Tình Xưa, Đàlạt
Thu Thuyền
Trước ngày Mơ về Việt Nam, chị Lan gọi. Giọng chị rối rít trong phôn:
“Mơ. Chị mới liên lạc được với anh Toàn.”
“Toàn nào, chị Lan?”
“Toàn Khoa Học, bồ cũ của chị đó! Anh ta hiện đang bán khoai lang khô, mứt bánh ở khu chợ hoa. Hiện thời sức khỏe yếu, cuộc sống chật vật. Đủ chuyện buồn. Chị lo lắm. Em về Đàlạt, chịu khó ghé chợ Dưới, đưa anh Toàn một ngàn dùm chị.”
“Chị có xi nhan anh Toàn vụ này chưa?”
“Tính anh Toàn tự kiêu lắm. Chị sợ nói ra, anh ấy không bằng lòng. Chi bằng em ghé qua bất ngờ, khó từ chối hơn!”
Mơ nhận lời. Cô làm bộ hỏi chứ quên sao được anh Toàn Khoa Học? Mấy nàng sinh viên đại học Đàlạt, đa số ôm gối sầu tương tư anh Toàn. Chỉ có chị Lan may mắn được cùng anh sánh vai trong khuôn viên của Viện. Hồi đó, Mơ không hiểu chị Lan đánh gục những đối thủ bằng cách nào. Đối với Mơ, tướng chị Lan giống con trâu nước: Vai u thịt bắp mồ hôi dầu, lông nách một nạm trà tàu một hơi. Chị chỉ được đôi môi chúùm chím khá xinh. Nhan sắc không thể là yếu tố chính, Đàlạt khối gì các mợ sinh viên đẹp bằng mười chị. Có thể nhờ duyên ngầm hấp thụ từ những áng văn chương tuyệt tác đến Tuổi Cài Trâm, Tử Vi Đẩu Số… Mơ đọc xong, chữ nghĩa lời hay ý đẹp bay biền biệt sau một giấc ngủ ngon. Chị Lan cất kỹ trong đầu từng chi tiết nhỏ. Gặp hứng, lưỡi chị như có dán bùa mê, nói không khác gì rót mật vào tai. Bố đi đâu cũng đưa chị đi cùng. Các bác, các chú quý chị, dặn bố phải “tét” rể cho kỹ để tránh cảnh hoa lan cắm bãi cứt trâu. Mơ tạm kết luận chị mình duyên dáng và công nhận anh Toàn khéo chọn người!
Một trong những kỷ niệm nhớ đời là lần đầu tiên Mơ gặp anh Toàn. Buổi trưa hôm ấy, Mơ đang đong đưa trên cây mận. Cô hăm hở vặt những quả chín, sơ ý để cành cây xé một mảng lớn ngay quần. Đúng lúc anh Toàn mở cổng lững thững bước vào sân: Một người đàn ông cao, dáng thanh. Mái tóc bồng bềnh quyện khói sương. Ánh mắt tự tin sáng ngời. Sống mũi cao. Đẹp toàn bích, như pho tượng cổ Hy Lạp! Mơ lao đao muốn lộn khỏi cây. Anh Toàn ngước mắt nhìn cô: “Anh là Toàn. Chị Lan có nhà không Mơ?” “Anh Toàn biết cả tên mình!”, Mơ nghĩ thầm. Sung sướng, mát rười rượi. Chợt nhớ ra mình đang mặc quần rách, gió thổi vù vù vào đùi. Mặt Mơ đỏ như lên cơn sốt. Cô túm quần. Tuột khỏi cây mận. Chạy ào vào nhà, mặc cho ánh mắt đầy thắc mắc của anh Toàn đuổi theo sau. “Bể quá!”, Mơ lầu bầu nói không biết bao nhiêu lần.
Dĩ nhiên sau hôm hạnh ngộ, Mơ, một nữ sinh lớp Mười, cũng nối đuôi các bậc đàn chị sinh viên, ôm gối sầu tương tư anh Toàn. Khổ nỗi cứ thấy bóng anh Toàn là Mơ phát hoảng, chạy biến. Cái quần thủng là nỗi ám ảnh không rời. Sau đó Mơ còn chiêm bao thấy ác mộng: Anh Toàn cười tủm tỉm trước cảnh cô mặc áo quần rách lỗ chỗ…
Lúc Mơ tạm quên hình ảnh anh Toàn thì chị Lan được học bổng qua Mỹ du học. Chị mở cái “bum” thật lớn mời bạn bè đến dự. Mơ lợi dụng ánh đèn lù mù, lẻùn vào ngó thiên hạ dập dìu theo tiếng nhạc. Đang dõi mắt theo những bước chân lão luyện, một bàn tay chìa ra trước mặt làm Mơ giật thót mình:
“Em ra nhảy bản này với anh nhé!”
Chàng sinh viên lù lù đứng ngay cạnh Mơ lúc nào không hay. Mơ ấp úng từ chối:
“Dạ… thôi! Em chỉ muốn nhìn… thôi…”
“Đừng làm khó với anh mà!”
Cậu sinh viên vừa nài nỉ vừa nắm tay Mơ lôi ra sàn nhảy. Mơ cong đít, trì người lại. Cảnh kẻ kéo người rịt, chắc chắn lố lăng khôi hài. Mắt Mơ loang loáng nước vì xấu hổ.
Đúng lúc ấy, giọng cứu tinh của anh Toàn vang lên:
“Mơ, em Lan đấy! Buông tay người ta dùm. Chắc cô bé không biết nhảy đầm đâu.”
Nói xong, anh dịu dàng rỉ tai Mơ:
“Mơ ạ. Ngồi đây, thể nào chúng nó cũng mời em ra nữa. Em nên vào nhà trong nếu không biết nhảy.”
Mơ vâng dạ, lủi đi như con cắt. Vào giường, tai Mơ còn vang vang giọng Bắc Kỳ ngọt mật: “Mơ à… Mơ ơi… Mơ ạ…” Rõ chán. Tưởng đã quên, bây giờ tương tư lại!
…
Chiếc xe van càng lúc càng đưa Mơ đến gần thành phố tuổi nhỏ. Cô hồi hộp bấu ngón tay vào nệm ghế, mắt nhìn đăm đăm vào vách đèo, tìm kiếm: “A, Nó đây!”. Vài cây thông con bắt đầu xuất hiện. Mơ có cảm tưởng trời chuyển sang hanh hanh lạnh. Cô quay kính xe xuống, phồng mũi hít thở làn không khí trong lành của vùng cao nguyên đất đỏ. Rồi Mơ hăm hở như chỉ còn vài phút nữa là tới nơi, cô nói với chú tài xế: “Kỳ này về Đàlạt, bất cứ giá nào tôi cũng mướn phòng ở khách sạn Palace.” Cô đến nơi này đúng một lần để dự tiệc cưới của ông chánh án Cẩn và cô giáo Khoa Nghi nhưng vẫn giữ mãi hình ảnh căn phòng tiếp tân lộng lẫy như điện vua. “Phải đến để xem có còn đẹp như mình vẫn nghĩ. Mướn phòng xong, mình sẽ đi thăm phố phường…”, Mơ chợt khựng lại: Đi thăm phố phường? Thế còn “người xưa”? Chẳng lẽ sợ giáp mặt anh Toàn, sẽ vỡ mộng nếu anh thay đổi quá nhiều?
Xe đi ngang bưu điện Đàlạt. “Vẫn thế!”, Mơ vui mừng reo lên. Biết bao nhiêu lần Mơ chầu chực nơi này để mua tem đóng dấu ngày phát hành đầu tiên. Bên trái là khu Xuân An, cả nhà hay ghé ăn bún ốc. Chẳng thay đổi bao nhiêu. Mơ thấy ấm lòng với những hình ảnh quen thuộc đập vào mắt mình. Không gì hãi hùng cho bằng trở lại chốn cũ mà cảnh vật thay đổi hoàn toàn! Xe vừa qua nhà thờ chánh tòa, Mơ hét toáng lên: “Chú! chú! Quẹo vào nhà thờ con gà dùm tôi…” Chú tài xế chiều ý, quặt tay lái vào sân nhà thờ. Mơ tất tả leo xuống xe. Cô tái mặt khi thấy cửa nhà thờ đã khóa kín. “Không ngờ nhà thờ lại có lúc nhốt con chiên ở ngoài!”, Mơ than thầm. Cô lang thang ra phía hông, kiếm xem cửa nào còn mở. May gặp cha xứ đang khóa văn phòng, chuẩn bị đi ra. Cô chặn đường, nài nỉ: “Thưa cha, con từ Mỹ về muốn vào đọc kinh cho Đức Cha Hiền. Cha làm ơn…”. Vị cha xứ nhìn cô thương hại, mở cửa giáo đường, hỏi cô:
“Hồi xưa, chị quen biết nhiều với Đức Cha?”
Thú thật cô muốn vào nhà thờ để tìm lại kỷ niệm chứ có phải vì Đức Cha hay Đức Chúa. Cũng may thuở bé hay được đi thăm Đức Cha Hiền nên cô không phải mất công nói láo:
“Ngày xưa, con vẫn thường cùng ông bà nội đi viếng Đức Cha, được người đưa nhẫn (cho hôn) nhưng con lắc đầu cám ơn, chỉ xin người mở hộp bánh!”
Cha xứ cười bao dung, chỉ về hướng bàn thờ. Cô lên tuốt phía trên, quỳ xuống bên mộ Đức Cha, lòng rưng rưng nhớ những ngày thơ dại, vòi vĩnh vị linh mục khả kính. Quay nhìn xuống thánh đường im vắng, không gian như đi lùi lại mấy mươi năm: Vẫn dãy ghế lên nước nâu bóng, những khung cửa kính hình màu sặc sỡ, tòa giải tội âm u lặng lẽ. Nước mắt Mơ chợt đọng lại thành hạt. Bà nội dắt Mơ đi lễ mỗi ngày, làm sao quên được những hình ảnh này? Cô tưởng tượng “Giá đất nước không thống nhất, chị Lan anh Toàn thế nào cũng làm đám cưới ở đây, rồi cũng đến phiên mình mặc áo cô dâu đi giữa dãy ghế đông nghẹt bạn bè và người thân.” Chợt nhớ cha xứ đang đứng chờ, Mơ hấp tấp bỏ tờ giấy bạc vào hộp lạc quyên. Ra ngoài, cô còn ngoái nhìn lần chót, níu kéo mãi chưa muốn đi. Lòng cô như rên lên thành tiếng, “Chao ơi, thèm những ngày cũ!”
Từ xa, khách sạn Palace vẫn ngạo nghễ tọa lạc trên ngọn đồi cỏ cây xanh mướt. Vẫn quét vôi trắng, vẫn sang trọng như thuở nào. Đến gần, mới biết đang tu bổ chưa thể nhận khách. Mơ thất vọng, nhờ chú tài xế kiếm đỡ khách sạn ở khu Hoà Bình. Làm thủ tục giấy tờ xong, Mơ đi tản bộ ngoài phố. Cô ghé thăm trường Đoàn Thị Điểm nơi cô từng học lớp đêm của Hội Việt Mỹ. Mơ kinh ngạc khi thấy những hàng chè, bánh xèo, mì…trước đây chỉ nằm gọn trên vỉa hè, bây giờ lấn lan cả con đường. Cảnh tượng lộn xộn xô bồ thật thiếu thẩm mỹ. Ngao ngán, Mơ vội rút trở ra khu Hoà Bình, tìm những cửa tiệm hồi xưa cô từng ghé qua. Mơ nhận được vài bảng hiệu, góc phố nhưng cô thấy cảnh vật lạ lẫm thế nào. Cô có cảm tưởng mình là người của hành tinh khác xẹt ngang nơi này tìm dữ kiện nghiên cứu. Đứng hơn, Mơ thấy mình chẳng khác một bóng ma lạc lõng, nhìn thấy người chung quanh nhưng chẳng ai nhìn thấy mình. Lòng trống rỗng lạ kỳ! Cô tần ngần đi về hướng những bậc thang cấp dẫn xuống chợ Dưới. Xuống đó, cô sẽ đặt chân ngay vào khu chợ hoa, nơi có gian hàng mứt kẹo…
Cuối cùng cô lại bước vào chợ Trên!
Len lỏi trong những sạp vải, Mơ lớ ngớ ngắm những bộ quần áo may sẵn. Nhớ lại mẹ mua cho mình chiếc áo ngực đầu tiên tại đây: Đăng ten trắng, đính hoa hồng nhỏ xíu chính giữa…
“Ê, Lơ Tơ Mơ đó hả?”
Mơ giật mình quay lại hướng phát ra câu hỏi, thấy cô bạn thân cùng lớp ngồi chễm chệ giữa những dãy quần áo treo tít từ trên trần sạp, xuống tới đất:
“Trời ơi, Thuấn Lười. Mi bán hàng ở đây à?”
“Con điên! Chứ mi tưởng ta ngồi chơi?”
“Có bao giờ mi học hành chăm chỉ, làm sao ta biết mi chịu khó làm ăn?”
“Không buôn bán thì cạp đất mà sống à? Mi về đây hồi nào? Làm gì lang thang trong khu này?”
“Mới về. Thăm cảnh cũ, người xưa. Được không?”
“Cảnh cũ dĩ nhiên còn đó, người xưa… Ý, hồi đó mi mới 15, làm gì có ai?”
“Tình một chiều, không được xem là người xưa sao?”
“Người xưa là ai vậy?”
“Mi có rảnh nghe ta kể?”
Mơ không ngờ Thuấn và cô vẫn còn dùng những câu hỏi để đối đáp như thuở nào. Mơ cao hứng rủ bạn: “Miếng quà là đầu câu chuyện, kiếm gì ăn không?” Thuấn cười hăng hắc bảo sắp đến giờ về, sẵn gặp bạn đóng cửa sớm. Cô nhanh nhẹn dẹp hàng, khóa sạp, nắm tay kéo Mơ lách khỏi rừng quần áo chật chội. Ra tới ngoài, cô khoác vai Mơ, cặp kè thân mật:
“Lát nữa ta nhờ chồng tha đống vải vóc quần áo về. Thế mi đã gặp chàng chưa? Hồi nãy suýt nữa ta không nhận ra cái mặt tròn của mi. May mi vẫn còn mụn ruồi tham ăn trên mép và cặp mắt ngơ ngác của Từ Thức mới từ trên trời rơi xuống.”
Mơ cười, kéo tay bạn xà xuống cạnh gánh sữa đậu nành:
“Nỡm. Từ Thức mới về trần. Mi vẫn vậy. Coi phổng phao hơn xưa nên nhan sắc càng mặn. Ngồi đây uống miếng sữa đậu nành, kể ta nghe tin tức bạn bè cũ. Mi làm ăn có khá không mà ăn mặc diêm dúa, ngón tay đeo nhẫn hột xoàn to thế?”
Thuấn vùng vằng, kéo tay Mơ:
“Ta không ngồi đường kiểu này đâu. Kỳ lắm.”
“Vậy mi đứng, ta ngồi. Ta tới vài ngày rồi đi thành ra ai muốn cười cứ tự nhiên!”
“Mi không sợ người xưa nhìn thấy cảnh mi ăn uống lê la ngoài chợ à?”
Câu nói của Thuấn có tác dụng thần sầu. Mơ bật đứng dậy! Hai cô gọi sữa đậu nành, sánh vai trên cầu, cùng nhìn xuống khu chợ hoa. Nhẩn nha uống từng ngụm thơm lừng, thoang thoảng mùi lá dứa. Mơ vừa uống, vừa khoan khoái kể:
“Mi biết không? Hồi ấy ta mê bồ của chị Lan, anh ấy đẹp trai như tài tử xi nê. Ta sẵn dịp về Việt Nam, ghé thăm Đàlạt hy vọng gặp được anh ta”
Thuấn gật gù:
“Thì ra là vậy. Chàng tên gì? Con cái nhà ai? Giàu, nghèo? Bao nhiêu tuổi?”
Mơ thấy bạn nóng nảy hỏi liên tiếp mấy câu, cô càng muốn bắt bạn chờ. Sẵn cạnh đó có hàng chuối bọc nếp nướng than, tỏa mùi thơm khá gợi cảm, cô hỏi mua, lúng búng nhai. Thuấn sốt ruột, mắng:
“Mi vẫn không chừa tật tham ăn. Sao, kể đi chứ?”
Chưa kịp trả lời, một giọng Bắc kỳ ngọt mật vang lên sau lưng Mơ: “Thuấn, chuyện gì mà em dọn hàng sớm vậy?” Mơ choáng váng, chưa hoàn hồn trước giọng nói quen thuộc thì Thuấn đã tươi cười quay qua Mơ: “Anh Toàn, ông xã ta…” Nói đến đây, Thuấn rỉ tai Mơ: “Chồng ta bán mứt kẹo ở chợ Dưới nhưng đổi vàng, đô mới là nguồn lợi chính.” Sau đó Thuấn bảo với chồng, “Đây là Mơ, bạn học cũ. Em tính đi chơi với Mơ đến tối. Anh đem hàng về trước dùm em.” Mơ quay lại anh Toàn: Áo sơ mi xanh nhạt, quần tây xám, đồng hồ vàng rất lịch lãm. Mái tóc bồng bềnh quyện khói sương của anh thưa đi nhiều. Khuôn mặt hằn vết thời gian và ánh mắt tự tin ngày nào bây giờ cúp xuống, né tia nhìn của Mơ. Anh hắng giọng: “Chào chị Mơ. Thôi tôi về trước nhé!” Mơ biết anh Toàn đã nhìn ra cô nhưng cố tình không muốn nhận người quen. Cô buột miệng: “Hay mi về cùng với anh Toàn cho tiện. Ta cần đi chỗ này một chút. Ngày mai ta ghé lại đây, tha hồ tụi mình hàn huyên tâm sự.” Thuấn lưỡng lự: ” Ừ mai vậy, nhớ đừng quên nghe!”. Mơ lơ đãng gật đầu. Cô vừa gửi lại Đàlạt mối tình xưa. Gửi cả niềm thất vọng lẫn cảm giác hụt hẫng trước những đổi thay. Ngày mai Mơ sẽ rời thành phố sương mù thật sớm.
Thu-Thuyền
5/2003