Những Tác Động Văn Hoá Trong Dòng Sống Việt
Nguyễn Hữu Hoạt
Cây đa không có gốc lớn, cành lá sum sê và đứng ở đầu làng hay đầu đình thì không còn nghĩa của tên gọi cây đa. Cây phướn không bay và không được cắm trước sân vào ngày Tết thì cây phướn không còn nghĩa của cây phướn. Và ngày Tết không có phướn bay, pháo nổ, mai nở trước nhà hay những lời chúc tụng lẫn nhau thì ngày Tết cũng chỉ là ngày khởi đầu của một tháng…
Một điển hình khác, anh hùng Trương Chiến không có mặt ở hội thề Lũng Nhai thì anh hùng Trương Chiến cũng chỉ là nông dân Trương Chiến cày sâu cuốc bẩm thôi. Và ngay cả Thánh Gióng không vươn mình đứng dậy nhảy ra khỏi nôi và không nhổ bụi tre thay kiếm đánh đuổi giặc Ân thì Thánh Gióng đâu có về trời làm chi? Và Thánh Gióng cũng chỉ là đứa bé Nguyễn văn Xoài hay Nguyễn văn Mít.
Văn hóa cũng thế nếu nói đến văn hóa mà không có sự tiếp thu và tác động thì không thể gọi là văn hóa, vì nhờ sự tiếp thu nên văn hóa có được nhiều bản sắc, và cũng từ đó cái gọi là “bản sắc văn hóa” luôn luôn có sự nhồi nặn, thanh lọc, kết hợp để rồi hội nhập vào dòng sống, đem lại một đời sống phong phú hơn, ý nghĩa hơn… Vai trò của sự tác động nầy được bao quát bởi nhiều phương pháp như người viết nhạc, kẻ làm thơ viết văn, hay người làm báo hoặc có sự đóng góp của những người viết sách, họa sĩ v.v… một cách rõ nét hơn, những người trùng tu các chùa chiền, nhà thờ, đình làng, hay hát chèo, hát hò khoan là những tác động có cùng một mẫu số văn hóa chung, mang lại một phù sa mới cho dân tộc.
Ngoài ra văn hoá còn là sự kết tinh của cuộc sống suốt từ nhiều ngàn năm cấu thành. Trong đó một nền văn hóa trường cữu được bảo vệ bởi những nhân tố như: đam mê, tham vọng, tập tục, tập quán, tín ngưỡng, khuynh hướng và kể cả sự xiển dương tư tưởng của mình. Và ngay cả những trường hợp bảo vệ tư tưởng nên chấp nhận phải hy sinh, như trường hợp Jesus Christ đã phải chịu đóng đinh trên cây thập tự giá vì có một số người phủ nhận tư tưởng của ngài.
Điều chua chát thay, đất nước ta trong qúa khứ chưa tìm thấy và tìm ra một triết gia hay một tư tưởng gia nào có thể đưa ra những căn bản lớn cho mọi người có thể trao đổi và trân trọng, chính vì thế trong thời gian bị Bắc phương đô hộ dân tộc ta phải lệ thuộc vào một chủ thuyết của Khổng Giáo cả ngàn, ngàn năm. Nhưng may mắn thay, dân tộc ta biết tác động cho nên lấy văn hóa của người biến nó trở thành của ta. Và cũng dựa trên những căn bản luận của Khổng Giáo, Lão giáo và Phật Giáo dân tộc ta đã biến nó thành một quy ước vừa cứu cánh lẫn phương tiện để bảo tồn những gì chúng ta đang có (tổ quốc).
Điều nầy cũng được thể hiện qua cuộc chinh Bắc của Nguyễn Huệ vào năm 1786 khi Ngài đánh tan quân Trịnh, chiếm Phú Xuân, từ Phú Xuân tiến quân ra Bắc diệt Trịnh giúp Lê lấy lại quyền bính. Nhưng đến cuối năm 1788 khi quân Tàu chiếm Thăng Long (Hà Nội) Nguyễn Huệ đang ở Phú Xuân, nhận được tin ấy Nguyễn Huệ đăng đàn Nam Giao ở núi Bàn, phía Nam núi Ngự Bình làm lễ tế trời đất rồi lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu là Quang Trung dẫy quân ra Bắc vào ngày 25/11 năm Mậu thân. Ấy, làm lễ đăng quan và lễ tế trời đất là những tác động của nền văn hóa ảnh hưởng bởi Khổng giáo, Lão giáo và Phật giáo. Dưới một lăng kính khác khi danh tướng Nguyễn Huệ “tế lễ” trời đất để trở thành Đại đế Quang Trung, hành động tế lễ là một nguyên trong cái đạo làm người biết thờ kính đấng thiêng liêng, điều ấy còn khẳng định một quy ước khác của Nho giáo qua câu:”Quân sử thần dĩ lễ, thần sự quân dĩ trung” nghĩa là: Vua lấy lễ để khiến tôi, phần tôi lấy trung mà thờ vua. Cận đại hơn nữa nhà cách mạng Nguyễn Trung Trực, trước giờ ra pháp trường tại Rạch Giá vào ngày 17/6/1868 bọn thực dân Pháp đã chiêu dụ Người hàng giặc sẽ được hưởng vinh hoa phú quý. Người đã thẳng thắng trả lời rằng ”Sá gì những cái công danh phù phiếm ấy, chẳng lẽ ta làm tôi tớ cho chúng bay để lỗi cái đạo làm con với tổ quốc và thiếu cái lễ với đồng bào. Khi nào chúng bay nhổ hết cỏ thì nước Nam ta mới hết anh hùng chống lại thực dân”. Chẳng những con người Việt có cái đạo và cái lễ mà lại còn nặng thêm chữ tín như Nguyễn Trãi đã hứa cùng thân phụ Nguyễn Phi Khanh tại Ải Nam Quan. Sau nầy Ức Trai Nguyễn Trãi có nói” Điều tín là vật báu của nước ta” và Nguyễn Trãi đã giữ đúng cái hiếu với cha, cái đạo với nước và cái lễ với trời. Một người nữa cụ Trần Quý Cáp sinh ra trên đất Địa Linh Nhân Kiệt Quảng Nam, người đã đỗ đầu trong khoa tiến sĩ, nhưng vì thấy sự ngu xuẩn làm thân khuyển mã của vua quan nhà Nguyễn cúi đầu làm nô lệ cho thực dân Pháp nên Người đã từ quan ẩn dật để tổ chức lực lượng chống lại thực dân. Khi bị bắt dẫn ra pháp trường mặt mày vẫn tươi tỉnh. Thấy thế, tên cai ngục hỏi rằng: Thưa tiến sĩ ngài có trối trăn gì trước khi chết? Cụ Trần yêu cầu cho thiết lập bàn hương án xây về hướng Quảng Nam phục lạy vàø tạ tội rằng: “Xin mẹ hãy tha thứ cho con tội bất hiếu chưa làm xong được bổn phận đánh dẹp ngoại bang mà nay phải ra người thiên cổ”. Sau đó cụ bái lạy cùng đồng bào như sau: “Xin quốc dân đồng bào hãy tha lỗi cho tôi, vì chưa báo đền được cái nghĩa lớn của đất nước nay phải ra đi và cầu xin anh linh đất Việt hãy phù hộ cho những người khác tiếp tục sự nghiệp đấu tranh giành lại độc lập cho nước nhà”. Cụ nghè Trần Quý Cáp đã vui vẻ chấp nhận cái chết dưới hình thức yêu trảm (chặt làm 3 khúc) của bọn phản tặc nhà Nguyễn làm tay sai cho Pháp.
Đồng ý rằng dân tộc chúng ta tự hào về các thành tích đánh thắng ngoại bang, nhưng thắng ngoại bang là do yếu tố nào để kết lại? Phải chăng cái cốt lõi và nền tảng văn hóa đã là những tác động đưa đến thắng lợi vẻ vang của cha ông ta trong nhiệm vụ giữ gìn tổ quốc. Trước đây khi giặc Minh xâm lấn nước ta Hồ Quý Ly quy nạp chỉ trong vòng 3 tháng đã có 400 vạn binh, quần thần dưới tướng là những người có học vị và tài giỏi. Riêng họ Hồ là người có tài thao lược đã tập hợp được đám đông, nhưng ông đã không thắng được giặc Minh vì ông thiếu cái đạo và cái lễ cũng như cái tín đối với quần chúng. Ngược lại Hội thề Lũng Nhai do Lê Lợi cầm đầu sau 10 năm nằm gai nếm mật, thiếu thốn đủ điều và những người lãnh đạo hầu hết là nông dân, nhưng giặc Minh đã cuốn cờ bỏ chạy.
Một cách tổng quan, dòng sử Việt thăng trầm như cơn sóng đại dương, hết lớp nầy rồi đến lớp khác, trào lưu nầy tàn rồi trào lưu khác nổi lên. Cha ông ta, tiền nhân ta được hấp thụ tất cả những tác động văn hóa thể hiện từ cái lễ trong cái đạo của Quang Trung, đến cái đạo và cái sĩ cộng thêm cái dũng của Nguyễn Trung Trực, rồi cái hiếu, tín và cái trí của Nguyễn Trãi, cái hiếu và cái nghĩa của Trần Quý Cáp cùng sự tập hợp của lễ, nghĩa, tín, trí, dũng, trung (Lê Lai liều mình cứu chúa) của hội thề Lũng Nhai. Tất cả những tác năng để đưa đến cuộc thắng lợi toàn diện trên đất nước ta, đẩy lùi tất cả mọi thế lực ngoại xâm để được bắt nguồn từ cái đạo hiếu của con người. Điều nầy Tử cũng đã nhấn mạnh: “Đạo giả, bất khả tu du ly giả, khả kỳ phi đạo giả”. Cho nên, việc thờ phượng và cúng giỗ ông bà cha mẹ là một nhất nguyên trước hết của chữ hiếu, tưởng nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục. Vì rằng: chết chưa phải là hết mà linh hồn vẫn còn sống. Do đó, thi hào Nguyễn Du có nói:” Chết là thể phách, còn là tinh anh”.
Quả thế, thầy Khổng Tử cũng đã dùng chữ vô vi để chỉ cái lễ và cái đạo của con người. Ngoài ra chữ lễ còn là một nhân (element) bắt đầu trong đạo cư xử làm người, vì thế “tiên học lễ hậu học văn” là một quan niệm trước tiên bắt đầu cuộc hành trình tri thức. Song song với cái lễ là cái đạo làm người phải thủy chung và vẹn toàn.
Cho nên, hễ cứ ngày Tết đến, là người Việt Nam bất luận tôn giáo hay quan niệm biện chứng nào chăng nữa, việc tưởng nhớ thờ cúng cha mẹ tổ tiên là một yếu tố không thể thiếu. Chính vì thế, hình thức thượng nêu, rước ông Táo, đưa ông Táo về Trời hay rước ông bà hoặc đưa ông bà đi là một tác động văn hóa có thực ở trong dòng sinh thức Việt Nam. Dòng sinh thức ấy là những di sản vô giá và còn là nội lực chính được tiềm ẩn trong lòng dân tộc chúng ta vậy./.