NỖI ÁM ẢNH LỊCH SỬ
Hoàng Đình Hiếu,Trần Gia Phụng
Hoàng Đình Hiếu và Trần Gia Phụng
Bút ký
Vào đầu tháng 9-2001, chúng tôi, Hoàng Đình Hiếu và Trần Gia Phụng, cùng nhau đến thăm một người quen biết ở Dallas, Texas, vốn là sĩ quan trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975. Ông tên là Nguyễn Văn Trang, sinh năm 1933, cấp bậc cuối cùng là Trung tá Không quân. Ông đảm nhận chức vụ Phi đoàn trưởng Phi đoàn 215 từ năm 1967, đóng tại Nha Trang. Được biết chúng tôi là những người học về ngành sử, ông Trang kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện, mà theo ông, câu chuyện đó ám ảnh ông từ khi xảy ra cho đến nay. Sau đây là lời ông Nguyễn Văn Trang:
“Vào dịp Tết năm 1969 [Kỷ Dậu], vào ngày mồng 2 [tức 18-2-1969] thì phải, tại Nha Trang, tôi được lệnh đón tổng thống Nguyễn Văn Thiệu (nguyên là trung tướng và đắc cử tổng thống vào năm 1967), đi kinh lý trong ngày. Khi nhận được lệnh nầy, tôi hơi lo, và nghĩ rằng phái đoàn nầy phải gồm nhiều nhân vật quan trọng trong chính phủ trung ương. Trái với dự đoán của tôi, khi phi hành đoàn chúng tôi gồm 3 người lái máy bay từ Nha Trang vào phi trường Phan Rang khoảng hai giờ chiều, chỉ có ba vị khách lên tàu chúng tôi: đó là tổng thống Thiệu và hai người nữa mà tôi không biết tên cũng như chức vụ, nhưng chắc chắn không phải là tướng lãnh hay các tổng bộ trưởng trong chính phủ. Đặc biệt hơn, cả ba đều bận thường phục giản dị, không lễ phục, không cà vạt. Điều nầy có nghĩa là cuộc thăm viếng không chính thức, có tính cách cá nhân hoặc gia đình. Cả ba người im lặng lên máy bay. Trước khi máy may cất cánh, một anh đại uý đến đưa cho tôi bản đồ phi hành chấm rõ tọa độ địa điểm nơi máy bay sẽ đáp xuống. Chiếc trực thăng UH do tôi lái được một chiếc trực thăng khác hộ tống hướng về phía nam, khoảng 20 phút đến mũi Cà Ná. Từ Cà Ná, chúng tôi đổi hướng, đi về phía tây, tiến vào vùng rừng núi, khoảng chừng 10 phút bay, thì chúng tôi hạ cánh theo địa điểm đã định.
Đó là một vùng đất bằng, nằm trên một con đường mòn, bên cạnh một sườn núi thấp. Đây là một làng Chàm. Người Chàm trong làng đã được chuẩn bị sẵn sàng để đón chào tổng thống Việt Nam Cộng Hòa. Thanh niên nam nữ sắp thành hàng danh dự, các bô lão đến tận chân máy bay đón tiếp. Ba vị khách quý được đưa vào ngôi nhà làng rộng lớn hội họp, trang hoàng đẹp đẽ, ra vẻ là một ngày hội. Phi hành đoàn chúng tôi đứng ngoài nên không biết bên trong người ta bàn bạc những gì. Riêng tôi, tôi thả bộ đi dạo trong làng. Tôi có một nhận xét là đặc biệt trong làng hoàn toàn không có cây cối, tuy chung quanh làng cây cối um tùm. Tôi không hiểu vì sao người ta không trồng cây cho mát làng, khác với phong tục người Việt chúng ta. Tôi muốn hỏi người dân trong làng việc nầy nhưng e ngại người ta cười mình ít hiểu biết. Về sau, một vài người giải thích cho tôi rằng dân Chàm không trồng cây trong làng của họ vì sợ chim bay đến đậu trên cây làm quấy rầy thần linh của họ, nhất là họ sợ chim cú. Tôi không biết điều đó có đúng hay không.
Sau khoảng hơn một giờ nói chuyện, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lên máy bay trở về lại Phan Rang. Cũng im lặng như lúc đi, không một lời trao đổi. Chuyện một vị quốc trưởng đi kinh lý là chuyện bình thường, chẳng có gì đáng quan tâm, nhưng riêng trong việc nầy, tôi cứ thắc mắc không biết ông Thiệu bất ngờ âm thầm đến thăm làng Chàm có việc gì? Nếu ông đi công cán, ông phải bận đồ lớn. Đàng nầy ông không quân phục, cũng không lễ phục. Và đi phải có nhiều người, nhất là các bộ trưởng liên hệ như Bộ trưởng Bộ Sắc tộc, hoặc Quốc vụ khanh Xã hội, hoặc ít ra có thư ký đi theo để ghi chép… Đàng nầy không có ai cả. Tôi nghe dư luận đồn đãi rằng ông Thiệu, xuất thân một gia đình ở Phan Rang, hình như ông là hậu duệ của người Chàm. Tôi khẳng định một điều là tôi chưa bao giờ đọc một tài liệu cụ thể nào nói rằng ông Thiệu gốc Chàm. Tôi phải xác định như vậy là vì khi nói một điều gì, chúng ta phải có bằng chứng xác thực, chứ không thể nói bậy bạ được. Cho đến nay, ai cũng cho rằng ông Thiệu là người Việt. Tuy nhiên không ai cấm tôi có những câu hỏi trong việc nầy. Ông Thiệu là người Phan Rang, tôi không biết ông có liên hệ gì với người Chàm mà đến thăm âm thầm như thế? Phải chăng ông sợ người ta phát hiện mối liên hệ thân tộc với người Chàm mà ông âm thầm đi thăm làng Chàm vào ngày mồng Hai Tết năm đó? Điều nầy ám ảnh tôi vì hai lẽ:
Thứ nhất, người ta nói rằng người Việt “tiêu diệt” người Chàm, nên người Việt bị quả báo, người Chàm kiếm cách trả thù người Việt.
Thứ nhì, nếu ông Thiệu là người Chàm thì cuộc chiến sẽ đi về đâu? Tôi là một quân nhân trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Tôi thao thức về tương lai cuộc chiến. Tôi mong muốn chúng ta chiến thắng, nhưng nếu ông Thiệu là người Chàm, chỉ huy chúng ta, liệu chúng ta có chiến thắng được không?
Đây là một thắc mắc đã ám ảnh tôi bấy lâu nay. Sau biến cố năm 1975, tôi lại càng bị ám ảnh hơn nữa, vì phải thẳng thắn xác nhận ông Thiệu, với tư cách là tổng thống và tổng tư lệnh quân đội, có thể phải chịu trách nhiệm một phần trong sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa, chứ đừng đổ lỗi hết cho người Mỹ.
Tôi cũng nói thật với các anh, nhất với anh Hiếu đây là người cùng quê Quảng Bình, biết rõ về “Quê hương Bọ Mạ” [Quảng Bình] chúng tôi. Tôi bị ám ảnh về vấn đề Chàm từ lúc tôi còn nhỏ. Câu chuyện như thế nầy: làng sinh quán của tôi là làng An Định, huyện Lê Thủy, tỉnh Quảng Bình. Làng tôi có một “lòi Dàng”. Tiếng địa phương, “lòi” là một cụm rừng nhỏ hay một lùm cây riêng biệt. “Lòi Dàng” là cụm rừng nhỏ của làng tôi trong đó có một cái miễu thờ bà Chúa Chàm. Tôi không biết đó là bà Chúa gì? Theo tục lệ của làng tôi, cứ sáu năm một lần, người ta làm lễ lớn mừng bà Chúa trong ba ngày ba đêm. Trong dịp nầy, người ta thuê “nhà trò” [đoàn hát] đến trình diễn ca múa hát giúp vui cho bà Chúa. Khi đi thuê, ban tổ chức làng tôi phải giấu, không nói gì trước với “nhà trò”. Sở dĩ phải giấu vì sau ba ngày ba đêm cúng bái và ca múa hát, cô gái đẹp nhất của “nhà trò” được chọn để dâng rượu lên bà Chúa. Sau khi dâng rượu, cô gái nầy thường hóa khùng, ăn nói nhảm nhí, nhất là nói chuyện tục tĩu. Tôi không biết là khi về xứ, cô nầy có bình thường trở lại hay không? Tôi đã từng tận mắt chứng kiến điều nầy ít nhất một lần khi còn trẻ ở quê tôi, và cũng được nghe những người lớn tuổi trong gia đình kể lại nhiều lần những sự kiện tương tự trong các lần cúng bà Dàng trước kia.
Một việc cuối cùng tôi xin nói thêm: Tôi qua đây trong ngày cuối cùng tháng Tư đen năm 1975. Tuy thuộc binh chủng không quân, nhưng trong những giờ phút cuối cùng, phi trường bị pháo kích, tàu bè khó khăn, nên tôi chỉ đi một mình. Vợ tôi và các con phải ở lại, rồi dần dần vượt biên qua tới bến bờ tự do. Trong những năm nầy, tôi theo dõi rất kỹ các chuyện vượt biên. Tôi nghe người ta kể rằng trong số hải tặc Thái Lan, có rất nhiều người Chàm. Phải chăng họ muốn trả thù chúng ta, các ông là những người học sử, các ông nghĩ sao? “ [Ông Nguyễn Văn Trang đã xem lại và đồng ý về đoạn tường thuật những lời ông kể trên đây.]
Sau câu chuyện ông Trang kể có ghi âm lại với sự đồng ý của ông Trang, chúng tôi thảo luận trao đổi với nhau rất cởi mở và vui vẻ. Cá nhân tôi, tôi đem những điều tôi đã viết trong bài “Chiêm Thành, vì đâu suy thoái?”, đăng trong Những câu chuyện Việt sử tập 2, ấn hành tại Toronto năm 1999, để trình bày với ông Trang rằng không có chuyện người Việt tiêu diệt người Chàm, mà người Việt chỉ cộng sinh với người Chàm trên vùng đất người Chàm mà thôi. Lúc đó, dân số Chàm ít, đất đai lại rộng. Họ ít sống về nghề nông, mà chủ yếu về nghề rừng, và nghề biển, kể cả cướp biển. Trong khi đó, dân số Việt gia tăng nhanh chóng, cần kiếm thêm đất canh tác cho đủ lương thực. Người Việt lại sống chính bằng nghề nông, nên người Việt tiến xuống canh tác trên đất Chàm, cùng sống với người Chàm, và dần dần thu hút người Chàm về phía người Việt. Người Việt chủ trương chung sống với người khác và để người khác sống chung với mình, nhưng vì muốn bảo vệ sự thuần chủng và bảo vệ sắc thái văn hóa riêng, người Chàm không chung sống với người Việt. Người Việt đi đến đâu thì người Chàm rút lui đến đó. Dĩ nhiên có những tranh chấp, những cuộc chiến tranh xảy ra, nhưng không phải là chiến tranh diệt chủng, mà để tự vệ. Cuối cùng người Chàm thu hẹp dần, chỉ còn một số ít sống rải rác vùng tỉnh Bình Thuận và vài tỉnh phía Nam ngày nay.
Cho đến ngày nay, chúng ta thử xem có người Chàm nào chịu sống lẫn lộn với người Việt ở các thành phố đâu? Họ đến các thị trấn buôn bán, hay làm công, rồi họ về sống riêng trong làng của họ mà thôi. Trong lịch sử nước ta, không có một dấu vết nào chứng tỏ người Việt diệt chủng đối với người Chàm, mà lại từng có sắc chỉ của nhà vua trừng phạt những người Việt nào đối xử bất công với người Chàm.
Về việc những lời đồn đãi ông Nguyễn Văn Thiệu là người Chàm, chúng tôi đồng ý với nhau rằng dư luận nầy cho đến nay, hoàn toàn vô căn cứ, nên không thể có chuyện ông Thiệu là hiện thân của người Chàm để trả thù người Việt.
Tại Quảng Bình, có thành phố Đồng Hới. Nhiều người Quảng Bình lớn tuổi cho rằng chữ “Đồng Hới” do chữ “đồng Hời” mà ra. “Đồng Hời” là cánh đồng của người Hời. Người Hời tức là người Chàm. Ai cũng biết rằng Quảng Bình, nằm ở phía nam Hoành Sơn, là địa đầu của nước Chiêm Thành xưa kia. Tuy nhiên, ở Quảng Bình không có nhiều di tích Chàm như từ Quảng Nam trở vào. Do đó, câu chuyện bà Chúa Dàng ở tỉnh Quảng Bình mà ông Trang kể đối với chúng tôi là một chứng cứ thú vị. Theo chúng tôi nghĩ, bà Chúa Dàng nầy chính là Thánh mẫu Thiên Y A Na. Ngài nguyên là nữ thần Pô Yang Inô Nagar, gọi tắt là Pô Nagar. Người Chàm tin rằng Ngài là Mẹ Đất Nước, là người đã sáng tạo ra đất đai, cây cối và dạy dân chúng trồng trọt để sinh sống. Chuyện bà Chúa Dàng ở Quảng Bình mà ông Trang kể lại là một chứng cứ cụ thể cho thấy việc thờ cúng Đức Thiên Y A Na trải dài theo vết tích của người Chàm từ Quảng Bình vào đến Nha Trang, và Bình Thuận. (Đức Thiên Y A Na được thờ tại Điện Hòn Chén Huế, tại Núi Chúa Quảng Nam, tại Tháp Bà Nha Trang…) Một câu hỏi được đặt ra, sự hiện diện của Thánh mẫu Thiên Y A Na ở Quảng Bình phải chăng là nguồn ảnh hưởng đến sự xuất hiện của Thánh mẫu Liễu Hạnh ơ Thanh Hóa vào thế kỷ 16? Thanh Hóa và Quảng Bình là hai tỉnh gần nhau, chỉ cách tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Tuy vậy, rất nhiều người Quảng Bình gốc từ Thanh Hóa di cư vào Quảng Bình, nên tương quan ảnh hưởng văn hóa qua lại hai chiều giữa hai tỉnh có thể xảy ra. Tại Huế, người ta thờ cả hai vị Thánh mẫu Thiên Y A Na và Liễu Hạnh ở điện Hòn Chén (Ngọc Trản), phía hữu ngạn sông Hương.
Chuyện hải tặc Thái Lan, trong đó có một số người Chàm là chuyện có thể xảy ra. Thời trước, người Chàm rất phát triển về ngoại thương, trao đổi buôn bán bằng đường biển với các nước Đông Nam Á, xuống tới Indonesia, và người Chàm cũng nổi tiếng về ngành cướp biển. Cướp biển Chàm từng là một nỗi lo sợ lớn lao cho những thương thuyền buôn bán dọc theo biển Đông và Đông Nam Á. Nói chung, người Chàm giỏi về những nghề đường biển. Sau trận đánh năm 1471, khi Lê Thánh Tông chiến thắng Chiêm Thành, chiếm thành Đồ Bàn, lấy đất cho đến vùng Hoài Nhơn, sát nhập vào vùng đất phía nam đèo Hải Vân và lập ra đạo Quảng Nam, là đạo thứ 13 trong tổ chức hành chánh của Ngài. Lúc đó, nhiều người Chàm, nhất là giới quý tộc và võ tướng, đã bỏ nước xuống vùng Mã Lai, Thái Lan sinh sống. Cũng như sau biến cố 1975, nhiều người Chàm bỏ nước Việt ra đi, đã tập trung ở miền nam Mã Lai. Một số người Chàm sống về nghề biển, gặp những khó khăn kinh tế, có thể có một thiểu số tham gia hải tặc để mưu sinh, gặp ai cướp nấy, chứ không phải họ có mối thù truyền thống gì với người Việt Nam. Cần chú ý đây chỉ là một thiểu số người Chàm trong hoàn cảnh khó khăn đã tham gia hoạt động phi pháp mà thôi. Dân tộc nào hay người nước nào cũng có kẻ tốt người xấu.
Buổi gặp gỡ nói chuyện và trao đổi giữa ông Nguyễn Văn Trang với hai chúng tôi trong vòng hơn hai tiếng đồng hồ khá vui vẻ và giúp mỗi người trong chúng tôi mở rộng kiến thức để bổ túc thêm cho nhau những điều chúng tôi đã học hỏi trong sách vở. Ông Trang kết luận biết đâu do những chuyện ông kể, những người nghiên cứu sử có thể từ đó lần tìm ra một vài chi tiết mới về những nhân vật liên hệ trong câu chuyện của ông? Chúng tôi cũng hy vọng thế.
Ghi chú thêm: Sau khi viết xong bài nầy, chúng tôi chuyển đến ông Trang đọc lại và dự định đăng báo ngay, thì ông Nguyễn Văn Thiệu, nguyên tổng thống Việt Nam Cộng Hòa từ 1967 đến 1975, người được nhắc đến trong câu chuyện ông Trang kể, từ trần vào ngày 4-10-2001. Để tránh mọi hiểu lầm, chúng tôi hoãn lại một thời gian mới ra mắt bài bút ký ngắn nầy.
Hoàng Đình Hiếu và Trần Gia Phụng