Những Thử Thách Của Tuổi Trẻ Việt Nam Hải Ngoại

Trần Trung Ðạo

* Thuyết trình tại Hội Thảo “Hướng Ði Nào Cho Dân Tộc Việt Nam?”
do Trung Tâm Dân Chủ cho Việt Nam tại Montréal
tổ chức ngày 22 tháng 6 năm 2002

Trong suốt quá trình 27 năm dài đấu tranh vì tự do dân chủ của dân tộc Việt Nam, phần lớn các lực lượng, các tổ chức, đoàn thể và các nhà hoạt động nhân quyền dân chủ hải ngoại, dù không phân định một cách chính thức hay công bố một cách công khai, đều chia xẻ nhau một quan niệm chung, rằng các lực lượng đấu tranh tại hải ngoại chỉ có thể và chỉ nên đóng vai trò xúc tác, vai trò một lực lượng yểm trợ từ xa. Trong lúc đó, các lực lượng trong nước mới thật sự là lực lượng chủ động, chính yếu, giữ vai trò tiên phong trong công cuộc giải thể chế độ Cộng Sản và xây dựng một nước Việt Nam độc lập, dân chủ, thịnh vượng, có đầy đủ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Quan niệm trong nước đóng vai trò chủ động hay nói một cách khác, thái độ “chờ đợi và nhường nhịn” nầy phát xuất từ hai lý do chính: Thứ nhất, tôn trọng quyền tự quyết của người dân trong nước và thứ hai, các lực lượng, đảng phái, tổ chức, đoàn thể đấu tranh đặt cơ sở từ nước ngoài chưa đủ mạnh.

Dù với quan điểm nào và lý do gì, hai mươi bảy năm sau, số phận Việt Nam vẫn còn đang chới với giữa lòng vực thẳm. Chưa bao giờ trong lịch sử, dân tộc chúng ta lại phải cùng lúc đương đầu với hai kẻ thù nguy hiểm: một tập đoàn nội thù tham nhũng, thối nát và phản quốc đang cầm quyền và một cường quốc ngoại xâm đang chiếm đóng những phần lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc.

Về mặt xã hội, sau 27 năm, theo thông báo chính thức của cơ quan UNICEF, đất nước Việt Nam thời đại mà đảng Cộng Sản Việt Nam gọi là “thời đại Hồ Chí Minh” có 120,000.00 gái bán dâm. Gần một nửa trong số đó là những cô gái vị thành niên, với hàng ngàn em dưới 15 tuổi. Những người con gái bất hạnh đó xuất phát từ các gia đình nghèo khó, phải đấu tranh để tồn tại trong một xã hội không dành cho họ một chỗ đứng, một cơ hội sinh tồn nào khác. Cơ quan y tế Liên Hiệp Quốc lo ngại không bao lâu nữa Việt Nam sẽ trở thành một Bankok thứ hai. Theo tài liệu nghiên cứu của Giáo Sư Donna M. Hughes, thuộc trường Ðại Học Rhode Island và là nhà biện hộ quốc tế chống nô lệ tình dục trẻ em, hầu hết 55,000.00 gái điếm đang hành nghề tại Phnom Penh đã đến từ Việt Nam, một phần ba trong số đó dưới 18 tuổi. Và khách hàng mua dâm là ai ? Theo bản phân tích của hảng tin Ðức Deutsche Press -Agenture và cũng theo Giáo Sư Donna M. Hughes, hai phần ba khách mua dâm là cán bộ đảng viên và công nhân viên nhà nước từ hạng trung đến cao cấp. Họ là những kẻ, ban ngày làm giàu trên máu xương của đồng bào, và ban đêm đi tìm lạc thú trên da thịt rả đau, trong nước mắt tủi hờn của những người phụ nữ Việt Nam chân yếu tay mềm, và tàn nhẫn hơn nữa, trên thân xác của đứa trẻ thơ bằng tuổi con cháu họ.

Trong lãnh vực quân sự quốc phòng, nhà cầm quyền CSN hoàn toàn không có khả năng bảo vệ đất nước. So với cuộc chạy đua vũ trang để hiện đại hóa quốc phòng sôi nỗi hiện nay tại các quốc gia Á Châu, Việt Nam về mặt tỉ lệ, coi như đã trở về với thời tầm vông vót nhọn xa xưa. Các cao điểm Lạng Sơn, Ðồng Ðăng không phải chỉ lọt vào tay Trung Cộng theo hiệp định biên giới ngày 25 tháng 12 năm 2000 mà đã mất từ 1984. Một tài liệu quân sự do trung tâm Internet Quốc Phòng Trung Quốc (Chinadefence.com – The premier Web resources on the Chinese military) công bố vào đầu năm 2002, ghi lại lời kể của một sĩ quan chỉ huy trung đoàn Pháo Binh Trung Cộng, về những trận đánh mà họ gọi là cuộc chiến Việt Trung lần thứ 2 vào năm 1984, trong đó, Việt Nam đã chịu đựng những thất bại nặng nề và nhục nhả. Cao điểm Lạng Sơn đã rơi vào tay Trung Cộng vào ngày 1 tháng 7 năm 1984.

Về mặt kinh tế, người dân Việt Nam chưa bao giờ phải sống trên một đất nước nghèo nàn về kinh tế so với các nước lân cận trong vùng như hiện nay. Nhật Bản chỉ cần vỏn vẹn 7 năm sau thế chiến thứ 2 để phục hồi toàn bộ chủ quyền, và 15 năm sau được xem như một cường quốc kinh tế thế giới. Ðại Hàn chỉ cần 8 năm sau khi chiến tranh Quốc Cộng chấm dứt vào 1953 để bắt đầu kế hoạch phát triễn kinh tế diệu kỳ mở đường cho việc trở thành một con rồng Châu Á. Singapore chỉ cần 10 năm sau khi tách rời khỏi Liên Bang Mã Lai vào 1965 để trở thành cảng trung chuyễn và trung tâm tài chánh lớn của Á Châu ngày nay với lợi tức bình quân đầu người năm 2000 là 27,700.00 Mỹ kim. Xin đừng đổ thừa vì họ đã phát triển nhờ Ðô-la Mỹ. Ðồng Ðô-la không phải là chiếc đủa thần để có thể biến Nhật Bản, Ðại Hàn, Singapore trở nên những cường quốc nếu những nhà lãnh đạo Nhật Bản, Ðại Hàn, Singapore không đủ khôn ngoan, không biết nỗ lực, không biết vươn lên, không biết vận dụng lấy cơ hội, không biết nhìn xa vì tương lai của con cháu họ.

Trách nhiệm cứu nước, nhất là với một đất nước có đến 65 phần trăm dân số dưới 30 tuổi, sẽ thuộc về ai ? Không cần phải suy nghĩ, chắc chắn chúng ta đều đồng ý là tuổi trẻ. Ðơn giản bởi vì tuổi trẻ là tương lai và là biểu tượng cho sức mạnh của dân tộc. Khi nói về tuổi trẻ, chúng ta thường nói đến tuổi của khai phóng và sáng tạo. Tuy nhiên, sau 27 năm, tinh thần Trần Quốc Toản, Ðinh Bộ Lĩnh trong tuổi trẻ tại Việt Nam đã không hay đã chưa xuất hiện. Một Lê Chí Quang bất khuất, một Phạm Hồng Sơn anh hùng, một Nguyễn Vũ Bình can đảm là những ngọn đuốc sáng, là những thanh niên Việt Nam xứng đáng cho chúng ta nghiêng mình kính trọng. Tuy nhiên, một vài ngọn đuốc không đủ soi sáng một khu rừng già gần ba mươi năm chìm trong tăm tối, một vài tiếng nói không thể át đi được tiếng gầm của bầy thú dữ. Thế còn bao nhiêu triệu thanh niên Việt Nam khác đã và đang đi về đâu ?

Ðể đi tìm tuổi trẻ trong nước, chúng tôi xin trích dẫn 2 quan điểm, từ một người cầm bút và từ một thanh niên. Nhà văn Dương Thu Hương nhận định như sau đây về tuổi trẻ trong nước “tuổi trẻ không còn lý tưởng, họ đang lao vào cuộc sống thác loạn và xem đó như là cách trả thù cho những thế hệ cha ông đã lừa gạt họ.” Tuổi trẻ mà nhà văn Dương Thu Hương muốn nói đây là tuổi trẻ miền Bắc, thế hệ đã bị đảng nhử bằng chiếc bánh vẻ độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất để rồi bị đẩy vào vũng lầy chiến tranh, nghèo đói, tham nhũng, thối nát.

Ðối với tuổi trẻ sinh ra và lớn lên ở miền Nam, nhà báo quen thuộc về các vấn đề Việt Nam, ông Andrew Lam của tờ San Jose Mercury trích lời của một thanh niên tên là Tuấn tuyên bố với ông ta, trong thời gian ông đến Việt Nam làm phóng sự “Chúng tôi bị lừa gạt. Trước đây, tôi biết chủ nghĩa Cộng Sản là sai khi tôi phải học thuộc lòng lý thuyết Mác nhưng không biết tại sao mình phải học. Khi Việt Nam mở cửa, tôi có được dịp xem ti-vi, đọc báo và qua đó tôi ý thức rằng những quốc gia khác giàu có biết bao nhiêu, phim ảnh của họ làm đẹp biết bao nhiêu, con người họ cũng đẹp đẻ biết bao nhiêu. Nhìn lại Việt Nam, tôi cảm thấy buồn. Ðừng nói chi là Mỹ, ngay cả Thái Lan, Ðại Hàn, Mã Lai cũng hơn Việt Nam quá xa. Việt Nam không có gì để nói, để khoe khoang và giới thiệu. Việt Nam chỉ là một quốc gia bị lãng quên trong nghèo đói.” Từ hai nhận xét trên, chúng ta thấy rằng tuổi trẻ Việt Nam, dù nam hay bắc, đều bất mản chế độ. Tuy nhiên, dù bất mản, tuổi trẻ Việt Nam trong nước, từ Bắc đến Nam, đã có những thái độ và phản ứng tiêu cực trước những áp bức chính trị và những bất công xã hội. Thay vì đứng lên đạp đổ chính quyền Cộng Sản, thay vì biểu tình xuống đường chống đối, họ đã sống trong lãng quên bằng những cuộc đua xe gắn máy bạt mạng, bằng cuộc sống buông thả, sa đọa, trụy lạc. Cho đến nay, sau 27 năm, ngoài trừ vài phong trào nhỏ, tuổi trẻ trong nước đã không hay ít nhất chưa cho chúng ta thấy họ sẽ là lực lượng chủ động trong nỗ lực đưa dân tộc Việt Nam thoát ra khỏi xích xiềng Cộng Sản, đưa dân tộc Việt Nam ra khỏi nghèo nàn lạc hậu.

Nhiều lý do đã làm tiêu tan năng lực tuổi trẻ Việt Nam trong nước, tuy nhiên, lý do hàng đầu vẫn là chính sách giáo dục rập khuông theo phương pháp Thực Dân đã từng dùng để ru ngủ các thế hệ trẻ Việt Nam trong thời Pháp thuộc. Cộng Sản ngày nay, tương tự, đã cỗ vỏ các đam mê cá nhân ích kỷ, trụy lạc, sa đọa, những tư tưởng vong thân, xa dần lịch sử văn hóa dân tộc. Nhiều thanh niên nam nữ Việt Nam ngày nay thuộc lòng tên tuổi của từng cầu thủ bóng đá tận các quốc gia Senegal, Tunisia xa lạ nhưng hoàn toàn không có một phản ứng gì khi nghe thứ trưởng Ngoại Giao Lê Công Phụng tuyên bố công khai trên báo chí ngày 28 tháng 1 năm 2002: “Chúng ta công nhận ải Nam Quan là của Trung Quốc.” Chính sách “trồng người” của đảng quả thật đã tác hại vô cùng trầm trọng đến sức đề kháng của tuổi trẻ Việt Nam. Chính sách giáo dục Cộng Sản là một loại vi trùng tư tưởng cực độc có khả năng lấn át cả ý thức dân tộc và truyền thống yêu nước đã được hun đúc từ trên bốn ngàn năm trong mỗi con người Việt Nam. Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ đã vạch ra: “Ðạo lý phải là sự phát triển tự do của những nền tín ngưỡng lâu đời dung hòa với nếp sống văn minh hiện đại. Giáo dục không thể chìm đắm như hiện nay trong mục tiêu duy ngã vụ lợi và chủ nghĩa kim tiền, biểu thị cho ý thức hệ chà đạp nhân phẩm.”

Lịch sử 70 năm của đảng Cộng Sản Việt Nam là một chuổi những lợi dụng một cách bất nhân lòng yêu nước truyền thống của nhân dân Việt Nam, đặc biệt là của các thế hệ trẻ Việt Nam. Một em bé Lê Văn Tám, một em bé Kim Ðồng mới chừng mười tuổi, tự mình tắm rửa chưa sạch, tên của mình viết chưa chắc đã đúng đừng nói chi là ý thức hệ mà Cộng Sản khoe khoang là “ưu việt”, là “đính cao trí tuệ”, là “chân lý của loài người”. Thế nhưng giới lãnh đạo Cộng Sản đã chỉ thị cho các cấp đảng, cấp đoàn học tập về tính giai cấp trong sự hy sinh của Lê Văn Tám, của Kim Ðồng. Tâm hồn như bướm trắng của các em làm gì có đảng để mà học, làm gì có đoàn để mà noi gương. Trong tâm hồn của các em là bóng đa già, là con diều biếc, là cha mẹ, là thầy cô, là những hàng tre, là những con bướm vàng thơ mộng. Tiếc thay, những người lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam đã biến những con bướm trắng Việt Nam thành sâu bọ. Bộ máy tuyên truyền của đảng đã sơn màu máu đỏ hận thù giai cấp lên tâm hồn yêu nước thiêng liêng trong sáng của Kim Ðồng, của Lê Văn Tám và hàng vạn người Việt Nam khác. Giới lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam đã lợi dụng xương máu của hàng vạn đồng bào để biến mơ ước tươi đẹp của những người đã chết thành cơn ác mộng hải hùng phủ trùm lên cả dân tộc. Họ đã biến giải non sông đầy tình đồng bào ruột thịt thành một thể chế chính trị lấy độc tài thay cho hiến pháp, lấy hận thù thay cho tình nghĩa đồng bào, lấy đấu tranh tiêu diệt lẫn nhau làm thước đo của mức độ phát triển xã hội. Những người lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam đối xử với đồng bào họ còn tệ hơn các dân tộc văn minh đối xử với thú vật. Nếu định nghĩa giáo dục là những gì còn lại sau khi quên hết, thì cái còn lại trong các em là những bài học tuyên truyền rẻ tiền và láo khoét đến độ buồn cười. Nhà thơ Việt Phương, nguyên bí thư riêng của Thủ Tướng Cộng Sản Phạm Văn Ðồng một ngày đã bừng tỉnh mắt trong bài thơ Cuộc Ðời Như Vợ Của Ta Ơi:

“..Ta cứ nghĩ là đồng chí rồi không còn ai xấu nữa Trong hàng ngũ ta chỉ dành cho chỗ yêu thương Ðã chọn con đường đi Chẳng ai dừng ở giữa Mạc Tư Khoa còn hơn cả thiên đường Ta nhất quyết đồng hồ Liên Sô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ Hình như đây là ý chí, niềm tin, tự hào Mường tượng rằng trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ Sự ngây thơ đẹp tuyệt vời nhưng ngờ nghệch làm sao …”

Các thế hệ trẻ tại hải ngoại về đâu ? Nếu chỉ dùng Hoa Kỳ làm ví dụ, theo công bố của tổng cục thống kê công bố năm 2000, dân số người Việt định cư tại Hoa Kỳ là 1,156,000 người. Trong số đó 60 phần trăm dân số dưới 30 tuổi. Theo quan niệm Việt Nam, thế hệ dưới 30 tuổi được xem là thế hệ trẻ. Và cũng dựa theo thống kê này, chúng tôi phân chia tuổi trẻ hải ngoại thành 2 thế hệ, căn cứ vào tuổi tác và môi trường mà họ đã trưởng thành. Thế hệ thứ nhất gồm những em đã được sinh ra và lớn lên ngay trong giai đoạn cực kỳ khó khăn của lịch sử dân tộc. Các em là những người đã chào đời khi tiếng xích T54 của đoàn quân Cộng Sản đang nghiền nát đường phố Sài Gòn, là những người ra đời trên những chiến hạm đang lênh đênh trên biển cả, ra đời trong các trại tỵ nạn, ra đời khi cha mẹ đang trong những ngày tháng đầu tiên bơ vơ lạc lỏng nơi xứ lạ quê người. Những em đó, những người thuộc vào thế hệ mà chúng tôi tạm gọi là thế hệ 75. Theo mọi tiêu chuẩn xã hội, các em đã vào tuổi trưởng thành. Một thế hệ khác gồm những em ra đời khoảng năm bảy năm trước ngày quê hương rơi vào tay Cộng Sản. Các em đã có một thời gian khá dài sống trong nước, đã có cơ hội chứng kiến những đổi thay đau đớn của sinh mệnh dân tộc. Các em đã từng là những đứa bé một thời lang thang trên hè phố Sài Gòn Ðà Nẵng, đã từng chịu đựng đói khát trên vùng Kinh Tế Mới, từng đứng khóc tiễn cha, tiễn mẹ lên đường đi vào những trại tập trung xa xôi. Thế hệ của các em cũng là thế hệ của những thuyền nhân tí hon đã thả trôi tương lai của mình theo sóng nước biển Ðông, sống lây lất trong các trại tỵ nạn khắp vùng Ðông Nam Á. Một số không ít các em sinh ra và lớn lên từ miền Bắc, đã may mắn được theo cha mẹ hay thân nhân vượt biển qua ngã Hongkong hay vượt biên giới qua đường Trung Quốc để sang nước ngoài. Dù sinh ra và lớn lên ở đâu. Trong tận cùng của nỗi đau đất nước vẫn tiềm ẩn một niềm hy vọng vào sự trường tồn của lịch sử. Các thế hệ cha chú sẽ ra đi theo định luật Sinh Trụ Dị Diệt của kiếp người, nhưng các thế hệ Việt Nam khác sẽ lớn lên và trách nhiệm lịch sử lại được tiếp tục kế thừa. Môt em bé Việt Nam dù sinh ra trên nước Mỹ, Canada, Úc, Ðức, Pháp hay bất cứ một nơi nào khác vẫn mang trọn vẹn một tâm hồn Việt Nam.

Một bằng chứng hùng hồn cho chúng ta thấy, sau 27 năm lưu lạc trên xứ người, các thế hệ trẻ Việt Nam đã trưởng thành về mọi mặt, từ chính trị đến xã hội, từ khoa học kỹ thuật đến khoa học nhân văn. Ngày nay, hàng trăm tổ chức trẻ sinh hoạt mạnh mẻ, hữu hiệu và tạo nhiều ảnh hưởng quan trọng vào đời sống kinh tế chính trị của các quốc gia mà họ định cư hay sinh trưởng. Trong mỗi tỉnh, mỗi tiểu bang, mỗi thành phố đều có hàng chục nhóm trẻ hăng say hoạt động trong mọi lãnh vực. Vai trò của các bạn trẻ trong sinh hoạt cộng đồng không còn là vai trò của những bình hoa, chậu kiểng như những năm trước, trái lại đã đóng vai lãnh đạo thật sự trong phạm vi tiểu bang và cả cấp liên bang. Ngày nay chúng ta có nhiều tập thể lãnh đạo Cộng Ðồng, như Cộng Ðồng Việt Nam tại Minnesota chẳng hạn, còn rất trẻ và đầy tài năng. Chúng ta có những tổ chức trẻ hoạt động trên Internet đang ngày đêm chuyễn tin tức về quốc nội và bắt nhịp cầu với tuổi trẻ trong nước. Chúng ta có những nhóm chuyên viên điện toán hoạt động trong âm thầm, kín đáo nhưng vô cùng hữu hiệu trên hàng trăm websites đã làm nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam mất ăn mất ngủ. Chúng ta có mạng lưới Tuổi Trẻ Lên Ðường với thành viên khắp thế giới, đóng vai trò xúc tác quan trọng trong các hoạt động trẻ tại hải ngoại. Chúng ta có Tổng Ðoàn Thanh Thiếu Niên Ða Hiệu, con cháu của các cựu sĩ quan Võ Bị, với nhiều chục đoàn Thanh Thiếu Niên Ða Hiệu sinh hoạt hăng say tại các địa phương và tại nhiều quốc gia. Chúng ta có hàng trăm Hội Sinh Viên Việt Nam tích cực hoạt động trong các trường đại học. Chúng ta có Trại Về Nguồn đã duy trì suốt 13 năm qua và góp phần đào tạo nhiều ngàn thanh niên có tinh thần dân tộc và nhân chủ. Chúng ta có Hội Chuyên Gia Việt Nam với nhiều chục phân hội, quy tụ những chuyên gia trẻ ưu tú có tinh thần quốc gia và khoa học. Chúng ta có Hội Văn Hóa Khoa Học Việt Nam với hàng trăm hội viên tài giỏi phát triển mạnh vùng Tây Nam Hoa Kỳ. Chúng ta có tổ chức thanh niên Hoa Lư tận tụy với các mục tiêu văn hóa xã hội. Chúng ta có hệ thống Gia Ðình Phật Tử, Thanh Niên Công Giáo khắp năm châu, nhiệt tình trong các lãnh vực tinh thần tôn giáo, xã hội, từ thiện. Nói chung, môi trường tự do, dân chủ và các phương tiện giáo dục hiện đại đã giúp cho tuổi trẻ Việt Nam hải ngoại có cơ hội đâm chồi nẩy lộc và có những ưu điểm nỗi bật vượt qua những người trẻ cùng thế hệ hiện còn trong nước. Tuổi trẻ hải ngoại đấu tranh vì dân chủ bằng một tấm lòng trong sáng, bao dung, không vướng bận bởi những ưu tư bức xúc cá nhân, không bị ám ảnh hay mặc cảm bởi quá khứ. Tuổi trẻ Việt Nam hải ngoại hiểu dân chủ và đấu tranh vì dân chủ trong một phạm trù rộng lớn và có tính cách thời đại hơn so với các thế hệ khác. Dân chủ, với tuổi trẻ hải ngoại, là một xu hướng tất yếu của phát triển văn hóa, văn minh không phải chỉ riêng cho dân tộc Việt Nam mà còn của loài người. Tuổi trẻ hải ngoại học và xử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại, các phương pháp quản trị và tổ chức hiện đại cần thiết cho một xã hội Việt Nam mới trong tương lai. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa tuổi trẻ hải ngoại không đối diện với những thách thức và những khó khăn riêng.

Trước hết, tuổi trẻ hải ngoại cần liên kết trong chính họ. Trước khi có hàng trăm tổ chức trẻ đang hoạt động như ngày nay, đã có nhiều trăm tổ chức trẻ khác đã phải chết non. Lý do tan rã của nhiều nhóm trẻ phát xuất từ việc thiếu nhân sự, thiếu phương tiện, lạc mất hướng đi, bị phân hóa bởi các hiện tượng tiêu cực trong cộng đồng, không có đối tượng hoạt động, các chương trình ngắn hạn đã không còn khả năng thu hút nhưng không xác định được mục tiêu lâu dài, cảm thấy cô đơn, lạc lỏng và thiếu tự tin trong việc chọn lựa một hướng đi đích thực. Ðể vượt qua những chướng ngại đó, để duy trì và phát triển các sinh hoạt trẻ, các tổ chức trẻ, các nhóm trẻ hiện nay phải tìm mọi cách để liên kết với nhau, phải vượt lên trên được những tình trạng tiêu cực trong sinh hoạt cộng đồng, đưa sinh hoạt ra khỏi địa phương mình cư ngụ, bổ túc cũng như san sẻ các kiến thức, kỹ thuật, phương tiện và ngay cả mục đích với các tổ chức trẻ khác. Sự liên kết trong các nhóm trẻ không nhất thiết phải, không cần và cũng không nên, thống nhất cả về mặt tổ chức, lãnh đạo nhưng quan trọng hơn là liên kết bằng cách cùng cộng tác nhau trong các đề án đem lại lợi ích chung cho cộng đồng, cho an sinh xã hội, cho công cuộc đấu tranh vì tự do dân chủ của đất mẹ Việt Nam. Các đề án giáo dục, nhân quyền, xã hội, văn hóa Việt Nam v.v. là những đề án lớn, những môi trường học tập quan trọng nhưng hoàn toàn khả thi đối với các tổ chức trẻ. Không nên nghĩ chỉ có đấu tranh chính trị mới thực sự đóng góp vào tiến trình vận động dân chủ tại Việt Nam, trái lại, văn hóa, xã hội, giáo dục cũng là những môi trường quan trọng cho các ý thức dân sinh, dân trí, dân chủ được đâm chồi nẩy lộc. Tương tự, không nên cho rằng chỉ có các đề án quy mô mới tạo nên hiệu quả lâu dài, trái lại, một đề án tạo hiệu quả rộng lớn và lâu dài nếu đề án đó đáp ứng không chỉ các nhu cầu trước mắt mà còn có thể ứng dụng được cho cả tương lai. Một thí dụ, mạng lưới Internet mà chúng ta thường gọi là Viet Net, nơi đã có hàng trăm ngàn người Việt Nam trong và ngoài nước đang xử dụng ngày nay, thật ra cũng bắt đầu từ một đề án của vài bạn trẻ trong một số trường đại học tại Boston, UCI, Florida, MIT vào tháng 8 năm 1988. Tuổi trẻ hải ngoại nên tận dụng các phương tiện của Internet và các ưu thế kỹ thuật. Sự xuất hiện của Màng Nhện Toàn Cầu (World Wide Web) được đánh giá như một cuộc cách mạng trong lãnh vực thông tin. Cộng đồng người Việt trên Liên Mạng đã tỏ ra rất bén nhạy trước kỹ thuật mới nầy. Hàng trăm trạm cung cấp (web server), phần lớn là do giới trẻ, đã được thành lập để cung cấp tin tức thời sự, sinh hoạt văn học, đấu tranh chính trị. Con số trang nhà (homepage) cá nhân cũng đã tăng một cách nhanh chóng đến nhiều ngàn trang. Với sự ra đời của Mạng Nhện Toàn Cầu đã làm sinh hoạt trên Liên Mạng hoàn toàn đổi khác. Thành phần tham dự viên cũng phát xuất từ nhiều ngành nghề, nhiều thế hệ khác nhau. Ngoài ra, các nhóm chuyên biệt dựa vào sở thích và nhu cầu (Special Interest Group) cũng đã ra đời. Mỗi nhóm sinh hoạt riêng và có trạm cung cấp riêng được xây dựng công phu và đẹp đẻ. Nhà cầm quyền Cộng Sản đã và đang tìm mọi cách để ngăn chận. Tuy nhiên qua cuộc phỏng vấn Thứ Trưởng Ngoại Giao Cộng Sản Lê Công Phụng ngày 28 tháng 1 năm 2002, cũng như thông cáo ngày 10 tháng 6 mới đây của ban bí thư Trung Ương Ðảng CSVN về việc gia tăng kiểm soát Internet, cho chúng ta thấy sự thất bại của đảng trong việc ngăn chận các tin tức trung thực, đặc biệt là tin tức về vấn đề biên giới Việt Trung mà đảng đang cố tình bưng bít. Cộng Sản Việt Nam cũng không đủ khả năng để chận đứng các tin tức liên hệ đến Việt Nam được các tổ chức người Việt hải ngoại, nhất là các nhóm trẻ có trình độ kỹ thuật cao đã và đang tìm cách chuyển về trong nước. Ngoài ra, tuổi trẻ hải ngoại phải nhận lãnh trách nhiệm đánh thức tuổi trẻ trong nước. Một điều thoạt nghe có vẻ mỉa mai và quá đáng nhưng đó là một sự thật không thể chối cải. Ða số tuổi trẻ trong nước ngày nay đã trở thành một thế hệ lưu vong, mất quê hương trên chính quê hương mình. Những khái niệm lý tưởng, ước mơ, hoài bảo mà các thế hệ cha anh được dạy từ khi biết ôm cặp đến trường, đã không còn trong ngôn ngữ hằng ngày của tuổi trẻ tại Việt Nam ngày nay. Tuổi trẻ hải ngoại, vì thế, phải nhận lãnh trách khơi dậy ý thức dân tộc, truyền thống yêu nước trong tâm thức tuổi trẻ trong nước, đang bị ý thức hệ vô thần vong bản Cộng Sản trấn áp. Ðánh thức niềm tự hào Việt Namm là nhiệm vụ lớn của tuổi trẻ Việt Nam hải ngoại. Tình dân tộc, nghĩa đồng bào là mẫu số chung và một Việt Nam dân chủ, nhân bản và thịnh vượng sẽ là mục tiêu duy nhất mà các thế hệ trẻ trong và ngoài nước cần hướng tới. Nhìn lại chặng đường 27 năm qua, đừng nói gì là tuổi trẻ, với nhiều cha me chú bác, cuộc sống sau 30 tháng 4 năm 1975 chẳng khác gì sống trong nỗi chết, sống không chọn lựa, sống chỉ vì phải sống cho hết một kiếp người, sống trong trạng thái tâm hồn hoang vu trống rỗng, không biết phải làm gì như nhà thơ Cao Tần viết trong một bài thơ vào tháng 3 năm 1977:

Sàn gác trọ những tâm hồn bão nổi
Những hào hùng uất hận gối lên nhau
Kẻ thức tỉnh ngu ngơ nhìn nắng mới:
“Ta làm gì cho hết nửa đời sau ?” …

Trong lúc những nỗi chán chường và tuyệt vọng là trạng thái tâm hồn không tránh khỏi của mỗi người Việt tỵ nạn Cộng Sản, thực tế không phải diễn ra như thế. Giòng sông cuộc đời vẫn chảy, mùa đông buốt giá qua khi mùa Xuân đến. Các thế hệ Việt Nam vẫn lớn lên, vẫn tiếp tục nhận lảnh trách nhiệm lịch sử từ tay các thế hệ cha anh. Tương lai Việt Nam có được vinh quang hay phải tiếp tục chịu đựng lầm than tủi nhục cũng là do hành động của các thế hệ trẻ. Ðứng trước giai đoạn đầy bóng tối của đất nước hiện nay, nhiệm vụ của các các thế hệ trẻ đã trở thành một thử thách lớn lao. Ðể đi hết con đường khó khăn trước mắt mỗi người phải tự thắp sáng niềm tin dân tộc trong lòng mình.

Trần Trung Ðạo

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button