TRỞ LẠI LẦN NỮA HỒ SƠ “NGŨ PHỤNG”

TRẦN GIA PHỤNG

au khi đọc bài “Quảng Nam – quê hương Ngũ phụng tề phi” của ông Thy Hảo Trương Duy Hy trong sách Lịch sử, sự thật & sử học, do Nxb. Trẻ ấn hành tại TpHCM (Việt Nam) tháng 12-1999, tôi có viết bài trả lời ông Hy vào tháng 7-2000. Khi gởi về ông Hy, do quen biết trước, tôi đã viết thêm một thư riêng, có tính cách cá nhân. Cả thư lẫn bài gởi ông Trương Duy Hy (TDH) cho đến nay chưa đăng báo ở hải ngoại. Tôi xác nhận tôi có gởi bài đó cho một số thân hữu đọc khi họ hỏi đến vấn đề nầy.
Vừa qua, tôi nhận được một bài ông TDH trả lời cho tôi, mà không gởi cho tôi, lại muốn “công bố thư nầy lên đúng vào tờ báo và cột báo mà trườc đây đã đăng bài của anh Phụng đặt vấn đề”. Như vậy, là tờ báo nào xin ông Hy vui lòng cho tôi biết để tôi tìm đọc? Bài ông TDH tôi nhận được qua điện thư của nhà thơ Phan Xuân Sinh ở Boston gởi cho. Tôi xin cảm ơn anh Phan Xuân Sinh. Nhân đây, tôi xin đề nghị với anh Sinh, nếu có điều kiện, xin anh làm vui lòng ông TDH, cho đăng song song hai bài của ông TDH và hai bài của tôi một cách công bằng để độc giả có thể theo dõi và nắm rõ vấn đề.

1.- Mở đầu phần thảo luận, ông TDH nhắc lại thư riêng của tôi gởi về ông, nói đến các nhân vật ở Ðà Nẵng, trong đó có đoạn tôi viết: “Khi các cụ còn sống, có thể tôi tiếp xúc với các cụ còn nhiều hơn anh.” Ông Hy không đồng ý điều nầy và chứng minh rằng ông rất thân với các nhân vật đã được nhắc đến trong bài viết. (Câu kết phần 1). Tôi xin chúc mừng ông TDH. Tôi xin lưu ý ông TDH là tôi viết “có thể tôi tiếp xúc với các cụ còn nhiều hơn anh”, chứ tôi không nói tôi thân các cụ hơn ông Hy. Hai điều nầy khác nhau. Ðể dễ hiểu tôi lấy một ví dụ: ông TDH là một sĩ quan pháo binh, thường hay xa nhà vì xông pha trận mạc. Ðể nuôi con, bà TDH thuê một người vú em giữ cháu trong một năm. Tuy ông TDH là cha của em bé, nhưng chị vú nuôi tiếp xúc với em bé nhiều hơn ông TDH trong năm đó. Ðó là chuyện bình thường. Hy vọng với ví dụ đơn giản nầy, ông TDH hiểu ra sự khác biệt của hai từ ngữ trên đây. Trước 1975, ông TDH là một sĩ quan, thường di chuyển, còn tôi là một người dân sự dạy học, thường xuyên ở Ðà Nẵng, lại sống và sinh hoạt trong môi trường luôn luôn được tiếp xúc với các nhân vật trong thư đã nêu ra, thì chẳng có gì lạ.

Ông TDH nhắc lại lời trong thư tôi (chỉ nói riêng với ông Hy) là cụ Trần Ðình Nam có ý định giao cho tôi viết hồi ký đời cụ. Ông TDH kể chuyện tang lễ cụ Nam, nói rằng tôi không được giao viết điếu văn, tức là tôi chưa thân đến độ được uỷ thác viết hồi ký. Ðúng ra tôi chưa viết việc nầy, nhưng vì ông TDH nêu lên công khai nên tôi phải kể sơ một chút: Trong tang lễ của cụ Nam, cụ luật sư Ðặng Vũ Niết, chủ tịch phân bộ Hồng Thập Tự Ðà Nẵng, làm Trưởng ban, tôi (TGP) làm thư ký ban tang lễ (lúc đó dùng chữ “tổng thư ký”, xem ra có vẻ to tát quá). Sở dĩ lúc đó tôi nhận làm thư ký vì trong nhóm anh em chúng tôi sinh hoạt riêng với cụ Trần Ðình Nam, có 3 người được anh em chỉ định lo các việc cho cụ Nam: anh Phạm Văn Lương (bác sĩ, đã từ trần) lo chạy ngoài (ngoại giao), anh N.C.T. (giáo sư, còn sống ở Việt Nam) lo chuyện viết điếu văn riêng nhóm chúng tôi, còn tôi lo việc ở trong (sắp đặt việc tang lễ), nên tôi mới nhận làm thư ký tang lễ khi được cộng đồng bầu trong buổi họp tại nhà cụ Nam, vì nếu để người khác làm thư ký, tôi phải đi kèm thêm mất công. Trong vai trò thư ký ban tang lễ, tôi có mặt từ đầu đến cuối trong vụ nầy, sắp đặt mọi việc: từ việc cùng anh PVL đi kiếm đất (chôn) theo yêu cầu của gia đình, sắp xếp lễ nghi, đưa đi kiểm duyệt các bài điếu văn… kể cả việc điều khiển chương trình trong buổi lễ tiễn đưa cuối cùng cũng do tôi phụ trách. Ðiều nầy, ông TDH có thể hỏi anh Trần Ðình Thanh Lam, cháu cụ Nam, hiện còn ở trong nước. (Ai cũng biết cụ Nam không lập gia đình, nên cháu trai cụ có mặt tại Ðà Nẵng lúc đó là anh Trần Ðình Thanh Lam đứng thế vai trưởng nam, và cộng đồng lập ban tang lễ phụ giúp gia đình). Còn những anh em khác trong nhóm phụ giúp chúng tôi khi chúng tôi cần đến. Ra hải ngoại, đã có người đề nghị tôi viết lại những chuyện nầy, kể cả việc viết về phụ thân tôi. Tôi rất ngại bị mang tiếng là mượn uy tín của các bậc bề trên để quảng cáo cho riêng mình, nên tôi hoàn toàn im lặng chưa viết, và đợi khi nào thật thuận tiện tôi mới viết lại, nhân đó tôi sẽ trình bày trong trường hợp nào tôi lại được “chỉ định” viết hồi ký (hụt) cho cụ Trần Ðình Nam. Chuyện chẳng có gì quan trọng để ồn ào, và đây là lần đầu tiên tôi viết thư riêng kể cho ông TDH mà thôi.

Trở lại chuyện các nhân vật Ðà Nẵng, chuyện tiếp xúc nhiều hay ít, chuyện thân tình đến độ nào, hoặc chuyện viết hồi ký, chỉ là chuyện phụ, ngoài lề. Chuyện chính là trong phần đó, khi ông TDH nhắc đến bài báo của cụ Huỳnh trong bài viết đầu tiên của ông, tôi đã đặt câu hỏi trong bài viết của tôi: “Ông TDH không cho biết đây là nguyên văn ông Nguyễn Xương Thái, hay ông Thái kể, ông TDH nghe, rồi viết lại? Phần cụ Huỳnh viết ở Tiếng Dân, số ngày nào, không được ghi chú. Nói cách khác, việc trích dẫn nầy không có căn cứ văn bản.” Rất tiếc ông TDH không trả lời thẳng vào vấn đề thực tế nầy, cũng không giải thích xuất xứ bài báo Huỳnh Thúc Kháng, rồi lại viết loanh quanh ra ngoài vấn đề. Ðây là lối viết cả vú lấp miệng em, vì nói trắng ra là thực tế chẳng có bài báo nào về việc nầy của cụ Huỳnh cả, vì có thì ông TDH trưng dẫn liền. Ðiều nầy chứng tỏ có thể là ông TDH tự sáng tác tài liệu mà thôi.
2.- Trong phần 2, ông TDH nhắc lại lời trong thư tôi viết riêng cho ông: “Ðôi khi tôi thấy anh viết theo kiểu ký sự hơn là sử học.” Trong câu nầy tôi hoàn toàn không có ý kiến khen chê, tôi chỉ viết trong thư riêng cho ông Hy, như anh em trong nhà nói chuyện với nhau, và chính ông TDH cũng thú nhận: “Tôi quan niệm viết theo lối ký sự hay lối sử học đều tốt cả, nếu nội dung bài viết mang tính nhân bản, không đả kích quá khứ khi chưa nắm đầy đủ vấn đề.” Tuy nhiên ký sự là ký sự, sử học là sử học, hai ngành rất khác nhau và hai cách viết cũng rất khác nhau. Bằng chứng là tôi đề nghị chú giải văn bản cụ thể theo lối viết sử thì ông TDH tránh né và chỉ viết theo ý của ông, rồi gán cho các cụ ngày xưa. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cũng đang viết kiểu đó, chỉ khác ở chỗ Nguyễn Huy Thiệp xác nhận mình viết tiểu thuyết, mượn sự tích người xưa rồi hư cấu thêm để nói lên những suy nghĩ và cảm tính của mình.
Trong phần nầy, cũng như bàn bạc trong bài, ông TDH nói chuyện đạo đức trong viết văn (một cái tâm trong sáng, một cái nhìn không vụ lợi…) Về việc nầy, không phải mình tự hô hoán theo kiểu thùng rỗng kêu to, rằng mình viết văn hay, với cái tâm trong sáng, cái nhìn không vụ lợi, là tác phẩm mình hay hoặc trong sáng. Chỉ có độc giả mới có quyền phán xét những bài viết của chúng ta chứ không phải chúng ta lên tiếng tự phong mà được. Một người viết văn như thế nào, tư cách ra làm sao, đó là đánh giá của độc giả về lâu về dài. Ðộc giả là vị giám sát của nhà văn, dần dần gạn lọc qua thời gian để còn lại những tác phẩm giá trị, và những nhà văn nghiêm túc. Kể cả việc tranh luận giữa ông TDH và tôi hôm nay, xin để cho độc giả phán xét, chứ không cần “lên lớp” nhau.

3.- Trong phần 3, ông TDH lại nhắc đến lời tôi viết thư riêng cho ông về câu chuyện trong nhà tôi, hai cha con thảo luận với nhau, và phụ thân tôi nhấn mạnh đến khía cạnh văn chương trong câu chuyện “Ngũ phụng”. Ông TDH viết: “Nếu phải chấp nhận ý kiến của cụ Trần Gia Thoại (thân phụ của anh Phụng) thì nội dung của bài viết Ngũ Phụng Tề Phi của tôi cũng chẳng có gì phải thắc mắc.” Nếu ông TDH viết chuyện văn chương thì thật đúng không có gì đáng thắc mắc, và ông chỉ xác nhận như vậy thì chúng ta khỏi thảo luận. Tôi đề nghị ông TDH nên làm như Nguyễn Huy Thiệp, ghi rõ là tiểu thuyết, hay ký sự hay truyện ngắn trên đầu bài.

4.- Ngay sau đó, ông TDH dẫn đến Cụ Cả Liêu. Trong bài trước tôi không biết cụ Cả Liêu là ai, nên mới nói chuyện văn bản, nhưng lần nầy ông TDH xác nhận rõ ràng cụ Cả Liêu là phụ thân ông, và ông TDH còn viết thêm: “thân phụ tôi là cụ Cả Liêu (ở Hội An trước 1945 ai mà không biết)” [nguyên văn]. Tôi xin lỗi là trước đây tôi không biết cụ Cả Liêu là phụ thân ông TDH. Tôi rất kính trọng ông TDH và cũng rất kính trọng cụ Cả Liêu, còn chuyện cụ Cả Liêu “ở Hội An trước 1945 ai mà không biết” thì xin hậu xét (vì phải kiểm chứng) dầu điều nầy có thể đúng. Hội An là một thị trấn nhỏ, dân ít. Trước năm 1945, lại càng ít người, nên có thể mọi người biết nhau hết, đó là chưa kể biết như thế nào nữa. Tuy nhiên, lời nói của cụ trong gia đình là việc khác, tài liệu sử học là việc khác. Theo ông TDH, đương nhiên cụ là một nhà Nho có tác phong đạo đức, nhưng tôi xin lưu ý đến khía cạnh trước thuật sự việc. Không riêng gì cụ Cả Liêu, ai cũng có thể nói đúng, có thể kể không đúng sự việc, chứ không phải nhất thiết một người nói mọi thứ ra đều đúng hết. Ngoài ra, như tôi đã viết, trong bài trước, “cụ Phạm Phú Hưu và cụ Cả Liêu đều viết hay nói đúng sự thật, nhưng xin lưu ý là bảng “ân tứ vinh quy” không phải là bảng “Ngũ Phụng tề phi”. Ðà từng viết về khoa bảng Quảng Nam, không lẽ ông TDH cũng không nhận thấy sự khác nhau của hai cụm từ nầy nữa sao?

Những gì liên quan đến lịch sử, chúng ta đều có bổn phận phải cẩn án lại. Tôi có thể lấy một ví dụ cho dễ hiểu: ví dụ ông TDH là đồng tác giả sách Khoa bảng Quảng Nam dưới thời nhà Nguyễn (1601-1919). Nếu các con ông TDH có tinh thần như ông TDH, nghĩa là cha mình nói cái gì cũng đúng, thì khi các cháu đọc quyển sách nầy, không biết các cháu sẽ nghĩ sao? (1) Ngoài ra, nếu một lúc nào đó, ví dụ có một kẻ nào đó, nổi cơn lộng ngôn, “nổ” như pháo rằng “cha tôi nói thế nầy, cha tôi làm thế kia, cha tôi ở tỉnh nầy ai mà không biết”, thì ông TDH có tin không?

5.- Trở lại bài của ông TDH. Lần nầy ông TDH đi vào bài của tôi, nhắc đến việc tôi viết về đơn vị hành chánh chịu trách nhiệm đón các tân khoa, tức là đơn vị huyện, và huyện Diện Phước tổ chức rầm rộ cuộc tiếp rước, rồi ông TDH viết: “Vậy thì thắc mắc nầy của anh Phụng về bài viết của tôi được chính anh Phụng gỉải đáp một cách rành rẽ rồi. Chính vì điểm đặc biệt nầy mà tỉnh cũng cảm thấy cần phải chia vui với “Ngũ Phụng” cũng chẳng phải là việc phạm vào “quốc pháp” đến nổi không thể nào xảy ra như thế được (như ý anh Phụng ở đoạn trên).” Ông TDH lại kiểm duyệt bỏ bớt bài của tôi rồi. Trong bài của tôi, tôi lưu ý là huyện Diên Phước là đơn vị hành chánh đón rước các tân khoa chứ không phải tỉnh Quảng Nam. Sau khi các tân khoa về quê vinh quy rồi, tổng đốc Ðào Tấn mới tổ chức tiếp rước và vinh danh các tân khoa tại “Khán hoa đình” ở Vĩnh Ðiện. Vinh danh là một việc, trao bảng “Ngũ phụng tề phi” là một việc khác, mà việc nầy đã không xảy ra dựa trên bài ký “Khán hoa đình” của án sát Nguyễn Văn Mại. Ông Nguyễn Văn Mại là người trong cuộc, hiện diện trong buổi tiếp rước vinh danh các tân khoa năm 1898, và là người đã viết bài ký “Khán hoa đình” để tổng đốc Ðào Tấn trao tận tay Phạm Liệu trong buổi tiệc liên hoan mừng sự thành công của người Quảng Nam trong kỳ thi đình năm 1898. Tài liệu cụ thể của người trong cuộc đã đứng ra tổ chức lễ tiếp rước, kể lại chuyện tiếp rước rõ ràng và đầy đủ, thì ông TDH không tin. Ông chỉ cho lời đồn là đúng mà thôi.

6.- Về việc ông Phạm Liệu, có hai điều: Thứ nhất theo ông TDH viết: ” Bởi cách đây mấy năm, ông Ngô Văn Minh (hiện đang chuẩn bị làm luận án ra trường với học vị Tiến sĩ), ông có sưu tầm được thủ bút của tên Phán Trứ báo cáo với Tòa Khâm về vụ khởi nghĩa chứ Phạm Liệu không hề hay biết vụ khởi nghĩa đó, mà chỉ biết trong đêm khởi nghĩa thất bại, vua Duy Tân bị bắt là lúc Phạm Liệu được lệnh của Tổng Ðốc Quảng Ngãi “thiét quân luật” và cũng chính lúc đó mới có việc tên quân thuộc hạ xin phép Phạm Liệu về quê, khiến Phạm Liệu biết rõ hơn về cuộc khởi nghĩa nầy.” Ông TDH muốn mượn ông Ngô Văn Minh tài liệu để dẫn chứng, nhưng ông Ngô Văn Minh chưa đồng ý. Nghe việc nầy, tôi rất mừng, vì như thế có thể giải một mối oan cho ông Phạm Liệu. Chúng ta hãy chờ xem tài liệu mới nầy có gì lạ.
Trong khi chờ đợi, cho đến nay, căn cứ trên tài liệu của tiến sĩ Vũ Ngự Chiêu vừa mới được in trong năm 2000, khi vào lục kho thư khố Pháp ở Paris cũng như ở Aix en Provence, trong bộ hồ sơ mang tên “Gouvernement Général d’Indochine [GGI], Sureté Général, “L’agitation anti-fran(aise dans les pays annamites de 1905 à 1918” mã số 9588, thì “mãi tới ngày 2-5, do sự cáo giác của án sát Phạm Liệu, công sứ Quảng Ngãi là Henri de Tastes bắt giữ 8 lính khố xanh, gồm một thầy cai, dính líu vào âm mưu khởi nghĩa…”. Còn phần Trần Quang Trứ, số quân 16673, tiểu đoàn 16, thì: “Nhờ quen biết Thái Phiên từ ngày còn làm việc ở Tourane, tối 3-5 Trứ được tham dự một buổi họp mật do Phiên chủ tọa ở nhà ga Huế…Theo lời khai của Trứ, đích thân vua cho lệnh Trứ bằng tiếng Pháp…Trứ vội đến báo cáo với công sứ Thừa Thiên Carlotti, và nhận lệnh dẫn lính truy bắt Duy Tân…”(2)
Không biết tài liệu ông Vũ Ngự Chiêu lục trong thư khố Pháp có phải là tài liệu ông Ngô Văn Minh đang sử dụng không? Ông TDH chỉ nghe nói, định mượn tài liệu mà chưa được, trong khi đó, hồ sơ thư khố được ông Vũ Ngự Chiêu trình bày rõ ràng như thế, thì một người đọc bình thường, nên tin bên nào? Ðiều đó để độc giả trả lời.

Thứ nhì, chuyện sự nghiệp ông Phạm Liệu cũng là phụ, chuyện chính tôi muốn nhấn mạnh là: ông Phạm Liệu đã từng làm thượng thư bộ Binh, một chức vụ lớn trong triều đình, lại đỗ đạt cao. Ông Cao Xuân Dục là người đồng thời và đồng triều, trong khi viết bộ Quốc triều đăng khoa lục, đã kể lại những giai thoại văn chương, những bài thơ xướng họa, những câu đối đáp giữa nhà vua với các tân khoa tiến sĩ, tại sao trong khoa thi năm 1898, ông Cao Xuân Dục chẳng viết gì về việc “Ngũ phụng”, nếu quả thật triều đình có ban biển “Ngũ phụng” cho 5 đại tân khoa Quảng Nam năm 1898? Ông TDH cũng lơ luôn chuyện nầy. Vậy xin mời ông TDH, tác giả sách Khoa bảng Quảng Nam dưới thời nhà Nguyễn (1601-1919), đọc kỹ lại bộ sách của cụ Cao Xuân Dục, là bộ sách căn bản để ông viết sách của ông. Không hiểu sao ông TDH cứ chạy theo các chi tiết phụ mà không đi vào vấn đề chính?

7.- Khi tôi nói đến luật “Hồi tỵ” trong bài trả lời của tôi lần thứ nhất (tháng 7-2000) và cho rằng khó có thể có 8 vị giám khảo Quảng Nam trong khoa thi đình năm 1898, thì ông TDH không còn khẳng định như bài viết đầu tiên của ông, mà ông bắt đầu xuống giọng. Theo ông: “Do đó, số quan chấm thi có thể là 8 quan của Quảng Nam là điều có thể xảy ra.” Ông không còn nói chắc chắn như trước, mà đổi sang “có thể ” (hai lần trong một câu). Lần nầy ông TDH viết “có thể”, nghĩa là khác hẳn với lời khẳng định có 8 giám khảo Quảng Nam trong hội đồng thi đình năm 1898 trong bài viết ban đầu của ông TDH.
Tôi xin lưu ý hai khoa thi hội và thi đình tuy liên tiếp nhau, nhưng là hai khoa thi khác nhau. Sau khi đỗ cử nhân, hoặc đỗ tú tài cộng thêm điều kiện đỗ kỳ thi sát hạch ở tỉnh, các sĩ tử nầy mới đi thi hội. Thí sinh phải đậu thi hội, được công bố danh sách, rồi mới vào thi đình để phân định cao thấp. Tại kinh đô Huế, khi có 5 người Quảng Nam đậu kỳ thi hội, chắc chắn ban giám khảo và triều đình phải chú ý, nếu không muốn nói cả giới trí thức sĩ phu, và dân chúng Huế chú ý. Do đó, khi vào thi đình chắc chắn triều đình không thể để quá nhiều giám khảo Quảng Nam được. Tôi xin đơn cử một ví dụ nhỏ: Trong khoa thi hương năm 1848, tại trường thi Thừa Thiên, có hai người Quảng Nam cùng đỗ trường ba, văn phong và ý tưởng có nhiều nét giống nhau. Quan chánh chủ khảo Hoàng Tế Mỹ liền lấy giấy mỏng dán đậy tên họ hai thí sinh, đồng thời trình lên vua Tự Ðức. Nhà vua đã ra lệnh ban giám khảo phải sát hạch hai thí sinh nầy trong ba ngày liền mới cho thi tiếp trường Tư. Hai thí sinh nầy là anh em ông Hoàng Diệu. Chỉ mới có hai người Quảng Nam, mới ngang trường Ba kỳ thi cử nhân, và chỉ có nội bộ ban giám khảo biết, mà còn nghiêm nhặt như vậy, thì trong kỳ thi hội năm 1898, năm người Quảng Nam cùng đỗ trong số 17 người được chấm đậu trên toàn quốc (được công bố rõ ràng trước quần chúng), là một tỷ lệ quá lớn, và là một hiện tượng quá đặc biệt, khó qua mắt được triều đình và ban giám khảo, nên khó có chuyện 8 giám khảo Quảng Nam chấm cho 5 người Quảng Nam khi họ tiếp tục vào thi đình.

Hơn nữa, không lẽ các tỉnh của 12 người khác cũng thi đậu trong khóa thi hội nầy, nhất là Thừa Thiên là chốn triều cung và là nơi tổ chức kỳ thi, họ không lên tiếng khiếu nại gì về luật hồi tỵ trong trường hợp nầy sao? Ngoài ra, muốn làm giám khảo thi đình thông thường phải có học vị tiến sĩ hay phó bảng, và làm quan từ ngũ hoặc tứ phẩm trở lên. Cũng có thể có trường hợp giám khảo kỳ thi đình chỉ mới đỗ cử nhân, nhưng người đó phải có thành tích văn hóa, và quan chức phải lâu năm và thật lớn. Do đó, kiếm cho đủ cùng một lần 8 đại quan người Quảng Nam có học vị cao (tiến sĩ, phó bảng, hoặc cử nhân), chức tước lớn, tập trung về Thừa Thiên, cùng một lần làm giám khảo thi đình, đâu phải dễ dàng và nhiều như trái lòn bon trên rừng Quảng Nam.

Còn việc ông Dương Hiển Tiến đậu chót phó bảng mà ông TDH cứ khư khư cho là ông Tiến đáng đậu tiến sĩ cũng là chuyện lạ.(3) Lần nầy ông TDH cũng đổi giọng nhẹ hơn. Ông viết rằng: “hẳn bên trong có một “sự cố” mà kẻ bên ngoài trường thi khó biết được… Cho nên việc cụ Dương Hiển Tiến thi cử nhân trước thi Hội những 7, 8 năm với vị thứ cử nhân của cụ là 9/27, không phải là hạng tồi, cộng thêm với công đèn sách 7 năm nữa…thì, chắc chắn phải có điều gì đó…” Ông TDH bảo rằng “khó biết được”, thế thì ông không có tài liệu gì cụ thể làm sao ông biết được? Làm sao ông dám nói đáng đỗ tiến sĩ? Sau vụ “có lẽ”, nay ông TDH lại đoán mò, nhất là dựa vào việc học của ông Dương Hiển Tiến, rồi suy luận ông Tiến đáng đỗ tiến sĩ. Có lẽ ông TDH không quên vụ ông Huỳnh Thúc Kháng. Ông Huỳnh đậu đầu kỳ thi hương năm 1900, thêm bốn năm đèn sách, ông Huỳnh đậu đầu kỳ thi hội năm 1904, nhưng ngay sau đó, vào thi đình ông Huỳnh đậu thứ 4. Nếu suy luận và viết theo cảm tính như ông TDH thì ông Huỳnh đậu đầu kỳ thi hương, cộng thêm 4 năm đèn sách, đậu đầu kỳ thi hội, vậy ông Huỳnh phải đậu đầu kỳ thi đình chứ ! Vậy có lẽ kỳ thi nầy cũng “có vấn đề”, “khó biết được”, hoặc đăng khoa lục của Cao Xuân Dục viết sai rồi chăng?

Với sự phỏng đoán, “có lẽ”, “khó biết được”, mà ông TDH quả quyết như thật. Trong khi đó ông TDH lại viết cho tôi những lời sau đây: ” Anh bắn vào quá khứ bằng một viên đạn súng lục, tương lai sẽ bắn vào anh một quả đạn đại bác!… Xét cho cùng, người viết sử dù cố gắng đến đâu cũng không tránh khỏi những thiếu sót, cho nên, tốt hơn hết, điều còn hồ nghi hãy cố gắng tìm hiểu, chờ đợi tìm hiểu để tránh sai sót đáng tiếc vậy. Ngày nay, người viết sử đã từng ngày tìm lại cội nguồn với lịch sử trung thực của nó để công bố cho trong và ngoài nước được biết. Do vậy, sự cẩn trọng của người viết sử là điều tối cần.”[nguyên văn lời ông TDH]. Ai bắn vào quá khứ? Ai viết cẩn trọng? Ai trung thực? Ai bịa chuyện? Ðộc giả sẽ phán xét, chứ người viết khỏi cần phải ồn ào.

8.- Về chuyện các bài thơ, như tôi đã viết là chỉ có ba bài thơ tặng ba tiến sĩ, và không tặng hai phó bảng. Theo ông TDH, bài có câu “Giang sơn thành thục vị tài đa” tặng hai ông phó bảng. Vậy còn hai bài thơ kia tặng ai? Ông TDH không giải thích sự khập khiễng nầy. Nếu tặng các tiến sĩ, sao lại chỉ hai bài? Hoặc tặng chung ba ông một bài, hoặc ba ông ba bài, chứ không thể hai, vì sẽ tặng ai bỏ ai?
9.- Trong phần gút lại, ông TDH ba lần nhắc lại một ý: “Anh Phụng cho là không có Ngũ Phụng Tề Phi” [mục 10a] “Lại thêm một lần anh Phụng khẳng định không có Ngũ Phụng Tề Phi một cách chắc nịch” [mục 10b], “Tiếp một lần nữa, anh Phụng quả quyết không có Ngũ Phụng Tề Phi.”[mục 10c, in đậm của ông TDH]. Có thể nói viết như trên, ông TDH cố tình xuyên tạc bài tôi để kết tội tôi. Không biết ông có nhắm kích động người Quảng Nam trong câu viết đầy ác ý nầy chăng? Tôi hy vọng là không. Như vậy thì chẳng lẽ ông không hiểu nổi bài tôi viết?

Tôi xác nhận tôi chưa bao giờ phủ nhận huyền thoại “Ngũ phụng tề phi”. Về huyền thoại nầy, có thể tách thành hai vấn đề: (a) Sự kiện 5 người Quảng Nam thi đỗ kỳ thi đình năm 1898, trong đó có 3 tiến sĩ và 2 phó bảng, là một sự kiện không thể chối cãi, chỉ trừ ông TDH muốn phong tiến sĩ cho hai ông phó bảng. (b) Từ sự kiện nầy đã đưa đến huyền thoại “Ngũ phụng tề phi”. Huyền thoại nầy đã phổ biến rộng rãi trong dân chúng và có thể nói đã hơn một thế kỷ nay. Hai vấn đề trên không thể phủ nhận được.

Tôi chỉ đi tìm sự thật về nguồn gốc huyền thoại “Ngũ phụng tề phi”. Ði tìm nguồn gốc huyền thoại không có nghĩa là phủ nhận huyền thoại. Một điều lạ là nhà nghiên cứu TDH, đã từng học trung học trước tôi (theo lời khoe của ông TDH gần cuối bài) không phân biệt được những từ ngữ thông thường như “tiếp xúc” và “thân”, hoặc cụm từ “ân tứ vinh quy” và “Ngũ phụng tề phi”, rồi nay lại không nắm bắt được ý chính cả bài viết của tôi nữa. Ðề nghị ông TDH đọc kỹ lại các bài của tôi, và đọc kỹ lại phần 6 và phần kết luận của tôi trong bài trả lời ông lần thứ nhất vào tháng 7-2000. Một người đời sau tìm hiểu về nguồn gốc huyền thoại người xưa, và dựa trên chứng lý cụ thể để giải thích lại huyền thoại đó không phải là tội lỗi.

10.- Ông TDH đã đưa ra những bằng chứng mới như gia phả, từ đường, ngôi mộ cố tiến sĩ Phan Quang… Tôi xin hỏi ông TDH một câu thông thường nhất: những bằng chứng như gia phả, mồ mả, từ đường, tài liệu ông trưng dẫn, được viết ra hay lập ra vào năm nào mà không thấy ông nói đến? Ai cũng biết, trong thời gian chiến tranh ác liệt, nhà cửa, từ đường, mồ mả bị đốt cháy sụp đổ hết, đôi khi mất cả dấu tích, gia phả cũng không còn. Sau năm 1975, nhờ tiền con cháu vượt biên gởi về, tại Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng, có phong trào làm lại từ đường, xây lại mồ mả, viết lại gia phả.(4) Tôi rất hoan hô và mừng thấy chữ “Ngũ phụng” trên các từ đường hay mồ mả nầy. Con cháu vinh danh ông bà, vừa để nhớ ơn người xưa, vừa để làm gương cho con cháu noi theo. Ông TDH còn đưa thêm một lô tên tuổi mới, kể cả cụ bà Tham Xước, con Phạm Liệu và dâu dòng họ Phan Thanh Giản (ông TDH quên ghi thêm chi tiết nầy cho xôm tụ). Việc con cháu vinh danh ông bà là điều đáng trân quý, nhưng điều đó không có nghĩa là giải thích được xuất xứ đầu tiên của chữ “Ngũ phụng tề phi”. Bất kỳ ai muốn đề lên mồ mả ông bà mình điều gì chả được, rồi viết vào gia phả như thế nào làm sao người ngoài dám có ý kiến. Ví dụ ông TDH viết: “thân phụ tôi là cụ Cả Liêu (ở Hội An trước 1945 ai mà không biết)” [nguyên văn]. Ông có quyền viết như vậy, nhưng đúng hay không là chuyện khác.
Ông TDH chê tôi đưa ra tài liệu “chết”, còn ông trưng dẫn tài liệu “sống”. Vấn đề là mức xác tín của tài liệu chứ không phải tài liệu sống hay chết. Ðó là chưa nói thế nào là tài liệu chết, thế nào là tài liệu sống. Tài liệu do ông TDH đưa ra đó, đứng trên phương diện sử học, có giá trị bằng lời viết của người đồng thời với các đại tân khoa, đứng ra tổ chức tiếp rước các đại tân khoa, chứng kiến cuộc tiếp tân nầy, rồi kể lại hay không? Lại xin độc giả phân định.

Cuối cùng, một điểm đáng ghi nhận qua bài viết của ông TDH. Có 3 giả thuyết xuất xứ huyền thoại “Ngũ phụng”: thứ nhất từ vua, thứ nhì từ quan, và thứ ba từ dân. Ông TDH đã bỏ thuyết “Ngũ phụng” từ vua, vì trong phần gần cuối bài, sau câu trả lời số 10, ông cho rằng thuyết “Ngũ phụng” từ quan mà ra (hoặc từ tổng đốc Ðào Tấn, hoặc từ đốc học Trần Ðình Phong). Vậy ít nhất trên căn bản, ông TDH đã loại giả thuyết từ vua mà ra. Tôi nghĩ đây là chuyển biến bước đầu trong việc loại bỏ bớt ngộ nhận là “Ngũ phụng tề phi” do vua Thành Thái phong tặng.

Tài liệu của người đồng thời với “Ngũ phụng”, đã nằm trong ban tổ chức cuộc tiếp rước “Ngũ phụng”, để lại cho thấy rằng tổng đốc Ðào Tấn đã vinh danh các đại tân khoa năm 1898 nhưng không có tặng biển đề “Ngũ phụng tề phi”. Vậy có nghĩa là “Ngũ phụng” cũng không phải do quan lại phong tặng. Như thế duy nhất chỉ còn thuyết huyền thoại “Ngũ phụng” từ dân mà ra. Người Quảng Nam vốn thích dân chủ, và sinh hoạt rất dân chủ, vậy không có gì cao cả cho bằng chính dân chúng phong tặng, vinh danh. Dân phong tặng và nằm trong lòng dân mới đáng quý, mới trường tồn với thời gian, với nhật nguyệt. Tôi không đả phá huyền thoại “Ngũ Phụng”. Tôi chỉ giải thích lại nguồn gốc huyền thoại “Ngũ phụng” mà thôi. Huyền thoại “Ngũ phụng” là một gương hiếu học đáng quý cho con em xứ Quảng noi theo, nhất là ở hải ngoại nầy. Ðó là niềm hãnh diện chung cho người Quảng Nam.

Ðể kết thúc bài nầy, tôi xin cảm ơn ông TDH đã trả lời bài tôi viết hôm tháng 7-2000, và hoan hô đề nghị đăng báo của ông (vì tôi chưa đăng báo). Bài của ông TDH nhắc nhở tôi phải luôn luôn cẩn trọng trong việc viết sử, dù những lý luận, những chứng cứ ông TDH đưa ra chưa chính xác, và hành văn không được bình thường. Ðiều thứ 7 trong 10 điều tâm niệm của người Phật tử Việt Nam dạy cho tôi rằng: “Với người thì đừng mong tất cả thuận theo ý mình, vì được thuận theo ý mình thì lòng tất kiêu căng.” Trong nghiên cứu sử, tôi nghĩ rằng nếu ai cũng thuận theo ý mình, không có tranh luận sử học nghiêm túc, thì chẳng những mình trở thành kiêu căng mà mình khó có thể tìm gần đến sự thật lịch sử. Do đó, tôi luôn luôn cảm ơn đồng thời tiếp thu để suy nghiệm và học hỏi tất cả các ý kiến phản bác lại những gì tôi viết, kể cả những ý kiến ác ý đối với tôi, vì như thế giúp tôi luôn luôn phải cảnh giác và thận trọng trong khi viết.

Tôi cũng cảm ơn ông TDH đã gợi lại những hình ảnh thân tình thời trước, như ông lớn tuổi hơn tôi, học trung học trước tôi, và trước năm 1975 ông hay đến thăm cha tôi, dầu những chuyện nầy ra ngoài đề tài sử học. Tôi xin chờ đợi bài viết tiếp của ông TDH, viết cụ thể hơn những vấn đề đặt ra, xoáy vào đề tài bằng những chứng lý xác thực; ví dụ nói về bài báo của Huỳnh Thúc Kháng, thì xin ghi rõ báo số mấy, tháng năm nào; hoặc việc quan tổng đốc Ðào Tấn phong tặng “Ngũ phụng tề phi” thì xin nêu ra bằng chứng cụ thể, (như tôi đã đưa ra bài ký “Khán hoa đình” để nói rằng không có chuyện Ðào Tấn phong tặng “Ngũ phụng tề phi”); hoặc những từ đường, mồ mả mà ông nhắc đến thì xin cho biết xây dựng năm nào; và nhất là xin đừng ngẫu hứng kiểu phong tặng học vị cho người xưa… Viết sử là phải “viết có sách, mách có chứng”. Dĩ nhiên là chứng cụ thể chứ không phải ngoa truyền. Tôi đề nghị ông đừng sáng tác tài liệu mà nên làm sáng tỏ tài liệu, và đừng viết ra ngoài những điều cần viết.
CHÚ THÍCH:

1. Sách của hai ông Phạm Ngô Minh và TDH là: Khoa bảng Quảng Nam dưới thời nhà Nguyễn (1601-1919), nxb. Ðà Nẵng, 1995. (a) Nhà Nguyễn kéo dài từ 1802 đến 1945 chứ không phải 1601 đến 1919. (b) Nếu nói rằng đây là niên đại của khoa bảng thì cũng không đúng, vì nhà Nguyễn chỉ chính thức tổ chức khoa thi hương đầu tiên trên toàn quốc năm 1807, và riêng tại trường thi Thừa Thiên năm 1813 (Thừa Thiên là nơi tuyệt đại đa số thí sinh Quảng Nam dự thi vì gần tỉnh). (c) Nếu nói khoa bảng chung dưới thời nhà Nguyễn thì ngoài khoa bảng Nho học, còn có cả khoa bảng tân học. Ai cũng biết dưới thời nhà Nguyễn, Quảng Nam có nhiều nhà khoa bảng tân học như Lê Ðình Dương, Lê Ðình Thám, Hoàng Mộng Lương, Bùi Kiến Tín, … Ông Lê Ðình Dương tốt nghiệp y sĩ Ðông Dương năm 1915, tức trước niên đại 1919 của sách ông TDH. Vậy ông TDH hỏi các cháu thử xem các cháu nên tin điều ông TDH viết sai, hay nên yêu cầu ông TDH sửa lại cho đúng sự thật lịch sử.
2. Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối nhà Nguyễn (Thiên Mệnh Ðại Pháp), 1884-1945, tập 2, Nxb. Văn Hóa Houston, 2000, tt. 651-652. Ở đây cần chú ý đến ngày xảy ra sự việc: theo tài liệu văn khố Pháp do Vũ Ngự Chiêu đưa ra: ông Phạm Liệu báo cáo với viên công sứ Quảng Ngãi ngày 2-5., còn Trần Quang Trứ báo cáo ngày 3-5.

3. Sau khi đậu kỳ thi hội, tất cả các tân khoa vào thi đình. Ðình là cái sân. Ðây là sân điện nhà vua, nên đôi khi gọi là thi điện. Thi đình chỉ để phân cao thấp những người đã đỗ thi hội, chứ không còn việc rớt nữa. Tuỳ theo điểm số, những người có điểm cao thì đậu tiến sĩ, những người có điểm thấp thì đậu phó bảng. Trong khoa thi hội năm 1898, có tất cả 17 người được trúng tuyển. Khi vào thi đình, có 8 người điểm cao được chấm đỗ tiến sĩ, 9 người điểm thấp hơn được chấm đỗ phó bảng. (Cao Xuân Dục, Quốc triều đăng khoa lục, bản dịch của Lê Mạnh Liêu, Bộ Quốc Gia Giáo Dục, Sài Gòn, 1962, tt. 228-231.) Trong 9 phó bảng, ông Dương Hiển Tiến đậu thứ 9, tức là điểm thấp nhất, chót phó bảng và đồng thời chót kỳ thi đình năm 1898. Có thể nói những người đậu phó bảng cao (nhất, nhì…) có thể đáng đỗ tiến sĩ, chứ phó bảng chót mà đáng đỗ tiến sĩ là chuyện không tưởng. Xin đừng bịa đặt để phải tranh luận cho đúng sự thật, nhắc lại hoài việc nầy, tội nghiệp cho tiền nhân.

4. Nhân đây, tôi xin lưu ý: sau năm 1975, để giành lấy chính nghĩa, nhà cầm quyền cộng sản đã viết lại bia và tân tạo các mộ: Huỳnh Thúc Kháng ở núi Thiên Ấn (Quảng Ngãi), Hoàng Diệu ở Gò Nổi, và xây mộ mới cho Lê Ðình Dương trong khi theo gia phả gia đình Lê Ðình Dương, mộ của ông hoàn toàn mất tích sau chiến tranh.

VIẾT THÊM SAU KHI NHẬN HÌNH

Sau khi viết bài nầy xong, qua điện thư của anh Phan Xuân Sinh, tôi nhận được thêm 2 tấm hình do ông TDH gởi qua làm tài liệu “sống” để chứng minh rằng huyền thoại “Ngũ phụng tề phi” là có thật. Một lần nữa tôi xác nhận tôi chỉ đi tìm nguồn gốc huyền thoại chứ tôi không phủ nhận huyền thoại.
Tài liệu sống thứ nhất của ông TDH là hình chụp nhà thờ tiến sĩ Phan Quang cùng bức bình phong trước nhà có chữ “Ngũ phụng tề phi”. Tất cả những chữ nầy viết bằng Quốc ngữ, theo mẫu tự la-tinh. Vua Thành Thái, cũng như tổng đốc Ðào Tấn hay đốc học Trần Ðình Phong đều chưa dùng chữ Quốc ngữ. Ngay cả cuối đời Phan Quang, vào cuối thập niên 30, các từ đường ở Quảng Nam đều dùng chữ Nho chứ chưa dùng chữ Quốc ngữ. Vậy đây đúng là tài liệu “sống”, mới xây dựng sau 1975.
Tài liệu sống thứ nhì chụp mộ của tiến sĩ Phan Quang, đã được trùng tu. Trên đầu cổng bán nguyệt, dường như có các chữ Nho mà hình chụp bị tối quá không đọc được. Tuy nhiên có lẽ đây không phải là chữ “Ngũ phụng tề phi”, vì: (a) Ðây không phải là mộ chung của “Ngũ phụng tề phi” mà chỉ là mộ Phan Quang, một người trong năm đại tân khoa, nên không ai dám viết riêng nơi mộ ông như thế cả; (b) nếu là chữ “Ngũ phụng tề phi” thì ông TDH đã trưng lên liền.
Hai tài liệu nầy đúng là hai tài liệu “sống” của ông TDH. Chữ Việt rất phong phú. Chữ “sống” có nhiều nghĩa, trong đó có một nghĩa là “chưa chín”, ví dụ trái cây chưa chín, suy nghĩ chưa chín (chắn), tính người chưa chín (chắn), bài viết chưa chín (chắn). Xin trả lại ông TDH những tài liệu chưa chín (sống) của ông, vì những tấm hình nầy chỉ có thể dùng để minh họa cho đẹp, còn muốn dùng như một sử liệu để chứng minh nguồn gốc của “Ngũ phụng tề phi” thì xin ông cần phải cẩn án chín chắn chứ đừng để “sống” quá như thế./

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button