Ông Bồ.

Thảo Trường

(Tặng NC – TDT)

Vè:
“Con vỏi con voi,
Cái vòi đi trước,
Hai chân trước… đi trước,
Hai chân sau… đi sau,
Còn cái đuôi… đi sau rốt.
Tôi ngồi tôi kể… nốt,
Cái chuyện con voi.”

Voi bố, voi mẹ, voi con…đều là “Ông Bồ” ! Dân đi rừng thường tỏ lòng tôn kính gọi con tượng là “Ông Bồ”, cũng như dân đi biển nói “Oâng” thay cho tiếng cá voi thường tình. Voi bố là “ai” không “ai” biết ! Ở một nơi nào đó và vào một ngày đẹp trời hay giông bão nào đó, “Ông” đến với “em”, biến em thành voi mẹ, một thứ voi mẹ góa phụ, không chồng mà chửa, tự nhiên như thiên nhiên, không thắc mắc, không áy náy, vô lương tâm một cách rất đạo lý.
Mạnh ai người ấy sống, cho dù có đi với nhau hàng đàn thì cũng chỉ là thói quen vui chân chứ mỗi kẻ đều vẫn độc lập tự do hạnh phúc. Thức ăn cây cỏ trong rừng tùy ý ai muốn ăn thì ăn, nước suối ai muốn uống thì uống, rất cộng sản chủ nghĩa. Chỉ có khỏan nhảy đực thì mới cần có hợp tác song phương, nhưng khi ấy đôi bên “đánh động” lẫn nhau cho đến lúc sự tự nhiên xảy ra. Rồi xong. Đường ai nấy đi.
Những tháng ngày mang nặng đẻ đau và ngay cả phút giây voi mẹ đẻ ra voi con thì voi bố chớ hề biết. Voi con từ trong bụng mẹ tụt ra sau đít rơi trên đám cỏ rồi lồm cồm bò dậy, ngã tới ngã lui, mãi rồi cũng đứng lên được. Mẹ ngửi, mẹ liếm, mẹ ủi, mẹ dùng vòi săn sóc con. Voi con tự nhiên cũng tìm ra chỗ có sữa mà rúc vào, mà bú, mà mút, trong khi voi mẹ vẫn đủng đỉnh vặt lá rừng nhai.
Thời chiến tranh, bom đạn bắn phá rừng xanh cũng gây xáo trộn cuộc sống của các “Ông Bồ”. Thậm chí có những đợt bom B52 trải thảm xoá đi nguyên cả một đàn voi vì “không ảnh hơi nước” được giải đoán là “đoàn người”, voi chết thay cho người, muông thú hy sinh thay cho người, nhưng nào có ai biết tới, cũng như có những buôn người rừng chết oan thay cho người kinh, cũng chẳng ai biết tới, hoặc là có biết tới thì cũng chẳng để làm gì! Những sự cố đó chỉ là “tai bay vạ gió”, “tên bay đạn lạc” ! Chiến tranh chấm dứt, các Ông Bồ “nói riêng” cùng với bao nhiêu muông thú “nói chung” của chốn rừng xanh tưởng sẽ được hưởng hạnh phúc thái bình, ai ngờ thảm họa còn kinh hoàng hơn bao giờ hết.
Rừng bị tàn phá khắp nơi, người người phá rừng, nhà nhà phá rừng, từng đơn vị phá rừng, từng sư đoàn, quân đoàn phá rừng. Bộ đội cụ hồ phá rừng, cán bộ nhà nước phá rừng, và cả những đoàn tù binh cũng bị điều động vào sự nghiệp phá rừng. Thời gian tù binh sĩ quan Cộng hòa do quân quản có bộ đội dẫn đi phá rừng thì được gọi là nhà nước quốc phòng làm việc cho nhà nước lâm nghiệp, thời gian sau đó có công an áo vàng dẫn đi phá rừng thì gọi là nhà nước nội vụ làm việc cho nhà nước lâm nghiệp. Trước sau gì cũng đều do nhà nước lãnh đạo cả ! Và ở đâu cũng là phong trào thi đua lập thành tích cao để tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội.
Những bộ óc sáng tạo dám nghĩ dám làm đã đưa công cuộc phá rừng lên hàng chính sách, cải tạo đất hoang thành đất nông nghiệp. Rừng là đất “hoang”, chặt gỗ đem bán lấy tiền bỏ túi lại được tiếng là khai hoang ! Nơi nào lập trại tù là nơi đó trở thành căn cứ xuất phát đi phá rừng. Các sĩ quan ưu tú của chế độ Cộng hòa xưa kia nay biến thành những thợ rừng, tiến vào rừng sâu hạ gỗ đem về cho trại làm tài sản, Cán bộ thì phóng lửa đốt cành lá, cả hai, quốc cộng, cùng nhau “phá sạch đốt sạch” cánh rừng. Xưa kia Công binh Mỹ “bóc vỏ trái đất” phải dùng các xe ủi đất hạng nặng và thuốc khai quang, nay cai tù và tù binh, quốc cộng hợp nhất, “bóc vỏ trái đất” chỉ bằng tay với rựa và cưa xẻ !
Rừng Lá bị phá từ Quốc lộ 1 vào tới tận chân núi Mây Tào. Chỉ trong vòng mươi năm phe thắng trận dẫn phe bại trận tới đây lập trại giam, mật khu Rừng Lá nổi tiếng rậm rạp âm u, bỗng biến mất, hóa thành một nông trường cải tạo nổi tiếng thu hút nhiều anh ba, anh tư, anh năm, anh sáu…trên trung ương về thăm, nhân thể ở lại dưỡng sức ít ngày. Các anh ở lại nghỉ ngơi tại một căn nhà nổi trên Hồ Thiên Aân, có các đồng chí công an phục dịch “cơm no rượu say”, lại được tiếng là “đi thực tế”, kiểu như thời trước cấp trên xuống xã ấp, gọi là “thăm dân cho biết sự tình”.
Một đêm thanh vắng, từ trong trại giam các tù binh nghe súng nổ vang ngoài rừng, lại tưởng có biến cố hay có cuộc vuợt ngục, nhưng sáng sau đi cuốc đất mới được biết đêm qua có con voi mẹ bị bắn chết. Voi mẹ chết chỉ vì nó có cặp ngà lớn, để lại voi con còn đang phải bú mẹ. Voi con chưa biết tự kiếm ăn được và cũng không biết đi đâu, nó cứ quanh quẩn bên ngoài hàng rào trại giam kêu khóc thảm thiết. Trại trưởng sợ bị vạ lây vì voi Rừng Lá được coi là loài thú hiếm quí cần được bảo vệ. Nghe đâu thống kê nhà nước ước tính cả vùng “rừng vàng biển bạc núi kim cương” chỉ còn có một… trăm voi. Mẹ nó bị bắn chết lấy ngà chưa điều tra ra kẻ vi phạm pháp lệnh nhà nước, nay voi con cứ đứng ngoài hàng rào mà khóc như ăn vạ, lỡ cấp trên sinh nghi…thì bỏ mẹ. Bèn sai đám tù xúm vào đẩy voi con đi xa hàng rào về phía rừng. “Oâng Bồ” con nặng mấy tạ không đi được vì đói, đẩy mãi mới xa được một quãng nhưng sáng sau lại thấy nó nằm ở nhà lô sát trại. Các tù nhân còn phải lấy phần củ sắn của mình nấu cháo loãng đổ vào miệng voi con cho nó sống cầm hơi. Tù đã đói, phần ăn khoai sắn ít không đủ no, nay lại phải chia sớt cho “Ông”, đúng là…cái họa.
Xác voi mẹ mất cặp ngà, dân quê xóm Sông Giêng kéo vào lóc thịt đem về nấu… cháo. Bộ xương thì công an trại giam K2 ra hốt về đổ đống trong kho củi bếp trại, dự tính sẽ nấu “cao voi”, không rõ để chữa bệnh gì! Dân địa phương bàn tán với nhau rằng cặp ngà voi lớn quí đang được treo ở phòng khách tư dinh bí thư thành ủy theo ý muốn của phu nhân, nhiều người biết nhưng cuộc điều tra không ra manh mối, không bắt được thủ phạm.
Voi mẹ thì như thế, voi con thì như thế, những con còn lại chạy tán loạn vào rừng, mấy hôm sau chúng trở lại dẵm nát phá tan hoang rẫy bắp của dân. Một người làm rẫy thấy các “Ông” hùng hổ đi tới bèn tỏ lòng cung kính, quì đập đầu xuống đất lạy như tế sao nhưng các “Ông” không tha, một “Ông” dẵm người ấy lòi ruột chết ngay tại chỗ.
Buổi tối các bạn bạn tù ngồi trên sạp nứa ăn cơm chung, xong uống trà hút thuốc lào vặt. Người tù thi sĩ cầm cây đàn guitar từng tưng dạo vài khúc, hát nho nhỏ tặng cho bạn nghe bài ca mới soạn:

Chiều, bị hai dãy núi cao bịt mắt,
những đám mây còn lại
biến thành co thiên nga khổng lồ.

Trong hơi nước đầu tiên của mùa thu,
con thiên nga mù,
vỗ đôi cánh san hô,
lờ lững trôi về mô…

Thiên nga hỡi, mi chớ bi thương vì mù lòa,
Đây mắt ta, đôi mắt xa xôi ta tặng ngươi,
Hãy tìm đường qua núi.

Thiên nga ơi, mi chớ hoang mang vì chiều tối
Đây tim ta với tình yêu xưa thắm tươi,
hãy cầm lấy ra khơi,
đem về chốn xa xôi,
nơi, có người ta mến thương,
đang ngóng trông bên trời. (*)

Tác giả “Bụi Tầm Xuân” ngồi bên nghe chợt thấy ban tự quản nằm cạnh hé mắt liếc sang, bèn chột dạ, e ngại, lái sang chuyện khác. Thi sĩ “Người Đi Qua Đời Tôi” không đàn hát nữa mà nói chuyện con voi con:
– Ở đây nó không được đoái hoài chứ…”xuất cảnh” sang nước ngoài “cu tí” sẽ được quí như vàng.
Tác giả “Trắng Chiều” nói:
– Đem con voi con tặng nước bạn nào đó làm quà có hơn không là để đây cho tù
nuôi nợ!
– Thụy Điển họ luôn luôn bênh Việt Nam trên trường quốc tế, lại viện trợ cho cả
một cái nhà máy giấy Bãi Bằng…lớn nhất Đông nam á, sao không đem “cu tí” này “cống” vua Thụy Điển gây cảm tình “hữu nghị quốc tế bền vững”, tù khỏi bị bớt phần ăn và khỏi phải đẩy đít “Ông Bồ” về rừng.
Chuyện cống voi tán dóc bâng quơ, không hiểu tại sao bất ngờ chiều hôm sau trưởng trại dẫn “phái đoàn” các anh lớn ra tận nhà lô xem voi con. Họ đứng chỉ trỏ bàn tán với nhau gì đó rồi trở về ngôi nhà nổi trên hồ Thiên Aân. Những ngày sau trưởng trại theo các “anh lớn” về thành phố. Khi trở lại Rừng Lá, trại trưởng chạy hộc tốc ra nhà lô kêu các bác tù già đẩy voi con về cơ quan. Voi con được ở trong vườn xoài ngay sau văn phòng trưởng trại và hàng ngày được bếp cơ quan nấu cháo gạo trắng có thịt đổ vào miệng… bắt ăn. Các bác tù già khỏi bị bớt phần củ sắn cho nó. Rồi voi con được chở đi thành phố. Một thời gian sau nữa trên đài truyền hình số 9 chiếu hình voi con lên phi cơ phản lực của hãng hàng không quốc tế đi…Thụy Điển. Bản tin nói Thủ tướng chính phủ nước ta gửi Quốc vương Thụy Điển con voi quí làm quà tặng để kỷ niệm tình hữu nghị thắm thiết lâu đời giữa hai nước. Đi theo voi con còn có các thú y sĩ và các chuyên viên sở thú để lo săn sóc cho… sứ giả.
Ở trong nhà giam, các bạn tù ngồi ăn quà thăm nuôi của “anh ta” mới tiếp tế. Câu chuyện lại nói về voi con.
– Không ngờ “ông bồ” đi nước ngoài thật.
– Mà lại đi đúng nước Thụy Điển.
– Xung quanh đây chắc có…KGB.
Mọi người cười ồ, một người nói:
– Chuyện xảy ra như thiệt. Lộ trình lý tưởng nhiều người thèm. Bước 1: từ rừng chuyển về thành phố. Bước 2: từ thành phố… lên phi cơ đi tuốt. Còn kẹt trong rừng thì còn lâu mới có bước 2.
– “Anh ta” lên thăm có nói gì không ?
– Bà tùy viên văn hóa sứ quán nước Thụy điển mới đến thăm “anh ta”, nói, tôi sẽ về và gia đình tôi sẽ đi Thụy Điển.
– Như vậy là ông sắp có bước 1. Sắp theo voi con. Sắp thành “Ông Bồ”. Mong lắm thay.
Thấy ban tự quản từ trong nhà cầu đi ra lên chỗ nằm, bác già nói:
– Có nói chuyện con voi cho “anh ta” nghe không?
– Có. Và “anh ta” biểu tôi hỏi anh muốn ăn món gì lần thăm nuôi tới sẽ đem lên.
Người tù già buột miệng:
– Cua biển. Thèm một con cua Huỳnh đế ram muối.
Lần thăm nuôi tháng sau “anh ta” gửi chồng đem vào cho nhóm “biệt kích văn hóa” một…sọt cua biển. Nhà thi sĩ sắp xếp các món quà vợ cho, miệng nói:
– Đó, ông đòi cua biển thì có cua biển, tìm mãi mới mua chui được loại này. Cua
Huỳnh đế phải ra biển Sa huỳnh mới có, chịu thua.
Tác gỉa “Một Mai Khi Hòa Bình” còn có lời nhắn: “Tù mọt gông mà không bỏ được cái tật ăn nhậu hưởng thụ, đòi hỏi đồ quốc cấm.”
– Chính mình phải chào thua “anh ta”, tưởng nói chơi ai ngờ “anh ta” làm thiệt. Thời buổi tất cả để xuất khẩu lấy ngoại tệ thì thứ này đúng là đồ quốc cấm!
Thi sĩ kể chuyện thăm nuôi:
– Công an khám xét quà tiếp tế thấy sọt cua thì chê: Mấy cái anh này buồn… cười ở tù không xin thịt… lại xin cái thứ cua còng này… để làm gì không biết. Ngu ơi là ngu! Bèn cho mang vào trại.
Cả mấy anh em chẳng người nào biết xoay sở ra sao với cái sọt cua. Người này dừa cho người kia việc làm món. Tối hôm đó cua trong sọt bò ra khắp phòng giam, sáng sớm đã có bạn tù kêu ré lên:
– Ối giời ơi, con gì lạ quá, lâu lắm rồi tôi không thấy cái thứ này, trông như khủng long !
Các “nhà biệt kích văn hóa” phải hùa nhau bò dưới nền đất nhòm vào các gầm sạp ngủ tìm bắt đàn cua trốn trại. Bắt đủ hết. Đầy sọt. Không con nào trốn thoát. Trại giam xã hội chủ nghĩa con kiến cũng không thoát chứ đừng nói con cua. Chạy lên trời cũng kéo xuống cho đi học tập cải tạo, chỉ trừ chui xuống…lỗ!
Cuối cùng nhà thi sĩ phải điều đình với anh trực phòng ở lại nhà giúp “ram muối” mớ cua biển tội nghiệp. Trưa lao động về, mỗi nhà “biệt kích văn hoá” một con “cua ram muối kiểu nhà hàng nổi”, còn bao nhiêu mời bạn tù xung quanh. Đương nhiên không quên ban tự quản nằm bên.
Vừa gặm càng cua, bác già nói:
– Sang trọng !
Tác giả “Bụi Tầm Xuân” phê:
– Từ nay chừa nhá cái tật bốc đồng đòi hỏi.
Thi sĩ ra lời:
– Nhưng mà đúng thật là…sang trọng!

********

Thi sĩ làm nghề cuốc đất trên cánh đồng. Bác già làm nghề gánh nước tưới rau bên bờ suối. Sáng xuất trại hai người theo đội mình đi hai ngả, tối về gặp nhau trong phòng giam. Bác già hỏi thi sĩ:
– Muốn ăn cá tươi không?
– Sao không.
– Cá lóc sống bắt dưới suối lên còn dãy đành đạch. Không phải cá khô thăm nuôi tiếp tế. Muốn không ?
– Muốn.
– Thế thì thành lập hợp tác xã sản xuất !
Bác già lập kế hoạch, thi sĩ cuốc đất gặp nhái phải cố bắt sống, nhốt trong bao ni lông có đục lỗ thông hơi, đừng quên bỏ trong bao nhúm đất ẩm tạo môi trường thiên nhiên cho kẻ bị giam cầm bớt đi phần nào nỗi bức bách, để may ra có đối tượng nào đó tưởng lầm mình đang học tập cải tạo chứ không phải tù đày.Tối đem mồi về nộp, hôm sau bác già sẽ cắm câu ở bờ suối, được cá lóc hai người sẽ có món tươi, cải thiện bữa ăn, tiết kiệm ngân sách gia đình, bớt chi tiêu thăm nuôi, vợ con ở nhà đỡ khổ. Kế sách kinh tế đầy triển vọng.
Nhưng thi sĩ tỏ vẻ hoài nghi:
– Xưa nay ông chỉ biết… ăn chứ đâu biết bắt cá?
Bác già hăng tiết:
– Tôi ra chỉ tiêu, “một nhái, hai lóc”.
– Đùa !
– Ông cứ bắt nhái đem về nộp cho tôi, chỉ tiêu “một nhái hai lóc” tôi chịu trách nhiệm. Hay là muốn kỳ kèo thêm bớt, hơn thiệt, thì tăng năng suất lên “một nhái ba lóc”.
Thi sĩ phi một bi thuốc lào xong nằm xuống đong đưa võng cười mỉm:
– Làm sao bắt được nhái, bước khởi đầu đã rất khó rồi.
Bác già giảng giải:
– Đi cuốc đất ông không thấy sao, nhái sinh sống dưới những khe đất, khi ông cuốc, động ổ, nhái nhảy ra tháo chạy, ông liệng cuốc nhảy tới vồ, mà nhớ là phải vồ chặn đầu…
– Rởn hoài, người sao nhanh bằng nhái, thoắt một cái là nó đã biến vào trong cỏ cây…
– Rất khó và rất vất vả mới chộp được một con nhái, nhưng nên nhớ… “lao động là vinh quang” ! Phải mất nhiều công sức mới có… thành quả. Muốn ăn cá lóc sống phải bỏ công sức lao động.
Thi sĩ nản lòng:
– Thua, chịu thua trong công cuộc đấu tranh gian nan này…
Bác tù già “động viên” thi sĩ:
– Chưa gì đã … chủ bại, phải “tiến công nổi dậy, nổi dậy tiến công” thì mới ăn.
Tôi biết ông từ hồi nào tới giờ không thích chơi cái trò “cải thiện”, ông chủ trương đi tù họ phát cho thế nào ông ăn thế ấy. Họ muốn làm gì thì làm. Để xem ai đói cho biết, để xem ai chết cho biết. Đúng thế không nào? Nhưng ông thử chơi cái “tuồng” này với tôi cho… đỡ buồn. Vả lại nếu cứ đều tay với cái cuốc suốt buổi thì cuộc đời nhàm chán quá, thỉnh thoảng phải có đột biến cho công cuộc sản xuất thêm phần sinh động. Lâu lâu gặp con nhái quăng cuốc nhảy tới vồ cho có hoạt cảnh. Cũng như viết tiểu thuyết, phải thêm vào tí action cho tình huống linh động.
Chợt thi sĩ nghĩ ra một sự lạ:
– Người ta phải mất vài ba con nhái may ra mới câu được một con cá, ông sao dám một nhái vài ba con lóc ?
– Thế mới tài tình! Cách mạng là phải “sáng tạo”.
– Lại phét !
– Đấy rồi ông coi.
Nhà thi sĩ bắt nhái có ngày được mấy con, nhốt trong bao ni lông theo đúng tiêu chuẩn giam giữ hiện đại và nhân đạo. Ông cũng phải trả giá bằng những vết trầy đầu gối, nhưng không sao vì đúng là mưu sinh có giúp cho thời giờ lao động cuốc đất thêm phần sinh động bớt nhàm chán. Oâng có bị cán bộ võ trang coi tù phê phán, nhưng thi sĩ biện minh rằng thịt một con nhái lột da rồi chế biến cũng thành món ăn cải thiện. Cán bộ thông cảm.
Vào những ngày lễ lớn của cả nước, trại giam thường mổ bò (trong Nam) mổ trâu (ngoài Bắc) cho tù nhân liên hoan. Trại giam đông vui cả ngàn tù nhân, nên bữa ăn chia phần mỗi người cũng được một miếng thịt hoặc miếng da to bằng đốt ngón tay. Một con nhái lột da rồi cũng tương đương với khẩu phần thịt mừng lễ đại thắng mùa xuân! Vì thế một con nhái được tù nhân gọi là một con bò. Có tối khi bàn giao tù nhái thi sĩ khoe với bạn già là bắt được tới những 3 con bò !
Công cuộc “làm ăn” tiến hành được một thời gian dài nhưng chẳng thấy bạn già mang được con cá nào từ suối Lạnh về. Số nhái thi sĩ bắt được đem nộp đã lên tới mấy chục con bò, nếu tính ra cá lóc sẽ là cả trăm con. Có hỏi tới thì bạn già nói là cứ “từ từ”, chuyện đâu còn đó. Bác già còn than là số lưỡi câu bị cắn đứt mất khá bộn, công cuộc làm ăn có “sự cố”. Cũng tại lũ rắn nước vô duyên nhưng tinh ranh, không mời mà chúng cứ tới xực hết những con mồi nhái móc ở lưỡi câu, phá vỡ luôn một kế sách kinh tế rất tự túc tự cường.
Một hôm bác già đem về một lon cá rồng rồng kho mặn. Khi ăn cơm thi sĩ hỏi “món gì vậy” thì bác già đáp cụt lủn “cá lóc”. Rồi còn hỏi:
– Ngon không ?
– Ngon.
– Công trình vừa cuốc đất vừa vồ nhái của ông đã được đền bù đấy nhá. Nguyên một bầy rồng rồng cả mấy trăm con chứ không ít đâu, phải dùng cái mùng ngủ của tôi mới vớt được. Cách mạng là tài tình và sáng tạo.
– Nhưng không có lòng hiếu sinh. Cuộc tàn sát toàn “đàn bà và trẻ em”.
– Chỉ có trẻ em, không bắt được đàn bà. Đàn bà tuy thương con nhưng cũng nhanh chân vượt thoát chạy ra đằng xa nhìn lại lũ con bị bắt trong cái mùng oan nghiệt chụp xuống. Anh đàn ông nào đó lại còn nhanh hơn, biến mất trước khi xảy ra cuộc tàn sát tập thể !
– Thôi đừng nói thêm nữa về tình nghĩa và lòng nhân đạo.
Những bữa ăn của hai người bạn lại vẫn tiếp tục là thực phẩm tiếp tế của tác giả “Đêm Nghe Tiếng Đại Bác”, và họ không bao giờ bàn đến kế hoạch mưu sinh thoát hiểm hoặc là cải thiện bữa ăn nữa cả. Chuyện cóc nhái cũng bỏ qua luôn không ai nhắc tới. Nhưng sau này khi viết tiểu thuyết, kỹ thuật “đột biến” vẫn thường được sử dụng để cho câu chuyện kể không rơi vào tình trạng lặng lẽ. “Tính” action trong khi viết tiểu thuyết cần thiết đến độ có khi không có nhái, tác giả vẫn thỉnh thoảng phải quăng cuốc nhảy vồ! Cũng có khi phải làm ra vẻ cuốc trúng hũ vàng. Cũng có khi phải làm ra vẻ cuốc trúng trái mìn nổ chậm ! Không có nhái phải tính kế khác thôi! Nhưng có nhái hay không có nhái thì việc cuốc đất vẫn là việc cuốc đất !
Bù vào đó trong khi ăn thi sĩ thường hay kể chuyện Tầu cho bạn nghe đỡ buồn.

********

“Một hôm tướng quân kéo đoàn tinh binh qua vùng trang trại của phu nhân. Phu nhân ăn mặc xiêm y lộng lẫy ra tận đầu làng đứng đón, hai bên có hai tì nữ theo hầu. Tướng quân xuống ngựa tiến tới, phu nhân vái chào, hai tì nữ quì lậy, tướng quân tỏ vẻ hài lòng. Phu nhân thưa:
– Thiếp xin kính mời tướng công ghé vào tệ xá để tiện thiếp được hầu hạ tướng công cho bõ với nỗi niềm mong nhớ qua bao tháng ngày dài chờ đợi.
Tướng quân thuận ý cầu mong của người đẹp. Phu nhân xin tướng quân cho đóng binh ngoài cánh đồng, chỉ mình tướng quân sánh vai cùng phu nhân vào trang trại. Trong dinh cơ tráng lệ đèn nến sáng choang, yến tiệc được dọn ra, phu nhân dâng rượu tẩy trần, đoàn tiện nữ múa hát.
Tướng quân hoan hỉ uống chén rượu do phu nhân nâng lên tận miệng, người thấy ngà ngà say, lâng lâng thanh thoát, thân thể như nhẹ bổng, bay cao. Phu nhân nói:
– Tướng công cũng đã biết tính tình của thiếp, ngay từ hồi nhỏ, thiếp đã không muốn cho ai hơn mình điều gì. Ngày Tết có con bé hàng xóm mặc tấm áo mới, lại là chiếc áo mà thiếp từng thèm muốn, thế là thiếp bắt con bé hàng xóm phải quì xuống, cởi chiếc áo mới ra nộp cho thiếp. Thiếp còn cấu véo con bé bầm da rách thịt để trừng trị nó về cái tội dám có cái mà thiếp ham thích.
Tướng quân nằm bất động, muốn cử động mà sao không cử động được. Phu nhân thưa:
– Vì quáyêu thương tướng công, không muốn mất tướng công về tay người khác, cũng không muốn tướng công rời xa tiện thiếp, cho nên tiện thiếp đã dâng lên chàng thứ rượu có pha chất độc đặc biệt làm tiêu tan hết nội lực trong cơ thể của người rồi. Từ nay người vĩnh viễn giã từ cái thế giới của chốn giang hồ. Tửu lượng đặc biệt đã phế bỏ tất cả võ công vô địch của tướng công, người đã yếu đuối còn hơn cả một người yếu đuối, để tiện thiếp có thể thừa hưởng toàn bộ thể xác cũng như tâm hồn của chàng cho riêng mình.
Phu nhân gọi con hầu bưng ra một cái khay khảm bạc, trên khay có một tờ giấy đã viết sẵn chữ và một con dao cán nạm vàng, lưỡi dao sáng loáng, phu nhân cầm con dao giơ lên trước mặt tướng quân:
– Trước khi thiếp yêu thương chàng, xin tướng công hãy ký vào tờ quân lệnh trạng này cho đại hùng binh ngoài kia được tự do trở về quê quán của họ mà sinh sống. Tướng công dừng chân tại chốn bồng lai này hưởng hạnh phúc thì bao nhiêu quân sĩ dưới trướng của người cũng cần được hưởng hạnh phúc với vợ con tại quê hương làng mạc của họ.
Phu nhân cầm tay tướng quân giúp cho người điểm chỉ lên tờ giấy, rồi nàng sai con hầu đem tờ quân lệnh trạng ra cánh đồng truyền cho ba quân. Xong phu nhân vén tay áo dùng con dao xinh xắn xẻo từng miếng thịt của tướng quân. Xẻo tới đâu tướng quân quằn quại tới đó.Tướng quân rên lên đau đớn, máu tuôn thấm chiến bào, lệ trào đẫm mặt mũi. Đôi mắt phu nhân sáng rực lên niềm hạnh phúc vui sướng !
Nàng thủ thỉ bên tai chàng;
– Từ nay tướng công mới đích thực là tình nhân của riêng thiếp”

********

Người nghe phát biểu:
– Phịa!
Người kể:
– Không phịa, kể theo truyện Tầu, nhưng có “xào nấu chế biến” thêm bớt chút đỉnh.
Thi sĩ vừa kể chuyện vừa dùng nứơc trong lon guigoz tráng mấy cái bát nhôm ăn cơm. Thi sĩ hắt bát nước rửa chén ra ngoài cửa sổ bỗng có tiếng quát ở ngoài vọng vào:
– Anh nào trong ấy hắt nước cả vào mặt cán bộ làm nhiệm vụ ở ngoài này.
Cả phòng giam đang ồn ào bỗng nín khe. Ban tự quản vội vàng làm phận sự “rút kinh nghiệm”. Trong phòng giam rộng năm gian nhốt một trăm tù chỉ có hai ngọn đèn vàng mờ mờ tù ngồi gần còn nhìn thấy mặt nhau, nhưng bên ngoài trời tối đen như mực chẳng thể thấy vóc dáng cán bộ nhà nước ra sao, chỉ nghe tiếng mắng vọng vào:
– “Bố lếu bố láo!”
Bác già nói nhỏ với thi sĩ :
– Rút kinh nghiệm, nghe chưa! Tạt nước bẩn vào mặt người ta như thế ai mà chịu nổi. Nên nhớ theo lý luận của lực lượng võ trang nhân dân thì lính gác là chức quyền cao nhất ở chiến tuyến !

********

Thi sĩ về và cùng gia đình đi Thụy Điển thật. Đúng như lộ trình bà tùy viên văn hóa sứ quán cho biết. Gia đình được hoàng gia giúp đỡ tận tình để lập lại cuộc sống. Thi sĩ được các nhà văn hóa địa phương đãi tiệc, chợt nhớ tới bạn còn trong chốn khốn cùng, bèn chạnh lòng làm bài thơ:

Lửa, Thấy Từ Stockholm.

Thomas von Vegessack quẹt diêm:
Lửa đèn, lửa bếp, lửa lò sưởi
Ngọn nến bữa ăn chiều lung linh
Quặn lòng quê xa bạn tù tội

Phương đông: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ
Quê ta bao nhiêu ngũ hành sơn
Bếp ai tro lạnh chiều nay nữa
Lửa gì đâu lửa tủi lửa hờn

Nắm xương ai gửi rừng Xuyên Mộc
Ngọn đèn nào, xao xác gió mưa
Cơm kêu, kẻng gõ, miệng khô khốc
Con đóm đêm xưa có lập lòe

Bạn ta nữa, chân núi Mây Tào
Mười bảy năm, rừng sâu, sức cạn
Chiều khổ sai, khoai sắn ra sao
Lửa nào sưởi cho lòng đủ ấm

Tha lỗi nhé, miếng ngon nuốt nghẹn
Vui riêng, cứng lưỡi, thốt không đành
Cháy mãi cùng ta vậy, nghe nến
Ngọn lửa anh em ngày tái sinh.(*)

Một thời gian sau, cuộc sống ổn định, thi sĩ tìm đến Vườn thú quốc gia, hỏi thăm mãi mới ra chỗ ở của sứ gỉa Việt Nam. Trước dinh cơ có treo tấm bảng bằng chữ Thụy Điển và chữ Anh, nói rõ tiểu sử, xuất sứ, giòng giống và tặng phẩm từ Việt Nam. Voi con đã lớn. “Oâng Bồ” ở một chỗ khang trang đẹp đẽ chứ không bờ bụi như hồi mẹ chết. Thi sĩ nhìn “Ông” nhưng “Ông” không nhìn thi sĩ. Bây giờ, ở đây, thi sĩ nhận ra “Ông”. Bây giờ, ở đây, “Ông” không nhận ra thi sĩ. Di dân thấy sứ giả muốn bắt quàng thì bắt. Sứ giả đâu cần nhận họ !
“Oâng” không biết một tí gì về người đã phải góp sức đẩy đít đun “Ông” về vườn xoài chờ ngày đi sứ. “Oâng” cũng không biết rằng thi sĩ và nhiều người tù khác đã phải chia sớt cái phần ăn khoai sắn nấu cháo cho “Ông” cầm hơi thuở “Ông” sa cơ mà chưa gặp thời. “Oâng” cũng không biết một tí gì về cuộc tán dóc, bâng quơ chuyện đem voi đi cống…của các nhà “biệt kích văn hóa”. “Oâng” hoàn toàn vô tư. Thế cho nên thi sĩ chỉ biết đứng lặng nhìn “Ông”. Thi sĩ muốn bày tỏ một tình cảm với “Ông”, muốn tặng “Ông” một cái gì, một bài thơ chẳng hạn, muốn cho “Ông” một món ăn, một củ khoai củ sắn chẳng hạn… nhưng ở đây người ta cấm du khách chọc thú và cấm cho thú ăn, “mọi chuyện đã có nhà nước lo”. Thôi thì đành đứng nhìn “Ông” mà nhớ lại một thời khổ nạn đã qua.

***
*****

Trưởng trại lên lon vùn vụt. Năm 1975 từ Thanh hóa vào Nam coi tù, anh ta mới là thuợng sĩ công an. Hành hạ tù một thời gian anh lên sĩ quan, rồi làm trại trưởng đeo lon thượng úy. Sau vụ voi đi sứ anh ta lên đại úy rồi tiếp sau đó lên ngay thiếu tá. Sự nghiệp cai tù của anh đã trải qua nhiều vụ quan trọng, dưới tay xiềng xích của anh đã có nhiều tù nhân thuộc mọi giới. Có các bộ trưởng chính khách miền Nam, có các linh mục tu sĩ nhà thờ Vinh Sơn, dòng Đồng Công Thủ đức, các vị thượng toạ của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam thống nhất, có các nhà văn, nhà báo… Khi các nhà “biệt kích văn hóa” được về anh ta đeo lon trung tá. Sẵn có uy tín, anh ta lên Bộ nội vụ xin lãnh số sĩ quan tù binh còn lại hơn trăm người gồm các cấp tướng và tá về trại Rừng Lá để anh ta quản lý. Anh đổi cách đối xử và xưng hô. Anh gọi tù sĩ quan là các bác và để các bác sống thỏai mái chờ ngày về …đi Mỹ! Có lần anh ta nói:
– “Thằng em” chỉ học lớp 3, không bằng các bác, nhưng thằng em cũng lên cấp tá và thằng em… chơi đẹp.
Một đội lao động đặc biệt gồm các vị tướng và đại tá tù binh khoảng năm chục người, nhà lô ngay bên bờ Suối Lạnh, gần đập thủy điện. Đội trưởng là cựu Tư lệnh Sư đoàn 18 bộ binh, sáng sáng dẫn các bác tù binh quí phái ra nhà lô lao động, nấu cà phê, mì, ăn sáng, giặt giũ áo quần phơi trên dây. Rồi trồng rau, trồng cỏ, trồng hoa gì tùy ý. Trưa nấu ăn trưa xong mắc võng ngơi. Chiều lại trồng hoa, trồng cỏ, trồng rau gì tùy ý. Xong nấu ăn tối xách về trại. Trước khi về các bác xuống suối tắm. Ở các đội lao động khác tù thường tắm truồng. Đội này không thấy bác nào tắm truồng, mà khi thay quần lót các bác còn vào trong nhà lô kín đáo.
Một hôm đang tắm, có con rùa lớn nổi lên ngay “Mé Nước”, bác đại tá có lẽ là trẻ tuổi nhất trong số các đại tá của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà tắm gần đó nhanh tay vớ chiếc cuốc vung lên bổ xuống một chiêu, máu loang bãi tắm, con rùa nổi lềnh bềnh, vớt lên bờ thì chết. Rùa cân nặng 43 ki lô, xẻ thịt mời tất cả đội kể cả các bác bịnh nằm trong trại, mỗi bác được gần 1 kí thịt. Nhưng có ba bác không xài. Ba bác già kiêng không ăn món thịt rùa? Hay các bác tỏ lòng kính trọng thần kim qui? Những ngày sau trong trại tù và cả ngoài trại tù đều có lời bình rằng… Rùa thiêng Rừng Lá Suối Lạnh nổi lên dâng gươm cứu quốc nhưng các vị tướng sĩ không nhận ! Chuyện đến tai trại trưởng, anh ta than uổng, phải chi nếu có bác nào nhận kiếm phất cờ khởi nghĩa thì cho… “thằng em” theo.
Anh ta đang thời, lại có các anh lớn trên trung ương nâng đỡ nên anh ta muốn làm gì thì làm muốn nói gì thì nói. Muốn đốt một căn nhà anh bật quẹt ném cả bật lửa vào cho cháy khiến các công an và tù chạy đồ đạc ra không kịp, anh đứng nhìn lửa cháy mắt long lanh, anh nói “phải giải quyết táo bạo”.
Mấy năm trước có anh công an thách đố tù binh anh nào không muốn lao động thì…ngồi nghỉ đi, trung tá nhảy dù Nguyễn Lô bèn vứt mẹ nó cái “ki” khiêng đất xuống rồi… ngồi nghỉ, thì bị anh ta ra lệnh đem đi nhốt. Thời gian sau này dường như tình thế đã có những đổi thay, khi TV Sai gòn xuống thu hình, công an bắt Nguyễn Lô cầm cuốc làm cỏ để quay phim, Nguyễn Lô nói “Tôi không chơi được cái trò…khỉ đó!”, mọi người xung quanh tưởng phen này ông Tiểu đoàn trưởng nhảy dù lừng lẫy sẽ bị nó cùm mút mùa, ai ngờ khi tay công an dẫn Nguyễn Lô lên báo cáo xin đem nhốt thì liền bị anh ta cự “Oâng ấy không thích…đóng phim thì thôi chứ việc gì mà nhốt người ta”. Nguyễn Lô thời chiến lừng lẫy, thời tù cũng lẫy lừng, có lần tay trưởng trại này đã nhận xét “họ là những người kiên cường đáng phục”.
Anh ta có một dàn cung nữ 5 cô do anh ta tuyển chọn từ khu B nữ tù. Cả 5 cô đều nhan sắc mặn mà, tù nam gọi là “ngũ long công chúa” vì 5 cô không phải lao động nặng nhọc, chỉ lo bán “căng tin” và ở riêng rẽ trong một ngôi nhà bên bở suối. Các cô không được có tình ý với ai, cũng không ai được tán tỉnh các cô kể cả công an coi tù chứ không riêng gì tù, ấy vậy mà cũng có mấy tay bị đem đi cùm vì tội lai vãng đến khu vực cấm. Tất cả đều phải hiểu ngầm là 5 cô của riêng trại trưởng. Thỉnh thoảng anh ta vung vẩy trong bộ quần áo pyjama sọc màu phanh ngực… đi tới căn nhà có các cô ở để…kiểm soát một lát rồi đi ra. Không một ai biết chuyện gì đã xảy ra và xảy ra với ai bởi vì các cô gái xinh đẹp vẫn đi qua đi lại, đi ra đi dô, từ căn nhà ở sang gian hàng “căng tin”. Các cô không phải mặc quần áo tù có đóng dấu, các cô mặc đồ bộ kiểu cọ màu sắc đẹp đẽ, tươi mát, thướt tha. Mỗi năm trong đợt giảm án cô nào cũng có tên trong danh sách “ân xá” sáu tháng, một năm, có cô được tới một năm rưỡi… Ngày về của các cô sớm muộn nhanh chậm là tùy thuộc ở thái độ của các cô chấp hành cải tạo tốt hay khá…
Một hôm có anh tù nam trẻ tuổi uống thuốc trừ sâu tự tử ở trạm thủy điện, khiêng vào bệnh xá, còn đang cấp cứu thì lại phát giác ra 1 cô trong dàn “công chúa” cũng đang mê man bất tỉnh ở nhà bờ suối. Y tá bơm nước rửa ruột cho hai người nhưng thấy nguy kịch bèn chuyển đi bệnh viện tỉnh Phan Thiết. Hai ngày sau anh tù nam chết ở bệnh viện, năm ngày sau cô tù nữ công chúa thoát chết trở về trại giam. Nàng nhoẻn miệng cười “tại em uống có một nửa!” Trại trưởng cử cán bộ thân tín lên bệnh viện lo việc chôn cất anh tù nam ở ngay nghĩa địa tỉnh. Trại trưởng tiết lộ với các bác tướng “tôi cho nó bộ ván thượng hạng tốn năm trăm ngàn”, không ai hiểu vì sao anh ta lại phải xuất tiền trại ra nhiều thế để o bế người tù trẻ dại thảm tử, trong khi thường nhật tù chết chỉ được nằm trong bộ ván gỗ tạp do nội bộ sản xuất để sẵn ở xưởng mộc. Bà mẹ nạn nhân từ Biên hòa được báo tin lên chôn con khóc “Ơùi con ơi, mẹ có một mình con, sao con không chờ mãn án về mẹ cưới vợ cho, việc gì con phải tranh dành gái, ghen tuông, với chúng nó để rồi chết thảm vậy con!” Cô nữ tù công chúa cũng không được ở “căng tin” ngoài trại mà phải vào bán “căng tin” bên trong trại. Năm con rồng cái còn có bốn.
Về sau trại trưởng tuyển thêm hoa hậu mới, nhưng dời các nàng từ chân núi Mây Tào về chân núi Chứa Chan cho các cô làm dịch vụ du lịch ở đó. Nói là dịch vụ du lịch chứ thật ra chỉ là một cái bar do các cô làm chiêu đãi viên, một thứ “quán biên thùy” mở ra trên ven quốc lộ đón khách thập phương, kinh doanh thu nhập, làm kinh tế cho trại. Một công chúa có hỗn danh là “Mai bụi” đẹp mê hồn, người thay thế cho công chúa “Mai bò” cũng đẹp mê hồn đã hết án về Saigòn, một ngày đẹp trời nàng “Mai bụi” lặng lẽ gĩa từ “ban” em đi theo một tay giang hồ nào đó. May mắn nàng Mai trốn thoát, công an của trại trưởng đi truy kích mấy ngày không tìm lại được đành về tay không. Công an đã có thành tích truy kích bắn chết tù nhân “Hải đèn cầy” trốn trại, vì thế anh ta vẫn vững vàng ở chức trưởng trại. “Hải đèn cầy” cũng là một tù nhân chung thân nổi tiếng, Hải là tên, “đèn cầy” là do những vết sẹo phỏng trên mặt, do anh ta bất khuất không chịu nhục dưới tay tên “đầu gấu” hồi ở khám Chí hòa, Hải nói anh là người không phải là chó nên anh không ăn cứt, bọn chúng đè anh ra úp bát nến nấu sôi vào mặt anh cháy thành sẹo. “Hải đèn cầy” khi bị chuyển tới trại Rừng Lá đã tuyên bố khẳng định là sẽ vượt ngục, tù chung thân thì phải tự giải phóng thôi, đằng nào cũng gía chót. Hai lần vượt ngục trước bị bắt lại, lần thứ ba bị bắn chết. Tội nghiệp!
Riêng hai nàng Mai xinh đẹp thóat ra được ngoài đời liệu có dịp nào gặp nhau không? Điểm độc đáo là cả hai nàng Mai, không chỉ có sắc đẹp não nùng, mà còn là những “tay súng bá vàng” nổi tiếng trong các “phi vụ” đánh ngân hàng thời trước.
Trưởng trại này là tay nhiều thủ đoạn, mánh khóe, anh ta thường nói với các bác tướng tá cứ thoải mái nghỉ ngơi chờ… đi Mỹ. Có lần anh ta còn phàn nàn sao lâu quá không thấy trên gửi lệnh thả về để các bác đi cho sớm kẻo các bác gái ở bên ấy chờ đợi tội nghiệp. Anh ta còn dặn rằng “Đi rồi khi nào trở về nhớ… thằng em chơi đẹp”. Các bác tù gìa cũng khôn vô cùng, chẳng bác nào nói gì, im lặng là vàng! Kệ anh muốn nói hươu nói vượn gì thì nói, chúng ông cần yên thân!
Trưởng trại còn khoe với các bác, trên bàn làm việc của anh ta có tấm hình voi con đang bước lên máy bay. Tấm ảnh là một bằng chứng của thành tích. Anh nói:
– Voi và Rùa là những biểu tượng tốt của quyền uy. Nếu lần sau bắt được Rùa quí xin các bác cho “thằng em” đổi một lợn thịt, thả Rùa xuống hồ Thiên Ân nuôi, biết đâu mộng bá vương sẽ ứng!
Khi các tù binh Sĩ quan chế độ cũ về hết thì anh ta đã đeo lon thượng tá. Sau đó anh lên chức Cục phó Cục trại giam phía Nam, mang cấp bậc Đại tá, được đi Tầu “tham quan”. Văn phòng của anh vẫn đặt ở Rừng Lá. Bấy giờ Rừng Lá sạch banh không còn cây rừng nào nữa, công cuộc phá rừng đang tiến lên những ngọn núi của dãy Mây Tào. Hồ Thiên Ân được dựng lên thêm mấy ngôi nhà nổi nữa để các “anh lớn” xuống an dưỡng.

********

Thi sĩ nhận được thư của người bạn mới ra tù đã sang Mỹ, trong thư nói:
“Oâng muốn làm báo thì phải rời đảo phú quốc về Saigòn, phú quốc làm gì có người đọc báo. “Anh ta” muốn làm con “đường tự do” thì cũng phải về Saigòn, làm “đường tự do” ở phú quốc cho ai đi…Ở phú quốc ông chỉ có thể “trồng tiêu”… Về đây đi ông. Con cái nó lớn cả rồi, đứa nào muốn ở lại phú quốc trồng tiêu thì ở, bằng không, thế giới rộng mở chúng muốn đi đâu sinh sống tùy ý. Nhưng ông muốn làm báo thì phải ở Saigòn này. Trước khi sang nhớ tới sở thú chụp hình “cu tí” xem nó bao lớn…”
Thi sĩ nghe lời bạn chuyển sang Mỹ ở, trước khi đi có đến thăm “Ông Bồ” một lần nữa và chụp một tấm hình “Ông” đang dương vòi lên cao như đang gầm. “Oâng” vẫn lạnh lùng thản nhiên không quen biết ai. Thi sĩ vẫn chỉ biết phận mình, đứng cô đơn nhìn “Ông”, muốn hỏi “Ông” vài điều mà không hỏi được, muốn nói chuyện với “Ông” mà không nói được, muốn cho “Ông” biết đôi điều tin tức về chốn cũ mà chẳng biết làm cách nào. Cho nên đành ngậm ngùi từ giã ra đi.
Ở Saigòn thi sĩ mải làm báo mà quên làm thơ. Nghiệp báo chí nó đã vận vào người. Nhưng mà người bạn gìa một hôm nói cho ông biết rằng sẽ có một ngày ông lại bỏ làm báo để trở lại làm thơ, bởi vì thơ phú cũng là cái nghiệp. Làm thơ, làm nhạc… cho nó sang trọng !
Một hôm ông được nghe kể lại chuyện Rừng Lá. Một vụ thanh trừng lẫn nhau về quyền lợi khai thác khu rừng Hàm Tân, kết quả là tay Đại tá công an Cục phó cục trại giam và bè phái bị bắt bỏ tù. Các “anh lớn” của anh ta ở trung ương không còn tại vị nữa, họ cũng đang lo cho cái thân họ chưa xong nên không người nào bao che cho anh được. Anh mất chỗ dựa, anh đã hết thời. Voi quí thì đã ra đi mất hút. Rùa thiêng chưa bắt được…
Suốt một đời tận tụy vì sự nghiệp giam giữ người, nay bị người giam giữ anh ta chịu đâu có thấu. Đang là cai tù nay xuống làm tù, xuống đến tận cùng của sự đày đọa, làm sao anh ta chịu đựng nổi. Trong phòng giam, anh bị một tay “đầu gấu” áp dụng luật giang hồ của nó. Nó và đồng bọn cho anh chọn lựa, một là bát cứt hai là bát nhựa nấu chảy đang sôi, anh chọn cái nào tùy anh. Chúng nó ngọt ngào nói tự nguyện ăn bát cứt để tỏ lòng qui phục thì khỏi bị trừng trị úp bát nhựa ni lông nấu sôi vào mặt. Anh hoàn toàn tự do! Hoặc làm người hèn hoặc làm người hùng! Anh rùng mình nghĩ đến sự đau đớn của da thịt bị nhựa sôi đốt cháy, anh rùng mình nghĩ đến bộ mặt sẹo sau này. Đại tá Cục phó Cục trại giam không muốn làm người như tù nhân chung thân “Hải đèn cầy”, đại tá tự do lựa chọn ăn bát phân. Vừa ăn anh vừa ói, nước mắt trào ra…
Nhưng đêm đó anh treo cổ chết trong nhà cầu !
Vụ án không có chính phạm nên sau đó được xếp lại, bọn đàn em của anh bị trả về đơn vị và chỉ bị “xử lý nội bộ”, sa thải khỏi ngành, họ ra làm nghề đi rừng ở điạ phương tiếp tục lên núi Mây Tào chặt cây lấy củi về bán làm kế sinh nhai độ nhật.

********

Ngồi hút thuốc uống trà ở ngoài hiên quán cà phê trên đường Bolsa, nói chuyện mây bay gió thổi, thi sĩ đưa cho bạn bè xem tấm hình con voi chụp ở sở thú nước Thụy Điển, “Ông Bồ” ngự trong chuồng trại rất sang trọng, tuy đã hơi già nhưng “Ông” vẫn béo tốt to khoẻ sạch sẽ không lam lũ như các đồng loại còn ở quê nhà. “Ông” vô tư… không có vẻ gì là nhớ Rừng Lá, nhớ núi Mây Tào, nhớ nơi “Ông” sinh ra… “Ông” hoàn toàn không biết một tí gì về chốn cũ đã có những biến đổi, đàn voi rừng Hàm Tân đang bị di chuyển lên vùng trường sơn lạnh gía, công cuộc “chuyểûn trại” đã có thương vong, hai chết! “Oâng” thản nhiên thành “công dân” nước người, “Ông” thản nhiên mang “quốc tịch” khác, “Ông” không còn dính líu gì tới miền đất quê hương, nơi mà mẹ “Ông” đẻ ra “Ông”, nơi bà bị sát hại. “Oâng”, một kẻ xa lạï!
Khi móc túi lấy tiền trả chủ quán, thi sĩ lựa ra trong mớ mấy đồng “đô la” nhầu nát một mảnh giấy nhỏ, đưa cho người bạn gìa nói “còn đây là qùa tặng ông ngày ra tù”. Mở ra thấy bốn câu:

“Đình chùa lụt lớn. Tượng gỗ trôi
Anh là tượng đất. Anh ở lại
Đất lại hoàn đất, tha hồ cười
Ta cười tới bao giờ mới thôi.” (*)

(*) Thơ Trần Dạ Từ.

(Huntington Beach 2001)
Thảo Trường.

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button