Tự Lực Văn Ðoàn : Nhất Linh
Viễn Sơn Nguyễn Tường Bách
BS Nguyễn Tường Bách nói về nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam
Nhất Linh Nguyễn Tường Tam là một nhà văn xuất chúng, lại là một chiến sĩ cách mạng lỗi lạc chống thực dân và chống Cộng Sản độc tài. Chắc đa số các vị ở đây cũng đã rõ. Ở đây tôi chỉ lược qua tiểu sử và vài nét đặc biệt cuả anh, vì thời giờ có hạn.
Anh sinh năm 1905, là người con thứ ba trong một gia đình 7 người, trong đó có Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Tường Cẩm (bị Việt Minh thủ tiêu năm 1947), Nguyễn Tường Long tức Hoàng Đạo, mất năm 1948 tại Quảng Đông, Nguyễn Thị Thế (mất ở Hoa Kỳ), Nguyễn Tường Lân (hay Vinh) tức Thạch Lam mất năm 1982, và tôi là con út, hiện còn sống sót.
Gia đình chúng tôi lúc đó tại một huyện lỵ nhỏ, huyện Cẩm Giàng, vì bố mất sớm, nhà rất nghèo, do mẹ và bà ruột tần tảo duy trì. Do gia cảnh, chúng tôi từ nhỏ được tiếp xúc với cảnh bùn lầy nước đọng, nghèo cùng cuả nông dân, ảnh hưởng đến suy nghĩ và viết văn sau này, với tính chất bình dân, vị tha, không ưa những thứ quyền qúy, trưởng giả, và ghét danh lợi, mấy đặc điểm cuả Tự Lực Văn Đoàn sau này.
Bà nội và mẹ chúng tôi đều là Phật tử chân thành. Những câu “Đời là bể khổ”, “Cửa Phật từ bi” đã thấm vào đầu óc người Việt Nam. Có thể triết lý này đã có ảnh hưởng đến tình thương bàng bạc trong các tác phẩm cuả Nhất Linh, Thạch Lam.
Những mâu thuẫn trong các gia đình hồi đó gây ấn tượng không ít cho Nhất Linh, vì anh là người có phản ứng nhạy cảm nhất đối với hiện trạng và biến chuyển cuả xã hội. Anh là con người đi tiên phong trong suy nghĩ và trong hành động. Vì thế có thể nói anh là người đi trước thời đại, anh có nhiều sáng kiến, có óc sáng tạo và biết biến suy nghĩ thành hành động.
Một mặt, khác với nhiều người chỉ đi theo danh lợi cá nhân, anh hoạt động hoàn toàn vì lý tưởng, vì muốn làm cho xã hội tốt đẹp hơn, cho người dân sống được dễ chiụ hơn.
Muốn hiểu rõ Nguyễn Tường Tam, thiết tưởng cần phải nhận thức rằng vào thời đại đó, có ba trào lưu nổi bật trong xã hội Việt Nam. Thứ nhất là trào lưu dân tộc độc lập mà cao điểm là cuộc khởi nghĩaYên Bái, hai là trào lưu cải cách xã hội, đòi phê phán những truyền thống phong kiến bảo thủ và khắc nghiệt, đòi tự do phóng khoáng cho con người, ba là trào lưu cải cách văn học, rời bỏ những thứ giáo điều, gò bó, sáo rỗng, đi tới một nền văn nghệ tự nhiên, nhân đạo và trong sáng hơn.
Năm 1932, cùng một số anh em, anh sáng lập tờ báo Phong Hóa ó thể gọi là mở một thời kỳ mới trong văn học. Cùng với số nhà văn tài hoa, anh thành lập Tự Lực Văn Đoàn, đánh dấu sự phồn thịnh văn học. Năm 1935, tờ Ngày Nay được xuất bản. Năm 1936, anh khởi xướng Phong Trào Ánh Sáng xây dựng nhà rẻ tiền cho người nghèo.
Cùng với những hoạt động bận rộn trên, anh đã viết một số tiểu thuyết và truyện ngắn, mà tiêu biểu là cuốn “Đoạn Tuyệt”, đều có giá trị văn chương và xã hội rất cao. Sức làm việc của anh khó có ai bì được.
Độc giả và các giới xã hội đều hoan nghênh cả các tác phẩm và hoạt động của anh.
Nhưng dù đã đạt tới điểm cao cuả danh vọng, anh cũng quyết tâm dấn mình vào cuộc đời cách mạng gian nan và đầy chông gai. Năm 1938, cùng với một số bạn hữu, anh thành lập đảng Đại Việt Dân Chính. Năm 1941, do Pháp khủng bố, anh phải chạy sang Trung Quốc, kết hợp với Việt Nam Quốc Dân Đảng, và hợp tác với cụ Nguyễn Hải Thần. Năm 1945, tháng 11, anh trở về Hà Nội, tổ chức hàng ngũ quốc gia chống lại Việt Minh Cộng Sản. Vì tình thế thúc đẩy, tháng 2 năm 46, anh giữ chức Bộ Trưởng Ngoại Giao trong chính phủ Liên Hiệp Kháng Chiến. Nhưng từ tháng 4-46, hai bên phá liệt, anh lại sang Trung Quốc, lưu vong một lần nữa.
Năm 1947, vì phản đối việc thoả hiệp với Pháp, anh ở lại HongKong cho tới 1951, vì sức khoẻ yếu, anh về nước, với dự tính chỉ hoạt động về văn học. Nhưng tới 1959, anh lại tham dự Mặt Trận Quốc Dân Đoàn Kết, chủ trương chống độc tài, xây dựng tự do dân chủ.
Việc này đưa đến kết cuộc bi thương là ngày 7-7-1963, anh uống thuốc ngủ tự sát, một ngày trước khi phải ra toà. Lúc đó, tôi ở ngoại quốc, nghe tin dữ, cũng chỉ biết khóc thầm cho người anh thân yêu, từ nay vĩnh biệt.
Cuộc đời thực là đặc biệt, thực là đầy đủ cuả một anh tài kiệt xuất của đất nước. Ít có một tài năng và có công lao toàn diện về cả mặt văn học cũng như cách mạng như Nhất Linh Nguyễn Tường Tam. Chúng ta có thể tự hào về đức tính và sự nghiệp của anh.
Song, những thất bại và đau thương của Nguyễn Tường Tam cũng phản ảnh thất bại và đau thương của dân tộc. Ngày nay, những đau thương thương đó vẫn còn, dưới chế độ chuyên chế độc đảng. Trong lúc kỷ niệm quá khứ, điều quan trọng nhất là cần phải gắng sáng tạo một tương lai mới, với sự đồng lòng nhất chí không phân biệt chủng tộc, địa phương, tôn giáo, già trẻ, để đấu tranh trong một vận hội mới của dân tộc.
Đó chính là cách kỷ niệm tốt nhất về Nhất Linh Nguyễn Tường Tam và tất cả các vị tiền bối đã dấn thân và hy sinh cho đại cuộc.
Viễn Sơn Nguyễn Tường Bách