QUẢNG NAM – QUÊ HƯƠNG “NGŨ PHỤNG TỀ PHI”

Thy Hảo TRƯƠNG DUY HY

I/- NGUỒN GỐC 4 CHỮ “NGŨ PHỤNG TỀ PHI”
Ðời nhà Thanh bên Tàu, nhân một khoa thi Ðình, có 5 vị là người cùng làng, và cùng đổ tiến sĩ và được vua ban bố bốn chữ “Ngũ Phụng Tề Phi”.
Theo nguyên cứu của ông Trần Gia Phụng (nguyên giáo sư dạy sử trường Phan Châu Trinh, Ðà Nẵng trước 1975) viết trong tác phẩm Những câu chuyện lịch sử ấn hành tại Toronto Canada (tr 54 – 1997): “…Theo sách Lư Lăng thi chú (sách viết về nền thi ca của quận Lư Lăng, tỉng Giang Tây, Trung Hoa, Lư Lăng là quê hương của hai đại văn hào là Âu Dương Tu – một trong bát đại danh gia – và Văn Thiên Tường) dưới thời Tống Thái Tông (trị vì 976-1003), có 5 người cùng quận Lư Lăng tên là Giả Hoàng Trung, Tống Bạch, Lý Chí, Lã Mông Chính, Tô Dị Giản, cùng trúng tuyển chức Hàn Lâm học sĩ. Một vị đại quan trong triều tên Hồ Mông, đã làm thơ mừng các tân quan Hàn lâm học sĩ, trong đó có câu “Ngũ Phụng Tề Phi nhập Hàn lâm” nghĩa là năm con phụng cùng bay vào viện Hàn lâm…”
Tại Việt Nam, dưới triều Thành Thái năm thứ 10 (1898), riêng tại Quảng Nam – cùng khoa Mậu Tuất – đỗ 3 tiến sĩ, 2 phó bảng. Bấy giờ Tổng đốc Nam-Ngãi cũ là Ðào Tấn và Ðốc học Quảng Nam Trần Ðình Phong (cụ Tấn người Bình Ðịnh, cụ Phong thân sinh bác sĩ Trần Ðình Nam người Nghệ An)(1), cũng như các bậc túc nho, lão nho ở địa phương cho rằng thành quả đó là do tú khí của núi sông sở tại, nhưng cũng còn nhờ cái đức của Tổng đốc và Ðốc học tại vì. Rồi cụ Tấn và cụ Phong nhất trí lấy tích xưa nói trên đem ban cho 5 vị đại khoa” năm con phụng Quảng Nam” (2). Từ đó, khoa thi Mậu tuất 1898, được người địa phương ưu ái gọi là”Khoa ngũ phụng Quảng Nam “. Năm con chim phụng được thêu trên một tấm thục, đặt tại dinh Tổng đốc ở Ðiện Bàn, gồm :
-3 con chim ở tư thế đang bay, tượng trưng cho 3 vị tiến sĩ.
-2 con chim ở tư thế xếp cánh, tượng trưng cho 2 vị phó bảng.

II/- TÔN DANH NHỮNG VỊ ÐẠI KHOA QUẢNG NAM CÓ TÊN TRONG “NGŨ PHỤNG TỀ PHI”:
Ba vị tiến sĩ là:
1/- Phạm Liệu: Vị thứ 1/7 tiến sĩ. Xã Trừng Giang, tổng Ða Hòa Thượng, huyện Diên Phước, Phủ Ðiện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
2/- Phan Quang: Vị thứ 2/7 tiến sĩ. Xã Phước Sơn Thượng, tổng Xuân Phú Trung, huyện Quế Sơn, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
3/- Phạm Tuấn: Vị thứ 5/7 tiến sĩ. Thôn Xuân Ðài, tổng Phú Khương Thượng, huyện Diên Phước, phủ Ðiện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Hai phó bảng là:
(Tại Bảng Ất niêm yết danh sách phó bảng)
1/- Ngô Chuân: (Tức là Ngô Truân hay Ngô Lý) vị thứ 1/9 phó bảng. Xã Cẩm Lậu, huyện Diên Phước, phủ Ðiện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
2/- Dương Hiển Tiến: Vị thứ 3/9 phó bảng. Xã Cẩm Lậu, huyện Diên Phước, phủ Ðiện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

III/- CẢNH ÐÓN RƯỚC NGŨ PHỤNG TRONG NGÀY VINH QUY:
Khi Tổng Ðốc Ðào Tấn nhận được tin Quảng Nam có 5 vị đỗ đại khoa, thì cùng lúc đó “…Có một vị lão thành biết được, liền loan truyền cho mọi người hay. Và nhân dân Quảng Nam trong niềm hãnh diện chung đã lũ lượt đi từ Vĩng Ðiện đến chân Hải Vân quan để chào mừng 5 vị tân khoa Ngũ Phụng Tề Phi…” (theo Dây Quảng Nam của Vũ Lang NXB Thời Mới – Ðà Nẵng 1973).
Dọc hai bên đường từ đèo Hải Vân đến Vĩng Ðiện, hương lý sức dân quét dọn sạch sẽ. Mỗi làng đều có đặt một bàn hương án bên vệ đường (trong địa phận làng mình, nơi các tân khoa đi ngang qua). Vị chức sắc cao nhất trong làng, trang phục chỉnh tề, áo rộng, khăn đóng, cùng thân hào nhân sĩ trong làng chuẩn bị sẵn sàng để nghinh đón.
Các vị tân khoa đi ngựa sau 4 chữ Ân Tứ Vinh Quy của vua ban (Nhà thờ cụ Phan Quang ở Quế Sơn hiện còn giữ quý vật nầy). Mỗi lần đến nơi có bàn hương án thì xuống ngựa, đón nhận sự vái chào và chào trả lễ của hương chức sở tại. Xong, được mời ăn một miếng trầu cau hoặc hút một điếu thuốc, uống một chén rượu mừng…Ðôi bên bày tỏ niềm hân hoan về kết quả kỳ thi…rồi lại lên ngựa, từ từ tiến về Vĩng Ðiện (Theo tư liệu của cụ Phạm Phú Hưu).

IV/- NHỮNG VỊ NÀO TRONG “NGŨ PHỤNG” KHÔNG DỰ BỮA TIỆC KHOẢN ÐÃI CỦA TỔNG ÐỐC VÀ ÐỐC HỌC QUẢNG NAM HỒI ẤY?
Thời bấy giờ chưa có cầu Vĩng Ðiện. Ðám rước được nhân dân đưa qua sông bằng ghe. Lúc lên bờ phía Vĩng Ðiện – một trong năm con Phụng, cụ Ngô Chuân, nguyên nhà rất nghèo, ngụ cư tại Cẩnm Sa. Cụ xúc động mạnh trước cuộc đón rước quá long trọng của nhân dân trong tỉnh dành cho cụ và các bạn đồng khóa, mà cụ không sao dám mơ tuởng đến! Lúc lên bờ, không hiểu sao, cụ rời đám rước, một mạch chạy bộ về Cẩm Sa!…Do đó, tại bữa tiệc trong dinh Tổng đốc Quảng Nam vắng mặt cụ Chuân!

V/- BA BÀI THƠ “TỨ TUYỆT” CỤ ÐÀO TẤN ỨNG KHẨU TẠI BỮA TIỆC ÐÃI CÁC VỊ ÐẠI KHOA MẬU TUẤT 1898 TẠI DINH TỔNG ÐỐC QUẢNG NAM ÐỂ TẶNG AI?
Quan niệm của những vị Nho học ngày trước thì thi cử đạt học vị cao, xã hội phải kính nể, trọng vọng. Mà thật vậy, những vị đỗ từ Ðệ tam giáp trở lên “…Ðược vua ban áo mão, cỡi ngựa xem hoa trong vườn Ngự Uyển và dự Yến (Các vị phó bảng chỉ được áo mão chứ không được dự Yến vả cởi ngựa xem hoa, để ngắm những tà áo tím của cung phi mỹ nữ yêu kiều…). Tiến sĩ họ Ðào, hình dung ba tiến sĩ tốt số như ba tiên ông, đang ngự du nguyệt điện, chuyện vãn với Hằng nga, ngâm thơ chuốc rượu, còn hai phó bảng không được nhập điện, thì như hai chú tiểu đồng, đứng ngoài trông vào, thèm thuồng ham muốn, trộm lấy bút mực vẽ bóng chị Hằng Nga để khuây lòng hoài vọng. Ông tặng hai phó bảng một bài thơ hài hước…” (theo giai thoại văn chương trang 21-Trần Gia Thoại- nhà in Kim Ngọc Sàigòn 1957) (3).

Có lẽ cụ Ðào cũng nghĩ như thế nên cụ xuất khẩu ba bài thơ tứ tuyệt để tặng năm vị đại đăng khoa này.
Bài thứ nhất tặng Cụ Phạm Liệu
Nguyên tác:
Chiết quế nhơn tùng nguyệt điện lai
Ðình bôi vị vấn thiếu niên tài
Khán ba mã qua song kiều lộ (4)
Thùy thị Nam chi (5) đệ nhất mai
Bản dịch (Cụ Trần Gia Thoại):
Bẻ quế cung trăng ấy mới tài
Nâng ly thử hỏi khách là ai?
Xem hoa cỡi ngựa qua cầu kép
Là cánh hoa Nam đệ nhất mai
Bài thứ hai tặng Cụ Phan Quang và Phạm Tuấn.
Nguyên tác:
Vận hội tuần hoàn ngũ thập niên
Thứ ban (6) tương kế xuất danh hiền
Trúc Ba nhơn khứ Hà Ba tại(7)
Nhụy bảng do truyền Giáp Ất niên
Bản dịch:
Cơ trời mấy chục năm qua
Cõi Nam liên tiếp sinh hoa ngạt ngào
Trúc tàn Hà nở thơm sao
Bảng đề Giáp Ất ai nào dám tranh.
Bài thứ ba tặng Cụ Ngô Chuân và Dương Hiển Tiến:
Nguyên tác:
Giang sơn thanh thục dị tài ba
Tam quế tề khai nhất dạng ba
Cánh hữu Quảng Hàm cung đợi khách
Du tương thể tà Hằng Nga
Bản dịch:
Non sông hun đúc lắm tài hoa
Một loạt ba bông nĩ đậm đà
Cung Quảng ngoài hiên còn khách đợi
Trộm đem bút mực tả Hằng Nga

VI/. Ý KIẾN CỦA CỤ HUỲNH THÚC KHÁNG VỀ KHOA THI MẬU TUẤT THÀNH THÁI 10 -1898- TỨC KHOA” NGŨ PHỤNG TỀ PHI QUẢNG NAM”.

Khi làm báo Tiếng Dân tại Huế, (báo này được tồn tại từ năm 1927 đến 1943 do cụ Huỳnh Thúc Kháng chủ trương)- theo tư liệu của Cụ Nguyễn Xương Thái, Thư ký báo Tiếng Dân hồi đó- có lần Cụ Huỳnh viết bài báo phàn nàn về sự bất công của khảo quan trong khoa thi Mậu Tuất(1898) với nội dung như sau:”… Khoa Mậu Tuất 1898( tức khoa Ngũ Phụng) có 10 danh nho, quan của triew62u đình xung vào làm Hội Ðồng Giám Khảo. Trong số đó, hết 8 vị là người Quảng Nam. Lúc ráp phách, Hội Ðồng ngạc nhên thấy 5 sĩ tử đạt điểm chuẩn Tiến sĩ đều là sĩ tử Quảng Nam! Bấy giờ, Cụ Hà Ðình Nguyễn Thuật quê Hà Lam thuộc phủ Thanh Bình, tỉnh Quảng Nam là một hành viên của Hội đồng đề nghị: Chỉ nên lấy 3 tiến sĩ, 2 phó bảng chứ không nên cho đỗ một lúc 5 tiến sĩ như thế, vì cho sĩ tử Quảng Nam đỗ nhiều tất không tránh tai tiếng với người trong nước rằng, khoa nầy, đa số là người Quảng Nam chấm thi, nên đã chấm nới tay cho học trò Quảng Nam đỗ cao và đỗ nhiều! Ấy vậy mà Hội đồng cũng nghe theo.
Nếu công bình mà xét thì hồi đó Quảng Nam có 5 vị tiến sĩ…”
Kết hợp với sự kiện cụ Tổng Ðốc và Ðốc học Quảng Nam khen tặng cho 5 vị tân khoa Mậu Tuất của Quảng Nam lúc bấy giờ là “Ngũ Phụng Tề Phi”, thì rõ ràng cả hai cụ Ðào-Trần cũng đã xác nhận đó là 5 con phụng hoàng của Quảng Nam, tức cả 5 vị đều là tiến sĩ.
Niềm hân hoan và hãnh diện của “Ngũ Phụng” và nhân dân Quảng Nam trước thành tựu khoa cử là ở cái đất địa linh nầy quả đã sinh được nhân kiệt. Nhưng theo nhận xét của cụ Huỳnh, chỉ tiếc một điều là năm con phụng hoàng Quảng Nam không lưu lại cho hậu thế một công trình nào về mặt văn học, ngoài cảnh huy hoàng nhất thời! Nên ngày cụ Liệu qua đời, cụ Huỳnh đã phúng điếu một câu đối, mà nay còn được lưu truyền:
“Văn tự quả hữu túc duyên đa, ấu nhi tĩnh tường nghệ chiến, lão nhi kinh đệ minh đàm, trừ trung gian quốc sự dịch kỳ trần lộ sâm thương dư nẫm tái.
Hà sơn do thụy giai khí giả, cựu tắc Hán học thành tinh, tân tắc Âu khoa nhược trí, thứng vãn tấn châu bình nguyệt đán khẩu bi danh tánh mỗi song đề”.
Diễn ý:
Văn chương chữ nghĩa có đầy duyên tứ trước vậy. Lúc nhỏ học trường tỉnh, ganh đua nghiệp văn. Khi già ở nhà khách tại kinh đô đàm luận. Ngoài việc biến đổi quốc sự, thì đường trần ai (tôi và ông) xa cách nhau hơn 20 năm.
Sông núi do tú khí tạo nên, Hán học tinh thông, Tây học còn non yếu. Mỗi tháng cùng bạn văn chương bình thời sự. Danh tánh đều được bia đá bia miệng lưu truyền.
Ngày nay , Ngũ phụng Tề Phi là tấm gương hiếu học, học giỏi, đổ cao của những người con Quảng Nam, mà hầu hết có đức tính kiên trì theo đường học vấn, trong hoàn cảnh gia đình khó khăn, để cuối cùng đạt được học vị cao trọng trong xã hội mà thôi./

GHI CHÚ:
(1) Theo ông Trần Gia Phụng thì cụ Ðào Tấn không hề làm Tổng Ðốc Quảng Nam, nhưng chúng tôi tìm được tư liệu chính xác do gia đình Cụ Ðào Tấn ghi lại như sau: theo gia phả và bi minh, lược giảm lược bố phụng dịch của ông Bố chinh hưu tri Ðào Nhữ Tuyên(con trai Cụ Ðào Tấn)viết tiểu sử cụ Ðào Tấn ngày 17-8, năm Bảo Ðại 18 (1943), trong đó có đoạn:
“…năm Thành Thái 9 (1897) Thượng thư bộ Hình năm ấy đính ưu cụ cố bà, năm Thành Thái thứ 10 (1898) phụng chỉ đoạt tình (đang cư tang, nhưng vua cứ điều đi làm việc, nên gọi là phụng chỉ đoạt tình – Vũ Ngọc Liễn) thăng thọ Hiệp tá Ðại học sĩ lãnh Nam – Ngãi Tổng đốc, vừa lại cái lãng An Tinh Tổng Ðốc, năm Thành Thái 11 (1899)..” (Thư mục tư liệu về Ðào Tấn, tr.90, do Vũ Ngọc Liễn – Bùi Lợi – Mặc Côn – Ngô Ðình Hiếu biên soạn. UBKH&KT, sở VHTT và Nhà hát tuồng Nghĩa Bình ấn hành 1985).
(2) Theo tư liệu của cụ Cả Liêu, con cử nhân Trương Hoài Phác, một vị đồ nho viết liễn rất đẹp của tỉnh Quảng Nam trước những thập niên 40 tại Hội An. Cụ sinh năm 1879, qua đời năm 1943. Lúc xảy ra đám rước Ngũ Phụng, cụ đã được 19, 20 tuổi và cụ cùng một số nho sinh Hội An lên Vĩng Ðiện xem đám rước nên biết rõ cuộc rước này, cũng như sự tích cụ Tổng Ðốc và Ðốc học mừng 5 vị đại khoa hồi ấy.
(3) Theo ông Trần Gia Phụng thì ba bài thơ của Ðào Tấn chỉ để tặng cho ba vị tiến sĩ chứ không tặng cho hai vị phó bảng.
(4) Song kiều lộ: Cầu Ðông Ba
(5)Nam Chi: Cành mai Quảng Nam dược chiếm giải nhất. Ý nói ông Phạm Liệu là thiếu niên thực tài đổ đầu.
(6) Thứ bang: Bang ấy, tác giả muốn nói tỉnh Quảng Nam.
(7) Trúc Ba nhơn khứ Hà Ba tại: Ông Phạm Phú Thứ hiệu là Trúc Ðường. Ông Nguyễn Thuật hiệu là Hà Ðình đều là người cùng tỉnh Quảng Nam.
(4, 5, 6, 7 là chú thích của cụ Trần Gia Thoại – sđd

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button