TRƯỜNG CŨ NGUYỄN TẤT NHIÊN, QUÊ HƯƠNG BÌNH NGUYÊN LỘC

Hoàng Mai Đạt

(Lời tòa soạn: Đây là trích đoạn từ tuyển tập “Giữa Hai Miền Mưa Nắng” của nhà văn Hoàng Mai Đạt. Tác giả đã kể một chuyến về Việt Nam vào năm 1998. Quê hương đã luôn đổi thay từ đó cho đến nay, như một dòng sông không ngừng trôi. Tuy vậy, qua dịp về Biên Hòa – quê hương của nhà văn Bình Nguyên Lộc và nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên – tác giả hy vọng tình người vẫn vậy đối với những ai còn thiết tha với quê hương và dân tộc.)
***
Ngoài việc đi lấy hình, những dịp ra ngoài xóm của tôi thường có vợ con cùng đi theo (chắc vợ sợ tôi sẽ vô tình hay cố ý đi lạc cho người ta bắt). Bên những con đường ồn ào xe cộ và bay đầy bụi bặm, tôi cùng vợ ghé thăm những kỷ niệm thời thơ ấu của nàng trong mấy khu phố gần nhà. Hai nơi đầu tiên chúng tôi tìm đến là trường trung học Ngô Quyền và ga xe lửa. Trường Ngô Quyền cất giữ những ngày tháng mới lớn, vừa biết yêu và còn tập tành làm thơ của nàng, rực rỡ như hoa phượng mùa hè.
Chúng tôi đón xích lô từ đầu hẻm đến trước trường Ngô Quyền. Sáng hôm đó là lần đầu tiên tôi ngồi xích lô kể từ khi rời quê hương. Trong ký ức của tôi, chiếc xích lô ngày trước rộng hơn bây giờ rất nhiều. Ghế xe lúc ấy có thể chứa mẹ tôi, hai anh em tôi và dăm ba đứa bạn. Người đạp xe khi xưa hình như cũng lực lưỡng và đạp mạnh chân hơn. Ông có thể phóng phăng phăng qua những con đường tuôn gió mát dọc theo bãi biển Nha Trang. Giờ đây tôi phải nép qua một bên, để vợ có thể lọt vào bên cạnh và con gái ngồi trên lòng mẹ. Người đàn ông cháy nắng đạp chậm lại từ ngã ba Biên Hùng leo dốc lên trường Ngô Quyền. Tôi nghe tiếng hít thở kéo dài theo từng bước đạp của ông. Bước xuống xe, tôi đưa bác xích lô một số tiền cao hơn giá cả thỏa thuận chút đỉnh. Lúc đó tôi mới thấy người đàn ông đen đủi này nở một nụ cười.
Đứng quan sát dăm ba phút bên ngoài trường Ngô Quyền, tôi rủ vợ bước vào bên trong qua một cổng nhỏ. Nàng ngần ngại vì có người ngồi trong phòng canh gác và đang nhìn chúng tôi. Thấy người phụ nữ trực cổng không nói gì, chúng tôi tiến thẳng vào trong sân trường im vắng. Trường Ngô Quyền có hai tầng lầu với khoảng hai mươi lớp học. Những bức tường màu xoài vàng đậm xen kẽ giữa những cửa sổ sơn trắng và bao lơn cũng màu trắng. Cửa lớp học được sơn màu xanh dương thẫm và đang mở rộng. Các học sinh đã nghỉ hè. Chung quanh chúng tôi chỉ có dăm ba chiếc xe gắn máy đậu bên ngoài các văn phòng. Minh Thủy chỉ cho tôi xem những lớp học của nàng và gốc cây mà nàng thường tụ tập với mấy đứa bạn gái, để tán gẫu hoặc xì xào bàn cách phá mấy ông thày trẻ tuổi mới đến từ Sài Gòn. Trong vài phút sau đó, tôi chụp cho nàng một tấm hình đứng với con gái bên dưới một tàn cây xanh lá. Đằng sau hai mẹ con là những lớp học màu xoài vàng và một gốc cây với nhiều kỷ niệm.
Cũng trong sân trường Ngô Quyền này, có lẽ thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên đã đứng thơ thẩn bên dưới gốc cây, trông đợi một “cô Bắc kỳ nho nhỏ” với “mắt như trời bao dung” và thầm mong cô “hãy nhìn anh thật rõ, trước khi nhìn đám đông.” Đám học sinh vào cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70 ấy chắc thế nào cũng thấy “thật rõ” chàng học sinh si tình ở sân trường Ngô Quyền. Giữa sân yên ắng với những ánh nắng vàng trong đang rơi rớt xuống sân, tôi có thể thấy nhà thơ gầy ốm và cao lều khều đang luýnh quýnh trao thư tình trong đám học sinh huyên náo chuyện trò. Anh có thể ngóng cổ cao bên trên đám bạn, để tủm tỉm cười với một cô Bắc Kỳ nho nhỏ tóc demi-garcon, hay thì thầm lời yêu thương với một cô Oanh đang “chơi giỡn tung tăng hai vạt áo dài,” hoặc lầm bầm lời cay đắng với một cô Duyên “nhớ điêu ngoa mà giả bộ ngoan hiền, nhớ khiêm nhường nhưng thâm ý khoe khoang,” và rồi lại vui đời với một thục nữ đang “bước ngại bước ngùng, như sợ làm đau ngọn cỏ nhung.”
Tôi không thuộc thơ Nguyễn Tất Nhiên nhiều cho lắm, chỉ biết anh qua những bản nhạc tình được ông Phạm Duy phổ nhạc mà tôi nghe đi nghe lại cho đến đứt băng, trong một máy cassette cũ mèm nằm bên cạnh giường. Tôi không được “Đưa em về dưới mưa, nói năng chỉ cũng thừa” với mấy cô học sinh Biên Hòa, như Nguyễn Tất Nhiên. Tôi chỉ được liếc mấy em Mỹ ngồi trong xe chạy sát lề đường, bị bánh xe của em tạt nước ướt chân và xót xa nhìn theo cuộn khói đen phì phụt từ ống bô (sau này tôi mới biết xe của em bị hư máy). Tôi đến Mỹ năm mười lăm tuổi và học hết trung học với mấy cô học sinh không được “hiền như Ma Soeur” của Nguyễn Tất Nhiên. Trường của tôi nằm về phía đông nam thành phố Pittsburgh và mang tên Steel Valley High School, tức là trường Thung Lũng Thép. Pittsburgh từng là trung tâm chế tạo thép của Hoa Kỳ, và thép là hơi thở của toàn vùng này trong mấy thập niên. Với cái tên cứng rắn như vậy, trường tôi có một đội banh football cản húc rất hung hăng và xuất sắc như… thép nguội. Hầu hết những cô gái mà tôi để ý đến lại là mấy cô có bồ đang chơi cho đội banh. Thể thao mang niềm hãnh diện lớn nhất đến cho trường, và các cầu thủ được nhiều “em gái” tranh nhau đến gần, như người ta tranh mua tôm hùm tươi ở chợ cá Pittsburgh. Trong đám cá ươn bị bỏ lại có tôi lẹt đẹt ở đằng sau.
“Ma Soeur thép” được tôi để ý đến đầu tiên là Arnetta, một cô gái lai da trắng với nhiều nét da đen. Xóm West Homestead có rất nhiều người da đen, với vài gia đình di dân lâu đời từ Đông Âu, và gia đình tôi từ Việt Nam. Trường Steel Valley gồm đa số học sinh từ xóm lao động này, cùng một số học sinh da trắng từ các gia đình trung lưu sống ở bên kia đồi. Từ khu phố gần bờ sông, tôi đi bộ qua nhiều dãy nhà của người da đen, băng tắt qua một nghĩa trang trên đồi và đến trường học cách phố khoảng hai dặm. Sáng nào, chiều nào tôi cũng đi bộ từ nhà đến trường và trở về như vậy, ngày mưa cũng như ngày nắng, giữa mùa đông ngập tuyết trắng cũng như đầu mùa xuân lấp ló mầm non xanh. Cho đến khi biết lái xe hơi tôi cũng đi bộ, vì chiếc xe cũ duy nhất của gia đình được mẹ tôi dùng để đi làm ca chiều. Pittsburgh có ít nắng và càng ảm đạm hơn vào mùa đông. Ba năm trời đi bộ dưới bầu trời xám trắng cho tôi nhiều thời giờ để suy tư mà tôi không muốn cho lắm. Có một lúc trong năm đi bộ thứ nhì cuộc đời tôi bỗng ấm áp hơn. Đó là những giây phút tôi băng qua nhà Arnetta trong xóm của người da đen.
Tôi để ý đến Arnetta vì nàng ngồi cạnh tôi trong lớp Hóa Học. Arnetta có đôi mắt to muôn thuở của nữ tài tử Elizabeth Taylor và thân thể đôi mươi của bà. Lớp học được chia ra thành nhiều đội “nghiên cứu”, và may mắn Arnetta thuộc đội “nghiên cứu” của tôi. Nàng là người thích nghe tôi nói giỡn và không ngại nói chuyện với tôi trong lớp học. Đây là đặc ân rất quí giá đối với tôi. Lúc bấy giờ vốn liếng tiếng Anh của tôi quá kém, chỉ đủ để hỏi đường đến phòng vệ sinh và không đủ để tỏ tình hoặc xin số điện thoại với mấy cô Mỹ. Cho dù có học thêm lớp hè dành cho học sinh dốt, tôi cũng không thể khá hơn vì “biệt tài” ăn nói lúng túng… song ngữ của mình. Đó là chưa kể những thiếu thốn khác, từ quần áo thời trang, mái tóc cắt đúng mốt cho đến chiếc xe bốn bánh (có ống nhúng tốt) để chở bạn gái. Tôi chỉ biết chăm chỉ học hành và lấy lòng các thày cô. Trong đám học sinh xuất sắc nhất trường có tôi và nhiều học sinh từ trên phố trung lưu. Bên ngoài lớp học, đám quen biết trung lưu này thường làm ngơ tôi trong phòng ăn, hoặc khi thấy tôi đi bộ băng qua nghĩa trang xuống xóm lao động. Đó là lý do tại sao tôi quí nụ cười được Arnetta dành cho, trong những lúc tôi làm trò cho nàng cười.
Trong nỗ lực hòa nhập với đám học sinh lạ, thay vì dùng lời nói mà tôi không có, tôi thường làm trò với khuôn mặt và tay chân của mình. Tôi chớp mắt, nhíu mày, cạy mũi, thò tay vào lỗ tai, nhe răng và lắc mông như người da đen nhảy disco, để làm hề chọc các “em” cười. Arnetta cười lớn nhất đám, có khi gập người tới trước cho mắt tôi được hưởng chút bờ ngực mấp mô của nàng. Arnetta thường yêu cầu tôi làm lại một trò mà tôi hay chọc nàng. Đó là trò dùng hai tay kéo căng nhọn ngực áo của mình, như khoe bộ ngực hai lít Coca-Cola của Arnetta. Trò vui của tôi cũng xẹp xuống một ngày kia, khi anh bồ của Arnetta hiên ngang bước vào lớp học và hôn nàng một cái “chụt” thật lớn. Người bạn trai là Steven, cầu thủ ôm banh lừng lẫy nhất trường. Có lúc đi bộ ngang nhà Arnetta, tôi liều lĩnh mường tượng cách chiếm đoạt trái tim của nàng. Thế nhưng khi nghĩ đến Steven và một hàng tít lớn trên nhật báo “Thanh niên tị nạn gầy ốm, không biết tiếng Anh bị thanh niên Mỹ đen đánh bầm dập gần nghĩa trang, chắc sắp chết!” tôi chột dạ và yên lặng nhìn chiếc xe của Steven đang phun khói chở theo Arnetta.
Nhiều chiếc xe khác cũng chở theo mấy cô bé từ Thung Lũng Thép, để lại tôi những nụ cười ân huệ và một lối thoát. Tôi tập cười, để chịu đựng và sống sót trong cuộc đời có lúc tưởng chừng như quá tối tăm, ảm đạm. Trở về nhà trong những buổi chiều trống vắng, tôi hâm lại thức ăn mẹ nấu sẵn cho hai anh em trước khi đi làm. Đến lúc em tìm niềm vui riêng, ngồi xem truyền hình dưới phòng khách, tôi lặng lẽ bước lên phòng và chìm vào những băng nhạc tình cũ mèm, tìm kiếm lời thơ của mấy ông nhạc sĩ hay thi sĩ, trong đó có Nguyễn Tất Nhiên. Hết “Đưa em về dưới mưa, nói năng chỉ cũng thừa,” tôi nghe lại “Thà như giọt mưa rớt trên tượng đá, có còn hơn không, có còn hơn không.” Mỗi lần băng qua nghĩa trang trên đường đến trường học, tôi vẫn nhìn lên bức tượng Đức Mẹ Maria đứng giữa những nấm mộ đã có trên nửa thế kỷ. Tôi tìm kiếm những giọt mưa từng rơi vỡ và khô tan trên tượng đá, như tìm trái tim đau khổ vì tình yêu của Nguyễn Tất Nhiên, và của chính tôi.
Từ cổng trường Ngô Quyền, giờ đây nhiều học sinh cùng thời với nhà thơ ấy chắc đang lận đận với cuộc đời chật vật chung quanh Biên Hòa, phiêu bạt theo những chuyến xe buôn đến khắp các miền khói bụi Việt Nam, hoặc trôi dạt mù khơi trong cuộc sống lạc loài nơi xứ người. Và một số người đã về với thiên thu, như thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên. Từ sân trường Ngô Quyền những quá khứ êm đẹp đã đi theo họ. Trong lúc vợ con đang dắt tay nhau ra ngoài cổng, tôi vẫn đứng nấn ná thêm vài phút giữa sân trường, để nhớ đến ánh nắng, bóng mát, dăm ba đứa bạn và thời gian êm đẹp nhất của tôi trong sân trường Võ Tánh. Trường tôi tại Nha Trang chắc cũng còn một gốc cây với bóng mát che chở các lớp học, ấp ủ những tâm hồn ngây thơ một mai kia lang thang đến những nơi không còn chỗ tựa nương.
Ra khỏi trường học, chúng tôi vẫy xích lô và hỏi đường đến ga xe lửa. Lần này chúng tôi trả giá với một thanh niên. Anh ta cũng gầy ốm nhưng lanh lợi hơn bác xích lô ban nãy. Anh hơi nhíu mày khi nghe khách muốn đến ga xe. Rời mái trường Ngô Quyền, vợ tôi và đám bạn gái từng hăm hở trên chuyến xe lửa đầu tiên từ “tỉnh lẻ” lên Sài Gòn. Lúc ấy, vì thiếu an ninh trong thời chiến, xe lửa từ thủ đô không thể chạy xa hơn Biên Hòa. Những chuyến xe đi đi về về giữa Sài Gòn và Biên Hòa đã để lại trong nàng nhiều kỷ niệm thời sinh viên. Mỗi lần biết cô con cưng “du học” trên Sài Gòn sắp về nhà, ba đợi ở ga xe lửa sớm cả nửa tiếng đồng hồ. Đến khi lái chiếc Mô-bi-lết đưa cô sinh viên về xóm Cây Me, ba thường không biết đằng sau có hai, ba chàng trai đang lật đật phóng theo xe và trông đợi một cái nhìn “trúng hướng” của cô con gái. Sau năm 1975, tuy không còn chiếc Mô-bi-lết đã “xuống cấp”, ba vẫn đợi ở ga với một chiếc xe đạp còn cũ hơn. Đám thanh niên si tình đã tản mác theo cơn lốc đổi đời, không còn ai để theo hai cha con về xóm Cây Me.
Trong lúc vợ thì thầm nhắc kỷ niệm xưa, tôi thoáng nghe anh xích lô nói lẩm bẩm “Ga dơ thấy mẹ, tới đó làm gì?” Anh ta nói đúng. Sân ga trong trí nhớ chỉ còn là một nơi bày hàng của vài chục người mà hầu hết là phụ nữ, với dăm ba thanh niên ngồi hút thuốc bên lề đường. Họ bán rau, trái cây, bánh và dăm ba thứ lặt vặt trong những rổ, thúng ở hai bên lề đường, phía ngoài một ga xe tưởng như hoang phế. Khu chợ dơ bẩn và dày đặc mùi nước tiểu. Từ lúc rời phi trường Tân Sơn Nhất, cho đến vài ngày sau đó tôi mới quen với mùi nước tiểu phảng phất ở nhiều nơi. Thế nhưng ở chốn ga xe này tôi vẫn không chịu nổi và có cảm tưởng đây là một nhà cầu lộ thiên nhiều hơn là một góc chợ.
Đến cuối chợ và cũng là đường cùng trước nhà ga, anh xích lô nói rằng ít có ai muốn đến nơi đây, vì dơ bẩn và thiếu an ninh. Từ chuyến xe từng đưa đón những mái đầu xanh xa nhà lần đầu tiên, giờ đây đoàn tàu trên “đường Thống Nhất Bắc-Nam” chứa đầy người buôn hàng chuyến, dân chở hàng lậu và những kẻ tha phương cầu thực. Trong lúc xe xích lô vòng lại và trở ra ngã ba Biên Hùng, nhiều người bán hàng nhìn theo chúng tôi. Khu chợ này khiến cho tôi nhớ đến một xóm chợ mà gia đình tôi từng sống nhiều năm ở Nha Trang. Trong chợ Xóm Mới, quán bán hàng của mẹ tôi nằm cách nhà vệ sinh chỉ có ba căn và không tới mười thước. Quán này cũng là nhà của chúng tôi trong mấy năm trời, trước khi mẹ tôi thuê được nhà bên ngoài chợ. Nhiều buổi tối ăn cơm hoặc ngồi học bài, tôi thầm mong gió chuyển hướng để mùi khai bay đi nơi khác. Quay lại nhìn những phụ nữ bán hàng rong trong chợ ga, tôi biết ngày mai họ cũng sẽ có mặt tại nơi đây, và ngày mốt cũng vậy. Tôi nghe tiếng gió lật phật mỗi lúc một mạnh hơn theo nhịp đạp của người thanh niên. Tôi thầm mong gió cũng chuyển hướng cho những người ở lại đằng sau lưng. Tôi chỉ ao ước và không thể làm gì hơn cho họ.
Những con đường kỷ niệm đưa chúng tôi đến thăm dăm ba người bạn học cũ của vợ. Vào một buổi trưa trong tuần đầu ở Biên Hòa, chúng tôi đi bộ đến tu viện Dòng Thánh Phao Lồ cách ngõ hẻm không tới một trăm thước. Một người bạn của vợ tôi đang dạy tư trong nhà dòng này. Từ bên ngoài đường huyên náo xe cộ, chúng tôi lách qua cổng sắt và bước vào bên trong một sân sỏi đá yên tịnh. Sân nhà dòng hoàn toàn vắng bóng người, ngoại trừ một ông đạp xích lô đang mượn bóng mát dưới gốc cây để nằm nghỉ. Đằng sau nơi cầu nguyện là hai dãy lớp, và như người đàn ông choắt nhỏ đang ngáy nhẹ dưới gốc cây, trên một chục lớp học cũng lim dim trong giấc ngủ trưa.
Những cánh cửa đều khép kín. Tôi bước nhẹ đến từng lớp học và đẩy cửa nhìn vào bên trong. Mỗi lớp có trên một chục em bé đang nằm ngủ ngay ngắn trên sàn nhà. Thời còn đi học (nhất là lúc đủ tuổi để đi làm sau giờ học), tôi thường ngủ gật trong lớp và thèm được nằm thẳng cẳng bên dưới bàn học, mặc kệ những bài giảng toán mà giáo sư đang viết tràng giang đại hải trên bảng đen. Đằng sau những cánh cửa, tôi thoáng thấy có một, hai đứa bé hé mắt nhìn lại tôi. Các em này thuộc loại khó ngủ và chỉ giả bộ nhắm mắt nằm im với các bạn. Sau khi nhìn vào sáu, bảy lớp học, chúng tôi đứng một hồi trong hành lang và chưa biết phải tìm cô giáo Sáu ở đâu. Nhờ có hai dì phước trên dưới bảy mươi tuổi đang lọm khọm bước ra ngoài từ một văn phòng, chúng tôi mới biết phòng dạy của Sáu là một trong những lớp mà tôi đã nhìn vào. Trở lại lớp đó một lần nữa và tìm kỹ hơn, chúng tôi nhận ra một người lớn đang nằm ngủ chung với đám học trò. Thân người lớn chỉ dài hơn học trò một cái đầu. Có lẽ bị chúng tôi xem quá kỹ, người lớn này bỗng xoay đầu và choàng mở mắt. Cô giáo Sáu ngồi bật dậy, bước nhanh đến cửa, như một người mẹ đang sẵn sàng bảo vệ đàn con. Nhận ra vợ tôi, Sáu vừa nói “Ủa!” thật lớn vừa đưa tay che miệng. Hai người bạn ôm nhau, trong khi tôi nhìn đám học trò đang ngồi dậy và đứng lấp ló bên trong cánh cửa đằng sau lưng cô giáo Sáu.
Ngồi đối diện trên một bàn gỗ trong hành lang, vợ tôi và Sáu dồn dập trao đổi những câu hỏi về đời sống của nhau. Tôi nghe họ nói “mày, tao” và thèm được như họ. Khi rời Nha Trang, tôi để lại những đứa bạn mà tôi có thể nói “mày, tao”. Giờ đây, trong số ít bạn bè quen biết, không có ai mà tôi có thể nói “tao, mày” với họ. Cô giáo Sáu cũng gầy như nhiều người ở quanh đây. Đôi mắt của Sáu sáng lên và thường chiếu thẳng vào mặt người nghe, mỗi khi Sáu xuống giọng và nói đến hoàn cảnh nghèo khó trong gia đình. Nhìn chiếc xe đạp đứng dựa tường gần đó và nghe chuyện thiếu tiền mua quần áo mới cho con gái, tôi biết tại sao đôi mắt của Sáu lại sáng một cách mãnh liệt. Mỗi khi ánh mắt chiếu thẳng đó dừng trong mắt chúng tôi, tôi có cảm tưởng như Sáu muốn hỏi “Tại sao? Tại sao lại như thế này? Tại sao?”
Nghề giáo không được trả lương cao tại Việt Nam, và ngoài giờ dạy lớp, hầu như thày cô nào cũng phải “cải thiện đời sống” bằng cách dạy kèm thêm. Trong một dịp gặp gỡ vài ngày sau đó, tôi được biết nhiều người bạn của vợ cũng đang dạy học. Như cô giáo Sáu đây, cuộc sống của họ rất chật vật, bơ phờ chạy đôn chạy đáo từ trường đến nhà của học sinh. Mỗi cô giáo đi làm với chiếc xe đạp. Trong những dòng xe mà tôi từng băng ngang qua, thỉnh thoảng có mấy người đạp xe nép sát bên lề đường, loạng quạng tránh những chiếc xe gắn máy đang phóng ào ào bên cạnh họ. Nhìn những đứa bé đứng lấp ló đằng sau cửa lớp học, tôi chợt nghĩ đến một thế hệ tương lai đang đè nặng trên đôi vai của các cô giáo yếu ớt đạp xe.
ĐƯỜNG VỀ QUÊ HƯƠNG BÌNH NGUYÊN LỘC
Tuy biết chúng tôi muốn quanh quẩn trong xóm Cây Me, để được gần má, má Sáu và những sinh hoạt thường ngày của hai bà cụ, các anh chị vẫn nhiều lần mời chúng tôi đến nhà riêng. Có lẽ anh chị lo ngại tôi sẽ chán ngán sau vài ngày ăn xong rồi lại nằm võng (nhìn thằn lằn), đi ra đi vô ở nhà ngoại. Họ thương chàng rể mới về quê hương và chưa có nhiều kỷ niệm để gói ghém mang qua Mỹ. Người đầu tiên rủ chúng tôi là anh Bảy. Chúng tôi nhận lời viếng thăm anh tại Tân Hạnh vào cuối tuần lễ đầu tiên. Sau này nhớ lại, tôi thầm cảm ơn các anh chị đã cho tôi được thấy nhiều hơn về đất nước mình.
Chuyến thăm nhà anh chị Bảy bắt đầu với hai xe gắn máy. Anh Bảy chở vợ tôi và Bé Cù, trong khi em út Minh Hải đèo theo tôi. Út Hải ngồi rất vững chắc, vừa lái xe vừa giải thích cho tôi biết những đoàn xe ở đâu ra mà đông nghẹt cả con đường (không phải có nghiệp đoàn công nhân biểu tình như tôi tưởng). Mỗi khi hai xe chạy gần nhau, trông anh Bảy ngăm ngăm đen, có dáng dấp phong trần của người lăn lộn nhiều trong cuộc sống, tôi vững tâm nhìn anh lèo lách đưa mẹ con Bé Cù qua những đoạn đường chật xe chen lấn nhau.
Tuy hiền, anh Bảy lại rất rành đời và biết khá đủ những mánh lới mà người ta dùng trong xã hội. Một lần kia đi lấy hình với cháu Cường, tôi dừng chân bên một quán nước và mua gói thuốc lá Jet biếu anh Bảy. Anh thường hút thuốc lá Jet nhập cảng từ Thái Lan. Khi tôi trao gói thuốc, anh Bảy cười lớn, nói rằng tôi mua lầm thuốc lá giả. Tuy nói vậy, anh cũng nhận thuốc và mời tôi hút một điếu. Đó là lần đầu tôi hút lại sau nhiều năm. Việt Nam đang có đầy rẫy những món hàng giả, từ rượu, xà bông cho đến quần áo hiệu ngoại quốc. Tôi không biết bằng cách nào anh Bảy nhận ra thuốc Jet giả. Ngoài hàng dởm, nơi đây còn nhiều thứ giả mạo khác mà hình như ai cũng chấp nhận với không một lời than phiền. Có lẽ càm ràm cũng vô ích.
Như nhiều người ở đây, anh Bảy nhẫn nại chịu đựng dưới cơn giông tố thời cuộc, chờ hoài một ngày tạnh mưa lặng gió cho yên cuộc đời. Cuộc sống anh đang bận rộn và dễ thở hơn với việc trông coi hệ thống phát điện cho một nhà máy Đại Hàn. Trước năm 1975, anh thuộc nhóm kỹ sư trẻ vận hành một nhà máy nhiệt điện lớn ở miền Tây, trong vùng Trà Nóc, Cần Thơ. Sau năm 1975, đám chủ mới “lưu dụng” bọn anh một thời gian để học hỏi kiến thức, kinh nghiệm, trước khi đá bọn kỹ thuật thuộc chế độ cũ ra ngoài lề đường với lời “cảm ơn” vừa nói vừa cười nhếch mép. Đến lúc vợ mang thai đứa con đầu lòng, anh Bảy đã làm đủ thứ nghề, xoay sở tìm “độc lập, tự do, hạnh phúc” và giành giật từng miếng ăn ở ngoài chợ, trong bến xe lúc nhúc đám người cũng vừa được chế độ mới “cảm ơn” như anh. Cuối cùng anh về nương náu ở quê vợ bên cạnh dòng sông hiền hòa. Hai vợ chồng dựng một vách nhà bên cạnh ba má và bắt đầu bán quán.
Hai chiếc xe len lỏi qua những con đường đông xe. Từ chợ Biên Hòa, chúng tôi thay phiên vượt qua mặt nhau trên đường Nguyễn Hữu Cảnh đến Xa Lộ Đại Hàn. Tại ngã tư Xa Lộ Đại Hàn, để quẹo trái lên xa lộ, hai chiếc xe phải chen từ từ giữa hàng chục chiếc xe chạy ngược chiều. Mỗi lần hai xe vượt qua nhau, tôi và vợ con thường nhìn nhau mỉm cười. Tôi chưa bao giờ có cảm giác vừa thoải mái và cũng vừa lo ngại. Lo ngại vì mỗi khi có xe hơi hoặc xe vận tải chạy sát bên cạnh, tôi có cảm tưởng tài xế xe lớn không mấy quan tâm đến những chiếc xe nhỏ ở chung quanh. Đến khi xe chạy băng qua Cầu Mới, tức là Cầu Biên Hòa, những luồng gió mát từ dưới sông Đồng Nai thổi lên làm tôi thoải mái hơn.
Cũng nhờ những luồng gió, mái tóc loáng thoáng sợi bạc của tôi được thổi bay bồng bềnh, như tóc nghệ sĩ sắp lên băng video. Tôi có tật tắm buổi sáng và không sấy tóc. Ở Biên Hòa, mỗi khi được người nhà chở đi đâu đó vào buổi sáng, tôi được gió “sấy” tóc và có một mái đầu “gợn sóng” suốt cả ngày. Hèn gì mấy bữa ở Biên Hòa tôi vẫn được vợ khen đẹp trai hẳn ra. Ban đầu tôi cứ tưởng nàng nói vậy cho tôi lên tinh thần, giúp tôi có thể rán chịu đựng cơn nóng Việt Nam và những trận chảy mồ hôi đượm đầy tay chân.
Nhà của anh chị Bảy nằm trên đường Liên Tỉnh 16 thuộc xã Tân Hạnh, giữa Biên Hòa và các vùng Tân Ba, Tân Uyên hướng lên tỉnh Bình Dương. Cho đến lúc đó tôi chưa bao giờ thấy một con đường nào nguy hiểm hơn đường Liên Tỉnh 16. Vào giữa trưa, khoảng mỗi phút đồng hồ lại có một chiếc xe vận tải phóng qua với tốc độ rất nhanh, tưởng chừng như tài xế đang tháo chạy sau một vụ ăn cắp hàng. Xe vận tải chiếm gần hết bề ngang của con đường đất, “nhường” lại khoảng hai thước ở hai bên đường, vừa đủ cho người đi bộ và các loại xe hai bánh nép tránh xe lớn. Nép bên lề là mấy đứa bé lem luốc, những người đàn ông già trước tuổi đang lọm khọm đạp xe về nhà. Con đường được đắp cao hơn những ngôi nhà nằm sát hai bên lề. Nếu tài xế chỉ chểnh mảng vài giây, xe tải chở đất đá của họ có thể cán qua những đứa bé ngồi bán xăng và lao thẳng vào nhà thường dân nằm sát lề đường. Nhà của anh chị Bảy rung chuyển theo mỗi đợt xe lớn chạy tới. Cửa sổ được đóng kín để ngăn chặn bụi bặm bắn tung vào nhà. Mỗi khi thấy bánh xe tải lăn qua, tôi nghĩ đến nhiều khung cửa khác đang rung chuyển trên khắp xứ sở, bên cạnh những con đường đất hứa hẹn một cuộc đổi mới rất cần thiết mà lại đầy nguy hiểm.
Trước khi kỹ nghệ khai thác đá bung mở ở vùng này, con đường yên tịnh uốn khúc vào một miền quê hẻo lánh, trong đó có cả quê nội của vợ tôi. Cha vợ tôi được chôn trong vùng Tân Ba. Vào giữa thập niên 60, những thôn xóm chung quanh vùng Tân Hạnh gần Tân Ba còn nhiều lò đường mía tiểu công nghệ tỏa hương ngọt ngào, thơm ngát một vùng quê. Con đường ít xe qua lại giờ đây trở thành một trục lộ quan trọng và đầy bụi bặm, trong một cuộc đổi mới kinh tế quá hấp tấp. Những đoàn xe chuyên chở vật liệu xây cất, như gạch, đá chạy rầm rập thường xuyên trên trục lộ, suốt ngày và suốt đêm. Một số nhà cư dân cho thuê bãi sông để làm bến cho các xà lan cập vào chở đi những nguyên liệu ấy.
Sau này thì tôi được biết thêm rằng công an không thể thi hành luật lưu thông đối với các tài xế xe tải, bởi các đoàn xe chính là phương tiện làm giàu của mấy “ông lớn”. Nếu thỉnh thoảng có ngăn chặn một vài tài xế chạy quá tốc độ, công an chỉ phạt lấy lệ nhằm chứng tỏ với người dân về sự hiện diện của chính quyền. Con đường nhựa xấu quá hẹp, chưa đủ dày chắc để chịu đựng những đoàn xe tải đang phóng vào cuộc đổi mới kinh tế. Người ta cứ mạnh ai nấy chạy, chụp giựt được lúc nào thì cứ chụp giựt. Chỉ tội cho những người sống ở hai bên đường. Sau nhiều năm chịu đựng sự nghèo kém đến tận cùng, họ phải chấp nhận một chút bụi bặm bắn vào nhà, với hy vọng có được một ngày mai khá hơn.
Nhà của anh chị Bảy có quán bán tạp hóa lặt vặt cho người trong xóm. Quán nằm khuất trong lối ra vào. Nhiều món hàng được bày trên quầy gỗ, treo trên tường và chất chung quanh lối đi xuống đằng sau nhà. Người trong xóm có thể mua cái máy bật lửa, đôi dép nhựa, gói đường cát, cái chén hoặc chai nước mắm, thậm chí vài viên thuốc cảm. Chị Bảy và con gái đứng bán hàng khi chúng tôi đến viếng thăm. Nhìn chị cười thân thiện với một người mua hàng, tôi tin rằng nếu nửa đêm có người trong xóm gọi cửa mua một lọ dầu khuynh diệp để cạo gió cho người bị bệnh, chị Bảy sẽ không ngại rời giường ngủ tìm cho họ lọ dầu.
Bước xuống vườn sau nhà anh chị Bảy, tôi quên hết đường xe bụi bặm và mau chóng tan mình vào một khoảng đất rộng, xanh tươi, mát rượi bóng cây chạy xuống tận mé sông. Nhìn những con gà bươi mổ lăng xăng trong bóng mát dưới mấy bụi tre, những gốc mít, bưởi, dừa, tôi biết tại sao một chút quê hương sẽ ở mãi trong tôi nơi xứ người. Đằng sau nhà có một căn phòng gạch, dành cho ba má của chị Bảy. Chúng tôi vào bên trong và thăm viếng bác gái với chút quà. Bác già yếu, cũng khoảng tám mươi tuổi như má vợ tôi. Trong lúc bác gái nói chuyện với vợ, tôi nhìn quanh quẩn, không biết bác trai đang ở đâu. Đến khi ra ngoài, tôi lại lôi máy ảnh ra và tí toáy bấm phim. Tuy chụp hình người, thật sự tôi muốn giữ lại hình ảnh xanh mát đằng sau nhà thì đúng hơn.
Chúng tôi thơ thẩn trong chốc lát dưới những bóng râm, rồi bước qua từng gốc cây, đám “diễn viên” chúng tôi tiến dần đến mé sông. Lúc sắp bấm máy chụp hình bên cạnh bờ sông rậm lá cây, tôi giật mình khi thấy có đầu người trồi bên trên mặt nước. Đầu người này chính là bác trai. Bác lặng lẽ và đen như gỗ hạnh nhân. Miệng ngậm một cây đinh, bác chăm chú cầm búa nện nhè nhẹ vào một cây đinh dài sét rỉ khác. Khi thấy tôi còn tò mò nhìn đầu người đang thập thò trên mặt sông, chị Bảy mới nói rằng ba chị đang sửa lại cây cầu gỗ. Vào đêm hôm trước, một chiếc xà lan lớn đã tông bừa vào bến, phá đổ nhiều bụi cây và cầu gỗ ven bờ. Bác trai đứng dưới bùn, để cho nước sông lên cao đến tận cổ, trong lúc bác nhẫn nại đóng lại miếng ván cong mục. Mỗi khi sóng nước vỗ mạnh vào bờ và rút ra, tôi mới thấy thân ngực trần đen đậm với đôi xương vai cong như đòn gánh của bác. Như biết tôi đang quan sát, bác ngước lên và nhìn ra giữa dòng sông, nơi đang có một chiếc xà lan chở vật liệu nằm bất động. Bác đưa bàn tay từ dưới nước và lấy đinh ra khỏi miệng. Bác chợt nói một câu ngắn, “Tụi nó chạy ẩu quá xá, phá hết bờ của người ta.” Xà lan đã trôi xa giữa dòng, làm ngơ như những chiếc khác đang xuôi ngược trên sông Đồng Nai. Có ai bận tâm hoặc còn thời giờ để nghe lời than phiền từ những thường dân như bác trai?
Trong bữa cơm trưa với anh chị Bảy, tôi thầm thán phục sự chịu đựng của gia đình này mỗi khi tôi nghe tiếng cửa sổ rung chuyển theo tiếng xe vang rền. Tôi cũng ngạc nhiên khi nghe chị Bảy biết rất nhiều về những trận đá banh World Cup đang diễn ra tại nước Pháp. Đài truyền hình chiếu lại một trận đấu giữa hai đội Ba Tây và Hòa Lan. Chị Bảy biết tên hầu hết các cầu thủ quốc tế và rất rành những “chiêu” đưa banh xuống sân của hai đội. Trưa hôm đó tôi uống nhiều chai bia Saigon với anh Bảy và út Hải. Thấy anh Bảy uống nhiều bia, nghe chị Bảy kể lại những cú đưa banh tuyệt hảo của Ronaldo, của Zidane, tôi hiểu tại sao họ có thể chịu đựng được cuộc sống hiện tại. Bia và đá banh cũng đang giúp cho hàng triệu người trên thế giới, trong đó có cả tôi, có thể nuốt trôi những nghịch cảnh và chấp nhận cuộc sống riêng tư của họ.
Sau giờ nghỉ trưa, anh chị Bảy và Minh Hải đưa vợ chồng tôi lên Tân Ba, quê nội của vợ tôi. Vì đường Liên Tỉnh 16 quá nguy hiểm, chúng tôi để lại Bé Cù ở nhà với con gái của anh chị và đàn gà con sau vườn. Gia đình bên nội ở trong thôn quê nghèo hơn bên ngoại. Bước vào một ngôi nhà thiếu ánh sáng, chúng tôi hỏi thăm một bác gái trên tám mươi tuổi. Ngoài sợi dây điện chạy trên tường và kết thúc với một bóng đèn trên trần nhà, tôi không thấy những tiện nghi thời đại nào khác trong ngôi nhà cũ kỹ này. Tuy chỉ nằm cách con đường ầm ầm xe tải “đổi mới” không tới mười thước, ngôi nhà của bác Hai vẫn không thay đổi bao nhiêu sau hơn hai mươi năm được “độc lập, tự do, hạnh phúc”, ngoại trừ có thêm bụi bặm và nhiều thất vọng.
Trong lúc chúng tôi ngồi hỏi chuyện bác Hai, một cặp vợ chồng trung niên bước vào nhà và nhận ra vợ tôi. Hai người mới vào rất gầy ốm, già trước tuổi và có đôi tay nổi cộm những đường gân lớn bằng cây đũa. Họ là con trai và con dâu của bác. Như nhiều người khác mà chúng tôi gặp, nụ cười và ánh mắt sáng của hai anh chị che đậy một cuộc sống cơ cực. Chị cho chúng tôi biết hai vợ chồng đi cắt cà từ sáng mới về, và nếu bán được hết mớ cà bắp này, họ có thể kiếm được khoảng mười ngàn đồng, tức là không tới một Mỹ kim. Tôi thấy chị vui nhất khi nói về đứa con gái lớn của chị. Đứa con sắp tốt nghiệp tại một trường huấn nghệ và có thể tìm được một việc làm tốt, khá hơn công việc đồng áng của cha mẹ.
Nghe ý định thăm mộ ba, mọi người đều khuyên chúng tôi không nên đi trong tháng Bảy này, vì đường vào khu mộ rậm rạp với cây cỏ cao quá đầu người, rất khó đi bộ hoặc đi bằng xe. Tuy thất vọng vì không có dịp được viếng mộ ba vợ lần này, tôi cũng vui trở lại trên đường quay về nhà anh Bảy. Niềm vui này là một niềm vui với một cố nhân, một hạnh phúc văn chương.
Trên đường từ Tân Ba trở về Tân Hạnh, hai xe gắn máy lượn qua những quãng đường với nhiều thửa ruộng xanh mát, chạy dài đến tận những ngọn núi tròn mềm mại. Tôi có thể thấy núi Bửu Long xa xa ở bên kia sông Đồng Nai. Trong lúc nhìn một ngôi nhà nằm cô đơn giữa cánh đồng, tôi chợt nhận ra mình đang sống trên quê hương của một nhà văn mà tôi quí mến từ lâu. Nhà văn này là ông Tô Văn Tuấn, tức tác giả Bình Nguyên Lộc quen thuộc trong giới văn chương miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Ông chào đời tại làng Tân Uyên, phía trên Tân Ba nếu chúng tôi tiếp tục đi tới thêm một khoảng ngắn trên con đường Liên Tỉnh 16 này. Từ ngày bắt đầu đọc truyện Bình Nguyên Lộc, tôi chưa bao giờ dám nghĩ có ngày tôi có thể đi qua những con đường mà ông từng sống nửa thế kỷ trước đây. Quãng đường từ Tân Ba về Tân Hạnh quả thật đã đến không ngờ trong trí nhớ quá xa xôi của tôi.
Trong mấy năm đầu mới đến Hoa Kỳ, tiền dành dụm sau những lần cắt cỏ cho người hàng xóm và rửa chén bát trong một tiệm ăn dưới phố Irwin của tôi thường được dùng để mua hai thứ: đĩa nhạc Mỹ và sách tiếng Việt. Tuy chữ lem nhem và mờ nhạt, những cuốn sách in lại trở thành dăm ba món tài sản rất quí giá đối với tôi, ở một nơi mà hiếm khi tôi nghe có người nói tiếng Việt, ngoại trừ tiếng của mẹ và em tôi. Với món tiền để dành rất giới hạn, tôi gởi mua được trên mười tựa sách, gồm nhiều tác phẩm của nhóm Tự Lực Văn Đoàn và một cuốn của ông Bình Nguyên Lộc. Những quyển sách đầu tiên này đều được tôi bọc bìa bằng một loại giấy keo dính trong suốt. Tôi xếp sách trên một kệ gỗ do tôi đóng và đặt bên cạnh giường. Sau nhiều năm thay đổi chỗ ở và phiêu bạt qua các tiểu bang, chưa kể những lần bị người khác mượn sách, tôi vẫn còn giữ được cuốn “Đò Dọc” của Bình Nguyên Lộc. Sau này tôi được đọc nhiều tác phẩm khác của ông, kể cả truyện ngắn “Rừng Mắm” đầy xúc động tình quê hương và vài bài ông viết trong những ngày sống ở miền Bắc California. Tuy thế, tôi vẫn mến tập truyện dài “Đò Dọc”, không hiểu vì đó là tác phẩm đầu tiên của ông tôi được đọc ở một nơi đầy tuyết giá, hay vì lối viết vừa vui, vừa hiền, vừa sâu sắc tâm lý và cũng vừa dễ dãi, cà kê dê ngỗng, như một câu chuyện tiêu khiển thời giờ trên một chuyến xe đò về miền quê.
Rời đại học vào năm 1986, tôi ôm theo (nhét vào đáy va-li thì đúng hơn) cái bằng cử nhân nghệ thuật điện ảnh mà thày giáo có nói rằng không thể giúp kiếm ra tiền và cũng không nên khoe với bất cứ ai, kể cả vợ. Tôi lang thang đến Bắc California để tìm việc làm. Trong những ngày ở tạm nhà người quen trong vùng San Jose vào cuối mùa xuân 1987, tôi tình cờ đọc được một bài viết của ông Bình Nguyên Lộc lẫn lộn giữa những trang quảng cáo của một tờ báo biếu dầy cộm, nằm phất phơ bên ngoài một tiệm tạp hóa. Báo biếu hay báo “free” thường nằm chất đống bên ngoài những cửa tiệm vào chiều ngày thứ Sáu hoặc sáng thứ Bảy. Bài của ông viết về một chuyến thăm Phố Tàu tại San Francisco, cũng với chút dí dỏm và dễ dãi đáng mến của một người miền Nam. Điều tôi nhớ đến nhất trong bài viết là ông đang sống gần Sacramento, cách San Jose nơi tôi ở không tới hai tiếng đồng hồ lái xe.
Thế nhưng trước khi tôi tìm đến Sacramento để được gặp người tôi quí mến từ lâu, ông Bình Nguyên Lộc đã về cõi thiên thu. Tờ báo biếu đăng tin buồn với bức hình cũ của ông mờ ảo đằng sau làn khói thuốc trắng. Thế là bảy mươi năm sau khi rong chơi ở miền quê Tân Uyên, Biên Hòa, trải qua những năm tháng sôi sục máu lửa chiến tranh tại miền Nam Việt Nam, người có bút hiệu “con nai miền đồng bằng” đã vĩnh biệt cõi đời tại xứ người, ở một nơi được gọi là Rancho Cordova, California. Vào đầu thập niên 90, vợ chồng tôi rời Nam California và trôi dạt đến miền bắc. Trong thời gian tạm dừng chân và mở một tiệm sách tại Stockton, vợ chồng tôi tình cờ quen biết một người họ Tô cùng lứa tuổi với chúng tôi. Người này tự nhận là con trai út của ông Bình Nguyên Lộc. Tôi thất vọng khi biết anh không có sở thích văn chương như cha anh. Người con út ấy giỏi cờ tướng, có một cơ sở kinh doanh đang phát triển tại Sacramento và thỉnh thoảng liên lạc với tiệm sách của tôi, để kiếm thêm thân chủ tại Stockton.
Trên đường từ Tân Ba trở về Tân Hạnh, gió mát ngoài đồng xanh mời tôi vào quê hương của ông Bình Nguyên Lộc. Tôi thấy những nơi ông đã thấy và thở không khí mà ông đã thở trước đây. Phải chăng luồng khí âm ẩm mà tôi đang hít vào buồng phổi cũng là khí sống trong tác phẩm “Đò Dọc”? Tôi có thể thấy một ngôi nhà tranh “vách trỉ long mốt” đang nằm chơ vơ giữa một cánh đồng, được xây theo kiểu mẫu nhà tre đăng trên báo. Ở đó, gia đình ông bà Nam Thành và bốn cô con gái chưa chồng đã tìm được bình yên sau những năm tháng sống xô bồ ở ngoại ô Sài Gòn. Băng ngang những cánh đồng xanh mạ với một con đường đất quanh co, ẩn hiện sau những bụi tre, tôi có thể thấy công tử Quờn đang bị bốn cô Hương, Hồng, Hoa và Quá chọc ghẹo. Tôi chợt mỉm cười như đang ngắm công tử Quờn nửa nhà quê nửa thành thị mà ông Bình Nguyên Lộc đã khoác cho “bộ bi-da-ma màu hường, màu xanh lá cây mà cậu mặc mãi từ sáng đến tối, từ trong buồng ra đến quận lỵ.”
Quê hương thời thanh bình vào cuối thập niên 50 của ông Bình Nguyên Lộc giờ đây có còn mấy cậu công tử Quờn quê mùa một cách đáng yêu? có còn những cô gái xinh tươi chờ đợi một tấm chồng? Dọc theo Liên Tỉnh 16 này, có bao nhiêu cặp vợ chồng đang còng lưng hái những bó rau cà bắp giữa trưa nắng cháy? bao nhiêu ông cụ tám mươi tuổi còn hì hục sửa lại một miếng ván cầu bị xà lan phá đổ? và bao nhiêu đứa bé lem luốc đi bên cạnh con đường ồ ạt những chiếc xe tải, chở nặng một cuộc đổi mới đầy chụp giựt mà không ai biết sẽ đưa xứ sở đi về đâu?

Hoàng Mai Đạt

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button