THƯ TÌNH,THỜI ÐI HỌC

Phan Xuân Sinh

Trong thời còn là học sinh, ai cũng có những mối tình. Có thể thương thầm nhớ trộm, có thể có một chút tình ý với nhau, có thể tiến xa hơn là hai bên đã phải lòng với nhau. Từ xưa cho đến nay tình yêu bao giờ cũng tiến triển tuần tự theo các giai đoạn đó. Thời trước như thế nào thì tôi không biết, chứ thời học sinh của thế hệ tôi, chỉ chừng hơn ba mươi năm trước thôi, tình yêu lúc ấy sao cũng còn lắm rào cản của định kiến chi phối. Nhất là những thành phố nhỏ ở Miền Trung thì lại càng có nhiều điều cấm kị. Trai gái ra phố cầm tay nhau tung tăng, đùa giỡn , đã là điều gai mắt cho nhiều người. Hôn hít nhau thì phải tìm chỗ kín đáo không ai thấy. Hẹn hò nhau thì phải ở nơi vắng vẻ. Chuyện tỏ tình bao giờ cũng dùng cái phương tiện “thư tín”, nên thường gọi là “thư tỏ tình”, để khởi đầu cho một cuộc tình. Nói thế chứ vẫn có những cách khác, tuy nhiên nó không nên thơ, và dễ thương bằng dùng thư để nói lên nỗi lòng của mình. Nó còn đượm tính chất văn hóa hơn, và tránh đi trường hợp khó xử của người nữ hoặc người nam, nếu họ không thuận tình.

Ðúng ra trong thời chiến tranh, sống vội vàng, yêu cũng vội vàng. Thế mà lúc ấy chúng tôi lại chậm chạp trong vấn đề nầy. Từ khi quen biết, cho đến khi tỏ tình, yêu nhau. Tiến qua biết bao nhiêu giai đoạn chông gai, gập ghềnh. Ngồi nhớ lại mà thấy tức cười và tội nghiệp cho những thằng con trai mới lớn thuở ấy. Bây giờ nhìn các con tôi tình yêu đến và đi sao mà nó dễ dàng quá. Ôm nhau, hôn nhau tại chỗ đông người chẳng có chi ngượng ngập. Những cử chỉ âu yếm nó cũng mạnh bạo hơn, điêu luyện hơn, tự nhiên hơn. Làm gì có cái chuyện thư từ phiền phức như hồi đó. Mới hay thời đại tân tiến tình yêu cũng bắt kịp theo sự nhanh nhẹn của khoa học.

Trường hợp của bọn tôi lúc ấy cũng theo những thông lệ đó. Nghĩa là tuần tự trải qua những giai đoạn liếc mắt đưa tình, hồi hộp đợi chờ, hẹn hò tình tự. Tuổi choai choai cũng biết đi “cua gái”. Phải nhịn ăn để lo mặc cho tươm tất, chưng diện để se sua với gái. Trước khi ra khỏi nhà là phải chải chuốt kỹ lưỡng, áo quần thẳng nếp. Cua gái thì cũng phải có bộ mã coi cho được. Trước hết, bên ngoài phải tỏ mình lịch sự. Sau, mới tới tướng tá đẹp trai. Tôi không thuộc loại điển trai, nên phải cần chú ý thận trọng cách ăn mặc, chứ không thể xuề xòa được. Lớp học của tôi nổi tiếng có nhiều gái đẹp, sau nầy có người thành Á Hậu Việt Nam đó là chị Kim Uyên (vợ của Nhà Thơ Trang Châu sau nầy). Gái đẹp trong lớp chẳng có ai thèm ngó đến thứ ba trợn như tụi tôi, các chị nầy dành cho các anh lớp lớn. Cỡ tuổi tụi tôi thì phải cà rà mấy em ở lớp dưới. Nhưng chỉ thực hiện lúc tan trường ra về, bày đặt dở hơi cua gái trong trường thế nào cũng bị tóm cổ. Vì trường tôi theo học là một trường Công Giáo ở Ðà Nẵng nên các Cha, các Thầy rất khắt khe. Lớp học của tôi thuở ấy có nhiều anh lớn tuổi, có anh đã có vợ con mà vẫn còn đi học.

Một hôm đến giờ ra chơi, anh Tính chận tôi ở cửa lớp. Nói là bạn học cùng lớp chứ anh ấy lớn hơn tôi chừng năm tuổi. Anh đề nghị tôi viết giùm một lá thư tỏ tình, nội dung “phịa” thế nào cũng được miễn sao cô bé anh thương phải xiêu lòng là được. Tiền công anh thuê tôi viết giá là một gói thuốc Ruby. Tôi thấy mối nầy có lý nhưng khó nuốt trôi, vì hồi nào tới giờ tôi chưa hề mang tâm trạng nầy, nên có thể sự diễn tả của tôi vụng về sẽ làm mất đi sự thuyết phục. Tôi còn đang suy nghĩ, thì ảnh động viên tinh thần tôi: “Mi giỏi Việt văn thì ăn thua chi thứ ni, xem như làm một bài luận, viết huyên thuyên mà không sợ lạc đề.”. Tôi miễn cưỡng nhận lời. Tối đó về nhà tôi ngồi vào bàn viết, cắn bút mãi chẳng biết mở đầu ra sao. Tôi viết một đoạn xem lại, rồi xé bỏ. Cứ như thế mà giỏ rác phòng tôi đầy ắp giấy pelure, thức trắng đêm mà không viết được chữ nào.

Sáng hôm sau đi học người tôi rã rượi, tôi chưa biết yêu mà tưởng chừng như nếm mùi khổ lụy vì tình. Gặp tôi, anh Tính chạy lại hỏi vồn vã: ” Sao, được đoạn nào chưa mi? Cho tau xem thử có hay không? ” . Tôi lắc đầu, mỏi mệt trả lời: “Tôi không viết nữa, anh thuê người khác viết đi”. Mặt anh thộn ra đờ đẫn thật tôi nghiệp. Tôi nhìn anh mà lòng tôi cũng đau điếng. Nếu cô “bồ” anh thấy cái thất vọng nầy của anh, cô ta sẽ yêu anh ngay. Tôi không dám nhìn anh nữa mà lặng lẽ bỏ đi nơi khác. Vào lớp tôi nhìn qua bàn anh, thấy mặt anh buồn thiu và thẫn thờ như người mất trí. Thật tội nghiệp, tôi không cầm lòng nổi nên nguyện trong lòng, đêm nay bằng mọi cách tôi phải cố gắng viết xong lá thư tỏ tình giùm cho anh. Ðến giờ ra chơi anh tìm tới tôi, giọng nói anh ngọt ngào cầu khẩn: “Mi cố gắng viết giúp cho tau đi, vài gói thuốc tau cũng chịu được”. Tôi vỗ vai anh an ủi: “Bây giờ không phải là chuyện mặc cả. Lúc đầu tôi nghĩ thật đơn giản, nhưng khi cầm bút tôi thật sự không biết mình đương viết gì. Tôi còn nhỏ, chưa có chút yêu thương nào, nên không biết thế nào mà diễn tả. Ðể tối nay tôi cố gắng thử lại xem sao”. Anh trả lời với tôi: “Thôi được rồi, tối nay tau với mi ra bờ sông, tau sẽ nói cho mi biết lòng tau. Nhưng tuyệt đối không nói cho ai biết”.

Ăn cơm tối xong, tôi vừa ra đầu ngõ, thì thấy anh dựng xe đạp đứng chờ tự hồi nào. Anh chở tôi ra bờ sông, hai đứa tìm chỗ ngồi, rồi anh thong thả rút trong túi gói thuốc Ruby mới mua ra mời tôi, anh cũng lấy một điếu trịnh trọng đặt trên môi, châm lửa rít một hơi dài. Mắt anh đăm chiêu, điếu thuốc trên môi vẫn cháy đều, gần tàn mà anh vẫn chưa mở đầu kể cho tôi nghe câu chuyện rạo rực của lòng anh. Lúc ấy tôi mới mười lăm tuổi mà anh thì trên hai mươi. Tự nhiên tôi thấy tình yêu sao mà nó dễ sợ quá vậy. Nó đày ải, hành hạ con người một cách đau đớn như vậy sao. Nó là cục đường nghẹn ngang cổ họng, nuốt không trôi mà nhả ra cũng không được, thấy ngọt ngào mà lại trả một giá quá đắt. Anh hút đến điếu thuốc thứ ba, mà cũng chưa mở miệng được, để mô tả những gì mà lòng anh chất chứa. Mắt anh nhìn ra sông mà sao thấy diệu vợi như kẻ thất thần. Nói cho tôi biết anh đang nghĩ gì về cô bạn của anh, yêu thương, nhung nhớ như thế nào mà anh còn thô? không ra lời, huống gì tôi là người ngoại cuộc thì làm sao hiểu hết nội tình để giúp anh. Ngồi với tôi cả giờ mà anh chẳng biết nói thế nào với tôi, thì làm sao anh có thể mở miệng để nói chuyện với cô bạn của anh. Tôi đứng dậy và bảo anh chở về với một lời hứa an ủi cho anh yên tâm: “Ngày mai anh sẽ có một lá thư tỏ tình tuyệt vời”. Tôi định tối nay sẽ lấy các tờ báo Tiếng Chuông của ông Ðinh Văn Khai, Sài Gòn Mới của bà Bút Trà, ra đọc các chuyện tình lâm li của các tác giả Bà Tùng Long, Dương Ha,蠦#273;ể lấy cảm hứng và theo đó tán đại ra cho dài, chẳng cần cân nhắc gì cả. Nghĩa là viết cho thật kêu, cho thật ướt át, cho thật mùi mẫn.

Chở tôi về anh cho biết người yêu của anh là con bà chủ nhà trọ. Cô ta cũng liếc mắt đưa tình với anh nhiều lần. Như vậy, xem như cô ấy đã chịu đèn với anh rồi, chỉ còn thủ tục “tống tình” nữa là xong ngay. Tôi bảo với anh tại sao anh không lựa lúc nào vắng người, đè đầu hôn đại. Như vậy tránh bớt thủ tục rờm rà nhiêu khê như hiện nay. Cái trực tiếp lại không làm, mà lại làm chuyện lòng vòng. Anh lắc đầu cho tôi là thứ con nít không hiểu chuyện người lớn, chuyện đại sự mà giải quyết đơn giản theo suy nghĩ của trẻ con thì hỏng mất. Tôi thấy trong lời nói của anh, tỏ vẻ rất tôn trọng người mà anh đã yêu. Anh còn cho tôi biết, nếu như cô không chấp nhận lời tỏ tình trong thơ của anh, thì anh phải tức tốc dọn đi nơi khác. Con người của anh có vẻ hiền từ, đến độ khù khờ như vậy mà tình yêu sao nó hừng hực, bốc cháy mãnh liệt như thế. Tôi còn suy nghĩ xa hơn, nếu anh thất bại trong mối tình nầy, có thể anh cùng quẫn và liều lĩnh làm những việc rồ dại khác , nguy hại đến tính mạng. Anh không quên dúi vào tay tôi bao thuốc lá còn lại, để trong đêm nay, tôi mặc sức phì phà khói thuốc cho ra được cảm hứng, viết một lá thư tình quan trọng cho anh. Trước khi thả tôi xuống đầu ngõ anh còn căn dặn, cố gắng giúp anh.

Tối hôm đó ngồi vào bàn, hình ảnh thiểu não của anh lại xuất hiện. Tự nhiên tôi thấy thương anh hơn, và tôi phải có bổn phận giúp anh, phải hoàn thành công việc anh đã tin tưởng giao phó. Tôi cũng không hiểu lúc ấy có sự trợ giúp nào mà tôi viết một cách ngon lành, trôi chảy. Dòng mực tím của tôi trên mười trang giấy pelure mỏng ngày hôm sau, đã làm cho anh phải sững sờ thán phục. Những gì trong lòng anh đang mong muốn, tôi đều nói lên vanh vách. Trang giấy hình như có chất chứa toàn những thứ ướt át, chờ mong, khổ lụy v.v…Ðọc tới đâu đôi mắt anh sáng rực tới đó. Ðây cũng là lá thư tình tôi viết đầu tiên trong cuộc đời ô trọc nầy, nhưng không phải là của tôi, mà chính là nỗi lòng thầm kín của anh.

Giờ ra chơi, anh rủ tôi ra gốc soài nằm khuất ở góc sân. Anh trịnh trọng mở lá thư ra đọc. Khuôn mặt của anh tươi tắn lạ thường, anh rất thỏa dạ những gì trong lá thư tôi viết. Tâm trạng của tôi lúc ấy rất hãnh diện, rất tự mãn. Tôi đã hoàn thành xuất sắc một công việc quan trọng mà anh đã đặt hết tin tưởng. Hai đứa đang ngồi trao đổi những lời khen tặng một cách hí hửng, hứng thú, thì bất chợt, thằng Tâm núp ở phía sau gốc soài, nghe lén chúng tôi nói chuyện. Nhanh như chớp, nó chụp lá thư trên tay anh Tính chạy mất. Tâm là một đứa nghịch ngợm, phá phách nhất trong lớp tôi hồi đó. Anh Tính đứng dậy chạy đuổi theo nhưng không kịp, nó luồn lách đâu mất. Anh sững sờ, lặng người. Chúng tôi biết lá thư vào tay nó, thì không thể lường được tai họa, cũng như mọi thứ xui xẻo sẽ xẩy ra.

Ðến giờ vào lớp chúng tôi cũng không tìm thấy nó. Nó chỉ xuất hiện phía sau lưng Thầy Nguyễn Tàu – giáo sư Việt văn của lớp tôi – khi thầy vào dạy. Nó nhìn tôi và anh Tính cười một cách ngạo mạn. Tôi ghét cay, ghét đắng cái mặt ngổ nghịch của nó, muốn tới đấm một cái cho vỡ mặt nó để hả cơn giận. Tôi biết thế nào rồi sấm sét sẽ ụp trên đầu chúng tôi. Cái thằng cô hồn nầy đùa thì không ai chịu nỗi, nó bất kể chi là danh dự của người khác. Tôi thì không sao, nhưng anh Tính là người lớn tuổi nhất trong lớp, làm sao anh chấp nhận cái đùa của thằng trời đánh nầy.

Thầy Tàu giở sách giảng về “Cung oán Ngâm Khúc” của Nguyễn Gia Thiều, đến cái đoạn:

Bóng gương lấp loáng trong mành,
Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa.
Chìm đáy nước cá lừ đừ lặn,
Lửng lưng trời nhạn ngẩn ngơ sa,

Thầy nói về sắc đẹp của người đàn bà, cái sắc đó đã làm cho cỏ cây cũng động tình, chim thì sa, cá thì lặn. Thầy đang thao thao bất tuyệt nói về nhân dáng cốt cách, nói về lời ăn tiếng nói, về bước đi thế ngồi v.v… các mỹ nhân Trung Hoa thời xa xưa. Thì thằng trời đánh Tâm giơ tay xin có ý kiến. Tôi như muốn đứng tim, tai họa sắp sửa trút xuống đầu tôi rồi. Tôi không biết nó chuẩn bị giở trò gì ra đây, tôi len lén nhìn qua nó và chắc rằng bộ mặt của tôi méo xệch, xìu như bánh bao chiều, trông thật thảm thương. Cái nhìn của tôi có ý năn nĩ van lơn, nhưng nó chẳng thèm để ý. Nó dõng dạc đứng lên một cách kiêu hảnh, với một khí thế đằng đằng sát khí, quyết quật ngã tôi cho tới cùng: “Thưa Thầy, Em không đồng ý cái lối tả mỹ nhân của Nguyễn Gia Thiều trong “Cung Oán Ngâm Khúc”. Lối mô tả như vậy không xác thực, kiểu cọ và quá tầm thường. Em thích cái lối mô tả mỹ nhân của anh Xuân hơn. Người đẹp mà ảnh trình bày thật lộng lẫy, kiêu sa và hấp dẫn hơn nhiều”.

Thầy Tàu ngơ ngác, chẳng biết thằng trời đánh nầy ăn nói huyên thuyên kiểu gì đây. Thầy ngạc nhiên hỏi: ” Ủa, anh Xuân làm gì có tác phẩm mà tả mỹ nhân. Anh có đùa không?”. Nó lễ phép và trịnh trọng: “Thưa Thầy, Em không dám đùa đâu, tác phẩm của anh Xuân đây ạ”. Nó rút trong túi quần ra một xấp giấy pelure nhàu nát. Chết tôi rồi trời ạ. Tôi điếng hồn, không biết thằng dở hơi nầy bày trò chi đây. Nó quyết hạ nhục tôi, nó quyết không cho tôi một lối thoát. Xấp giấy mà tôi trịnh trọng xếp trong tập thẳng tưng, nắn nót từng chữ, không có một vết dơ. Thế mà khi qua tay thằng khốn nạn nầy, nó thành một thứ bùi nhùi, dơ bẩn.

Tất cả con mắt của các bạn trai gái lớp tôi đều đổ dồn vào nó. Nó đọc lên, tôi nghe như từng tiếng sét đánh ngang tai mình: ” Liên yêu dấu,” . Một sự trùng hợp lạ lùng, người yêu của anh Tính tên Liên, trùng tên với cô bạn gái học cùng lớp, thường đến nhà rủ tôi đi học, tên là Mai Thị Liên. Tất cả đều cho rằng tôi viết thư tỏ tình với Mai Thị Liên, nên họ đều “ồ” lên một tiếng. Không ai chịu hiểu cho rằng thằng bé con mới 15 tuổi chưa biết yêu là gì, phải gánh chịu một thứ “tình yêu” nặng ngàn cân đè trên vai mình. Mai Thị Liên gục đầu trên bàn xấu hổ, tôi thì mặt cắt không ra một giọt máu. Làm sao tôi giải thích cho mọi người hiểu nỗi oan ức nầy của tôi.

Tôi nhìn qua anh Tính, mặt của anh ngơ ngác, thất thần. Tâm trạng của anh lúc ấy cũng chẳng kém gì tôi, anh như đang ngồi trên đống lửa, gan ruột của anh nóng sôi lên. Tội nghiệp cho anh, thằng khốn đó đã làm cho anh mất đi một cơ hội hiếm có. Tôi cũng thầm trách anh sao lại lơ đễnh đến vậy. Anh săm se đọc tới đọc lui nhiều lần làm gì, để bây giờ phải ra nông nổi nầy, làm khổ thân cho anh, cho tôi và cho cái con nhỏ Mai Thị Liên vô tội ấy. Tại sao anh không đem thư về nhà, đóng cửa phòng nằm ngửa mặc sức mà đọc, mặc sức mà nghiền ngẫm. Nôn nóng làm chi để bây giờ phải mắc cỡ, thẹn mặt với mọi người.

“…em có biết rằng, sắc đẹp của em đã làm tê tái lòng anh hay không? Em có biết rằng, đôi mắt em là vì sao đã thu hút hồn anh hay không? Ô, làm sao anh mô tả hết những nét lộng lẫy, kiêu sa của em, bóng dáng mỹ miều, thanh lịch của em. Anh chỉ còn biết quỳ dưới chân em, để xin em bố thí cho một chút tình yêu để sưởi ấm và ấp ủ đời anh. Anh nguyện sẽ làm tên nô lệ , thuần phục em suốt đời…” Cứ cái giọng thật là “ma-ri-sến” như thế nầy, “cải lương” như vậy, mà tôi đã tưởng tượng viết ra được mười trang giấy pelure cũng không phải là chuyện dễ dàng. Lúc đầu thằng Tâm mới đọc, cả lớp còn cười chế nhạo. Ðến lúc sau cả lớp im phăng phắc như để từng câu, từng chữ , thấm dần trong huyết mạch. Cái lạ là, càng nghe tôi lại càng không thấy ngượng, mà ngược lại tôi thấy hãnh diện cho văn chương lưu loát của mình. Tôi nghe như có lời thỏ thẻ thật êm tai, chứ không còn chút âm thanh chan chát như trời giáng lúc ban đầu. Mặt tôi không còn đỏ, sắc diện trở lại bình thường. Tôi cũng phải công nhận rằng, giọng đọc ra rả Bắc kỳ của thằng Tâm thật duyên dáng, thật hấp dẫn lạ lùng. Nó đã dẫn dắt mọi người đi vào thế giới yêu đương mùi mẫn lúc nào không hay. Ðến lúc chấm dứt lá thư, cả lớp vỗ tay vang dội. Thằng Hạnh ngồi cạnh tôi, nắm lấy tay tôi đưa lên như thể hiện một sự chiến thắng lẫy lừng.

Tôi nhìn nét mặt của thầy Tàu để xem ông có ý phiền trách gì tôi không, ông nhìn lại tôi với đôi mắt thật hiền từ và nói với cả lớp: “Hôm nay tôi đang giảng về “mỹ nhân”, thì lại được nghe anh Xuân đã tả một cách đầy đủ về người đẹp. Từ cổ chí kim, từ đông sang tây quan niệm về cái đẹp của người đàn bà tuy có khác nhau, nhưng chung quy họ cũng chỉ làm cho bọn đàn ông chúng tôi khốn đốn, điên dại. Tôi mong rằng các chị có nhan sắc trong lớp nầy, phải có cái nhìn mã thượng hơn, hãy đối xử với bọn đàn ông bằng trái tim chứ không phải bằng tính toán những con số. Bài học về Mỹ Nhân đến đây chấm dứt” . Cả lớp lại vỗ tay một lần nữa cho ông thầy dạy Việt văn chịu chơi.

Thầy Tàu bảo Tâm đưa lá thư đó cho thầy. Rồi thầy gọi tôi lên hoàn trả lại, với lời dặn dò hiền hòa: “Lo học đi, chứ đừng viết bậy bạ nữa”. Tôi cũng nói nhỏ với thầy rằng đây là lá thư tôi viết giùm cho anh Tính. Thầy vò đầu tôi cười.

Bắt đầu từ đó, các anh lớn trong lớp tôi có chuyện rắc rối về thư tình đều tìm tới tôi nhờ vả. “Văn ôn, võ luyện” , thư tình viết nhiều càng ngày càng tiến bộ. Viết thư tình cho mấy anh ấy, sau nầy tôi không cần phải đắn đo suy nghĩ. Nắm được sự thể của câu chuyện, là tôi đặt bút viết ngay. Tôi cũng là người biết được thâm cung bí sử, mọi diễn tiến những mối tình gay go của hầu hết các anh lớn trong lớp. Các anh các chị trong lớp thương yêu nhau tha thiết nhưng bề ngoài không thấy gì, làm mặt lạ, tôi đều biết hết trơn. Sau nầy lại kèm thêm cái mục làm chim xanh, đưa thư giùm qua lại cho những người yêu nhau. Tôi lại thấy mình có thêm một chức quan trọng. Tất cả những giận hờn, yêu, ghét, thù hận, ghen tương, trước khi tới tai người yêu của họ, là họ đổ xối xả lên trên đầu tôi trước nhất. Tôi đã chứng kiến bao nhiêu chuyện tình xum họp, cũng như chia ly. Tôi đã vui trong cái vui của họ và cũng buồn trong cái buồn của họ.

Năm tôi học đệ nhị, thì anh Tính cưới chị Liên. Bấy giờ anh là một giáo viên tiểu học ở Quảng Nam. Sau khi đổ trung học, anh theo học một khóa sư phạm cấp tốc ở Huế. Anh chị đến nhà mời tôi dự đám cưới. Lúc nầy tôi mới nhìn được dung nhan thật sự của một người, mà trước đó ba năm tôi đã viết thư tỏ tình giùm cho anh Tính. Sự ca ngợi trong trí tưởng tượng của tôi về sắc đẹp của chị, bây giờ nhìn lại quả thật không ngoa chút nào. Hèn gì mà lúc ấy anh Tính không mê mệt đờ đẩn. Anh kể cho chị Liên nghe về lá thư tỏ tình bị thằng Tâm đọc oang oang cho cả lớp thưởng thức. Chị cười hiền hòa và công nhận lá thư đó thiệt hay. Tôi cúi mặt giấu nụ cười, lá thư nghe ra ngô nghê, sáo rỗng, lượm nhặt trong các chuyện tình lâm li đăng tải trên các nhật báo thời đó, thế mà chị lại khen. Tôi nghe chị nói mà lòng tôi ấm lại, vui biết mấy. Tôi đã làm được cái chuyện mở đầu cho những mối tình, và chính nó đưa tới vấn đề hôn nhân cho các anh chị sau nầy.

Thời nầy mà nói đến cái chuyện thư tỏ tình kiểu đó, thì cũng giống như ta đang nói về thời kỳ đồ đá. Trai gái bây giờ gặp nhau thấy “bắt mắt” là nhào tới cặp kè ngay. Chuyện phòng the, được công khai giảng dạy trong lớp học, chứ không còn là thế giới riêng tư của hai người. Thế nhưng tôi không bao giờ quên được những chuyện lẩm cẩm như thế nầy. Nó đã bén rễ trong tôi, mỗi lần nhớ lại những hình ảnh xuất hiện như mới đây, thật dễ thương, thế mà đã vài chục năm rồi. Bây giờ các cặp trai gái tiến tới tình yêu, sao thấy đơn giản và nhanh chóng quá chừng. Làm gì có cái chuyện nước mắt ướt đẩm tiển nhau trên sân ga, phóng xe solex đuổi theo đoàn tàu chở người yêu mình đi xa. Những hình ảnh thơ mộng đó làm sao tìm được bây giờ nhất là trên đất nước Hoa Kỳ nầy.

Boston, mùa hè 1999

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button