Phỏng vấn nhà văn Thảo Trường
Nguyễn Mạnh Trinh
“Tôi có tham vọng nhét cả cuộc chiến tranh vào trong một truyện ngắn.” Thảo Trường
Phỏng vấn nhà văn Thảo Trường,
Nguyễn Mạnh Trinh thực hiện.
(1) Xin anh cho một vài dòng về tiểu sử của mình?
TT: Tôi tên là Trần duy Hinh, bút danh Thảo Trường chỉ là một chọn đặt tình cờ từ khi đăng những sáng tác trên Tạp chí Sáng Tạo và dùng cho đến bây giờ. Vài bút danh nữa ký ở những bài báo trước 1975 hoặc những thơ văn thời trẻ đến nay tôi không còn dùng nữa. Tôi chỉ học hết trung học và chưa biết đại học văn khoa là gì. Tôi chỉ thích 4 năm học Hán văn với giáo sư Trần văn Hào, cụ thích tôi, tôi biết rõ vì chính tôi cũng rất kính yêu cụ, mỗi lần cụ cho 00/20 điểm trên bài luận văn của tôi thì cụ đều nhìn tôi cười, và nói: ” Deux zéros! Không lẽ cho điểm âm!” Năm nay tôi vừa lục tuần vì cũng thích coi tử vi nên tôi thường nhớ tuổi mình là Bính tý. Quê quán tôi ở tỉnh Nam định miền Bắc bên bờ sông Vị hoàng. Tôi là người thứ chín trong một gia đình đông con, mười người. Thân phụ tôi mất sớm. Tôi là đứa con bất hiếu, năm 1954 tôi vào Nam bỏ lại Mẹ tôi ở quê nhà với người chị gái lo phụng dưỡng ông nội tôi và coi sóc mồ mả tổ tiên, nhưng sau đó Mẹ tôi bị đấu tố, bị tịch thu hết nhà cửa ruộng vườn, bị đuổi ra ở ngoài gò đất giữa cánh đồng nước mênh mông. Vào Nam tôi gia nhập quân đội, theo học Khóa 6 Trường Sĩ quan trừ bị Thủ đức. Và chính thức viết văn.
(2) Là người lính trước 75, là người tù sau 75 và sau cùng sang Mỹ tị nạn theo diện HO, anh suy nghĩ thế nào về chiến tranh và thay đổi thế nào tuỳ theo thời gian cũng như vị trí của anh trong thời điểm ấy ?
TT: Tôi đã trải qua một thời chiến, tôi cũng đã trải qua một thời tù và hiện tôi đang phải trải qua một thời loạn! Tôi đã tham dự cuộc chiến tranh Việt Nam suốt 17 năm, làm sĩ quan pháo binh chán rồi chuyển sang làm sĩ quan nghiên cứu “Phương châm chiến lược hai chân ba mũi” của CS, nhiệm sở ở Cục An ninh quân đội. Qua những công việc đó tôi đã phải đi và ở hầu hết hơn bốn mươi tỉnh thành của Miền Nam Việt Nam và còn có dịp ra ngoài Bắc nhìn tận nơi thành phố Hà nội nhân chuyến nhận tù binh Mỹ ở ngòai đó. Cấp bậc chót của tôi là Thiếu tá của QLVNCH. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 tôi bị bắt làm tù binh. Tôi bị CS giam giữ gần mười bảy năm, trải qua 18 nơi giam giữ từ Nam ra Bắc rồi từ Bắc vô Nam. CS thả ra,tôi ở Saigon hơn một năm thì sang Mỹ đoàn tụ với vợ và các con tôi theo hồ sơ IMMI được hơn ba năm nay. Nghĩ về chiến tranh thì tôi xác định rằng những người cầm đầu băng đảng cộng sản phải chịu trách nhiệm với lịch sử, họ muốn và họ bắt buộc nông dân phải làm ruộng theo cách của họ, họ muốn và họ bắt buộc công nhân phải sản xuất theo cách của họ… họ muốn và họ bắt buộc con người phải sống theo những khuôn phép của họ, vì thế chiến tranh xảy ra. Mà những điều họ muốn chỉ là những thứ họ bắt chước của những kẻ sai lầm khác ở bên Nga bên Tầu. Tôi bị cộng sản bỏ tù lâu vào tận đáy vực của họ để thấy một điều rõ ràng là họ giả dối một cách thiệt tình, họ tàn nhẫn rất nhiệt tâm, độc ác nhân danh lòng nhân đạo. Những người cộng sản cấp dưới không biết việc họ làm, vì thế tôi không hề thù hận họ. Song những lãnh tụ của họ thì phải chịu trách nhiệm về những tan nát của quê hương Việt Nam. Cái thời chiến đổ vỡ tan hoang đó cũng như cái thời tù cơ cực nghiệt ngã đó nó phải có tác động nhất định nào đó vào những tác phẩm của tôi. Cũng như bây giờ sống trong một nước Mỹ không chiến tranh, nhưng thế giới đang ở một thời loạn, nơi này có kẻ nhận là chúa, nơi khác có bà xưng mình là phật, con giết cha mẹ, mẹ trấn nước con thơ, vợ chồng giết hại lẫn nhau, bom nổ lung tung giữa trung tâm nước Mỹ, Anh, Pháp… hơi độc giết người tại thủ đô Nhật bản…, và ở VN cũng vẫn còn “ngụy cộng sản” vẫn còn “giả dạng cách mạng”…thì chúng ta không thể thờ ơ khi làm tác phẩm.
(3) Cuộc đời anh có phản ảnh trong những điều anh viết không? Có tác phẩm nào như những điều tự thuật ?
TT: Tác phẩm là sáng tạo, nhưng đây đó có những chuyện giông giống người này người kia, hay nhân vật trong truyện xưng tôi thì cũng không có nghĩa nhân vật là tác gỉa. Tất cả những gì mà cuộc sống của tôi trải qua, những gì mà tôi chứng kiến, những gì mà tôi nghe kể lại và những gì tôi đọc được ở sách vở thì đều có thể là chất liệu dùng làm chất xúc tác khi xây dựng tác phẩm. Có khi tôi lượm nhiều mẩu đời vụn ở nhiều nơi nhiều lúc sắp đặt vào một nhân vật. Đã có một người anh họ nói đùa với tôi: “Coi chừng kể cho nó nghe nó lại “phang” mình vào trong truyện thì bỏ mẹ!” Cũng có khi tôi đem những cái của mình gán vào một nhân vật nào đó, như là mình cho mượn vậy; bởi vì chính mình, đã có khi phải đi mượn những mối tình của người khác đặt vào chỗ của mình. Riêng đời tôi, tôi chưa làm tác phẩm nào tự thuật. Tôi không có ý định viết hồi ký.
(4) Chắc anh khởi đầu viết từ những truyện ngắn trên tạp chí Sáng Tạo ? Anh có nhớ đó là truyện ngắn với nhan đề như thế nào và anh có kỷ niệm nào đặc biệt về nó?
TT: Trước Sáng Tạo tôi có những bài tuỳ bút và thơ đăng trên những nội san ở Hà nội và Nam định như nội san của Trường sĩ quan trừ bị Nam định. Khi di cư vào Saigòn tôi có viết được một truyện dài nhan đề là “Đau thương” nhưng chưa xuất bản. Truyện ngắn đầu tiên của tôi đăng trên tạp chí Sáng Tạo do nhà văn Mai Thảo làm chủ bút là truyện “Hương gió lướt đi”, truyện ngắn này sau có in trong tuyển tập Sáng Tạo do tạp chí Văn xuất bản và dĩ nhiên nó cũng có trong “Thử Lửa” là tập truyện ngắn đầu tay của tôi do cơ sở Tự Do xuất bản năm 1962. Tôi chẳng có kỷ niệm nào về nó, có người hồi đó đọc xong tưởng là chuyện có thật của tôi và nói tôi…yêu sớm qúa. Thực ra đó là chuyện của một ——– cô “me tây” với một anh học trò cùng trường lớp với tôi, tôi chỉ “mượn” câu chuyện của họ rồi…xúc cảm làm thành như là chuyện của mình. Hồi đó tôi nhát và ngớ. Cho đến bây giờ hình như tôi cũng vẫn còn nhát và ngớ. Có khi còn hơn thế nữa.
(5) Khi cầm bút anh có mục đích nào ? Thích là viết hay để làm đẹp đời sống, nêu cao những chủ trương triết thuyết ?
TT: Tôi làm tác phẩm là để đời.
(6) Anh có một quan niệm khá đặc biệt về truyện ngắn ” Câu nói hay nhất là câu nói ngắn nhất. Viết truyện ngắn là dùng thứ kích thước nhỏ để dựng vấn đề có khi rất lớn.” Bây giờ vấn đề lớn là gì? (thời sự, con người, văn chương…?)
TT: Ông có nhắc thì tôi mới nhớ, tôi có phát biểu đâu đó như thế với Nguyễn đông Ngạc trong tuyển tập “Những truyện ngắn hay nhất” hồi ở Việt Nam trước 1975. Bây giờ tôi cũng vẫn nghĩ như vậy. Và vấn đề lớn cũng vẫn là “thân phận con người trong thời đại này”. Tôi vẫn có tham vọng làm sao “nhét” cả một cuộc chiến tranh vào trong một truyện ngắn, làm sao đưa được cả một thời đại mình đang sống vào trong một truyện ngắn. Vâng, tôi vẫn hằng mong muốn làm được như vậy.
(7) Khi anh viết truyện ngắn, động lực đầu tiên để thúc đẩy anh viết ? ( nhân vật, đề tài…?)
TT: Hình như đầu tiên là nhân vật. Tôi vớ được một nhân vật nào đó ngoài đời làm cho tôi chú ý, nó bắt tôi phải suy nghĩ xung quanh nhân vật đó về những sự kiện, lời nói và hành động tình tiết cùng những băn khoăn, mang những ý nghĩa của đời sống, có lý hay phi lý…Rồi có khi những ý nghĩ của mình bay về quá khứ hay mịt mùng ở một nơi xa xôi nào đó,ý nghĩ bay đi lộn lại, quần thảo một hồi xong có khi xếp xó để đấy, rồi một lúc nào đó nó lại xẹt ra, lại quần thảo. Những cơn vật vã như thế sẽ nẩy sinh ra những vấn đề, nói cách khác là có lúc nó sẽ nẩy ra đề tài, một đề tài hay nhiều đề tài, loại bỏ và chọn lựa…cho đến khi sự xúc cảm đem đến cho mình niềm thích thú thì dùng bút pháp riêng của mình mà thể hiện nó ra. Cũng có khi phải “cất” nó nằm yên trong “bộ nhớ” ở trong đầu mình nhiều năm, thời gian cất đi để dành này có thể “nó” còn được nhào nặn thêm qua nhiều suy tư nữa. Trường hợp những truyện ngắn hình thành mà tôi phải “cất đi” lâu nhiều năm là những hình thành trong thời gian ở tù CS. Qua Mỹ tôi mới thể hiện nó ra. Bây giờ tôi cũng vẫn đang đi tìm nhân vật. Tôi tìm trên đường phố, ngõ hẻm, và các thành phố Mỹ. Ngồi nói chuyện với ông có lúc tôi cũng chợt tự hỏi hay là mình “bắt” người này về làm nhân vật.
(8) Thường thường, anh viết có dễ dàng không ? Và có sửa chữa gì nhiều sau khi hoàn tất ?
TT: Thời trước 75 tôi viết dễ dàng. Bây giờ tôi làm việc vất vả. Phải sửa chữa chứ, đôi khi phải sửa nhiều. Bây giờ dùng computer nên công việc sưả chữa rất thuận tiện.
(9) Nếu sửa chữa nhiều, có thể làm lạc đi những ý định ban đầu khi khở viết không ?
TT: Tôi chưa gặp trường hợp phải thay đổi nhiều, chỉ có nhờ sửa chữa mà nội dung được phong phú thêm, theo ý tôi.
(10) Nhiều người rất thích thú vì những cái bất ngờ xảy ra khi đang viết. Anh có tâm trạng ấy không? Và trong những truyện ngắn của anh, có truyện nào anh thấy nhiều “bất ngờ” nhất ?
TT: Có một bất ngờ tôi xin kể: Trong truyện ngắn “Viên đạn bắn vào nhà Thục” , nhân vật cô bé hỏi nhân vật người lính rằng bên nào đã bắn vào nhà cô, lúc đầu tôi cho phe hai người bộđội bắn, sau tôi nghĩ trong giao tranh bên nào cũng bắn cả và ai biết được hòn tên mũi đạn nó đi như thế nào, với lại cũng may là viên đạn lại chui vào vách tường không chết ai cả vậy thì cho nó công bằng một tí, tôi viết câu người lính trả lời cô bé là:”Đạn này nhãn hiệu Mỹ, nhưng có thể đã bắn ra từ phe tôi và cũng có thể đã bắn ra từ phe hai người bộ đội, bởi vì bên nào cũng có thứ súng đó hết !” Nhưng khi đưa kiểm duyệt thì Bộ Thông tin xoá bỏ mấy chữ “Đạn này nhãn hiệu Mỹ” để giữ hòa khí với bạn đồng minh Hoa kỳ, tình nghĩa đến thế làcùng. Rồi các ấn bản cứ phải in với sự lọai bỏ những dòng kiểm duyệt, kể cả bản in ở Mỹ sau đó. Mà nước Mỹ thì họ đâu cần để ý đến những cái lẻ tẻ đó. Cho nên sắp tới khi xuất bản tập sách có truyện ngắn ấy ở nước Mỹ này thì nó sẽ đủ nguyên con và mang tên nguyên thủy của nó là “Nhãn hiệu Mỹ”.
(11) Trước khi viết, anh có dự trù kết cấu của câu chuyện sẽ viết ? Hoặc, không có gì cả và viết một mạch ?
TT: Tôi làm việc có dự trù cẩn thận, tôi còn có bản ghi chép những ý tưởng và những chi tiết cần ghi nhớ sẽ cho vào trong truyện, khi làm việc tôi thường phải rà xét lại những ghi chép đó để xử dụng nó vào đoạn nào trong truyện. Nếu lái xe mà chợt nảy ra ý tưởng gì đó,tôi ấn nút ghi chép bằng máy ghi âm nhỏ, vì sợ quên, về nhà tôi chuyển nó sang bản ghi chép giấy. Những ghi chép này người khác đọc không hiểu vì tôi ghi theo cách vắn tắt, và nó là một mẩu giấy chằng chịt ngang dọc gạch xoá những chữ có khi rất vô nghĩa. Có khi đang viết tôi cũng phải ngưng lại để ghi chép. Có khi đang nằm lơ mơ sắp ngủ tôi cũng phải vùng dậy lấy bút ghi chép. Thảm lắm ! Và như tôi đã nói, mặc dù có dự trù như thế nhưng trong lúc làm việc những ý tưởng nẩy sinh bất ngờ sẽ làm cho tác phẩm phong phú thêm, và đó là sáng tạo.
(12) Khi trước 1975 anh là người lính và làm báo. Vậy những công việc ấy có ảnh hưởng thế nào đối với công việc cầm bút làm văn chương của anh ?
TT: Đời lính có cuộc sống luôn luôn sôi nổi, tầm hoạt động thay đổi, đi nhiều và đi xa, gặp gỡ nhiều, nghe được nhiều và có nhiều cảm giác lạ… như thế tôi nghĩ có lợi cho công việc đi tìm nhân vật cho tác phẩm mình. Thời kỳ làm báo cũng giúp tôi mở rộng tầm nhìn vào xã hội và cuộc sống. Nhưng làm báo lúc đó với tôi là để kiếm thêm tiền nuôi gia đình, tôi nhận viết những mục phiếm luận trên một số báo ở Saigòn và cho in hàng ngày những truyện dài đã viết của mình, tôi không biết làm tin nên thường không phải đến các toà soạn. Bài viết từ nhà hoặc từ trong trại lính đêm trước hôm sau nộp, cuối tháng lãnh lương. Do đó viết văn là cứ viết văn thôi, có ảnh hưởng là ảnh hưởng từ cái cuộc sống ấy. Nếu nói về thời giờ làm việc thì hồi đó tôi rất sung sức, làm việc giờ nào cũng được, viết giờ nào cũng được.
(13) Khi viết anh hay dùng ngôi thứ nhất hay ngôi thứ ba?
TT: Điều này phải lục lại tất cả các tác phẩm đếm xem ngôi nào nhiều hơn ngôi nào, tôi cũng không nhớ rõ nữa ngôi nào tôi hay dùng, hình như cả hai đều hay dùng cả. Nhưng ngôi thứ nhất cũng không có nghĩa là tôi cơ mà. Mới đây trong một truyện ngắn tôi đã dùng ngôi thứ nhất cho một con nhện.
(14) Và, trong truyện cũng như tiểu thuyết anh, sự thật chiếm bao nhiêu phần trăm ? Còn hư cấu thì ra sao ?
TT: Sự thật chiếm 99% , hư cấu cũng chiếm 99%!
(15) Văn chương phản ảnh thời thế, và từ đó người ta sẽ quan sát được cả một thời kỳ qua những điều nhà văn diễn tả ?
TT: Tôi cũng nghĩ như vậy.
(16) Nhưng có người quan niệm ngược lại, con người là một đề tài lớn và trường cửu, còn những vấn đề khác xung quanh chỉ là nhất thời không có giá trị lâu dài. Theo anh, vấn đề này nên suy nghĩ như thế nào ?
TT: Tôi không thấy có gì ngược lại cả. Đúng là con người lớn và trường cửu đối với con người. Chỉ khi nào không còn con người nữa thì may ra lúc đó vấn đề mới…nhỏ đi và tầm thường Tác phẩm có thể giúp cho người ta hiểu được vào giai đoạn ấy ở nơi ấy cái thời thế ấy nó như thế. Vài ba trăm năm nữa hậu duệ của chúng ta có khi phải đi đào xới nơi này nơi khác để tìm kiếm những di chỉ hoặc là phải đi lục tìm sách vở báo chí tài liệu trong các thư viện để xem cái nền văn minh cộng sản nó là gì. Nếu thế thì một tác phẩm văn nghệ cũng có thể chứa đựng một thế giới riêng trong cái thời đại tác gỉa đã sống. Mở truyện Kiều ra đọc chúng ta biết được cái thời thế của cụ Tiên Điền đã sống. Vấn đề này lớn quá và phải nói dài, có lẽ phải hỏi các vị giáo sư hay các nhà nghiên cứu, phê bình.
(17) Anh có nhiều thời kỳ cầm bút khác nhau, trước và sau 1975 là cái mốc phân cách. Vậy, mục đích khi cầm bút có thay đổi không đối với anh ?
TT: Không. Trước 75 tôi viết cũng chỉ muốn tác phẩm của mình để đời. Mười bảy năm sau 1975 không viết là vì bị chế độ chính trị khống chế. Nay thay đổi hoàn cảnh có thể viết được thì lại tiếp tục. Không có gì thay đổi cả. Điều này có nghĩa là chế độ chính trị không bắt tôi im được mãi, họ chỉ cản trở tôi được một giai đoạn thôi.
(18) Khi anh viết truyện ngắn hoặc truyện dài, kỹ thuật mà anh xử dụng có giống nhau không ?
TT: Tôi nghĩ là có khác. Kỹ thuật viết một truyện ngắn thường phải xúc tích ngắn gọn, các tình tiết cần phải được gạn lọc, lựa chọn lấy những gì là điển hình nhất để đưa vào xử dụng mà thôi. Khi hành văn thì càng ngắn càng tốt. Với truyện dài có hơi khác vì một đề tài mình muốn viết thành truyện dài là do vấn đề mình muốn nói trong đó cần phải có một cốt truyện dàn trải ra với những tình tiết diễn tiến để dẫn tới điều mà mình muốn tác phẩm ấy phải đạt tới…Tôi không biết nói sao thêm vì tôi không có khả năng lý luận văn học. Tôi chỉ thấy là có khác biệt khi mình làm một tác phẩm ngắn vàkhi mình xây dựng một tác phẩm dài. Nhưng tôi không có ý nói một tác phẩm lớn phải là truyện dài hoặc thật dài còn một tác phẩm nhỏ thì không thể lớn. Một người bạn Mỹ và cũng là độc giả của tôi đã đọc những truyện dài trước 75 và mới đây sau khi đọc những truyện ngắn của tôi viết trong năm qua thì ông ta có nhận xét vui vui rằng: ” Ngày xưa anh sản xuất rượu bia, ngày nay anh nấu rượu mạnh.” Cho tôi phỏng vấn lại N.m.Trinh là anh nhận xét thấy thế nào ?
(19) Hình như trước 1975, anh có viết những truyện dài đăng từng kỳ trên các nhật báo. Có người như nhà văn Túy Hồng đã kêu rằng thể loại ấy làm hư hoại văn chương của bà đi. Còn với anh thì thế nào ? Có thể viết được một truyện dài hay bằng thể loại ấy, theo anh ?
TT: Đúng là như vậy. Nếu phải sản xuất theo kiểu mỗi ngày một mẩu thì làm sao có mạch văn và tư tưởng liên tục của một tác phẩm dài, ấy là chưa kể khi bận rộn hoặc gặp lúc bí mà vẫn phải “nộp” bài thì sẽ xẩy ra tình trạng “sản xuất” ẩu. Biết được như thế thì cũng có thể tránh được nếu muốn, bằng cách viết xong một tác phẩm hoặc ít ra là xong từng chương rồi hãy giao cho các toà soạn in dần từng ngày. Nhưng khốn nỗi vì nhu cầu sinh sống mà phải viết feuilleton thôi. Tôi có những truyện dài đã đăng dần trên nhật baó sau mới xuất bản thành sách mà tôi cũng rất thích. Và cũng có những bản thảo in dần trên nhật báo để lấy lương tháng sau tôi bỏ không xuất bản thành sách vì nghĩ rằng còn phải mất nhiều công sức sửa chữa hoặc có thể còn phải viết lại.
(20) Nhân vật chính của anh thường là phụ nữ hoặc các cô bé, có phải ?
TT: Thưa hình như không phải. Điểm lại 16 tác phẩm đã xuất bản và 6 tác phẩm hoàn thành nhưng chưa in, tôi thấy nhân vật chính của tôi có đủ loại người, nam, nữ, già, trẻ, lớn, bé… và còn có cả bò, nhện…
(21) Các chất đặc sắc nào mà anh muốn diễn tả từ các nhân vật của anh ? Vì khác thường không giống ai hay vì giống tất cả mọi người ?
TT: Nhân vật để biểu hiện điều mình muốn nói trong tác phẩm.
(22) Chiến tranh đã xuất hiện trong văn chương anh như thế nào ? Có phải đó là một đề tài tuyệt diệu trong thời kỳ anh viết lúc trước 75?
TT: Thời chiến mà tôi trải qua thì thếnào nó cũng “nhập” vào trong các tác phẩm của tôi.
(23) Bây giờ, cái nhìn của anh về chiến tranh ra sao ? Có khác biệt gì so với lúc trước ?
TT: Chiến tranh VN đã chấm dứt, thực sự chấm dứt ngày mùng 04 tháng 05 năm 1992. (Ngày Việt cộng thả 4 người tù binh cuối cùng ra khỏi trại giam, đó là các quí vị Đỗ kế Giai, Trần bá Di, Lê minh Đảo và Lê văn Thân.) Vì thế xin anh cho tôi tạm quên đi giại đoạn đó!
(24) Anh đã viết truyện dài “Bà Phi” dài gần 2000 trang. Đó có phải là một trường thiên tiểu thuyết, so về bề dày?
TT: Thưa phải.
(25) Vậy trường thiên tiểu thuyết khác với truyện dài rất dài như thế nào ?
TT: Theo tôi thì ở tiểu thuyết tác giả đứng ngoài, đứng trên, hay đứng trong câu chuyện mà diễn đạt, thậm chí tác giả còn ở trong đầu, trong óc, trong tim trong gan nhân vật, trong tư tưởng, trong ý nghĩ của nhân vật mà diễn đạt. Ở truyện dài thì tác giả làm vai trò thuật truyện mà thôi, mỗi khi muốn cho nhân vật biểu hiện cái gì thì chỉ tả mặt ngoài của nhân vật hoặc gán cho nhân vật những câu nói và..bắt “hắn” nói ra cái câu mà mình muốn nói với độc giả, nhưng không được viết rằng trong đầu “hắn” đang nghĩ thế này thế kia.
(26) Lúc bây giờ, viết những truyện về đời sống thực ở trong tù, ở nơi đang định cư với đời sống của người HO, anh có nghĩ anh đang làm công việc tự thuật ?
TT: Thế cơ à? Có ai đọc tôi mà nghĩ rằng tôi tự thuật toàn chuyện đời mình thì kể ra truyện của tôi cũng thực đấy chứ! Cái gì cũng 99% cả thì biết thế nào mà nói bây giờ.
(27) Anh có nghĩ rằng những đề tài như vậy đã quá quen thuộc và được nhiều người khai thác nên khó có tính chất lôi kéo người đọc ?
TT: Nếu như thế thì cũng rất đáng buồn. Nhưng biết làm thế nào được. Năm ngoái ông Nguyễn văn Trung từ Canada sang có nói cho biết rằng nhà văn Mai Thảo cũng có nói với ông ấy rằng tôi viết truyện tù lúc này thì ai đọc, tôi nghe và ghi nhận những lời nhận xét và khuyên bảo chí tình của các anh ấy nhưng tôi chỉ tưởng rằng mình được lưu ý thế thôi, nay nghe ông hỏi nữa tôi mới giật mình rằng nhà văn lại có thể bị nông nỗi ấy thật sao ! Đời sống của tôi chỉ nghèo nàn trong ba cái “thời chiến, thời tù, rồi thời loạn”, suốt cả một đời “quanh quẩn” trong những “khe núi” ấy, tôi không biết uống rượu, nhảy đầm, đánh bạc, lại cả không biết xã giao, thậm chí trong thực tế còn không biết nói chuyện với…đàn bà, thì làm sao tôi có một đời sống phong phú, làm sao có chất liệu phong phú, để nó ảnh hưởng vào tác phẩm mình. Ôi, đành chịu an phận thế thôi, cũng may là tôi không có ý định “lôi kéo” người đọc khi viết, độc giả hoàn toàn khách quan và nghiêm khắc, tôi chẳng thể lôi kéo. Tôi thấy những điều mà tôi cho là phải viết để đời thì tôi viết ra. Thế thôi! Trong tù hay ngoài tù, bên ta hay bên tây, “trong hang” hay “trong hẻm” , thực tế nào kích động và ảnh hưởng vào trong tôi thì nó có thể là đề tài tôi sẽ chụp lấy.
(28) Có người nói cái chất sôi nổi với đời sống mà anh có trong những tác phẩm thời kỳ trước, bây giờ, ở những dòng chữ gần đây nhất, trầm lắng đi. Theo anh, điều ấy có đúng không ?
TT: Tôi không đo được điều ấy, có lẽ phải nhờ các nhà phê bình và thư độc giả. Tôi chỉ thấy rõ nhất một điều là mình già đi, tuổi tác già đã đành, lại thêm bị cay nghiệt và cơ cực, cho nên cái gì cũng già đi cả.
(29) Có phải sự thăng trầm của đời sống anh đã tạo ra tâm thức ấy ?
TT: Hình như vậy.
(30) Hậu quả của cuộc chiến có phải là sự căm hận, theo anh ? Và anh có nghĩ đến một tương lai hoà giải hoà hợp của dân tộc VN ?
TT: Căm hận hay không, theo tôi, thì tôi đã nói ở trên rồi. Dân tộc Việt Nam bao giờ cũng vẫn chỉ là một. Không có vấn đề hoà hợp hoà giải dân tộc. Chỉ có các chính quyền hay phe phái mới nói đến chuyện đó. Chính quyền CS hiện nay chiếm được đất nước và cai trị theo mánh khoé của họ nhưng đất nước và dân tộc Việt Nam thì vẫn là đất nước và dân tộc Việt Nam. Chế độ tồi thì đất nước có lụn bại đi nhưng lịch sử đã diễn ra bao đổi thay, thử hỏi có chính quyền nào tồn tại mãi được không.
(31) Lằn ranh quốc-cộng, theo anh bây giờ còn hiện hữu không? Trong thực tế đời thường và trong văn chương ?
TT: Trên thực tế ngày nay chế độ VNCH đã tiêu vong. Trên thực tế bây giờ chế độ cộng sản cũng chẳng còn, toàn thế giới cũng như ở trong nước ta. Chính quyền ở VN bây giờ chỉ là ngụy cộng sản. Xét theo mác xít thì đảng cộng sản VN bây giờ là nghịch đồ của Karl Marx. Văn chương không có lằn ranh nên cũng chẳng cần hòa hợp hòa giải. Chuyện đó là của các phe phái.
32) Đối với thế giới, vai trò của VNCH rất mờ nhạt trong cuộc chiến vừa qua, kể cả trên phương diện văn chương. Theo anh, đó có phải là một hình thức bất công không? Và nhà văn phải có nỗ lực nào để được công bằng hơn?
TT: Về mặt chính trị, nếu VNCH có mờ nhạt trên trường quốc tế trong cuộc chiến vừa qua là vì chế độ đó không được chơi bựa trong khi phía đối phương thì mánh nào họ cũng có thể giở ra. Tôi nói thế cho dễ hiểu. Nếu văn chương miền Nam là mờ nhạt thì tại nhà văn miền Nam chúng tôi viết tồi, nhưng tính cho đến 1975, có lẽ miền Bắc cũng chẳng có gì khởi sắc. Bằng cớ là sau 1975 nhiều người từ miền Bắc đã tìm cách đọc và có được những tác phẩm văn nghệ miền Nam. Nếu nói về âm nhạc thì “nhạc vàng” từ miền Nam đã ra giải phóng miền Bắc một cách thần tốc, (Mặt kinh tế, xe honda cũng kinh lắm!). Văn chương không cần thế lực nào ban phát công bằng, văn chương soi sáng cho các thế lực tập tành tự do dân chủ, văn chương tạo ra sự công bằng.
(33) Trong văn chương anh thấy có biên giới nào giữa những người cầm bút ở trong nước và hải ngoại ? Hoặc, ở trong nước giữa những người miền Bắc và người miền Nam ?
TT: Các nhà văn Việt Nam chỉ có tổ quốc chung duy nhất là Quốc Ngữ.
(34) Anh đã cầm bút ở hai thời kỳ, trước 75 ở trong nước và sau 75 ở hải ngoại. Vậy anh có thể cho một vài nhận xét cũng như so sánh về hai nền văn học này ?
TT: Tôi mới sang, còn rất ngớ trước một xã hội văn minh thế này và chưa đọc được bao nhiêu tác phẩm hải ngoại xuất bản 20 năm nay rải rác trên khắp thế giới. Tôi xin phép chưa có ý kiến và so sánh. Nhưng tôi nghĩ là chắc có nhiều thơ văn Việt ngữ giá trị đã được sáng tác ở hải ngoại. Chẳng hạn mới tháng trước đây tôi đọc thấy trong tập thơ “Tôi chim ngủ đậu cành xanh” của thi sĩ Nguyễn Nam An nhiều câu thơ làm tôi bàng hoàng. Thơ của Nguyễn Nam An rất hay và tôi đã thuộc nhiều câu nhiều đoạn. Chẳng hạn như:
“Hai mươi năm sau nghe lại tiếng mày trên điện thoại,
tha phương
Nhận rõ không, giấy bút đâu ghi địa chỉ
Tọa độ hôm nay là những thành phố Mỹ
Chi chít trên bản đồ đại pháo bắn hụt hơi !
Thằng lính thân thương ơi”
………
“Có nhận ra không, về hú một tiếng vang
Như tiếng lựu đạn của mày xưa nổ trận đầu trên tàn hoang Quảng Trị
Kỳ lạ quá sao tao mày ở Mỹ?”
Tôi nghĩ rằng tôi phải dành một thời gian để đọc.
(35) Có người cho rằng văn học VN ở hải ngoại là nền văn học miền Nam trước 75 nối dài. Theo anh có chính xác không khi phát biểu như vậy ?
TT: Chẳng nên nói gộp chung lại như vậy. Có những tác giả sang đây viết nối dài như cái cũ. Nhưng cũng có những bút pháp rất lạ, như Nguyễn Nam An mà tôi vừa nói đến ở trên.
(36) Anh đã có một thời gian vài năm ở trong nước sau khi cải tạo về. Vây anh có theo dõi tình hình văn học ở trong nước lúc ấy không ? Nếu có xin anh một vài ý kiến.
TT: Rất không may là tôi bị tù lâu quá, về Saigòn rất trễ và lại đi ngay, nên chẳng theo dõi được bao nhiêu. Tôi chỉ có đọc được mấy truyện ngắn của Nguyễn huy Thiệp, và tôi rất thích.
(37) Anh có băn khoăn nào về tương lai văn học VN ở hải ngoại. Sẽ suy tàn dần, biến dạng thành một nhánh khác viết bằng ngôn ngữ bản xứ hoặc hội nhập với dòng văn học ở trong nước ?
TT: Văn học VN thì phải viết bằng Quốc Ngữ. Viết bằng chữ khác thì không nên gọi làvăn học VN. Tôi thấy có thi sĩ người Việt làm thơ tiếng Anh hay tiếng Pháp, tôi coi các vị ấy là thi sĩ Mỹ hay thi sĩ Tây. Văn học VN viết bằng Quốc Ngữ rồi Tây Tầu Nga Mỹ gì đó nếu thấy hay thì dịch ra tiếng nước ấy mà thưởng thức, cũng như mình, ngược lại thấy của người hay thì chuyển ngữ về mà đọc, hoặc là học biết tiếng nước ấy màđọc. Văn học VN ở hải ngoại viết bằng Quốc Ngữ thì cũng vẫn là văn học VN, chỉ có tác giả vì một lý do nào đó phải sống ở nước ngoài nhưng vẫn làm văn học VN mà thôi, có cần gì phải nhập mới vào được Quốc Ngữ. Quốc Ngữ không phải xuất cảnh, nhập cảnh bao giờ. Nhà văn đi đâu cũng mang Tổ Quốc của mình trong tim.
(38) Theo anh, có tín hiệu lạc quan nào từ những người trẻ ở hải ngoại ? Về phương diện chính trị cũng như về văn hóa ?
TT: Lúc tôi ra tù, ở Saigòn chờ xuất cảnh, có người cháu mà bố mẹ anh ta đều là người Việt sống ở bên Pháp, về thăm quê hương, đến chào tôi, anh ta đi đâu cũng phải mang theo một thông ngôn. Tôi bâng khuâng trước câu hỏi này của ông!
(39) Đời sống của anh bây giờ ra sao ? Có còn thuận tiện cho công việc cầm bút nữa không ?
TT: Thưa có.
Một ngày của nhà văn Thảo Trường ?
TT: Vấn đề ăn ngủ: Đêm ngủ sáu tiếng. Trưa ngủ mười lăm phút. Ăn ngày ba bữa, uống trà Thái nguyên. Làm việc: thức mười bảy tiếng gặp gì làm nấy, nhưng có bốn tiếng ngồi trước máy viết cái gì đó. Với gia đình: sáng sớm đi bộ cùng với nhà tôi tới nhà thờ và chiều ở bãi biển; Tôi thích tiếp chuyện với các con tôi (bảy người đã trưởng thành) và thích nhìn đứa cháu nội.
(41) Anh có dự định nào cho văn chương trong tương lai ? In một tập truyện ngắn viết một cuốn truyện dài hoặc mang những kinh nghiệm viết của mình trên những trang hồi ký ?
TT: Dự định xuất bản một tập truyện ngắn nhan đề “Những Mảnh Vỡ Của…” gồm 7 truyện ngắn mới làm xong. Đang viết ba cái truyện ngắn nữa. Sửa chữa bản thảo sáu truyện dài viết trước 75 để có dịp là in. Không có ý định viết hồi ký.
(42) Sau cùng, anh có điều gì muốn nói thêm với độc giả?
TT: Sau gần hai chục năm vắng mặt trên văn đàn, nay tôi lại tiếp tục viết. Tôi đã có lời chào gửi đến độc gỉa, qua tập truyện ngắn: “Tiếng Thì Thầm Trong Bụi Tre Gai”, do nxb Tin, Paris, xuất bản năm vừa qua. Ấn bản ở Hoa kỳ do Văn nghệ phát hành.
(HB.Oct.5.1996.)