Thơ Nguyễn Nam An
Nguyễn Vy Khanh
Thơ Nguyễn Nam An đã đến với người đọc từ nhiều năm nay; riêng với tôi, những Hòa Ninh, Nam Ô… trong thơ anh đã khơi dậy ở tôi một thời rất tiềm thức xa xôi từng có mặt ở những nơi chốn đó, v.v.; những hình ảnh phượng tím, những hàng khuynh diệp của Irvine đã trở nên gợi hình đến làm ray rứt người sống đời tha hương; những tiếng đạn pháo của cuộc chiến, những chuyến hành quân ở nhiều địa danh quen thuộc của Vietnam War, … làm sống lại những sống sót rùng rợn, hiểm nghèo trong tâm khảm ký ức tôi – những kỷ niệm đã có người muốn quên, đã xem như tiền kiếp! Qua thơ Nguyễn Nam An – cũng như thơ truyện một vài cây viết trẻ khác, người đọc có thể đọc cho mình, cảm cho chính mình. Tình tứ, tư duy, hình ảnh, nơi chốn của Nguyễn Nam An có thể đã thân thiết với người đọc! Tôi Chim Ngủ Dậu Cành Xanh, Thức, Buồn Chi rồi Biển Thuở Chờ Ai và TiCi đã để lại nơi tôi nhiều ấn tượng và cảm xúc tôi sẽ thử ghi lại ở đây !
Trước hết, tôi có cảm tưởng Nguyễn Nam An và tôi tuổi tác có gần gủi và có cái tương đồng đã sống một cuộc đời chưa… đủ trên đất nước quê hương, nói cách khác, sống ở xứ người lâu dài hơn trên quê hương mình! Bốn tập thơ của Nguyễn Nam An là những bản “đồng dao” vừa là “tuyên ngôn” của một thế hệ bị… nướng, không tiếng nói, thế hệ “bắt trẻ đồng xanh” – nếu có thể dùng lại ý và chữ của J.D. Salinger ở đây (Thật ra Catcher in the rye là những va chạm thế hệ và với phái nữ trong hành trình đời của anh chàng Holden Caufield, ở một nước Mỹ nhiều độc đoán ý thức hệ và luân lý thời sau thế chiến hai):
“( …) Ước gì tuổi xanh xa đó
Trở về anh chạy theo chơi…” (Theo Chân Xuống Phố).
Tuổi xanh, tháng xanh, cành xanh,… chiếm nhiều trang thơ của Nguyễn Nam An nhất là trong tập Tôi Chim Ngủ Ðậu Cành Xanh :”Trả lại cành xanh tháng ba thức dậy / Còn lại gì trời đất rộng, chân đi” (Trả Lại Cành Xanh); “Nhớ trăng trên cành xanh / Ðẫm sương thành phố lạ”; “Neo tình trên những cành xanh” hay “Nghênh ngang đầu núi cành xanh nhớ gì”, v.v.
1
Hành trang vào đời thường bắt đầu bằng tình ái. Thật vậy, tình yêu chiếm nhiều trang nồng nàn sự sống của Nguyễn Nam An, và chắc đã chiếm hết trang tiểu sử, hết cả chổ riêng của bản thân nhà thơ. Tình suốt đời, suốt ngày tháng, nơi mái trường, trên đường hành quân, trên đường đi, ở ngọn đèn đỏ lưu thông cuối đường, những con đường một chiều, hai chiều, khi đổ xăng, khi ngoài bãi biển, … Tình khởi từ Quế Sơn, Ðà Nẵng, Phước Tuy, Xuân Lộc,… rồi theo chân lữ thứ đến những San Jose, Santa Ana, … Tình tháng hai, tháng ba, tháng sáu, nghĩa là luôn luôn, bốn mùa. Ngày nhiều mưa, ngày thì mưa bụi, nghĩa là mưa mãi trong thơ :
“Tháng sáu trời mưa tay vừa hai vòng sắt
Tháng sáu nỗi nhớ thừa ngày cách biệt rồi đây
(…) Tháng sau có bàn tay thon gọi mỏi mòn, cứu rỗi
Từ tháng hai xanh về, tủm tỉm miệng xinh cười ” (Tháng Sáu)
“Mưa rớt trên nhành khuynh diệp” (Mưa, Có Chi Mà Lạ).
Không lạ, vì mưa nhiều ở Huế, những cơn mưa không còn tìm thấy ở Irvine, Cali, nơi mưa hiếm nên đất khô cằn và những con sông phơi lòng xi-măng, nhưng ở đó cũng có những hàng khuynh diệp thẳng tắp như ám ảnh đời:
“.. Ðêm bầy chim ngủ trên hàng cây khuynh diệp
Sáng hát gọi bầy về, tôi huýt gió tên quen… ” (Ðêm Nhìn Trăng Ở Irvine)
“Xanh, xanh tóc của mùa trăng con gái
mướt hàng cây, đêm cuối xuống nhìn nhau
(…) hàng khuynh diệp nghiêng che hồn bỡ ngỡ
chạnh lòng quỳnh mi khép nhẹ tình đưa… ” (Khi Trở Lại Irvine)
“Ðêm về chào lại Irvine
Chào con phố đứng chào ai đèn vàng
Ðêm về chào tiếng xe vang
Trăng hàng khuynh diệp trăng vàng hiên em… ” (Ðêm Về Trở Lại)
Vẫn Cali, nơi có những hàng phượng thắm, thắm một màu tím nơi xứ người, nhưng vẫn đỏ thắm trong trí nhớ, trong tim, trong từng bước đi nơi xứ người :
“Phượng ở công viên nở toàn hoa tím
Phượng xưa đỏ cành đã bỏ đi đâu
(,,,) Phượng ở Mỹ Châu, Phượng sầu hoa tím
Trống vắng lòng xe, trống vắng hiên che…” (Phượng)
Phượng cũng là tên một người nữ! Của một thời trẻ đi vào tình yêu với những nụ cười, những liếc mắt đẩy đưa:
“Ở Lú có dấu bàn chân
Có tay thon ngón nợ nần gì nhau? ” (Ở Lú)
Những người nữ một thuở nào ở Nam Ô, Xuân Lộc. Người “tóc đemi-garcon ơi xinh, về nghênh ngang / Ngày đi ngày đi kệ ngày đi vội…” (Một Ngày). Hay những Nga ở Sài Gòn : “Nga, mai ai mất ai còn / Vài tuần ứng chiến Sài-Gòn, chỉ em” (Ðêm Rời Sài-Gòn Hành Quân Xuân Lộc).
Tình sẽ buồn khi phải nhớ, phải nhắc từng kỷ niệm :
“Hình như đã lâu em không còn tới
Cũng hình như mưa ướt đất ướt trời
Tôi về bên sông làm chân cầu cỗi
Quàng thả tay người những sợi rong trôi…” (Hình Như).
Nhắc chi chuyện tình năm năm “Năm năm về qua đó / Quán trưa thuở hẹn hò / Chim xưa nằm dấu mỏ / Ngày xưa nằm co ro / Góc nào trong tim đó / Chốn nào chân đường trưa / Bụi nào trong mắt ngó / Thăm thẳm buồn cây đưa…” (Trở Về Theo Mơ Qua). Những vần thơ tình đẹp. Và đẹp vô cùng những gì đã qua, đã mất, những hình ảnh dấu yêu!
Nhà thơ cũa chúng ta đa tình, nhiều sắc thắm của tình. Trong khi những cô gái ca dao tỏ tình qua đuôi mắt, thì sao các cô lại cứ nghinh nhà thơ:
“Chạy về đâu gót chân xinh
Ðường xa nắng lửa mà nghinh nhau hoài
Ngày dài đôi mắt trên vai…” (Những Ngày Dài Mùa Hạ)
“Cô nương này cô nương ơi!
Sao quên sách vở sao ngồi lặng thinh!
Sao buồn bỏ tập mà nghinh!
Sao! Sao! Không biết ! Một mình đó đây…” (Một Ðôi Mắt Nhớ Về Nghinh Tôi Hoài)
Rồi nhà thơ thú “Nhưng em, em ạ! Vì nghinh! Nhớ hoài” (Cao Nguyên).
Hết mắt qua bàn tay, với những ngón tình nương thêm nỗi nhớ da thịt :
“Tay của tình em đỏ hồng trên lưng đã
Níu kéo anh bước xa trở lại khóc, chan hòa…” (Tiếng Cu Gáy Bên Hàng Hiên)
Nếu nhà thơ Hoàng Lộc (Qua Mấy Trời Sương Mưa) có lúc tìm đến người xưa Chiêu Quân, Quỳnh Như, … để trút tâm tình, thì thế hệ Nguyễn Nam An quen hơn những chuyện kiếm hiệp. Nhà thơ xin Cho anh trốn đời sống này đôi lúc dùng truyện kiếm hiệp để tỏ tình hôm nay :
“Khi Lệnh Hồ Xung cầm tay Doanh Doanh hỏi
Sao em không nhắc nhớ giùm để tôi nói yêu em
… Cô nương cô nương ơi tháng hai rồi tháng sáu
Tủm tỉm nụ cười xinh xin nương náu thêm lần
Anh tẩu hỏa nhập ma từ lần xa gặp mặt
Nên đời mình còn, xin đổi, để thương thôi…”.
Những tinh nghịch với tình của Nguyễn Nam An khiến thơ anh rất trẻ :
“Quần jean và áo T-shirt
Em thay áo lụa vào thơ cũng ngầu…” (Theo Nhau)
“Cô nương đôi lúc cô nường
Hôm nay cô giận cô buồn cô nương” (Cô Nương Hai)
“Em mặc jean phố phường trẩy hội
Xe bóp kèn Phước Lộc Thọ vênh… ” (Thức)
Ðẹp cũng đồng nghĩa vớí thử thách :
“Em, con gái đẹp thường lỗi hẹn
Vì yêu em, anh đang học “leo cây”… (Chiều Ðứng Ðợi)
TiCi, người nữ được tặng cả tập thơ, cũng là cô nương nhỏ được chàng trân trọng, da diết trong nhiều trang thơ :
“Em-Bắc-Kỳ sinh trong Nam
Hành anh khốn khó thành hoang mang tìm
Em cười tủm tỉm và quên
Ngày đôi khi nặng đá mang qua đời…” (Lục Bát Ðầu Năm 2000).
Tình yêu với cô nương nhỏ có danh TiCi rõ nét qua những bài nhung nhớ cuối tuần mưa hay những bài hành đi về phương Nam, về lại Irvine,… ! Lời tình nhỏ nhẹ, ngây ngô :
“Khi em vui núp vào thơ
Núp quanh núp quẩn núp vừa ngực anh
Ðể khi chân nhỏ về hành
Anh còn đôi mắt lộng quanh tiếng cười… ” (Em Nhỏ, Thời Anh Thương)
Khi phải … kể lể hay … xuống nước, nhà thơ xảo thuật với chữ nghĩa, với “từ” chẳng hạn:
“Từ tôi bỏ phố đi đâu đó… ”
(Từ đêm Trở Giấc Nghe Cây Lá)
“Từ trăng núi trăng sông rồi trăng biển… ” (Từ Em)
“Em từ Walnut mưa bay”,
… Em từ dáng nhỏ cô nương” (TiCi)
Lời thơ tình như những bài đồng dao, những điệu ru tình. Nhiều bài thơ của Nguyễn Nam An dễ khiến người đọc hình dung anh thật nhiều hệ lụy với tình, có khi nhút nhát với tình, khi khác lớn tiếng với người tình, nhưng nói chung thơ anh đưa người đọc đến một chân trời dịu mát, nhiều hy vọng, nhà thơ tỏ nhiều lạc quan, kiểu thua mà không bao giờ nản, lại vui sống, tận hưởng cuộc đời !
2
Như với bao viễn khách hoặc kẻ lưu đày, quê nhà luôn là những ám ảnh khôn nguôi, trong đó có tuổi nhỏ đã mất – mà nếu chưa phải xa quê hương đã không quay quắt đến thế. Từ ngày “Tôi bỏ tôi đi xa trường xa lớp / Xanh lá kiền kiền rợp bóng sân chơi .. . / Chào Ðà Nẵng dấu yêu tình gởi lại / Chân về đâu ai biết được ngày sau” (Ðà Nẵng 73). Những hàng kiền kiền là ám ảnh quá vãng lớn của Nguyễn Nam An, vì chàng đã bỏ trung học Phan Châu Trinh, bỏ khung cảnh yêu dấu để nhập ngũ. Bóng cây sẽ theo chàng trên dặm đường lữ thứ : “… Hàng kiền kiền ngày cúi xuống ưu tư”
Thành thử nơi xứ người, nhớ nhung dễ khởi từ cây kiền trường xưa:
“Gởi cây kiền kiền năm xưa
Bây giờ nhớ lại trời vừa chớm thu
Ước gì đời nhẹ nhàng ru
Ðể không thấy chú vào thu cúi đầu” (Gởi Cây Kiền Trường PCT)
Tuổi nhỏ cũng có nghĩa là thế giới hoa mộng, với những người bạn nhỏ: Thành “cồ”, Từ Tâm, Trung Hậu, …
“Ðà Nẵng của tôi ngày mới lớn xa xôi
biển, nắng, gió, tóc bay nghiêng vầng trán
những chân đất, bãi cát vàng, bè bạn
đêm tối nhìn trời mở rộng ngàn sao…” (Ðà Nẵng)
Hay xa xôi hơn những kỷ niệm ngây thơ :
“Ngày xưa thơ dại trời mưa
Bạn bè lối xóm tuổi vừa lớp năm
Rủ nhau lội nước mưa dầm
Chen chân máng xối tồng ngồng tắm mưa…” (Ướt Mưa)
Những người bạn mà nếu có những tái ngộ bất ngờ, cũng có nghĩa là thời hoa mộng đã xa xôi thật rồi theo thời gian:
“Ngày xưa Ðổng-Trác-con-con
Hiên ngang đứng ểnh bụng tròn rốn sâu
Mười mấy năm gặp lại nhau
Thằng em Ðổng-Trác bỗng đâu Thành cồ..” (Biệt Danh)
Cái nhớ nhung quê nhà qua con người, kỷ niệm, qua cả những địa chỉ mà tên đường đã đổi. Nhiều bài hay, để lại nhiều dư âm, thường là những bài nhớ quê hương và tuổi trẻ học trò. Bài Viết Tay Trái tiêu biểu, mang đủ tình mẹ, tình bạn cũng như tình yêu, từ những ngày đi học, đã là quốc gia nghĩa tử cha chết trận:
“Cha bỏ không về con Quốc Gia Nghĩa Tử
Nhìn lại đơn từ mẹ nhờ người ta điền cho con ngày xưa
Cha: Tử trận, bỏ con mẹ bơ vơ
Con: Lớn lên chỉ còn nhớ chiếc xe Dodge nhà binh chạy gập ghềnh trên đường thành phố
Màu cờ vàng phủ quan tài, mùi khói nhang, màu khăn chế mẹ chúng con mang
…Tôi viết thơ tình hôm nay bằng tay trái nhưng không ngại không ngần
Nét chữ ngược với anh em nhưng viết, cần gì? Ai thắc mắc?… ”
3
Chiến-tranh và đời lính trở về nhiều lần trong thơ Nguyễn Nam An. Nhập ngũ ở lứa tuổi 18, những ngày tác chiến đưa chàng đến nhiều vùng đất quê hương dù đời quân ngũ chỉ hơn 2 năm. Ðoạn đường chiến binh, nhiều lưu động, đi theo những pháo giặc:
“Tháng hai Hòa Ninh, tháng ba Nam Ô
Những ngày quân qua miền Trung cằn khô
Một bước quê hương một vùng đất khổ…” (Vài Ba Tháng Chân Ði)
Những tháng cuối của binh nghiệp và cũng là của một đất nước chung, chàng đi khắp, tháng hai, còn ở vùng địa đầu, tháng ba đã vô Ðà Nẵng, Quảng Nam:
“Chào xa Ðà Nẵng tháng ba
Ðêm âm u thở đời qua một lần
…Chào xa Ðà Nẵng âm thầm
Khi bài “Hạ Trắng” đã thành mây bay” (Chào Xa Ðà Nẵng)
Rồi tiếp xuôi Nam vô Sài Gòn, Trảng Bom, Xuân Lộc, qua Bình Giả, về Bà Rịa ở những ngày cuối của một cuộc chiến: “Tháng tư món nợ da vàng / Dân tôi trả nốt bàng hoàng xuôi nam” (Phước Tuy 4,75). Ðoạn đường khổ hạnh cuối, nhà thơ có mặt ở quốc lộ 15, ở Phước Tuy, ở cầu Cỏ May sau Xuân Lộc “không lộc xuân, nghe chuông hồi xa xăm … “.
Ðời lính không dài, toàn là hành quân, chuyển quân, ứng chiến – một nhập cuộc hết mình! Thành ra với những người bạn đồng đội cũ, sẽ bồi hồi cảm động khi tái ngộ, dù có khi chỉ mới qua điện thoại viễn liên :
“…Hai mươi năm sau nghe lại tiếng mày
trên điện thoại, tha phương
Nhận rõ không, giấy bút đâu ghi địa chỉ
Tọa độ hôm nay là những thành phố Mỹ
Chi chít trên bản đồ đại pháo bắn hụt hơi!
Thằng lính thân thương ơi
(… ) Kỳ lạ quá sao tao mày ở Mỹ?” (Gởi Trung Hậu).
Nỗi sững sờ như sau một cuộc bể dâu ! Nỗi nhớ bạn trong cái buồn chung:
“…Gãy đàn mà hát chiều xuống đôi bờ
Có khuôn mặt xa chưa nhòa trong trí nhớ
Có đứa ở gần nhưng vẫn rất xa
Tao gởi nén hương vọng quê nhà, vọng mày thằng bóng rổ
Có thằng nào xưa hô hô bảo mày mạng “Trường Lưu Thủy” hở
Mạng cái con mẹ gì thì cũng nước mất nhà tan
Thằng chết thằng di tản, giờ thằng nào đàn thằng nào hát
Tan nát cả bạn ấu thời ta!” (Nén Nhang Cho Thằng Bạn Chết)
Có những người bạn khác ít may mắn hơn, đã chết trong cuộc chơi chết người trên cạn, những trò đùa bắt trẻ đồng xanh :
“Mày chết! Xác không mang về được
Hồn vất vưỡng đâu, đất lạ Tuy Hòa!
Tháng của đời nhau mở những đường xa
Ðâu biết tuổi xanh mày tàn như lá
… Hương trầm giỗ người chết tuổi hai mươi
Thau rượu xưa tiễn mày làm chuẩn úy sữa thôi
Ðàn vọng bồi hồi buồn vui đưa lối
Ba lô mày mang đi hoài không tới…” (Giỗ Chín Năm Mày Bạn Ấu Thời Ơi!)
Tưởng niệm bạn hữu cũng là lúc phẩn uất, tiếc nuối sống lại khi đã nhủ lòng nên quên, nên chôn vùi quá khứ để mà sống, sống cho tương lai !
4.
Những đứa con tinh thần của Nguyễn Nam An có khuynh hướng sanh đôi: năm 1996 nhà Nhân Văn ở San Jose xuất bản một năm hai tập Tôi Chim Ngủ Ðậu Cành Xanh và Thức, Buồn Chi; năm 2000 mới đây, thêm hai tập TiCi và Biển Thuở Chờ Ai do hai nhà Tân Thư và Văn xuất bản. Nguyễn Nam An mê làm thơ hơn là “ngồi viết “procedures”, nên “Giữa C language khô cằn giòng lục bát viết bơ vơ” (Thứ Ba). Anh sống với thơ và sống đẹp cái quá khứ. Thơ anh hiền hòa như con người chân chất Quảng- Ðà và người thơ Quảng- Ðà thì không ai giống ai: Hoàng Lộc cổ kính, kỹ xảo, Thái Tú Hạp nhẹ nhàng thiền vị, Phan Xuân Sinh nhiệt thành trong cái dư vang của quá khứ, Ðặng Hiền tha thiết lãng mạn, riêng Nguyễn Nam An da diết với tình khiến thơ đa dạng mà cảm động ! Thơ Nguyễn Nam An không quá cầu kỳ trong thi pháp và kỹ thuật, dù đã có vài cố gắng làm mới. Ðến với Nguyễn Nam An xin đừng tìm dấu vết hậu-hiện-đại, tiền phong hay tân- hình-thức,… vì người đọc chỉ tìm thấy những điệu ru điệu nhớ, mà quê hương, tuổi trẻ và tình yêu luôn sống động, thường trực, ở từng ý thơ, ở từng trăn trở ngôn từ, ở những thử nghiệm diễn từ.
Nguyễn Nam An làm thơ mạnh, nhiều hoa tay và đều đặn ra tay. Trong số những người sung túc thơ ở hải ngoại, Nguyễn Nam An thuộc về những hiếm hoi không làm người yêu thơ thất vọng.
Nguyễn Vy Khanh
12-2-2001