TRỞ LẠI HỒ SƠ “NGŨ PHỤNG TỀ PHI”
TRẦN GIA PHỤNG
Trong sách Lịch sử, sự thật & sử học, do nhà xuất bản TRẺ ấn hành tại TpHCM (Việt Nam) tháng 12-1999, có bài của ông Thy Hảo Trương Duy Hy (TDH), nhan đề “Quảng Nam – quê hương Ngũ phụng tề phi” từ trang 319 đến trang 325. Bài nầy có đề cập đến bài “Ngũ phụng bay về đâu?” đăng trên Thế Kỷ 21 số 100, tháng 8-1997, và đăng lại trong sách Những câu chuyện Việt sử tập 1 do tôi ấn hành tại Toronto tháng 9-1997. Ðể rộng đường dư luận, tôi xin một lần nữa chẳng đặng đừng trở lui vấn đề “Ngũ phụng tề phi”.
1.- Trước hết, tôi xin cảm ơn ông TDH đã đề cập đến bài viết của tôi. Khi đặt ra một vấn đề, mà vấn đề đó được nhiều người theo dõi và bàn thảo, trong đó có cả người cách xa nửa vòng trái đất như ông TDH, là một điều rất quý cho người đặt vấn đề.
2.- Ông TDH nêu rằng tôi đã viết thiếu chính xác khi nói rằng Ðào Tấn không đến làm tổng đốc Quảng Nam. Tôi đã biết tôi bị sai về việc nầy ngay khi tôi vừa ấn hành tập sách của tôi, vì có độc giả đã gởi cho tôi quyển sách Lô Giang tiểu sử của Nguyễn Văn Mại (1858-1945). Ông Nguyễn Văn Mại viết hồi ký đời ông bằng chữ Nho, lấy hiệu của ông (Lô Giang) làm tên sách. Sách viết xong năm 1932, được người con là Nguyễn Hy Xước dịch sang chữ quốc ngữ năm 1947, và in ronéo tại Huế năm 1961. Trong sách dịch, tt. 98-99, ông Mại cho biết rằng khi ông đi làm án sát Quảng Nam lần thứ nhì tháng 2 năm mậu tuất (1898), lúc đó Ðào Tấn cũng đến làm tổng đốc Quảng Nam thay thế ông Vương Duy Trinh về Huế sung vào hội đồng chấm thi kỳ thi Hội. Ông Mại không nói rõ ông Ðào Tấn rời Quảng Nam khi nào nhưng chắc chắn Ðào Tấn ở Quảng Nam không bao lâu thì ra làm tổng đốc An Tĩnh (Nghệ An-Hà Tĩnh) cũng trong năm 1898. Vì Ðào Tấn chỉ ở Quảng Nam một thời gian ngắn, trong vòng nửa năm, và niên biểu làm việc của ông liên tục từ Thừa Thiên ra An Tĩnh nên tôi bị sai điểm nầy.
Khi thấy mình bị sai, tôi liền viết bài “Khán hoa đình” để đính chính riêng điểm nầy. Bài nầy đã được đăng trên Những câu chuyện Việt sử tập 2, ấn hành tại Toronto năm 1999,mà có lẽ ông TDH chưa có được sách nầy vì quá xa xăm cách trở.
Phần đầu bài viết “Ngũ phụng bay về đâu?” của tôi nhắm tìm hiểu từ đâu phát sinh ra huyền thoại “Ngũ phụng tề phi”. Rất tiếc ông TDH không xoáy vào lập luận của tôi về chuyện “Ngũ phụng”, mà chỉ nêu ra một điểm sai duy nhất của tôi trên đây, rồi sau đó ông TDH khẳng định rằng Ðào Tấn đã vinh danh ba tiến sĩ và hai phó bảng người Quảng Nam cùng thi đỗ khoa thi đình năm mậu tuất (1898) là “Ngũ phụng tề phi”. “Năm con chim phụng được thêu trên một tấm thục, đặt tại dinh Tổng đốc ở Ðiện Bàn…” (trích nguyên văn).
3.- Ðể chứng minh, ông TDH đã dựa vào các chứng liệu sau đây:
Thứ nhất: Theo ông TDH, Ðào Tấn tặng hai phó bảng Ngô Chuân và Dương Hiển Tiến bài tứ tuyệt: “Giang sơn thành thục vị tài đa/ Tam quế tề khai nhất vạn hoa/ Cánh hữu Quảng Hàn cung tại khách/ Dũ tương thể bút tả Hằng Nga.” (nghĩa là: Non sông un đúc lắm tài cao/ Ba cụm đơm bông quế một màu/ Có khách Quảng Hàn vừa mới đến/ Bút hoa tô nét nguyệt thanh tao) Bài thơ nầy do ông TDH dẫn chứng đã nói ngược với ý ông. Chú ý câu 2: “Tam quế tề khai nhất vạn hoa “. “Ba cụm đơm bông quế một màu” (tức là ba vị tiến sĩ) chứ sao lại năm người (ngũ phụng)?
Thứ nhì: Ông TDH dùng ý kiến của cụ Huỳnh Thúc Kháng về khoa thi năm mậu tuất (1898) để tăng cường cho lý luận của mình. Ý kiến nầy, theo ông TDH, đã được đăng báo Tiếng Dân và do ông Nguyễn Xương Thái nói lại. Sau đây là lời ông TDH trích dẫn: “Khoa mậu tuất 1898 (tức khoa Ngũ Phụng) có 10 danh nho, quan của triều sung vào hội đồng giám khảo. Trong số đó hết 8 vị là người Quảng Nam. Lúc ráp phách, hội đồng ngạc nhiên thấy 5 sĩ tử đạt điểm chuẩn tiến sĩ đều là sĩ tử Quảng Nam! Bấy giờ, cụ Hà Ðình Nguyễn Thuật quê Hà Lam thuộc phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam là một thành viên của Hội đồng có đề nghị: Chỉ nên lấy 3 tiến sĩ 2 phó bảng chứ không nên cho đỗ một lúc 5 tiến sĩ như thế, vì cho sĩ tử Quảng Nam đỗ nhiều tất không tránh tai tiếng với người trong nước rằng, khoa nầy đa số là người Quảng Nam chấm thi, nên đã chấm nới tay cho học trò Quảng Nam đỗ cao và đỗ nhiều! Ấy vậy mà Hội đồng cũng nghe theo.”(trích nguyên văn, sđd. tr. 323.)
Riêng về đoạn nầy, xin lưu ý:
(a) Ông TDH không cho biết đây là nguyên văn ông Nguyễn Xương Thái, hay ông Thái kể, ông TDH nghe, rồi viết lại. Phần cụ Huỳnh viết ở Tiếng Dân, số ngày nào, không được ghi chú. Nói cách khác, việc trích dẫn nầy không có căn cứ văn bản.(1)
(b) Theo đoạn văn trên của ông TDH, trong hội đồng khảo thí mười người, thì hết tám người Quảng Nam. Ðiều nầy xem ra có phần nghịch lý trong tổ chức thi cử ngày trước. Trong ngành hành chánh nhà Nguyễn có luật “hồi tỵ” (tránh đi). Luật nầy được đặt ra từ năm 1831 thời vua Minh Mạng (trị vì 1820-1840), càng ngày càng thêm khó, đến năm 1886, vua Ðồng Khánh (trị vì 1885-1888) định rằng “… trong cùng một bộ hay cùng một tỉnh, đều là người quê quán cùng một hạt, hoặc là nơi có bốn người cùng làm việc mà đến ba người là quê quán cùng một hạt, thì cũng cho hồi tỵ…”(2) Ðây là trong ngành quan lại, huống gì là trong hội đồng chấm thi, mà lại là thi hội hay thi đình, nơi xuất thân của những đại quan tương lai của triều đình, tổ chức ngay tại kinh đô Huế dưới sự chủ trì tối cao của nhà vua, luật hồi tỵ còn khắc khe hơn,(3) làm sao mà có chuyện tám người Quảng Nam trong mười người chấm thi?
Hội đồng giám khảo kỳ thi hội và thi đình gồm có mười hai người trong đó chánh và phó chủ khảo do vua trực tiếp bổ nhiệm, còn mười người được chọn từ hàng quan tứ ngũ phẩm trở lên.(4) Việc chọn lựa kỹ càng như thế thì không thể có tám vị quan lớn người Quảng Nam lọt vào cùng một lúc hội đồng giám khảo được.
Theo Quốc triều đăng khoa lục, trong kỳ thi đình nầy (năm mậu tuất, 1898), hai vị quan đọc quyển là Ðông các đại học sĩ Trương Ðăng Ðản (người Quảng Ngãi), Hiệp tá đại học sĩ Hoàng Hữu Xứng (người Quảng Trị), hai vị quan duyệt quyển là Thị lang Tôn Thất Thiểm (người Thừa Thiên) và Tế tửu Quốc tử giám Khiếu Năng Tĩnh (người Nam Ðịnh). (5) Vậy bốn nhân vật quan trọng trên đây đều không phải là người Quảng Nam.
Theo như lời ông TDH, cả năm người Quảng Nam đều đáng đỗ tiến sĩ, nhưng vì trong hội đồng chấm thi có tới tám người Quảng Nam, nên để tránh tiếng, hội đồng quyết định chỉ chọn ba tiến sĩ, còn cho hai người xuống phó bảng. Nếu thế, thì hai người nầy phải đậu phó bảng hạng cao, vì đủ điểm tiến sĩ mà bị hạ xuống phó bảng. Ðàng nầy ông Dương Hiển Tiến đậu phó bảng hạng chót. Ðậu chót phó bảng làm sao gọi là đáng đỗ tiến sĩ?
Nói cho cùng, đoạn văn trên chỉ viết chuyện bên lề khoa thi năm mậu tuất, viết về các giám khảo, về kết quả, chứ tuyệt nhiên không nói gì đến chuyện xuất xứ của chữ “Ngũ phụng tề phi”. Về khoa thi nầy thì có thể xem trong Quốc triều đăng khoa lục của Cao Xuân Dục.
Tóm lại đoạn văn trích dẫn trên đây không thể là một sử liệu khả tín, và không liên quan đến chuyện “Ngũ phụng”.
Thứ ba: Các chứng liệu khác mà ông TDH trích dẫn nữa là: “Có một vị lão thành biết được, liền loan truyền cho mọi người hay. Và nhân dân Quảng Nam trong niềm hãnh diện chung đã lũ lượt đi từ Vĩnh Ðiện đến chân Hải Vân quan để chào mừng 5 vị tân khoa Ngũ Phụng Tề Phi…”(TDH trích của Vũ Lang, Ðây Quảng Nam, Nxb. Thời Mới, Ðà Nẵng, 1973.) Ông TDH viện thêm tư liệu của cụ Phạm Phú Hưu, một nhân sĩ Quảng Nam, cho rằng: “Các vị tân khoa đi ngựa ngay sau 4 chữ Ân tứ vinh quy của vua ban (Nhà thờ cụ Phan Quang ở Quế Sơn hiện còn giữ quý vật nầy)…”(trích nguyên văn, ông TDH không đề rõ xuất xứ). Sợ chưa đủ khả tín, trong phần chú thích, ông TDH còn viết: “Theo tư liệu của cụ Cả Liêu, con cử nhân Trương Hoài Phác, một vị đồ nho viết chữ rất đẹp của tỉnh Quảng Nam trước những thập niên 40 tại Hội An. Cụ sinh năm 1879, qua đời năm 1943. Lúc xảy ra đám rước Ngũ phụng, cụ đã được 19, 20 tuổi và cụ cùng một số nho sinh Hội An lên Vĩnh Ðiện xem đám rước nên biết rõ cuộc rước nầy, cũng như sự tích cụ Tổng đốc và đốc học mừng 5 vị đại khoa hồi ấy.”(trích nguyên văn, phần chú thích, tr. 324.)
Tất cả các tài liệu trên đều không ghi xuất xứ cụ thể. Các tư liệu của cụ Phạm Phú Hưu và cụ Cả Liêu viết khi nào, viết trong trường hợp nào (sách, hay gia phả, hay người sau thuật lại…) Ngoài ra, theo quy định thời trước, sau mỗi kỳ thi, huyện là đơn vị hành chánh có bổn phận tổ chức cuộc vinh quy của các tân khoa chứ không phải chức năng của tỉnh.(6) Vậy tỉnh đường Quảng Nam hoàn toàn không dính líu gì đến chuyện vinh quy của các tân khoa. Các huyện có người đỗ đạt phải tự lo tổ chức việc tiếp rước các tân khoa vinh quy, và đoàn rước vinh quy nào cũng đều có biển “ân tứ vinh quy” (vua ban ân vinh quy). Do đó, bất kỳ ai đỗ đạt từ cử nhân trở lên trong bất kỳ khóa thi nào, cũng đều được đón rước, và cũng đều được “ân tứ vinh quy” chứ không phải cá nhân hay làng xã tự động tổ chức vinh quy. Ðỗ cao thì rước lớn hơn và long trọng hơn. Cụ Phạm Phú Hưu và cụ Cả Liêu đều viết hay nói đúng sự thật, nhưng xin lưu ý là bảng “ân tứ vinh quy” không phải là bảng “Ngũ Phụng tề phi”.
Xét cho cùng, trong năm đại tân khoa Quảng Nam khóa mậu tuất (1898), hết bốn người thuộc huyện Diên Phước, phủ Ðiện Bàn (hai tiến sĩ Phạm Liệu, Phạm Tuấn và hai phó bảng Ngô Trân, Dương Hiển Tiến), và một người thuộc huyện Quế Sơn, phủ Thăng Bình (tiến sĩ Phan Quang). Vậy cuộc vinh quy của bốn đại tân khoa do huyện Diên Phước tổ chức cùng một lần chắc chắn rất rầm rộ, vì đây là lần duy nhất trong lịch sử huyện nầy đón một lần bốn đại tân khoa. Riêng việc nầy cũng gây ấn tượng sâu sắc chẳng những nơi dân chúng huyện Diên Phước mà có thể cả toàn tỉnh Quảng Nam nữa.
Chuyện tổng đốc Ðào Tấn chiêu đãi năm đại tân khoa tại Vĩnh Ðiện là chuyện có thật, được phổ biến rộng rãi trong quần chúng, vì đây có lẽ là chủ ý của Ðào Tấn. Tổng đốc Ðào Tấn không tiếp các tân khoa tại tỉnh đường, mà tại một vườn hoa bên bờ sông Vĩnh Ðiện do ông lập ra và đặt tên là “Khán hoa đình”. Tiếp kiến tại tỉnh đường có phần giới hạn người đến dự xem. Ngược lại, tiếp tại vườn hoa là nơi công cộng, dân chúng có thể tự do tụ tập đông đảo để chào mừng tân khoa. Có lẽ Ðào Tấn nhắm xiển dương thành tích học tập của các đại khoa trước đám đông quần chúng.
Dầu viện dẫn các “tư liệu” của những người lớn tuổi đã từng chứng kiến việc tiếp rước năm đại tân khoa, chứng liệu của ông TDH cũng không có tính thuyết phục, vì không giải thích được từ đâu phát sinh danh xưng “Ngũ phụng tề phi”?
4.- Các tài liệu cụ thể căn bản về việc thi cử và cuộc tiếp rước các đại tân khoa Quảng Nam năm mậu tuất (1898) là Quốc triều đăng khoa lục và Lô Giang tiểu sử.
Khi viết Quốc triều đăng khoa lục, chẳng những Cao Xuân Dục ghi laiï kết quả các khoa thi Hội và thi Ðình, mà ông còn ghi lại các giai thoại hay văn thơ xướng họa giữa nhà vua, các quan giám khảo và các tân khoa, kể cả những câu chuyện chung quanh các người tốt nghiệp khi đã ra làm quan, thời gian rất lâu sau khoa thi. Ai đọc bộ Quốc triều đăng khoa lục cũng đều thấy việc nầy. Cần chú ý là ông Phạm Liệu, về sau nhờ lập công khi đi tố cáo cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân năm 1916, nên được thăng lên tới thượng thư bộ Binh, tức là một quan chức lớn trong triều đình. Nếu quả thực quan thượng thư bộ binh Phạm Liệu được tặng cờ hay biển “ngũ phụng” khi mới tốt nghiệp, thì chắc chắn tác giả Cao Xuân Dục (1842-1923) không thể không viết về chuyện “ngũ phụng”. Thế mà tác giả Cao Xuân Dục hoàn toàn không nói gì việc triều đình hay tổng đốc Ðào Tấn ban cờ hay biển “Ngũ phụng” cho Phạm Liệu. Ðiều nầy có nghĩa là câu chuyện nầy hoàn toàn không xảy ra.
Tài liệu quan trọng nhất về vấn đề nầy là lời viết của người trong cuộc, đã trực tiếp tham dự trong cuộc đón rước năm đại tân khoa năm mậu tuất (1898). Sau đây, xin trích nguyên văn bản dịch những điều Nguyễn Văn Mại viết trong Lô Giang tiểu sử :
“…Lúc ấy án sát Quảng Nam là ông Hường Thiết về đám tang Ðức ông Tuy Lý Vương [Nguyễn Phúc Hồng Thiết là con của Tuy Lý Vương Nguyễn Phúc Miên Trinh], ông Bùi Như Trình xin cho ta bổ vào Quảng Nam, cho nên có chỉ đi vậy.
Ngày tháng 2 [mậu tuất, 1898] đến tỉnh. Tháng ấy, tổng đốc Quảng Nam Vương Duy Trinh về kinh sung chức Khảo thí hội, rồi đổi đi tổng đốc Thanh Hóa. Ông Mộng Mai Ðào Ðăng Tấn sung chức tổng đốc Quảng Nam.
Ông Mộng Mai dưới triều Tự Ðức có tiếng thi văn và giỏi hát bội. Ông vào tổng đốc Quảng Nam liền làm một cái nhà mát tại bến sông Vĩnh Ðiện, thường đến uống rượu ngâm thơ, cũng có lúc đến đó xử đoán việc quan. Trước kia ông cùng ta cũng là thầy trò đường thuộc ở viện Cơ mật, nay cũng tương đắc. Tháng 5 năm ấy, nghe tin học trò tỉnh Quảng Nam vào điện thí, đậu tấn sĩ ba người, phó bảng hai người. Ông nói với ta: ” Nhà mát chưa có tên, nay được tin mừng, ngày sau các ông tân khoa vinh quy, chúng ta nên đặt tiệc ở đó và đặt tên nhà mát là KHÁN HOA ÐÌNH. Quan Án làm cho một bài ký được không?” Ta tuân lệnh, thảo xong trình duyệt, liền khiến viết vào lụa. Khi các ông tân khoa đến dự tiệc xong, ông tổng đốc sức cho hát cùng nhã nhạc cờ trống để bài ký đưa ông hội nguyên Trừng Giang Phạm Liệu. Ông Mộng Mai bình sanh ưa bài văn. Sau ông ra tổng đốc Nghệ An, ta ra tuần vũ Hà Tĩnh…”(Bản dịch, tt. 98-99.)
Bài ký “KHÁN HOA ÐÌNH” viết bằng chữ Nho, mà ông Nguyễn Văn Mại đã nói trên đây, được cháu nội rể của ông là tác giả Ðoàn Tâm Khoách dịch sang Quốc ngữ, đăng trong phần phụ trương sách Lô Giang tiểu sử, trang 225-226:
” Tiểu Cao tôi quá bỉ lậu, quá trần tục, bổ làm án sát ở châu nầy, vì việc quan bận rộn, nào biết đến thú sơn thủy là vui, nên vẫn bảo ngoài sông Hương không có sông nào đáng kể. Nay quan Chế đài Ðào tướng công vâng lệnh trên đến trấn, đất Nam trung khí ấm, chưa đến hạ đã nóng rồi. Lúc việc rảnh, tướng công cùng Tiểu Cao tôi chèo chiếc thuyền con, dạo trên sông Ðiện, gặp nơi cảnh trí xinh đẹp ở phía bắc sông, nào cát trắng nước cạn, nào trúc râm bóng im, mới gọi nơi nầy là “Thanh lương tán”, chỉ kém sông Hương ở chỗ nước ngọt mà thôi, bèn trích một số tiền lương làm ngôi nhà mát. Nhà làm xong lại được tin ở kinh cho biết kỳ thi Ðình năm nay ở châu ta có ba người đậu giáp bảng, hai ất bảng. Tướng công mừng rằng: ” Nhà mát ta có tên rồi. Hôm nay các vị tân khoa xem hoa ở Trường An [Huế], ngày mai vinh quy xem hoa ở cố hương [làng nguyên quán], xong chúng ta cũng sẽ mời các vị ấy vào đây mở tiệc “Khuê giang”, làm tiệc tẩy trần, nhân đó để xem cảnh hoa trong mộng.” [7] Bèn đặt tên nhà mát là KHÁN HOA ÐÌNH. Những ngày nắng như hun đốt, những đêm gió mát trăng thanh, xả tóc ra để hứng lấy gió nam, khép lòng lại để trông dòng nước chảy. Ngẫm nỗi giang hà ngày càng thấp kém, cảm thấy phong khí ngày một đổi thay, xem chim trống mái vãng lai trước ngọn thủy triều lên xuống. Có lúc lại mượn dòng nước trong rót chén trà thơm để khuây khỏa tâm tình bực dọc. Thế là cái đình nầy chính do tướng công tụ hội mà Tiểu Cao tôi đôi lúc mới hưởng ứng theo, lãnh hội một vài phần để tiêu tán nỗi bỉ tục ngày trước. Các vị thám hoa nghĩ thế nào? Rượu ngà ngà say liền cầm bút ghi lại, nhân để tặng các người thám hoa đó.”
Hai bài viết trên đây là tài liệu viết duy nhất của một người trong cuộc kể lại cuộc tiếp rước các tân khoa năm 1898 cho đến nay được tìm thấy. Qua tài liệu nầy, rõ ràng là không có chuyện vua ban cờ xí, cũng không có chuyện Ðào Tấn vinh danh các vị tân khoa là “ngũ phụng tề phi”. Ngay cả văn thơ của Ðào Tấn còn lưu lại ở Bình Ðịnh, cũng như của đốc học Trần Ðình Phong còn lưu lại tại nhà thờ bác sĩ Trần Ðình Nam ở Ðà Nẵng, cũng hoàn toàn không thấy đề cập đến vấn đề nầy.(8)
5.- Cuối cùng, việc vinh danh “Ngũ phụng tề phi” nếu thật sự có xảy ra là một vinh dự rất lớn cho con cháu của các vị đại khoa năm mậu tuất (1898), thế nào cũng được chính các đương sự hay con cháu ghi vào gia phả, để làm rạng danh gia tộc, nhưng không gia phả nào của một trong năm gia đình các đại khoa năm mậu tuất ghi lại. Theo như ông TDH viết, bảng “ân tứ vinh quy” còn được con cháu cụ Phan Quang giữ lại ở từ đường tại Quế Sơn. Vậy nếu có việc vua ban hay Ðào Tấn tặng biển hay cờ “Ngũ Phụng”, thì tại sao nhà thờ Phan Quang không còn giữ lại? Còn nói rằng “Năm con chim phụng được thêu trên một tấm thục, đặt tại dinh Tổng đốc ở Ðiện Bàn…” (trích nguyên văn ông TDH) thì tại sao không thấy Nguyễn Văn Mại tường thuật, cũng không có sách vở nào ghi lại, kể gia phả của các vị tân khoa.
Như thế, các tài liệu trên đây cho thấy hoàn toàn không có chuyện vua, triều đình, hay tổng đốc Quảng Nam là Ðào Tấn ban tặng cờ xí hay tấm biển “Ngũ phụng tề phi” cho năm đại tân khoa Quảng Nam năm 1898.
6.- Vậy “Ngũ phụng tề phi” từ đâu đến? Có lẽ chỉ có giả thuyết về điển tích Trung Hoa là hợp lý hơn cả: Theo sách Lư Lăng thi chú,(9) bên Trung Hoa, thời Tống Thái Tông (trị vì 976-1003), có năm người cùng quận Lư Lăng tên là Giả Hoàng Trung, Tống Bạch, Lý Chí, Lã Mông Chính, Tô Dị Giản, cùng trúng tuyển chức “Hàn lâm học sĩ”. Một vị đại quan trong triều đình tên Hổ Mông, đã làm thơ mừng các tân quan hàn lâm học sĩ, trong đó có câu “Ngũ phụng tề phi nhập hàn lâm”, nghĩa là “Năm con chim phụng cùng bay vào viện hàn lâm”. Do tích nầy, có người hay chữ trong dân gian biết được chuyện xưa, đã vinh danh năm vị đại khoa Quảng Nam năm mậu tuất (1898) là “Ngũ phụng tề phi”. Từ đó, chuyện “Ngũ phụng tề phi” được truyền khẩu lan rộng ra dần dần trở thành một huyền thoại mà không ai biết xuất xứ. Ðây là một huyền thoại dân gian, chứ không phải huyền thoại cung đình hay quan lại.
7.- Kết luận: Tôi xin cảm ơn ông TDH đã đề cập đến bài viết của tôi khi đưa ra vấn đề “Ngũ phụng tề phi”. Trong việc tìm hiểu quá khứù, chúng ta cần thẳng thắn trình bày lại sự thật lịch sử như nó đã xảy ra, chứ không thể vì tình cảm địa phương mà tô vẽ thành huyền thoại xa rời thực tế. Chúng ta cần can đảm gạt bỏ tất cả những thành kiến tự hào cục bộ để tái tạo quá khứ một cách khách quan, dựa trên tài liệu cụ thể. Không cần gì phải được vua quan phong tặng là “ngũ phụng tề phi”, các tân khoa Quảng Nam mới thực sự có giá trị. Tục ngữ Việt Nam chúng ta có câu:”Quan nhất thời, dân vạn đợi”, nghĩa là làm quan thì chỉ một thời, còn làm dân thì muôn đời. Vậy năm vị tân khoa năm 1898 được dân chúng vinh danh mới thực sự sống mãi trong lòng dân chúng, còn nếu vua hay quan vinh danh, nhưng dân chúng không chấp nhận, thì chỉ là một buổi lễ có tính cách nghi thức, xong rồi chẳng còn ai ghi nhớ nữa. Tại triều đình Huế, cũng như tại dinh tổng đốc Quảng Nam đã xảy ra bao nhiêu lễ nghi, tiếp tân, xưng tụng, nhưng chỉ có tính cách phù du và có ai ghi nhớ gì đâu? Trong khi đó, dùø muốn dù không, ba vị tiến sĩ và hai vị phó bảng của một tỉnh, tỉnh Quảng Nam, trong một khoa thi đình trên toàn quốc, khoa thi năm mậu tuất (1898), là hình ảnh sống mãi trong lòng dân chúng Quảng Nam, bởi vì “ngàn năm bia miệng…” Hình ảnh nầy nói lên đầy đủ ý nghĩa một truyền thống đặc biệt quý giá nơi người Quảng Nam, đó là truyền thống ham tìm tòi học hỏi, một truyền thống văn hóa hướng thượng đã hun đúc nên biết bao nhân tài lỗi lạc của tỉnh Quảng Nam nói riêng và Việt Nam nói chung.
CHÚ THÍCH
1. Trước đây, tại Ðà Nẵng, tôi đã nhiều lần gặp ông Nguyễn Xương Thái, còn gọi là ông Phán Thái, tại nhà tôi vì ông Thái là bạn của phụ thân tôi, tại nhà bà chủ nhà in Ðông Hải vì ông Thái là cậu của bà nầy, và tại nhà ông Nguyễn Xương Huyên làm nghề y tá, con của ông Thái. Lúc đó tôi đang học ngành sử ở đại học Huế, nên tôi hay hỏi ông Thái nhiều chuyện về cụ Huỳnh, về Quảng Nam, tất nhiên trong đó có chuyện “Ngũ phụng tề phi”. Ông Thái cho biết là chỉ nghe nói chứ hoàn toàn không thấy có giấy tờ sắc phong hay phổ ý (gia phả) viết về chuyện nầy.
2. Nguyễn Sĩ Giác [tiến sĩ Nho học], phiên âm và dịch nghĩa, Ðại Nam điển lệ, [Bộ Quốc Gia Giáo Dục, Sài Gòn, 1962], Nxb. TpHCM tái bản, 1993, tt. 123-125.
3. Những người có chân trong hội đồng chấm thi phải làm giấy cam đoan, có địa phương chứng nhận, là không có con cháu dự thi trong hội đồng mình làm việc.
4. Nguyễn Sĩ Giác, sđd. tr. 369.
5. Cao Xuân Dục, Quốc triều đăng khoa lục, Lê Mạnh Liêu dịch, Bộ Quốc Gia Giáo Dục, Sài Gòn 1962, tr. 229.
6. Ở đây, xin trích dẫn lời viết của hai tác giả Phạm Ngô Minh và Trương Duy Hy trong sách Khoa bảng Quảng Nam dưới thời nhà Nguyễn (1601-1919), Nxb. Ðà Nẵng, 1995, tr. 46: “…đỗ đại khoa từ phó bảng trở lên được hàng huyện đón rước.”[người viết bài nầy in đậm]
7. Người viết bài nầy in đậm.
8. Lúc bác sĩ Trần Ðình Nam còn sống, trong một chuyến đi công tác Hồng Thập Tự khoảng năm 1972, tôi có hỏi bác sĩ Nam về vấn đề cụ Trần Ðình Phong và “Ngũ phụng”, bác sĩ Nam chỉ trả lời là nghe nói chứ không thấy có văn thơ gì về việc nầy.
9. Lư Lăng thi chú là sách viết về nền thi ca của quận Lư Lăng, tỉnh Giang Tây (Trung Hoa). Lư Lăng là quê hương của hai đại văn hào Trung Hoa là Âu Dương Tu (một trong bát đại danh gia) và Văn Thiên Tường.