết oan ức được, phải dựng họ sống dậy để hưởng phú quý, giàu sang và nhất định phải được hạnh phúc. Sau nầy khi đi coi ciné về tôi cũng thuật lại cho bạn bè nghe, nhưng theo ý của mình kết cuộc có hậu. Có những lần phim hay nhưng không có tiền để đi coi, tôi đến rạp xin mấy tờ program, rồi tưởng tượng ra kể vanh vách cho bạn bè nghe như đã đi xem trong rạp. Những thằng bạn nhỏ nghèo khổ của tôi thích lắm, đôi khi chúng nó cũng biết tôi xạo nhưng hề chi, miễn sao vui, hấp dẫn là được. Bạn nghèo bao giờ cũng dễ tính, dễ tha thứ, xề xòa bỏ qua những lỗi lầm.

Thằng Minh đầu bò, học cùng lớp và cũng ở cùng xóm với tôi. Mẹ nó tên là bà Thẻo bán thịt heo ngoài chợ Nại Hiên. Nó thân với tôi lắm, mỗi sáng đi học nó mang một ổ bánh mì thịt heo quay, bao giờ nó cũng chia cho tôi một nửa. Tại sao chúng tôi phải gọi nó là đầu bò? Không phải nó học dốt mà mang danh hiệu nầy đâu. Chỉ có một điều là nó chẳng sợ thằng nào, không ai dọa nạt nó được, cứng đầu cứng cổ. Nó được chính thức mang danh hiệu đầu bò bắt đầu từ ngày nó đánh lộn với thằng Lang. Thằng Lang trên Chợ Mới, học nhu đạo tới đai nâu, quả thật tới đai nâu hay chưa thì chẳng có thằng nào biết, nghe nói mỗi chiều cha nó chở nó đi học nhu đạo tại võ đường của ông “Út Mô-tô”. Thấy tướng tá cao lớn của nó thằng nào cũng ớn. Nó lại hay bắt nạt tụi tôi. Một hôm không biết sao thằng nầy lại đến gây sự với tôi. Tôi tảng lờ đi chỗ khác, nhưng thằng nầy cứ lẽo đẽo theo đá vào đít tôi. Thằng Minh thấy vậy nhảy tới can thiệp. Thằng Lang quay qua gây sự với thằng Minh. Tôi bảo với thằng Minh thôi nhịn đi cho qua chuyện, nhưng nó không chịu vì nghĩ rằng thằng nầy sẽ làm tới. Hai đứa nó hẹn nhau ra sân đá banh dưới cầu Trịnh Minh Thế thanh toán nhau sau giờ học. Khi tan trường, tôi đi với thằng Minh ra điểm hẹn. Ngoại trừ con gái, còn bao nhiêu con trai đều ra đó coi trận quyết đấu của hai tay cự phách nầy. Bây giờ coi trận thách đấu của Hollyfield và Mike Tyson, tôi nhớ lại hình ảnh của thằng Minh và Lang thuở nhỏ. Tâm trạng cả hai thằng lúc ấy cũng lo sợ lắm, nhưng đã lỡ rồi làm sao rút lui. Trước trận đấu tôi nhìn mặt thằng Minh thử có đổi sắc hay nao núng gì không. Tôi thấy nó làm bộ tỉnh bơ nhưng khi cầm tay nó, tôi thấy nó hơi run. Thật tôi nghiệp. Còn thằng Lang thì mặt mày xanh dờn. Nó biết rằng sau trận nầy, nếu nó thua, nó hết còn lên mặt hay dọa dẫm tụi tôi được nữa. Cử thằng Tùng trưởng lớp ra làm trọng tài. Thằng Tùng nầy có máu tiếu lâm nên trước khi mở màn trận đấu, nó ra một điều kiện thật cay nghiệt cho cả đôi bên, là đứa nào thua phải bò qua dưới háng của đứa kia.

Khi nhập trận, tôi thấy ngay thằng Lang ở thế thượng phong, nó cao lớn hơn , đấm và đá của nó chính xác hơn, còn thằng Minh thì tay chân quờ quạng, chỉ được có nước liều mạng. Lúc đầu thằng Lang đánh thằng Minh tơi bời, bị đòn mấy nó cũng nhào vô như trâu húc, đến lúc thằng Lang mệt lả người thì thằng Minh đè nó xuống quật ngược thế cờ. Thằng Lang chịu không nổi dơ tay đầu hàng. Hai con mắt thằng Lang bầm tím, sưng húp. Thằng Tùng lôi thằng Minh ra sợ nó say máu ngà đánh chết thằng Lang. Thế là trận đấu ngã ngũ phần thắng thuộc về thằng Minh. Nó đứng dang cẳng ra cho thằng Lang bò qua háng. Trên sân banh vang dội tiếng hò reo, thằng Lang xấu hổ đứng dậy khóc tức tưởi. Cũng bắt đầu từ đó thằng Lang không còn bắt nạt, ăn hiếp tụi tôi nữa. Phải nghiêm chỉnh nhận xét, thằng Lang đánh lộn điệu nghệ hơn, bài bản hơn, đẹp mắt hơn, nhưng sức khỏe lại yếu, không dai sức, mau mệt. Còn thằng Minh thì liều mạng, bị đòn mấy cũng nhào vô đấm túi bụi, sức khỏe như trâu, dai sức không biết mệt. Hổ danh Minh đầu bò được mấy thằng bạn nhỏ phong tặng cho nó từ đó. Nó là một trong những thằng chơi với anh em rất chí tình, sẵn sàng vì anh em làm tất cả những gì khó khăn, mà không than một tiếng.

Tuổi thơ của chúng tôi ngày xưa quay đi quẩn lại, cũng chỉ mấy thứ: bắn bi, đánh tổng, chơi u, nhảy cò cò v.v… làm chi có những thứ xe hơi, tàu bay, tàu lửa chạy bằng điện điều khiển bởi “remote control”, làm chi có những trò “game”điện tử. Tay chân lúc nào cũng dính đầy đất cát. Suốt ngày chỉ mặc mỗi cái quần xà-lỏn rong chơi ngoài đường, tối về tắm rửa cũng chỉ cái quần đó mặc lại, phủi chân leo lên giường đi ngủ. Cha mẹ suốt ngày lo kiếm cơm, kiếm cháo, không ai để ý đến con cái thế nào. Có nhà nhiều con, họ chỉ điểm danh sơ qua trong lúc chúng lên giường đi ngủ. Sống trong cảnh nghèo khó, chúng tôi túng thiếu mọi bề, thèm khát đủ thứ. Mùa đông, nhà trống, áo quần đơn sơ, chịu cái lạnh thấu xương, chăn màn không đủ ấm, chỉ đắp chiếc chiếu manh hai đầu trống gió. Chúng tôi lớn lên từ phố nghèo xơ xác đó, nhưng bạn bè, bà con hàng xóm thương nhau như ruột thịt, chia cho nhau từng cái vui cái buồn. Trong xóm nhà ai có đám tang, đám cưới, là mọi người qua giúp đỡ một cách nhiệt tình, xem mọi chuyện như nhà của mình vậy.

Gần 30 năm rời xa quê hương, biết bao nhiêu giông bão đã đè lên khu phố nghèo khổ đó, nhưng tình cảm của những gia đình đang sống trong những con hẻm âm u kia, vẫn còn gắn bó như ngày nào. Những thằng bạn nhỏ ngày xưa chẳng còn được mấy đứa, bây giờ tóc đã ngả màu, còn phần đông đã chết trong cuộc chiến. Nhưng tôi vẫn biết trong lòng chúng nó, cũng như tôi không thể nào quên được những kỷ niệm của thời thơ ấu. Cũng xóm, cũng làng, cũng phố mà tôi đã đi qua, nhưng không có nơi nào giống như quê tôi, được như quê tôi. Hình ảnh khu phố nghèo, hôi mùi cống rãnh, đã cho tôi biết bao kỷ niệm đẹp của tuổi thơ, của thời mới lớn, để trong lòng tôi thuở đó những buồn vui, tiếc nuối, chứng kiến những mối tình đi qua cuộc đời tôi của thuở thanh xuân. Nơi đây đã dạy cho tôi những bài học quý báu về tình người, tình đời, biết trân trọng những giá trị của thủy chung chân thật, phải dấn thân trong các công việc xã hội, để xoa dịu những nỗi đau thương của tha nhân.

 

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button