Phan Thái Yên, trầm tích một thời

Vũ Hoàng Thư

1.
Chiều xám và hiu hắt. Từ quán café Les Deux Magots nhìn ra ngôi nhà thờ cổ xóm Saint Germain tôi bắt gặp rêu xanh nội thành loáng thoáng mờ trong màn mưa. Vừa đọc xong Tuyển tập Phan Thái Yên (1) kể về một thời đã mất, tôi ngập lội trong đoạn đường chiến chinh của Yên. Không thể không nghĩ về Hemingway và A Farawell to Arms sau khi đọc truyện của Yên và nhất là khi ta ở quán Les Deux Magots, nơi mà Hemingway vẫn thường la cà một thời. Tôi mường tượng Hemingway ngồi thấp thoáng đâu đó trong góc quán này và biết đâu ông đã chẳng thai nghén A Farawell to Arms qua những ly crême? Chiến tranh vào thời đệ nhất thế chiến hay sau này ở Việt Nam thì cũng là những đoạn đường giông bão ngút ngàn, nơi mà con người đã quên đi mất cái phần nhân tính thiêng liêng của mình. Anh chàng thiếu úy Henry và cô y tá Catherine của A Farawell to Arms có những giây phút đằm thắm như cô y tá Ngọc Kỷ và chàng trung úy trẻ tuổi Hải quân của Hương sen châu thổ nhưng kết cuộc thì chuyện dâu bể nào lại không có những đoạn trường phiêu hốt của nó. Thế hệ của Yên và tôi không có được cái quyền quyết định tự rời bỏ cuộc chiến như cặp nhân tình của Hemingway. Tuổi trẻ có những mộng mơ điên cuồng đốt cháy dù cũng chẳng để làm gì mà đời sống thì không dung chứa những vũ bão ngất ngây.

Ta sẽ có những chọn lựa gì nếu lớn lên ở miền Nam vào thập niên 60 ? Chiến tranh sẽ độc quyền tuyên xưng và áp đặt cuộc đời của con người trước một sự đã rồi. Một đoạn kết không vừa ý, một cuộc đổi dời tang thương. “Mai sông núi gọi nhau về. Trong ta tỉnh giấc hôn mê nửa đời. Vọng âm nào đọng trên môi. Trăm con chim lạ trăm lời đa đoan…” (Tự Trầm). Đời lắm đa đoan nên thơ vọng dậy từ giữa những lời kể chuyện. Sao gọi là tự trầm ? Vì chỉ có sự tỉnh mặc của tâm hồn mới hiểu được phần nào nỗi đời xoáy lốc ngoài kia. Tự trầm dìm ta xuống dưới bề mặt của cuộc đời để thấy một đại dương mà lâu nay vì thế này hay thế khác ta chỉ hiểu được qua những sóng động nhấp nhô. Tuyển tập Phan Thái Yên là những quãng đường đi qua của một đời người, riêng rẽ của Yên mà cũng thấp thoáng một thế hệ lớn lên trong chiến tranh đã phải trả một giá khá đắt cho sự tham dự dù muốn hay không của mình. Mười hai truyện ngắn, mười hai con đường đi tìm lại chính mình để đặt lên những dấu hỏi, rất nhiều dấu hỏi. Mỗi câu hỏi không nhất thiết phải cần một câu trả lời vì lắm khi không thể có được một lời giải đáp nhưng những thường trực tra vấn len lỏi khắp nơi trong truyện của Yên đưa người đọc về những lựa chọn bất khả, của sự ra đi và trở về, của tình huống thân phận người, và về những ray rức không rời một thời. Từ những ngày la cà ở quán café thời sinh viên, lao đầu vào cuộc chiến nóng bỏng dưới tư cách của một sĩ quan Hải quân trẻ tuổi, qua những tháng ngày tù đày cải tạo, rồi cuộc sống lưu vong, Huế với những mối tình mãi mãi là một nơi Phan Thái Yên tìm về qua ký ức. Tiếng hò Nam Ai từ phía Nguyệt Biều hay tiếng chuông Thiên Mụ vang xa theo sóng nước, Huế nung nấu những bão lộng ngấm ngầm trên một bề mặt chầm chậm và lặng thinh cho đến khi những nồng cháy đó trở thành một lựa chọn quyết liệt như câu thơ Nhã Ca, “Tôi bỏ nhà ra đi năm mười chín tuổi / Đêm trước ngày đi nằm đợi tiếng chuông.”

Tôi lớn lên theo mùa hè xứ Huế. Con gái đi tắm sông theo bầy, Bến Ngự áo đỏ Phủ Cam áo xanh, da trắng bến nước xanh, xôn xao bóng tre. Huế với những dòng họ vang bóng một thời. Kim Long, Nguyễn Cửu. Vỹ Dạ, Nguyễn Khoa. Cô bé Tôn Nữ đảm đang giúp mẹ trong quán nhỏ sân Ga. Ly chè đậu ngự ngọt lịm như môi.
(Tự trầm)

2.
Khởi đầu từ Huế với Thy, và Quyên, và Mỵ, và ai nữa… Huế trú ngụ trong hầu hết những truyện của anh cho dù có lúc Yên không nhắc đến tên. Rồi tất cả dừng ở đó, bỏ lại sau lưng cho đoạn đường chiến binh trước mặt. Những dòng sông biên giới từ địa lý cho đến lòng người, guồng máy chiến tranh nghiền nát những lý luận bình thường nhất của con người. Ta đâm lầm lì chấp nhận những an bài của số phần cho cả hai phía, bên này hay bên kia. Đó là một viên gạch lót đường cho cách mạng,

Gần đây đứa học trò hiếu học đã khóc chào cô, bỏ trường, bỏ dở bài toán phương trình bậc nhất đầu tiên trong đời mà đi. Người cha đã trở về bắt đứa con đi theo vào trong núi. Những bài toán đố, chính tả, đã không ích lợi gì cho cách mạng. Họ cần thêm một tay súng, một viên gạch lót đường. Viên gạch cha. Viên gạch con. Mười lăm năm trước người cha đã trở về trong một canh khuya nào đó rồi đi. Tội nghiệp bà mẹ giờ đây có thêm một người đàn ông nữa trong đời để khắc khoải ngóng trông. (Trên những dòng sông biên giới)

hay chỉ là lựa chọn đơn thuần như một phiếm mơ,

Dòng sông biên giới vẫn quanh co trước mặt. Đoàn tàu chiến vẫn lầm lũi đi. Tôi vẫn có nhiệm vụ đưa đoàn tàu đến đúng nơi đã được lựa chọn. Sau đêm nay bãi sông vô danh sẽ trở thành một cứ điểm quân sự. Sự lựa chọn rất đơn thuần và chính đáng – hay ít ra đã theo đúng bài bản chiến thuật của những con mắt lính nhà nghề. Cũng như tôi đã bằng lòng với sự lựa chọn của mình như một chấp nhận không thời thượng.
(Trên những dòng sông biên giới)

Chết chóc là một chuyện phải chấp nhận dù muốn hay không trong chiến tranh nhưng với giọng kể bình thản trong Ngày đồng bằng, Phan Thái Yên ghi đậm nét những bờ vực giữa sống và chết, làm người đọc phẫn nộ trước cái phi lý của chiến tranh. Cái chết xảy ra ngay vừa sau một cơn ân ái, tiếng chuông định mệnh cất lên cướp lấy mạng người khi một mầm sống vừa mới bắt đầu tượng hình? Có thể nào? Có còn gì bi đát hơn? Nét siêu thực dồn lên đến tột độ. Erich Maria Remarque đã một lần nêu lên tính vô nhân của chiến tranh trong All Quiet on the Western Front khi kể về những người lính chẳng chút xúc động gì khi thấy đồng đội của mình, Kemmerich, gục ngã trước mắt mà ngược lại họ chỉ chú ý đến đôi ủng còn tốt của người bạn vừa nằm xuống. Ngày đồng bằng tuy khác về nội dung nhưng sự tương phản Phan Thái Yên ghi lại ở đây còn rúng động trong lòng ta gấp mấy lần so với hình ảnh đôi ủng của Kemmerich.

Một buổi trưa ở mặt trận Mỹ An, vùng kinh Bà Bèo. Lính của một tiểu đoàn bộ binh thay phiên nhau về nghỉ ở tuyến sau. Vợ lính đi xuồng từng đoàn vào thăm chồng và để lấy tiền lương tháng đem về. Tôi chú ý tới một cặp vợ chồng còn rất trẻ. Người vợ tình tứ đút cơm cho chồng ăn. Sau đó hai người ôm ấp nhau, làm tình dưới tấm poncho trùm kín. Người chồng cầm súng ôm vợ từ giã, về lại mặt trận phía trước. Khoảng nửa giờ sau người chồng tử trận, xác kéo ra lúc người vợ đang dọn dẹp hành trang chưa kịp về. Người đàn bà trẻ ôm xác chồng còn hâm hấp cơn sốt hân hoan, khuôn mặt điên cứng mắt ráo hoảnh vô hồn. Tôi chưa hề thấy một cuộc sống nào tang thương đến thế.
Lần đi kích đêm ở Khu Bảy. Lính gác báo cáo thấy có bóng người di chuyển. Súng trên tàu bắn như mưa vào mục tiêu nghi ngờ. Lúc đổ bộ lên, xác người du kích nằm vắt bên bờ mương ngang hông một nhà dân, cây súng AK47 còn trong tay. Lục soát ngôi nhà, không ai nhận là có bà con quen thuộc gì với người lính cọng sản nằm chết ngoài sân. Nhìn khuôn mặt người đàn bà trẻ đứng khuất trong góc nhà tôi nghĩ đến người vợ lính bên bờ kinh trưa ở Mỹ An. Tôi ra hiệu cho toán lính của mình xuống tàu rồi quay lại nói nhỏ với người đàn bà.

– Chị lấy mền ra phủ cái xác lại để ngày mai Xã tới đem đi chôn.

Xin lỗi người đàn bà ở Đồng Tháp Mười. Điều tôi chỉ có thể làm được là để cho chị vài phút riêng tư với xác người mà chỉ phút chốc trước đây đã hòa chung với chị cơn rung cảm hiếm hoi. Trên đường xuống tàu tôi nghe văng vẳng tiếng nấc nghẹn ngào của người đàn bà.
(Ngày đồng bằng)

 

3.
Cơn mơ và trí nhớ. Ta nhớ gì khi tất cả đã mất ngoại trừ một ký ức mong manh? Nhớ về những ước vọng tầm thường và nhỏ nhoi nhất của một con người để thấy rằng đó cũng là những xa xí phẩm ngoài vòng tay với. Tưởng rằng những tàn khốc của chiến tranh đã qua đi, hòa bình sẽ đến như một hy vọng cho hết thảy mọi người dân về một cuộc đời mới tốt đẹp hơn. Thảm trạng của Việt Nam sau 1975 là tương lai chỉ có trên những lời hứa suông, lừa dối trở thành quốc sách dưới những mỹ từ rỗng tuếch. Những nhà tù cải tạo mọc lên khắp nước để trả thù những người không đồng chính kiến trong cuộc chiến vừa qua. Một-Ngày-Trong-Đời-Tù-Cải-Tạo ở trong những gulag-vietnam đó là chuỗi dài lê thê của lao động giết người, của dập vùi nhân phẩm.

Đoàn người lê bước ngoằn ngoèo như con rắn bò buồn bã. Một ngày nữa. Một ngày dài lao động nữa trong đời người cải tạo đang bắt đầu. Sức mạnh nào đã giúp bạn thức dậy sáng nay? Cơn mơ nào sẽ giúp anh mớm sức cho ngày sắp tới? Những cơn mơ có khác nhau nhưng tôi biết chắc tất cả chúng ta ai cũng đã mơ giấc mơ đẹp đêm qua. Mơ trở về nhà. Bếp lửa. Con thơ. Vợ hiền. Gối chăn. Cơn mơ rất người đã làm bạn thức giấc nửa đêm, tiếc rẻ nỗi giật động bơ vơ mệt nhoài. Xin tạ ơn trời chúng ta vẫn còn một giấc mơ để sống. Từng ngày.
(Ngày nắng hiếm)

Tù đày cải tạo đã để lại một ấn tích bi thảm mà Phan Thái Yên sẽ mang theo suốt cuộc đời của anh. Bé gái đầu lòng Đông Xưa ra đời khi bố phải khăn gói lên đường đi cải tạo. Thiếu thốn và bệnh tật lại không có thuốc men vì lý lịch của bố, Đông Xưa từ bỏ cõi trầm luân. Người vợ tần tảo kiếm sống để thăm nuôi chồng nhưng vẫn giấu kín sự mất mát vì không muốn chồng mình phải gánh thêm một nỗi khổ hạnh. Đẹp thay sự hy sinh cao cả của những người Mẹ Việt Nam trong truyền thống Đông phương ngàn đời.

Mẹ mảnh mai đã cưu mang gấp đôi nỗi đau mất con để Bố trong những đêm tù còn được những cơn mơ. Nhớ về mùa xuân xưa đầu cuộc trăm năm và mơ tới vùng đất hồi sinh dậy tiếng cười trẻ thơ. Bố biết bé Đông Xưa đã không hề rời xa Mẹ. Bố biết bé Đông Xưa sẽ còn mãi trong Bố như hình ảnh của mùa xuân cuối cùng.
(Cuối cùng cho một mùa xuân)

4.
Ra đi hay trở về đều có những bứt rứt khôn nguôi. Cuộc đi xa đến hơn nửa quả địa cầu và ước mơ một ngày về dồn dập những đợi chờ không dự đoán. Chiến tranh, những cuộc tình nửa đoạn, những mảnh đời tan vỡ, những kiếp sống đợi chờ vô vọng vào một hội ngộ không bao giờ thành. Ngày xưa, xa cách là ở bên này sông hay bên kia sông, những ngăn cách ngày hôm nay là cả một đại dương. Biển lớn cả hai chiều không gian và thời gian, và cả lòng người… Ta tìm thấy gì khi về lại chốn cũ? Một bình yên cho chính mình? Một chia xẻ đắng cay không nói hết? Có thật nhiều điều Phan Thái Yên muốn kể. Người đàn ông trở về không dám đến cầm tay người xưa trong “Người lưu dân trở lại” như một sợ hãi về mối trù yểm Orpheus và Eurydice. Phải duy trì một khoảng cách cho dù đó là những ray rức truân chuyên vì nếu không, chỉ một cái ngoáy nhìn, Orpheus mất Eurydice vĩnh viễn ngàn đời…

Ông không có đủ nghị lực bước đến cầm tay người xưa nói lời ân cần của người đi xa trở về. Khoảng cách giữa hai người không chỉ là khoảng sân nắng vương bụi. Là hai cảnh đời cách biệt. Là tuổi đời của đứa con thiếu cha đong đếm bằng từng mùa nước quạnh quẽ. Là gia đình hạnh phúc phía bên kia biển. Là sự đành đoạn ra đi và bất lực của quay về. Giữa hai phạm trù khó dung nạp nhau đó là dòng đời gần ba mươi năm, ray rứt truân chuyên.
(Người lưu dân trở lại)

Ta đã làm chi đời ta ? Chiến tranh đã làm gì đời ta? Ý thức hệ, biên giới, chủ nghĩa… trở nên vô nghĩa đối với ông-Năm-việt-cọng hay cậu-Ngoạn-thủy-quân-lục-chiến ở đoạn cuối đời của họ. Quá khứ, tương lai mờ nhòa bên những ly rượu đốt cháy cuộc đời đắng cay.

Tôi đỡ ly rượu từ tay chú Năm muốn nói lời an ủi nhưng ngôn từ đã là điều không tưởng. Thôi thì hãy để chú Năm ở yên với nỗi buồn của mình. Cậu tôi ngồi gục đầu trong chiếc xe lăn. Mấy câu thơ Vũ hoàng Chương gãy đổ trên đôi môi lạc giọng rã rời say. Ôi ta đã làm chi đời ta. Ai đã làm chi lòng ta…
Bé Huy bước nhỏ nhoi bên cạnh cậu Út của nó. Bóng họ lao đao đổ dài trên con đường trở về nhà. Tôi hớp miếng rượu đế Gò Đen. Tôi muốn được nếm chút đắng cay mà Cậu tôi và chú Năm phải uống trọn mỗi ngày.
(Mùa trăng ướt)

Và hãy cố quen đi, cho dù là những cơn sầu…

Chàng nghĩ đến mẹ mình, đến người đàn bà ở lại trong phố cỗ, những người đã bỏ đi xa hay quay về. Mỗi người đều long đong chật vật trên từng nỗi hội ngộ chia xa để cuối cùng bằng lòng với hạnh phúc cầm giữ được. Rồi quen đi. Ngay cả những cơn sầu.
(Người đàn bà trong phố cổ)

5.
Biển rầm rì và sông lang thang những nhánh tìm về. Định mệnh đưa đẩy làm những chuyến đi đầu đời có lan tỏa ra nhiều ngõ ngách nhưng rồi cuối cùng cũng nhập lại đại dương. Câu chuyện của biển hay của sông là những gì rất riêng rẽ cho những ai biết ngồi lại để lắng nghe. Đó là bài ca của dòng luân sinh, một cái toàn diện và nhất thể mà ta chỉ nghe được khi chính ta chịu cởi bỏ những hồ đồ trôi nổi để tiếng nói của dòng sông và tiếng nói bên trong của ta cùng rung lên một điệu. Đã xa lắm những mùa chinh chiến, người tìm về và lắng nghe những ray rức xưa cũ thầm thì trong từng hơi thở, từng nhịp tim, những trầm tích một thời. Hãy nghe Phan Thái Yên tâm sự, thể điệu Hermann Hesse, “dù bị đau đớn quằn quại, tôi vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại này” (Und allem Weh zum Trotze bleib ich / Verliebt in die verruckt Welt – lời dịch Phùng Khánh)

Tôi đã ngồi lại trong chiều bên dòng sông tuổi nhỏ. Nghĩ về những thành phố, dòng sông đã đi qua. Mai một bể dâu. Nghĩ về những bài hát họ Trịnh với hình ảnh phố xá trong đó con người yêu nhau nhớ nhau, bơ phờ quằn quại giữa cõi nhị nguyên đi về sống chết, ngọt đắng hững hờ.
Giữa gió trời và dòng nhạc bàng bạc kỷ niệm có tiếng ve rang bên dòng sông lan xa lóng lánh vô thường. Có tiếng ru bên vườn ầu ơ cơn ngái ngủ. Có tôi nhỏ nhoi sâu lắng trong cõi ban sơ. Thời gian và không gian quyện vào nhau thành nỗi cô đơn kỳ diệu. Một hạnh phúc ứa lệ. Trong cơn thảng thốt vĩnh cửu, sự ra đi và quay về đã trở nên vô nghĩa. Chỉ còn lại dòng sông trôi qua đời. Tắm mát. Lớn lên. Ứa máu. Mệt nhoài. Những dòng sông nối liền nhau bởi số phận. Và tôi mãi loay hoay trên đó. Khóc cười.
(Tự trầm)

 

Vũ Hoàng Thư
Tháng 7, 2002

 

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button