Trần Yên Hòa

tên thật Trần Yên Hòa
sinh ngày 20-12-1947
tại Kỳ Mỹ, Tam Kỳ Quảng Nam
cựu sinh viên luật khoa Sàigòn
tốt nghiệp khóa 2 Chiến Tranh Chính Trị Ðà Lạt
định cư tại Hoa Kỳ từ 1995 tại Nam California

tác phẩm đã xuất bản:

  • Lời Ru Tình (thơ, 1970)
  • Khan Cổ Gọi Tình Về (thơ 2001)
  • Những Chuyến Mưa Qua (tập truyện 2001)

xuQuang.com giới thiệu thi phẩm

Khan Cổ Gọi Tình, Về

của nhà thơ Trần Yên Hòa

Trong lần ghé lại California nhân ngày Hội Ngộ Liên Trường Ðà Nẵng, nhóm biên tập viên xuQuang.com chúng tôi, hận hạnh được biết thêm một nhà thơ xứ Quảng: Nhà thơ Trần Yên Hòa. Ðáng nhớ hơn, đoàn chúng tôi đã được anh tặng mỗi người một món quà kỷ niệm rất trân quý và dể thương: tập thơ “Khan Cổ Gọi Tình, Về” của anh vừa mới phát hành. Chúng tôi nghe tiếng anh, đọc thơ anh, nhưng đây là lần đầu chúng tôi diện kiến anh.

Nhà thơ Trần Yên Hòa sinh năm 1947 tại làng Kỳ Mỹ, Tam Kỳ, Quảng Nam. Anh học Trần Cao Vân, và sau đó gia nhập khóa 2 Chiến Tranh Chính Trị. Sau 1975, anh vào tù Cộng Sản, ra tù đi làm rẩỵ Sau khi định cư tại California từ 1995, anh sáng tác nhiều hơn. Tháng 6 năm 2001 anh đã cho ra đời một lúc hai tác phẩm, thi tuyển Khan Cổ Gọi Tình, Về và tập truyện ngắn Những Chuyến Mưa Qua. Nhà thơ Trần Yên Hòa thuộc thế hệ của Hoàng Lộc, Phan Xuân Sinh, Thái Tú Hạp, Phạm Xuân Ðài …và cũng sống một khoảng đời nhiều thăng trầm, chìm nỗi tương tự như các nhà văn thơ xứ Quảng nói trên.

Ngay cả không đọc tiểu sử anh và không gặp mặt anh, nếu chỉ đọc thơ anh, chúng tôi cũng có thể đến 90 phần trăm đoán được anh là nhà thơ gốc Quảng Nam. Vì sao thế ? Chủ quan ư ? Ðịa Linh Nhân Kiệt ư ?. Không. Rất dể hiểu. Bởi vì chúng tôi là người Quảng và thơ anh, như phần lớn các nhà thơ xứ Quảng khác, nhắc đến rất nhiều địa danh xứ Quảng. Nhà thơ Luân Hóan có lần đã khám phá ra nguyên ủy sâu xa của nguồn thơ xứ Quảng và ông cũng đã sớm tri ân vùng đất đã tạo nên thơ ông “cảm ơn đất đá trổ thơ”. Nói khác hơn, thơ văn xứ Quảng là bông hoa, là cây trái đã đâm chồi, nảy lộc từ đất đá Quảng Nam nghèo nàn và dũng liệt. Viết về quê cha, đất mẹ, dù trong một tập thơ tình, đối với các nhà thơ xứ Quảng, là một điều tự nhiên và không thể nào khác hơn được. Hình như những bài thơ cảm động nhất của các nhà thơ xứ Quảng thường là những bài thơ viết về quê hương hay chia xẻ cái đau xót, sự chịu đựng của thân phận họ, quê hương họ. Một Hoàng Lộc với “Ngày Trở Lại Hội An”, Luân Hoán với “Ðêm Mưa Về Hội An” và hôm nay Trần Yên Hòa với “Gởi Cô Gái Tam Kỳ, Ðất Khổ” là những thí dụ điễn hình.

Thời gian qua …đã mấy mươi năm
nhánh sông tuổi thơ vẫn còn chảy mãi
Tam-kỳ và ta, một thời thơ dại
đốt đuốc tìm hoài cái thuở mười lăm

đốt đuốc soi cái chỗ em nằm
và soi lại ta, vùng thơ ấu cũ
thương quá em ơi, anh không đủ chữ
giảng nghĩa dùm anh, cái chữ ân tình

cô gái tam-kỳ, đất khổ của anh
bây giờ ra răng, muôn đời rứa hỉ

(Gởi Cô Gái Tam Kỳ, Ðất Khổ KCGTV, trang 37)

Và do đó, dù chung một nền văn hóa Việt Nam, một quê hương, một đất nước Việt Nam, dòng thơ và giọng thơ Quảng Nam vẫn có một sắc thái riêng, không khí riêng riêng so với giọng thơ các xứ khác. Chữ “Tình”, hình như đối với bất cứ nhà thơ gốc Quảng nào cũng hiểu và được viết từ một phạm trù rất bao dung và rộng rải.  Tình trong thơ của họ không chỉ là tình yêu trai gái nhưng còn là tình Cha, tình Mẹ, tình quê hương, sông núi, bạn bè. Ai cũng có thể nói như thế và nhà thơ Việt Nam nào cũng có thể định nghĩa chữ Tình một cách rộng rải như thế. Nhưng các nhà thơ gốc Quảng thực hiện định nghĩa đó nghiêm túc hơn ai hết. Họ viết về tình đất tình quê rất chân thành, mộc mạc. Họ đưa củ khoai, củ sắn vào thơ một cách tự nhiên và rất là thơ. Tập thơ mang cái tên rất tình khổ, rất tình đau, tình lận đận “Khan Cổ Gọi Tình, Về” của nhà thơ Trần Yên Hòa là một minh chứng hùng hồn. Chúng ta có thể tìm trong đó, ngoài những bài thơ về tình yêu trai gái dể thương, rất nhiều bài viết về quê Tam Kỳ của anh như “Ngày trở lại Tam Kỳ”, “Gởi Cô Gái Tam Kỳ, Ðất Khổ”, và rất nhiều những câu, những ý nặng lòng với nơi anh đã từng chôn nhau cắt rốn.

Tôi ngẫn ngơ cô độc xứ người
Năm mươi tuổi cách ly miền thơ ấu
Trong trí nhớ tôi, ngày bò, trườn, lật, dậy
Mù xa, mù xa …miền phương đông
(Khúc Tôi, KCGTV, trang 9)

hay

Một chiều buồn như trăm năm trước
Ta bơ vơ đứng gọi thất thanh
Quê nhà, quê nhà đâu mất hút
Mà ta như gãy cánh lìa cành

(Buổi Chiều Ở Mỹ Nhớ Quê, KHGTV, trang 30)

Thơ anh hay tâm sự đời anh như tiếng nước sông Thu vỗ dưới chân cầu Bà Rắn, Câu Lâu, Vĩnh Ðiện, vọng lại như những điệp ngữ “Mù xa, mù xa”, “Quê nhà, quê nhà …” thiết tha, nghẹn ngào và xa vắng. Xin đau xót cùng anh.

xuQuang.com chân thành cám ơn nhà thơ Trần Yên Hòa đã góp phần làm phong phú thêm nền văn thơ đất nước nói chung và xứ Quảng nói riêng, qua thi phẩm rất hay ” Khan Cổ Gọi Tình, Về” và xin trân trọng giới thiệu đến quý đồng hương và độc giả yêu thơ bốn phương.

Quý vị có thể nhận một thi phẩm ” Khan Cổ Gọi Tình, Về” bằng cách liên lạc với tác giả theo địa chỉ:

Trần Yên Hòa
12942 Josephine St. #D
Garden Grove,CA 92841

Tel: (714) 636-2390
email: [email protected]

trang Văn Học Nghệ Thuật
xuQuang.com

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button