TRÀ KIỆU TRONG TÔI

Nguyễn Viết Bình

Tôi biết, từ thuở khai sinh cho đến mãi mãi về sau, Trà Kiệu luôn sống và cố tình nuôi dưỡng để sống với đức tin tôn giáo của mình, trong đó có ơn Ðức Trinh Nữ Maria ban cho vào những ngày Trà Kiệu còn phôi thai. Tôi cũng biết khi nhắc đến biến cố tháng 9, năm 1885, một biến cố mà toàn thể Trà Kiệu ngày nay ôm ấp như dấu chỉ được lòng thương xót Chúa ban, thì cũng phải nhắc đến những năm tháng đau khổ mà bà con cả Tỉnh Quảng Nam cùng chung chịu với Trà Kiệu. Những mất mác, những chia rẽ, những ân oán xưa đã làm buồn lòng nhau không ít. Hôm nay Trà Kiệu rất vui mừng khi thấy mọi chuyện như đã thay đổi. Ðình Ngũ Xã ở Hoàng Châu đang được mọi nơi, mọi người hợp lực tái tạo. Ðó là việc làm chính đáng mà mọi con dân Trà Kiệu đang cố công đóng góp. Với niềm tin ấy, Trà Kiệu nhắc đến Văn Thân trong biến cố 1885 như một biến cố tôn giáo, trong đó Trà Kiệu nhìn thấy đức tin của mình được thể hiện, hơn là những oan trái do bất cứ nơi nào mang đến. Xin hiểu cho được như vây, tôi xin tiếp tục viết về Trà Kiệu mà không sợ hàm oan.

Trà Kiệu xưa và nay đang sống dưới hào quang tôn giáo với Ðức Mẹ Maria, ngoài ra chẳng có gì để nói. Những tượng Chàm, những điêu khắc quý giá, thì nay đã cao bay xa chạy đến những nơi danh tiếng hơn, như Paris chẳng hạn. Bức thành Chàm ở phía Nam, xây dựng để bảo vệ kinh đô thì nay đã thấp lè tè, ngang với mặt ruộng lúa, thấy gì lạ đâu. Con suối Hố Diêu ở phía Tây, lúc ấy nên thơ bao nhiêu, nay nhìn khô cạn đến tiêu điều, thảm não. Trà Kiệu có gì đâu so với một Thi Lai trù phú, tiếng dệt lụa đêm đêm còn vang vọng trong tâm trí tôi. Trà Kiệu có gì đâu so với tơ tằm Mã Châu và các cô gái Mã Châu đẹp vì không phải nắng mưa trên ruộng lúa mà phải ở nhà nuôi tằm, giăng tơ. Trà Kiệu có đồng lúa trù phú bao la, đem cơm áo cho dân khắp vùng, thì nắng mưa dãi dầu đã làm các bà các cô bớt đi phần nhan sắc.

Trà Kiệu còn lại ngọn Ðồi Bửu Châu, đây là hãnh diện cuối cùng của Trà Kiệu. Trà Kiệu rất tiếc là đã mất đi ngôi thánh đường cỗ kính, di tích của ơn cứu giúp của Ðức Trinh Nữ Maria trên đỉnh đồi. Nhưng thôi, tôi tin rằng các kiến trúc hôm nay, một ngôi nhà thờ hình tam giác, dự trù cao đến 79 thước, mà nay mới xây được có 30 thước, không có tường chung quanh để gió lộng ở cao độ có thể tung hoành, theo sơ đồ của cố kiến trúc sư danh tiếng Ngô Viết Thụ, người đã vẽ sơ đồ cho Dinh Ðộc Lập năm nào của thời Ngô Ðình Diệm, cũng đủ để thu hút lòng tôi và các đồng bào của tôi. Tôi nghĩ tôi phải nói nhiều về ngọn đồi nầy, vì đây là hảnh diện của tôi, người con Trà Kiệu có thể gọi là mất gốc, vì đã phải xa Trà Kiệu từ hồi còn tí teo. Ðồi Bửu Châu đẹp lắm, cao độ vừa phải, lối 70 thước, và nay vừa mới được giáo xứ Trà Kiệu xây lại 124 bậc cấp đi lên bằng đá hoa, láng nhưng không trợt. Dưới chân đồi là các cảnh trí đẹp mắt như một công trường rộng lớn với cỏ quý xanh tươi, để làm nơi tổ chức các lễ nghi tôn giáo lớn, với hồ sen, cây kiểng, cá chậu. Chung quanh lưng chừng đồi là cây cối um tùm, ngợp bóng mát. Các cặp tình nhân đã mau thấy được cảnh thiên đường ở đây, khiến cho nhiều lúc giáo xứ Trà Kiệu bối rối khi phải cố gắng duy trì cảnh trang nghiêm của nơi thờ phượng.

Mời các anh chị em cùng tôi về Quảng Nam một lần nữa. Lần nầy xin theo tôi về Trà Kiệu. Nhớ thời còn đi học, những dịp hè, tôi cũng có năm ba người bạn mới đất Huế, theo tôi về thăm Xứ Chàm của tôi. Ăn uống ngủ nghỉ thoải mái. Hít thở không khí trong lành của đồng ruộng bát ngát chung quanh nhà ông cụ tôi. Sau nầy, vào những ngày đại hội 29, 30, 31 tháng 5 hằng năm, Trà Kiệu đông lắm. Nghe nói công trường dưới chân Núi Bửu Châu đông nghẹt là khách hành hương. Cả làng Trà Kiệu không còn đất chen chân. Họ về đây để thờ kính Ðức Trinh Nữ Maria, Người đã làm phép lạ cứu Trà Kiệu khỏi bị tàn phá. Họ về đây để tạ ơn Mẹ của họ. Họ về đây để uống cụm nước lã xin ơn từ cái giếng rất bình thường nằm cao hơn 70 thước cách mặt đất ngay trên đỉnh Ðồi Bửu Châu, sát bên nhà thờ. Ðứng trên đỉnh Ðồi nầy, xuyên qua cánh đồng lúa bát ngát phía Nam, ta sẽ thấy đoàn tàu lửa màu xanh lá mạ chở hàng ngàn khách hành hương từ từ đáp ga Trà Kiệu. Cũng thế, quay mặt về hướng Ðông, hướng Ngã Ba Nam Phước, ta sẽ thấy đoàn đoàn xe đò từ Ðà Nẵng hay Tam Kỳ, hay tận Cà Mau, lũ lượt nối đuôi về Trà Kiệu. Khuông viên làng có hơn cây số vuông, nhưng lòng con dân Trà Kiệu to hơn gấp bội, nên bao nhiêu “nhân khẩu” đều được ân cần mời gọi. Free ăn, free ở, để mọi khách hành hương có đủ thì giờ lo việc đạo đức. Nghe nói tháng 5, năm 1995, kỷ niệm 110 năm ngày Ðức Mẹ hiện ra tại Trà Kiệu, có hơn 30 ngàn người về đây. Và như thế năm nào cũng vậy.

Trà Kiệu cũng còn chút hãnh diện phụ ở lịch sử tiến hoá của mình. Ngôi nhà thờ chính của Trà Kiệu nằm trên một thửa đất bằng phẳng, khánh thành từ sau ngày biến cố Văn Thân. Ngôi nhà thờ nầy đã được xây đi xây lại nhiều lần dưới nhiều triều đại linh mục của Hội Thừa Sai Paris. 10 cột bên trong to, 2 người lớn ôm không hết, cửa chính, cửa sổ gổ sồi nặng không thể nào mở nổi, nếu bạn không có người phụ. Gạch, cement nhập cảng tít từ bên Pháp Quốc. Tiếc thay, ngôi thánh đường hôm nay quý vị nhìn thấy lại là sản phẩm của bao nhiêu sai lầm Nó ọp ẹp, rung rinh. Chưa mưa đã dột. Chưa nắng đã nứt. Nhưng thôi, tôi phải bằng lòng vì làm sao sửa chữa được quá khứ. Tôi chỉ xin hiện tại nên học bài học của hôm qua. Ấn tượng mạnh nhất cho nhiều anh chị em chúng tôi là ngôi trường Tiểu Học, mang tên thánh nữ Têrêxa, vị thánh ẩn tu, chết rất trẻ vì bệnh lao phổi, mà là vị đại thánh, tiến sĩ của giáo hội công giáo. Trường nằm trong khung viên nhà thờ chính. Trường cũng chịu luật tiến hoá của vũ trụ, mở lớp 1, rồi mở lớp 2 và tiếp tục đến lớp 5 tiểu học. Cho đến trước năm 1975, trường đã là cái nôi yêu thương cho tuổi trẻ Trà Kiệu. Tôi biết được, không thiếu những anh chị em các xã lân cận đã cùng chúng tôi lớn lên trong khung cảnh yêu thương đầm ấm của trường làng Têrêxa nầy, với các dì phước áo chùng đen, mà tuổi trẻ chúng tôi vẫn chọc ghẹo là quạ đen.

Ngày nay, tôi không hiểu rõ guồng máy quản trị năng lượng tại Trà Kiệu. Nhưng thấy như là nhà thủy điện Duy Sơn 2, nằm tuốt trên núi cao của dãy Trường Sơn, đang cung cấp điện lực cho Trà Kiệu. Ban đêm Trà Kiệu sáng choang. Khung viên nhà thờ Núi đã được giáo quyền Ðà Nẵng nâng lên làm Trung Tâm Thánh Mẫu của giáo phận Ðà Nẵng – nơi thờ phượng Ðức Trinh Nữ Maria, Người đã hiện ra trên nóc nhà thờ chính vào những ngày 10 và 11 tháng 9 năm 1885 để giúp Trà Kiệu sống sót trước những đợt tấn công bằng đại pháo của Văn Thân. Nơi đây nay lại càng sáng hơn, vì hình như có ai đó bên trời California đã ủng hộ ngân quỹ lớn để giúp giáo xứ tăng cường điện cao thế để Trung Tâm nầy sáng sủa hơn. Có lẽ tận ngoài Ðà Nẵng cũng có thể thấy đèn Trung Tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu. Vui lắm khi nhìn lại được cảnh thái bình.

Thái bình bao giờ cũng đi đôi với thịnh vượng. Chợ Trà Kiệu cũng là cái hảnh diện lẻ loi của đứa con Trà Kiệu lạc loài nầy. Tôi đã đi chợ Trà Kiệu, chợ Cầu Chìm, chợ Quận, chợ Nam Phước. Tôi không so sánh, nhưng tôi vui vì thấy đây là cửa khẩu tốt nhất cho các thôn xóm nằm phía Tây và phía Nam Trà Kiệu, gần núi hơn gần tỉnh thị. Ðây là nơi cung cấp trăm ngàn thứ nhu yếu phẩm hằng ngày cho bà con xa xôi đó. Trà Kiệu trở nên sầm uất hơn xưa. Tôi không muốn dài dòng với chuyện chợ búa nầy hơn nữa.

Ðọan cuối, tôi muốn quay lại chuyện tôi đã thưa ở những giòng chử đầu bài. Tôi muốn xin thưa rằng ngày nào Trà Kiệu không còn hãnh diện về ơn Ðức Mẹ hiện ra trên nóc nhà thờ, ngày đó Trà Kiệu không còn là Trà Kiệu nữa. Sự hãnh diện đó phải được nhìn dưới con mắt tôn giáo, hơn là con mắt lịch sử. Họ muốn nói đến Ðức Mẹ của họ, tuyệt nhiên họ không bao giờ muốn khơi lên nhóm tro tàn của máu cùng nước mắt. Ước mong chương trình tái thiết lại Ðình và khuông viên Ðình Ngũ Xã tại Hoàng Châu sẽ xoá bớt đi phần nào phân hoá bấy lâu. Và Trà Kiệu nhất định sẽ là thành viên sốt sắng của chương trình đoàn kết yêu thương nầy.

Nguyễn Viết Bình,

Garland, Texas: 4, 200

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button