Rồi Như Giấc Mơ Qua
VŨ ÐÌNH TRỪƠNG
tặng Hoàng Ðịnh Nam
Cuối cùng Toàn cũng đã trở về. Toàn trở về trên những xa lạ mênh mông trong một con phố lặng yên như không còn sức sống. Toàn đứng tần ngần dưới mái hiên một căn nhà nhỏ trong một hẻm cụt quạnh hiu. Tiếng gỏ cửa của Toàn vang lên tẻ nhạt rồi chìm vào thinh không. Toàn tiếp tục gỏ và cánh cửa vẫn tiếp tục dội lên những âm thanh vô hồn của thớ gỗ khô khốc. Chừng như không có ai bên trong cho dù Toàn nghe một vài âm thanh lạ phát ra đâu đó từ căn gác lửng. Toàn bước lùi ra, ngóng cổ nhìn lên. Vẫn không thấy bóng người, chỉ có những tiếng động lạ vọng lên đều đặn. Áng chừng là tiếng thạch sùng tắc lưỡi hay tiếng của một loài côn trùng nào đó. Toàn hét lên những tiếng gọi tuyệt vọng cuối cùng. Vẫn cũng chỉ tiếng của chính Toàn vọng lại từ bốn bề quạnh hiu. Chán nản, Toàn quay lưng bước ra trước khi mở to tròng mắt nhìn lại toàn diện căn nhà lần cuối. Có lẽ đây là lần cuối cùng chàng trở lại nơi này. Bởi ai biết sau những ngày ngắn ngủi trong thành phố này, Toàn sẽ lại ra đi. Như lời hát mơ hồ từ một nơi nào đó vọng đến…”Anh sẽ ra đi về miền cát trắng…”
Thốt nhiên cánh cửa bật ra, tiếng bản lề cót két mệt mỏi. Toàn chùng bước, chậm rãi quay đầu nhìn lại. Giọng một người nữ thánh thót từ phía sau, phá vỡ bầu không khí tỉnh mịch. Ðúng rồi, giọng nói quen thuộc ấy, giọng nói của người con gái mà Toàn yêu say đắm. Nàng vẫn còn ở đây, ngay nơi chốn này, nơi chốn mà có lúc Toàn đã đến, đã đi. Toàn bước nhanh đến trước khung cửa mở hé. Một người con gái với gương mặt tròn trỉnh, sống mũi cao thanh tú, đôi mắt đen lay láy mở tròn xoe nhìn chầm chập vào Toàn như nhìn một hiện tượng lạ lùng. Toàn đứng sửng, bất động. Thoáng phút giây cả hai người trở thành một thứ tỉnh vật. Uyên, người con gái, sau phút im lặng, chậm rãi cất tiếng:
– Anh Toàn !
Toàn vẫn lặng yên, ánh mắt chàng dán chặt vào Uyên như không tin người con gái đang đứng trước mặt mình là hiện thực. Uyên thảng thốt:
– Anh Toàn! Sao đứng như người chết rồi vậy?
Bấy giờ Toàn mới như người vừa tỉnh mộng, bước nhanh đến nắm tay Uyên:
– Uyên! Anh mừng quá. Anh cứ ngỡ là Uyên không còn ở đây.
Uyên lặng thinh, nhẹ nhàng gở tay Toàn ra, bước lùi lại. Thái độ của Uyên làm Toàn hụt hẫng. Chàng nhìn Uyên, ngơ ngác. Ðôi mắt ấy, bờ môi ấy, thân xác ấy, những mặn nồng một thời ấy đang rất gần với Toàn. Chỉ cần một với tay, một cái nghiêng người thì Uyên sẽ trọn vẹn trong sự chiếm hữu của Toàn. Uyên cất tiếng phá tan bầu không khí ngột ngạt:
– Anh vào nhà chơi. Uyên vẫn còn ở đây, nhưng chắc không lâu đâu.
Toàn hoang mang. Chừng như có môt cái gì rất lạ đã và đang xảy ra trong căn nhà này. Chàng từ từ theo Uyên vào nhà, ngồi xuống chiếc ghế bành quen thuộc, kín đáo liếc nhìn cảnh vật chung quanh. Căn nhà vẫn vậy, không có gì thay đổi. Cũng căn phòng nhỏ này với nền gạch bông màu xanh nhàn nhạt làm dịu lại cái oi nồng của những ngày hè. Cũng vẫn tường vôi trắng và mấy bức tranh lẻ loi. Cũng vẫn tiếng quạt trần xè xè trên đầu. Cũng vẫn nơi Toàn đến rất thường xuyên những ngày trước khi vào lính. Và cũng người con gái ấy.
Nhưng bây giờ trở lại, chừng như đã có gì hơi khác. Uyên lừng khừng như muốn đến ngồi cạnh bên Toàn nhưng rồi lại thả mình xuống chiếc ghế bên cạnh. Có một cái gì thật xa trong cái khoảng cách thật gần ấy. Có một cái gì rất giông bão trong cái khoảng không tỉnh mịch ấy. Có một cái gì mơ hồ ẩn hiện trong ánh mắt mà Toàn đã và vẫn hãy còn đắm say mê mệt ấy. Hay là Uyên đã…? Toàn không muốn nghĩ thêm. Hồi lâu, Uyên thở một hơi dài vào cái bầu khí ngột ngạt, đầu cúi xuống, mắt nhìn đăm đăm vào từng phiến gạch:
-Lúc anh gọi cửa Uyên nghe đấy chứ. Uyên định không ra mở.
Toàn ngỡ mình nghe không rõ, chồm tới, môi mấp máy:
-Uyên nói sao? Uyên đã không định mở cửa đấy à?
– Uyên nghe rõ mồn một từng tiếng gỏ cửa của anh. Khi còn ở trên gác, Uyên đã thấy anh từ đầu ngõ đi vào.
Một phút im lặng, Uyên cười buồn:
– Có một vài thay đổi nhỏ. Uyên sẽ rời Sài gòn, nhưng chưa biết lúc nào. Không chừng chúng mình sẽ không còn gặp nhau.
Toàn lặng thinh, nhìn Uyên rồi nhìn vào khoảng không. Tại sao Uyên có thái độ khó hiểu thế. Hay nàng đã không còn là nàng của lần cuối hai người gặp nhau? Phải chăng đã có những đổi thay không tránh được? Giọng Uyên lại cất lên, trầm buồn như một lời kinh:
– Hãy còn quá sớm để Uyên nói với anh. Vã lại, vấn đề có liên hệ đến sự an nguy của Uyên và gia đình. Dù sao thì Uyên cũng không quên anh đâu.
Toàn bật dậy, cố nén những bất an, bước đến bên khung cửa sổ, đưa tay xô nhẹ hai khung cửa lá sách, thẩn thờ nhìn ra con lộ nhỏ. Phố vẫn thinh lặng, quạnh hiu. Như một vùng đất chết.
oOo
Khi Toàn đến Ðà Nẳng thì trời vừa sụp tối. Ðường phố còn ướt sủng dấu vết của một cơn mưa chắc vừa đổ xuống trước đó không lâu. Ánh đèn đường vàng nhạt nhảy múa trên những vũng nước lấp loáng. Ngay bên cạnh chiến tranh và chết chóc, Ðà Nẳng vẫn sinh động. Xen lẫn giữa những chiếc xe đạp, xe gắn máy, xe đò, xe thồ là những chiếc quân xa chạy tất tả, hối hả hướng về phương Bắc, có lẽ trên đường ra Huế hay Quảng Trị. Ngày mai Toàn cũng phải đi về hướng ấy để đến trình diện Bộ Chỉ Huy Liên Ðoàn. Bốn mươi hai ngày rừng núi sình lầy rồi cũng qua đi. Nắng gió thao trường đã làm Toàn đen như tượng người lính đồng đen trước cửa quân trường Dục Mỹ. Những ngày tháng vất vả nhưng yên ổn ấy đã không còn. Mai Toàn sẽ ra khơi biết mặt trùng dương, sẽ đối diện chiến trường. Thê thảm hơn, chiến trường vùng một. Liệu câu “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu” có đúng không? Toàn thấy lòng se lại. Ngày nào trong quân trường thì mong cho chóng mãn khóa. Bây giờ ra trường, đứng trước cửa tử sinh thì dạ lại băn khoăn. Toàn chặc lưỡi, lắc đầu. Mặc, đến đâu hay đến đó. Ðạn tránh mình chứ mình không tránh đạn được. Thằng nào đến số chết phải chết. Không có gì phải lo.
Một giờ đồng hồ sau Toàn đến trước cửa nhà người chị bà con chú bác. Căn nhà trên đường Hùng Vương có vẽ khang trang, khá giả, chứng tỏ gia chủ thuộc giai cấp trung lưu. Bổng chốc Toàn đâm ra ái ngại. Toàn chưa gặp người chị này lần nào, chắc gì người ta nhận mình là bà con? Chẳng lẽ lại bỏ đi sao? Ra đến Ðà Nẳng mà không tìm đến thân quyến bên nội thì thật không còn gì đáng tiếc hơn. Nếu không đi lính mấy thuở mình đến được nơi đây, Toàn nghĩ. Ðánh bạo, Toàn gọi cửa. Một người đàn ông ló đầu ra sau lần cửa hé:
– Cậu tìm ai vậy?
Toàn ngập ngừng:
– Thưa anh, có phải đây là nhà chị Lan?
– Ðúng, cậu tìm chị Lan làm gì?
– Thưa em là Toàn. Ba em là ông Hợp, chú của chị Lan.
Người đàn ông nhìn Toàn từ đầu đến chân, e dè:
– À thì ra cậu là con của chú Tám. Nhưng nghe nói chú Tám đã qua đời cách đây mấy năm rồi, phải không cậu?
– Thưa anh, đúng vậy. Ba em đã mất hơn năm năm nay. Xin lỗi, chị Lan có ở nhà không anh?
Người đàn ông trung niên bấy giờ có vẽ tin Toàn hơn, mở rộng cánh cửa, ra hiệu cho Toàn bước vào nhà. Một nguời đàn bà tuổi ngoại tứ tuần vén bức màn sáo bước ra, nhìn Toàn rồi nhìn người đàn ông:
– Có chuyện gì vậy anh? Cậu này là ai ?
Toàn đỡ lời người đàn ông:
– Thưa có phải chị là chị Lan? Em là Toàn, con của chú Tám đây.
Người đàn bà sựng lại trong giây lát rồi cất giọng mừng rỡ:
– -, Toàn, con trai út của chú Tám đấy à, ngồi chơi. Tháng trước chị có nhận được cái thư của bác Năm. Bác Năm có nhắc đến Toàn, nói Toàn vừa mản khóa Thủ Ðức. Chị nghe nói về Toàn và bà con mình trong Sài Gòn hoài mà có bao giờ đi thăm được đâu. Vả lại đường xá nhiều lúc rất khó khăn. Xe đò bị giật mìn hoài. Tội nghiệp chú Tám mất sớm quá, chị những tưởng chú Tám sẽ về lại Ðiện Bàn để dưỡng già.
Toàn cười buồn:
-Dạ, thưa chị. Mấy năm trước khi nằm xuống ba em vẫn thường nói ổng mong có lúc trở về Quảng Nam để được gần mồ mã bên nội. Không may ý nguyện chưa thành thì ông già đã ra người thiên cổ.
Mới gặp nhau lần đầu mà chị Lan rất hết lòng với Toàn. Chị dọn cơm cho Toàn ăn và trò chuyện với Toàn thâu đêm. Toàn được biết con chị đã lớn khôn, có người lớn tuổi hơn cả chàng nhưng theo vai vế Toàn vẫn là cậu của họ. Chị Lan là chủ của một đại lý hoa quả rau cải tại chợ Cồn. Ðời sống của chị khá sung túc và yên vui nếu không có những lo lắng bất chợt vì viễn ảnh chiến tranh mỗi lúc một gần. Tiếng súng đâu đó lâu lâu vọng lại làm chứng cho nỗi lo âu đó của chị. Dù vậy, gia đình chị vẫn bám đất quê hương. Ðà Nẳng là sự sống, là niềm vui, là quá khứ và tương lai. Nghe Toàn phải đi trình diện đơn vị ngày mai, chị đâm lo. Nhìn màu áo hoa rừng Toàn đang mặc, mắt chị thoáng nét lo ngại:
-Sao em không chọn đơn vị nào gần Sài Gòn để đở nguy hiểm hơn không? Tại sao em lại chọn cái binh chủng rằn ri này để phải ra tận nơi địa đầu giới tuyến?
Tuy lòng có hơi bồn chồn nhưng Toàn vẫn nở nụ cười tự tin:
– Chị Lan à, thời buổi chiến tranh đi đâu cũng vậy thôi. Lúc gần mãn khoá em đã có ý định chọn tiểu khu, pháo binh hay thiết giáp. Tiểu khu mà phải về những vùng như Chương Thiện thì cũng chết dở. Pháo binh đi đề lô cũng thập tử nhất sinh. Thiết giáp lỡ xe tăng bị bắn cháy thì chắc không hy vọng gì sống sót. Như chị chẳng hạn. Tại sao chị chấp nhận ở một nơi quá gần với chiến tranh như ở đây? Sao chị không dọn vào Sài Gòn? Nếu số em chết, ở Sài Gòn cũng chết. Em không dám lo những điều không nằm trong tầm tay của mình.
Chị Lan vẫn nhìn Toàn, ái ngại:
– Nhưng chiến trường ở đây dạo này sôi động lắm. Em không biết hàng ngày chị thấy xe nhà binh chở hòm phủ cờ quốc gia chạy ngang qua thành phố. Chị không muốn có ngày nào đó em cũng nằm xuống như vậy.
Toàn lặng im. Chị Lan hạ giọng, dọ dẫm:
– Toàn, hãy nói cho chị biết, em có muốn nằm xuống như những người trong mấy cỗ áo quan đó không?
– Nếu câu trả lời của em là không thì chị nghĩ sao?
Chị Lan sáng mắt lên:
– Nếu vậy thì dễ lắm. Chị sẽ lo cho em đi trốn.
Toàn bật người ra, tròn mắt:
– Trốn à? Chị muốn em đào ngũ? Không được đâu chị. Bị bắt lại còn tệ hại hơn. Em sẽ bị lột lon, cạo đầu và đẩy ra làm lao công đào binh, trong tay không có một viên đạn phòng thân, chừng đó cái chết lại càng gần hơn.
– Toàn, em còn trẻ lắm, có nhiều điều em không biết. Thời nào cũng vậy. Chỉ có đám dân ngu khu đen mới cúi đầu chịu chết. Em thấy có con ông cháu cha nào cầm súng chiến đấu không? Tùy em vậy. Nếu em muốn, chị sẽ có cách. Có gì cho chị biết sau.
Chị Lan đứng dậy, chỉ vào phía trong:
– Thôi em đi ngủ đi để dành sức cho ngày mai. Chị cũng phải đi ngủ, gần sáng rồi.
Toàn đăm chiêu nhìn chị Lan rồi bước đến bên khung cửa sổ nhìn ra ngoài. Phố giới nghiêm vắng ngắt. Một chiếc xe Dodge chạy vụt qua, hớt hãi. Có tiếng súng vọng lại chừng như từ hướng Ðại Lộc. Chiến tranh như một con dã thú loanh quanh đâu đó, thỉnh thoảng gầm lên những tiếng rống bất bình. Và con người thì cứ như những con nai ngơ ngác không biết sẽ bị vồ lúc nào. Toàn cúi mặt xuống cố nén tiếng thở dài. Lòng chàng ngổn ngang trăm mối. Trí tưởng đầy ắp những dằn vật, xâu xé. Giữa sống và chết, giữa gan lì và hèn nhát, giữa lý tưởng và thực tế, giữa bình yên và biến động. Tuổi trẻ của Toàn và những người như Toàn quả thật không may. Sự chọn lựa gần như không có. Những tên bạn thân thiết của Toàn đã lao đầu vào cuộc chơi đẫm máu này từ năm trước. Một thằng có lẽ giờ này đang thấp thỏm chờ địch giữa bóng tối muôn trùng của vùng năm non bảy núi. Một thằng chắc đang nằm trong lòng chiến xa M41 ở một góc rừng nào đó của Ban Mê Thuột âm u. Một thằng trôi nổi bập bềnh trên sóng nước Thổ Châu. Chỉ còn lại có mỗi mình Toàn. Nhập cuộc hay không chỉ còn là vấn đề thời gian. Sài Gòn cũng đã không còn là nơi an toàn tuyệt đối. Những trái hỏa tiễn 122 ly của Bắc quân đã gieo rắc kinh hoàng cho dân thành phố. Nhà cửa, trường học, đền chùa sau một đêm chỉ còn lại đống gạch vụn, tro than, trong đó mùi thịt người cháy khét chen lẫn cùng mùi khói đạn. Sài Gòn bất an, Sài Gòn lo sợ từng đêm. Sài Gòn lặng lẽ nhìn từng đoàn trai trẻ nối tiếp ra đi. Và Toàn cũng đã có mặt trong đoàn người ấy, cũng bỏ lại sau lưng ghế học đường, đeo lên cổ hai tấm thẻ bài, khoác lên người bộ đồ treillis dầy cộm để bắt đầu một cuộc chơi mới. Cuộc chơi mà hai bên như hai con gà chọi mổ nhau chí tử duới sự cổ vũ và dọa nạt của bọn chủ gà. Ðể rồi sẽ có một con phun máu ướt lông dẫy đành đạch chết trước sự đau khổ của tên chủ bị thua và nỗi hân hoan của người thắng trận.
oOo
Bây giờ Ðà Nẳng tuy vẫn gần nhưng đã quá xa. Quên đi con đường Hùng Vương sũng nước nhập nhòa ánh điện vàng hiu hắt. Quên đi chợ Cồn, chợ trời sôi sục, ồn ào. Quên đi ánh mắt lo âu của chị Lan và người anh rể. Quên đi những lời khuyên đi trốn. Quên đi Quang Trung, Thủ Ðức, Dục Mỹ. Quên đi Sài Gòn và năm tháng học trò. Quên đi con đường Yên Ðỗ và vòng tay ôm chặt của Uyên trong lần về phép trước. Quên đi hơi thở dập dồn, bờ vai run, đôi môi mọng và ánh mắt trì níu, van lơn. Quên đi, quên đi, Toàn tự nhủ. Quên đi để nhìn thẳng vào thực tại, để đối diện với ngày tháng hiểm nguy trước mặt, để sống vội những giây phút quí báu nhất của cuộc đời vì cái chết lúc nào cũng thập thò đâu đó. Quên đi để nhớ mình đang nằm giữa trùng vây giặc, trên đồi cao bạt ngàn của núi rừng Tiên Phước. Khi chiếc xe jeep quân cảnh quay đầu trực chỉ hướng Tam Kỳ và đoàn xe mười bánh trống không nối đuôi theo, Toàn và hàng trăm sinh linh khác đã phải đối diện với những bất định khôn cùng của vùng rừng núi chập chùng trước mặt. Ðời chiến binh của Toàn lúc này chỉ mới thực sự bắt đầu.
Lệnh Liên Ðoàn chỉ định Toàn đến trình diện một tiểu đoàn đang chuẩn bị hành quân tiến vào Tiên Phước. Trong giai đoạn đầu của một chuẩn úy Biệt Ðộng Quân, Toàn phải theo sát một sĩ quan trung đội trưởng để học hỏi cung cách chỉ huy cũng như thu thập kinh nghiệm chiến trường. Ðây cũng là thời gian để cấp trên coi giò coi cẳng người trung đội trưởng tương lai. Thiếu úy Ðịnh, người có nhiệm vụ dẫn đắt Toàn, dáng dong dỏng cao, lầm lì, ít nói khiến Toàn cảm thấy hơi nhột nhạt. Nhiều lúc Toàn muốn bắt chuyện nhưng rồi lặng thinh vì không muốn Ðịnh thấy vẽ bồn chồn của mình. Mãi đến lúc trung đội được lệnh dừng quân, thiếu úy Ðịnh mới mở lời:
– Này Toàn, đừng lo. Trước lạ sau quen. Ðến đâu hay đến đó. Ðụng vài lần sẽ quen.
Rồi thôi. Ðôi môi sậm của người sĩ quan dày dạn gió sương ấy khép lại, kín mít. Trung đội của Ðịnh mỗi lúc một đi sâu vào lưng chừng núi. Một ngày rồi một đêm trôi qua, bình yên. Sáng hôm sau khi trời chưa tỏ rõ trung đội Ðịnh lại được lệnh tiếp tục di chuyển. Ði mãi đến trưa, khi được lệnh dừng quân, Ðịnh ra hiệu cho anh em bung ra bố trí tìm nơi tạm nghỉ. Hơn một ngày hì hục leo núi làm Toàn mệt lã. Chàng ngồi bẹp xuống, thở hắt ra, nhìn quanh quất. Núi rừng thật hùng vĩ, ngút ngàn. Ai biết trong màu xanh thăm thẳm đó địch đang rình mò, chờ đợi. Toàn móc thuốc mời nhưng Ðịnh cản lại:
– Không được. Tôi cũng đến cơn ghiền nhưng không dám hút. Tụi nó chắc không xa mình lắm đâu. Vã lại, mình đang ở trên gió.
Toàn giật mình, bỏ vội gói thuốc vào túi, thoáng nét lo ngại. Bốn bề yên lặng, chỉ có tiếng gió rít giữa những tàng cây và tiếng chim kêu. Toàn thấy mình thật lạc lõng và nhỏ nhoi giữa cảnh núi rừng trùng điệp này. Chỉ cần một quả đạn rơi vào ngay chỗ Toàn và Ðịnh đang ngồi là cả hai sẽ trở về với đất. Có lẽ nhờ kinh nghiệm chiến trường nên Ðịnh đã chọn nơi có một phiến đá cao hơn đầu người để ngồi.
Mặt trời lên đến trên đỉnh đầu, tỏa hơi nóng hâm hấp. Vẫn chưa có lệnh di chuyển. Ðịnh ra lệnh cho con cái đào hố cá nhân. Chàng bảo Toàn vì chưa biết khi nào sẽ lại đi tiếp nếu không đào hố lỡ địch pháo kích thì chỉ có đường chết. Giữa lưng chừng núi, đất cứng khô khốc và lởm chởm những đá. Chiếc xẻng cá nhân của Toàn nhiều lúc nháng lửa mà hố cũng chưa sâu đủ để ngồi. Bụi đất và mồ hôi pha lẫn vào da thịt nhễ nhại, nhơm nhớp. Toàn tự nhủ phải cố gắng. Ðây cũng là bài học trong quân trường. Cái hố này sẽ che chở cho Toàn. Chàng cắm cúi, một nhát, hai nhát, ba nhát. Chàng thở hổn hển. Những cuộc hành xác trong quân trường vẫn chưa đủ để chuẩn bị cho Toàn một thể lực cần có nơi chiến trường. Một người lính thật trẻ, có lẽ không quá mười tám, bò đến bên Toàn, nhìn chàng chầm chập:
– Chuẩn úy… Có phải chuẩn úy nhà ở Sài Gòn, gần trường đua Phú Thọ?
Toàn dụi mắt tưởng mình nhìn lầm. Người lính trẻ ấy không ai khác hơn là thằng Bình tàu lai con ông Phát chủ lò ve chai. Không dè Toàn lại gặp nó ở đây. Chàng mừng rỡ:
– Bình, mày đi lính hồi nào vậy? Tao tưởng mày vẫn còn đi học. Mày chưa đủ tuổi mà.
Bình hạ giọng nói nhỏ như không muốn ai nghe:
– Em lấy giấy khai sanh của thằng anh. Em đã đăng lính hai lần rồi chuẩn úy. Lần đầu em đăng sư đoàn 25. Ông già lo cho em về.
– Vậy sao mày đăng lính lần thứ hai?
– Buồn lắm chuẩn úy ơi. Nói chuẩn úy đừng cười, em bị thất tình.
– Trời đất ơi! Mày điên quá. Mê con nào vậy?
– Dạ, con Hương học cùng lớp. Nó nói với em nó chưa biết yêu là gì.
Toàn không dấu được tiếng cười :
– Vậy mà mày si tình tới mức bỏ nhà đi lính? Bình ơi, mày điên hết chỗ nói. Vậy chớ mày đăng lính kỳ này, ông Phát có lo cho mày về không?
– Có chớ chuẩn úy. Nhưng em không chịu. Em nói đừng chạy chọt vô ích, em không về đâu.
– Này Bình, mày cứ kêu tao bằng tên đi, không sao đâu. Ðừng kêu chuẩn úy này chuẩn úy kia nghe mệt quá.
– Kỷ luật nhà binh mà chuẩn úy. Em không dám làm trái luật.
Nhìn cái hố cá nhân của Toàn đang đào dở, Bình cười hăng hắc:
– Chuẩn úy để em đào cái lổ này cho.
Không đợi Toàn trả lời, Bình hăng hái chụp lấy cái xẻng cá nhân cắm cúi đào. Khoảng mười phút sau, cái hố đã sâu hơn nửa thước, vừa đủ cho Toàn hụp đầu xuống. Trên miệng hố đất đá ngổn ngang. Hố của Ðịnh cách Toàn vài thước, phía bên kia phiến đá. Bình xếp chiếc xẻng cá nhân lại, trả cho Toàn:
– Ðào vậy được rồi chuẩn úy, dư sức qua cầu.
Mồ hôi chảy thành giòng trên mặt, Bình vói tay ra sau lưng lấy bi đông nước, mở nắp, uống một ngụm nhỏ, thở hắt ra:
– Khát mà không dám uống nhiều, chuẩn úy.
Toàn ngạc nhiên:
– Sao vậy? Nếu hết nước thì lấy bi đông của tao mà uống.
Bình lắc đầu:
– Chuẩn úy không biết. Uống hết lỡ đụng trận bất tử, kẹt cứng lấy nưóc đâu ra mà uống.
Toàn phục thầm. Thằng này cũng nhiều kinh nghiệm chiến trường đấy chứ. Toàn không biết chỉ vài giờ sau đó chàng sẽ có cơ hội tiếp thu bài học đó. Chàng nhìn Bình với ánh mắt biết ơn:
– Mày rành quá. Ra trận lâu chưa?
– Mới ba tháng à chuẩn úy.
– Ðụng mấy trận rồi?
– Hai. Số em cũng hên. Trận đầu em bị trái lựu đạn nổ gần xém chút nát lưng nếu không nhờ cái ba lô. Vô bệnh viện nằm không đầy một tuần đã bị đẩy ra lại.
Bình hạ giọng, thì thào:
– Em nghe nói trận này ghê lắm. Lực lượng tụi nó hình như cở cấp trung đoàn, sư doàn.
Toàn chột dạ:
– Sao mày biết. Chắc chỉ nghe đồn chớ gì?
Bảy nhìn thẳng vào mặt Toàn, quả quyết:
– Chắc ông thầy chưa nói cho chuẩn úy nghe, sợ chuẩn úy biết rồi đâm hoảng. Em nghĩ tụi nó đã dàn trận hết rồi, chỉ chờ mình vô thôi. Chuẩn úy không nhớ lúc đi ngang Kỳ Trà pháo binh của mình đã thủ sẵn hết sao.
Toàn thấy thật xấu hổ khi nghe Bình nói. Mẹ ơi, chỉ là lính quèn thôi mà có còn biết nhiều hơn mình. Cũng may mà Bình đã nói trước để Toàn cảm nhận được mức độ nghiêm trọng của trận địa. Chàng nhìn đăm đăm vào màu xanh bạt ngàn trước mặt. Bên trong cái màu xanh thăm thẳm ấy, một bầy lang sói đang âm mưu rình rập. Bên trong cái màu xanh ấy là những tai ương không ai biết trước. Màu xanh thật tỉnh mịch nhưng Toàn mơ hồ tưởng chừng như nó đang di động và sẽ nhảy chụp lên đầu Toàn bất cứ lúc nào. Liệu Toàn sẽ bỏ xác nơi đây hay sẽ trở về với thân thể đầy thương tích. Còn thằng Bình, liệu nó có còn hên như lần đụng trận trước không. Và Ðịnh, viên thiếu úy trung đội trưởng lầm lì, Hòa, anh lính mang máy hiền lành dễ thương, Tỏa, người tà lọt của Ðịnh. Những con người sinh động và thuần hậu thế ấy chẳng lẽ sắp trở thành những con vật tế thần sao. Máu của họ sẽ loang ướt trên vùng đất đá này sao. Thịt xương của họ sẽ vung vải tung tóe khắp núi rừng này sao. Không còn chối cãi gì nữa, trò chơi đẫm máu đang bắt đầu. Hai con gà chọi đang được chủ nắm cổ ném vào vòng chiến. Giáo điều chiến đấu cho chính nghĩa tự do bổng trở nên một cái gì quá đỗi mơ hồ. Bây giờ, ở đây, trong chốn khỉ ho cò gáy này, chiến đấu cho sự sinh tồn của chính bản thân mới thực sự quan trọng. Phải sống, phải trở về, Toàn nghĩ. Mình còn trẻ quá mà. Hình ảnh một góc phố Sài Gòn bổng hiện ra trong trí Toàn. Quyển nhật ký Uyên tặng nổi lên cồm cộm từ chiếc túi ngoài của cái ba lô. Giây phút tương phùng quá ngắn ngủi. Hạnh phúc dồn dập như mưa rào ập xuống rồi thôi, để lại nắng cháy triền miên. Và những ngày tháng mà Toàn không có mặt ở Sài Gòn, Uyên sẽ như thế nào. Không thiếu những con mắt nhân gian thập thò chung quanh, chắc gì nàng sẽ vẫn như thế đợi Toàn về. Rồi Toàn sẽ trở nên một gã thất tình, sẽ như thằng Bình. Sẽ đi lang thang bên ngoài khung cửa khép, ấm ức nhìn vào với tiếc nuối mênh mông. Chuyện ấy có thể xảy ra lắm chứ. Mà cũng chưa chắc gì Toàn còn sống để trở về. Hiểm nguy đang chực chờ trước mặt, sau lưng, chung quanh. Núi rừng như trăn trở, thở những hơi ngột ngạt dưới cơn nắng gắt mùa hè. Gió lay động mơn man trên đầu đám cỏ tranh cao ngập đầu người ở một góc đồi bên trái. Cơn khát tự dưng ùa tới, Toàn không thể nhịn thêm được nữa. Dù nhớ lời thằng Bình dặn nhưng Toàn cứ với lấy bi đông uống một ngụm. Mặc, chừng nào hết nước hẵn hay. Nước mát chạy dài qua cổ họng khô đắng cho Toàn một cảm giác dễ chịu. Trên đầu nắng cứ đổ lửa hừng hực, như thiêu như đốt.
Có tiếng nói rè rè phát ra từ máy truyền tin. Rồi tiếng Ðịnh chen vào, nghe không rõ lắm. Toàn đoán lơ mơ chắc có một thay đổi nào đó. Ðúng như Toàn nghĩ, Ðịnh ra hiệu cho con cái chuẩn bị di chuyển. Lệnh trên cho biết địch vẫn còn xa và phe ta phải tiến đến gần hơn. Toàn tiếc hùi hụi cái hố cá nhân mà chàng và thằng Bình đã hì hục đào nhưng vẫn phải nhổm dậy. Chàng đang đứng tần ngần bổng nghe có tiếng rít xé trời. Chưa nhận định được tiếng động lạ lùng ấy là gì thì đã nghe một tiếng ầm chát chúa từ phía sau lưng. Cát đá bay tung tóe chung quanh. Thoáng phút giây Toàn chợt hiểu cuộc chơi đã chính thức bắt đầu. Bắc quân đang nhả đạn súng cối và trọng pháo đủ loại vào khu vực đóng quân của Toàn.
Có tiếng hét thất thanh vang lên cách Toàn không xa. Hình như một người lính nào đó của Ðịnh vừa trúng đạn. Bây giờ thì Toàn chỉ còn biết cúi gập người trong cái hố cá nhân chịu đựng những đòn thù dồn dập của đối phương. Ðạn nổ liên tục, chát chúa, đinh tai nhức óc, kinh hoàng, chấn động. Mảnh đạn bay vèo khắp nơi như một cơn mưa thép. Tiếng răng rắc của những cành cây gảy vì mảnh đạn cắt ngang xen lẫn tiếng đất đá vụn vỡ và những tiếng kêu la đâu đó. Lệnh di chuyển đã trở thành vô hiệu lực. Con người lúc này như những cục thịt nhỏ nhoi đang cố giữ cho khỏi bị cắt ra, nghiền nát bởi những đầu đạn hung hản rơi tới tấp khắp nơi. Ngay trong lúc cái chết chỉ trong gang tấc như thế, Toàn càng kinh hoảng hơn khi thấy Ðịnh xuất hiện phía sau miệng hố chàng. Nằm rạp trên mặt đất, Ðịnh cố sức hét vào tai Toàn:
– Coi chừng nghe. Ráng ngóc đầu lên. Dứt pháo kích tụi nó sẽ nhào lên đấy.
Bấy giờ Toàn mới thấy rõ sự gan dạ vô cùng của người thiếu úy trẻ này. Trong khi cá nhân Toàn chỉ biết bám chặt lấy cái hố cá nhân như bám lấy niềm hy vọng cuối cùng của cuộc đời, những người lính như Ðịnh vẫn phải quên mình để lo cho sự an nguy của đồng đội. Trong lúc Toàn mắt nhắm nghiền, đầu cúi thấp thầm mong cho cơn mưa pháo chóng dứt thì có những người lính như Ðịnh mắt vẫn mở to, nhìn thẳng về hướng quân thù để ước tính những bước sắp tới. Trong lúc đầu Toàn dại đi, tê lại vì tiếng đạn nổ liên tục thì đầu những người lính như Ðịnh vẫn linh hoạt, sống động. Bên ngoài nhiệm vụ căn bản của một người lính, Ðịnh còn có trách nhiệm của một trung đội trưởng, có trách nhiệm với sự tồn vong của hơn ba chục sinh linh. Không những thế, Ðịnh lại còn phải cưu mang Toàn. Chiến trường thật đã dạy cho người ta những bài học mới. Sợ hãi là điều không tránh được, nhất là với những người lính mới tò te không chút kinh nghiệm như Toàn. Người ta sợ hãi vì người ta quí mạng sống của mình, nhưng sợ hãi không cho người ta sống.
Pháo địch vẫn rơi tới tấp, không ngừng nghỉ. Có đến gần hai giờ đồng hồ Toàn đã chôn người trong cái hố chật hẹp này. Cổ họng Toàn đắng nghét. Vùng đất đã nóng bây giờ lại như bốc cháy. Toàn đã uống hết ngụm nước cuối cùng. Chiếc bi đông cạn queo, không còn một giọt. Chàng có cảm tưởng như cả người khô nhúm lại vì khát. Khát một cách quay quắt, nghiệt ngã. Mặt mũi Toàn nóng ran, hơi thở khó khăn. Chiếc ba lô đè nặng trên lưng càng làm Toàn thêm nghẹt thở. Tháo ra thì không được. Một cái nhúc nhích bây giờ đồng nghĩa với sự chết. Cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, thật dễ dàng. Một quả đạn vô tình có thể rơi ngay miệng hố hay sát bên Toàn. Toàn vẫn hoang mang không biết tiếng hét thất thanh chàng nghe lúc đầu phát xuất từ đâu. Những tiếng rên rền rĩ có lúc vang lên như xé lòng cũng đã tắt ngúm. Toàn chỉ mang máng biết là mình còn sống. Và vật vã với cơn khát hãi hùng. Khát đến nỗi môi Toàn đã khô cháy, nứt nẻ. Miệng Toàn không còn một miếng nước bọt nào. Hai mắt Toàn như sắp nổ tung. Toàn ước giá mà trời đổ mưa. Mưa sẽ làm dịu đi cơn nóng kinh người này và sẽ cứu Toàn khỏi chết khát. Nhưng nắng vẫn chói chang. Toàn muốn liều mạng ngóc đầu lên, nhào ra khỏi miệng hố, chạy đến một người lính gần nhất để giật cái bi đông của hắn ta mà uống cho đã khát. Nhưng chàng không dám. Khát vẫn hơn chết cho dù cái khát làm cho Toàn muốn nổi cơn điên. Từng phút trôi qua thật chậm trong tiếng pháo giặc nổ vang rền. Tiên Phước đã thực sự biến thành một thứ địa ngục trần gian.
Ðúng như lời Ðịnh nói, khi tiếng đạn vừa ngơi là quân Bắc phương tràn lên. Nhìn xuống lưng chừng núi, Toàn thấy giặc đông như kiến cỏ. Những thân thể lúc nhúc như giòi bọ đang hì hục bò lên. Chúng vừa bò, vừa đi, vừa chạy. Khoảng cách giữa thù và bạn bây giờ không đầy trăm thước. Toàn nghe loáng thoáng tiếng Ðịnh gọi máy với đại đội trưởng xin pháo binh yểm trợ. Như một phép lạ, tiếng đạn đại bác bây giờ lại nổi lên, đạn rót dồn dập về phía chân núi. Hình như đạn đại bác 105 ly bắn đi từ hướng Kỳ Trà. Giặc có vẽ chùng lại nhưng chỉ trong giây lát rồi tiếp tục chạy lên. Qua tiếng máy truyền tin Toàn nghe có giọng người sĩ quan đề lô điều chỉnh tác xạ. Bấy giờ những trái đạn phe ta rơi chính xác hơn, sát gần địch hơn. Bắc quân vẫn tiếp tục tràn lên như bầy thiêu thân lao vào ánh đèn. Ðịnh cho lính của chàng ném lựu đạn xuống và ra lệnh cho người xạ thủ đại liên M60 nhả đạn. Nòng súng đại liên của hạ sĩ Ðời gần như bốc khói vì nhả đạn liên tục nhưng vẫn không ngăn được bọn người bên dưới. Mặc cho đồng đội gục ngã, những tên còn sống vẫn hì hục chạy lên. Chiến thuật biển người mà Toàn chỉ nghe nói đến trước đây giờ mới được chứng kiến tận mắt. Chỉ trong khoảnh khắc nữa thôi, địch sẽ tràn ngập và cả trung đội của Ðịnh sẽ biến thành con mồi ngon cho một bầy lang sói. Cho dù phần lớn những người lính của Ðịnh đều là những tay thiện chiến, nhưng mảnh hổ làm sao địch lại quần hồ.
Trước cán cân quá chênh lệch, trung đội của Ðịnh vừa bắn chận địch vừa rút dần về hướng ngọn đồi dầy mịt cỏ tranh. Bổng chốc có một vài đám lửa nổi lên đâu đó về phía chân đồi. Gió cũng bắt đầu chuyển hướng. Ngay lúc Toàn vừa chìm lỉm trong một vùng cỏ tranh héo vàng dầy mịt thì cũng là lúc lửa theo gió bừng lên dữ dội. Trong phút chốc, cả một góc trời phừng lên đỏ rực.
oOo
Nửa năm ở vùng một chiến thuật đã làm Toàn thay đổi. Chàng không còn là anh chuẩn úy sữa ngày nào ngơ ngác đi theo người thiếu úy trung đội trưởng để học hỏi kinh nghiệm chỉ huy. Toàn đã thấy và thấy quá rõ cái tang thương, chết chóc của chiến tranh. Bình, ngưới lính trẻ cùng xóm với Toàn đã vĩnh viễn ra đi. Cái hên đã không đến với Bình lần thứ hai. Bình ngã xuống trong tiếng kêu thất thanh ngay từ những loạt đại bác đầu tiên của Bắc quân. Hơn phân nửa trung đội của Ðịnh đã bị loại ra ngoài vòng chiến. Ngày rời Tam Kỳ lên đường ra Tiên Phước, trung đội có trên ba chục tay súng. Vậy mà chỉ sau hai ngày chiến đấu, trung đội Ðịnh không còn đến hai mươi. Toàn đã thấy những người lính rằn ri áo quần loang máu nằm chờ tản thương. Toàn đã thấy không ít những người lính Biệt Ðộng dùng cây rừng làm đòn gánh khiêng những bao ny lông gói xác anh em, đi hụt hẫng từ trên triền núi xuống. Toàn cũng đã thấy không ít những xác tả tơi, co quắm trên những bệt máu khô của người anh em bên kia. Toàn đã thấy những thịt thà ruột gan bê bết trên những chiếc giường sắt trong bệnh viện dã chiến và những tiếng rên la xé nát màn đêm của những thương binh đang vật lộn với tử thần. Toàn đã thấy một viên đại úy mặt nát bét đến nỗi người thân gần như không nhận ra. Ðêm bệnh viện ghê rợn và dài dằng dặc như không bao giờ muốn sáng.
Vậy mà, may mắn thay, Toàn đã chui qua được cái biển lửa Tiên Phước ấy để trở về với thân thể gần như lành lặn, ngoại trừ đầu cổ quần áo cháy xém và một vài thương tích nhỏ nhoi. Khi lưới lửa quá xa sau lưng và trước mặt là bìa rừng lố nhố bóng anh em, Toàn mới biết mình còn sống và đã thoát khỏi trùng vây. Thể xác mệt mõi, thần trí rã rời, Toàn như một người mất trí. Chàng bổng nhớ lại lời chị Lan ,”…em có muốn nằm xuống như những người ?…” Rất may, chưa đến lúc Toàn trở về trong chiếc thùng gỗ phủ lá quốc kỳ như chị Lan đã nói.
Sau Tiên Phước, gót giày người lính Biệt Ðộng Quân đã đưa Toàn qua những vùng đất buồn thiu khắp cùng xứ Quảng. Những đêm im đến rợn người ở Ðức Phổ, nằm nghe tiếng cây rừng mà ngỡ tiếng chân đi. Rồi thêm những tiếng chim đêm kỳ quái càng làm thần kinh thêm căng thẳng. Toàn thức trắng hàng đêm lắng tai nghe những tiếng động bất thường, lúc nào cũng ngỡ như trong bóng tối dày đặc ấy có những bước chân âm thầm của một lũ âm binh. Bộ chỉ huy tiểu đoàn xa tít tắp, trên một ngọn đồi xưa kia là căn cứ Mỹ và các đại đội thì bung ra cùng khắp chung quanh. Hướng đông là quốc lộ một và hướng tây là một dòng sông nhỏ lửng lờ chảy về mờ xa. Bên kia dòng sông là vùng đất của những tai biến bất ngờ, là nơi địch thường xuyên lui tới. Ngay cả bên này dòng sông cũng chỉ là vùng xôi đậu. Những mái nhà tranh vắng lạnh, thường chỉ có đàn bà, người già và trẻ con. Ðôi khi Toàn còn thấy có cả di ảnh của những người mặc quân phục lính miền Nam trên bàn thờ khói hương nghi ngút. Nhưng ở ngay cả những nơi như thế, Toàn vẫn không tìm được một ánh mắt thân thiện, một lời nói ấm lòng. Người ta chừng như rất dửng dưng, lạnh nhạt với những người lính như Toàn. Có những buổi sáng từ trên lưng đồi nhìn xuống Toàn đã thấy nhiều người đàn bà quang gánh trên vai tất tả đi về hướng bên kia sông. Trong những chiếc thúng mủng ấy có khi là thuốc men, gạo muối họ mang đi tiếp tế cho người anh em bên kia. Những lần như thế là những lúc Toàn thấy mình bất lực một cách đáng thương. Cuộc chiến này sẽ đi về đâu một khi phe chính phủ đã bị phản bội. Không chừng ngay cả trong đầu não guồng máy cầm quyền cũng đã có mặt những tên gián điệp nhị trùng. Như thế thắng hay bại chỉ còn là vấn đề thời gian. Toàn bất lực, bất lực toàn diện. Trên bàn cờ bắc nam này, những người như Toàn chỉ là những con chốt thí. Khôn hồn thì liệu tìm cách giữ thân. Và Toàn đã may mắn giữ dược mạng sống mình trong suốt mấy tháng qua, từ Tiên Phước, qua Mộ Ðức, về Ðức Phổ rồi đến Sơn Hà. Ðức Phổ hồi hộp, đợi chờ. Sơn Hà buồn thiu, chịu đựng. Ðường bộ từ Sơn Hà về Quảng Ngãi bị cắt đứt vì áp lực quá mạnh của địch ở Ba Gia. Mọi di chuyển từ hậu cứ tiểu đoàn đến tiền cứ đều bằng trực thăng. Những chiếc UH1B từ Quảng Ngãi lên chở theo lương khô, đạn dược, thuốc men, tân binh chờ bổ sung đon vị mới. Lắm khi trong những chuyến về, các phi công trực thăng phải làm thêm nhiệm vụ tản thương. Trực thăng đáp xuống cũng như bốc lên rất nhanh để tránh pháo kích, nhưng có lúc cũng không thoát được.
Quận lỵ buồn như vùng đất chết với nhà cửa khép kín, lặng lẽ, im lìm, người nào mặt cũng dào dào lo âu, dáo dát đợi chờ tai họa chiến tranh giáng xuống bất cứ lúc nào. Phố nghèo đến nỗi vẫn còn những chiếc tủ lạnh chạy bằng dầu từ thời tây để lại. Giá nước đá đắt kinh khủng, một trăm đồng chỉ được ba cục to bằng ngón chân cái. Gió núi từ hướng tây thổi về càng làm tăng thêm cái oi nồng. Hàng ngày khi núi rừng tắt nắng là lúc tiền đồn bắt đầu đối diện với màn đêm bất định. Mà đêm thì thật dài, dài như vô tận. Chỉ cần một trung đoàn địch tràn vào là căn cứ này trở thành bình địa và những con người nói cười hôm nay chỉ còn lại vung vải máu xương. Khi tiếng chim rừng kêu với cường điệu dồn dập hơn và tiếng gà từ đâu đó xao xác vọng lại là lúc mọi người cảm thấy gánh nặng ngàn cân đè nặng suốt đêm bắt đầu vơi đi. Và khi những tia nắng đầu ngày xuyên qua đám mây cuối trời chiếu lấp lánh trên đầu ngọn cây là lúc mọi người hân hoan biết mình còn sống.
Toàn và những người lính cọp ba đầu rằn đã sống triền miên như thế, ngày này qua như ngày kia, đêm này như dêm nọ. Một lối sống rất bi hùng, ai oán. Giống như một người bị ma đuổi, có lúc tưởng đã thoát nhưng vẫn còn âm khí u uất vấn vương. Từng ngày trôi qua, từng ngày Toàn thấy Sài Gòn mỗi lúc một xa. Nếu không cầm sự vụ lệnh về Ðào Bá Phước thì không còn cách nào thấy mặt Sài Gòn. Và không còn cách nào để gặp lại Uyên. Chốn này xa quá, đường xá khó khăn, dễ gì Uyên đến được nơi đây. Chưa chắc tình yêu nàng dành cho Toàn sâu đậm đến mức nàng phải liều lĩnh đến thế. Chỉ là mơ thôi, Toàn nghĩ.
oOo
Ðể rồi cuối cùng Toàn cũng đã trở về, giữa thành phố quen thuộc này, trong xóm nhỏ này, trong căn nhà quen thuộc này, ngồi trước mặt Uyên. Gian khổ kinh qua, hiểm nguy đầy ắp, hai lần thoát chết, Toàn như người vừa được tái sinh. Gần nửa năm ở vùng một chiến thuật qua đi như một giấc mơ. Ðiều Toàn ao ước đã gần thành hiện thực. Chàng đã mơ một vòng tay ấm, một nụ hôn mềm và những giờ phút hai đứa yêu nhau cuồng nhiệt, quên cả đất trời. Cho bỏ những ngày cách xa ngàn dặm, những nhớ nhung quay quắt, những thèm khát dại ngây. Toàn đã nghĩ chắc Uyên sẽ rất mừng và sẽ ngã ngay vào vòng tay chàng. Toàn sẽ nói với Uyên rằng ngay cả trong những giờ phút thập tử nhất sinh, Toàn vẫn nghĩ đến nàng. Quyển nhật ký Uyên tặng chàng, bằng chứng tình yêu ấy vẫn còn đây dù không nguyên vẹn. Một mảnh đạn đại bác ở mặt trận Tiên Phước đã cắt nó ra làm hai. Có lẽ nhờ thế mà cái mảnh đạn ác nghiệt ấy đã không nghiến vào lưng Toàn. Tội nghiệp quyển nhật ký sáu tháng trước đây Uyên đã nâng niu trìu mến nhét vào tay chàng và nói em muốn anh viết hết những gì anh nhớ về em. Bây giờ nó đã toạc làm đôi, rách rưới. Toàn không viết được gì nhưng sẽ nói nhiều, nói hết. Ngay từ lúc rời trại Ðào Bá Phước, Toàn đã tất tả chạy đến nhà Uyên.
Ðể bây giờ, Toàn ngồi đây, trước mặt là Uyên, lạnh nhạt, hững hờ, cách ngăn, xa vắng. Toàn không biết có gì đã xảy ra trong nửa năm vừa qua. Uyên vẫn ngồi yên như tỉnh vật. Toàn kín đáo liếc nhìn rồi thở dài ngao ngán. Vẫn cái thân xác bằng xương bằng thịt ấy sáu tháng trước đây hai người gần như trọn vẹn cho nhau mà sao giờ như cách xa vời vợi. Bấy giờ Toàn mới biết thế nào là gần trong gang tấc mà xa nghìn trùng. Chàng đứng dậy, đến trước mặt Uyên.:
– Uyên, hãy nghe anh.
Uyên trầm tỉnh:
– Em nghe. Anh cứ nói.
– Anh thấy có gì hơi lạ nơi em. Có lẽ em đã không còn nghĩ về anh như xưa.
– Ý nghĩ của Uyên vẫn vậy, không có gì thay đổi.
– Nhưng chắc Uyên không còn yêu anh như xưa.
Uyên đứng dậy, đến bên thành cửa sổ:
– Không đúng hẳn.
Toàn gật gù:
– Uyên nói thế có nghĩa là đúng phần nào. Hay đã có một cái gì đó thoáng qua đời Uyên?
Uyên cười khẩy, nhìn Toàn nửa như trách móc, nửa như chua xót:
– Uyên nghĩ anh hơi quá lời. Uyên không dễ dàng như vậy. Tư tưởng anh chỉ là tư tưởng của người đàn ông muốn chiếm hữu. Anh không nghĩ được gì khác hơn sao?
Uyên dằn giọng, nhìn chầm chập vào bộ quân phục hoa rừng trên người Toàn:
– Ðúng hơn, Uyên tội nghiệp cho anh. Ngày xưa Uyên thấy màu áo hoa rừng của anh như có chút gì oai hùng, dễ thương. Nhưng bây giờ thì khác.
Toàn có phần bực dọc:
– Khác thế nào? Anh thấy vẫn vậy. Uyên đã đến với anh qua màu áo này, tại sao…
Uyên ngắt ngang:
– Nói tội nghiệp có lẽ hơi quá đáng. Uyên lo cho anh thì đúng hơn. Anh nghĩ phe chính phủ sẽ thắng? Anh nghĩ hiệp ước Ba Lê sẽ mang lại hòa bình cho Việt Nam? Anh có biết người Mỹ đã bỏ rơi miền Nam không?
Toàn định nói nhưng Uyên chặn lại:
– Uyên không muốn vượt quá giới hạn mà Uyên đã vạch ra. Anh không cần phải trả lời câu hỏi ấy bây giờ. Uyên để anh có thời gian suy nghĩ. Anh sẽ còn nhiều dịp khác.
– Dịp nào? Liệu anh có còn sống để trở về?
– Rồi sẽ có dịp. Nhưng nếu anh tử trận thì đó cũng là một cách trả lời.
– Anh muốn hỏi lại Ưyên một điều. Uyên có còn yêu anh?
Uyên gật đầu:
– Uyên sẽ không nói rằng Uyên đã hết yêu anh. Nhưng anh cứ yên tâm, Uyên không ghét anh. Có những điều Uyên không tiện nói ra hôm nay. Một ngày nào đó anh sẽ hiểu. Bây giờ Uyên phải đi.
Uyên nhìn đồng hồ nửa như sốt ruột nửa như nhắc khéo Toàn. Chỉ còn hơn một tiếng đồng hồ nửa là thành phố sẽ đến giờ giới nghiêm, Uyên đi đâu? Lòng hoang mang nhưng Toàn hiểu đã đến lúc không còn níu kéo được nữa. Chàng bước đến nắm tay Uyên, cố vớt vát chút niềm tin cuối:
– Anh chỉ còn ở Sài Gòn một ngày nửa thôi. Mai anh phải đi trình diện Bộ Chỉ Huy. Ai biết sau đó anh sẽ được bổ nhiệm đi đâu? Uyên cho anh gặp ngày mai được không?
Uyên đẩy Toàn ra, bước đến mở cửa:
– Uyên bận lắm. Có rất nhiều việc phải làm, chắc mai không gặp được đâu. Thôi Uyên đi đây.
Nàng vịn cửa, nhìn Toàn, chờ đợi. Hiểu ý, Toàn bước ra, không nói lời nào. Ðút tay vào túi, chàng lặng lẽ bước đi. Nghe có tiếng cánh cửa đóng sầm phía sau. Toàn quay lại, nhìn Uyên lần chót:
– Có một điều anh muốn Uyên hiểu. Lúc nào anh cũng yêu Uyên.
Uyên không đáp. Cái im lặng lại trùm lên căn phố. Toàn mơ hồ cảm nhận đấy là lần cuối chàng gặp Uyên. Toàn lừng khừng chân muốn bước đi mà lòng còn ngoảnh lại. Phút giây trôi qua, Toàn quyết định không thể để Uyên thấy cái mềm yếu của mình. Chàng bậm môi, bước nhanh ra khỏi con hẻm nhỏ.
Ðến trước bờ đại lộ, bỏ ba lô xuống chân, Toàn buồn bã ngó mông. Phố vàng vọt duới ánh đèn hoang lạnh. Về đâu đêm nay. Về đâu để không nằm gậm nhấm nỗi buồn ray rứt này. Chừng như Uyên đang có một tính toán hay đang theo đuổi một con đường nào đó, ngược lại với con đường Toàn đã chọn. Toàn đưa tay ngoắc một chiếc tắc xi. Người tài xế già cập xe vào sát lề, ngừng lại, ló đầu ra:
– Chuẩn úy đi đâu?
Với tay mở cửa, buông mình xuống ghế, Toàn nói:
– Ông cho tôi về đường Hậu Giang, gần bót Nguyễn văn Tố.
Chiéc tắc xi lao đi, Toàn mệt mõi ngã lưng vào thành ghế, hai tay đặt lên chiếc ba lô. Dưới tay chàng quyển nhật ký toạc làm đôi của Uyên nổi lên cồm cộm. Bổng dưng Toàn cất tiếng cười khan. Giá mà mình đừng về lại chốn này, chàng nghĩ.
Qua kính chiếu hậu, Toàn thoáng thấy ánh mắt ngạc nhiên chen lẫn âu lo của người tài xế. Chừng như giờ giới nghiêm đang sắp sửa bắt đầu.
VŨ ÐÌNH TRỪƠNG