Tháng Tư trong chập chùng nỗi nhớ

Vĩnh Du

“…Biết bao giờ con về thăm xứ Quảng
Thăm Điện Bàn, Phong Thử buổi cha đi
Thăm Sơn Trà chiều mây trôi lãng đãng
Mà ngỡ cha theo cánh gió bay về…”

(Giỗ cha lần thứ hai mươi lăm, Dunn Loring, 1994)

Tôi viết mấy giòng trên đến nay thấm thoắt đã mười năm. Như thế là đã ba mươi lăm năm kể từ ngày người cha kính yêu của tôi trở về cát bụi và đã ba mươi năm lần đầu cũng như lần cuối tôi giã từ Đà Nẵng. Ba mươi năm vụt qua như một giấc chiêm bao. Ba mươi năm trước, tôi, tên chuẩn úy “sữa” chân ướt chân ráo ghé lại Đà Nẵng trên đường ra Phú Lộc trình diện Bộ chỉ huy Liên Đoàn 12 Biệt Động Quân để thực sự làm quen với chiến trường Vùng Một. So với đám bạn đồng thời, tôi nhập cuộc quá trễ. Khi những tên bạn thân thiết của tôi đã nếm mùi đạn bom máu lửa thì tôi vẫn còn chống thế chờ trên đồi Tăng Nhơn Phú hay la cà trong mấy quán cà phê “cứ ăn rồi ghi” ở Khu Gia Binh. Sau khi xong Thủ Đức, tôi lại còn được thêm gần hai tháng sống xa cái chết cho dù có hơi vất vả khi thụ huấn khóa Rừng Núi Sình Lầy tại Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân Dục Mỹ. Dù sao thì tôi cũng mang trong lòng ít nhiều hãnh diện khi biết rằng mình đã tự ý nhập cuộc chứ không do một sự bắt buộc nào. Vì vậy, trễ vẫn hơn không. Và tôi thản nhiên bước chân vào vòng chiến trong lớp áo hoa rừng của một binh chủng nổi danh là vào sinh ra tử.

Trong khi binh chủng Biệt Động Quân không thiếu gì những đơn vị ở Vùng Hai Chiến Thuật, như một định mệnh, sau khi mãn khóa Rừng Núi Sình Lầy tôi lại được đưa ra Vùng Một và đến ngay xứ Quảng là nơi cha tôi đã sinh ra và lớn lên cho đến ngày ông vào Sài Gòn lập nghiệp. Lần đầu tận mắt nhìn thấy quê hương bên nội, lòng tôi không khỏi xúc động bùi ngùi. Tôi tưởng chừng như thấy bóng dáng ba tôi thấp thoáng đâu đó, chiếc mũ phớt sụp trước trán, điếu thuốc gần tàn cháy đỏ trên môi. Tôi tưởng chừng như thấy ông khom lưng trên chiếc xe đạp cũ kỹ đèo tôi đến trường mỗi sáng:

“Nhớ xưa cha đạp xe lên dốc mỏi
Sáng tinh sương đưa con trẻ đến trường
Manh áo mỏng cha mặc hoài rất tội
Lưng cha còng nửa thế kỷ đau thương…”

Tôi tưởng chừng như ông và tôi vẫn còn ngồi trong quán nhỏ đầu xóm, hai cha con xì xụp hớp từng ngụm cà phê nóng thơm lừng buổi sáng. Tôi tưởng chừng như ông vẫn còn ngồi đâu đó, tờ nhật trình trên tay, mắt đăm chiêu nhìn về một phương trời mờ thẳm xa xăm. Nhưng không, ba tôi đã bỏ tôi mà đi từ 5 năm trước đó. Thuở sinh tiền ông đã nói với tôi rất nhiều về khát vọng hồi hương, về hình ảnh của xóm làng xưa ở Điện Bàn, Phong Thử, về những anh chị em của ông vẫn còn sống rải rác nhiều nơi trên quê hương xứ Quảng, về những buổi chiều trên sông Hàn khi trời vừa tắt nắng, về những đám mây trôi vu vơ trên đỉnh Sơn Trà nằm vươn mình ra tận biển Đông. Ông nói và nói nhiều về những nỗi nhớ lúc nào cũng âm ỉ cháy trong lòng cũng như lo cho một tương lai bất định khi đất nước cứ đắm chìm trong lửa khói. Ông lo sẽ không có ngày trở về thăm lại phố xưa, người cũ, đốt nén nhang truớc mộ ông bà. Nỗi lo ấy không ngờ đã trở thành hiện thực khi ông bất ngờ ngã xuống vì một lý do gì mà đến nay trong gia đình tôi vẫn không ai biết được.

Bước đi trên phố Đà Nẵng, tôi bỗng có ý nghĩ biết đâu tuy cha tôi đã ra người thiên cổ nhưng ông vẫn còn ẩn hiện bên tôi và xui khiến cho tôi ít ra có được một lần về thăm quê hương đất Quảng để thay ông làm những gì ông vẫn hằng mong muốn. Tiếc thay, tôi chỉ có được hai ngày ngắn ngủi không đủ để đi hết một vòng Đà Nẵng chứ đừng nói chi đến chuyện ghé lại Điện Bàn thăm mồ mã tổ tiên. Nay thì ba mươi năm đã qua, hình bóng Đà Nẵng và ngọn núi Sơn Trà xanh thẫm ngày xưa đã phai dần trong trí. Những cụm mây trắng lãng đãng trên triền núi một buổi chiều tháng tư năm ấy cũng chỉ còn là nhòa nhạt khói sương. Nhưng tôi vẫn biết và vẫn nhớ một Sơn Trà rất đẹp, như một hòn ngọc biếc nổi lên giữa muôn trùng sóng nước bao la. Sơn Trà, hai chữ nghe đơn sơ mộc mạc nhưng thân thương và thắm thiết làm sao! Tôi nhớ về Sơn Trà và Đà Nẵng như nhớ về một cuộc tình đã mất bằng nỗi đau của một người tình thua thiệt như trong hai câu ca dao:

“Chiều chiều mây phủ Sơn Trà
Lòng ta thương bạn nước mắt và lộn cơm”

Tôi nhớ Sơn Trà và những phút ngắn ngủi cùng người bạn Hải Quân – lúc ấy anh ta đang theo tàu thả neo tại quân cảng Tiên Sa – đi lang thang lên dốc núi gần khu vực đài ra-đa rồi cùng đứng nhìn về hướng thị thành Đà Nẵng với những mái nhà li ti chen chúc nằm dọc theo bờ sông Hàn ngoằn ngoèo như một con rắn bạc. Xa xa là núi Hải Vân và những đám mây trắng nổi bật lên trên màu xanh bát ngát của trời nước mênh mông. Nếu không có màu xám xịt của những chiếc tàu chiến hay những chiếc đĩa ra-đa trên triền núi thì non nước Sơn Trà quả thật là bức tranh quê hương thanh bình vô cùng thơ mộng. Nhưng không, Sơn Trà ngày ấy nghèn nghẹn không khí chiến tranh với sự hiện diện của đủ loại vũ khí, chiến cụ và những người lính Hải Quân, Pháo Binh, Biệt Động Quân, Lôi Hổ… Sơn Trà, cũng như Đà Nẵng và nhiều nơi khác trên khắp cùng đất nước, đắm mình trong cơn lốc chiến tranh.

Sau hai ngày phù du ở Đà Nẵng, tôi như hạt bụi bị cuốn hút vào cơn lốc xoáy để rồi không bao giờ có dịp ghé lại Quảng Nam lần thứ hai cho đến ngày miền Nam thất thủ. Bốn năm sau ngày hội ngộ với Đà Nẵng lần đầu, tôi ngồi trong một căn cứ hải quân Phi Luật Tân bên bờ vịnh Manila mà mơ hồ tưởng như đang ngồi với người bạn Hải Quân ngày xưa trong quân cảng Tiên Sa. Tôi nhìn theo những đám mây trắng trôi lang thang trên bầu trời Nam Hải, những đám mây hình thù không khác gì những đám mây trắng bay lững lờ trên triền núi Sơn Trà của bốn năm về trước rồi ước gì mình được là mây để trôi về với đất nước bên kia. Giữa tôi và Đà Nẵng chỉ cách nhau một vùng biển. Từ Manila nhìn thẳng về hướng Tây là bờ biển Việt Nam, là Qui Nhơn, Sa Huỳnh, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng. Quê hương, như một người tình đã cất bước sang ngang, thấy vẫn như gần nhưng thực đã quá xa. Xa như đã ngàn thu vĩnh biệt. Và tôi bâng khuâng tự hỏi tại sao mình lại phải ra đi?

Đến nay thì ngày tháng đã dằng dặc dài thêm. Mái tóc xanh ngày xưa bây giờ đang từ từ nhuốm bạc. Ba mươi năm trước tôi là hạt bụi trong cơn lốc chiến tranh. Ba mươi năm sau tôi như khúc gỗ mục nổi trôi theo dòng trầm luân của cuộc sống quần quật áo cơm trên quê người đất khách. Tôi mê man trong cái biển mênh mông ngút ngàn này như không bao giờ tỉnh. Ba mươi năm chất chồng lên nỗi nhớ. Ba mươi năm quay quắt với ước vọng khải hoàn để rồi chỉ thấy đường về mỗi ngày như một dài thêm, hun hút.

Nơi tôi ở bây giờ đất trời đang từ từ choàng dậy sau giấc ngủ mùa đông dài đăng đẳng. Đã thấy nàng Xuân diễm lệ về tha thướt trên cành liễu, đánh thức những cụm daffodil dọc theo đường mòn trong công viên Rock Creek và những bụi forsythia dưới chân cầu Key bên kia bờ sông Potomac. Dòng sông chỉ mới tháng trước vẫn hãy còn trôi lều bều những tảng băng xám xịt, giờ đã xanh dòng xuôi mãi về hướng Đại Tây Dương. Phố cổ Georgetown bên kia sông đã bắt đầu nhộn nhịp theo gót nàng Xuân với nữ tú nam thanh dập dìu ong bướm trên hai bờ đại lộ lát gạch và những người già ngồi im lặng trên băng ghế ven đường nhìn đời chầm chậm trôi qua. Những mặt tiền nhà gạch đỏ khoe mình trong nắng như thầm tự hào về một quá khứ kiêu hùng của một thời lập quốc hơn hai trăm năm về trước. Tôi bỗng liên tưởng đến những mái ngói rêu phong, những mặt tiền cũ kỹ của phố cổ Hội An. Tại sao dòng sông ngoài kia không là dòng sông Thu Bồn nhỉ! Tôi ước sao sẽ có một ngày được ngồi bên bờ sông Thu, nhìn phố cổ Hội An vươn lên với sức sống mãnh liệt như khu phố cổ Georgetown kia. Tôi ước sao sẽ có một ngày Việt Nam thôi không còn những chủ nghĩa ngoại lai, không còn những giáo điều khắc nghiệt, con người sống với nhau hiền hòa như buổi ban đầu một mẹ trăm con. Ngày ấy tôi sẽ thôi làm thân gỗ mục, trở về với quê cha, cởi bỏ lớp áo đầy bụi bặm nhơ nhớp của kiếp sống tha huơng để cùng đám bạn thủa thiếu thời ngồi trên bờ biển xưa dưới chân núi Sơn Trà uống một bữa thật say. Và nếu có lăn quay ra mà chết thì cũng được chết giữa lòng đất tổ.

Ngày ấy, biết bao giờ đến nhỉ?

Vĩnh Du
2004

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button