TÁC GIẢ & TÁC PHẨM

Trần Yên Hòa ghi lại theo băng cassette

Trong tuần vừa qua, lúc 5:30 ngày Thứ Bảy 22/5/2004, Đài phát thanh VNCR trong mục “Tác Giả Tác Phẩm có cuộc nói chuyện giữa nhà văn Phạm Phú Minh, phụ trách chương trình với Tác Giả Trần Yên Hòa về 2 tác phẩm Mẫu Hệ và Áo gấm Về Làng mà ông vừa xuất bản. Sau đây là nội dung cuộc nói chuyện.

VNCR, Hồng Nga: Thưa quý thính giả.

Khác với hai tuần vừa rồi mục Tác Giả và Tác Phẩm đã mời quý vị nghe về một tác giả của dĩ vãng thuộc vào tiền bán Thế Kỷ20 là Phan Khôi, tuần nầy chúng tôi xin quay trở lại về hiện tại, để giới thiệu một tác giả tương đối còn trẻ và hai tác phẩm vừa xuất bản. Đó là Tác Giả Trần Yên Hòa và hai tác phẩm:

Mẫu Hệ, truyện dài.

Và Áo Gấm Về Làng, tập truyện ngắn.

Để giới thiệu hai tác phẩm với quý vị thính giả đài VNCR, chương trình Tác Giả Tác Phẩm hôm nay đã mời tác giả Trần Yên Hòa tới đài VNCR để hầu chuyện cùng quý vị.

Sau đây là trao đổi giữa nhà văn Phạm Phú Minh, phụ trách mục Tác Giả Tác Phẩm với tác giả Trần Yên Hòa.

PPM: Chào anh Trần Yên Hòa. Sau nhiều năm tháng được quen biết với anh, đã nhận nhiều chuyện của anh để đăng trên Thế Kỷ 21 mà tôi phụ trách, nhưng hôm nay lại là lần đầu tiên được gặp gở anh tại phòng vi âm của đài VNCR. Lý do thì anh đã biết rồi, là trong tháng 4 vừa qua, anh đã cho ấn hành hai cuốn sách của mình, và chúng tôi thì muốn giới thiệu anh và tác phẩm của anh với quý thính giả của đài VNCR. Vậy xin anh cho biết hai tác phẩm nầy.

TYH: Kính thưa nhà văn Phạm Phú Minh, thưa thính giả Đài VNCR.
Trong tháng tư vừa qua nhà xuất bản Thế Kỷ đã cho xuất bản 2 cuốn sách mới của tôi, đó là truyện dài Mẫu Hệ và tập truyện ngắn Aùo Gấm Về Làng.

PPM: Chúng ta nên bắt đầu phần tác giả trước, vì phải có người viết thì mới có tác phẩm được viết. Để độc giả biết về anh, xin anh cho biết đôi dòng về tiểu sử..

TYH: Thưa anh, tôi tên thật là Trần Văn Hòa, viết văn, làm thơ lấy bút hiệu là Trần Yên Hòa. Tôi sinh ngày 20 tháng 12 năm 1947 tại xã Kỳ Mỹ, quận Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Theo học trường Trung Học Trần Cao Vân trong suốt thời gian Trung Học. Đậu tú tài phần 2 niên khóa 65-66. Vào Sài Gòn học tại Đại Học Luật Khoa. Sau đó đi dạy tại trường Trung Học Mộ Đức, Quảng Ngãi và tại trường Lý Tín, Quảng Tín. Cuối năm 1968, tôi tình nguyện thi vào trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt, khóa 2 SVSQ, ra trường ngày 19/2/1971. Khi ra trường, đổi về sư đoàn 2, trung đoàn 6 bộ binh, về đại đội lẻ tác chiến. Đến năm 1973, tôi được thuyên chuyển về làm sĩ quan Thanh Tra tai Văn phòng Tổng Thanh tra Quân Đoàn I và Quân khu 1.
tại Đà Nẵng.
Sau 30/4/75 đi tù, về năm 1981, đi kinh tế mới ở Tân Biên, Tây Ninh. Sau về Sài Gòn làm đủ mọi nghề, vá sửa xe đạp lề đường, bán bánh bò bánh tiêu, đạp xe xích lô, bỏ hàng phụ tùng xe đạp…Sang Mỹ tháng 3/1995, làm công nhân hãng Mỹ.

PPM: Theo tôi biết thì anh cầm bút khá lâu, từ trước năm 75. Xin anh cho biết quá trình viết của anh?

TYH: Thưa anh, Nếu kể, từ hồi con học trung học, lớp đệ ngũ đệ tứ gì đó tôi đã làm thơ và viết truyện. Truyện ngắn đầu tiên đăng trên tờ Hoa Đàm khoảng năm 1964, một tờ báo Phật Giáo ở Quảng Tín ký tên là Thùy Phương Linh và thơ tôi đăng ở Tiểu Thuyết thứ năm, tuần san Thứ tư, ký tên là Trần Hoài Huyền. Đến năm 1968 tôi mới lấy tên Trần Yên Hòa, đăng thơ trên tờ Tuoiå Ngọc, Khởi Hành, truyện đăng trên nhật bào Tiền Tuyến và các đặc san Quân Đội.

PPM: Trong thời gian đó đến nay anh đã cho ra đời bao nhiêu tác phẩm rồi?

TYH: Thưa anh, 5 tác phẩm, 2 tập thơ, 2 tập truyện ngắn và một truyện dài. Tập thơ đầu tiên là tập Lời Ru Tình, in chung với một số anh em làm thơ cùng khóa 2/CTCT ở Đà Lạt, đầu năm1971, ngày bọn tôi sắp xuống núi.

PPM: Sau khi ra trường, tức là bắt đầu sống đời quân ngũ, anh có viết không?

TYH: Thưa anh! Khi ra trường tôi bị đổi đi đơn vị tác chiến. Tuy mang danh là SQ/CTCT nhưng đi hành quân như điên. Như anh biết đó, ngành CTCT trong quân lực VNCH lúc đó chỉ để trang trí thôi chứ không có thực quyền. Tất cả quyền hành là ở trong tay các đơn vị trưởng. Đi hành quân đánh giặc cũng có nhiều cảm hứng và cảm nhận lắm, nhưng tôi không có thì giờ để viết. Thời gian ấy tôi chỉ làm một số bài thơ đăng báo.
Nhưng khi đi tù cộng sản thì bọn tôi được nâng cấp, Sĩ quan CTCT bị lên án gắt gao, ngành CTCT được xếp một trong những ngành nghề ác ôn nhất, nên anh em cùng trường tụi tôi ai cũng ở tù dài dài, phần đông anh em bị đưa ra tận miền Bắc.
Tôi qua Mỹ năm 1995 theo diện HO, tôi tiếp tục viết truyện và thơ đăng trên Thế Kỷ 21, Văn, Văn Học, Khởi Hành, Người Việt, Sài gòn nhỏ, Thời Luận, Sóng Văn, Hồn Việt v.v…Nay tôi làm chủ bút Đặc San Quảng Nam, tiếng nói của Hội Đồng Hương Quảng Nam Đà Nẵng nam Cali và Đặc San Ức Trai, tiếng nói của Tổng Hội Aùi Hữu cựu SVSQ/TĐH/CTCT/Đà Lạt.

PPM: Theo nhận xét của tôi, anh là nhà văn viết khỏe hiện nay. Và mỗi lần xuất bản, anh cho ra đời 2 cuốn một lúc. Năm 2001, anh xuất bản một tập truyện ngắn và một tập thơ. Ba năm sau, tức là đầu năm nay, 2004, anh lại cho in một tập truyện ngắn và một tập truyện dài. Xin anh giới thiệu 2 tác phẩm mới của anh? Trước hết xin anh nói qua về cuốn truyện dài.

TYH: 2 tác phẩm mới xuất bản của tôi là: Truyện dài: Mẫu Hệ, dày 420 trang. Tranh và trình bày bìa, họa sĩ Hồ Thành Đức, phụ bản của họa sĩ Bé Ký.
Câu chuyện ghi lại giai đoạn từ 30/4/75 đến thời điểm có chương trình HO.
Một cảnh đời bi thảm sau cuộc chiến. Người đàn ông bị tập trung cải tạo, đói khát, bệnh tật, lao động khổ sai, không ngày về. Người đàn bà ở nhà với đàn con dại, bị phân biệt đối xử, phải lao vào đời để kiếm miếng ăn. Những phản trắc, lọc lừa, ngoại tình, xác thịt, dược viết một cách trung thực với đầy đủ vóc dáng và nhân diện của từng nhân vật. Trong truyện còn ghi lại một thời buổi nhiễu nhương của đất nước trước và sau 30/4/75, các tướng công sứ quân cát cư từng vùng. Tôn giáo, Đảng phái, Sinh Viên học sinh tranh đấu rồi Hộ khẩu, lý lịch, tham ô, hủ hóa.

PPM: Vâng, còn tập truyện ngắn?

TYH: Tập thứ hai là tập truyên ngắn “Aùo Gấm Về Làng”, tranh và trình bày bìa cũng do họa sĩ Hồ Thành Đức, phụ bản Bé Ký, dày trên 300 trang, gồm 19 truyện ngắn, có một số truyện đã đăng ơ Tạp chí Thế Kỷ 21 như Aùo Gấm Về Làng, Con Đen, Thị Xã, đăng ở nhật báo Người Việt như Hoạt Cảnh Đời, Chuyện Kiều, Hạ Cánh, Quà Tết…
Những truyện đều mang âm vọng một cảnh đời, một bất trắc, một buồn thảm mà chúng ta ai cũng đã trải qua trong những ngày dài tang thương của đất nước.

PPM: Thưa quý thính giả, quý vị đang nghe chương trình Tác Giả và Tác Phẩm của đài VNCR trên làn sóng 1190 AM, phát thanh vào cuối tuần. Hôm nay chúng tôi phỏng vấn nhà văn Trần Yên Hòa về hai cuốn sách mới xuất bản của anh, cuốn truyện dài Mẫu Hệ và tập truyện ngắn Aùo Gấm về Làng.
Thưa anh Trần Yên Hòa, anh vừa lược qua nội dung của hai cuốn sách mà anh mới cho xuất bản. Cho tôi đi vào chi tiết của một trong hai cuốn đó, cuốn truyện ngắn Aùo Gấm Về Làng.
Với anh, quan niệm truyện ngắn phải viết như thế nào?

TYH: Thưa anh, các truyện của tôi đều có cốt truyện, hoặc bất hạnh hoặc hạnh phúc, nhưng phải lột tả cái thật. Truyện ngắn của tôi không phải là truyện để tuyên truyền hay đã phá, truyện của tôi dàn trải những cảnh đời của những nhân vật, như một cuốn phim chân thật, trung thực trong một cuộc sống nào đó. Tôi không tô hồng và cũng không bôi đen, mà chỉ ghi lại vóc dáng của một cảnh đời, còn yêu thích hay ghét bỏ những nhân vật, đánh giá là ở phần độc giả.

PPM: Đề tài anh viết thường là gì?

TYH: Thưa anh, sau 30/4/75 tôi ở lại, bị tập trung cải tạo, khi được thả ra, trở về sống trong xã hội VN đến những 14 năm, dĩ nhiên tôi nhận chân được ở riêng tôi, ở bạn bè tôi, ở thân nhân, láng giềng hàng xóm tôi, có những cảnh đời, đáng viết nên tôi ghi lại. Đề tài của tôi thường là viết về người tù cải tạo, vợ con tù cải tạo, cán bộ công an cộng sản và những con người trong xã hội đó.
Sau khi qua Mỹ, tôi cũng có viết về những con người VN sống ở Mỹ, người qua trước đối với kẻ qua sau. Nói chung là mọi cảnh đời.

PPM: Thưa nhà văn Trần Yên Hòa, trong một nỗi ưu tư của người viết lách hiện nay là vấn đề xuất bản. Theo phản ảnh của những nhà xuất bản mà chúng tôi được biết, mức độ tiêu thụ sách của người VN tại hải ngoại càng ngày càng sút giảm. Điều nầy cũng có thể hiểu được. Số người đọc tiếng Việt của cộng đồng chúng ta ngày một ít đi, vì thế hệ di dân thứ nhất càng ngày tuổi càng cao và càng hao hụt đi, thế hệ thứ hai đã trưởng thành tại Mỹ lại không rành tiếng Việt. Trong tình hình như vậy, sự tiêu thụ sách càng ngày càng bớt đi, ngày một chậm lại.
Theo kinh nghiệm viết và in sách của anh, đặc biệt là sau hơn một tháng phát hành hai cuốn truyện nghắn và dài nầy, anh thấy tình hình tiêu thụ sách như thế nào?

TYH: Thưa anh, xin nói cho anh mừng, đến bây giờ thì coi như việc phát hành rất khả quan, ngoài một số sách do nhà phát hành Tự Lực nhận phát hành, sách tôi gởi bán ở các tiệm sách ở Little Sài Gòn, còn lại, các bạn bè, thân hữu, bạn đọc quen biết của tôi ủng hộ mua cũng khá lắm. Nhân tiện đây, mượn làn sóng của đài VNCR, tôi xin gởi lời cảm ơn đến các bạn trong gia đình Nguyễn Trãi, cựu SVSQ/TĐH/CTCT/DL, các bạn cựu học sinh thuộc Liên Trường trung học Quảng Nam Đà Nẵng và quý thầy, các đồng hương trong Hội Đồng Hương QNĐN, đã viết thư cổ động, khen tặng và ủng hộ hiện kim
Thưa anh, có một điều, dù có hơi quá đáng, nhưng tôi cũng nói ra ở đây vì đó là niềm vui của tôi, tôi có nhận một thư của một bạn đọc, đã khen tác phẩm Mẫu Hệ của tôi ngang hàng với tác phẩm “Giờ thứ 25” của Georgiew. Quả thật tôi không giám nhận sự so sánh đó, mặc dù trong lòng tôi rất lấy làm sung sướng và biết ơn khi nghe được một ý kiến như vậy.

PPM: Ồ, được khen và so sánh với tác phẩm Giờ Thứ 25 của Georgiew thì còn sung sướng gì bằng. Đươcï so sánh như vậy anh sung sướng cũng đúng thôi, vậy còn lời khen gì nữa không?

TYH: Thưa anh, phần đông những thư nhận được đều khen văn phong tôi viết gọn gàng, dễ đọc, đọc hấp dẫn.

PPM: Còn những phần chê?

TYH: Phần chê cũng không phải là không có, khuyết điểm lớn nhất là lổi chính tả, một vị thầy cũ ở trường Phan Chu Trinh Đà Nẵng viết phê bình tôi rất chân thành, là khi thầy đọc, thấy lổi chính tả khiến thầy coi như đang đi ngon trớn mà bị một hạt bụi sa vào mắt vậy, làm rất khó chịu. Tôi xin nhận sự phê bình nầy. Cũng có nhiều bạn đọc nói tôi viết nhiều đoạn hơi bạo quá.

PPM: Bạo, bạo nghĩa là hấp dẫn đấy. Anh được coi là người viết sung sức hiện nay. Sung sức thì dĩ nhiên sẽ còn viết nữa. Vậy anh có thể cho biết những dự tính văn học của anh?

TYH: Tôi mong mỏi có đủ nghị lực để tiếp tục ra nhiều đầu sách. Vẫn biết nghề văn là một nghề rất là bạc bẽo và không bao giờ làm giàu được, nhưng tôi vẫn cố theo đuổi. Tôi chỉ mong làm sao tiếp nối được bước đường của các bậc cha ông, các đàn anh văn nghệ của chúng ta đi trước. Trước đây có một Phan Khôi, Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Khái Hưng, sau nầy có Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Cung Tích Biền và nhiều nữa… tôi mong tôi đi theo con đường đó.

PPM: Anh còn có muốn nói gì thêm với thính giả nghe đài, nhất là các độc giả của anh?

TYH: Tôi xin cảm ơn các thính giả đài VNCR đã theo dõi cuộc nói chuyện hôm nay. Riêng với các độc giả thương yêu đọc sách của tôi, đã viết thư khuyến khích, cổ động và khen tặng tôi, tôi hết sức cám ơn và nguyện cố viết hay hơn để khỏi phụ lòng độc giả. Cảm ơn đài VNCR đã cho tôi thì giờ để lên đây thưa chuyện cùng thính giả. Và riêng nhà văn Phạm Phú Minh, một đàn anh trong văn nghệ, tôi cảm ơn anh rất nhiều, anh đã bỏ thì giờ để trao đổi câu chuyện văn học với tôi.
Tôi thành thật cảm ơn.
Xin kính chào tạm biệt.

(Trần Yên Hòa ghi lại theo băng cassette.)

 

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button