RỪNG KHÔNG ĐỔI MÀU

PHAN XUÂN SINH

Mùa thu tới, khi nhìn thấy lá trên cây đổi màu ngoài phố, là thế nào tôi cũng lái xe lên vùng White Moutain thuộc New Hampshire một vòng, để xem lá vàng. Cái thú trưởng giả nầy không tốn đồng xu cắc bạc nào hết, nhưng khi một mình lái xe đi cũng không dám cho ai biết, kể cả vợ. Nói ra chuyện nầy, người khác sẽ cho rằng qua đây bắt chước dân Mỹ, hết hưởng thụ vật chất lại bày đặt hưởng thụ tinh thần. Người ta có của ăn của để thì hưởng thụ đã đành, còn mình mới qua thiếu thốn, vất vả đủ thứ cũng tranh nhau đi xem, đúng là thứ vô trách nhiệm. Lá vàng thì có gì đâu phải đi cho xa, ngay cả đường phố Boston cũng vàng rực ra cả đấy, tha hồ mà xem. Vợ tôi mà nghe được tôi đi xem lá vàng thì thế nào cũng bĩu môi: “Lại nổi máu thi sĩ nửa mùa ra nữa rồi, công việc ê hề không ngó tới, lại tìm cách đi chơi”. Thế thì làm sao tôi dám mở miệng ra với ai được. Sau khi đi xem, nếu có ai hỏi tôi lá vàng trên núi đẹp hơn lá vàng ngoài phố ở chỗ nào. Chắc rằng tôi cũng ú ớ, không biết phải trả lời ra sao. Mọât lần ngừng xe trên thung lũng, tôi vòng tay đứng nhìn núi rừng đủ màu, thật hùng vĩ. Cảnh sắc ở đây thật thơ mộng. Đang miên man, tôi nghe tiếng người đàn ông phía sau lưng, nói giọng Huế với đứa con gái: ” Con hỏi ông kia người Việt mình hay người Tàu vây?”. Đứa con gái cằn nhằn: ” Ba nầy, để cho họ yên tĩnh. Lên đây để xem lá vàng, chứ không phải tìm người nói chuyện”. Tôi quay lui, chỉ thấy hai cha con ông và tôi đứng tại thung lũng nầy, như vậy chắc ông muốn nói chuyện với tôi.
Tôi gật đầu chào ông, tôi đến gần bắt chuyện:
– “Thưa ông, tôi người Việt mình”.
Đôi mắt ông sáng lên, mừng rỡ bắt tay tôi:
– “Quý hóa quá, gặp được người đồng hương giữa rừng núi như ri, đẹp biết mấy”.
– “Thưa ông mình gặp nhau đẹp, hay núi rừng nầy đẹp”.
Có lẽ ông cho tôi nói cà khịa, nên ông nhìn tôi, cũng trả lơiø cà khịa:
– “Cả hai”.
Ông chậm rãi nói tiếp:
– ” Quê mình rừng không đổi màu, thay lá như ở đây. Nhưng tôi vẫn thấy nó có cái đẹp riêng, gần gũi với mình hơn”.
Tôi nhìn kỹ, ông có dáng dấp quen quen, hình như tôi đã gặp. Ông là một trong mẫu người lớn tuổi, thấy cái gì cũng so sánh với quê mình, ăn cái gì cũng nhớ đến món ăn quê mình. Hoài niệm, thương tiếc, ông chỉ còn sống với những thứ nầy trong những ngày cuối đời. Tôi cúi xuống suy nghĩ mãi đã gặp ông ở đâu, nhưng không thể tìm ra được tông tích.
Ông hỏi tôi: “Chứ anh quê ở mô? Nghe giọng nói của anh hình như dân ngoài Trung mình”.
Tôi gật đầu: ” Vâng, tôi đân Đà Nẵng”.
Ông đưa tay sửa lại đôi kính, một lần nữa tôi lại thấy ánh mắt ông sáng lên: ” Ồ, tôi người Huế nhưng làm việc ở Đà Nẵng từ năm 55 tới khi đứt bóng, nhà tôi hiện ở Đà Nẵng. Tôi cũng học tập tại Tiên Lãnh, đi qua đây diện HO được một năm rồi”.
– “Thế ông có định về lại Việt Nam sống không?”.
– “Phải về chớ anh. Ở đây, tôi như con cá mắc cạn, càng vẫy vùng càng đuối sức. Tôi nhớ từng con nước, con mương, dù hôi bùn hôi đất cũng của quê mình, bao năm đã quen rồi, không thay đổi được”.
Tôi hiểu được tâm trạng của ông, những người lớn tuổi khó thích hợp với môi trường sống ở đây. Những nề nếp cũ đã thành một cái rãnh quá sâu trong cuộc sống, không dễ gì khỏa lấp được. Tôi nhìn ông, thấy ông thật tội nghiệp.
Ông đưa tay lên chỉ cánh rừng: “Quê người ta đẹp thiệt, rừng đủ màu sắc. Còn rừng của quê mình, trước sau không đổi màu, chỉ mỗi một màu xanh lục. Nhưng sao, tôi vẫn yêu cái màu cố cựu đó quá chừng, thấy gần gũi nó quá chừng”.
Tôi làm thinh đứng nghe ông nói. Hình như ông muốn giải bày cái gì đó trong lòng ông. Hình như ông ít được nói chuyện với ai, nên được dịp là ông nói thao thao bất tuyệt, nói như trút hết những gì chất chứa trong bụng ra ngoài. Người con gái chở ông đến đây, đi đi lại lại không để ý tới câu chuyện của ông và tôi trao đổi. Cũng chẳng nhìn cánh rừng, đầu cô cúi xuống đất, như đếm từng bước chân của mình, hay đang chiêm nghiệm một cái gì đó.
Ông chỉ cô gái: “Con gái tôi năm nay 30 tuổi rồi, nó vượt biển với thằng anh đến đây năm 89, bỏ lại thằng bồ ở quê nhà. Mới tháng trước đây nó về Việt Nam, hai đứa cưới nhau”.
Tôi nhìn lại cô gái, buộc ra một lời khen: “Ồ, ở đây mà kiếm được một cô gái chung tình như vậy, đỏ mắt cũng không ra”.
Ông cười cười nói tiếp: “Anh thấy không, lá rụng về cội mà. Đi qua đây đã đời rồi lại trở về quê lấy chồng, còn mấy anh em nó thì phản đối chuyện nầy kịch liệt. Tính nó giống tôi, nên tôi thương nó nhất nhà “.
Tôi bất ngời hỏi ông: “Thế trước 75 ông thuộc quân đội hay công chức?”
– “Tôi thuộc ngành Cảnh Sát”.
Như vậy, tôi xem như tông tích của ông mù tịt không thể nào nhớ ra. Tôi nói chuyện vớ vẫn với ông một hồi, rồi xin phép ra về. Ông cũng gọi con gái đưa ông ra khỏi thung lũng. Ngồi trên xe, tôi vẫn thắc mắc cái ông người Huế nầy, tôi lại lơ đễnh không hỏi ông tên gì.
Chuyện gặp gỡ ông già người Huế tại White Moutain dần dần cũng chìm vào quên lãng, vì không gặp lại ông lần nào, có lẽ ông ít đi đâu. Những người già từ Việt Nam qua đây thường ru rú trong nhà, ít đi đây đi đó. Bởi lẽ chung quanh họ toàn là Mỹ, họ sợ sẽ va chạm gây phiền phức, mà tiếng Anh tiếng u thì không biết. Cuối tuần muốn đi đâu thì con cái chở đi. Đôi lúc con cái làm việc cực nhọc, cuối tuần có được chút thời giờ rỗi rãnh, thì phải lo thăm bạn bè hay nghỉ ngơi cho khỏe. Vì thế, các cụ năm khi mười họa mới bước ra khỏi nhà. Nhất là các tiểu bang miền bắc, mùa đông trời lạnh tuyết đổ, các cụ không thích hợp với khí hậu khắc nghiệt bên ngoài, ngồi trong nhà nhìn ra cửa sổ, lòng buồn rười rượi. Chính những lý do đó họ lại càng thấy nhớ nhà, nhớ quê. Lời khẳng định của ông già người Huế: ” Phải về chớ anh. Ở đây, tôi như con cá mắc cạn, càng vẫy vùng càng đuối sức. Tôi nhớ từng con nước, con mương, dù hôi bùn hôi đất cũng của quê mình. Nhưng bao năm đã quen rồi, không thay đổi được”. Lời của ông thật chí lý, tôi lại thấy thương ông cụ hơn. Ngay cả chính tôi, thấy sống ở đây cũng không mấy thích hợp, huống chi người già cả.
Vài năm sau tôi cũng đến nơi đó, cũng đứng tại thung lũng nhìn vào cánh rừng đủ màu sắc. Tôi đứng lâu hơn để ngong ngóng ông cụ người Huế, thử xem ông có tới đây không. Năm nào cũng vậy, nhưng không gặp lại ông. Năm nay tôi cũng đến đây, đứng ngắm cánh rừng, rồi lại lên xe ra về, thì trông thấy một chiếc xe vừa tới, ngừng lại. Trên xe tôi trông thấy vợ chồng một thanh niên, ông cụ người Huế và cháu bé chừng hai tuổi. Tôi tắt máy xe lại chào ông. Ông nhận ra tôi ngay, mặt ông tươi hẳn lên, miệng ông lặp đi lặp lại: “Quý hóa quá, quý hóa quá”.
Ông vội vàng kéo tay tôi tới giới thiệu với người thanh niên:
– “Con à, đây là ông khách quen với ba. Con chào ổng đi con. Còn đây là thằng rể của tôi, thằng mà trước đây mấy năm tôi kể cho ông nghe, nó ở Việt Nam”.
Tôi gật đầu, vì đã biết câu chuyện của hai người. Năm nay, tôi thấy con gái của ông không còn đăm chiêu như năm nào, mặt cô tươi hẳn lên, cũng đủ biết cô thật hạnh phúc. Tôi hỏi thăm sức khỏe ông cụ, rồi lại hỏi ôngï về dự định lúc nào về Việt Nam của ông.
Ông ngần ngừ một lúc , rồi trả lời:
– “Lúc đầu, tôi nghĩ không thể sống mãi được ở đây, cái gì cũng lạ lẫm, cũng khó khăn, khó sống quá. Nhưng bây giờ quen với nề nếp ở đây, lại thấy khó thay đổi ý định. Vừa rồi tôi về Việt Nam một chuyến thăm nhà, tôi thấy nhiều chuyện mình không chấp nhận được”.
Tôi chờ đợi, ông ngưng một lúc, rồi chậm rãi nói tiếp:
– “Nhà tôi ở sát nhà người hàng xóm, ở bên đó họ nuôi heo, bên nầy mình lãnh đủ hết cái mùi phân heo. Không dám hở môi phàn nàn sợ mích lòng, rồi họ lại cho rằng mình mới qua Mỹ mấy năm, bây giờ bày đặt phách lối. Cái mùi đó thoang thoảng trong bữa cơm, làm sao nuốt cho trôi được chứ. Cả xóm không ai lên tiếng, mình đâu dám phản ứng trước. Đó chỉ là một trong nhiều chuyện trở ngại khác”.
– “Thế những chuyện trở ngại khác theo ông nói, thì trước khi qua Mỹ nó đã xẩy ra không? Hay chỉ mới đây thôi”.
– “Những chuyện nầy thì trước đây vẫn có, nhưng sống ở Mỹ mình không gặp. Lâu quá trở lại quê, gặp cảnh nầy mình dội ngược”.
Ông không nói ra thì tôi cũng hiểu, bao nhiêu chuyện phiền phức về vệ sinh cá nhân, môi trường sống, thực phẩm v.v…ảnh hưởng trong cuộc sống hằng ngày. Thế nhưng đưa những cái nầy ra để viện cớ không sống được ở Việt Nam, thì tôi cho rằng ông không thực lòng. Cũng cái kiểu hay lý sự, tôi cho rằng trước khi qua Mỹ, con muỗi, con rệp cắn nát người không sao cả. Qua đây ít lâu trở về lại con muỗi mới cắn một chút thì đã la ầm lên, như mình bị đổ ruột. Cái kiểu đó là thái độ tát vào mặt những người còn ở lại quê nhà. Tôi cảm thấy gai mắt với ai đó tỏ bày những điều nầy trước mặt tôi. Nói chuyện với ông lần nầy, tự nhiên tôi thấy không còn mến ông như lúc trước.
Ông nhìn vào rừng, nói với tôi:
– “Năm nay lá đẹp thiệt, đủ màu sắc”.
Tự nhiên tôi lại muốn cà khịa với ông:
– “Năm nào cũng vậy thôi ông ạ. Mỗi năm tôi tới đây nhìn lá vàng cũng chỉ để so sánh với cảnh núi non quê mình. Tuy nó không thay lá đổi màu, nhưng nó cũng có cái đẹp của nó”.
Câu đó cũng của chính ông nói với tôi trước đây. Tôi thấy đầu ông cúi thấp xuống. Có lẽ ông hiểu được sự phản ứng của tôi, khi nghe ông kể về cái lý do không thể sống ở Việt Nam, tôi thấy ông có vẻ thèn thẹn, bức rức.
Ông ngẩn đầu lên nói với tôi như muốn khóc:
– “Ở vào cái tuổi của tôi, mỗi lần thay đổi cuộc sống là cảm thấy sợ mất hồn. Ông nghĩ coi, con cháu của tôi ở đây. Tôi về bên đó sống với ai? Hơn nữa gần 5 năm rồi, cuộc sống nó không thoải mái nhưng nó đã quen, vợ chồng tôi thấy tàm tạm yên ổn bên con cháu. Cái lý do tôi nói với ông, không phải là lý do chánh đáng. Nhưng nó có thể che được sự phản trắc, mà người khác nghe ra có thể chấp nhận. Ngoại trừ ông đọc được ý đồ đó của tôi”.
Bây giờ tôi lại thấy ông thật tội nghiệp. Tại sao tôi lại vô lý như vậy chứ? Đòi hỏi một điều không thực tế, ngay cả chính bản thân tôi, cũng không làm gì hơn khi gặp hoàn cảnh như ông. Mới hay rằng cái thói quen nghĩ về quê hương, nó như vậy trong lòng mọi người, nghe khác đi là không chịu được. Còn thực tế thì đổi khác quá nhiều. Ai cũng viện lý do trong nước, chính trị hà khắc, không chấp nhận được. Nhưng nếu chế độ đó không còn tồn tại, thì mấy ai trở về. Có chăng thì cũng chỉ ít ỏi, không đáng kể. Bây giờ tâm trạng của tôi lại thấy khó xử đứng trước mặt ông. Tôi thấy mình nhìn rừng lá vàng trong núi kia vẫn thấy đẹp, màu sắc tươi tắn. Đúng là mùa thu tuyệt vời. Thế mà có ai hỏi, tôi cũng sẽ nói như ông đã nói với tôi trước đây: “Quê mình rừng không đổi màu, thay lá như ở đây. Nhưng tôi vẫn thấy nó có cái đẹp riêng, gần gũi với mình hơn”. Họ sẽ kính trọng tôi, sẽ nghĩ rằng tôi luôn luôn nghĩ về quê hương. Nói khác đi, người khác sẽ phỉ nhổ vào mặt tôi ngay, họ sẽ chê rằng tôi không biết cội nguồn, là thứ ăn cháo đá bát.
Tôi vỗ nhẹ vào vai ông:
– “Tôi không có ý chê bai gì ông về quan niệm sống. Ở đây, một đất nước tự do, ông có quyền phát biểu thẳng thắn những ý kiến mà ông cho là đúng. Đụng vào chuyện nầy, tự nhiên tôi thấy chua xót, đồng ý thực tế nó như vậy”.
Ông ngước lên. Tôi giật mình. Tôi đã nhìn ra ông rồi.
Ông đúng là một người Cảnh Sát ø đã có lần hỏi cung tôi. Dưới ánh đèn đêm hỏi cung, ông cúi xuống đọc hồ sơ rồi ngước lên, nhiều lần như vậy. Vẫn thỉnh thoảng đưa tay đẩy gọng kiến cận trên mũi. Không biết tại sao hình ảnh đó mấy chục năm rồi vẫn nhập tâm vào trí nhớ của tôi.
– “Ngày xưa ông làm việc trong phòng hỏi cung của Ty Cảnh Sát”.
– “Vâng, đúng vậy. Từ phòng nầy tôi đã phát hiện được không biết bao nhiêu tên Cộng Sản. Ủa, mà tại sao anh biết tôi”.
Tôi không trả lời câu hỏi của ông, chỉ nói vu vơ:
– “Và cũng có người oan, vì họ không phải Cộng Sản”.
– “À, thì trong chiến tranh, chuyện đó cũng bình thường. Tôi mong rằng anh không ở trong trường hợp đó”.
– “Tôi không dính líu gì tới chuyện nầy, đó cũng chỉ là câu hỏi bình thường”.
Ông không bằng lòng câu trả lời đó của tôi. Có lẽ ông nghĩ tôi nằm trong trường hợp nầy, nên có điều gì mắc mứu. Tôi nói để cho ông yên lòng:”Trước đây tôi làm việc tại Phân Chi Khu, hay giải giao người đến Cảnh Sát hỏi cung, nên tôi mài mại nhớ ra ông”.
Chúng tôi lại trở về vấn đề cây cối một hồi, rồi tôi xin phép ra về. Tôi nhìn trong kính chiếu hậu thấy ông nhìn theo xe tôi một cách hối tiếc.
Ngồi trên xe, tôi nhớ lại cảnh nửa đêm bị gọi dậy lấy cung ở Ty Cảnh Sát, thật khủng khiếp. Hồi ấy tôi học đệ tam trường Sao Mai, năm đó học sinh biểu tình bãi khóa, chống chế độ Ngô Đình Diệm. Trường tôi không tham gia vào chuyện nầy. Đoàn biểu tình leo rào chạy vào lớp học, nên tụi tôi phải chạy ra ngoài về nhà. Lớp tôi học gần cổng ra vào, tôi chạy ra trước mở cổng, rồi học sinh các lớp khác úa ra đường. Thiệt tình thì được nghỉ học nên vui mừng, chứ đâu có tham gia biểu tình gì đâu. Thế mà ông mật vụ nào đó chụp được tấm hình tôi mở cổng để học sinh bãi khóa. Nếu tôi không mở thì người khác cũng làm chuyện nầy, cái xui của tôi là láu táu chạy ra trước mở cổng trường.
Hai ngày hôm sau, nửa đêm cảnh sát đến gõ cửa nhà bắt tôi đi. Thế là đêm nào cũng được gọi dậy hỏi cung, thật là kinh hoàng. Thiệt tình thì có hỏi gì đâu, xoay đi quẩn lại cũng chỉ mấy câu, mầy ở tổ chức nào? Thằng đầu nậu của mầy là ai? Không lo đi học, lo làm chính trị? Đại khái là vậy. Thằng nào bị gọi dậy cũng sợ muốn té đái ra ngoài. Người cảnh sát phòng hỏi cung nào trực, thì buồn tình cứ gọi lên đánh chơi. Tụi tôi như những bị thịt để họ đánh đá cho đỡ ghiền. Ông người Huế nầy, tôi nhớ mãi vì lúc đó vóc dáng ông rất thư sinh, có vẻ trí thức, đeo kính cận. Ông không hiền lành chút nào, ông chỉ đánh tôi vào những chỗ hiểm. Trước khi đánh tôi, ông nói: “Không có thì đánh cho có. Có rồi đánh cho chừa”. Lý luận kiểu nầy, bất kỳ ai bị đưa vào phòng nầy lấy cung thì cũng lãnh đòn. Thế là đêm đó tôi dở sống dở chết với ông. Hình ảnh ông không bao giờ quên được trong tâm trí tôi. Vài ngày sau tôi được Cha Ấn, Hiệu trưởng trường tôi bảo lãnh ra về. Khi dẫn tôi ra, Cha Ấn hoảng hốt, mặt mày tôi bầm tím, tôi đi không muốn nổi. Cha giận giữ quay qua nói với một ông cảnh sát đứng cạnh, mà tôi nghĩ ông nầy thuộc quan chức lớn: ” Các ông là thứ độc ác, một thằng học trò nhỏ vô tội, mà các ông tra tấn như thế nầy, thì thử hỏi làm sao sau nầy mà nó không theo Cộng Sản? Các ông chỉ đẩy mọi người theo địch”. Tất cả mọi người trong phòng đều cúi gầm mặt xuống, nghe Cha chửi. Cha Ấn lúc đó làm cha sở Đà Nẵng và cũng làm hiệu trưởng trường Sao Mai, uy tín đạo đức của Cha làm cho người dân Đà Nẵng có đạo hay không có đạo đều kính phục.
Sau khi vào quân đội, mỗi lần về phép. Tôi thường cỡi xe honda đi ngang qua Ty Cảnh Sát, chạy xe chậm chậm khi tới trước cổng, cố ý muốn gặp lại ông. Tôi không biết mình gặp để làm gì, hành hung trả thù? Hay cho ông thấy mặt, thằng học trò năm xưa bây giờ là thằng lính thứ dữ, đối đầu với địch. Tuổi trẻ háo thắng, bồng bột thiếu suy nghĩ. Cũng may là tôi chưa bao giờ gặp lại ông trong khoảng thời gian đó. Nếu gặp thì tôi cũng không biết chuyện gì sẽ xẩy ra. Câu chuyện đã 38 năm rồi, tất cả đã trôi vào quên lãng. Lòng của tôi cũng nguội lạnh, sắp sửa bước đến tuổi già. Còn ông người Huế, thì cũng sắp sửa dọn mình vào cõi thần tiên. Nhìn lại ông bây giờ thật tội nghiệp, tuổi trẻ của ông, cũng như của tôi có những sai lầm. Làm sao tránh được. Nhìn lại mọi vấn đề xưa cũ bằng tấm lòng và bằng sự tha thứ, tôi cảm thấy thoải mái.
Hãy để lại cánh rừng không đổi màu thay lá của quê nhà, nằm yên bên đó. Cái đẹp ta giữ mãi trong lòng, nhưng ta phải nhìn thấy cánh rừng đẹp của quê người, rực rỡ và tươi mát. Tôi lái xe mà lòng tôi miên man, những điều mà tôi nghĩ sẽ cột chặt mãi với quê nhà, tự nhiên bây giờ đã được nới lỏng. Hơn ai hết tôi cảm thông ông cụ người Huế, thương ông nhiều hơn, ông đã dám nói lên một sự thật, mà trước đây tôi không dám nói. Phải thẳng thắn nhìn vào thực tế. Làm sao tôi bỏ các con tôi ở đây một mình, để về quê sống trong điều kiện tứ cố vô thân. Thế thì tại sao tôi đòi hỏi ông làm việc nầy. Nếu sau nầy gặp lại ông, tôi sẽ đến cầm tay ông để nói lời xin lỗi./

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button