Nói chuyện với KHÁNH TRƯỜNG

Phùng Nguyễn thực hiện, Hợp Lưu 30.09.2002

Phùng Nguyễn (PN): Có người bảo tôi tạp chí Hợp Lưu, trong khi thực hiện được vai trò của mình trong một thời kỳ văn học [Việt Nam] đặc biệt, đã không có những đóng góp nổi bật trong việc tạo ra một hay nhiều trào lưu văn học đáng kể trong cùng giai đoạn đó. Dựa trên những nhận định của Trần Vũ trong “Hợp Lưu 12 năm – trang tôn kinh huyền hoặc” mà tôi có phần đồng ý, Hợp Lưu ít nhất đã có những hoạt động đáng kể trong việc bảo trợ và khuyến khích những táo bạo trong thơ, đặc biệt là những bài thơ diễn đạt/chuyên chở “dâm tính” trong những năm tháng điều này còn bị xem là cấm kỵ trên các tạp chí văn học trong và ngoài nước. Theo anh thì Hợp Lưu đã có những tác động nào trong sự xuất hiện của một hay nhiều traøo lưu văn học trong thời gian qua?

Khánh Trường (KT): – Theo tôi nghĩ, có lẽ chúng ta – những người cầm bút ở hải ngoại – cần nhìn lại chính mình, để thấy rõ hơn vị trí và vai trò của chúng ta đối với văn học Việt Nam, bao gồm cả trong lẫn ngoài nước.
Sau biến cố 1975, suốt thời gian dài gần ba thập niên, đã có trên hai triệu người bỏ nước ra đi, qua nhiều hình thức. Hai triệu người ấy sinh sống rải rác khắp mọi lục địa trên hành tinh này. Ở nhiều nơi, nhờ điều kiện địa dư, khí hậu, kinh tế… họ quần tụ thành cộng đồng lớn. Ðiển hình như tại hai miền Nam Bắc California, Mỹ quốc. Ðã có cộng đồng lớn, tất nhiên không thể không có những sinh hoạt mang tính vaên hóa sắc tộc. Một trong các sinh hoạt mạnh mẽ và đa dạng, đa hiệu nhất là báo chí, sách vở, âm nhạc… Nhờ báo chí, sách vở, âm nhạc…, qua báo chí sách vở, âm nhạc… chúng ta có phương tiện để giãi bày nỗi niềm nhơù tưởng quê xưa, để nguôi ngoai mối sầu xa xứ, để thét gào cơn đau “mất nước,” để vạch trần tội ác của “kẻ thù không đội trời chung,” để nuôi dưỡng hờn căm hầu mong một ngày trở về…. giải phóng quê hương!!!
Văn học Việt Nam Hải Ngoại hình thành và phát triển trong chiều hướng đó.

Nếu có thì giờ nhẩn nha soát lại những tác phẩm tiêu biểu của hai thập niên đầu tính từ 1975, chúng ta sẽ thấy hầu hết đều xoay quanh các tiền đề vừa nêu trên. Những “Cùm Ðỏ,” những “Ðại Học Máu,” những “Thép Ðen,” những “Cuộc Chiến Chưa Tàn”…, cùng vô số tác phẩm đại loại như thế đã ra đời, tràn ngập các hiệu sách, bão hòa trên báo chí. Tôi tự hỏi, liệu chúng ta có nên đặt tên và gọi là trào lưu này khuynh hướng nọ cho một dòng văn học ngập ngụa máu me căm thù và đặc sệt tính thời sự như thế chăng?
Tất nhiên tôi không phủ nhận vào những năm cuối của thập niên thứ hai và đầu thập niên thứ ba, đã xuất hiện một số người viết mới. Lớp người này không liên hệ nhiều với quá khứ, nhờ thế, tầm nhìn của họ rộng hơn, bao dung hơn, công bình hơn, khai phóng hơn, nhân bản hơn, và đáng mừng vô cùng là họ đã thoát được ra khỏi vòng vây trùng điệp mìn chông ý thức hệ của lớp đàn anh. Trong giới hạn nào đó, họ đã có những đóng góp đáng kể cho dòng văn học lưu vong. Nhưng theo tôi, những đóng góp ấy chỉ nên xem là những thành tựu có tính cách cá nhân. Họ không đủ sức và cũng không thể làm thành trào lưu hay khuynh hướng văn học. Ngô đồng nhất diệp lạc/ thiên hạ cộng tri thu. Chỉ một chiếc lá ngô đồng cũng đủ để báo cho thiên hạ biết mùa thu đã đến. Nhưng anh A vừa có được một truyện ngắn khai mở lạ lùng, chị B vừa xuất bản một tuyển tập ăm ắp chất liệu hiện đại, không có nghĩa anh A chị B này đã dự báo hay đã tạo nên trào lưu, đã gây thành khuynh hướng.
Công việc ấy, phải do những tờ báo, những diễn đàn văn học uy tín chủ trương, khơi động.
Hợp Lưu đã hơn một lần thử nỗ lực làm công việc ấy.
Nhưng cũng đã hơn một lần Hợp Lưu thất bại!

Với lớp già, viết, là phương cách để giải tỏa một nỗi niềm, biện minh một quá khứ, hoài vọng một tương lai, u hoài một thân phận (lưu vong). Với lớp trẻ, viết, để tiêu khiển, để giết bớt thì giờ của một cuối tuần “em (anh) có hẹn nhưng em (anh)… cóc đến,” để thư giãn giữa hai múi thời gian ngồi dán mắt vào màn hình computer, trong văn phòng, nơi làm việc. Viết, với họ, không bao giờ và chưa bao giờ trở thành nhu cầu thiết thân, như hơi thở, như khí trời, như “tôi cần viết như tôi cần sống!” Chưa kể, lực lượng cầm bút cả già lẫn trẻ ấy mỗi ngày mỗi rơi rụng dần theo năm tháng lưu vong. Lớp già, tay run, mắt mờ, nối đuôi nhau vào viện dưỡng lão. Lớp trẻ, xa dần tiếng Việt. Trong giao tiếp, trong công việc, họ đối thoại với nhau bằng ngôn ngữ bản địa, suy nghĩ cùng nhau qua ngôn ngữ bản địa, đến một lúc họ mặc nhiên trở thành người bản địa. Tiếng Việt, văn chương Việt, nghệ thuật Việt chỉ còn là một hoài niệm, lâu lâu, nghĩ về với một tâm thức dửng dưng, hay khá hơn, nhói nhói một tí bùi ngùi. Dù dửng dưng hay nhói nhói bùi ngùi, cuối cùng, cũng chỉ để… quên! Chưa kể sự cũ mòn, cliché, đồng dạng và nghèo (tác giả). Hãy thử lật vài ba tạp chí văn học tiêu biểu của hải ngoại mà xem! Quanh đi quẩn lại cũng chừng ấy tên tuổi, với chừng ấy cách viết, bằng chừng ấy văn phong, lặp lại chừng ấy cấu trúc… Hôm nay, xuất hiện trên báo này, tháng sau, có mặt ở báo khác…, cứ vậy, luân chuyển mải miết trong vòng quay luân hồi nghiệt ngã. Tài năng cỡ Tolstoi mà bị xoay hay tình nguyện xoay kiểu ấy, cũng phải đến lúc chỉ sản sinh ra… rác!!!

Thế còn các hiện tượng mới?
Xin thưa, họa hoằn lắm mới thấy xuất hiện một, hai. Ðiều cười ra nước mắt là bên cạnh vài tài năng thực sự, đa phần, nếu công bình nhận xét với ít nhiều hào phóng, thì cũng chỉ “thường thường bậc trung” Vậy mà, rất nhanh, họ trở thành đối tượng tuyên dương, ca tụng, đánh bóng, săn lùng, mời mọc của các chủ bút. Tại sao? Giản dị: Người viết hiếm hoi quá, lại cứ hao hụt dần. Thôi thì, có còn hơn không, nỗi lo “chạy bài” như nhà nghèo chạy gạo của các chủ bút dẫu thế nào cũng nhẹ đi đôi phần. Cứ nhắm mắt tán hươu tán vượn vung vít vào, cho “nhà văn” sướng. “Nhà văn” sướng, ắt sẽ cộng tác dài dài với mình. Lấp đầy được năm mười trang báo trong thời buổi kiệm ước văn khôn bài khó này kể cũng đáng bỏ công.

Tôi không cường điệu. Thực trạng tôi vừa trình bày là có thực, sự khánh kiệt trầm trọng các tác giả là điều không thể choái cãi. Từ đó suy ra, Phùng nghĩ xem, với số ngòi bút có thể đếm được trên mười đầu ngón tay, lại chỉ xem công việc viết lách như một trò tiêu khiển, thì việc tạo ra trào lưu, dựng nên khuynh hướng, coi bộ cũng chả khác chi chuyện mấy chàng thi sĩ tiền chiến nằm dài cạnh bàn đèn thuốc phiện, rít khói, ngửa mặt, nhắm mắt “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây!” Nói cách ví von kiểu Mai Thảo, thì “Có chứ, thỉnh thoảng ta cũng có làm ra gió, có tạo ra bão đấy chứ. Nhưng mà, bố khỉ, chỉ là gió và bão trong… tách trà!”

Ðể kết luận, tôi có thể khẳng định không chút đắn đo: Trong môi trường văn học hải ngoại, chuyện tạo nên một trào lưu, một khuynh hướng là chuyện viễn mơ, không tưởng. Hợp Lưu không làm được. Các tờ báo khác cũng thế, không làm được.
Tuy nhiên, trong giới hạn khiêm tốn hơn, tôi tạm bằng lòng với thành quả này: Suốt 12 năm qua, trên diễn đàn Hợp Lưu, không ít những tài năng mới đã xuất hiện, đã trưởng thành, đã dành được cho mình một chỗ đứng vững vàng trong dòng văn học lưu vong. Họ là ai? Nếu độc giả theo dõi kỹ tạp chí Hợp Lưu từ số đầu tiên đến hôm nay, hẳn biết. Tôi nghĩ không cần phải kê khai tên tuổi họ ở đây.

PN: Nhà văn/chủ bút Nguyễn Mộng Giác bảo tôi “Làm biên tập một tờ báo văn chương cũng giống như làm bức vách cho người treo tranh. Tranh có đẹp thì người ta mới kéo đến xem. Gỡ tranh đi thì chỉ còn trơ lại… bức tường xám xịt!” Nhà văn/chủ bút Nguyễn Xuân Hoàng thì khẳng định “Không có nhà văn viết bài làm sao ra báo!” Còn chính anh, họa sĩ/nhà văn/chủ bút Khánh Trường, thì so sánh công việc biên tập với công việc của người dọn bàn trong tiệm ăn. Món ngon do đầu bếp nấu nướng, anh chỉ lo dọn ra cho gọn gàng đẹp mắt, không có nhiều… lỗi ‘chín tã’ quá là được! Ðây là những lời vàng ngọc cho tên lính mới tò te là tôi. Tuy nhiên, thí dụ như tôi có tham vọng dọn một bữa tiệc thực ngon, thực độc đáo, thực… Hợp Lưu, trong bảng thực đơn gồm có món gan kangaroo bên Úc, món cầy tơ ở quê nhà yêu dấu, cặp nhung hươu sao Gia Nã Ðại, mấy cái hamburger khổng lồ của Mỹ, kèm theo thùng bia đen và mấy chai rượu vang đỏ ở tận trời Tây mà quý ông/bà đầu bếp mải hục hặc nhau vì một hay nhiều lý do nào đó cho nên cứ em chả với thèm vào thì tôi phải làm sao?

KT: Câu hỏi “tôi phải làm sao?” để có được “một bữa tiệc thật ngon, thật độc đáo” không phải chỉ là “tham vọng” của riêng Phùng, mà chắc chắn đã là “tham vọng” của bất cứ ông/bà chủ bút nào, từ Ðông sang Tây, từ xưa đến nay.
Cá nhân tôi, rất nhiều lần tự hỏi thế. Có lúc trả lời được, thành công. Nhiều khi bí, thất bại. Qua những thành công và thất bại ấy, tôi rút được kinh nghiệm: làm chủ bút một tờ báo, nghĩa nào đó, là làm dâu trăm họ. Ý này thực ra chả mới mẻ gì. Cũ xì. Nhưng khổ thay, lại đúng vô cùng. Văn mình, vợ người. Nói cách khác, mỗi ông/ bà nhà văn là một ông/bà trời con. Cho nên, khi tiếp xúc với họ, cách tốt nhất là tìm cách quên mình đi, triệt tiêu mình đi. Nếu quên không được, triệt tiêu chả xong, thì gắng thu nhỏ mình lại, dấu kỹ mình vào một xó góc nào đó, và nhớ sắm cho mình một bộ mặt thực dễ thương, thực hiền lành, thực “nai”. Trong nhãn giới của các thiên tài văn học nghệ thuật đã, đang, hoặc sẽ cộng tác với các tạp chí, thì chỉ có hai loại chủ bút. Một: tài năng phải siêu quần bạt chúng, có thể xếp ngang hàng với họ, hoặc nếu thua, cũng chỉ chút đỉnh không đáng kể. Loại chủ bút ấy xứng đáng cho họ cộng tác. Loại thứ hai, tuy tài năng chả có gì, nhàng nhàng thôi, nhưng “vô hại,” “chơi được.” Trường hợp thứ nhất, nếu tôi đoán không lầm, hình như rất hiếm, hiếm đến độ gần như… tuyệt chủng! (Cũng hợp lẽ thôi, mỗi nhà văn/nhà thơ là một ông/bà trời con. Vậy thì, ngoài trời ra, thử hỏi, còn gì nữa???!!!). Trường hợp thứ hai chiếm đa số. 12 năm đảm nhiệm chức vụ chủ bút Hợp Lưu, tôi may mắn được xếp vào loại thứ hai. “Vô hại,” “Chơi được!” Chỉ cần được phê chuẩn như thế, là xem như ta đã thành công đến 60%. Tôi từng nhận không ít những cú điện thoại: “Bài này tôi viết theo yâu cầu của báo A, nhưng thằng ấy (chủ bút báo A) nói năng, cư xử khó ưa quá, thành ra tôi đổi ý, gửi cho KT.”

Ðã có được 60%, vậy, 40% còn lại nằm ở đâu? Vẫn theo kinh nghiệm bản thân, đó là sự tinh nhạy trong nhận xét, có một khả năng cảm ứng văn học ở tầng cao. Nói theo ngôn ngữ bình dân tôi vẫn thường sử dụng với bạn bè: có “khứu giác” của loài… cẩu, đánh hơi được ngay mùi vị thơm thối của tác phẩm. Ðiều này tương đối dễ dàng với một bản văn xuôi, một bài tiểu luận, một đoạn tùy bút… Nhưng sẽ vô cùng khó khăn với một tác phẩm thơ ca. Ai cũng biết, nhiều vị viết văn xuôi tuyệt vời, thế mà khi đụng đến thơ thì… – xin lỗi – không ngửi đươïc! Ngược lại, nhiều nhà thơ viết mãi không xong một đoạn văn xuôi cho ra hồn, nhưng nếu cho sử dụng đến món tủ, thơ, thì lắm khi ta thất kinh hồn vía, tự hỏi làm cách nào tên ấy có thể nghĩ và sản sinh ra được những dòng chữ diệu kỳ đến thế?

Ðã nói đến cách ứng xử của chủ bút với tác giả. Cũng như đã đòi hỏi ở chủ bút một trực giác bén nhạy, một cảm thụ văn học ở tầng cao, cùng một vốn liếng văn học cần thiết. Như thế, đủ chưa?
Tôi nghĩ, hình như còn thiếu.
Thử duyệt qua nội dung của bất cứ tờ báo nào đang hiện diện trên thị trường chữ nghĩa, trong lẫn ngoài nước, xưa và nay, ta sẽ thấy dấu ấn rất đậm của người chủ bút. Dấu ấn này làm nên vóc dáng và hấp lực của tờ báo. Nó phản ảnh trung thực cá tính, thói quen, trình độ, tài hoa và khả năng quyền biến của người chủ bút. Nó bàng bạc khắp nơi, trên từng trang báo, qua khuynh hướng chọn bài, qua cách duy trì và triển khai các mục thường xuyên theo một mục tiêu định trước; rồi thư tòa soạn, trả lời thư tín,… Kể cả những yếu tố có vẻ không dính dấp gì đến nội dung, như cách sắp xếp mục lục, bài nào đi trước, bài nào đi sau, làm cách nào tạo được ở độc giả cảm giác xuyên suốt, nhất quán, khi theo dõi trọn vẹn một số báo, dù dôi khi, túng bài, cả số báo chỉ là tổng hợp một số bài vở hổ lốn, đầu cua tai nheo… Ðó là chưa kể cách trình bày quảng cáo, quyết định dùng font chữ gì, kích thước bao nhiêu cho những nhan đề… Tất thảy, bàng bạc khắp nơi, mỗi nơi một tí, sẽ làm thành một tổng thể. Tổng thể này là dấu ấn của người chủ bút. Dấu ấn có nhiều hấp lực quyến rũ, tờ báo đông độc giả. Dấu ấn nhợt nhạt, lủng củng, độc giả ra đi, tờ báo tiêu tùng.

Tóm lại, vẫn theo ngôn ngữ Mai Thảo, một chủ bút giỏi chả khác gì một con dao pha. Dùng chặt xương cũng được, dùng thái thịt cũng xong, dùng tách mỡ cũng đặng… Hắn, chủ bút, phải trang bị cho mình thực nhiều khả năng, càng nhiều càng tốt. Từ chuyện gần gũi thiết thân như văn học, nghệ thuật, thơ ca, âm nhạc… đến chuyện “ngoại khoa” lỉnh kỉnh lủng củng như biết… nốc cognac hai chữ, bốn chữ tựa rồng cuốn nước khi gặp Kiệt Tấn, Lâm Chương, Nguyễn Trọng Khôi, Trần Vũ, Phan Huy Ðường… Biết chửi thề như máy khi cụng ly cùng Cao Ðồng Khánh, Tưởng Năng Tiến, Bùi Chí Vinh, Lưu Hy Lạc… Biết…phạng vỏ chai lên đầu đối phương khi đối ẩm cùng Nguyễn Tiến, và… tôi… Biết “thót” giọng Quảng Nơm trơn tru ngon lành khi đấu khẩu với Thái Tú Hạp, Hoàng Lộc, Thành Tôn, Nguyễn Hoàng Văn, Nguyễn Hưng Quốc, Phạm Phú Minh… Biết chuyển giọng vịt đực du côn du kề đá cá lăn dưa thành nỉ non nhỏ nhẹ du dương trầm buồn theo đúng thể điệu trai thời trung hiếu làm đầu, gái thời tiết hạnh làm câu trau mình khi hầu chuyện Mai Ninh, Trần Mộng Tú, Lê Quỳnh Mai, Phan Thị Trọng Tuyến, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Miêng, Nguyễn Thị Thanh Bình,… Biết sắm cho mình một bộ mặt luôn ở tư thế sắp cãi nhau khi đàm đạo cùng Lê Thị Thấm Vân, Dương Thu Hương, Nguyễn Thị Hoàng Bắc… Biết hò “Huệ” với các mợ và rành sáu câu cầu Tràng Tiền sáu vài mười hai “dịp” khi tranh luận với Ðức Phổ, Hoàng Xuân Sơn, Trịnh Công Sơn, Hồ Ðình Nghiêm, Sâm Thương, Ðinh Cường, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyên Khai… Biết dẫn thơ Lý Bạch, ngâm thi Ðỗ Phủ, tán chuyện “Tô Ðông Pha, những phương trời viễn mộng” lúc diện kiến Nguyễn Tôn Nhan, Ðào Mộng Nam, Trần Văn Giáp, Phạm Hải Anh, Trương Huyền Khanh… Biết cả những danh thủ phá lưới, làm bàn khi ngồi trước màn hình ti vi coi thiên hạ giành nhau một quả bóng với Hoàng Ngọc Tuấn (trong nước), Huy Tưởng, Nguyễn Chí Kham, Cung Tích Biền, Nguyễn Trung, Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Quỳnh… Biết chuyện Ðinh Bộ Lĩnh, chuyện thái hậu Dương Vân Nga, chuyện đê thành Cổ Loa, chuyện đền chùa miếu mạo ông tiên này bà thánh nọ khi tham quan danh lam thắng cảnh với Nguyễn Huy Thiệp… Biết vào bia ôm, ghé xóm chị em ta và tán chuyện mần tình đêm bảy ngày ba vô ra không kể với Bảo Ninh, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Quang Lập, Dương Thụ, Nguyễn Trọng Tạo… Biết cả đi coi vũ cỡi truồng có nhét tiền “típ” vào háng các em hẳn hoi với… (thôi, tên tuổi các vị này sống để dạ, chết mang theo, khai ra, e tan nát gia cang các điển hình đạo đức tiên tiến!) Và, dĩ nhiên, biết tán dương mùi vị thơm tho béo bổ ích thận lợi tiểu của trà đá chanh đường khi bàn luận văn học với Nguyễn Mộng Giác, Bùi Vĩnh Phúc, Nguyễn Mạnh Trinh, Lê Thọ Giáo, Võ Thắng Tiết… Biết vuốt tóc làm duyên (nhưng không vân vê tà áo) hay nhấp nháy mắt sau cặp kính cận dày như hai đít chai khi có ý đồ… “em ơi hãy ngủ, anh hầu quạt đây” với các chị xuân xanh e đã đến hồi… mãn… (chữ này, xin hiểu ngầm) cùng… (lại xin tự kiểm duyệt, kẻo không, có thể bị lôi ra tòa vì tội bôi nhọ đời tư cá nhơn!). Sau rốt, biết ngu khi diện kiến các nhà viết biên khảo, tiểu luận chữ nghĩa kinh điển đầy mình nhưng chuyện giăng gió cuộc đời thì vẫn cứ “con nai vàng ngơ ngác, đạp trên lá vàng khô”…

PN: Tại sao Phùng Nguyễn? Hượm đã! Chọn Ðặng Hiền để giao trách nhiệm trị sự của tờ báo là một điều không khó. Ðặng Hiền tháo vát, vén khéo, cẩn trọng, và năng nổ. Cũng như anh, tôi hy vọng rất nhiều vào Ðặng Hiền trong việc quản lý cái hầu bao lép kẹp của Hợp Lưu. Còn tôi? Xem ra công lực của tôi còn mỏng hơn giấy lụa. Tôi mới tập tành viết lách cách đây mấy năm, đóng góp cho Hợp Lưu thì cũng gần với “không có gì,” vài ba truyện ngắn, một cái truyện dịch. Mối giao tình của anh và tôi, tuy thân thiết, nhưng không hẳn là vì chuyện văn chương chữ nghĩa! Chúng ta hiếm khi thảo luận về Hợp Lưu, mà nếu có, cũng chỉ để … cãi nhau! Dù sao thì chúng ta đã có ít nhất một lần đồng ý với nhau về một điều rất quan trọng: Ở một nơi nào đó trong Tình Yêu (viết hoa đấy nhé), có chỗ cho một … chiếc giường. Nhưng sự nhất trí của chúng ta chấm dứt ngay tại đây bởi vì anh cứ khăng khăng bê chiếc giường kê ngay ở cổng vào thiên đường tình ái! Người đi qua giường tôi, không nhớ gì sao người… Ngay cả những điều anh đề cập trong thư chủ nhiệm số trước, tài năng, kiến thức, giao thiệp rộng, những điều mà tôi sẽ vô cùng ngại ngùng chỉ để nghĩ đến, nói chi đến chuyện vơ vào mình, chưa hẳn là đủ cho công việc khó khăn này. Vậy thì, tại sao Phùng Nguyễn?

KT: Ðúng, chọn Ðặng Hiền để giao trách vụ trị sự tòa soạn, quả, không khó. Tháo vát, vén khéo, cẩn trọng, và biết tổ chức mọi việc một cách khoa học, hợp lý. Tất cả các đức tính trên Ðặng Hiền có đủ. Cũng có nghĩa, khi giao Ðặng Hiền nắm hầu bao tờ báo, chúng ta vững bụng. Riêng Phùng Nguyễn có thể yên tâm sử dụng hết khả năng của mình vào việc kiêm toàn nội dung Hợp Lưu. Kinh nghiệm 12 năm cho tôi biết, công việc Ðặng Hiền đang phụ trách có khi còn khó khăn và quan trọng nhiều lần hơn chuyện bài vở nội dung Hợp Lưu.

Và tại sao Phùng Nguyễn? A, xem chừng cũng không khó trả lời lắm đâu. Không khó, như đã không khó, khi chọn Ðặng Hiền làm trị sự.
Thứ nhất, lời Phùng, vì “công lực của tôi còn mỏng hơn giấy lụa. Tôi mới tập tành viết lách cách đây mấy năm…” Với những ai khác, coù thể đây là một nhược điểm, nhưng với tôi, lại là ưu điểm. Tôi ăn nằm trong thế giới chữ nghĩa kể cũng nhiều năm, nhờ vậy, tôi đủ kinh nghiệm để hiểu, đối với những vị “dày công lực” (hay tưởng rằng rằng mình “dày coâng lực”), thường, có tiếng mà chẳng có miếng. Nói, vung vít ba hoa chích chòe không ai theo kịp (tôi thường gọi những vị này là chuyên viên thuốc nổ), nhưng làm, thì ôi thôi, lam nham lở nhở, trây trét bầy hầy như gà bới rác. Tệ hại hơn nữa, vì luôn mang ảo tưởng “công lực” của mình “dày,” nên, khi nắm được một diễn đàn văn học, quí vị ấy nhanh chóng hóa thân thành những người khổng lồ, để rồi lên giọng phê người này, phán kẻ kia, nay ra tuyên ngôn, mốt thảo cương lĩnh, vung vít linh tinh chuyện lấp biển vá trời. Làm được hay không chưa biết, nhưng rõ ràng là độc giả và văn hữu cộng tác sẽ rất mệt.

Do kinh nghiệm nhãn tiền ấy, dựa vào cái vốn văn học mỏng hơn giấy lụa của Phùng, tôi lạc quan tin rằng anh chả dại gì bày vẽ những trò vừa nêu. Nghĩa nào đó, Hợp Lưu, trong tay Phùng, sẽ tiếp tục đóng vai trò tuy khiêm nhường, nhưng vững vàng, bên cạnh những tạp chí bạn, như đã 12 năm qua.
Lý do thứ hai giúp tôi có quyết định chọn Phùng làm chủ bút Hợp Lưu, là qua các tác phẩm của Phùng, tôi rất vui khi nhận thấy tuy tuổi tác anh không kém tôi bao nhiêu (anh thuộc thế hệ tôi, thế hệ của chiến tranh, của hằn thù Bắc Nam cốt nhục), vậy mà trên những trang chữ anh viết, gánh nặng quá khứ hầu như không có, hoặc nếu có, cũng chỉ thấp thoáng, như cơn mộng dữ cần được xóa quên. Nghĩa nào đó, qua những trang chữ này, vô hình chung anh đã bày tỏ cùng độc giả quan niệm của mình, về văn học, về thái độ chính trị. Quan niệm ấy, có thể khác tôi trong tiểu tiết, như ng chắc chắn phù hợp với đường hướng của Hợp Lưu.
Lý do thứ ba, quan trọng không kém hai lý do đầu.
Từ lúc Hợp Lưu ra đời đến nay, một mình tôi quán xuyến mọi công việc, từ nội dung, hình thức, đến kỹ thuật. Nội dung, đã có các văn hữu trong, ngoài nước đóng góp. Tôi – như đã từng nói nhiều lần – chỉ là anh dọn bàn. Các món cao lương mỹ vị đã được chế biến sẵn, tôi chỉ việc cân nhắc, tính toán sao cho vén khéo, hợp lý. Món nào ăn trước, món nào dùng sau, món nào tráng miệng, món nào dặm thêm… Hình thức, tôi khá an tâm, để làm đẹp tờ báo, đối với một họa sĩ, không khó. Riêng phần thứ ba, kỹ thuật, là phần tôi sợ nhất. 12 năm, 65 số báo, ngày nào tôi cũng ngồi trước màn hình computer ít nhất đôi ba giờ đồng hồ. Thế mà kiến thức của tôi về “nó” vẫn không khá hơn ngày đầu bao nhiêu. Nghĩa là cũng chỉ quẩn quanh năm bảy phím chữ trên bàn chữ đã được Phan Tấn Hải và Ðặng Hiền dạy “thuộc lòng” theo kiểu nhồi sọ: “Ðừng hỏi tại sao, cứ bấm phím này ra cái này, bấm phím kia, ra cái nọ…” Hôm nào chẳng may gặp phải sự cố nằm ngoài bài bản, là lập tức, tôi… “ngọng.” Lại hốt hoảng nhấc phone kêu cứu Hiền ơi, Phùng hỡi, Hải hời nhặng xị!

Bây giờ, hai nhân vật trực tiếp trông coi Hợp Lưu lại là Phùng Nguyễn, Ðặng Hiền. Cả hai, ngoài nghiệp văn chương thi phú, còn là hai chuyên gia computer thuộc hàng cự phách. Ðặng Hiền, xếp xòng đại công ty ACS, chuyên trị các bệnh ung thư, ho lao, thương hàn, cảm mạo… “còm bu tờ” mắc phải. Và Phùng Nguyễn… (vì đức khiêm cung, đã gọi phone warning tôi, ngoài chuyện văn chương thi phú, cấm tuyệt không được đụng đến nghề nghiệp, chức vụ “đời thường” của đương sự – Ấm ức lắm, song tôi đành thủ khẩu như bình!). Thời điểm bây giờ, như chúng ta đều biết, khi đã sử dụng và khai thác được hiệu năng của computer, là xem như đã điều hành và quản lý hiệu quả công việc hành chánh cùng kỹ thuật của một báo quán và một phân xưởng in ấn hiện đại.

Chừng ấy yếu tố liệu đã đủ chưa, để trả lời câu hỏi: “Tại sao, Phùng Nguyễn?”

PN: Cũng trong thư chủ nhiệm kỳ trước, anh có đề cập đến dấu hiệu “lão hóa” của Hợp Lưu trong vài năm trở lại đây. Tôi không biết chắc sự lão hóa, nếu có, là do điều kiện khách quan (người viết, người đọc, những biến động/thay đổi chính trị, văn hóa) hay chủ quan (tôn chỉ, mục tiêu của Hợp Lưu), hay cả hai. Cái tên Hợp Lưu trong 12 năm qua đã được gắn liền với nỗ lực giao lưu văn học giữa những người viết (và trong một chừng mực hạn hẹp hơn, người đọc) trong và ngoài nước. Có thể những điều Hợp Lưu đã hướng đến để “dấn thân, khai phá” nay đã trở thành lối mòn và “người khinh binh số một” không còn cần thiết ở tuyến đầu nữa. Có thể người chủ trương Hợp Lưu và bạn bè của ông đang lúng túng trong việc tìm kiếm những vùng đất mới để khai phá trong giai đoạn “hậu-Hợp Lưu.” Thay vì lão hóa, có thể gọi là “bế tắc” hay không? Nếu có, đâu là những lời khuyên của anh cho tên lính mới này trong việc định hướng cho Hợp Lưu?

KT: Ở đây, tôi xin phép được “khoanh vùng” hai chữ “lão hóa” trong giới hạn nhỏ, là cá nhân tôi, vì cá nhân tôi, từ cá nhân tôi.
12 năm dài, nhìn lại, tôi thấy đoạn đường mình đã đi qua sao mà thăm thẳm. Ngày bắt tay làm số Hợp Lưu ra mắt, tôi chỉ trên bốn mươi. Vậy mà giờ đây, chỉ vài năm nữa tôi sẽ bước vào tuổi lục thập. Thực thà thú nhận: Tôi mệt mỏi rồi. Thời gian và tuổi tác đã bào mòn trong tôi ý hướng dấn thân, khai phá mạnh mẽ một thời. Những năm gần đây, rõ ràng tôi đã “lười nhác” thái quá. Có những chuyện tôi muốn làm, có những dự tính tôi muốn thực hiện, nhưng, tôi hư đốn tự khất lần hẹn lửa, để cuối cùng, buông trôi. Ví dụ rõ ràng nhất có lẽ các văn hữu khắp nơi đều nhận thấy: Vào những năm đầu, liên hệ giữa tôi và quí vị trong, ngoài nước rất mật thiết. Hàng ngày, qua thư từ, email, điện thoại, chúng ta đã say sưa trò chuyện, bàn bạc với nhau về nhiều vấn đề liên quan đến chữ nghĩa, về nội dung của Hợp Lưu, về những số chủ đề sắp thực hiện… Nhờ đó, mỗi số báo ra đời, có mặt trên kệ sách các nhà sách, là một hiện hữu sinh động, chất chứa một dung lượng xúc taùc đầy hiệu năng, giúp chúng ta tiếp tục nuôi dưỡng, vun bồi cho diễn đàn ấy mỗi ngày mỗi thêm phong phú, đa dạng. Thế nhưng, vài năm trở lại đây sự mật thiết kia gần như bị khai tử. Tự tôi đã cắt dần mọi mối quan hệ. Cho đến hai năm sau cùng này, ngoại trừ phải trả lời khi cần trả lời, tôi không còn liên lạc với bất cứ ai. Tôi tự hỏi tôi, do đâu có tình trạng đổi thay ấy? Chả khó khăn gì, tôi nhanh chóng tìm ra lời giải: Ngoài lý do sâu kín xảy ra trong tâm thức tôi, sẽ nói sau, lý do còn lại, đúng như Phùng vừa nhận xét: “Những điều Hợp Lưu hướng đến để dấn thân, khai phá, nay đã trở thành lối mòn, và ‘người khinh binh số một’ không còn cần thiết ở tuyến đầu nữa.” Hơn ai hết, tôi hiểu rõ điều đó, cũng hơn ai hết, tôi phải tự đặt tôi vào chọn lựa dứt khoát: Hoặc khai tử Hợp Lưu, để “giữ tròn tiết tháo,” hoặc tiếp tục duy trì, nhưng nhất định phải có một cuộc hóa thân. Xin độc giả và Phùng cảm thông cho tôi, như đã nói, tôi sắp bước vào tuổi sáu mươi, ý hướng dấn thân đã tắt, chắc chắn tôi không làm nổi cuộc hóa thân ấy. Khai tử Hợp Lưu, nghĩa nào đó, là phụ lòng độc giả và văn hữu, những người đã thủy chung với tờ báo ròng rã 12 năm. Lòng tự trọng không cho phép tôi chọn quyết định ấy.
Vậy, phải duy trì Hợp Lưu, và phải tìm cho ra người kế thừa tốt.
May mắn cho tôi, và cho độc giả, Phùng đáp ứng được được yêu cầu đó.
Vì thế, Hợp Lưu của giai đoạn mới đã chào đời.
Tôi tin nó sẽ định hình và tiếp tục lớn mạnh, trở thành một diễn đàn văn học mãi mãi ở tuổi thanh xuân, mãi mãi tự ném mình vào những khai phá. Ðường đi của văn học không bao giờ là những lối mòn. Nhiều chân trời mới, các cảnh thổ lạ luôn luôn thôi thúc bước chân lên đường. Với tư cách người đã khai sinh và ăn nằm cùng Hợp Lưu ròng rã 12 năm dài, tôi chúc Phùng chân cứng đá mềm.

PN: Có vẻ như mọi người đều tin rằng anh nhất quyết rửa tay vào chậu vàng, treo … giường báu, gởi mình vào chốn không môn. Liệu anh sẽ cạo đầu và khoác áo cà sa? Làm sao chúng tôi có thể hình dung ra Khánh Trường trong một phong vận bình hòa, từ ái như thế được? Ðiều này khiến chúng tôi, gồm có độc giả và bạn hữu xa gần vô cùng băn khoăn. Anh có lời gì để trấn an chúng tôi về điều này hay không?

KT: Lẽ ra tôi không nên trả lời câu hỏi này. Nó thuộc đời tư của cá nhân tôi. Cái đời tư chả khác chi “một tiếng thở dài,” và nhất là chẳng dính dự gì đến Hợp Lưu. Nhưng vài tháng qua, rất nhiều tin đồn về tôi đã lan truyền trong giới văn nghệ. Những tin đồn lắm khi rất kỳ cục, kỳ quặc. Gần đây nhất, có người gọi điện thoại tìm tôi, hốt hoảng: “Nghe nói anh lên cơn điên, cảnh sát phải còng tay ném lên xe cứu thương mang vào bệnh viện. Ðúng không?” Ðúng thế… chó nào được hở trời! Nếu đúng, thì ai đang trả lời phone đây?
Vì những tin đồn càng lúc càng lệch lạc, tôi buộc phải lên tiếng một lần, cho xong.
Dự tính thôi không làm Hợp Lưu đã manh nha trong tôi dễ chừng đã hai năm. Hai năm trước, lúc còn ở một mình trong một nhà kho trên đường Bolsa, cạnh nghĩa trang đường Beach, nơi yên nghỉ của Mai Thảo, Lê Uyên Phương, Nguyễn Tất Nhiên, Nguyên Sa, Phạm Ðình Chương, và rất nhiều văn nghệ sĩ khác. Một buổi sáng tôi thức dậy, bước chân xuống đất, bỗng hụt hẫng, mất thăng bằng té ngã. Trưa hôm ấy ấy vợ chồng một người bạn bác sĩ đến thăm, anh khám phá ra tôi bị tai biến mạch máu naõo (tôi cao máu, rất cao, có lúc cao đến 325/175). Vợ chồng người bạn gọi ngay xe cấp cứu đưa tôi vào bệnh viện (nếu tôi nhớ không lầm, hôm ấy có cả Phùng và Th., một cô bạn cũng đang hành nghề y sĩ cùng đi chung với Phuøng, thì phải). Mấy ngày nằm viện, trở về, vẫn một mình trong khu nhà kho mênh mông lạnh lẽo. Ban đêm, trời lạnh, lại là mùa mưa, nước từ parking tràn vào, lấp xấp chân giường. Mưa quật đập trên mái tôn, luồn vào lỗ thông gió, thấm ướt một góc nệm. Lạnh, rất lạnh. Buồn tiểu, nhưng bán thân bên trái bất khiển dụng, và cột sống, vì một lần phải gánh chịu cả sức nặng toàn thân để giữ thăng bằng khi tôi cố thử đứng lên, đã trật khớp, đau buốt, chỉ có thề vào restroom bằng cách duy nhất: bò! Nhưng lênh láng thế kia, bò lối nào? Cuối cùng, tôi phải dùng chiếc bình chứa nước uống trên bàn ngủ, tiểu tiện vào đó! Ban ngày, không thể ra ngoài được, do bệnh, trời lại vẫn mưa, lạnh, nên bạn bè chả ai đến thăm. Tôi đói, thùng mì gói cũng hết. Ðành uống nước mưa trừ cơm! Suốt nhiều ngày như thế, trằn trọc, quẩn quanh một mình giữa đêm ngày lê thê dằng dặc. Chung quanh không một bóng người. Không cả tiếng động, ngoại trừ tiếng gió luồn qua lỗ thông gió u u, buồn nhão ruột. Một lần nhà văn Ngô Thế Vinh tình cờ ghé thăm, anh nói ở thế này thiếu tiện nghi và buồn quá, chịu nỗi không? Tôi nói chẳng những buồn, mà có khi giữa khuya thức giấc, nhìn quanh, có cảm tưởng như mình là một thứ đồ vật phế thải, đã bị vất bỏ. Ngô Thế Vinh bảo tôi hãy viết lại cảm tưởng ấy. Cảm tưởng một hình nhân bằng xương bằng thịt, có đủ linh hồn, trí tuệ, nhưng mang tâm trạng một món đồ phế thải, giữa căn nhà kho mênh mông, lạnh lẽo, với những bức tranh câm nín vây bọc ngổn ngang. Tôi nói với Ngô Thế Vinh sẽ có lúc tôi viết. Nhưng cảm tưởng ấy, may thay rồi cũng qua đi. Tôi tiếp tục sống một mình trong khu nhà kho với nửa phần thân thể bất khiển dụng, những bức tranh và xấp bản thảo Hợp Lưu số sắp mang in. Ban ngày, công việc bận rộn, tôi không nghĩ ngợi nhiều, nhưng đêm xuống, nằm trằn trọc cùng bóng tối vây quanh, đầu óc tôi ngập chìm trong hồi ức.

Ta đã làm chi đời ta? Hơn 50 năm sống và chạy đuổi mải mê theo những ảo ảnh phù du, những thúc gọi thấp hèn. Có lúc tôi quên mất mình đã từng là chồng, là cha, là rường cột chính của ít nhất một mái gia đình. Tuổi nhỏ, giận mẹ ghẻ bỏ nhà ra đi, sống bụi đời, làm du đãng. Lớn hơn, đi lính, lấy vợ, sinh con, rồi ngoại hôn, rồi tình nhớn tình béù, tình chẵn tình lẻ, con rơi con rớt. Có đứa tôi biết mặt, có đứa chỉ nghe tên, có đứa… hình như là, thực hư không rõ…
Người đàn bà đầu tiên ấy đã tiêu phí cả quãng đời thanh xuân vì tôi, đã nhẫn nhục vì con suốt 20 năm làm kiếp sương phụ. Giờ đây, cũng như tôi, tóc đã điểm bạc, mắt đã kính lão, vẫn chưa, và không bao giờ, tìm thấy một ngày hạnh phúc. Tôi nhớ, và thấm thía vô vàn một nỗi đau. Tôi muốn làm điều gì đó để chuộc laïi tội lỗi đã gieo. Nhưng tôi biết sẽ chẳng khi nào có được cơ hội ấy.

Ta đã làm chi đời ta? Ðôi ba cuốn sách, một tờ báo, vài trăm bức tranh, một chút tên tuổi… Còn gì nữa? Bao nhiêu năm loay hoay với những cái tưởng chừng không có không được. Không có, ta chẳng phải là ta. Không có, ta chẳng nên… người! Thực tế, có phải thế chăng? Năm mươi mấy năm đã sống tận cùng cái sống. Ðã thả mình nổi trôi theo bản năng. Ðã thù hằn. Ðã yêu thương. Ðã chấp nê. Ðã tha thứ. Ðã buông trôi, đã vượt thắng… Năm mươi mấy năm, bây giờ nằm đây, giữa lạnh lẽo buốt xương mùa Ðông quê người, ngoài trời gióù mưa quật đập, bên trong bóng tối vây bủa, cùng cánh tay và cái chân bất khiển dụng, khoang bụng rỗng, và trong đầu, lùng bùng trăm vạn hồi ức đắng cay. Tôi chợt nhớ đến những người anh, người bạn đã chết. Mai Thảo, Nguyên Sa, Phạm Ðình Chương, Lê Uyên Phương, Nguyễn Tất Nhiên… Giờ này, ngoài kia, chỉ cách chỗ tôi nằm vài trăm mét, mộ bia của họ hẳn đã chìm ngập trong nước. Chẳng xa xôi gì. Có người, năm bảy năm, có người chỉ mới một hai năm, nhưng tất cả hầu như đã ra khỏi trí nhớ nhân gian. Tất cả đều đã mục rữa, tất cả đều đã tan hòa cùng đất!
Hốt nhiên, tôi bừng tỉnh. Hốt nhiên, tôi cảm nhận sâu sắc lẽ vô thường, giả ảo của kiếp sống con người, Hốt nhiên, tôi hiểu ra, mấy chục năm qua tôi đã nỗ lực một cách vô vọng đuổi theo cái bóng của chính mình.
Những điều tôi vừa tỏ bày hẳn chả có chi mới lạ. Phùng từng đọc, từng biết. Tôi đã đọc, đã biết. Nhưng tôi tin rằng Phùng, bây giờ, và tôi, trước đây, chỉ biết trên chữ nghĩa, qua chữ nghĩa. Cái biết này chắn chắn cũng giả ảo, như cái bóng của chính mình.
Chỉ khi nào bị ngập chìm trong một trạng huống, hoặc trạng thái nào đó, ta mới có thể chứng ngộ được cái biết ấy thực sự. Khởi từ đó, quan niệm của ta, tương quan của ta với cuộc đời, dần dà thay đổi hẳn.

Ta đã làm chi đời ta? Tôi lại hỏi tôi. Tận đáy sâu tiềm thức, tôi lờ mờ hiểu “điều gì đó” tôi sẽ làm, phải làm, có lẽ chỉ thực hiện được khi nào tôi đủ can đảm dứt khoát từ bỏ mọi vọng động, mọi đam mê, mọi đuổi bắt mải miết ảo ảnh phù du…
Việc làm cụ thể trước tiên: hãy dứt mình ra khỏi hệ lụy bao nhiêu năm. Hợp Lưu là một trong những hệ lụy caàn tước bỏ.
Hợp Lưu hoặc sẽ đóng cửa, hoặc sẽ được giao cho người khác.
Nhưng từ ấy đến nhiều tháng sau, tôi vẫn còn tiếc nuối, vẫn thấy đứa con này tôi đã sinh ra trong vô vàn khốn khó, đã khổ nhọc nuôi dưỡng suốt 12 năm dài, đã gắn liền với đời sống tôi như một phần cơ thể. Tôi không đành lòng từ bỏ. Tôi vẫn chưa biết tận cùng cái biết.
Cho đến ba tháng trước, một buổi sáng tôi đang ngồi trước giá vẽ, chuông điện thoại reo. Tôi nhấc ống nghe. Ðầu dây bên kia, giọng nữ, trẻ: – Cho con gặp bác KT. – Tôi đây. Một vài giây ngập ngừng – Có biết con là ai không? – Cô là ai? Lại một vài giây ngập ngừng: – Con…. Con…. là NTKL, con má Y. Tôi sững người, sống lưng lạnh toát. Con là NTKL, con má Y. Dĩ vãng 20 năm ùa về. Một chuyện tình “bất chính.” Những khổ đau người thiếu nữ ngày ấy đã hứng chịu. Những khốn khó áo cơm đến triệt tiêu nhân cách. Một đứa con đói sữa, thiếu ăn… Và vượt biên, và hải tặc, và 10 ngày lênh đênh giữa đại dương đầy sóng gió trên một can dầu. Rồi trại tị nạn, rồi định cư, rồi chồng con… Thôi thế cũng đã êm thắm cho thân phận một con người. Tôi mừng. Nhưng còn đứa con rơi rớt oan khiên kia? Mẹ vượt biên một mình, bỏ lại cho ông bà ngoại. Tuổi thơ âm thầm cô đơn, thiếu cha, vắng mẹ, đã khắc sâu trong đôi mắt thiếu nữ bây giờ, sau hai mươi năm lần đầu tôi nhìn thấy, một màu xám sầu buồn rã rượi. Cái màu làm tim tôi đau nhói.
Lần thứ hai trong đời, một tội lỗi cụ thể đang hiện diện trước mắt.
Tôi nhớ lại sự kiện tương tự xảy ra tám năm trước. Ðó là lần đầu tiên tôi qui hồi cố hương sau 10 năm đào thoát. Suốt ba ngày – từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều – tôi bị cục AR25 “làm việc” tận tình. Ngày cuối cùng, trung tá Thuận, một trong ba chức sắc trực tiếp “làm việc” với tôi mấy ngày qua, bỗng nói: – Anh có muốn đi thăm con anh không? – Con tôi, chúng đã theo mẹ sang Tây sau ngày tôi vượt biên một tháng. Còn đứa nào ở đây nữa? Tôi hỏi lại với sự ngạc nhiên. Thuận cười: Con rơi của anh ấy mà. Và anh ta tiếp: – Anh bình tĩnh và yên trí, cháu hiện ở quận Tân Bình. Vợ anh Hùynh Tấn Mẫm đang phụ trách nghành giáo dục ở đấy, chúng tôi đã chỉ thị cho chị ấy hãy quan tâm đến cháu…. Sau đó, Thuận chở tôi bằng xe hơi của sở xuống quận Tân Bình, chạy vòng vèo trong xóm đạo Tân Việt, và, khi bước vào cửa một căn nhà, tôi cũng đã sững người, nước mắt bỗng trào ra không cầm giữ được. Trước mặt tôi, đứa con gái 13 tuổi, gầy, cao, da ngăm đen, khuôn mặt xương, miệng quai xách, mũi lớn… Ðó là một bản sao không mấy trung thực lắm, nhưng làm sao nhầm lẫn được, cùng một khuôn với người cha hoang đàng, là tôi.
Chưa bao giờ một tội lỗi cụ thể như thế, hiện diện trước mắt tôi.
(Nhân đây, tôi nhận thấy cần phải mở một dấu ngoặc, để tỏ tấm lòng tri ân của tôi, với trung tá Thuận. Tôi không thích chủ nghĩa CS, trừ chủ nghĩa CS trên lý thuyết. Tôi càng không phục người CS, trong nhiều hành động. Tuy nhiên, cũng có một vài chuyện tôi thực tình xin ngả mũ chào. Cụ thể ở đây là tổ chức tình báo cực kỳ hiệu quả của họ. Chuyện tình ái nhăng nhít của tôi, chuyện con rơi con rớt rất đỗi riêng tư, ngay cả vợ tôi, và chính tôi có khi còn không rõ, nhất là chuyện đã xảy ra mấy mươi năm, tít mù trong dĩ vãng, thuở quí vị còn lặn lội trên rừng Trường Sơn âm u kì bí. Thế mà quí vị biết, lại biết tường tận, chi li, như một cộng một bằng hai! Tôi phục và trân trọng cảm ơn. Dù các vị biết, cố tìm biết, vì bất cứ động cơ nào, thiết nghĩ, tôi không cần phải quan tâm. Chỉ thấy, nhờ quí vị, tôi tìm được con tôi. Nhờ quí vị, tôi có cơ hội chuộc lại phần nào lỗi lầm đã gieo trong quá vãng).

Những đứa con rơi! Tôi biết mình còn đâu đó trên mặt đất này một hai đứa con rơi!
Phải làm cách nào tìm ra chúng nó. Rất nhiều đêm tôi tự hỏi tôi.
Gần một năm nay tôi chuyển cư trú đến địa chỉ mới. Cũng lạnh lẽo, tịch mịch, nhưng không đến nỗi hoang vu như nhà kho cạnh nghĩa trang. Nơi này, khi dọn vào, tôi nhanh chóng “tái cấu trúc” lại tất cả. Mua ảnh, tượng và biến hai căn phòng rộng nhất trong số bốn căn thành hai phòng Thiền. Một, cho con chiên Công giáo. Một, cho tín đồ Phật giáo. Hàng đêm, không ngủ được, tôi lần vào một trong hai phòng Thiền, ngồi quán tưởng nhiều giờ giữa vũng sáng lung linh đèn nến. Trên cao, hình ảnh Chúa dang rộng đôi tay, đầu cúi xuống hiền từ. Hoặc trước mặt, Phật ngồi bình yên trong tư thế kiết già, với đôi mắt khép hờ, nụ cười mỉm bao dung. Dần đà, tâm tôi bình lặng. mọi vọng động cũng lắng xuống. Tôi thấy rõ hơn nhưõng tội lỗi mình đã phạm, những việc mình sẽ phải làm trong tương lai, và tôi có ngay cho mình một quyết định, trước tiên, về tờ Hợp Lưu.
Phùng Nguyễn và Ðặng Hiền được mời đến.
Tôi có đi tu, cạo đầu, khoác áo cà sa hay không?
Tên đồ tể một thời đã buông dao chưa?
Ðó là chuyện của tương lai. Tôi không biết, và cũng không muốn dự phóng.
Tôi không đến với Chúa, Phật như một con chiên, một Phật tử thuần thành. Tôi không đọc được kinh, không thích hương khói, không quen quì lạy, và sẽ ngủ gục ngay nếu buộc phải ngồi hàng giờ giỏng tai nghe một ông cha, một đại đức thuyết giảng giáo lý của Chúa, Phật… Tôi không cầu mong ở các ngài ấy bất cứ lợi lộc nào, tinh thần lẫn vật chất. Thiện, ác, đúng, sai, tốt, xấu, thiên đường, địa ngục không ở đâu xa, nó nằm ngay trong mỗi chúng ta. Khi ta sân hận, hằn thù, cuồng điên, nhỏ nhen, ti tiện, đó là lúc ta ngập chìm dưới đáy địa nguïc. Khi ta yêu thương, bao dung, tha thứ, ta đang an lạc giữa cõi thiên đường. Chân lý vỡ lòng này, chả cần phải thông qua kinh kệ, chỉ cần lắng tâm nhìn vào bên trong, lập tức ta sẽ thấy ngay. Chỉ chừng ấy thôi, với tôi, đã đủ. Cần gì Tân Ước Cựu Ước, cần gì Trường Bộ, Trung Bộ, Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Bát Nhã, Lương Hoàng Sám, Ðại Bảo Tích…
Vậy, tại sao tôi thôi không làm Hợp Lưu nữa. Tôi muốn gì?
Tôi không muốn gì hết. Chỉ thấy, bây giờ, rất rõ, tôi không thích làm bất cứ chuyện gì liên hệ đến những tương quan cũ. Sách vở, hội họa, văn chương, nghệ thuật, báo chí, bạn bè, những quan hệ sắc dục, những “cuộc vui suốt sáng trận cười thâu đêm,” những sáng dông dài bù khú chuyện văn chương thi phú trước tách cà phê với các “thiên tài” quán cóc, những tối đàn ca hát xướng, tung hứng đầu mày cuối mắt trong các club văn nghệ bỏ túi lổn nhổn ca sĩ, nhạc sĩ thiệt, dỏm, nghieäp dư; những người đàn bà ít nhiều hệ lụy tình ái … Tất cả bỗng trở nên phù phiếm, lạ lẫm.
Thú vui của tôi hiện tại, nếu có thể xem đó như một thú vui, là ngồi lặng lẽ trước những tượng đồng, hay sành, đất, nhắm mắt, nhìn vào chính mình, nhìn sâu vào mọi ngóc ngách bí ẩn trong bản thể mình. Tìm kiếm, tra vấn, khai giải…
Tôi đã tìm kiếm, khai giải được những gì?
Sẽ khó mà trả lời cụ thể câu hỏi này, nếu Phùng chưa từng ngập chìm trong tội lỗi, như tôi, mấy mươi năm qua. Chưa chạm mặt với cái chết rõ dần hình thù từng giây từng phút, như tôi, sáu năm trước (ngày ấy, gần 500 người, từ khắp nơi đổ về quận Cam để… tiễn đưa tôi, trong tương lai gần, và nơi… an nghỉ cuối cùng!) . Chưa bò như một con chó trên nền xi măng sũng nước vào phòng vệ sinh giữa đêm hôm khuya khoắt, như tôi, hai năm gần đây. Chưa đối diện với sự cô đơn cùng cực trong dày vò tự hối, với cảm tưởng mình là một thứ đồ vật phế thải. Và nhất là chưa từng sững người, sống lưng lạnh toát trước những tội lỗi cụ thể, bằng xương thịt, có khả năng làm lương tâm ta chấn động tận cùng căn rễ.

Thôi thì, Phùng hãy lên đường, hãy đi tiếp quãng đường tôi đã đi. Mỗi người một định mệnh. Mỗi người, trên từng quãng ngắn của dặm trường dẫn về chung cuộc, có những việc phải làm, những chọn lựa phải quyết định, và những đổi thay tự nguyện. Tôi đã làm nhiều việc muốn làm, đã chọn lựa nhiều việc cần chọn lựa, và giờ đây, tôi tự nguyện ném mình vào thử thách mới.
Tôi làm được gì cho chính bản thân? Và cho những hệ lụy? Tôi không rõ.
Chỉ cảm nhận, tâm tôi đang bình yên. Lòng tôi đang nhẹ.
Một lần nữa, tôi thành tâm chúc Phùng chân cứng, đá mềm.

PHÙNG NGUYỄN thực hiện

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button