QUẢNG NAM, TÀO LAO CHI SỰ

Phan Xuân Sinh

Hồi tôi mới vào Sài Gòn, một vài người không nghe quen cái giọng nặng trịch của tôi nên họ hỏi đi hỏi lại, tôi cho rằng họ trêu ghẹo tôi, họ cố tình xúc phạm tôi. Nhiều bữa đóng cửa phòng trọ tôi tự nói một mình để xem cái giọng của tôi có đượm chút gì trắc trở, mà khi nói chuyện với những người trong Nam làm cho họ phải tức cười. Tôi thấy giọng nói tôi nghe ra cũng không đến nổi tệ, không thanh như chuông thì cũng không đến nổi rè, không êm ái thì cũng không đến nổi chan chát, mặt mày không thuộc loại đẹp trai nhưng thấy cũng sáng sủa. Thế thì họ cười tôi vì nỗi gì? Tôi cho rằng người Sài Gòn họ kỳ thị dân Quảng Nam. Từ đó khi nói chuyện với ai mà họ cười là mặt tôi đỏ lên, tôi muốn nhảy tới ăn thua đủ với họ, gây sự với họ. Tôi thường ra mua thuốc lá tại cái quán gần nhà, các thanh niên trang lứa với tôi, thấy tôi là họ lẩn đi nơi khác, xem tôi như một thứ cùi hủi cần phải tránh xa. Có lần họ nói với nhau mà tôi nghe được, đừng nhìn thằng “nẩu” đó, hắn hay gây sự, dân ngoài đó có võ giỏi lắm (dân trong Nam thường đồng hóa dân Bình Ðịnh với Quảng Nam, Quảng Ngãi cùng một loại). À, thì ra là vậy, họ nể mặt tôi vì họ nghi tôi có võ, chứ họ đâu có biết tôi chẳng có chút xíu võ nghệ nào lận lưng cả. Họ chê cười giọng nói của tôi, chê cười mấy thằng quê mùa “ngoài đó” của tôi nên máu Quảng Nam của tôi nổi lên, thì dù có chết tôi cũng phải bảo vệ.

Giọng nói của tôi như vậy mà tại sao lại có người dám chê bai? Mấy cô bồ người Huế của tôi thường bảo rằng tôi có cái giọng ngọt lịm như mía lùi, chết thiên hạ. Thế mà mấy cô gái Sài gòn nghe tôi cất giọng là ngoay ngoảy bỏ đi, không quên dấu nụ cười khinh khỉnh. Thằng bạn người Nam đã có gia đình sống ở Ðà Nẵng một thời gian, đã quen tai với cái giọng sang sảng, cứng ngắt, chắc nịch nầy, đôi khi nghe tôi nói nó cũng cười ồ. Nó nói thẳng với tôi rằng, sống ở đây nên đổi lại giọng nói cho dễ nghe. Tôi tức mình cãi lộn với nó, tại sao tôi phải đổi tiếng nói, tiếng của tôi là tiếng trời sinh, mẹ đẻ. Con người và giọng nói được trui rèn từ cái lò “ngũ phụng tề phi”, rất hãnh diện được làm con dân của “địa linh nhân kiệt”, dại chi phải chối bỏ. Có chết cũng không thể rời bỏ được niềm tự hào nầy. Thế là tôi cứ đổ lên đầu người Sài Gòn là họ thiếu “văn hóa”, không biết thưởng thức một thứ tiếng mang âm hưởng thanh tao, trong lời nói chứa đựng không biết bao nhiêu cái lắt léo, đâm hơi, mà tôi chắc rằng không có vùng nào hơn được. Thế mà người ta lại chê chúng tôi vì nỗi gì? Chỉ có lòng ganh tị, kém tài mới không chấp nhận cái giọng đầy “mắc mứu” của chúng tôi thôi. Cái giọng chắc nịch như cục đất, chát chúa như phèn la mà không nghe được sao?

Dần dần rồi tôi cũng bị đồng hóa với người Sài Gòn, dịu bớt đi cái tính nóng nảy. Dần dần họ thấy tôi cũng chẳng đến nổi nguy hiểm, nụ cười chế nhạo trên môi của họ cũng thật hiếm hoi, dần dần cái giọng nặng trịch của tôi cũng nhẹ bớt và mọi người không hỏi đi hỏi lại như hồi tôi mới vào Sài Gòn. Nghĩa là tôi phải sửa lại lời nói cho thích hợp khi giao tiếp. Cái máu xiên xỏ, móc họng của dân Quảng Nam trong người tôi cũng vơi bớt theo tháng ngày. Duy chỉ có một điều không thể nào xê xuyển nổi đó là cái máu “lý sự” rất Quảng Nam của tôi. Hồi nhỏ mỗi lần gia đình có giỗ kỵ, tiệc tùng, mặc dù không được ngồi cùng mâm tôi vẫn sớ rớ đâu đó gần bàn các bậc trưởng thượng, để nghe lóm các chuyện trên trời dưới đất, chuyện nắng chuyện mưa, chuyện thời sự.chuyện nào cũng lý giải một cách mạch lạc, chuyện nào cũng đượm một chút móc người nầy, ngoéo người khác tùy theo mức độ trầm trọng xẩy ra giữa hai người . Nếu thân tình thì móc ngoéo để cười đùa chơi, còn nếu có chút mích lòng thì móc ngoéo để cố chửi xéo nhau. Sau nầy sống trong Nam tôi cũng đi dự nhiều bữa tiệc gia đình, giỗ kỵ, nhưng không khí trong bữa ăn không như ngoài mình, ít to tiếng, ít tranh cãi và nói một cách khác ít sống động hơn. Ăn uống mà cũng sống động thì quả thật là điều buồn cười, nhưng đúng vậy. Ở Quảng Nam từ trên nguồn xuống dưới biển, từ tiệc lớn đến tiệc nhỏ của những gia đình giàu sang cũng như nghèo khó, đều không thể thiếu một món là bánh tráng nướng. Mở đầu bữa tiệc thực khách bẻ bánh tráng và nhai rôm rốp, thử tưởng tượng ai cũng nhai bánh tráng đúng vào một thời điểm thì âm thanh đó vui tai biết mấy, sống động biết mấy. Những người không dự tiệc đi bên ngoài nghe tiếng nhai bánh tráng vang dội nầy đủ thấy dạ cồn cào, ngay món ăn khai vị mà hăm hở nhiệt tình như vậy thì món ăn chính ngon biết chừng nào.

Gia đình tôi không thuộc loại giàu có, không có của ăn của để, nên tôi không biết được các món cao lương mỹ vị của quê nhà. Chỉ biết những món tầm thường với thiên hạ nhưng cao cấp với những người nghèo khó như gia đình tôi. Một con gà thì phải làm thành năm bảy món, bộ đồ lòng thì nấu canh bún tàu, hai cái đùi thì rô ti, xương thì bằm nhuyễn nấu cháo , một ít thịt xào với mướp, một ít xào với củ hành ta và cà chua, một ít xào với mì v.v. nghĩa là trên mâm giỗ cũng có vẻ thịnh soạn. Nhiều món hấp dẫn, chung quy cũng chỉ có một con gà, không bỏ một cái lông mày mạy nào. Bà con tới dự thưởng thức một cách “triệt để”, hít hà một cách thèm thuồng. Quả thật vì cái nghèo khó nên mấy bà nội trợ chế biến đủ các chất độn để tăng thêm số lượng đáp ứng thực khách quá đông. Hơn nữa dân ngoài mình ăn uống cũng đơn giản, một con cá nục kho mặn cũng đủ qua một bữa ăn. Không có ai chê chuyện ngon dở mà thường thì bình phẩm những cách cư xử, cách ăn ở với nhau.

Mỗi lần về quê dự các đám chạp mả, tôi thấy đây là cái dịp cho mọi người ăn uống hả hê. Thịt heo chủ yếu là thịt luộc, xắt dày bản, mỡ nhiều càng tốt. Những đứa bé cỡ tuổi tôi không được ngồi trên mâm, mỗi đứa được lãnh một tô thịt heo nhiều mỡ chan một ít nước mắm mặn, bưng tô “lua” một cách ngon lành, mỡ chảy ra hai khóe miệng.thấy mà thương. Ðây cũng là cái dịp cho họ hàng gặp gỡ, biết kẻ trên người dưới, để khi ra đường biết bà con mà chào hỏi. Cho nên trong nhà có bao nhiêu người lớn nhỏ đều phải bồng bế vượt ruộng băng đồng, trước là nhận diện bà con sau là ăn một bữa no nê. Trước khi qua Mỹ từ Sài Gòn tôi về Ðà Nẵng thăm nhà lần cuối, nhân tiện có chạp mả ,Ba tôi dẫn tôi về làng Kim Bồng để dự cúng tổ tiên mà hơn ba mươi năm tôi không về được. Giòng họ tôi ít con trai nên tôi là một trong những đứa cháu nội hiếm hoi. Ba tôi xem như là trưởng tộc nên phải về quê trước một bữa để lo sắp đặt cho ngày mai cúng ông bà. Tối hôm đó tôi được ngồi bàn chuyện với người anh con bác tôi. Anh đã mua sẵn một con heo chừng 60 kí dự trù cho hơn một trăm người ăn. Tôi thấy con heo quá nhỏ nên đề nghị với anh mua một con khác lớn hơn, nhưng anh không chịu bởi lẽ là sợ đóng góp của con cháu bên ngoại ngày mai không đủ. Tôi nói với anh rằng gần 30 năm nay tôi không về được, và bây giờ tôi cũng sắp sửa ra đi, nên cho tôi được năm nay đứng ra gánh chịu các chi phí cho bữa chạp mả của họ hàng. Anh nói với tôi là chuyện nầy ngày mai đông đủ, tôi phải trầu rượu xin với bà con, thử họ có chịu không. Xin lãnh tất cả cái phần chi phí mà phải trầu rượu thưa với bà con thì đủ biết quê tôi mặc dù nghèo khổ, thiếu ăn, vẫn giữ cái truyền thống lễ nghi, vẫn giữ cái cung cách của bề trên kẻ dưới. Chứ không phải hể có tiền là làm gì cũng được.

Quê nội tôi thuộc làng Kim Bồng, nơi nổi tiếng về nghề thợ mộc. Ông nội tôi thuộc dân thợ mộc nhưng không giỏi lắm, chỉ biết được một ít chữ nghĩa để tiện việc tính toán nên thành công. Lần đầu thì dẫn vài người thợ ra Hàn ( tức Ðà Nẵng bây giờ) nhận lãnh vài công việc về nghề mộc, đóng vài cái tủ, vài bộ bàn ghế. Dần dần tiến lên nhận lãnh một vài cái nhà xây, rồi sau nhận lãnh vài công trình xây dựng tương đối quy mô. Thành công của đời ông không lớn lắm nhưng cũng đủ cho các con cái ăn học. Ông tuyệt đối cấm các con cái của ông theo nghề thợ mộc, ông không truyền dạy nghề nầy cho các con bởi lẽ kinh nghiệm của đời ông thật quá cơ cực. Ba tôi kể lại cuộc đời làm thợ của ông, 13 tuổi học nghề thợ mộc, mấy năm đầu chỉ có mỗi một việc hầu hạ mấy ông thợ cả, còn bị đánh đập. Buổi sáng phải thức dậy sớm nấu cơm pha nước, giặt giũ áo quần cho cả gia đình ông thợ cả, buổi chiều phải hầu rượu, nghĩa là làm mọi việc như một đứa ở. Cái lúc mài được mấy thứ đồ nghề cho thợ cả thì cũng đã trải qua bao nhiêu trận đòn thập tử nhất sinh, không biết cái lối dạy nghề ngày xưa kỳ cục như vậy, hành hạ học trò của mình một cách tàn nhẫn để làm gì (họ quan niệm rằng dạy dỗ bằng roi vọt mới nên người). Thế mà khi thành thợ chẳng có chút gì oán hận thầy, mà còn phải tỏ tấm lòng biết ơn. Mỗi năm gần ngày tết, ông mặc áo dài khăn đóng sắm sửa mâm quả đến viếng thầy, làm ăn khấm khá thì mâm quả nhiều, làm ăn nhọc nhằn thì mâm quả ít. Dù xa xôi bận rộn thế nào mỗi năm cũng phải đến để bày tỏ tấm lòng biết ơn với thầy. Dân làm thợ chữ nghĩa cắn không bể một chữ mà biết giữ lễ như vậy, thì những người có chữ nghĩa giữ lễ với thầy một cách nghiêm ngặt như thế nào.

Về việc giữ lễ, khi còn nhỏ tôi có nghe trong một bàn rượu của người lớn, có một người kể về chuyện của ông Trần Quý Cáp. Không biết chuyện nầy có thực hay không, nhưng khi đó dù nhỏ tuổi nhưng tôi rất cảm phục và nhớ mãi đến bây giờ. Trần Quý Cáp theo phong trào Chống Sưu Thuế, là một trong những người lãnh đạo phong trào nầy. Khi thất bại, ông trốn vào Phan Thiết ẩn cư và sau đó bị triều đình Huế bắt, bởi áp lực của Pháp. Ông được giải giao đến Khánh Hòa (Nha Trang) để xử chém. Oái ăm thay, Tổng đốc Khánh Hòa lúc ấy là người Quảng Nam và là học trò của ông Trần Quý Cáp. Người được triều đình giao nhiệm vụ xử chém thầy mình. Ðứng trước một nghịch cảnh khó xử, làm sao vừa hoàn thành nhiệm vụ và vừa giữ lễ với thầy. Ra ngoài pháp trường, quan Tổng đốc Khánh Hòa xin với quan giải giao, cho ông được đút cơm cho thầy ăn lần chót, được làm lễ lạy sống thầy và bịt khăn tang thầy, trước khi thầy lên đoạn đầu đài. Chính ông là người theo lệnh của vua thi hành bản án hành quyết thầy mình. Ông đã thể hiện tận trung với vua, tận nghĩa với thầy. Chúng ta đã kính phục cái dũng của Trần Quý Cáp đã đành, nhưng chúng ta cũng không thể không nể cái giữ lễ của quan Tổng Ðốc Khánh Hòa (người Quảng Nam) thuở ấy.

Trở lại câu chuyện cái nghiệp thợ mộc của ông nội tôi. Chính vì ông thấy khổ cực của một người thợ, chính vì thấy người thợ dù có khấm khá cũng không được người đời trọng vọng, nên ông cấm tuyệt các bác và ba tôi theo nghề của ông. Ông có cả thảy mười một người con, trai gái đều đến trường hẳn hoi thế nhưng chẳng có ai thành công trong vấn đề học vấn. Chắc có lẽ cái “gien” của giòng họ nhà tôi không thuộc nòi văn chương chữ nghĩa, nên có điều kiện vẫn không học được thành tài, hình như chỉ thành công nếu theo đuổi một cái nghề nào đó. Ông tôi mua một miếng đất ở làng Nại Hiên tại Ðà Nẵng và xây một cái nhà ở đó thật lớn, ông mời thầy về nhà dạy để có dịp “cởm” mấy bà cô của tôi. Thật đáng nể cái nhìn xa thấy rộng của người xưa, ông nhận thấy các con của mình học hành chẳng ra chi, thế thì phải kiếm một chàng rể có chữ nghĩa hẳn hoi, được người đời trọng vọng. Một ông trợ giáo mới ra trường, thuộc giòng dõi danh gia vọng tộc, ông nội của ông trợ giáo nầy làm Án Sát nổi tiếng gọi là Án Nại ( ông Án Sát ở làng Nại Hiên, theo phong trào Cần Vương bị Tây chặt đầu treo ngoài chợ). Ðến nhà dạy được vài tháng, ông bị hớp hồn bởi đôi mắt của bà cô thứ bảy tôi. Thế là ý định của Ông Nội tôi được toại nguyện.

Ông là dân thợ mộc nên khi xây nhà ô?g phải về Kim Bồng tuyển một số thợ thuộc loại “chiến” để chạm trổ cột kèo một cách khéo léo công phu. Mỗi lần về lại Ðà Nẵng vào nhà thờ nhìn những hình chạm trổ tôi mới thấy những tay thợ danh bất hư truyền của làng Kim Bồng. Những hình hoa văn li ti, những con chuột con dơi ngộ nghĩnh, mới thấy được óc sáng tạo và nghệ thuật tuyệt vời của những nghệ nhân điêu khắc dân gian, dù không học một trường lớp mỹ thuật, dù không có một kiến thức bài bản vẫn thực hiện những tác phẩm có bố cục cân đối, thẩm mỹ cao. Ba tôi kể lại rằng những ông thợ nầy được ông Nội tôi kính trọng và biệt đãi, ăn phải ngồi mâm riêng, buổi chiều phải có tiệc rượu. Ông cũng thuộc hàng thợ mộc được may mắn thành công trong cuộc sống, nên ông hiểu và kính trọng những chân tài cùng nghề nghiệp với ông. Có ai đến Hội An nhìn những công trình điêu khắc trong các căn phố cũ mới thấy được những tay thợ điêu khắc của làng Kim Bồng, mới phục những nét tài hoa mà họ để lại trên tác phẩm cống hiến cho đời.

Không biết một tay lang bạt nào đó chơi khăm, truyền khẩu một câu cao dao làm đau lòng đàn ông làng Kim Bồng của tôi:

” Cái đầu trọc lóc như đầu cá chai

Ăn tham với vợ là trai Kim Bồng”

có lẽ ganh tị về nghề nghiệp, hay không hào hoa bằng con trai của làng Kim Bồng, nên cứ lải nhải đọc mấy câu bất lợi cho làng tôi. Ðích thị là phải có nguyên do thù hằn không đội trời chung với ai đó của làng tôi ngày xưa. Nói đến con trai của làng Kim Bồng, thì ít nơi nào sánh kịp cái bộ vó oai vệ của họ. Hãy xem chàng trai Kim Bồng trong tư thế bào, đục, đẻo, cưa,… của cái nghề thợ mộc truyền thống. Ðưa ra cả một thân hình như lực sĩ. Vai u, thịt bắp, lực lưỡng khỏe mạnh. Con gái làm sao chạy thoát được khi nhìn thấy “lực thu hút” nầy. Nên con trai cũng chẳng lạ chi có nhiều kẻ thù. Thảo ăn với vợ lắm chứ, nếu mà ăn tham với vợ thì làm sao lấy được vợ nọ vợ kia, mà bà nào cũng một lòng một dạ thờ chồng. Cho nên cái câu ca dao truyền khẩu kia nhứt định phải do kẻ thù bịa đặt.

Cả một cái làng đất đai không có, nên đàn ông thì làm thợ mộc, đàn bà ở nhà dệt chiếu. Vợ chồng với nhau ăn ở chẳng được bao nhiêu ngày, chồng đi làm xa lâu lâu mới về một lần, mà mấy tay thợ Kim Bồng cũng hào hoa lắm, đi đâu cũng mèo mỡ tùm lum, có khi mang cả vợ nhỏ về trình diện và bà lớn hỉ xả khoan hồng. Có lẽ trên đất Quảng Nam không có nơi nào mà một chồng hai ba bà vợ nhiều như làng Kim Bồng. Một điều lạ nữa là kế làng Kim Bồng là Làng Phú Chiêm, làng nầy là làng Thợ cưa (tôi không quyết đoán có đúng vậy không, nhưng tôi nhớ khi tôi còn nhỏ nhà cô thứ chín có một trại thợ mộc, mỗi lần cần thợ cưa là cô cho người về Phú Chiêm tìm thợ), nếu quả thật là vậy thì hai làng nầy có sự mật thiết với nhau, ràng buộc với nhau.

Người Quảng Nam nổi tiếng là tiết kiệm, ít vung phí. Có lẽ là phong thổ không được ưu đãi nên bắt buộc họ phải dành dụm để lo những khi bất trắc. Tôi có một người bạn thân cùng học một lớp, nó là con trai độc nhất, gia đình trước năm 75 thuộc hạng trung lưu, cha đi dạy tiểu học, mẹ ở nhà lo cơm nước. Khi đi học tập trở về nhìn thấy cảnh gia đình bi đát, cha mẹ già cả, vợ con chưa có, mỗi ngày phải thuê một chiếc xích lô đạp kiếm tiền sống qua ngày. Nó có người yêu chờ đợi lâu ngày, nhưng không thể tiến tới hôn nhân vì hai gia đình nghèo khó như nhau. Một hôm mẹ nó gọi hai đứa lại và nói rằng bà muốn thấy chúng nó thành gia thất và bà cho tụi nó một số tiền lớn để làm ăn. Bà kể cho nó nghe về phương thức dành dụm của bà trong mấy mươi năm. Bà mỗi ngày nhận tiền đi chợ ngắt lại một ít để dành, bữa ăn tạm đủ không phung phí. Mỗi ngày dành dụm mỗi ít rồi bà mua vàng, chồng con không ai hay biết. Mặc dù có những lúc thật khó khăn bà bươn chải buôn bán lặt vặt kiếm sống chứ không bán vàng, để chờ con học tập trở về. Khi nó về rồi bà cũng sợ nó không có kế hoạch làm ăn đưa vàng ra thì sợ tiêu mất, bà đợi đến lúc thời cơ thuận lợi đó là khi giá vàng thị trường lên vùn vụt rất lợi cho những người buôn bán vàng, nó cũng biết chút đỉnh về nghề thợ bạc và có vốn trong tay do mẹ nó cho, nó làm giàu nhanh như diều. Nó kể cho tôi nghe rằng khi mẹ nó đổ cái đảy vàng ra thì ba nó và nó sững sờ, hơn ba chục lượng vàng trong hơn mấy chục năm dành dụm bằng cách cắt xắn tiền chợ của bà. Kể chuyện nầy mới thấy mức độ tính toán chi li trong vấn đề chi tiêu trong gia đình của người đàn bà Quảng Nam, bữa ăn cũng ba món vừa đủ, cũng ngon miệng, cũng không tệ mà còn dành dụm một ít tiền. Mỗi ngày dùng 500 gr thịt thì bà chỉ mua 400 gr, ba con cá thì bà bớt xuống còn hai con, cứ thế mỗi thứ mỗi chút nên lợi ra một số tiền càng ngày càng lớn, khi cần dùng thì có sẵn.

Mẹ tôi mất sớm khi tôi vừa biết đi, nên tôi không biết tình thương của người mẹ đối với tôi. Tôi chỉ nhìn thấy tấm lòng của người mẹ Quảng Nam qua người bạn thân của tôi, gia đình ở Ðại Lộc. Nó mất cha rất sớm, chỉ còn một mẹ một con. Thôi thì nó vòi vĩnh đủ thứ muốn gì cũng được, ngược lại mẹ của nó thì nhịn ăn nhịn mặc, chắt chiu từng đồng để dành cho con. Hồi chưa lấy vợ nó sống rất bạt mạng, cờ bạc đủ thứ đến nổi khi học ở Thủ Ðức mỗi lần ra phép là xề vào sòng bạc, nợ nần tùm lum. Hết bày chuyện nầy đến bày chuyện khác để nói láo xin tiền mẹ, bà biết con mình có tật hư nhưng bà vẫn không đành lòng để con nợ nần. Ðến nổi không còn chuyện gì nói láo nó bày ra chuyện mất súng, nó đánh điện tín về cho mẹ nếu không gởi tiền vô gấp để mua cây súng khác thì nó phải đi tù. Bao nhiêu tiền dành dụm bà móc hầu bao gởi vào cho con, bà vẫn chưa yên tâm bà tức tốc vào Sài Gòn, sau khi trả tiền xong coi con mình có hề hấn gì không. Gặp nó bà ôm nó trong lòng như một đứa con nít. Mỗi lần kể lại chuyện nầy với tôi nó rưng rưng, bà chưa bao giờ bước ra khỏi Quận Ðại Lộc, thế mà quá nóng lòng vì con, bà bất kể đường xá xa xôi, lặn lội vô Sài Gòn. Từ đó đến sau nầy nó không bao giờ dám làm cho bà phiền lòng, thương con, bà có thể làm bất cứ chuyện gì không kể đến sinh mạng của mình. Chính vì lẽ đó nó hối hận và từ bỏ các thú tiêu khiển nguy hại.

Các con tôi đều sinh trưởng và lớn lên tại Sài Gòn, không có dịp ra Ðà Nẵng lần nào. Một hôm có mấy đứa cháu từ Ðà Nẵng vào chơi, con nít xáp lại gần là thân thiện nhau ngay. Tôi ngồi đằng xa để nghe chúng nó nói chuyện gì với nhau. Mấy đứa nhỏ của tôi thì cứ “hả”, còn mấy đứa cháu thì ráng gân cổ ra nói. Có nghĩa là người nói chuyện cứ nói mà kẻ nghe thì chẳng được bao nhiêu, cứ hả..hả hoài, tôi mới giật mình. À, thì té ra ngày xưa mình cũng ở trong trường hợp nầy, mà cứ nhất định đổ lỗi cho mấy ông Sài Gòn có óc kỳ thị, có mầm mống phân biệt, chứ nhất định tôi không chịu tiếng nói của mình khó nghe. Một chuyện làm cho tôi phải bật cười, thằng cháu nhìn hai con thằn lằn cắn nhau trên tường, tay thì chỉ miệng thì nói oang oang: ” cua kìa, cua kìa”. Mấy đứa nhỏ tôi chạy ra nhìn lên, miệng lẩm bẩm: ” kỳ thật, con thằn lằn mà kêu là con cua”. Vì tuổi còn quá nhỏ, nó không hiểu được ý của mấy đứa cháu gọi chúng ra “coi” hai con thằn lằn cắn nhau, nhưng vì giọng của ngoài mình hơi nặng nên nghe ra giống như là “cua”. Cho nên cái chuyện ông Nguyễn Cao Kỳ hỏi ông Phan Ngô có “thét mét” chi không, đã làm cho ông Ngô đỏ mặt cự lại ông Ky,?hì cũng chẳng có chi làm lạ.

Tôi sống trong Sài Gòn hơn 20 năm, thỉnh thoảng đến ngã tư Bảy Hiền ăn một tô mì, nghe lại cái giọng nặng trịch thân quen, nghe lại cái giọng ru con thuở nào. Tự nhiên tôi thấy vùng đất Quảng Nam giữa Sài Gòn nó kiêu hãnh quá chừng, nhìn thấy cơ ngơi vững vàng của những người chịu thương chịu khó, lặn lội vào đây lập nghiệp. Họ đứt ruột bỏ lại mảnh vườn miếng ruộng, mồ mả ông bà tổ tiên. Ðó không phải là điều đơn giản, dù khổ cực cách mấy họ cũng bám lấy ruộng vườn. Nhưng chiến tranh quá sức khốc liệt, quá sức tàn nhẫn đã bứng họ ra khỏi cái gốc rễ ăn sâu trong lòng đất, đã tàn phá quê hương họ một cách thô bạo. Nên họ phải đùm đề con cái bỏ làng xóm ra đi, chính cái sự tiết kiệm biết dành dụm, có óc tính toán, lại làm ăn dễ dàng, nên họ đã thành công. Sự thành công của người Quảng Nam tại Sài Gòn so với người Bắc theo tỷ lệ, thì chưa chắc người Bắc đã hơn. Như vậy đủ thấy đầu óc kinh doanh của người Quảng cũng cực kỳ nhạy bén, đúng thời cơ, đúng lúc.

“Chuyện tào lao” thì nhớ gì nói đó, không sắp xếp theo hệ thống cho được mạch lạc, không đầu không đuôi, nói nghe chơi cho vui rồi bỏ qua không quan tâm tới. Chuyện nầy bắt qua chuyện kia cho đến tàn cuộc, mà người nghe lẫn người nói đều không biết lúc nào chấm dứt. Chuyện của những người hay rề rà mấy quán cà phê, của những tay “nhậu” trên bàn rượu. Thực hư thế nào không biết, chứ chắc chắn sẽ đem lại cho những người tham dự một nụ cười. Tôi viết những điều nầy ra đây sẽ chọc giận mấy ông Quảng Nam thủ cựu? Xin thưa không, tôi viết với tất cả tấm lòng dành cho quê hương, tôi yêu thương tất cả cái đúng, luôn cả cái sai của quê hương tôi, của bà con tôi . Tôi viết để thấy rằng dù đi xa quê hương rất lâu, tôi vẫn còn nhớ lại như mới ngày nào. Những chuyện xưa tích cũ, từng gốc chuối, bụi tre của Quảng Nam, luôn luôn ẩn hiện trong đầu tôi, như là một khẳng định:

“con mèo, con chó có lông
bụi tre có mắt, nồi đồng có quai”

mà tiếng ru em ngày xưa trong nôi, ai sinh ra và lớn lên cũng phải thuộc nằm lòng. Tôi mong rằng đây là bài viết mang đến quý đồng hương của tôi một nụ cười, và hãy tha thứ cho tôi, nếu có một vài điều xúc phạm mà tôi không biết, không đồng ý với những suy nghĩ, mô tả, hay trong cách viết có đượm chút gì nghe như không thuận tai. Thì cũng mong rằng mọi người hãy xề xòa bỏ qua.

 

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button