Triệu Việt Vương (548-571) Anh Tài Dạ Trạch Lưu Danh

Vương Trùng Dương

Sau khi Lý Nam Đế mất, tất cả quyền bính được giao phó cho Tả Tướng Triệu Quang Phục. Triệu Quang Phục và thân phụ là Thái Phó Triệu Túc (quê ở Châu Diên, nay thuộc Vĩnh Tường, Vĩnh Yên) vừa là tướng tài vừa là công thần đã theo chân Lý Nam Đế từ khi phất cờ khởi binh.

Triệu Quang Phục nhận thấy quân nhà Lương còn hùng mạnh, khó đương đầu trong lúc thế lực còn yếu kém nên đem một vạn quân kéo về vùng đầm lầy Dạ Trạch (địa danh bãi Màn Trò, Hưng Yên). Nơi đây, địa thế vô cùng hiểm trở, chung quanh là vùng đầm lầy rộng mênh mông, lau sậy bao phủ, ở giữa có bãi cồn đất khô ráo vừa làm doanh trại vừa canh tác, trở thành sào huyệt an toàn.
Nam Mậu thìn (548), Triệu Quang Phục xưng vương là Triệu Việt Vương, còn gọi là Dạ Trạch Vương.

Vốn quen thuộc với địa hình và sông hồ, Triệu Việt Vương áp dụng chiến thuật đánh lẻ tẻ, đêm đêm cho quân lính dùng thuyền độc mộc ra đột kích quân nhà Lương để thu nạp vũ khí là lương thực, ban ngày cho quân sĩ thao dượt và canh tác. Quân Lương muốn dùng đại binh để xâm nhập nhưng không thể thực hiện được, trong thế lưỡng nan dù cho quân sĩ đóng bao bọc Dạ Trạch, mỗi ngày thêm hao hụt nên đành án binh bất động. Năm Canh Ngọ (550) “Gặp lúc nhà Lương có việc loạn Hầu Cảnh, Trần Bá Thiên phải mang quân về, chỉ lưu Tỳ Tướng là Dương Xàn ở lại. giữ nhau với Triệu Việt Vương. Việt Vương tung quân đánh giết được Dương Xàn, quân Lương tan vỡ chạy về Bắc. Việt Vương tiến về ở trong thành Long Biên” (Ngô Thời Sỹ – Việt Sử Tiêu Án).
Sau khi ổn định được tình thế, Triệu Việt Vương cho thiết lập triều chính, khôi phục lại giang sơn mà Lý Nam Đế rút lui trước sự xâm lăng của quân nhà Lương.

Trong khi đó, như đã đề cập, “Lý Nam Đế thất thế lui quân về Khuất Lão thì người anh họ là Lý Thiên Bảo cùng với người cháu họ là Lý Phật Tử đem quân chạy vào Cửu Chân, bị quân nhà Lương đánh đuổi chạy sang Lào, đầu nguồn sông Đào Giang, có động Dã Năng, đóng ở đó xưng là Đào Lang Vương, lấy quốc hiệu là Dã Năng. Năm Ất Hợi (555) Lý Thiên Bảo mất, không có con nên nên quyền bính về Lý Phật Tử”.

Năm Đinh Sửu (557), Lý Phật Tử thấy vắng bóng quân Lương bèn đem quân về đánh với Triệu Việt Vương nhằm khôi phục lại nhà Lý. Sau năm lần giáp chiến với quân của Triệu Việt Vương ở Thái Bình đều thất bại, Lý Phật Tử xin cầu hòa; Triệu việt Vương thấy Lý Phật Tử thuộc con cháu của nhà Tiền Lý nên đành thuận ý. Địa giới hai miền được phân chia ở Quần Thần (Thượng Cát, Từ Liêm). Triệu Việt Vương đóng ở Quần Thần (Thượng Cát, Từ Liêm) và Lý Phật Tử đóng đô ở Ô Diên (Đại Mộ, Từ Liêm). Lý Phật Tử muốn thể hiện tấm lòng giao hảo với tình thông gia với nhau nên đem con gái là Cảo Nương gả cho con trai của Lý Phật Tử là Nhã Lang. Lịch sử lại tái diễn như năm 208 trước Tây Lịch, Triệu Đà cho con là Trọng Thủy gả cho con gái của An Dương Vương là Mỵ Châu, trong âm mưu thôn tính, Triệu Đà cướp nước Âu Lạc. An Dương Vương đem Mỵ Châu chạy đến Mộ Dạ (Đông Thành, Nghệ An), rút gươm chém đầu Mỵ Châu rồi nhảy xuống bể tự tận.
Trong khi Triệu Việt Vương chăm lo đời sống của dân chúng thì Lý Phật Tử đã nuôi ý đồ thôn tính nên trang bị quân sĩ để tạo thế lực hùng mạnh.

“Năm Tân Mão (571), Lý Phật Tử bất thình lình đem quân đánh Triệu Việt Vương, Triệu Việt Vương thua chạy đến sông Đại Nha (nay thuộc Đại An, Nam Định), nhảy xuống sông tư tận. Người ở đấy cảm nhớ Triệu Việt Vương, mới lập đền thờ ở chỗ sông Đại Nha. Nay còn có đền thờ ở làng Đại Hộ, gần huyện Đại An” (Trần Trọng Kim – Việt Nam Sử Lược).

Trải qua bảy thế kỷ, hình ảnh dùng tình cảm thông gia để mưu toan ý đồ thôn tính đất nước, trước kia kẻ chủ mưu là Triệu Đà, sau nầy nạn nhân là Triệu Việt Vương!

Tại Trịnh Hà, Mỹ Hóa, Thanh Hóa, trước kia, Triệu Quang Phục đóng mạc phủ, dân chúng lập đền thờ tưởng niệm.
Lý Phật Tử chiếm được thành Long Biên, xưng đế hiệu (Hậu Lý Nam Đế), đóng đô ở Phong Châu, cử Lý Đại Quyền giữ Long biên và Lý Phổ Định giữ Ô Diên.

Bấy giờ ở Trung Hoa, nhà Tùy đánh dẹp được nhà Lương, năm 581, Dương Kiên lên ngôi Hoàng đế, tức Tùy Văn Đế, đem quân đánh xuống phía Nam, kết thúc thời kỳ Nam Bắc Triều, lập nên cơ nghiệp nhà Tùy (581-618).
Năm Nhâm Tuất (602), vua nhà Tùy sai Lưu Phương đem đại binh sang uy hiếp, Lưu Phương vừa dàn binh vừa cho người chiêu dụ Lý Phật Tử, Lý Phật Tử khiếp sợ nên xin hàng. Từ đấy đất nước bị rơi vào thời kỳ Bắc thuộc lần thứ ba kéo dài đến 336 năm (603-939).
Với hình ảnh Triệu Việt Vương, Ngự Chế Việt Sử Tổng Vịnh đã ghi:

“Dạ Trạch Vương, Dạ Trạch Vương, uyển tại thủy trung ương.
Địa lợi hề khả cứ, đạo trở hề nan tường.
Vi lô hề thương thương, nê náo hề uông uông.
Độc mộc thuyền hề nhiệm xuất một
Bá Tiên quy hề thùy năng đương
Bỉ kỳ chi tử hề vọng Thục
Dưỡng hổ hề di ương,
Đại Nha hải hề thùy diếu diếu.
Trường An thành hề sa bường bường”

Bản dịch của Lam Giang:

“Giữa đầm Dạ Trạch xưng vương
Ba quân cứ hiểm, một phương tranh hùng
Bớ lau xanh ngát trùng trùng
Đường quanh nẻo tắt, nước bùn gần xa.
Cởi thuyền độc mộc xông pha
Mặc lòng quân Việt, vào ra đêm ngày.
Bá Tiên cao chạy xa bay
Ngọn cờ chiến thắng từ rày ai đương?
Gã kia lai lịch chưa tường
Mến ơn vua Lý nên thương một cành
Quân thần bên nước xanh xanh,
Cắt cho phần đất, gã tranh nỗi gì!
Ai ngờ nuôi cọp thì nguy,
Lòng tham Lũng Thục kể gì nhân luân
Đại Nha gặp bước phong trần,
Đìu hiu sóng nước gởi thân tang bồng.
Cơ đồ một phút như không,
Trường An đá nát, bụi hồng vấn vương”
Trong Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca ghi rằng:
“Triệu Vương giáp trận Thái Bình
Lý thua rồi mới thu binh xin hòa
Triệu về Long Đỗ, Nhị Ha,
Lý về Hạ Mỗ, ấy là Ô Diên…
… Trở về giả chước vấn yên
Giáp binh đâu đã băng miền kéo sang
Triệu Vương đến bước vội vàng
Tình riêng còn chửa dứt đường cho qua,
Đem con chạy đến Đại Nha
Than thân bách chiến phải ra đường cùng”!.

Sách xưa luận rằng vì Triệu Việt Vương không muốn mang tiếng soán đoạt ngôi báu của nhà Tiền Lý nên khi Lý Phật Tử ngỏ lời giao hảo, Triệu Việt Vương thuận tình cho tròn đạo nghĩa công thần với Lý Nam Đế. Lý Phật Tử đánh thắng Triệu Việt Vương không phải vì tài ba dũng lược mà vì âm mưu với người thân để nắm cơ hội thuận lợi. Khi nghe quân nhà Tùy hùng mạnh xâm lăng, bán đừng đất nước để yên thân nên cam chịu ách thống trị của Bắc phương mà tiền nhân đã dày công khôi phục.

Vương Trùng Dương

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button