Tháng Tư, đọc lại những dòng thơ viết từ nước mắt
Vũ Đình Trường
Một tuần lễ sau ngày Bắc quân tràn ngập miền Nam, tôi trở lại Sài Gòn trong bộ đồ thường dân củn cởn, xốc xếch, món quà quí báu của một người mẹ Củ-Chi “đất-thép-thành-đồng” nhưng trong lòng không hướng về lũ con mũ cối dép râu mà lại hướng về những đứa con Cộng Hòa bên này bờ vĩ tuyến. Bà đã cẩn thận dúi bộ đồ vào tay tôi và với ánh mắt diệu hiền pha lẫn xót xa, bà khẩn khoản bảo tôi hãy cởi bỏ ngay bộ đồ rằn ri trên người để thay vào đó là bộ đồ mà bà đã mang cho. Sau đó, cũng chính bà là người đã khôn khéo dẫn tôi ra khỏi khuôn viên ngôi trường Tân Phú Trung, nơi địch đã dùng làm trại tập trung tù binh ngay sau khi chúng càn quét Củ Chi và những vùng lân cận.
Tôi ngỡ ngàng và xót xa vô hạn trước một Sài Gòn thay ngôi đổi chủ. Bọn cán binh Bắc Việt mới ngày nào vẫn hãy còn trốn chui trốn nhủi trong góc rừng xó núi giờ đã ngang nhiên đi đi lại lại giữa thị thành hoa lệ như chỗ không người. Những khẩu súng AK và bộ mặt đằng đằng sát khí của chúng đã làm cho Sài Gòn nghẹt thở trong cơn sốt đổi đời hâm hấp. Hàng trăm hàng ngàn lá cờ xanh đỏ sao vàng treo lủng lẳng trước cửa nhiều căn nhà hay tung bay phất phới trên các tầng cao càng nhắc cho tôi và người Sài Gòn nhớ rằng đây không phải là một giấc mơ mà chính là một sự thật phũ phàng. Sài Gòn, thủ đô của miền Nam tự do đã rơi vào tay giặc, và cái quốc gia mang tên Việt Nam Cộng Hòa đã bị bức tử kể từ ngày cuối tháng tư oan nghiệt ấy.
Lớp áo thường dân đã giúp tôi thoát được những cặp mắt cú vọ của bọn bộ đội công an để sau đó tôi lần mò về thăm nhà một người chị ở ngoại ô thành phố. Tôi về rồi lại vội vã ra đi vì không muốn sự có mặt của tôi sẽ mang đến những tai họa không lường được cho gia đình bà. Sài Gòn bấy giờ hỗn độn và đầy ắp nghi kỵ, âu lo. Trong cái hỗn mang bời bời đó, tôi bỗng nhớ làm sao những ngày trên bãi chiến, với đá núi là giường, vòm cây xanh và bầu trời trên cao như mái nhà che chở bao dung, với bạn hữu là đồng đội và người tình lúc ấy vẫn còn đẹp trong trí tưởng. Tôi bỗng thèm làm sao những ngày cuối cùng ở Củ Chi, trưa nằm ngủ lơ mơ dưới bờ tre bìa làng trong cái nắng tháng tư nhè nhẹ hanh hanh. Lúc ấy tôi là người lính trong tay vẫn còn vũ khí, mộng đời còn phơi phới, đường tương lai trước mặt trải dài như vô tận. Bọn con trai chúng tôi, tên nào tên nấy cũng bạt mạng và ngun ngút trong lòng ngọn lửa thanh xuân, nhập cuộc bằng tất cả nhiệt tình, sẵn sàng đối diện với mọi hiểm nguy. Con thuyền tuy nhỏ bé nhưng vẫn lao ra sóng cả đại dương trong niềm tự hào, thách thức:
“Buồm thanh xuân căng ngợp gió tang bồng
Muốn cưỡi sóng cho trùng dương biết mặt”
(Vũ Đình Trường)
hay ngạo nghễ hơn:
“Kéo Lục Phân cầm chân Hoàng Đạo
Xoay Hải Bàn điểm mặt Trùng Dương”
(TâmTưởng)
Ngày ấy, bọn tôi còn tất cả. Nhưng bây giờ, cùng với sự sụp đổ của miền Nam, chúng tôi đứng trước những vỡ tan và mất mát toàn diện. Tôi nhớ về bộ đồ treillis bỏ lại dưới gầm bàn trường Tân Phú Trung. Tôi nhớ về khẩu súng Colt 45 mà tôi đã cẩn thận dùng lưỡi lê đào lỗ chôn bên dưới lu nước sau hiên nhà của một người dân Củ Chi tốt bụng đã cho tôi vào ẩn nấp. Lúc ấy tôi vẫn nghĩ rằng cuộc triệt thoái của trung đội tôi chỉ có tính cách tạm thời. Hy vọng trong tôi vẫn bừng bừng cháy khi thấy hai chiếc chiến đấu cơ từ hướng Sài Gòn bay lên gầm thét trên đầu và lao xuống oanh kích mục tiêu ở một nơi nào đó. Dù mất hết liên lạc với đại đội, tôi vẫn nghĩ rằng sớm muộn gì tôi cũng sẽ bắt tay lại được với đơn vị, và vì thế, nhất định tôi không thể để vũ khí lọt vào tay địch. Tôi đâu ngờ được rằng đó là lần cuối cùng tôi còn nghe hơi thép lạnh bốc ra từ khẩu súng yêu quí của mình. Mấy mươi năm sau, tình cờ đọc được hai câu thơ của nhà văn Trần Hoài Thư, tôi bỗng thấy như vết thương của một ngày tháng Tư năm nào vỡ oà, tuôn máu:
“Súng gươm bỏ lại bên trời cũ
Còn quả tim này quá thiết tha…”
Trong nỗi đau cùng cực ấy, tôi đã trở lại Sài Gòn dưới lốt thường dân với tư cách của một tên chiến bại. Tôi không đủ can đảm ôm lựu đạn tự sát như những người lính Dù hay Liên Đoàn 81 đã làm đâu đó ngoài vòng đai thủ đô. Tôi cũng không đủ can đảm khiêu khích quân địch để được chúng nổ súng bắn chết như nhiều người khác. Tôi đành thất thểu trở về thành phố như một con chuột nhắt, hớt hơ, hớt hãi, láo liên:
“Sao tôi về đây tàn thân lụn xác
bại tướng mù lòa lơ láo đến phi nhân
đời sống quay cuồng trăm cánh vô ngôn
Sông bất định chia xa ngàn nhánh khổ
Tôi đứng đây trên bãi đời giông tố
Nghe hoàng hôn trầm uất phủ trên đầu
Mai rồi thuyền đời trôi nổi về đâu
ngàn nhánh khổ nhánh nào không sóng dậy...”
Thật tội nghiệp làm sao, ngày ấy tôi chỉ mới ở những năm đầu của lứa tuổi hai mươi mà cứ tưởng mình như già nua quá đỗi. Con ngựa non háu đá, bờm căng dựng, vó chưa thấm mệt đã bị người ta cướp đi cánh đồng xanh bát ngát của tuổi thanh xuân, xô quị xuống để trở thành một con ngựa què vó câu rỉ máu:
“Sao tôi về đây ngựa già run rẩy
Vó kiêu hùng máu đỏ rỉ thương đau
Đêm âu lo tóc đã bạc đầu
Vẫn chưa thấy lối vào yên nghỉ”
Cho dẫu đối diện thực tế vô cùng trắng trợn và chua xót, tôi vẫn cố tự nhủ rằng biết đâu đó chỉ là một cơn mộng dữ:
“Úp mặt vào tay cố nghĩ đời mộng mị
mái dột căm căm mưa đổ mịt trời
Ngày tôi đi giữa phố đông người
Sao không thấy dân cư,
chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ (*)
Đổi đời rồi sao lòng mang mang bở ngỡ
Chợt quại quằn tiếc nhớ vạn ngày xưa
Tôi cong người như chim nhỏ trong mưa
nghe máu đổ cuối vực hồn thương tích...”
(*)ý thơ Trần Dần
Thành phố vẫn đông người qua kẻ lại nhưng sao hoang tàn như mộ địa tha ma. Sài Gòn như một thiếu nữ băng trinh quằn quại dưới thân hình thô bạo và bàn tay máu me gớm ghiếc của giặc thù phương bắc, lũ người nhân danh độc lập tự do hạnh phúc nhưng thực chỉ muốn cướp sạch tài nguyên vật lực của cả miền Nam:
“Phố đông người sao nghe chừng hoang tịch
Trời xanh mờ dưới dãy dãy cờ hồng
Phố bây giờ kẻ lạ thêm đông
Đường đất mủi lòng dưới chân người man dã
Ta bây giờ không thể cùng người mặc cả
Sao người cúi đầu nhuộm đỏ tâm linh
Đã thành rồi giấc mộng cuồng chinh
cứ ngạo nghễ cho quên thời chuột rúc
Nhớ thưở người lo
“chết em rồi, nào mơ thấy nẻo về miền Bắc”
Vĩ tuyến buồn chôn giấc mộng cuồng xâm
Đường mòn Hồ Chí Minh chân bước âm thầm
Lòng điên đảo khi trên đầu đạn réo
Ngàn gian truân người cúi đầu nhận chịu
cho quan thầy thực hiện mộng xâm lăng”
Ngày đó, ngay lúc khí thế quân thù còn đang cuồn cuộn như cuồng lưu bão tố và cái ách thống trị đã được chúng cẩn thận tròng vào đầu dân miền Nam, tôi vẫn nghĩ chưa chắc chúng đã hoàn toàn chiến thắng:
“Đừng tưởng rằng như thế đã xong
Và đừng nghĩ thế là mình đã thắng !”
(Vũ Đình Trường, Ai Điếu Tháng Tư)
Kẻ thù đã không phí một giây phút nào trong công cuộc xích hóa miền Nam. Gọng kềm thống trị siết dần vào cổ người Sài gòn và gần như không có ngày nào không nghe tin một cuộc hành quyết diễn ra đâu đó mà nạn nhân là những người bị chúng gán cho cái tội “có nợ máu với nhân dân”. Bên cạnh bọn công an bộ đội chánh qui từ Bắc vào, có không ít những tên đón gió trở cờ thừa nước đục thả câu, bọn “cách mạng ba mươi”. Bọn này hung hãn như một bầy chó săn, gầm gừ dữ tợn có khi còn hơn cả chủ của chúng. Những cuộc trả thù cá nhân lần lượt diễn ra. Tiếng chó sủa trong đêm đã được đồng nghĩa với tiếng hú man rợ của thần chết. Nhiều người đã bị công an nội thành dẫn đi trong đêm khuya để rồi không bao giờ trở lại. Loa phóng thanh gắn khắp mọi nơi trong thành phố không ngừng phát ra những bài hát nhân danh cách mạng tanh nồng mùi máu, hun đúc căm thù giai cấp, xúi giục con người tàn hại lẫn nhau. Hàng đêm người dân dù bụng đói meo vẫn phải nối đuôi nhau lê thân như những bộ xương khô đến các địa điểm họp tổ để nghe phê bình, kiểm thảo, để nghe những con chó nhảy bàn độc lên giọng đạo đức giả ra rả ca bài ca khoan hồng của đảng và nhà nước và kêu gọi toàn dân đứng lên làm cách mạng vô sản. Bằng những thủ đoạn tinh vi xảo quyệt, bè lũ cầm quyền công khai cướp bóc trắng trợn tài sản, nhà cửa dựng lên từ mồ hôi nước mắt của người dân. Người có của một sớm một chiều hóa ra vô sản trong khi những kẻ tự cho mình là vô sản chuyên chính bỗng dưng trở thành những tư sản đỏ, những chủ nhân ông. Từng đoàn tàu xuôi về phương Bắc chở theo không biết bao nhiêu là tài nguyên vật lực và của cải của người dân miền Nam. Nhà tan, cửa nát, lắm người chỉ còn độc nhất một bộ đồ mặc dính trên người, nhưng đến như thế cũng vẫn chưa yên:
“Cơm không đủ ăn, đồ bán lần bán lữa
Em vẫn phải ra đi nắng gió nông trường
Hạt lúa này cho bác đảng thân thương
Khi dân tộc không no lòng dù khoai khô sắn cứng…”
(Khi ở Mandaluyong)
Trong cái mất mát thua thiệt tận cùng đó, tôi không còn biết làm gì khác hơn là co rúc lại để đối diện chính mình:
“Ta vẽ đời ta bằng viết nhọn
Khô mực đi rồi , ngòi đã hoen
Ta vẽ đời ta lên giấy trắng
Giấy cũng nhăn nheo những muộn phiền”
(Ta vẽ đời ta)
Cuộc sống vô cùng khốn đốn với ngày tháng bấp bênh trong một xã hội vô cùng điêu đứng:
“Càng nghĩ đến càng thấy mình hốc hác
Đời mênh mông, ta bé đến vô cùng
Không lẽ cứ nằm há mõm chờ sung
Không lẽ cứ nằm chửi đời đen bạc
Ruồi cợt cười bay quanh mồm chó ngáp
Cơn đói một ngày dài lưỡi run chân
Phép lạ nào bằng một mẫu xương
Phép lạ nào hơn dăm đầu cá thối
Không lẽ hóa trang làm thành cùi hủi
Khốn nỗi bây giờ bạc lẽ chẳng ai dư
Há mõm chờ sung chờ đến bao giờ
Chửi cứ chửi, đời vẫn đen hơn mõm chó
Sáng bơ vơ một mình qua phố
Người thấm đòn nên phố cũng quạnh hiu
Lời người chua hơn bát cơm thiu
Tiếng người chát hơn súng trường Tiệp Khắc
Người đã thấm đòn bởi đời quay quắt
Phố mõi mòn xe ngựa cũng im hơi
Người mãi rồi thành tỉnh vật mất thôi
Mặc đời sống động hơn ngày bão biển
Tối ta về âm thầm thắp nến
Nến thấm đòn nên lửa cũng vàng hoe
Ta chợt thấy mình cô đơn quá đỗi
Thần trí lăn theo vòng bánh u mê
Nỗi đau đời cao trong hồn nhức nhối
Còn gì cho ta ve vuốt đời mình
Con chó mê man bên đầu cá thối
Ta, dù mê man, sung cũng vẫn làm thinh
(Cuồng ca)
Rồi đến những cơn mưa đầu mùa không ngớt rơi xuống trên nóc nhà thành phố những giọt buồn miên man não nuột:
“Chiều lại mưa!
Cho ta nhìn mưa và cười ngạo nghễ
Đời ta là những cơn mưa
Mưa sầm sập trên lòng ta đổ nát
mưa căm căm trên áo mỏng, mệt nhoài
Đã mấy mùa mưa, mấy mùa luân lạc
rượu cạn ly rồi, sao chưa thấy mềm môi
úp ly xuống chiếu đời ta bế mạc
Mưa căm hờn, mưa chi lắm mưa ơi
mưa giam hãm kín hơn lòng ngục thất
Để ta thấy rằng thành phố, cơn say
Để ta thấy lòng vẫn còn chất ngất
Môi chưa mềm, thể xác đã loay hoay
Ta đưa mưa như đưa tình ngọt mật
Ta đưa người như gió lốc đưa mây
Người vẫn thế, vẫn môi cười thơm ngát
Mỗi mùa mưa trên phố xá lạnh đầy
Ta yêu mưa như biển yêu kình ngạc
Không rảnh gì để khóc mướn thương vay
Nếu một mai trong cơn mê ngầy ngật
Mưa hãy cười đưa tiển tuổi thơ ngây
Chiều lại mưa!
Cho ta nhìn mưa
và cười ngạo nghễ
Đời ta là những cơn mưa
Và thành phố,
người tình vô chung vô thủy
Chưa một lần ta phải xót xa đưa !
(Phố vũ hành)
Mưa lại càng nhắc tôi nhớ đến những đổ vỡ, mất mát:
“Nằm nghe mưa rớt ngoài hiên
Nghe hồn trăm nhánh ưu phiền tủa ra
Người đi mắt biếc lệ nhòa
Còn trong ta nỗi xót xa nghìn trùng
Sầu xưa chín rụng như sung
Tình xưa sóng vỗ nát vùng đời tôi
Bây giờ môi đã xa môi
Bây giờ thôi cũng đành thôi vẫy chào
Có gì để lại cho nhau
Mắt cay cay mắt, lòng đau đau lòng
Nằm đây mưa tạt vào song
Thấy đời như bóng ngựa hồng đã xa
(Chút tình đã xa)
Người đời đã không ngoa khi cho rằng thi sĩ là những kẻ tiên tri. Một thi sĩ học trò khi còn ngồi trên ghế nhà trường ở năm đệ tam, đệ nhị đã nhìn thấy trước một ngày mai dẫy đầy giông bão, một ngày mai mà chính mình trở thành kẻ xa lạ trên một thành phố rất quen thuộc, trở thành một tên lưu vong ngay trên đất quê hương:
“Đèn vàng phố lạnh hắt hiu
Lạ xa từ thuở biết yêu em rồi
Trăm năm tôi vẫn là tôi
Phố quen vẫn lạ với người ra đi...”
( Hoàng Định Nam, khoảng năm 1970)
Vất áo thư sinh, bước chân vào lính, bọn thanh niên chúng tôi đã:
“Tôi chiến đấu hồn nhiên như trẻ nhỏ
Bởi yêu em phượng đỏ với sân trường
Yêu em bé nghèo mò cua bắt ốc
Những mẹ già tần tảo nắng hai sương
Tôi cũng yêu ánh đèn đêm thị xã
Chưa bao giờ biết rực rỡ kiêu sa
Mắt xanh em chưa một lần nghi ngại
Và môi hồng chưa học tiếng điêu ngoa
Vùng hành quân băng sình hay trèo núi
Ngày hẩm hiu gạo sấy nước chua phèn
Tôi vẫn nghe ngon như đời mật ngọt
Mặc kệ người bỗng lộc với bon chen...”
Đau xót thay, nghiệp kiếm cung vừa bắt đầu đã vội gảy đổ và những người lính trẻ đầy nhiệt huyết đã bị bắt phải buông súng một cách bẽ bàng, chua xót:
“Rồi một ngày tôi rời khu phố nhỏ
Hồn chao nghiêng ngàn lốc xoáy ngoài trời
Gặp em bên thềm vu vơ giã biệt
Em nào hay đất chuyển với sông dời
Tôi đã đi vội vàng hơn đã đến
Tấm màn nhung khép lại quá ngỡ ngàng
Khi người lính tay không còn vũ khí
Thì em ơi lịch sử đã sang trang !
Trang máu lệ đầm đìa hơn bao thuở
Người lính nghẹn ngào tạ lỗi với muôn dân
Tôi tạ lỗi em, tạ lỗi thành phố nhỏ
Tạ lỗi người nhiều ít đã sơ, thân…”
(Hoàng Định Nam, Xin tạ lỗi cùng người)
Người lính bại trận trở về thành phố, nằm đếm buồn qua những giọt mưa tháng Năm năm 75 tí tách rơi vào cõi lòng tê tái,và thi sĩ là tiên tri:”Bóng tối vây quanh.Mắt đời- Thú dữ.Sẽ giam ta vào thềm đá xanh rêu”
“Trời vẫn mưa trên từng chiều Sài Gòn
Còn mắt nào nhìn đau trong tôi
Đau quằn quại như mưa trong lòng phố
Khi tôi về – chinh chiến đã tàn rơi
Đêm nằm ngủ trên đồi Thiên Cấm Sơn
Nhìn đèn phố Châu rực sáng huy hoàng
Tôi biết người thầm đau trong tuổi nhớ
Mà chưa tặng người đôi cánh bằng an
Đã xa chưa những chuyện tình huyền sử
Mà tôi về hồn trống những tin yêu
Bóng tối vây quanh. Mắt đời – Thú dữ
Sẽ giam ta vào tường đá xanh rêu!
Mơ phương nào mà thiên đường khép ngõ
Hoa phương nào mà gió mang đi
Tôi sợ cho người chiều lên bóng xế
Tôi về mà chưa kịp nói từ ly
Tôi về như cánh chim tan tác
Người ở đâu trong cơn bão đầy trời
Ngày mai mưa gió lòng thị xã
Tôi cũng về rồi – là vĩnh biệt người ơi
Ngày mai chiến trận không còn nữa
Mưa oán than giùm kẻ bại vong
Chiều nay đô thị mưa trầm uất
Sao mưa không êm bằng mưa Thất Sơn”
(HĐN,Mưa Sài Gòn,)
Một cuộc về vô cùng bi thảm. Nước mất, nhà tan, người yêu cũng chỉ còn là hư ảo:
“Tôi về gảy cánh uyên ương
Đỗ Quyên lạc nẻo, vạn đường phong ba
Tôi về bóng ngã chiều sa
Mưa đêm nhớ tuyến, lạnh nhà nhớ quân
Tôi về thở hết gian truân
Cạn ly tủi nhục, uống phần bại vong
Thì em hãy cứ một lòng
Bỏ tôi như thể mình không là gì…
(Hoàng Định Nam,Tôi ngày về)
Tiếp theo là những năm tháng đọa đày trong các trại tù Suối Máu, Bù Gia Mập, Long Giao… Người “tù cải tạo” sống sót trở về chỉ để nhận ra rằng mộng mơ ngày nào đã như hạc vàng bay vút trong mây:
“Ta về trăng đã khuya, tan
Lầu hoang vắng, gió. Hạc vàng bay, mây
Ta về mộng úa mơ phai
Lỡ chân Từ Thức lạc ngay chợ trần”
(Hoàng Định Nam,Nhớ Ngày về năm 81)
Về để đứng trước một ngả ba đường đầy bất trắc, để thấy mình lạc loài ngay trên mảnh đất quê hương đúng như những lời thơ mà thi nhân đã viết từ hơn mười năm trước khi còn trong tuổi học trò:
Ta về sông rẽ giòng trôi
Trời đôi hướng định, người đôi hướng đời
Người lưu vong ở xứ người
Ta lưu vong mãi ở nơi quê mình
(Hoàng ịnh Nam, Nhớ ngày về năm 1981)
Ngày tháng tù đày càng xót xa hơn khi thi nhân nghĩ về mối tình đầu của một thời thơ ngây, thư sinh đẹp như hoa bướm:
“Mười năm rồi, phải không Mai ?
Có bao giờ Mai chợt nhớ
Mảnh trời xanh rất thắm ở xa xưa
Và có bao giờ Mai biết được
Kẻ mười năm kia trong xiềng xích chông gai ?
Mười năm qua bao cơn bụi lốc
Phủ hồn tôi như sa mạc thét gào
Mười năm, tôi gảy cánh thiên di
Trong tù ngục, đời nghe như trống trải
Mười năm, có bao giờ Mai lật lại
Chồng thư năm xưa nắn nót những đêm dài
Run nét chép những nhớ thương xanh biếc ?
Và có bao giờ Mai tiếc
Thời gian làm hoen ố tuổi thơ hồng
Và mờ đi tình thủy tinh trong ?
Mười năm qua, tôi vẫn còn trăn trở
Và ngẩn ngơ với mất mát tình đầu
Tưởng người đi một lần rồi sẽ hết
Người vẫn về khơi vực tim sâu
Hồn tôi vẫn vô cùng u thẳm
Mà em chưa mỏi cánh thiên nga
Hồn tôi vẫn vô cùng tăm tối
Mà em chưa nhạt ánh trăng ngà
Em muôn đời vẫn là dây hoa rực rỡ
Trên bờ tường tôi trơn tuột, ngu ngơ
Ơi mười lăm, thiên thần cánh mỏng
Sa vào đời nhau thương nhớ vụng khờ
Mười năm, trên triền cỏ non
Còn thơm dấu chân nai hồng ngọc
Còn đọng giọt sương mai tinh khiết
Mà mười năm, tôi – đời chuyển – đã bao lần
Mười năm tôi đứng bên đây bờ vọng tưởng
Nhìn sang bên kia sông xanh rợp bóng dừa
Đã bao lần nhìn chuyến đò đưa
Mà chẳng dám cho mình tìm đến
Ôi, những chuyến đò chở nhớ thương không hết
Mười năm qua tôi mơ một tình cờ
Gặp lại Mai trên phố
Chỉ một lần thôi, tương ngộ
Mà mười năm … đã chẳng bao giờ …
(hoàng định nam,Mai)
Người chiến sĩ miền Nam mang hành trang một kẻ sĩ thời Xuân Thu,Thời Chiến Quốc đi vào tù cải tạo.Cánh chim nhỏ không làm được giông bão xoay ngược thế cờ,thì muốn vào sống với rừng sâu ,suối cạn để không ăn gạo nhà Châu,uống nước nhà Châu như Bá Di ,Thúc Tề ngày xưa.
“Còn em giấc ngủ xanh gầy
Còn ta thù hận trải đầy chiêm bao
Xăm xoi ngày tháng mòn hao
Vì em ta gác mộng vào thiên thu
Ta về đốt ngọn lửa hư
Mở trang sách cổ học như Di, Tề
Đời bay trên ngọn lửa mê
Mưa qua trút lá, sông về biển Đông
Nước khe trong, dịu bớt lòng
Trả đời lại với những phong ba này
(Hoàng Định Nam,Mỏi cánh, Suối Máu 77)
Mỗi tháng Tư là một đợt sóng ngầm dội mãnh liệt vào những viên đá cuội ký ức tưởng đã chìm sâu trong tận cùng vực sâu quá khứ, làm tung lên đám rong rêu muộn phiền của những ngày thất trận xa xưa. Mỗi lần tháng Tư đến là một lần hình ảnh người lính miền Nam bồi hồi sống lại trong lòng người tha hương. Có hình ảnh người lính nào trên thế giới này đẹp hơn hình ảnh người lính miền Nam? Những người lính với tuổi đời son trẻ, bỏ lại sau lưng tất cả để lúc nào cũng “Vùng hành quân băng sình hay trèo núi, ngày hẩm hiu gạo sấy nước chua phèn”. Những người lính rất hiền hòa, nhân hậu, có người chưa biết thế nào là đôi môi mọng đỏ của cô gái đang độ xuân thì, chưa một lần nắm tay người yêu dạo chơi trên phố. Đồng lương chết đói không đủ cho một cuộc rượu sau những ngày hành quân nhưng họ vẫn biết đó là mồ hôi và nước mắt của người dân miền Nam, là tấc đất, ngọn rau, là niềm tin, hoài vọng của người dân nhân hậu nương nhờ vào tay súng của họ để đánh đuổi giặc thù, giữ yên làng xóm. Vì thế mà họ, những người lính ốm o gầy mòn vì thiếu ăn hụt uống đó vẫn “chiến đấu hồn nhiên như trẻ nhỏ”, cố không phụ lòng tin của cô bác bà con. Cho dẫu đến khi sức cùng lực kiệt, bị bức tử, bị bắt buộc phải buông súng rã hàng, họ vẫn cảm thấy như ơn chưa đền, nợ chưa trả, và vì thế người lính miền Nam trong chất ngất nỗi đau đã “Trang máu lệ đầm đìa hơn bao thưở, Người lính nghẹn ngào tạ lỗi với muôn dân. Tôi tạ lỗi em, tạ lỗi thành phố nhỏ, Tạ lỗi người nhiều ít đã sơ, thân…” Ngày cuối cùng của cuộc chiến, có không ít những anh lính-tàu-bay đã tuôn trào nước mắt khi thấy chiếc trực thăng thân yêu bị xô xuống lòng biển thẳm để dành chỗ cho những con chim sắt đến sau; có không ít những chàng thủy thủ đã lặng người nhìn con tàu mà một thời đã từng chia ngọt xẻ bùi với mình phải bị thủy táng. Con tàu, như một phần thân thể và linh hồn của họ, chìm dần xuống lòng biển mang theo cả một quá khứ oai hùng và cả mộng trường đồ của những chàng trai một thời tang hồ bồng thỉ:
“Ta lạnh lùng theo nước
Đại dương xanh vời vợi giấc hồ trường
Ngập trong lòng trăm nhớ ngàn thương
Thân thép nguội còn lung linh hồ thỉ
Ngang dọc một giàn cờ tế thủy
Đi về đâu?
Ta ngã sẽ về đâu?
Rong rêu xanh, tóc chửa thay màu
Mắt quắc
Chết
Với gươm thiêng chống đứng
Vĩnh biệt những bờ xanh đá dựng
Ta không về
Bến trả lại Trường Sơn
An Thới, Thổ Châu
Hãy hủy dùm ta lời hẹn biển thề non
Sinh tử
Với anh em
Ta
Chiến đỉnh
Hận một nỗi
Những tâm hồn đông tĩnh
Mộng trường đồ
Chưa về đến bến
Đại lễ
Bắt gươm chào
Một lần sao vuốt mắt cho nhau
Vào lòng biển, màu cờ thay sắc áo
Chào tất cả anh em chung hoài bảo
Quyết dựng cờ không bỏ đảo Hoàng Sa
Nay ta đành
Xuôi tay
Mặc tình
Bão táp phong ba
Đừng rơi lệ
Hởi những thằng con của biển!
Nay ta đã vào cuối đời chinh chiến
Xót xa gì, đưa tiễn bận lòng thôi
Ngẩng đầu lên
Ta đã có một cuộc đời
Hiển hách
Chết.
Anh hùng ngã ngựa.
(Tâm Tưởng, 604 chào vĩnh biệt)
Một lần nữa tháng Tư lại đến. Hai mươi chín năm đã qua. Những người lính trẻ ngày xưa bây giờ như “chàng Siêu tóc đã điểm sương”. Những người lính già nhưng hồn vẫn rưng rức với một “quả tim này quá thiết tha”. Có lắm người lính già đã vĩnh viễn ra đi mang theo mộng trường đồ xuống tận đáy mồ. Triều đại nhà Hồ vẫn chưa cáo chung và trăm Việt vẫn còn long đong không khác gì hai mươi chín năm về trước. Liệu rồi những người lính của thế hệ tôi sẽ còn được bao nhiêu lần đếm những tháng Tư oan nghiệt đi qua trong đời trước khi trở về cát bụi? Có một điều tôi biết, trong lòng người lưu vong, niềm tin cho một ngày mai quê hương đổi mới vẫn rực vàng như màu cờ mà một thời bọn tôi, những người lính miền Nam đã từng đem máu xương ra gìn giữ.
Vũ Đình Trường
4/2004