Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên gây tiếng vang lớn tại Ba Lan

Nguyễn Văn Huy

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã tổ chức thành công đại hội 2004 tại Warsaw, thủ đô Ba Lan, trong ba ngày 26, 27 và 28 tháng 7, 2004. Đây cũng là đại hội đầu tiên của tổ chức chính trị này từ năm 2000. Đại hội đã qui tụ hơn 50 đại biểu đến từ nhiều quốc gia : Ba Lan, Tiệp, Đức, Pháp, Anh, Hòa Lan, Bỉ, Canada và Hoa Kỳ. Ngoài ra còn khoảng 20 thân hữu tham dự với tư cách khách mời.

Đại hội đã được sự yểm trợ nồng hậu của giới chính trị và báo chí Ba Lan. Nhiều nhân vật có uy tín trong chính trường Ba Lan đã có mặt trong buỗi lễ khai mạc đại hội và bày tỏ sự ủng hộ, như ông Romaszewski, thượng nghị sĩ, chủ tịch ủy ban nhân quyền Thượng viện Ba Lan, một người đấu tranh rất tích cực cho dân chủ và nhân quyền từ hơn 15 năm qua và đã từng gây sóng gió tại Cuba, Chechnya, Trung Quốc ; ông Drozdek, viện trưởng Viện Nghiên Cứu Chính Trị Xã Hội Paderewski ; ông Olgenbrand, tổng thư ký viện Paderewski và ông Krzyszton, chủ tịch phân viện Viễn Đông của viện Paderewski ; ông Razenboski là phối trí viên của người Ba Lan hải ngoại yểm trợ cuộc tranh đấu của công đoàn Đoàn Kết (Solidarnosc), tổ chức đánh đổ chế độ cộng sản tại Ba Lan năm 1989, và hiện là nhân vật chính trị tích cực của khuynh hướng dân chủ Thiên Chúa Giáo ; bà Maria Kruczkowska, trưởng ban châu Á của báo Gazeta Wyborcza, tờ báo do công đoàn Đoàn Kết thành lập và hiện là tờ báo lớn nhất tại Ba Lan ; và linh mục Edward Osieki, người đã tận tình bênh vực người Việt tại Ba Lan trong nhiều năm qua và đang thành lập Hội liên đới người Việt tại Ba Lan.

Viện Paderewski, mang tên một vị nguyên thủ quốc gia rất được kính trọng trong thập niên 1940 và được người Ba Lan coi như một anh hùng dân tộc, là cơ quan nghiên cứu chính trị xã hội cung cấp ý kiến cho cánh hữu Ba Lan. Sự hiện diện của cả ba người lãnh đạo viện chứng tỏ trí thức Ba Lan đánh giá cao lập trường và các lý luận của đối lập dân chủ Việt Nam.

Ngày hôm sau, một số chính khách Ba Lan, do ông Plazynski, cựu chủ tịch quốc hội, một trong những người có thể sẽ trở thành thủ tướng Ba Lan sau cuộc bầu cử sắp tới, đã tới thăm và trao đổi với các đại biểu.

Tuy tất cả những nhân vật đến tham dự và phát biểu tại đại hội đều là những nhân vật độc lập hoặc thuộc phe đối lập cánh hữu, chính quyền Ba Lan, do đảng Dân Chủ Xã Hội xuất phát từ phe cởi mở trong Đảng Cộng Sản Ba Lan trước đây, đã dành cho đại hội này mọi dễ dãi và đã thỏa mãn nhanh chóng những yêu cầu của ban tổ chức.

Ông Nguyễn Gia Kiểng đọc diễn văn khai mạc, cảm ơn chính quyền Ba Lan và các vị khách quí. Theo ông Kiểng, việc Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên chọn thủ đô Ba Lan làm địa điểm tổ chức đại hội đầu tiên trong thế kỷ 21 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Ông nói : “Dân tộc Ba Lan anh hùng đã làm cả thế giới phải ngỡ ngàng kính phục khi chống lại một cách dũng cảm đạo quân xâm lược nhiều lần mạnh hơn của Hiltler trong thế chiến II và, quan trọng hơn nữa, đã bắn phát súng lệnh mở đầu cuộc nổi dậy giải phóng các dân tộc không may mắc vào ách cộng sản. Trong thế kỷ 20 trái tim của nhân loại đã hai lần đập tại Ba Lan. Warsaw đã là biểu tượng của sự bất khuất, Gdansk đã lá ánh sáng hy vọng của tự do… Hôm nay chúng tôi rất hân hạnh được tiếp những người đã đóng vai trò lãnh đạo cuộc cách mạng Solidarnosc, những người đã viết lên những trang sử rất vẻ vang không riêng của Ba Lan mà của cả nhân loại”.

Chúc mừng các đại biểu về tham dự đại hội, ông Kiểng nói : “Các bạn đại diện cho các thành viên của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, những con người phi thường đã chọn lựa thay đổi thay vì chịu đựng lịch sử, đã quyết tâm làm tác nhân thay vì nạn nhân của lịch sử. Chúng ta sẽ viết lên một trang sử mới vẻ vang cho Việt Nam”.

Ông Kiểng đưa ra một lý do khác để tổ chức đại hội tại Ba Lan. Đó là gần như toàn bộ ban tổ chức đại hội là những người xuất phát từ chế độ cộng sản. [Ông Trần Ngọc Thành, trưởng ban tổ chức, là một đảng viên cộng sản từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền cộng sản. Cô Tôn Vân Anh, thông dịch viên tiếng Ba Lan của đại hội, là cháu nội ông Tôn Quang Phiệt, một trong những sáng lập viên của đảng cộng sản từng giữ chức vụ phó chủ tịch quốc hội]. Điều này, theo ông Kiểng, chứng tỏ rằng Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã vượt được làn ranh quốc-cộng và qui tụ được những người dân chủ từ mọi quá khứ.

Ông Romaszewski đã bày tỏ sự ủng hộ nồng nhiệt đối với Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Ông đánh giá cao sự kiên trì tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền trong một thế giới mà cuộc chạy đua chính là lợi nhuận và nỗi ám ảnh chung là khủng bố. Ông đả kích thái độ dễ dãi của một số nước phát triển đối với các chế độ độc tài toàn trị như Việt Nam, Trung Quốc, Cuba, Bắc Triều Tiên, Iran. Ông nhấn mạnh rằng cuộc chiến tranh chống khủng bố chỉ có ý nghĩa nếu được đặt trên nền tảng dân chủ và nhân quyền.

Các ông Drozdek và Olgenbrand, chủ tịch và tổng thư ký viện Paderewski, hai lý thuyết gia của khuynh hướng dân chủ Thiên Chúa Giáo đồng thời cũng là cán bộ rất đắc lực của công đoàn Đoàn Kết ngay từ những ngày đầu, đều đã phát biểu một cách rất chân tình. Hai ông nói rằng công đoàn Đoàn Kết đã rất thiếu chuẩn bị để quản trị đất nước, mọi cố gắng chỉ nhắm lật đổ chính quyền cộng sản, đến khi nắm được chính quyền thì không biết làm gì nên đã rất bối rối và vấp váp. Các ông nói rằng Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên có một dự án chính trị rất đầy đủ, chứng tỏ một sự trưởng thành chưa từng có ở một tổ chức chính trị đối lập trong một nước cộng sản.

Ông Drozdek nói rằng cuộc đấu tranh dân chủ nào cũng rất khó khăn bởi vì những người dân chủ vừa ít phương tiện lại vừa không thể sử dụng những biện pháp bất chính của các tập đoàn độc tài. Tuy nhiên cuối cùng cái gì phải đến sẽ đến vì dân chủ là xu hướng không thể chống lại được của thế giới. Ông dùng hình ảnh con chim đậu trên một cành cây để nói rằng các chế độ cộng sản rất lầm khi nghĩ mình mạnh, không khác gì con chim nghĩ rằng mình quan trọng hơn cành cây. Nhưng rồi khi chim bay đi cành cây vẫn ở đó. Ông cho rằng Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã rất sáng suốt khi chọn con đường đấu tranh bất bạo động trong tinh thần hòa giải dân tộc bởi vì không có chọn lựa đúng đắn nào khác. Ông nói : “Tôi nói với các bạn một điều rất quan trọng, các bạn sẽ thành công trong việc đánh đổ chế độ cộng sản, các bạn phải suy nghĩ ngay từ bây giờ những gì sẽ làm sau đó”.

Phát biểu trong ngày hôm sau, cũng là ngày mà đại hội thảo luận về hiện tình đất nước và những đòi hỏi của giai đoạn trước mắt, ông Plazynski, nhân vật ưu tú hàng đầu của khuynh hướng dân chủ Thiên Chúa Giáo Ba Lan và là một trong những người có triển vọng trở thành thủ tướng Ba Lan sau cuộc bầu cử sắp tới, nói rằng chế độ cộng sản chắc chắn sẽ bị xóa bỏ tại Việt Nam, đối lập dân chủ Việt Nam dù đang trải qua một giai đoạn khó khăn vì kinh tế thế giới chưa được lành mạnh và mọi chú ý được dành cho cuộc chiến chống khủng bố nhưng dân chủ sẽ thắng, các bạn không bao giờ được quên điều này. Ông cũng lấy làm tiếc rằng vì Ba Lan còn đang bối rối trước một tỷ lệ thất nghiệp 20% nên không thể yểm trợ tích cực hơn cho các cuộc đấu tranh cho dân chủ trên thế giới và đặc biệt là tại Việt Nam, nhưng Ba Lan lúc nào cũng là đồng minh tận tình của các lực lượng dân chủ. Ông nói những người dân chủ trên thế giới đều là anh em vì cùng theo đuổi một lý tưởng chung là làm cho thế giới văn minh hơn, tự do hơn và đẹp hơn. Ông nói thêm : “Các bạn đã rất sáng suốt khi chọn lập trường đa nguyên, bất bạo động và hòa giải dân tộc. Nếu các bạn chọn con đường thù hận và bạo lực thì các bạn chắc chắn sẽ thất bại vì đó là sở trường của các chế độ cộng sản”.

Trong đáp từ, ông Nguyễn Gia Kiểng nói rằng những người lãnh đạo cuộc cách mạng Solidarnosc không chỉ là những ân nhân của dân tộc Ba Lan mà còn là ân nhân của cả nhân loại vì họ đã thức tĩnh và đem lại niềm tin cho mọi dân tộc sống dưới các chế độ độc tài. Họ đã chứng minh rằng lẽ phải và sự bao dung đủ sức để đánh bại ngay cả chế độ độc tài tinh vi nhất là độc tài cộng sản. Solidarnosc không phải chỉ là một trang sử của Ba Lan mà còn là khúc quanh hy vọng của cả thế giới.

Ông Bùi Tín đã tiếp lời ông Kiểng, trình bày sự phân hóa cao độ của chế độ cộng sản Việt Nam. Ông nói rằng đây là lần thứ bảy ông tới thăm Ba Lan, những lần đầu với tư cách một viên chức cao cấp cộng sản, nhưng chưa bao giờ ông hân hoan bằng lần này. Chế độ cộng sản đã đi vào giai đoạn cuộc cùng của quá trình tan rã, nhân dân Việt Nam sẽ giành được dân chủ và sẽ không bao giờ quên sự yểm trợ của Ba Lan đối với cuộc vận động dân chủ.

Trong ba ngày làm việc, các đại biểu Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã thảo luận về bối cảnh thế giới, hiện tình đất nước, các thử thách và hy vọng của giai đoạn mới và phương hướng phát triển của tổ chức. Họ cũng kiểm điểm lại nội qui mới sau ba năm áp dụng và thảo luận về những nét chính của văn hóa tổ chức mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đang phát huy để chuẩn bị đội ngũ cho giai đoạn quyết định sắp tới.

Giới truyền thông Ba Lan đã dành cho đại hội một sự chú ý đặc biệt. Các tờ báo đều có tường thuật, đặc biệt là tờ Gazeta Wyborcza. Đài truyền hình Ba Lan đã đưa tin với đầy đủ hình ảnh lễ khai mạc đại hội trong nhiều chương trình tối 26-7-2004 và sau đó có một phóng sự dài về sinh hoạt tại đại hội. Bản tường thuật này được phát lại nhiều lần.

Đại hội kết thúc bằng một cuộc tiếp xúc thân mật với cộng đồng người Việt tại Ba Lan tối ngày 28-7-2004. Ông Bùi Tín đã thay mặt Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên trình bày với đồng bào hiện tình đất nước. Ông phân tích tỉ mỉ sự rạn nứt của Đảng Cộng Sản Việt Nam, thể hiện qua những xung đột dữ dội ở cấp cao, được trình bày trong thư gửi ban lãnh đạo của thượng tướng Nguyễn Nam Khánh. Ông Bùi Tín cũng lên án gay gắt hành động nhượng đất và biển cho Trung Quốc sau một phân tích cặn kẽ về tình trạng biên giới và vịnh Bắc Bộ.

Bên lề đại hội này, các ông Búi Tín, Nguyễn Gia Kiểng, Phạm Ngọc Lân và bà Quản Mỹ Lan đã có nhiều trao đổi với giới chức Ba Lan. Họ đã lậëp lại nhiều lần yêu cầu nhà cầm quyền Ba Lan đối xử một cách bao dung hơn với người Việt tại Ba Lan mà đa số chưa có giấy tờ hợp lệ. Giới chức Ba Lan đã lắng nghe với sự trân trọng và đồng tình.

Đại hội Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên 2004 tại Warsaw thành công về mọi mặt, ngoài mức độ chờ đợi.

Nhắc lại, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên được thành lập tại Pháp cuối năm 1982 với một lập trường chính trị rất độc đáo vào thời điểm đó : đấu tranh để thiết lập một thể chế dân chủ đa nguyên, trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, bằng những phương thức bất bạo động. Bắt đầu từ một nhóm khoảng mười người, tất cả đều thuộc miền Nam cũ, nhóm này đã dần dần lan ra các nước khác và xâm nhập vào cả Việt Nam. Năm 1988 họ cho xuất bản nguyệt san Thông Luận gây rất nhiều tranh cãi sôi nổi. Bắt đầu từ năm 2000 họ mang tên chính thức là Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Tổ chức này được đặc biệt chú ý với nhiều cảm tình tốt sau khi các nhân vật thuộc nhóm Đà Lạt như Hà Sĩ Phu, Mai Thái Lĩnh, Bảo Cự, Bùi Minh Quốc và các thành viên Nhóm Dân Chủ, phần lớn ở Hà Nội, như Nguyễn Thanh Giang, Phạm Quế Dương, Trần Khuê, Vũ Cao Quận, Phạm Hồng Sơn, Lê Chí Quang, Nguyễn Vũ Bình, lần lượt bị bắt giam và bị ghép tội có liên lạc với Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên.

Đại hội Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên 2004 đã gây bất bình cho chính quyền Hà Nội. Ngay khi đại hội mở ra, một truyền đơn mà mọi người nghỉ là xuất phát từ tòa đại sứ Việt Nam tại Warsaw, được phổ biến rêu rao là ông Nguyễn Gia Kiểng đến Ba Lan để làm tiền và khuyên đồng bào đừng ủng hộ đại hội để tránh tai họa. Vài ngày sau khi đại hội bế mạc, Hà Nội đã cử ông Hồng Vinh, ủy viên trung ương đảng, phó trưởng ban tư tưởng văn hóa, sang Ba Lan trong cố gắng để nắm lại tình thế.

Nguyễn Văn Huy tường thuật

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button