Thơ Trần Trung Đạo

Trần Trung Ðạo

Vô tình thôi, ta trở lại nơi này
Chiều tháng tư ngồi trông ra cửa biển
Cơn gió lạnh thổi lòng ta xao xuyến
Thái Bình Dương, ta nhớ lắm, Thái Bình Dương

Cũng thấy gần thêm, một chút, với quê hương
Một chút nữa trong nghìn trùng diệu vợi
Ôi đất nước, sau mười năm “đổi mới”
Có lớn hơn thêm một chút tình người

Từ độ vầng trăng tắt bóng trên đồi
Ta mang thơ đi vào đời máu chảy
Hờn vong quốc trong lòng ta lớn mãi
Vẫn ngày đêm mang nguyện ước đi tìm

Bước giữa quê người, đường mấy nẻo chênh vênh
Bao toan tính và bao lần dang dở
Chiều San Francisco, ta nghe hồn trăn trở
Bay về đâu, đàn chim Việt, sẽ về đâu ?

Vô tình thôi, như những hạt mưa ngâu
Thấm ướt trên vai ta đời đơn bạc
Ba mươi tháng tư, mười lăm năm lưu lạc
Chưa nguôi niềm thao thức thuở hoa niên.

TỤC DU

Ðời ta cắn cỏ trăm đường
Khai sinh kết nghĩa với phường tục du
Lá buồn từ độ sang thu
Ta buồn từ độ sương mù mới sa
Lang thang trong buổi chiều tà
Tìm trăng trăng khuyết tìm hoa hoa tàn
Từ ta tan giấc mộng vàng
Quê hương nghìn dặm ngỡ ngàng bước chân
Hỏi đời ai kẻ tri âm
Về cho ta gởi tấm lòng viễn phương
Hồn ta là những con đường
Mà ai qua đó còn vương phấn hồng
Hồn ta là một giòng sông
Chở bao nhiêu nước về lòng biển sâu
Hồn ta là một nhịp cầu
Mà ai qua đó để sầu lại đây
Hồn ta là những cành cây
Ai về ngủ đậu chờ ngày mưa qua
Hương tàn phấn đã bay xa
Thôi về mộng với màu hoa năm nào.

THĂM BẠN

Biết kể anh nghe những chuyện gì
Chuyện buồn thôi hãy cố quên đi
Nghìn năm nước chảy cầu sông Dịch
Chí lớn hao mòn theo dấu rêu

Thuở tóc còn xanh trên mái đầu
Chuyện trò tâm sự suốt đêm thâu
Tôi mơ một mảnh trời thơm ngát
Anh bón chùm hoa rực sắc màu

Hai đứa thường mơ chuyện vá trời
Tâm hồn trải rộng khắp muôn nơi
Anh như tay kiếm thời ly loạn
Tôi bút nghiên rung vẽ lại đời

Nhắc nhở làm chi chuyện đã rồi
Mộng vàng đã chết thuở hai mươi
Soi gương tóc bạc vài ba sợi
Tổ quốc nhìn lên chỉ ngậm ngùi

Ðịnh viết thư thăm đã mấy lần
Gởi về đâu nhỉ rất xa xăm
Ðời trôi không hẹn ngày tương ngộ
Thôi giữ mang theo xuống mộ phần.

NGƯỜI CON GÁI VIỆT NAM
TRÊN ÐẠI LỘ SRI AYUTHAYA

Người con gái Việt Nam
Trên đại lộ Sri Ayuthaya, Bangkok
Em đứng đó một mình ôm mặt khóc
Như chợt nhớ ra đây không phải Sài Gòn
Mái tóc thu buồn
Mái tóc héo hon
Bay phơ phất giữa phố phường xa lạ
Mười sáu tuổi kiếp giang hồ chung chạ
Trôi lang thang như những bọt bèo
Ðất nước nghèo không giữ nổi chân em
Nên xứ người em làm thân gái khách

Tuổi của em như sao mai mới mọc
Ðẹp vô tư như những cánh lan rừng
Tuổi bắt đầu của một mùa xuân
Có hoa bướm tung tăng
Có một chút tình yêu nhẹ nhàng thơ mộng
Lẽ ra ngày này em đang ngồi trong lớp học
Học làm người phụ nữ Việt Nam
Học chuyện thêu thùa may vá trông con
Học cả chuyện yêu đương
Ðẹp như trăng khi tròn khi khuyết

Bỗng dưng hôm nay em mất hết
Mất cả tuổi thơ mất cả cuộc đời
Bangkok chiều nay mưa lất phất rơi
Có làm em nhớ Sài Gòn mưa tháng sáu
Nhớ con hẻm vào nhà em
Dường như lúc nào cũng tối
Nhớ mẹ già đôi mắt dõi mù tăm
Nhớ đám em thơ đang đứng mỏi mòn trông
Tin của chị từ phương nào biền biệt
Còn ở đấy cả một trời thương tiếc
Như ngàn năm mây trắng vẫn còn bay

Nhìn sông Chao Phraya nước đục chiều nay
Có làm em nhớ đến sông Nhà Bè
Nhớ những con lạch nhỏ
Ðầy những rong rêu rác rưới
Cống rãnh gập ghềnh
Nước vẫn một màu đen nhưng là nước của em
Sẽ không thể nào đen như thế mãi

Khi cố bập bẹ vài ba tiếng Thái
Có làm em nhớ thuở lên năm
Ba bảo em đánh vần hai chữ Việt Nam
Em cố gắng năm lần bảy lượt
Nhưng cuối cùng dù sao em nói được
Mẹ thưởng em bằng những chiếc hôn nồng
Ba mỉm cười hy vọng chảy mênh mông
Ánh lửa tương lai đã bắt đầu nhen nhúm
Ánh lửa ngày xưa
Cho ngày mai tươi sáng
Ðã tàn đi theo giông bão cuộc đời

Sau những lúc đau thương da thịt rã rời
Em có khóc một mình trong bóng tối
Mỗi giọt lệ sẽ mang màu sám hối
Mỗi lời rên chôn giấu những ăn năn
Tóc thu buồn như những sợi oan khiên
Trói lấy cuộc đời em nghiệt ngã
Về đâu em chiều nay trên đất lạ
Về đâu em mưa gió phủ đầy sông
Người con gái Việt Nam trên đại lộ Sri Ayuthaya
Ðang nhắm mắt nhìn đời trôi vô tận

Lịch sử Việt Nam
Vinh nhục thăng trầm bao nhiêu bận
Nhưng chưa bao giờ đen tối hơn hôm nay
Ông cha ta có khi phải xuống biển tìm ngọc trai
Lên non tìm ngà voi trầm hương châu báu
Có những lúc cả giòng sông thấm máu
Có nhiều khi xương trắng gởi rừng sâu
Nhưng chưa một lần trong bốn ngàn năm
Có những cô gái Việt Nam
Phải sang xứ người bán thân nuôi miệng
Tủi nhục nầy không bao giờ rửa sạch
Nỗi đau nầy không phải của riêng em
Mà của mọi người còn một chút lương tâm
Và còn biết thế nào là quốc nhục

Ðêm nay anh viết nốt bài thơ
Dẫu biết chẳng thể nào tới tay em được
Thơ của anh
Tâm sự của một người anh nhu nhược
Giữa muôn vạn khổ đau chỉ biết đứng nhìn
Lơ láo giữa chợ đời
Vết thương nặng trong tim
Anh vẫn ung dung như người khách lạ
Nước Mỹ ấm no làm anh quên tất cả
Quên bảy chục triệu đồng bào đang cảnh lầm than
Quên đám em thơ lưu lạc bốn phương ngàn
Quên cả chính anh với những đau thương thời thơ ấu
Ngày anh đi mang hờn căm nung nấu
Hẹn non sông một sớm sẽ quay về
Ðem thanh bình gieo rắc vạn trời quê
Ðem mạch sống ươm trên từng nắm đất

Giấc mộng ngày xưa
Dù anh không còn muốn nhắc
Vẫn lạnh lùng sống lại giữa đêm mơ
Anh đang khóc một mình
Hay đang khóc trong thơ
Không, chỉ hạt bụi vừa rơi vào trong mắt
Hạt bụi đó chính là đời em đã mất.

NGƯỜI TÙ Ở TRẠI WHITE HEAD

Ngày mai về lại Việt nam
Tôi sẽ nhớ nơi nầy tha thiết
HUT 8A Detention Camp White Head
Tên đã thuộc lòng
Sau bao nhiêu năm tháng bị biệt giam

Tôi đứng bên nầy hàng rào kẽm gai
Phía bên kia là tự do
Phiá bên kia là hạnh phúc
Hạnh phúc thường bắt đầu từ những thói quen
Nên tôi cũng đã bắt đầu yêu bóng tối
Bao đêm rồi tôi đã đứng nơi đây
Nhìn ra phía đại dương sâu thẳm
Như tên tù đang đứng chờ nghe phán quyết
Tỵ nạn kinh tế
Tỵ nạn kinh tế
Không, tôi thật sự là kẻ đi tìm tự do
Tự do
Tự do
Tiếng thét của tôi chẳng có ai nghe
Như viên sỏi đang rơi vào biển cả
Chẳng tạo một âm vang
Dù chỉ là rất nhỏ
Dù chỉ làm vơi một giọt thương đau
Tôi sẽ đứng nơi nầy cho hết đêm nay
Ðêm cuối cùng của tôi ở trại tù White head

Ngày mai về lại Việt Nam
Tôi sẽ cố sống nốt cuộc đời còn lại
Tôi sẽ làm một người ngu dại
Sẽ cúi gập người khi được buông tha
Tôi sẽ nhớ mỗi ngày trình diện trước công an
Tờ chứng minh thư dành cho những người phản động
Phản động
Phản động
Tiếng sóng đang vỗ vào sườn đá
Như tiếng rên siết vọng về
Từ những trại giam
Nếu tôi còn đủ nghị lực để cầu mong
Tôi sẽ cầu mong cho phi cơ hỏng máy
Tự do
Tự do
Ðầu tiên, cuối cùng và vĩnh viễn.

Ngày mai về lại quê hương
Sao bỗng dưng đêm nay tôi lại khóc
Nếu gặp mẹ tôi ở Tân Sơn Nhất
Tôi sẽ cố gắng cười cho mẹ tôi vui
Tôi sẽ đi chung phi đạo với đồng bào tôi
Những người tỵ nạn chính trị
Ðang hân hoan đổ về từ nước Mỹ
Từ Paris, từ Toronto, từ Berlin
Họ sẽ nhìn tôi với cặp mắt khinh khinh
Cũng đôi kẻ sẽ quay đi
Thẹn thùng không nói

Sao bỗng dưng tôi nghe tim mình đau nhói
Viên đạn của đồng bào vưà bắn trúng sau lưng.

HƠI THỞ VIỆT NAM

 

( Ðể tưởng niệm Trung Tá Cảnh Sát Long, người đã tự sát dưới chân tượng đài Thủy Quân Lục Chiến tại Sài Gòn sáng ngày 30-4-1975)

Trên đám cỏ này là nơi anh đã nằm
Trên nắm đất này là nơi máu anh đã nhỏ
Ðất vẫn một màu nâu
Cỏ vẫn một màu xanh muôn thuở
Mặt trời mỗi sớm vẫn rọi vào làm lóng lánh
những giọt sương
Như đôi mắt sáng của anh
Lần cuối cùng ngửa mặt nhìn tổ quốc yêu thương
Dưới chân tượng đài Thủy Quân Lục Chiến.

Trung Tá Long !
Họ của anh là gì vẫn chưa ai biết
Có phải là Ngô, Ðinh, Lý, Trần hay Lê, Nguyễn…Văn Long ?
Không, tên của anh đã bắt đầu
Từ ở núi, ở rừng, ở biển, ở sông
Ở những câu chuyện thần tiên mẹ thường hay kể
Từ thuở Cha Lạc Long dắt năm mươi con xuống bể
Mẹ Âu Cơ dắt một nửa lên ngàn
Từ thuở bầy chim Lạc chắp cánh bay về
vùng nắng ấm phương Nam
Xây tổ bên sông Hồng, sông Cửu
Tên của anh đã bắt đầu khi con rồng Việt Nam
phun lửa đốt rừng dựng nên bờ cõi
Truyền vào lồng ngực anh hơi thở vào đời
Hơi thở Việt Nam hòa trong anh suốt thuở làm người
Sáng ba mươi anh trở về với mẹ
Hồn anh bay giữa trời quê hương
Một màu tang quạnh quẽ
Tổ quốc nghiêng mình tiễn biệt một người con.

Lòng anh đau khi nghe tiếng chiếc xe tăng
Ðang nghiền nát Sài Gòn
Hy vọng chết dưới mỗi lằn xích sắt
Viên đạn Nga bắn vào tim nước Việt
Lưỡi lê Tàu đâm thủng ngực dân Nam
Ôi ! có bao giờ trong suốt bốn nghìn năm
Mà đất trời quê hương ta buồn như hôm ấy
Những mẹ, những cha, những cụ già, em bé
Ngơ ngác nhìn nhau, sợ hải, kinh hoàng.

Một chế độ vừa bắt đầu
Bằng hận thù, khủng bố, lầm than
Bằng tiếng xích T54 đay nghiến hồn dân tộc
Xé nát lòng anh bao hờn căm và tủi nhục
Anh đã chọn cho mình một cách chết quang vinh.

Anh ngã xuống giữa Sài Gòn không để lại đủ họ tên
Nhưng lịch sử nghìn năm sau vẫn nhớ.
Trung Tá Long !
Mây vẫn bay trên đầu anh mỗi chiều, mỗi sớm
Mặt trời mọc mỗi ngày làm lóng lánh giọt sương mai
Như nước mắt mẹ già nhỏ xuống xác con trai
Như ánh mắt chị nhìn chồng trong giờ vĩnh biệt
Ðất vẫn một màu nâu đậm đà như tình người dân Việt
Nơi anh nằm hoa cỏ vẫn xanh tươi.

Máu anh rơi để làm đẹp cuộc đời
Tô thắm đường các em sẽ đến
Các em là thuyền nhờ có anh là bến
Trong cuộc hải hành này anh là ngọn hải đăng soi
Ðường tự do dù còn lắm chông gai
Nhưng đã có anh mang niềm tin đi trước
Cám ơn anh, người con yêu đất nước
Ðã truyền lại cho muôn đời hơi thở Việt Nam.

ÐỪNG TRỞ LẠI

Anh ra đi Sài Gòn xưa đã chết
Cây me già cô độc đứng nghe mưa
Ðừng trở lại chẳng còn gì nữa hết
Em đã tàn hương sắc của năm xưa

Anh ra đi phố phường xưa đổi khác
Ngọn đèn xanh le lói bóng ga chiều
Những kỷ niệm vàng hoe trên mái tóc
Tóc em buồn từng sợi rối đêm khuya

Anh ra đi cửa lòng em đã đóng
Với đau thương chồng chất thuở xuân thì
Ðừng trở lại chẳng còn ai mong ngóng
Xuân đã tàn từ độ én bay đi

Anh ra đi em một mình lầm lũi
Con đường câm trong những tối không đèn
Ðừng trở lại em quen rồi cực khổ
Anh cũng quen rồi cuộc sống ấm êm

Anh ra đi muà đông buồn ghê lắm
Muà mưa dài thăm thẳm ở nơi đây
Ðừng trở lại chẳng cần ai đưa đón
Ðể em ngồi nghe lá khóc trên cây

Anh ra đi mẹ bao lần đã nhắc
Ðứa con yêu lưu lạc ở phương nào
Anh có đọc nỗi buồn sâu trong mắt
Mắt mẹ già năm tháng đã hư hao

Anh ra đi đàn em thơ đã lớn
Nhìn hình anh ngơ ngác hỏi là ai
Bầy chim nhỏ giữa trời đầy giông tố
Chim đầu đàn vẫn biệt dưới chân mây

Anh ra đi quê hương nghèo hơn trước
Những lầm than vẫn nối tiếp nhau về
Bài thơ cũ mơ làm người yêu nước
Ðến bây giờ anh còn nhớ hay quên.

CÁM ƠN NGƯỜI TỪ TRẠI CẤM RA ĐI

 

Xin cho tôi một chút xót thương thôi
Tôi sẽ mang theo suốt vạn nẻo đời
Tôi xin đổi ngàn đêm trong trại cấm
Một nụ cười dù héo hắt trên môi

Đừng nói với tôi rằng đã lãng quên
Đừng dạy tôi về thế thái nhân tình
Tôi đã học từ ngục tù tăm tối
Những bẽ bàng tủi nhục kiếp nhân sinh

Tôi vẫn ôm hoài một nỗi chờ mong
Mẹ Việt Nam nước mắt đã lưng tròng
Ai chết đấy đầu non hay cuối bê?
Máu chảy một dòng máu đỏ Việt Nam

Hãy gởi cho tôi hơi thở của em
Gởi về đây dăm sợi tóc em mềm
Để tôi với những ngày trong trại cấm
Sẽ bớt buồn khi nhớ dáng em nghiêng

Giữ dùm nhau kỷ niệm thuở còn thơ
Dẫu nghìn năm con nước cũ quên bờ
Tôi ga nhỏ muôn đời xin đứng lại
Em con tàu biền biệt dấu chân mơ.

BỨC TRANH SÔNG NÚI

 

Hỡi những nhà họa sĩ quê hương
Hãy vẽ dùm tôi đôi mắt mẹ
Hai mươi năm, mấy nghìn đêm lặng lẽ
Âm thầm nhỏ lệ xuống non sông

Hãy vẽ dùm tôi chiếc áo mùa đông
Ðắp trên xác cha già còn lạnh buốt
Ðể gian khổ không làm tôi chùn bước
Cuộc đấu tranh nầy vì nước Việt Tự Do

Hãy vẽ dùm tôi những nỗi âu lo
Trên khuôn mặt anh ngày đêm trong ngục tối
Ai rên siết sao lòng tôi nhức nhối
Tiếng căm hờn nghe buốt cả quê hương

Hãy vẽ dùm tôi một nén nhang thơm
Trên phần mộ những người vừa ngã xuống
Vẫn còn đây An Lộc, Trị Thiên, Bồng Sơn, Mộ Ðức . . .
Vẫn còn đây Lê Văn Hưng, Hồ Ngọc Cẩn, Nguyễn Khoa Nam . . .

Hãy vẽ dùm tôi biển cả mênh mông
Nơi hải tặc bao lần ghi tội ác
Ðể thơ tôi được biến thành dao mác
Sẽ một ngày đòi nợ máu quân Xiêm

Hãy vẽ dùm tôi mái tóc của em
Chảy tha thướt trên bờ vai mơ mộng
Cho tôi dệt những vần thơ hy vọng
Khi nghĩ về đất nước tương lai

Hãy vẽ dùm tôi một nhánh hoa mai
Ðã nở rộ trên vườn nhà tôi dạo ấy
Dù hôm nay lửa bạo tàn còn ngút cháy
Tôi vẫn tin rằng sẽ có một mùa Xuân

Hãy vẽ dùm tôi hình chữ S thân thương
Không có những đường phân chia ngăn cách
Quê tôi đó từ địa đầu Việt Bắc
Vẫn nối dài đến tận Mũi Cà Mau.

NHỮNG NGÀY Ở LẠI SÀI GÒN

Ðâu chỉ mặt trời làm nên ánh sáng
Ðâu chỉ dòng sông mang lại nước cho người (1)
Nước bắt nguồn từ sữa mẹ thuở nằm nôi
Ánh sáng bắt nguồn từ đôi mắt
Ðôi mắt của tôi để nhìn sự thật
Sữa mẹ nuôi tôi làm mgười bất khuất
Ðể yêu thương và cũng để căm thù

Bao nhiêu năm đất nước hòa bình
Chiến tranh đã bắt đầu
Ngay từ năm thứ nhất
Bạn bè tôi bao nhiêu người đã khuất
Bao nhiêu người còn lại sống lang thang
Ôi những đứa con yêu
Của tổ quốc bạt ngàn
Sao chẳng về đây để làm nên bão tố
Ðộc Lập, Tự Do, Nhân Quyền, Cơm Áo
Chưa bao giờ tha thiết như hôm nay

Những ngày tôi sống ở đây
Tôi đã đi qua những con đường cháy nắng
Những con đường không một bóng cây xanh
Kinh tế mới Ðồng Xoài, Bù Ðóp, Bù Ðăng
Những đứa trẻ mồ côi
Không quần ngồi giữa chợ
Cúi nhặt từng vi cá đuôi tôm
Hỏi cha mẹ em đâu
Em nhìn lên hướng núi
Hỏi về đâu đêm nay
Em nhìn mây không nói
Tôi muốn ôm chặt lấy em
Ðể nói lên muôn lời tạ tội
Khổ của em là lỗi của chúng anh
Những con chim đầu đàn gãy cánh

Những ngày tôi sống ở đây
Buổi sáng ra đi buổi chiều trở lại
Ðêm nằm co trong một góc nhà
Có ai khóc ở quanh tôi
Không, chỉ tiếng thằng em than đói
Có ai rên rỉ quanh tôi
Không, chỉ tiếng mẹ thở dài
Bao nhiêu năm kể từ ngày ba mất
Chưa một lần con nghe mẹ khóc
Âm thầm nhỏ xuống như đêm nay
Mẹ tưởng rằng con không hay
Không mẹ ơi
Lâu rồi con vẫn thức
Thức để làm thơ
Thơ của con sẽ buồn như mắt mẹ
Ðứa con lớn bao năm rồi vẫn thế
Hai bàn tay không đủ để nuôi thân
Những giấc mộng vàng
Của thuở thanh xuân
Ðã lâu lắm con không còn nghĩ đến

Những ngày tôi sống ở đây
Các em tôi ngày hai buổi ôn bài chính trị
Ðảng dạy các em phải yêu chân lý
Chân lý là đường đảng đã vạch ra
Ðảng dạy các em phải yêu sự thật
Sự thật là gì đảng đã dạy ta
Hai buổi sáng chiều tiếng trẻ ê a
Các em tôi đang học để thành người Cộng Sản
Ôi tâm hồn các em
Những tâm hồn buổi sáng
Ðẹp vô cùng như những giọt sương mai
Những con bướm vàng đang nhởn nhơ bay
Chúng cố biến các em thành sâu bọ
Trên cổ các em những chiếc khăn quàng đỏ
Em hiểu nghĩa gì không: là máu của đồng bào
Có một ngày em sẽ biết tại sao
Em sẽ biết thế nào là gian dối
Em sẽ hiểu thế nào là phản bội

Những ngày tôi sống ở đây
Mà họ bảo “là những ngày đẹp nhất
Dù mai sau đời vạn lần hơn” (2)
Sao các ông không vào Hồng Bàng, Chợ Rẫy mà xem
Những bà mẹ xanh xao sắp hàng chờ bán máu
Kiếm chút tiền mua bột sữa cho con
Ðêm mưa phùn gió bão miền đông
Vẫn tàn nhẫn quét lên những căn nhà không vách
Lên những con người không đủ vải che thân
Ngày xưa nằm đọc thơ Chế Lan Viên
Tôi mơ màng nghe gió thổi sang mùa
Ôi những con bướm vàng thơ mộng năm xưa
Giờ đã biến thành sâu bọ

Những ngày tôi sống ở đây
Tôi đã đi qua những dòng sông nước đục
Sông Bạch Ðằng
Cầu Ông Lãnh
Bến Chương Dương
Những thiếu nữ Việt Nam
Tuổi mới độ mười lăm
Ðứng bên đường đợi khách
Hát vu vơ những lời than trách
Vẫn thấy vô tư như tuổi học trò
Mai các anh về xây lại tự do
Ta sẽ biến những trại tập trung
Trở thành trường học
Ðứng nhìn các em sắp hàng vào lớp
Sẽ không bao giờ trễ lắm đâu em
Ðời các em vẫn một màu xanh
Sẽ mãi đẹp như những tờ lụa trắng.

(1) Thơ Trần Phước Khuôn
(2) Thơ Chế Lan Viên

ÐÊM NGỒI NGHE
TIẾNG CHIM TRÊN BIỂN

 

Ðêm ngồi nghe tiếng chim trên biển
Chợt nhớ ngày ra cửa Vũng Tàu
Một cánh chim chiều theo đưa tiễn
Vô tình, vẫn thấy xót xa đau

Ðừng theo, chim nhỏ đừng theo nữa
Rồi sẽ như ta lạc lối về
Ta như ngựa bỏ đời hoang dã
Quay nhìn mờ mịt dấu sơn khê

Từ nay cánh hạc vàng xa khuất
Chân trời kỷ niệm trắng mênh mông
Chung quanh chỉ một màu mây nước
Cách một trùng dương vạn nỗi lòng

Bỗng dưng ta mộng làm mây trắng
Rót xuống quê hương những giọt sầu
Ðêm nay mẹ có ngồi than khóc
Nước mắt xin thành mây trắng bay

Ðêm ngồi nghe tiếng chim trên biển
Như tiếng ai rên uất nghẹn lời
Chị níu tay chồng trong hấp hối
Hai bờ ngực chị máu tuôn rơi

Chị mang chung thủy vào sông núi
Ðể lại muôn đời một vết thương
Nghìn sau dẫu nước từ Ðông Hải
Chẳng rửa làm sao hết đoạn trường

Ðêm ngồi nghe tiếng chim trên biển
Như tiếng thu xưa thổi lá vàng
Lòng ta mấy độ vàng như lá
Từ buổi xa người trên bến sông

Ở đây ta sống đời khinh bạc
Sớm tối đi về một cõi riêng
Cả một sơn hà ta nỡ bỏ
Sá gì chỉ một trái tim em

Lòng ta là suối lời chưa cạn
Nỗi nhớ quê hương nỗi nhớ nhà
Ai đó đêm nầy không ngủ được
Về đây nghe kể chuyện đời ta.

EM BÉ VIỆT NAM VÀ VIÊN SỎI

Bé thơ ơi cuộc đời em viên sỏi
Khóc một lần nước mắt chảy thiên thu

– Viên kẹo tròn nầy để dành cho Mẹ
Viên kẹo vuông nầy để lại cho Ba
Viên kẹo nhỏ nầy để qua cho chị
Viên kẹo lớn nầy để lại cho em
Còn viên kẹo thật to nầy …là phần Bé đấy

Bên bờ biển Palawan
Có một em bé gái
Tuổi mới chừng lên sáu lên năm
Ðang ngồi đếm từng viên sỏi nhỏ
Và nói chuyện một mình
Như nói với xa xăm

– Em đến từ Việt Nam
Câu trả lời thường xuyên và duy nhất
Hai tiếng rất đơn sơ mà nhiều người quên mất
Chỉ hai tiếng nầy thôi
Em nhớ kỹ trong lòng
Em chỉ ra ngoài Ðông Hải mênh mông
Cho tất cả những câu hỏi khác

Mẹ em đâu ?
– Ngủ ngoài biển cả
Em của em đâu ?
– Sóng cuốn đi rồi

Chị của em đâu ?
– Nghe chị thét trên mui

Ba em đâu ?
Em lắc đầu không nói

– Bé thức dậy thì chẳng còn ai nữa

Chiếc ghe nhỏ vớt vào đây mấy bữa
Trên ghe sót lại chỉ dăm người
Lạ lùng thay một em bé mồ côi
Ðã sống sót sau sáu tuần trên biển

Họ kể lại em từ đâu không biết
Cha mẹ em đã chết đói trên tàu
Chị của em hải tặc bắt đi đâu
Sóng cuốn mất người em trai một tuổi

Kẻ sống sót trong sáu tuần trôi nỗi
Ðã cắt thịt mình lấy máu thắm môi em
Ôi những giọt máu Việt Nam
Linh diệu vô cùng
Nuôi sống em
Một người con gái Việt

Mai em lớn dù phương nào cách biệt
Nhớ đừng bao giờ đổi máu Việt Nam
Máu thương yêu đã chảy bốn ngàn năm
Và sẽ chảy cho muôn đời còn lại

– Viên kẹo tròn nầy để dành cho Mẹ
Viên kẹo vuông nầy để lại cho Ba
Viên kẹo nhỏ nầy để qua cho chị
Viên kẹo lớn nầy để lại cho em
Còn viên kẹo thật to nầy…là phần Bé đấy

Suốt tuần nay em vẫn ngồi
Một mình lẫm bẩm
Ngơ ngác nhìn ra phía biển xa xôi
Như thuở chờ Mẹ đi chợ về
– Thật trể làm sao
Em tiếp tục thì thầm
Những câu nói vẫn vơ
Mẹ ngày xưa vẫn thường hay trách móc

Em cúi đầu nhưng không ai vuốt tóc
Biển ngậm ngùi mang thương nhớ ra đi
Mai nầy ai hỏi Bé yêu chi
Em sẽ nói là em yêu biển

Nơi cha chết không tiếng kèn đưa tiễn
Nơi tiếng chị rên
Nghe buốt cả thịt da
Nơi Mẹ chẳng về dù đêm tối đi qua
Nơi em trai ở lại
Với muôn trùng sóng vỗ

Bé thơ ơi cuộc đời em viên sỏi
Khóc một lần nước mắt chảy thiên thu.

Con sinh ra trên đất Mỹ

 

Con sinh ra trên đất Mỹ

Ðất nước có bốn mùa hoa nở
Có chú chuột Mickey
Và Disney World muôn màu rực rỡ
Có ông Rogers
Với khu láng giềng hàng xóm thần tiên
Có những lâu đài
Với những chuyện tình rất mực dễ tin
Có những loài chim bốn mùa líu lo tiếng hót
Những loài thú không bao giờ biết khóc
Những giòng sông trong vắt chảy quanh năm

Thời thơ ấu của con
Ðược trải trên những con đường lát ngọc
Tương lai của con
Ðược viết lên bằng những màu son
Con đến trường có Mẹ đón Ba đưa
Áo con mới như đời con luôn đổi mới
Khi con ốm Ba bồi hồi lo lắng
Khi con cười nghe rộn tiếng chim ca
Con được cưng chiều từ khi mới sinh ra
Sẽ không hiểu thế nào là mất mát

Nên rất nhiều lần
Ba ngại kể với con
Câu chuyện về một xứ Việt Nam
Nhiều nghìn dặm xa xôi
Phía bên kia trái đất
Nơi có hàng triệu đứa bé tuổi con
Cuộc đời chúng còn đang lây lất
Không bao giờ được điểm tô
Bằng những chuyện thần tiên
Chúng chưa hề biết đến chú chuột Mickey
Không hề biết đến ông Rogers và khu hàng xóm
Mỗi ngày qua đi là một ngày buồn thảm
Ðược viết bằng những giọt đau thương
Ðược vẽ nên bằng những cảnh thê lương
Và khổ nhục còn nhiều hơn tuổi tác

Những đứa bé chưa biết mặc quần
Chưa biết lau khô nước mắt
Ðã trở thành người du thực tha phương
Bước lạc loài ngay chính giữa quê hương
Mồ côi từ trong lòng tổ quốc
Chúng sẽ trôi về đâu
Giữa biển đời bát ngát
Bốn phương trời không một chỗ dừng chân
Bên những vỉa hè mưa gió phủ quanh năm
Chúng sẽ tìm đâu ra một hơi thở ấm
Của mẹ của cha
Của bà con hàng xóm
Chẳng còn ai dù chỉ một người thân
Trước khi vào nghề đánh giày, móc túi, lang thang
Chúng đã là tương lai của dân tộc Việt
Một sự thật bẽ bàng rất nhiều người không biết
Và cũng rất nhiều người đang cố để quên đi

Con sẽ không bao giờ
Ghé qua những khu bệnh viện để xem
Nơi nhiều đứa trẻ bệnh hoạn, tật nguyền
Vưà mới chào đời
Ðã phải nằm đợi chết
Có đứa bị bỏ quên ngay cả trong thùng rác
Có đứa đựo+c nhặt về từ những ổ mãi dâm
Dù ở đâu cũng có chuyện thương tâm
Nhưng ở Việt Nam
Chuyện thương tâm đã trở thành quen thuộc
Lòng nhân từ không còn đất dung thân
Có nhiều nơi không đủ thuốc thang
Thiếu cả những người để lo săn sóc
Nhân loại lãng quên
Ðồng bào ngoảnh mặt
Những lời rên không đủ để quên đau

Con cũng sẽ không bao giờ
Thấy những vết đao
Ðã chém xuống đời Ba thời thơ ấu
Ngày Bà Nội mất Ba chưa đầy một tháng
Ông Nội gánh Ba đi lưu lạc khắp mọi miền
Vượt sông Thu Bồn
Băng núi Quế Sơn
Qua cầu Chìm
Rồi về lại Duy Xuyên
Những tên tuổi những địa danh
Ðã in sâu vào trong trí nhớ
Thời thơ ấu của Ba
Như một cây thông nhỏ
Ðứng lẻ loi trên một kiếp người

Ông Nội thường hay kể chuyện vui
Như để cố quên đi một đời lận đận
Và cũng để quên đi bóng hình người bạn
Mới ngày nào nguyện ước chuyện trăm năm
Ðêm mưa phùn gió bấc thổi qua sông
Là những lúc ông âm thầm không nói
Ngắm xa xôi cuối chân trời mòn mỏi
Một tình yêu chan chứa thủy chung
Một tình yêu trong sáng tựa trăng rằm
Ðẹp đơn giản như những tờ lụa trắng
Chiếc khăn lụa trắng ngày xưa
Bà Nội thường hay vấn
Ba vẫn chắt chiu như kỷ vật ngọc ngà
Ðời của Ba từ lúc mới sinh ra
Buồn hiu hắt như một loài thảo mộc
Ðã mọc lên từ những hố bom sâu
Thường tìm quên trong những tiếng thơ sầu
Thường hay đứng một mình trông núi biếc

Khi sinh ra đã nhìn người chém giết
Nên tủi buồn nặng trĩu cả hai vai.

GIẤC MƠ NHỎ CỦA TÔI

 

Tôi mơ ước mai này khi thức dậy
Bỗng thấy mình đang đứng giữa quê hương
Con chim nhỏ hót mừng tôi trở lại
Quãng đường quen rực sáng nắng sân trường

Chào cô gái học trò đang tới lớp
Cho tôi làm viên sỏi dưới chân em
Ðể xào xạc hồn tôi khi mới lớn
Chút men tình năm tháng ấy chưa quên

Chào chị gánh hàng rong qua trước ngõ
Cho tôi làm một chút gió heo may
Ðể thổi nhẹ lên vai gầy cực khổ
Ðời cần lao nước mắt đã đong đầy

Chào bác nông phu ra đồng tát nước
Cho tôi làm bụi cỏ mọc ven đê
Ðể mỗi sáng thở mùi hương lúa chín
Lỡ mai xa tôi nhớ lối quay về

Chào anh công nhân dệt từng tấm vải
Cho tôi làm con thoi nhỏ trên tay
Ðể tôi nối hai bờ sông Bến Hải
Nối lòng người vời vợi cách xa nhau

Chào chú bé mục đồng nghêu ngao hát
Cho tôi làm tiếng sáo thổi vi vu
Ðể được sống thời hồn nhiên đã mất
Của đời tôi trong tuổi ấu thơ buồn

Ôi quê hương, bao giờ tôi trở lại
Ði giữa ngày không sợ bóng đêm đen
Trong giấc ngủ không xích xiềng réo gọi
Câu thơ tình chỉ viết để yêu em.

VỀ NHẬN QUÊ HƯƠNG

 

Hai đứa trẻ mồ côi
Vừa bước xuống phi trường
Tay kéo lết bịch áo quần nhận từ Trại Cấm
Ðứa bé gái đôi mắt tròn xoe
Như chừng sắp khóc
Miệng thì thầm
– Ðây là đâu vậy hở anh ?
– Nơi này người ta gọi là Việt Nam
Anh không nhớ rõ nhưng đoán chừng là vậy
Lát nữa khi trở về với Ngoại
Em nhớ nhắc Anh để hỏi Ngoại thêm.

Bà Ngoại đến lâu rồi
Ðang đứng đợi gọi tên
Ðôi mắt đã mờ nên không trông thấy
– Nguyễn Thị Hạnh ? Ồ phải rồi chúng đấy
Cháu của tôi, hai cháu của tôi đâu ?

Hai giọt sương mới mấy tuổi đầu
Ðã lưu lạc từ khi chưa biết nói
Cha mẹ chết trên bãi mìn biên giới
Các em nuôi lớn nỗi buồn
Trong Trại Cấm Sikiew.

Hai nhánh lau non trong nắng sớm mưa chiều
Thời thơ ấu của hai em buồn như tiếng cú
Sau lớp rào gai ngày đêm tăm tối
Các em biết gì về hai chữ tự do.

Mai này khi trở lại Mỹ Tho
Các em sẽ lớn với trăm ngàn câu hỏi
Các em đứng bên bờ sông quê ngoại
Như ánh trăng vàng
Thương tiếc thuở rong chơi
Em cứ hỏi đi nhưng ai sẽ trả lời
Khi tang tóc còn đầy trên đất mẹ.

Ba bóng người đứng ôm nhau lặng lẽ
Ðể mặc lệ rơi theo giọt trẻ giọt già
Các em trở về nhận diện quê cha
Trong nước mắt tủi buồn lăn trên phi đạo.

VĨNH BIỆT EM, THU CÚC

 

( Gửi hương hồn em Hoàng Thị Thu Cúc
Trại Sikew, Thái Lan)

Con chim nhỏ chiều nay không hát nữa
Trại Cấm buồn tia nắng cũng vàng hơn
Ðôi mắt khép cuộc đời em đóng cửa
Ðường về Nam phảng phất một linh hồn

Em trở lại bóng ma từ viễn xứ
Cổng trường xưa nghe đá rỉ mồ hôi
Như nước mắt đong đầy trong quá khứ
Bướm hoa ơi, vườn mộng cũ đâu rồi ?

Khi treo cổ bằng sợi dây oan nghiệt
Em nghĩ gì về đất nước mai sau
Chúng ta có quá nhiều điều thua thiệt
Trách chi em ước vọng đã phai màu

Hai chữ tự do treo trên thánh giá
Tiếng kinh cầu không đủ sáng vô minh
Em run sợ nhìn loài người giương ná
Con chim non trúng đạn chết vô tình

Một chiếc lá vừa rơi trên nấm mộ
Thu đã về rồi đó phải không em
Anh chợt thấy bàng hoàng trong tuổi dại
Một tình thương tha thiết sẽ không quên

Chúng ta lớn với trăm điều mất mát
Tuổi thơ qua theo dấu đạn bom cày
Quê hương đó vẫn chìm trong tiếng khóc
Vẫn hận thù chồng chất xuống tương lai

Vĩnh biệt em, người con yêu xứ Huế
Ngủ đi em, đừng oán hận cuộc đời
Anh đứng lặng nghe đau từ tim phế
Xin thơ này lau vết máu em rơi.

LỤA DUY XUYÊN

Ai về qua phố Hội An
Mua dùm tôi tấm lụa vàng Duy Xuyên
Tôi đi quét lá trăm miền
Mẹ ngồi dệt sợi ưu phiền quanh năm
Mai nầy con trở về thăm
Sẽ may cho mẹ chiếc khăn gói trầu
Dù xa cách nửa địa cầu
Có hồn con vẫn theo hầu mỗi đêm.

CHẾT NHƯ NGƯỜI
VIỆT NAM

 

Em bị giết ở Florida
Anh tự thiêu ở Indonesia
Chị xác trôi trên biển
Cha chết trong rừng già

Ai khóc ở ven sông
Con cò trắng nhớ mong
Mười bảy năm gánh gạo
Ðời như chiếc lưng cong

Người nước Mỹ về thăm
Chuyện cũ thành xa xăm
Nhớ gì chăng quá khứ ?
Well, it’s been a long time …

Kẻ về từ Hongkong
Mang theo cả mùa đông
Không đeo gì vẫn nặng
Không buồn sao mưa giăng

Em chết ở Florida
Em chết vì màu da
Anh chết từ trại cấm
Anh chết vì tự do

Người chết không ai hay
Người chết trong đêm nay
Mang vết thương quá khứ
Máu rỉ vào tương lai

Chết như người Việt Nam
Trại cấm hay rừng sâu
Bên nầy hay bên nớ
Một nỗi buồn như nhau.

CHO TÔI XIN

 

Gởi Liên

Ðừng cúi xuống sẽ làm người ta lớn
Ngẩng đầu lên để chẳng thấy ai cao
Ðồng bào ơi đừng tiếc những chiêm bao
Thức dậy ! Biến thương đau thành sắt thép

Ai cũng sống một lần rồi để chết
Khác nhau chăng chết để sống muôn đời
Nước non nầy da thịt của tôi ơi
Cho tôi gởi tấm lòng tôi qua đó

Cho tôi xin làm bông hoa rất nhỏ
Giữa rừng hoa thơm ngát của quê hương
Cho tôi đi trên muôn vạn nẻo đường
Tiếng mẹ hát như lời sông núi gọi

Cho tôi hôn đôi mắt buồn thơ dại
Lâu lắm rồi không thấy mặt anh em
Bao nhiêu năm nghe máu chảy ruột mềm
Tôi vẫn đứng bên nầy sông cách biệt

Cho tôi chết làm người dân nước Việt
Linh hồn tôi phơ phất giữa trời Nam
Xác thân tôi trôi dạt bến sông Hàn
Làm phân bón cho quê nghèo khốn khổ

Cho tôi nhặt chiếc lá vàng trước ngõ
Viết bài thơ tha thiết hiến dâng đời
Chút chân tình trang trải với muôn nơi
Rất nhỏ bé nhưng vô cùng sâu rộng

Ðồng bào ơi hãy vùng lên cách mạng
Khi bước đi xin nhớ ngẩng cao đầu
Một đời nầy hay muôn vạn đời sau
Tôi kiêu hãnh làm người dân nước Việt.

BÀ MẸ ÐIÊN

Có lần tôi đi ngang
Qua vỉa hè Ðồng Khởi
Một bà ôm chiếc gối
Ðứng hát như người say

Khoan chết đã con trai
Mẹ còn chờ mua sữa
Mai Ba về có hỏi
Mẹ biết nói sao đây

Người biết chuyện cho hay
Chồng bà đưa ra Bắc
Từ khi con trai mất
Bà trở thành người điên

Nhà bà là mái hiên
Tấm vải dầu che nắng
Sớm chiều khoai với sắn
Heo hút với bầy con

Bà ngày một héo hon
Bỏ vùng kinh tế mới
Về Sài Gòn chen lấn
Giữa cuộc đời đắng cay

Ðứa con út ốm đau
Vẫn hằng đêm đòi sữa
Chẳng còn gì bán nữa
Ngòai giọt máu mẹ cha

Khi trời vưà sáng ra
Bà lại lên Chợ Rẫy
Lần nầy lần thứ mấy
Bà bán máu nuôi con

Trên đường về đi ngang
Ghé cửa hàng mua sữa
Bà gục người trước cửa
Suốt đêm mà không hay

Ðứa con út đang đau
Chờ mẹ về chưa tới
Qua đời trong cơn đói
Thiếu cả một vòng tay

Khi bà về tới nơi
Thì con mình đã chết
Bà ôm con lạnh ngắt
Ðứng hát như người say

Khoan chết đã con trai
Mẹ còn chờ mua sữa
Mai Ba về có hỏi
Mẹ biết nói sao đây

Ðêm qua tôi nằm mơ
Thấy mình ôm chiếc gối
Ðứng trên đường Ðồng Khởi
Và hát như người điên.

GÓC PHỐ XƯA NƠI MẸ VẪN NGỒI

Rồi một sáng em tình cờ trở lại
Ðứng bên đường phố cũ nhớ bâng khuâng
Có phải đây góc phố đã bao lần
Giọt nưóc mắt trôi trong thời thơ ấu

Quầy thuốc lá ven đường em đứng đấy
Mẹ đã ngồi nghe muỗi vắt đêm khuya
Ðời cô đơn theo nắng sớm mưa chiều
Chiếc áo bạc mang hàng trăm chỗ vá

Hàng me cũ đã bao mùa thay lá
Nơi em từng che mát chuỗi ngày quên
Mùa đông qua thổi lạnh đến bên thềm
Vẫn khổ cực như từng cơn nắng hạ

Nhà hàng đó em chờ người khách lạ
Chén cơm thừa ai để lại đêm nay
Nuôi thân em một cô gái ăn mày
Mười bốn tuổi đời đen hơn ánh tóc

Công viên lạnh em thường hay đứng khóc
Tuổi nai vàng hay tuổi của vàng phai
Ai dạy em những mánh lới đeo đòi
Cả những chuyện mà em chưa nên biết

Ai mang em trên đường đi vượt biển
Chẳng kịp về thăm góc phố năm xưa
Em bỏ đi như lá bỏ quên mùa
Như giọt nước quên tấm lòng biển cả

Không địa chỉ, không người quen, phố lạ
Mẹ cố chờ con gái trở về đây
Bao muà đông thương nhớ nặng vai gầy
Mẹ gục chết âm thầm trên góc phố

Em xứ lạ cuộc đời nhiều thay đổi
Tóc nhuộm vàng che những vết thương đau
Mắt em xanh vì nét kẻ thay màu
Bước em nhẹ sợ màu tan trong nước

Ðược gì chăng em mười năm xuôi ngược
Có bao giờ mơ góc phố năm xưa
Bóng me nghiêng theo gió thổi sang mùa
Bóng mẹ đứng đã mỏi mòn trông đợi

Sáng hôm nay tình cờ em trở lại
Ðứng một mình giữa phố lệ như sao
Có phải đây góc phố của năm nào
Mẹ đã sống trong những giờ oan nghiệt

Em là kẻ đã cuối cùng thua thiệt
Kẻ cuối cùng mất một khoảng trời mơ
Chẳng phải tại em mẹ chết không mồ
Chẳng phải tại em làm đời thay đổi

Giữa một quê hương muôn trùng thống khổ
Mười năm trời em làm được gì chăng
Rồi mai đây em sẽ hiểu ra rằng
Ai giết chết cuộc đời em thơ ấu.

EM TRỞ LẠI VIỆT NAM

Em trở lại Việt Nam
Nhặt dùm tôi ánh mắt
Của em bé thơ ngây
Vỉa hè khuya hiu hắt

Em trở lại Việt Nam
Mang dùm tôi tiếng khóc
Của một kẻ lưu vong
Xa nửa vòng trái đất

Em trở lại Việt Nam
Nhặt dùm tôi sợi tóc
Của mẹ lúc chia tay
Tiễn chồng đi ra Bắc

Em trở lại Việt Nam
Mang dùm tôi tiếng thét
Của chị lúc đêm khuya
Ngỡ còn trên biển Thái

Em trở lại Việt Nam
Nhặt dùm tôi mơ ước
Ðã bỏ lại năm xưa
Trên vùng kinh tế mới

Em trở lại Việt Nam
Mang dùm tôi tổ quốc
Trái tim nhỏ của tôi
Ðã nhiều năm đau nhức.

NHỚ NÚI THƯƠNG RỪNG

Ta vẫn hằng mơ ngày trở lại
Thăm rừng Nghi Hạ, núi Nghi Sơn
Núi đứng chờ ai khô lệ đá
Rừng xưa mấy độ lá thu rơi
Mưa có buồn hơn trên xóm vắng
Nắng có vàng thêm những buổi chiều
Ta đi tuyết đổ lên đời trắng
Mưa buồn như mắt mẹ đêm khuya

Chùa xa ai giục hồi chuông đổ
Hay tiếng ru con dưới mộ phần
Cả đời ta chưa yên giấc ngủ
Chập chờn mộng mị trắng thâu canh

Hàng tre Nghi Hạ còn hay mất
Có phải nơi này mẹ gặp cha
Ai uống ngày xưa ly nước vối
Mà nay cay đắng đọng đời ta

Quê hương, ta sẽ về thăm nhé
Dẫu ước mơ xưa đã tật nguyền
Lưng ta đời chém hàng trăm nhát
Còn đây nguyên vẹn một con tim

Ta vẫn hằng mơ ngày trở lại
Thăm rừng Nghi Hạ, núi Nghi Sơn
Sông Thu nước lớn bao mùa lụt
Có xóa dùm ta những tủi buồn

Biết còn chi nữa không Nghi Hạ
Chén rượu hoa niên đã nhạt rồi
Rừng xưa lá đã bao mùa rụng
Lòng người sao còn mãi chia phôi

Ta sẽ nói gì khi trở lại
Nghìn lời không đủ để quên đau
Giữa một non sông tràn máu lệ
Khóc cười cũng chẳng khác chi nhau

Phủi bụi giang hồ trên nếp áo
Ta về như gái khách hoàn lương
Mình ta đứng giữa trời mây trắng
Khóc tuổi xuân phai ở cuối đường.

NHỚ CÂY ÐA CHÙA VIÊN GIÁC

Tôi chưa kịp trở về thăm Viên Giác
Mười hai năm bèo dạt bến sông đời
Cây đa cũ chắc đã già hơn trước
Biết có còn rụng lá xuống sân tôi
Ðời lưu lạc tôi đi hoài không nghỉ
Ðể niềm đau chảy suốt những mùa thu
Thời thơ ấu cây đa già tri kỷ
Vẫn còn đây trong ký ức xa mù

Tôi khổ cực từ khi cha mất sớm
Nên bà con, thân thuộc cũng xa dần
Khi tôi khóc, đa đau từng cuống lá
Khi tôi cười, xào xạc tiếng quen thân

Ða làm mẹ vỗ về tôi giấc ngủ
Ða làm cha che mát những trưa hè
Ða làm bạn quây quần khi rảnh rỗi
Ða làm người chơn thật chẳng khen chê

Mỗi buổi sáng tôi một mình ôm chổi
Quét lá vàng như quét nỗi cô đơn
Lá vẫn rụng khi mỗi mùa thu tới
Như đời tôi tiếp nối chuyện đau buồn

Chùa thanh tịnh chẳng dung hồn lữ thứ
Một chiều thu tôi lạy Phật ra đi
Bỏ lại tiếng chuông chùa vang khuya sớm
Cây đa già đứng lặng khóc chia ly

Ðường tôi qua đã không còn bóng mát
Ngày nhọc nhằn mưa lũ xuống đêm khuya
Ða ở lại âm thầm ru khúc hát
Ngậm ngùi buông theo mỗi tiếng chuông chiều

Ða thân mến dẫu có vàng thương nhớ
Cũng xin đừng gục xuống dưới sân tôi
Xin cố đứng để chờ nghe tôi kể
Chuyện trầm luân của một kiếp con người

Tôi sẽ đến ngôi chùa xưa Viên Giác
Nhặt mảnh đời rơi rớt ở đâu đây
Ôi thằng bé nghèo nàn xưa đã lớn
Ði làm người du thực ở phương tây

Tôi viết nốt những bài thơ dang dở
Vá tình người rách nát thuở hoa niên
Ða sẽ hát bài đồng dao muôn thuở
Nhạc thu buồn nước mắt chảy trong đêm.

ANH BỘ ÐỘI THƯƠNG BINH
TÔI GẶP

Cuối năm tám mươi
Có một lần tôi đi ngang bệnh viện Vì Dân
Nghe đâu đã đổi tên là Thống Nhất
Anh bộ đội thương binh
Ngồi dưới hiên
Nghêu ngao hát
Khuôn mặt gầy tuổi mới quá hai mươi
Giọng anh buồn đôi mắt ngắm xa xôi
Anh đang hát về quê hương miền Bắc
Tôi ngồi xuống bên cạnh anh
Anh rất tự nhiên xích người nhường chỗ
Tôi khen anh hát rất hay
Anh mỉm cười
Nụ cười sao hồn nhiên chất phác
Tôi rút mời anh điếu thuốc
Anh lấy trong người cái hộp quẹt Zippo

Tôi bỗng bật cười to:

– Thế anh cũng thích xài đồ Mỹ ngụy

Anh điềm nhiên trả lời

– Ðây chỉ là kỷ niệm
Của thằng bạn thân đã chết ở Bình Long

Không hẹn hò chúng tôi bỗng thấy thân
Ánh mắt bao dung
Nụ cười tuổi trẻ
Hết điếu nầy chúng tôi mồi điếu khác
Khói thuốc mịt mù quanh chỗ chúng tôi

– Anh đi bộ đội bao lâu ?
– Từ khi mười bẩy tuổi
– Thế anh bỏ học sao ?
– Họ bảo đã có người khác lo việc đấy
Bổn phận tôi là giải phóng miền Nam
Tôi thật tình chẳng hiểu tại sao
Nhưng không thể làm gì hơn được

– Bố mẹ anh vẫn còn ngoài Bắc ?
– Tôi là đứa con duy nhất
Vào Nam không lâu thì nghe tin bố mất
Mẹ tôi vẫn còn đang sống với bà con

– Anh thế nào cũng phải về thăm ?
– Tôi mãi chần chừ cũng đã mấy năm
Chỉ vì tôi không muốn làm mẹ tôị.. đau khổ

Anh cúi xuống nhìn đôi chân gỗ
Mắt rưng rưng không nói thêm lời
Ngoài hiên mưa bắt đầu rơi
Rơi thấm ướt lòng chúng tôi đêm ấy

Tôi cầm lấy tay anh
Ðôi bàn tay lạnh giá
Mắt nhìn nhau như đã nói nghìn câu
Tôi thấy trong vô cùng hun hút đêm sâu
Chảy trong chúng tôi chung một dòng máu đỏ
Ðời chúng tôi đời những đứa con hoang
Tim chúng tôi rung một nhịp Việt Nam
Hồn chúng tôi hồn bốn nghìn năm cũ

Anh vỗ nhẹ vai tôi
Rồi khệnh khạng trở về bệnh viện
Tôi ngậm ngùi không thể nói thêm chi
Vì mai nầy tôi cũng sẽ ra đi
Ðến một nơi tôi chưa hề nghĩ đến

Năm tháng vẫn trôi đi
Dòng đời tôi lạc bến
Nhưng trong lòng khói thuốc chẳng hề tan.

TÔI KHÓC CHO ÐỜI,
AI KHÓC TÔI

Nhiều lần tôi tự hỏi lấy tôi
Ðã được gì chăng nửa cuộc đời
Cúi xuống phận hèn hơn cỏ mục
Ngước nhìn hổ thẹn với mây trôi

Sao tôi không chết ngoài biển khơi
Ðể mộng tàn theo một kiếp người
Sống chỉ nhọc nhằn cơm áo nợ
Ðêm vùi yến tiệc sáng vui chơi

Bao lần tôi thức trắng đêm thâu
Nhớ lại thằng tôi của thuở nào
Những tưởng qua đây vầy lại cuộc
Dẫu thành hay bại có sao đâu

Bạn bè dăm đứa lúc ra đi
Ðã dặn dò nhau những chuyện gì
” Sang đấy chớ học đòi danh vọng
Thu Bồn vẫn đợi dấu chân mi ”

Mang trời tâm sự bước lên xe
Mang cả niềm tin lẫn hẹn thề
Mười năm bến cũ thuyền ai đợi
Tôi vẫn lạc loài trong bến mê

Quê hương ngàn dặm bỏ sau lưng
Tôi, gã lưu dân lạc giữa rừng
Ngơ ngác trông về mây cố quận
Làm người khách lạ giữa đêm xuân

Mười một năm trời mây vẫn trôi
Mộng đã vàng hoe ở cuối trời
Máu theo hơi rượu nhòa trong lệ
Tôi khóc cho đời, ai khóc tôi ?

NỖI BUỒN CHIẾN THẮNG

 

Anh bước đi giữa trời đất Bắc
Hà Nội mưa phùn lạnh kẽ xương
Chiếc nạng gỗ khua từng tiếng nấc
Gõ nhịp thương đau xuống mặt đường

Như trụ đèn đêm không biết nói
Anh âm thầm đi giữa mùa xuân
Ðã cháy mộng vàng theo khói thuốc
Thời hoa niên xếp ở ven rừng

Những chiếc tượng đồng loang lỗ máu
Khẩu hiệu mờ dấu vết thi đua:
“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”
Anh cười, nước mắt chảy theo mưa

Tổ quốc bao năm rồi “thống nhất”
Anh về, đi giữa phố không quen
Hà Nội mang nỗi buồn chiến thắng
Thừa huy chương nhưng thiếu miếng ăn

Chiếc lá cuối mùa không chỗ rụng
Anh một đời thiếu chỗ dừng chân
Gánh nợ non sông đành gởi lại
Về đâu bốn phía gió mưa giăng

Dăm trẻ ăn mày ngơ ngác đứng
Tìm gì trong khoảng trống hôm nay
Hỡi em, cô gái quàng khăn đỏ
Lại gần anh nhận diện tương lai

Anh bước đi giữa trời đất Bắc
Mang niềm thương nỗi nhớ khôn nguôi
Máu và tim của hồn tổ quốc
Bốn nghìn năm chảy một dòng thôi

Quê anh đó phố phường Hà Nội
Lạnh lùng trong gió rét lê thê
Nhỏ nước mắt chào anh trở lại
Khóc một người con lạc lối về.

BÀI THƠ THÁNG TƯ

 

Mỗi năm vào dịp tháng tư
Tôi lại giống như một ông đồ già
Loay hoay bày ra giấy bút
Cố viết một bài thơ về đất nước
Chuyện bên nhà và cả chuyện lưu vong
Nhưng đã bao lần bút gãy mực loang
Bài thơ tháng tư tôi chưa hề viết được
Phải chăng khi đến tận cùng khổ nhục
Con người bỗng trở nên
Bình thản tự nhiên
Có những chuyện buồn nhức nhối con tim
Vẫn có kẻ
Có thể bật cười
Dù là cười chua chát
Bài thơ nầy chắc sẽ dài
Vì đời tôi nhiều lưu lạc
Và cũng chắc sẽ buồn
Vì là chuyện nước non

Phải chăng tôi nên bắt đầu
Khi những chiếc trực thăng
Sắp sửa rời thành phố
Trong đám người đang bon chen lố nhố
Tôi thấy dường như
Nhiều con chuột cống ở Sài Gòn
Cũng cố kiếm đường đi
Chúng cõng trên mình những chiếc va li
Chứa đầy đô la vàng bạc
Dành dụm từ thời đi buôn gạo lậu
Dấu diếm từ thời lo bão lụt miền Trung
Tôi thấy chúng nghiêng mình
Hai gối run run
Trước những anh cảnh binh người Mỹ
Chúng nói những gì tôi nghe không kỹ
Chỉ thấy họ lắc đầu
Rồi bước vô trong
Có lẽ lại là chuyện hối lộ
Ðể dược đi đông
Ngòai chuyện ấy chúng còn biết gì hơn nữa
Tôi đứng nhìn qua đôi cánh cửa
Cầu mong cho chúng được đi mau
Những con chuột cống nầy
Gặm nhấm đã lâu
Và bán nước từ khi còn rất trẻ
Thuở Tây qua chúng đầu quân rất lẹ
Tây bỏ đi chúng theo Mỹ vì đô-la
Những chuyện về chủ nghĩa quốc gia
Hay dân tộc thiêng liêng
Chúng đọc biết bao lần
Nhưng chưa hề hiểu nghĩa
Tôi đứng nhìn qua đôi cánh cửa
Thầm cầu mong cho chúng được đi nhanh

Phải chăng tôi nên bắt đầu
Khi những chiếc xe tăng
Lăn xích tiến vào thành phố
Tôi đứng lặng nhìn Tự Do vừa sụp đổ
Cây Dân Chủ chưa xanh
Ðã héo úa bên đường
Mới giã từ một bọn bất lương
Lại phải đứng nhìn những tên ăn cắp
Chúng đang nhân danh
Hòa bình
Tự do
Thống nhất
Ðể biến con người thành con vật ngây thơ
Chỉ biết lắng nghe
Chỉ biết cúi đầu chờ
Chỉ biết Ðảng
Ðảng trở thành tất cả
Lịch sử, tình yêu, tổ tiên, mồ mả
Chỉ còn là những chuyện phù phiếm, viễn vông
Chúng biến những nương dâu bãi mía cánh đồng
Thành những nông trường hoang vu tập thể
Biến nhà máy thành những nơi hoang phế
Biến học đường
Thành những nơi để thầy trò tố cáo lẫn nhau
Biến cả bình minh thành những tối thương đau
Biến tình yêu
Thành hận thù
Bon chen
Nghi kỵ
Từ thôn quê cho đến nơi đô thị
Ðã mọc thêm nhiều nhà cách mạng thứ ba mươi
Những bạn bè thân thiết thuở rong chơi
Bỗng một sáng thành những têm chém trộm
Chế độ đã dạy cho chúng
Một con đường tồn tại
Con đường phản bội lương tâm
Phản bội gia đình tổ quốc nhân dân
Phản bội chính tâm hồn vốn rất đáng yêu của chúng
Tôi đứng nhìn non sông đang phủ xuống
Một màu đen tang tóc đau thương
Người lính bộ binh buông súng đứng bên đường
Ðang cúi mặt cố che niềm tủi nhục
Anh không khóc
Sao trời như bão động
Anh không cười
Sao chua chát nghẹn trên môi
Về đâu anh nắng đã tắt trên đồi
Sương đang xuống trên cuộc đời còn sót lại
Ðời của anh
Ðời một tên chiến bại
Có gì vui để lại mai sau

Phải chăng tôi nên bắt đầu
Khi những chiếc xe bộ đội nối nhau
Mang gia đình tôi đến vùng kinh tế mới
Ðến Ðồng Xoài trời vừa sập tối
Lại phải sắp hàng nghe nghị quyết triển khai
Gia đình tôi bảy người
Chen chúc tránh mưa
Căn nhà nhỏ một gian không vách
Mẹ tôi ngồi đôi tay gầy lạnh ngắt
Vẫn cố nhường chỗ ấm cho con
Gạo lãnh lúc chiều không đủ nấu cơm
Nên đêm ấy cả nhà ăn cháo trắng
Mỗi giọt cháo là một liều cay đắng
Chảy vào vết thương đang ung mủ trong hồn
Tôi, đứa con đầu trong bảy đứa con
Hơn hai mươi tuổi vẫn hai bàn tay trắng
Nuôi tôi lớn
Mẹ một sương hai nắng
Học ra trường lương không đủ nuôi thân
Mẹ tôi chưa hề trách cứ phân vân
Nhưng tôi đọc những buồn lo
Từ trong ánh mắt
Ðêm hôm ấy tôi ngồi nghe mưa rót
Vào lòng tôi những chua xót căm hờn
Bao năm rồi trong cảnh cô đơn
Mẹ tôi sống
Ðôi mắt buồn hiu
Chưa bao giờ khô lệ

Phải chăng tôi nên bắt đầu
Khi chiếc ghe nhỏ
Máy hư
Ðang thả lênh đênh trên biển
Bốn phương trời chưa biết sẽ về đâu
Biển vẫn vang lên những khúc nhạc sầu
Ðược viết bằng những cung trầm
Ðong đưa vào vô tận
Như để tiễn đưa tôi
Một người Việt Nam bạc phận
Ði về bên thế giới hư vô
Chiếc quan tài mong manh trên sóng nhấp nhô
Ðang tiếc nuối những gì còn sót lại
Biển một màu đen
Tang chế
Buồn man dại
Và âm u như số phận con người
Ngồi một mình yên lặng trên mui
Cố nghĩ một câu thơ để làm di chúc
Dù biết chẳng còn ai để đọc
Chẳng còn ai thương tiếc tấm thân tôi
Hai mươi sáu năm lưu lạc trên đời
Sống chưa đủ nhưng đã thừa để chết
Lòng tôi an nhiên không hề sợ sệt
Bỗng thấy ung dung thanh thản lạ thường
Tôi chợt hiểu tại sao
Con người ai cũng khóc khi sanh
Nhưng nhiều kẻ lại mỉm cười khi nhắm mắt
Hai mươi sáu năm
Ðời tôi buồn hiu hắt
Chẳng còn gì để lại cho nhân gian
Tuổi thanh xuân với chút mộng vàng
Ðã vụt tắt ngay trong ngày nước mất
Nếu tôi có chết hôm nay
Cũng chẳng phải là người thứ nhất
Và hẳn nhiên không phải kẻ sau cùng
Trên vùng biển nầy từ độ tháng tư đen
Ðã thắm máu bao nhiêu người Việt Nam mất nước

Phải chăng tôi nên bắt đầu
Bằng những ngày đầu tiên trên Mỹ quốc
Bước chân hoang trên xứ lạ quê người
Ngỡ ngàng nhìn cuộc sống nổi trôi
Không dám khóc
Chẳng dám cười
Chỉ biết xót xa
Ngậm ngùi
Ngơ ngác
Thiên hạ nhìn tôi một người tỵ nạn
Dăm kẻ đã sớt chia
Cũng đôi kẻ khinh thường
Tôi hiểu ra rằng khi rời bỏ quê hương
Là chối bỏ những gì yêu quí nhất
Hai chữ tự do tôi vô tình đánh mất
Cứ tưởng rằng mình đang giữ nó trên tay
Tự do là gì tôi đã hiểu sai
Nó vô nghĩa đối với một người không tổ quốc
Ðêm đầu tiên tôi nằm nghe thương nhớ
Chảy vào tim đau nhức tận linh hồn
Mẹ tôi giờ nầy còn khóc nữa không
Hay cố ngủ để chiêm bao giờ hạnh ngộ
Em tôi đứng thập thò trên góc phố
Ðợi anh về dù chỉ mới ra đi
Người con gái tôi yêu đang tuổi xuân thì
Có về lại một lần thăm xóm vắng
Sài Gòn bây giờ trời mưa hay nắng
Ở bên nầy tuyết vẫn trắng như tang
Nhìn thành phố nguy nga tôi thấy ngỡ ngàng
Thấy tội nghiệp cho Sài Gòn tăm tối
Tôi nhớ cả những con đường lầy lội
Những con đường ngày hai buổi tôi đi
Tôi nằm mơ làm một cánh chim di
Bay trở lại một lần rồi sẽ chết
Hai tiếng quê hương sao vô cùng tha thiết
Học lâu rồi nhưng mới hiểu ra đây
Quê hương là những gì tôi không có hôm nay

Mười bảy năm đã trôi qua
Sài Gòn xưa vẫn thế
Vẫn những đau thương dằn vặt kiếp con người
Mười bảy mùa thu
Bao độ lá vàng rơi
Tóc mẹ trắng
Bạc theo từng nỗi nhớ
Mẹ tôi đã bỏ vùng kinh tế mới
Về lại Sài Gòn tìm một chỗ che mưa
Cuộc sống bây giờ đã đỡ hơn xưa
Bởi vì có tôi
Chứ không phải nhờ có đảng
Em tôi lớn không làm người cộng sản
Nên suốt đời phải lam lũ kiếm ăn
Tuổi hoa niên chỉ có một lần
Chúng đã bỏ quên trên vùng kinh tế mới
Mười bảy năm đường Sài Gòn vẫn tối
Mưa vẫn rơi hoài
Trên lối cũ thân quen
Người phu quét đường vẫn dậy sớm mỗi đêm
Ôm chiếc chổi lạnh lùng khua góc phố
Bác xích lô trên đoạn đường loang lỗ
Bao năm rồi vẫn đi sớm về khuya
Chiếc lưng trần trầy trụi với nắng mưa
Không dám trách ai
Chỉ đổ thừa số mạng
Cậu bé đánh giày ngày xưa
Bây giờ đã trở thành tên du đãng
Học thêm nghề đâm mướn chém thuê
Tương lai em biền biệt sẽ không về
Cơn gió lốc cuốn đi thời thơ dại
Những con chuột cống ra đi
Một số hình như đang tìm đường trở lại
Vì tham nhũng lâu ngày nên đã hóa thành tinh
Chúng đang biến thân làm lãnh tụ anh minh
Tung bùa phép để thu hồi quyền lực
Tội nghiệp đồng bào tôi
Ðã bao đời khổ cực
Sẽ thêm một lần ngậm đắng nuốt cay
Ở tại Việt Nam trong mười bảy năm nay
Ngoài tham nhũng
Năng xuất chẳng có gì tăng nhanh hơn là nghị quyết
Ðảng cộng sản vẫn tự khoe khoang
Là muôn đời bất diệt
Vẫn le lói giữa đêm mưa một bóng sao vàng
Và tôi
Bao năm rồi vẫn những bước chân hoang
Rất mệt nhọc như giòng sông chảy ngược
Baì thơ tháng tư tôi chưa hề viết được
Mười bảy năm dài đâu chỉ kể dăm trang
Trước những đau thương của đất mẹ điêu tàn
Ngôn ngữ của tôi đã trở thành vô nghĩa
Ðời của tôi dù buồn bao nhiêu nữa
Cũng không buồn bằng chuyện nước tôi đau
Baì thơ nầy dù viết đến năm sau
Cũng chỉ là bài thơ dang dở.

TRĂN TRỐI

 

Nếu mai mốt Ba có về thăm lại
Con chỉ dùm căn láng nhỏ bên sông
Nơi Mẹ sống trong chuỗi ngày hiu quạnh
Nặng oằn vai một nỗi nhớ thương chồng

Nếu mai mốt Ba có về thăm lại
Con chỉ dùm chiếc ghe nhỏ đang neo
Ðời Mẹ đó, kiếp con cò lận đận
Sớm đầu non đêm cuối bể, thân nghèo

Nếu mai mốt Ba có về thăm lại
Con trao dùm chiếc nhẫn cưới cho Ba
Mẹ vẫn giữ chắt chiu từng kỷ niệm
Trăng vẫn tròn như dạo mới chia xa

Nếu mai mốt Ba có về thăm lại
Con nhắc chừng Ba dựng bức tường nghiêng
Nhà không vách nên bốn mùa mưa tạt
Thiếu tay Ba đông cũng lạnh hơn nhiều

Nếu mai mốt Ba có về thăm lại
Con chỉ dùm tảng đá nhỏ trong sân
Nơi Mẹ đứng mỗi chiều thu lá rụng
Mắt trông chờ một bóng dáng quen thân

Nếu mai mốt Ba có về thăm lại
Con trao dùm chiếc áo dở dang thêu
Tay Mẹ yếu nên đường kim chỉ vụng
Con chim gầy đậu dưới gốc cây xiêu

Nếu mai mốt Ba có về thăm lại
Con trao dùm mái tóc thuở thanh xuân
Thời con gái Mẹ trăm điều bất hạnh
Vết tủi buồn ngang dọc kín trên lưng

Nếu mai mốt Ba có về thăm lại
Con chỉ dùm chăn chiếu phủ giường tre
Mẹ ôm ấp chút hơi tàn quen thuộc
Của người đi biền biệt đã quên về

Nếu mai mốt Ba có về thăm lại
Con chỉ dùm ngôi mộ giữa quê hương
Nơi Mẹ chết trong mỏi mòn tuyệt vọng
Cánh cửa đời khép lại với đau thương

Nếu mai mốt Ba có về thăm lại
Con đừng buồn và trách móc chi nhau
Lòng của Mẹ, một tấm lòng đại lượng
Vẫn nghìn năm son sắt chẳng phai màu.

NHỮNG NGƯỜI BẠN
TÔI CHƯA HỀ QUEN

 

Có những người tôi chưa hề gặp mặt
Những người tôi không rõ họ tên
Bốn phương trời chưa một chút thân quen
Sao bỗng thấy như vô cùng thân thiết

Tôi miền Bắc đang vào mùa băng tuyết
Anh miền Nam sương trắng bốn mùa bay
Từ nơi nầy ta đã biết quen nhau
Ðâu nhất thiết phải đong đầy ký ức

Cũng như anh tôi ngàn đêm thao thức
Hãi hùng mơ chung một giấc chiêm bao
Có tiếng quân reo, ngựa hí, kêu gào
Tiếng xích khua vang, tiếng người rên siết

Cũng như anh, tôi đôi lần ra biển
Hướng về Nam mây trắng một màu tang
Có ai về xoay ngược bánh thời gian
Cho tôi nhặt những mảnh đời đã mất

Trong thơ tôi mùa Xuân chim không hót
Thu không vàng Hạ chẳng để yêu đương
Thơ của tôi là máu rỉ trăm đường
Là u uất đã chìm sâu trong đất

Cũng như anh tôi mười năm đất khách
Có gì vui đời một kẻ lưu vong
Khi tôi chết nấm mồ hoang cỏ mọc
Ðã làm gì để lại với non sông ?

ÐỔI CẢ THIÊN THU TIẾNG MẸ CƯỜI

Nhấc chiếc phone lên bỗng lặng người
Tiếng ai như tiếng lá thu rơi
Mười năm mẹ nhỉ, mười năm lẻ
Chỉ biết âm thầm thương nhớ thôi

Buổi ấy con đi chẳng hẹn thề
Ngựa rừng xưa lạc dấu sơn khê
Mười năm tóc mẹ màu tang trắng
Trắng cả lòng con lúc nghĩ về

Mẹ vẫn ngồi đan một nỗi buồn
Bên đời gió tạt với mưa tuôn
Con đi góp lá nghìn phương lại
Ðốt lửa cho đời tan khói sương

Tiếng mẹ nghe như tiếng nghẹn ngào
Tiếng Người hay chỉ tiếng chiêm bao
Mẹ xa xôi quá làm sao vói
Biết đến bao giờ trông thấy nhau

Ðừng khóc mẹ ơi hãy ráng chờ
Ngậm ngùi con sẽ dấu trong thơ
Ðau thương con viết vào trong lá
Hơi ấm con tìm trong giấc mơ

Nhấc chiếc phone lên bỗng lặng người
Giọng buồn hơn cả tiếng mưa rơi
Ví mà tôi đổi thời gian được
Ðổi cả thiên thu tiếng mẹ cười.

CHUYỆN ÐỜI MẸ

Con chẳng về đâu dù mưa hay nắng
Sông Thu Bồn trăng tháng bảy còn in
Mười năm trời con làm mây viễn xứ
Mười năm dài biền biệt dấu chân chim

Ngày mẹ chết con chưa tròn một tháng
Cha tảo tần sớm nắng với chiều mưa
Thiếu sữa mẹ đời con thành đại hạn
Thiếu lời ru con lớn với lọc lừa

Ngày mẹ chết con nằm trong máng cỏ
Có hay đâu mây kéo một phương trời
Cha vấn cho con một vành tang nhỏ
Con mang đi, đi suốt phận con người

Từ mẹ chết cha một đời góa bụa
Sống âm thầm trong mái lá tường xiêu
Xin cho con bú từng hơi sữa lạ
Giọt mồ hôi nhỏ xuống chén cơm chiều

Những đêm mưa con nằm nghe cha kể
Chuyện đời cha dài như một giòng sông
Mẹ có đẹp? Cha nhìn xa không nói
Nhưng con nghe dao cắt ở trong lòng

Chuyện cha mẹ gặp nhau không cưới hỏi
Buổi giao thời xiêu lạc cả bà con
Rượu tân hôn cha thay bằng nước vối
Dưới hàng tre Nghi Hạ nắng hanh vàng

Và phương ấy bao mùa mưa sẽ đến
Nấm mồ hoang hương khói lạnh từ đây
Cầu xin mẹ bình yên qua chín cõi
Trên dương gian con nối cuộc lưu đày.

XUÂN ÐẤT KHÁCH

 

Ai có về bên kia đất nước
Thở dùm tôi hơi ấm quê hương
Tôi, con én lạc mùa xuân trước
Vẫn khóc âm thầm nơi viễn phương

Vẫn đếm xuân về trên đất khách
Nghe buồn nhỏ giọt xuống vai tôi
Ðèn ai thắp sáng bên kia phố
Nhớ quá, chao ôi, tiếng mẹ cười

Bếp lửa than hồng sao chẳng ấm
Tôi thèm một chiếc bánh chưng xanh
Thèm nghe ai nói lời tha thiết
Một lời chúc tụng bước sang năm

Ai có về bên kia đất nước
Chở dùm tôi nỗi nhớ qua sông
Hỡi em, cô gái mùa xuân trước
Còn đứng hong khô áo lụa hồng

Lòng tôi cũng bạc theo màu áo
Chiếc pháo giao thừa đã tả tơi
Chén rượu mừng xuân tôi chẳng uống
Chỉ uống đêm nay những ngậm ngùi.

BAO GIỜ NHỈ
TÔI VỀ THĂM XỨ QUẢNG

Bao giờ nhỉ tôi về thăm xứ Quảng
Mười năm dài mộ mẹ chẳng ai trông
Cỏ có cao hơn nỗi nhớ trong lòng
Ðất có lạnh hơn mùa đông Bắc Mỹ

Hải Vân đứng ngậm ngùi bao thế kỷ
Chảy về đâu lai láng nước Thu Bồn
Thuở học trò tôi hay đứng ven sông
Nghe nước vỗ dưới chân cầu Vĩnh Ðiện

Còn chăng nhỉ những con đường kỷ niệm
Những bạn bè dăm đứa lạc nơi đâu
Tóc chưa xanh mà đã vội hoen màu
Thời ly loạn tìm nhau trong ký ức

Cho tôi ghé thăm trường Trần Quí Cáp
Những màu rêu gạch ngói cũ còn chăng
Bài thơ xưa còn đọng dấu bên thềm
Tôi vẫn viết nhưng thơ buồn hơn trước

Ðường Phố Hội chưa mưa đà ngập nước
Những căn nhà lụp xụp nối vai nhau
Ðình Cẩm Phô, Khu Khổng Miếu, Chùa Cầu
Tên nghe lạ nhưng vô cùng tha thiết

Cho tôi ghé bến xe đò Nam Phước
Lần cuối cùng em đến tiễn tôi đi
Giờ chia tay sao chẳng nói năng gì
Nghìn năm để mây buồn vương trong mắt

Bao giờ nhỉ tôi về thăm Núi Quế
Ðứng bên cầu Chợ Ðụn nước trôi xuôi
Mùa sim lên tím rực cả lưng đồi
Hương ngây ngất tôi mộng làm thi sĩ

Ai đứng đó bên kia bờ Giao Thủy
Khăn lụa vàng còn chít ở ngang vai
Nghiệp tầm tơ khuya sớm vẫn đeo hoài
Nghề canh cửi chắc còn nhiều cực khổ

Trái tim tôi có một dòng máu đỏ
Sẽ một ngày chảy đến tận Câu Lâu
Nước sông Thu dù lụt lội đục ngầu
Nghe vẫn ngọt như bòn bon Ðại Lộc

Bao giờ nhỉ tôi trở về Ðà Nẵng
Nghe ngàn khơi thổi lạnh xuống sông Hàn
Bến Bạch Ðằng còn những chuyến đò sang
Ngày hai buổi nối cầu qua An Hải

Em Trường Nữ có bao giờ trở lại
Thả tơ tình trêu chọc đám con trai
Ðường Hùng Vương thuở ấy rất là dài
Sao quá ngắn trong những chiều chung bước

Mây có trắng trên đỉnh chùa Non Nước
Mưa có buồn giăng kín núi Tiên Sa
Về chưa em sương phủ xuống Sơn Chà
Còn chăng nhỉ dấu chân tình trên cát

Tôi một dạo hay ôm đàn đứng hát
Bài ca buồn tiếng quốc vọng đêm khuya
Quảng Nam ơi khúc ruột đã chia lìa
Chiều viễn xứ ngậm ngùi cho non nước

Tôi đã bảo thơ tôi buồn hơn trước
Ðời lưu vong chưa hẹn buổi quay về
Câu hỏi nầy chỉ hỏi để tôi nghe
Bao giờ nhỉ tôi về thăm xứ Quảng.

MỖI MÙA XUÂN THÊM MỘT LẦN DỐI MẸ

Nhớ năm ngoái mẹ có lần đã hỏi
Về chưa con sao vẫn thấy chưa về
Con lại phải thêm một lần nói dối
Chờ sang năm con hứa sẽ về quê

Nếu chẳng phải vì thay tờ lịch mới
Chắc là con không biết có Xuân sang
Ðời nước Mỹ tháng ngày trôi qua chóng
Chưa kịp xoay đã hết một năm tròn

Bỗng sực nhớ đến lời ai đã nhắc
Lại lo tìm câu nói dối cho xong
Mười một mùa xuân miệt mài đất khách
Con dối đi dối lại biết bao lần

Căn nhà cũ chắc năm nay mục nát
Tiền gởi về không đủ mẹ nuôi thân
Con gái lớn theo chồng đi nơi khác
Con trai đầu biền biệt chốn xa xăm

Cây mai nhỏ ba đã trồng năm trước
Mấy xuân rồi có nở nụ nào không
Hay đã chết theo ba từ dạo ấy
Ðể mùa Xuân hoa trắng nở trong lòng

Năm mới đến mẹ già thêm một tuổi
Tóc bạc hơn nhiều, má hóp răng long
Sao giấc ngủ chập chờn con thấy mẹ
Người đàn bà đẹp nhất ở trần gian

Năm mới đến con cũng già thêm tuổi
Xa mẹ hiền một tuổi nặng bằng hai
Tuổi nước Việt chất chồng lên quá khứ
Tuổi xứ người quần quật với tương lai

Con chẳng biết nói thế nào mẹ hiểu
Chẳng còn ai hiểu hết chuyện đời con
Non nước đó vẫn còn đầy dâu biển
Núi sông đây sao giữ được vuông tròn.

SÁNG MOSCOW,
CHIỀU HÀ NỘI, TỐI BERLIN

Buổi sáng Moscow
Người công nhân Việt Nam
Thức dậy
Loay hoay tìm ổ bánh mì
Ném que củi cuối cùng vào lò sưởi
Ngơ ngác đứng nhìn
Về phía phương đông
Mặt trời vẫn một màu đỏ cháy
Quê hương bây giờ ở đâu
Bên dòng sông Volga
Một con chim lạc đàn đứng khóc
Trời đất rộng muôn phương
Sao chẳng có nơi về

Ðiện Kremlin sừng sững phía bên kia
Tiếng chuông gõ từng hồi quen thuộc
Bức tường đá màu đen
Trông vẫn lạnh da người
Thánh địa của một thời
Gỗ đá, lương tri, vượn, người lẫn lộn

Chiều Hà Nội chị đọc tờ thư cũ
Anh viết lần cuối cùng
Cũng đã khá lâu
Xuân đã về sao mình mãi xa nhau
Vầng trăng ước còn treo trên khóm trúc
Hà Nội bây giờ buồn như cổ tích
Một nghĩa trang rờn rợn những bóng ma
Anh viết những gì
Từ những nơi xa
Về Dân Chủ, Tự Do, Nhân Quyền, Công Lý
Về cơn bão cách mạng Ðông Âu đang rực cháy
Về những mầm xanh hy vọng ở quê hương
Anh viết về những dòng sông
Về những con đường
Những nỗi nhớ mẹ và em
Cả những niềm vui vừa bắt gặp
Ở Moscow, ở Warsaw, ở Budapest
Ở những con người cũ mới hôm nay
Anh viết về một niềm tin
Tưởng đã chết không hay
Một buổi sáng bừng bừng sống dậy
Anh sẽ vượt biên giới đến Berlin
Ðễ gom góp đồng bào anh em còn lại
Thắp sáng niềm tin thành ngọn lửa đấu tranh

Buổi tối Berlin
Tiếng xe cứu thương ầm ỹ
Thêm một người thiểu số mới bị đâm
Một người châu Á tóc đen
Không giấy tờ chứng minh địa chỉ
Người cảnh sát lắc đầu
Vừa nhìn vừa chỉ
Cái xác Việt Nam gầy còm
Co ro như còn trong bụng mẹ
Những giọt máu đỏ tươi
Trên con đường nức nẻ
Ðọng thành những vệt dài
Trông tội nghiệp làm sao
Mẹ Việt Nam ơi!
Con mèo con chó cũng có tên
Sao đứa con của mẹ lạc loài không tên tuổi

Trong túi áo một phong thư chưa gởi
Gởi về đâu hỡi Hà Nội mưa bay.

MƯỜI BẢY NĂM RỒI SAO

Mười bảy năm trời như vó câu
Người đi biền biệt kẻ giang đầu
Sao chẳng trở về thăm bến cũ
Ðể thấy lòng đau cuộc bể dâu

Mười bảy năm rồi em nhớ anh
Như mây nhớ núi lá mơ cành
Hỡi người phiêu bạt bao năm trước
Sao chẳng về đây viết sử xanh

Mười bảy năm trời trong bóng đêm
Bao nhiêu thu đọng nhớ bên thềm
Áo cơm hai chữ đời sao nặng
Một gánh san hà ai nỡ quên

Mười bảy năm rồi không thấy nhau
Aó xưa giờ chắc đã phai màu
Tôi đi góp lá ngàn phương lại
Ðốt lửa cho đời sương khói bay

Mười bảy năm trời chưa đủ sao
Dậy đi đừng tiếc những chiêm bao
Một chút công hầu sao nỡ đổi
Một giải giang sơn máu lệ trào.

MỘT MAI KHI TRỞ VỀ

Mai nầy khi trở về quê cũ
Tôi sẽ đi tìm lại tuổi thơ
Rơi rớt đâu đây mùa bão lữa
Ðời tôi giun dế khóc trong mơ

Mai nầy khi trở về quê cũ
Tôi sẽ một mình thăm lối xưa
Mấy cụm mai già hoa có nở
Dây trầu của mẹ lá xanh chưa

Mai nầy khi trở về quê cũ
Tôi sẽ đi tìm mộ của cha
Cho dẫu sông bồi hay núi lỡ
Lòng tôi ký ức chẳng phôi pha

Mai nầy khi trở về quê cũ
Tôi sẽ nói gì với đám em
Tôi chỉ một thằng anh bỏ ngũ
Hằn sâu trên trán chữ ươn hèn

Mai nầy khi trở về quê cũ
Tôi sẽ làm gì với tuổi tôi
Cả một thời xuân xanh đã bỏ
Nhìn lên hiu hắt bóng mây trôi.

TÔI VẪN ÐỢI

 

Tôi vẫn đợi từ cõi lòng sâu thẳm
Tiếng nhạc vàng ai hát giữa đêm thanh
Vang trong gió bài tình ca diễm tuyệt
Của đời tôi thuở ấy một màu xanh

Tôi vẫn đợi trên lối mòn dĩ vãng
Nghe rộn ràng đâu đó tiếng chân quen
Chiều tan học em về rung áo lụa
Là tình tôi sóng dậy cả trăm miền

Tôi vẫn đợi một mùa xuân tươi thắm
Một mùa xuân vang tiếng trống Hạ Hồi
Khi Nguyễn Huệ mang đại binh ra Bắc
Có nghe lòng ngây ngất tiếng thơ rơi

Tôi vẫn đợi những oan hồn vất vưởng
Không chùa hoang miếu cũ để nương thân
Ai đã chết cho bao người được sống
Cho bờ tre muôn thuở vẫn còn xanh

Tôi vẫn đợi bên giòng sông lịch sử
Một bầy chim lưu lạc bốn phương trời
Bỗng một sớm về đây gom góp lửa
Gieo mầm xanh trên muôn vạn nẻo đời.

NGƯỜI LÍNH GIÀ VỪA CHẾT ÐÊM QUA

 

Người lính già Việt Nam
Vừa mới chết đêm qua
Trên đường phố San Jose bụi bặm
Anh đã đi bao nhiêu nghìn dặm
Ðến nơi đây chỉ để chết âm thầm
Không một phát súng chào
Không cả một người thân
Không ai nói với anh một lời tiễn biệt.

Người lính già Việt Nam
Như con thú hoang lạc loài
Trên freeway nhộn nhịp
Một tiếng rên thảng thốt chảy trong mưa
Một chiếc lá cuốn đi theo cơn gió cuối mùa
Một tiếng nấc rã rời trong đêm vắng.

Vợ anh đâu ?
Sao không về đây vuốt mắt
Con anh đâu ?
Sao không đến vấn khăn tang
Anh ra đi như anh đến
Rất vội vàng
Chẳng còn ai trên đời để khóc.

Nhân loại văn minh có nhiều cách sống
Nhưng đồng bào tôi có những kiểu chết rất lạ đời
Người vợ mang thai
Ôm lấy chồng cùng nhảy xuống biển khơi
Ðể khỏi phải rơi vào tay giặc Thái
Cho sóng biển Ðông nghìn năm còn ru mãi
Một bài ca chung thủy vọng về Nam
Ðể mỗi sớm chiều khi thủy triều dâng
Tổ quốc sẽ được bồi thêm
Bằng máu anh thịt chị.

Có những bà mẹ nửa đêm thức dậy
Ði bán máu mình mua gạo nuôi con
Ðường về chưa tới đầu thôn
Bà gục chết không kịp nhìn mặt con lần cuối
Ðứa con út cũng chết dần trong cơn đói
Miệng còn thì thào hai tiếng “Mẹ ơi !”
Những giọt máu tươi đã giết chết hai người
Sẽ đọng lại trong nghìn trang lịch sử
Cho nước sông Hồng bao giờ cũng đỏ
Như màu máu Mẹ Việt Nam.

Ðêm qua thêm một đứa con
Vừa mới chết trên đường phố San Jose nhộn nhịp
Anh không chết ở Hạ Lào, Bình Long, Cửa Việt
Anh không chết ở Hàm Tân, Suối Máu, Hoàng
Liên Sơn
Chết ở đây đất lạ sẽ thêm buồn
Trên mộ bia anh thêm một dòng chữ Mỹ

Một người Việt Nam sinh nhầm thế kỷ
Và chết cũng nhầm nơi
Ðêm nay bên kia bờ trái đất xa xôi
Quê hương anh vẫn còn chìm trong lửa đỏ.

Tôi gởi anh đôi dòng thơ
Từ trái tim của một thằng em nhỏ
Cũng lạc loài lưu lạc như anh
Chúng ta, hai chiếc lá chung cành
Bay phơ phất trước từng cơn bão tố
Ngủ đi anh bình yên nơi chín suối
Ðau thương nầy em sẽ viết thay anh.

VẪN ÐỨNG LÊN
CƯỜI VỚI THẾ NHÂN

 

Ta vẫn đi trên quãng đường dài
Âm thầm, không một dấu chân ai
Ta đi như thế từ lâu lắm
Thuở tóc chưa vàng, mộng chửa phai

Bốn mươi năm ngó lại đời mình
Khóc nhiều cho vận nước điêu linh
Quê hương ngàn dặm trời mây trắng
Bóng mẹ chìm trong mỗi hướng nhìn

Mẹ trách ta sao lỡ hẹn thề
Mỗi mùa lá rụng lắng tai nghe
Cây đa già đứng bên đường vắng
Chiếc lá vàng đi chẳng trở về

Em trách ta xuống phố quên làng
Bao lần én lượn, bướm bay ngang
Em ơi con bướm vườn Xuân ấy
Chẳng thể tìm nhau, chỉ ngỡ ngàng

Bạn trách ta toan tính lọc lừa
Trăm lần ta chẳng thiết hơn thua
Ðời ta xiêu lạc từ thơ ấu
Coi chuyện ơn thù như nắng mưa

Ta vẫn đi trên quãng đường trần
Thương từng hạt bụi bám đôi chân
Ðời xô ta gục, không buồn trách
Vẫn đứng lên, cười với thế nhân.

LỜI QUÊ HƯƠNG

Xin đừng bỏ rơi tôi
Trong những ngày khốn khó
Nhọc nhằn vẫn còn đây
Niềm đau xưa còn đó

Người đi về hướng Ðông
Hồn tôi treo ngọn sóng
Trong đáy mộ mênh mông
Xác thân tôi lạnh cóng

Xin đừng bỏ rơi tôi
Trong giờ đang hấp hối
Tôi như ngọn đèn khuya
Lập lòe trong đêm tối

Người đi về hướng Tây
Hồn tôi mây viễn xứ
Máu rỉ dưới chân tôi
Gót chân đời lữ thứ

Xin đừng bỏ rơi tôi
Lời nguyền rơi nước mắt
Tôi như nhánh sông chia
Hai bờ đau ngăn cách

Người đi về hướng Nam
Tôi ngồi ôn quá khứ
Ôi thân thể của tôi
Ðang lõa lồ đau nhức

Xin đừng bỏ rơi tôi
Bao nhiêu rồi mất mát
Chưa thấy đủ hay sao
Những điêu tàn đổ nát

Xin đừng bỏ rơi tôi
Sao người bỏ rơi tôi
Xin đừng bỏ rơi tôi
Sao người bỏ rơi tôi.

MẸ LÀ THƠ
NÊN NƯỚC VIỆT SẼ HỒI SINH

( Kính tặng một bà mẹ ở San Jose)

Mẹ ngồi suốt hai giờ trên xe buýt
Chỉ mong đến tận nơi để nghe đọc thơ con
Những vần thơ chan chứa vạn nỗi buồn
Những vần thơ chảy ra từ tim mẹ.

Bảy mươi lăm năm
Cuộc đời bao dâu bể
Mẹ vẫn còn nguyên vẹn một tình thương
Bụi thời gian không lấp kín tủi buồn
Ðời đất khách chẳng làm phai quá khứ
Lòng mẹ vẫn nương về cố xứ
Nhìn trời xanh hoài vọng phút thanh bình.

Mẹ chờ lâu không ?
Như chờ ngày đất nước được hồi sinh
Vườn trầu cũ, hàng cau xưa ai bón
Mẹ để lại quê hương, láng giềng, hàng xóm
Mồ mả tổ tiên, thân thuộc xa gần.

Mẹ buồn lắm không ?
Một đời mẹ long đong
Bảy mươi lăm tuổi, ngọn đèn dầu sắp cạn
Lỗi là ở chúng con
Những con chim trúng đạn
Mang vết thương quằn quại bốn phương trời
Thơ con buồn hay máu chúng con rơi.

Mẹ đi xe buýt suốt hai giờ
Chỉ mong đến tận nơi
Ðể ghe đọc thơ con
Những vần thơ vốn buồn hơn nước mắt
Con biết lòng mẹ đau mà không khóc
Như chúng con vẫn gượng cười đi giữa điêu linh.

Có giống dân nào như một giống chim
Bay suốt bốn ngàn năm chưa dừng lại
Như đời mẹ mang nỗi buồn đi mãi
Bảy mươi lăm năm chưa một chỗ quay về
Mẹ ghé từng quán sách ở San Jose
Ðể rao bán những bài thơ con viết
Như bán tình thương mẹ chảy hoài không hết
Bán cả niềm đau cho nhân loại vô tình.

Có ai cần đọc thơ con
Một thi sĩ vô danh
Viết những chuyện chẳng còn ai muốn nhắc
Câu chuyện Việt Nam mịt mờ xa lắc
Mười tám năm bao nước chảy qua cầu
Xin mẹ đừng buồn dù chẳng ai mua
Hồn thơ đó nghìn năm sau vẫn đọng.

Nhờ có mẹ thơ con còn hy vọng
Mẹ là thơ nên nước Việt sẽ hồi sinh.

MƯỜI CHÍN MÙA MƯA

 

 

Mười chín mùa mưa em biết không ?
Quê hương còn đó một mùa đông
Trong anh đã chết mùa xuân thắm
Thu cũng vàng hơn, hạ chẳng hồng

Cuộc sống vẫn buồn như vận nước
Chí lớn hao dần, chí nhỏ phai
Bao lớp bụi đời trên mái tóc
Ðồng lòng, đồng chí chẳng còn ai

Một đám lọc lừa cao cổ hát
Một bầy phe phái cố bon chen
Tổ quốc như trong giờ nhật thực
Mười chín năm trời vẫn tối đen

Ðôi lúc anh thèm như truyện chưởng
Vung một đường gươm giết mấy ngàn
Giết một lần thôi, không giết nữa
Từ nay, chuyện cũ xếp sang trang

Thơ của người, hoa thơm trải lối
Thơ anh máu lệ nhỏ từng đêm
Anh khóc triệu người đang hấp hối
Khóc anh, hy vọng chỉ còn em.

Ở MỘT NƠI KHÔNG CÓ MÙA XUÂN

 

Ở một nơi không có mùa xuân
Chim chóc cũng chẳng buồn về đậu
Ngày hai buổi em về qua xóm lạ
Buồn vương trên tóc nhớ theo chân

Nắng Sài Gòn từng giọt rưng rưng
Thời con gái tan theo từng giọt nắng
Anh ra đi phố phường xưa hoang vắng
Tháng năm buồn kỷ niệm ngủ không yên

Em vẫn mơ hoài câu chuyện thần tiên
Nàng Tô Thị Việt Nam
Thờ chồng nuôi tằm dệt vải
Chuyện anh kể năm xưa
Em học thuộc lòng nên còn nhớ mãi
Nhỡ mai về anh sẽ trách em quên.

Em dấu kín nỗi buồn
Chỉ khóc lúc nửa đêm
Như sợ anh biết sẽ cười em yếu đuối
Em dắt con thơ qua vùng Kinh Tế Mới
Tháng năm ròng học cuốc đất trồng khoai
Da em sờn vì cực khổ trần ai
Tóc em rối vì dãi dầu mưa nắng
Em cố giữ lại đây nụ cười trong trắng
Sợ khi anh về mắt ướt sẽ không vui.

Cây hy vọng em trồng
Trước ngõ vẫn xinh tươi
Lớn lên bằng giọt mồ hôi sớm chiều em nhỏ
Trái tim em dòng thủy chung vẫn đỏ
Vẫn mặn nồng như thuở mới yêu nhau.

Không hẹn hò nhưng buổi sáng hôm nay
Anh trở lại với người đàn bà xa lạ
Mười năm anh đi mẹ con em vất vả
Chỉ một lời xin lỗi đủ sao anh.

Anh đã quên rồi những chuỗi ngày xanh
Những kỷ niệm vàng hoe trong ký ức
Anh trở lại dững dưng nhìn quá khứ
Của một thời sỉ nhục gánh trên vai
Anh đã làm gì suốt một đời trai
Ngoài chút bả lợi danh
Chút da thịt thơm mùi hương phấn lạ
Người vợ trẻ của anh sẽ chẳng bao giờ hiểu cả
Vì chính anh đã gian dối với lòng mình.

Anh sẽ nói gì trước những điêu linh
Của đất nước còn chìm trong máu lệ
Ngày ra đi, anh thề non hẹn bể
Ngày trở về, ngoảnh mặt với quê hương.

Anh sẽ nói gì trước những đau thương
Của đồng bào anh trong ngục tù tăm tối
Ngày cha chết còn một lời trăn trối
Mong anh đứng thẳng làm người
Giấc mộng vàng anh dệt thuở hai mươi
Anh nỡ thay cho một tâm hồn thác loạn.

Vầng trăng ước trong lòng em vẫn sáng
Mười năm chờ nghe một tiếng thương yêu
Em nối tình mình theo múi chỉ đường kim
Ðan chiếc áo cho ngày anh trở lại
Nhưng bóng hạc vẫn nghìn trùng bay mãi
Ðể giang hà mòn mỏi tiếng thông reo.

Ði đi anh đừng trở lại đây
Em sẽ khóc nhưng không hề nuối tiếc
Chỉ tội nghiệp cho anh một đời thua thiệt
Gian khổ tù đày để được thế thôi sao ?

TÔI SẼ VỀ

 

( Thân tặng nhà thơ Mịch La Phong)

Tôi sẽ về với căn nhà nhỏ năm xưa
Nơi tôi lớn trong ngày mưa tháng nắng
Nơi tôi uống nỗi nhọc nhằn cay đắng
Nơi tôi ngồi nhớ mẹ lúc đêm khuya
Tôi sẽ về dù núi cách sông chia
Dù tay trắng như ngày tôi mới đến
Chiếc ghe nhỏ mười lăm năm xa bến
Vẫn mơ về chân cầu cũ thân

Tôi trở về như máu trở về tim
Tim tôi đấy, bầm đen màu thống khổ
Tôi sẽ về dù đi trong dông bão
Dù nợ đời còn buộc lấy chân tôi
Xin trả cho ai những thương xót ngậm ngùi
Trả lại nhân gian những lạnh lùng khinh rẻ

Tôi sẽ về trong âm thầm lặng lẽ
Vẫn chiếc aó bạc màu như thuở bước qua sông
Vẫn một quê hương tôi ôm ấp trong lòng
Lòng tôi đấy đã vơi nhiều oán trách
Dù cát bụi thời gian dày trên mái tóc
Tôi vẫn về tìm lại tuổi thơ tôi
Gốc dừa xưa, cây đa cũ đâu rồi
Xin cố đứng nghe người đi kể lể
Chuyện đời tôi bao nhiêu năm dâu bể
Nước Thu Bồn không chở hết đau thương.

Tôi sẽ về sống chết với quê hương
Trong hầm hố chưa tan mùi súng đạn
Ai đã cướp mất của đời tôi những ước mơ, hy vọng
Ðã gài chông trên luống tuổi thơ vàng
Ai đã biến núi sông nầy thành một bãi tha hoang
Tiếng rên siết trong đêm đã át đi giọng hò câu hát.

Hãy trả lại màu xanh cho núi rừng bát ngát
Trả lại niềm vui cho ánh mắt mẹ hiền
Hãy trả lại cha già giấc ngủ bình yên
Trả lại anh nước trên đồng cấy mạ
Trả cho chị nắng trưa hồng đôi má
Trả câu thơ tình cho những kẻ đang yêu
Hãy trả lại cho Việt Nam một đất nước yêu kiều
Trả lại cho đồng bào tôi bốn ngàn năm lịch sử.

Hỡi ai đó còn mang lòng thú dữ
Hai bàn tay nhuộm đỏ máu anh em
Hãy ngưng đi những lọc lừa, đổi họ, thay tên
Lớp phấn son chẳng thể làm một đào già trẻ lại
Hãy ngừng tay, hỡi hận thù vọng ngoại
Cho dân tộc này được lớn giữa yêu thương.

Tôi sẽ về để sống với quê hương
Mai tôi chết xin làm phân nuôi đất.

GHÉ RALEIGH THĂM BẠN

 

( Gửi Trần Ngọc Hà và Mặc Thế Nhân)

 

Tôi đến Raleigh chiều nắng nhạt
Xa nhà, phố lạ cũng thành thân
Dẫu đã hơn nửa đời lưu lạc
Cũng ấm lòng theo ngọn gió xuân

Tôi chẳng hẹn hò, anh chẳng đợi
Ðời gian nan vui được mấy lần
Quê hương xa quá về chưa được
Ðành chọn nơi nầy để nghỉ chân

Lòng tôi đã lạnh từ năm ấy
Nên chẳng còn mơ chuyện hão huyền
Gặp nhau vẫn nặng tình mây nước
Chuyện kể chưa tàn đã trắng đêm

Tóc bạc theo mỗi ngày biệt xứ
Bụi cuộc đời trắng dã đôi vai
Tiều phu gánh củi về ngang núi
Trăng chiếu lưng đèo một bóng soi

Thời nhiễu nhương tìm đâu tri kỷ
Dấu trong hồn một nỗi chờ mong
Như anh khép cả tình thơ lại
Lặng lẽ đi tìm một chữ không

Tôi sống một đời như ẩn dật
Áo phù vân gói mộng công hầu
Ngửa hai tay trắng tàn canh bạc
Mơ ước chi nhiều cũng bể dâu

Mai này nếu chẳng tìm nhau được
Tôi sẽ ngâm thơ tưởng vọng người
Tự hỏi bên trời sương khói đó
Có còn ai nhắc đến thơ tôi

Thơ tôi đã đọng thành băng tuyết
Nhỏ xuống trần gian những giọt sầu
Tâm sự chẳng cần ai thương tiếc
Nên cười máu chảy suốt đêm thâu

Tôi kẻ lạc loài, đêm quán vắng
Một lời để nhớ đến trăm năm
Mai nầy khi gió mùa xuân thổi
Xin nhớ rằng tôi đã ghé thăm.

Tự Nhủ

Hai mươi năm lê bước lưu đày
Sáng chiều cơm áo nặng đôi
Hai mươinăm nữa đời như thế
Sống chỉ thêm thừa một kiếp trai

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button