Nhiếp ảnh gia: Hứa Văn Bân

Thái Tú Hạp

Vào khoảng thời gian cuối năm 1999, các thành viên của tổ chức UNESCO (Giáo Dục Khoa Học và Văn Hóa Liên Hiệp Quốc) mở cuộc họp tại thành phố Markesh, Marốc nhằm mục đích thảo luận và thẩm định giá trị những di tích lịch sử đã quyết định chính thức công nhận thêm 48 địa điểm trên thế giới vào danh sách “Những di sản văn hóa của nhân loại”. Trong danh sách vinh dự này có hai địa điểm Mỹ Sơn và Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam, Việt Nam – Mỹ Sơn là di tích của công trình văn hóa người Chăm-Pa (Chiêm Thành) trước thế kỷ thứ 15.

Theo lịch sử và các di tích kiến trúc nghệ thuật cổ kính đã chứng minh Hội An hình thành đầu thế kỷ thứ 16 đã được các sử gia, các nhà địa chất và nhân chủng học đánh giá là thị xã thương cảng đầu tiên ở Đàng Trong sầm uất phồn thịnh nhất, với sự hòa hợp nhịp nhàng tương đắc giữa nhiều sắc thái dân tộc, văn hóa, tôn giáo khác biệt. Bản sắc văn hóa đặc thù này đã khai triển thành truyền thống thăng hoa, viên dung đầy tình người từ thế hệ này đến thế hệ khác, như lưu lượng êm đềm của giòng sông Hoài chảy qua giữa trái tim Phố Hộị Hội An chẳng khác một ngôi làng Minh Hương sống chung hòa bình trong tinh thần đầy nhân bản khai phóng, đạo lý của tam giáo nhất thể vi diệụ Từ thượng Chùa Cầu đến hạ Âm Bổn quây quần sống chung với nhau trong niềm yêu thương trọn đầy, phát huy sáng tạo, trong tình nghĩa tương thân tương áị Những tình cảm thật khó quên “Ở để mà thương. Đi để mà nhớ”. Cho dù Hội An mang nhiều giai thoại trong dân gian như Hải Phố, Hoài Phố, Phải Phố, Hội Phố, Hoa Phố, Hai Phố hay Fai Fo (hoặc FaiFoo) nhưng với người dân sống trong thành Phố Cổ đó hoặc đang là lữ khách ngàn dặm xa, thì Hội An vẫn là Hội An thật êm đềm, thơ mộng và và chứa chan bao kỷ niệm tuyệt vờị Có ai nhắc đến Hội An chắc chắn không thể nào quên được những mái nhà âm dương đầy rêu phong, những ngôi chùa Phước Kiến (Kim Sơn Tự), Âm Bổn, Quảng Triệu, Hải Nam, Chùa Ông (Trừng Hán Cung hay Chùa Quan Thánh), Chùa Tĩnh Hộị.. những tên gọi thân thương như Cao Lầu Ông Cảnh, Hoành Thánh Bà Hai Huế, Bún Bò Bà Chỉ… hay những nhà nghệ sĩ nổi danh đã làm vẻ vang cho Hội An như những vì sao lấp lánh trên bầu trời văn học nghệ thuật của Việt Nam.

Trong những tên tuổi sáng chói lừng lẫy này chúng tôi xin đan cử về văn học có anh em Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, Hoàng Đạo, Thạch Lam… chủ trương Tự Lực Văn Đoàn. Nhà thơ, dịch Hán Văn, Diệp Truyền Hoa, Khương Hữu Dụng. Nhà văn, biên khảo Nguyễn Văn Xuân, Trương Duy Huỵ Nhà thơ Vũ Hân, Luân Hoán, Hoàng Lộc, Võ Đại Tôn… Kịch tác gia Thái Trữ. Tài tử điện ảnh La Thoại Tân, Lưu Bạch Đàn. Họa sĩ Lô Ka. Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, La Hối, La Gia Quảng, Dương Minh Ninh, Trương Duy Cường, Trương Duy Mãnh, Huỳnh Nhâm, Phan Huỳnh Điểu… Và nhiếp ảnh gia Hứa Văn Bân. Đặc biệt về nghệ thuật nhiếp ảnh của ông Hứa Văn Bân đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia, trở thành nhân tài của thế giới qua hàng loạt những thành tích đáng kể và tước hiệu nhiếp ảnh như: Artist của Hội Nhiếp Ảnh Tinh Võ, A.APA, Chợ Lớn (1970), Artist, Hiệp Hội Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật Thế GIới, A.FIAP, Berne, Thụy Sĩ (1971); Trung Đẳng Hội Viên của Hội Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam A.APA, Saigon (1972) và những huy chương và bằng tưởng lục danh dự ông đã nhận được: – 1962 Huy chương đồng Nantes, Pháp – 1962 Huy chương đồng Photo-Cinéma Magazine, Pháp – 1963 Huy chương bạc Photo-Cinéma Magazine, Pháp – 1963 Tưởng lệ danh dự Vooruit, Bỉ – 1965 Huy chương đồng AARHUS, Đan Mạch – 1967 Huy chương đồng C.P.Ạ, Hongkong – 1967 Bằng tưởng lệ Oklahoma, Hoa Kỳ – 1968 Huy chương bạc, Malaysia – 1968 Huy chương bạc Plôn, Potouroche, Đức – 1968 Bằng tưởng lệ Arizona, Hoa Kỳ – 1968 Bằng tưởng lệ Orange, California, Hoa Kỳ – 1969 Bằng tưởng lệ Rosarina, Argentina – 1970 Huy chương đồng, Chile – 1973 Bằng danh dự triển lãm liên tiếp 10 năm (1962-1973) Los Angeles County Fair, California, Hoa Kỳ – 1974 Huy chương bạc Alsace, Pháp.

Theo tài liệu của nhạc sĩ kiêm nhiếp ảnh gia Lê Văn Khoa giới thiệu về tiểu sử nhiếp ảnh gia Hứa Văn Bân:

Nhiếp ảnh gia Hứa Văn Bân chào đời ngày 4 tháng 2 năm 1914, tại Hội An (Faifoo), tỉnh Quảng Nam, miền Trung Việt Nam. Lòng say mê nghệ thuật phát lộ rất sớm. Lúc lên bốn, năm tuổi, ông đã ngồi hằng giờ ngắm xem những tranh vẽ treo trên tường nhà, vừa thích thú, vừa thán phục. Đến tuổi đi học, sẵn có giấy bút trong tay, ông vẽ tất cả những hình ảnh sinh động trong vùng mà ông nhìn thấy mỗi ngày: nhà cửa, sông nước, xe cộ, cá, chim, người ta, v.v.

Không có điều kiện theo học các trường mỹ thuật, ông ghi tên học hội họa hàm thụ với trường hội họa ABC ở Paris, Pháp Quốc, năm 1934. Khóa trình có mười lớp. Ông học được năm lớp thì bị gían đoạn vì Thế Chiến Thứ Nhì bùng nổ, đường giao thông với nước Pháp bị cắt đứt.

Năm 1935, Hứa Văn Bân có mua một máy ảnh hộp (box Tangor). Thoạt đầu ông chỉ có ý định dùng nó để ghi lại hình ảnh gia đình, vì ngành nghệ thuật ông say mê và đang theo học là hội họạ Những nguyên tắc thẩm mỹ, căn bản bố cục và chiều hướng ánh sáng ông học đượng bên ngành họa, giúp ông có được những hình ảnh trội hơn rất nhiều người chụp hình đương thờị Khi không còn tiếp tục với trường vẽ ABC, máy ảnh trở thành phương tiện đi vào nghệ thuật.

Ông tìm xem ảnh đẹp trong các báo L’Illustration (trước thế chiến), Vue và Paris Match của Pháp, Look và Life của Mỹ, cùng các sách báo về nhiếp ảnh để nghiên cứu thêm. Ông cùng các tay ảnh ở Hội An trau dồi kiến thức về kỹ thuật nhiếp ảnh. Ông thấy máy ảnh hộp không thể làm được những điều ông muốn và học hỏi được, nên bỏ máy ảnh hộp, mua máy Rolleiflex. Ông lập phòng tối để phóng ảnh. Những ngày nghỉ, Hứa Văn Bân và các bạn ảnh rủ nhau đi vào các vùng lân cận để chụp ảnh.

Ông bắt đầu gửi ảnh đi dự thi quốc tế năm 1961. Từ 1962 đến 1974, năm nào ông cũng chiếm được vài giải thưởng, nhưng vì ở xa nơi thị tứ và không thích khoe khoang nên ông ít được nhắc đến. Ngoài những giải thưởng nhiếp ảnh, ông còn mang các tước hiệu nhiếp ảnh như sau: Artist, của Hội Nhiếp Ảnh Tinh Võ, A.APA, Chợ Lớn (1970); Artist, Hiệp Hội Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật Thế Giới, A.FIAP, Berne, Thụy Sĩ (1971), Trung Đẳng Hội Viên của Hội Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam, A.APA, Sài Gòn (1972).

Ông định cư tại Canada năm 1985. Sau đó ông qua Mỹ.

Lòng yêu nhiếp ảnh vẫn còn, dù tuổi tác có hạn chế nhiều trong lãnh vực “tranh đua” với các “cao thủ ảnh lâm” năm châụ Ông chuyển sang du lịch, chụp hình Canada, Hoa Kỳ, Âu Châu và Hoa Lục. Ông chụp ảnh màu, và viết bài đăng trên nguyệt san Photo Pictorial, Hongkong. Trong mười năm qua, trung bình mỗi năm họ dành cho ông một bài đặc biệt.

Tôi cũng đã sinh ra và lớn lên trong thành phố cổ kính thân yêu đó. Và tôi cũng đã thừa hưởng gia tài văn hóa hiệp chủng uyên bác mang đến từ Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Pháp, Mỹ qua các thương thuyền ghé bến Hội An. Trong khi kẻ viết bài này, trân trọng tôn vinh ông, là tôi từ thuở chưa sinh ra đời, thì ông Hứa Văn Bân đã là một sinh viên theo học các trường mỹ thuật tại kinh đô ánh sáng Paris năm 1934. Đến tuổi trưởng thành thực sự, tôi cũng chưa được vinh dự biết đến ông, và thú thực tôi chưa đủ trình độ để thích thú thưởng thức những tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật của ông. Trong tầm nhìn của tuổi thơ, chúng tôi ở Hội An chỉ biết đến các nhà ảnh như Huỳnh Sỏ, Lệ Ảnh, Vĩnh Tân với những bức ảnh phong cảnh đen trắng hay chân dung ông già râu tóc bạc phơ, hay nụ cười những thiếu nữ xinh đẹp e ấp sau chiếc nón bài thơ hay em bé chạy đùa trên bãi biển nắng chiềụ

Thời gian, cuộc chiến chia chúng ta từng mảnh trời xa cách biền biệt. Mãi cho đến Hội Xuân Họp Mặt do những người Hoa tổ chức lần đầu tiên tại Los Angeles, tình cờ gặp lại những người quen thân Phố Hội ngày xưa trong đó có ông Hứa Văn Bân. Liên tiếp sau thời gian hội ngộ, tôi được hân hạnh xem bộ ảnh của ông triển lãm tại Orange County do Nhiếp ảnh gia Lê Văn Khoa tổ chức. Tôi vô cùng xúc động đứng lặng người nhìn từng tấm ảnh tuyệt vời của ông. Không những ông đã thể hiện tài năng nghệ thuật cao về nhiếp ảnh mà ông đã đưa cả tâm hồn ông vào những nét sinh hoạt thường nhật nơi thành phố ông đã sinh thành và lớn lên với tràn đầy kỷ niệm. Một thứ âm thanh phát tiết tuyệt hảo bên bờ sông Danube mà J. Strauss đã ghi lại trọn vẹn cả hồn mình. Một cõi khói sương lãng đãng ngàn năm mây trắng trên lầu Hoàng Hạc u hoài.

Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên Ba giang thượng thử nhân sầu.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng aỉ

(Tản Đà)

Một thứ mộng mơ trằn trọc về nơi chốn xa xăm, cố hương ngàn dặm nhớ:

Tô Châu lớp lớp phù kiều
Trăng đêm Dương Tử, mây chiều Giang Nam.

(Hồ Dzếnh)

Mặc dù ông là người Hoa cư ngụ tại Hội An, có một cơ ngơi vững chãi tăm tiếng trong thành phố, nhưng bản chất ông hiền hòa, suốt đời chỉ biết đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh, luôn luôn học hỏi phát huy tài năng, khai thác những đề tài trong giới lao động nghèo khổ. Hình ảnh những người đàn bà chèo ghe trên sông Hội An. Người đàn ông tung lưới bắt cá. Giặt chiếu bên bờ aọ Em bé tắm bằng vòi nước mưa ngoài hiên. Trẻ thơ lùa trâu qua vũng nước. Ngư phủ phơi lưới trên bãi biển Cửa Đạị Tan chợ, Mẹ về trong hoàng hôn. Thiếu nữ bên căn nhà đổ nát. Những cánh buồm căng gió ra khơị Ông lái đò bên giòng sông quạnh quẽ. Mưa lũ trong thành phố Cổ. Tuổi thơ hồn nhiên. Mẹ già mòn mỏi trông conà Và hàng trăm những bức ảnh nghệ thuật khác, nhưng đa số ông đều chú trọng ghi lại những hình ảnh mộc mạc, trong sinh hoạt của những người nghèo khổ trên mảnh đất quê hương đầy bất hạnh. Quê hương thứ hai mà ông từng gắn bó, từng chia xẻ với những buồn vui thăng trầm.

Với một tâm hồn nghệ sĩ đầy bén nhạy, tôi tin chắc ông đã thấu triệt lẽ sinh diệt của tạo hóạ Cái vô thường của vạn pháp hữu vi, cái thân tứ đại tạm bợ nơi cõi thế, và chuyện đến đi cũng chỉ là cái chớp nháy của cái máy Rolleiflex thân yêu của ông. Tất cả cát bụi đã trả về cát bụị Ông đã thực sự thanh thản ra đi, an vui ở chốn vĩnh hằng. Nhưng những tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật giá trị của ông, là bảo vật quý giá, mãi mãi trường tồn qua thời gian và hy vọng sẽ trở thành những di sản quý báu của nhân loại, cũng giống như những di tích trong thành phố Hội An đang được thế giới yêu thích và ngưỡng mộ.

Riêng tôi, kẻ hậu sinh đồng hương với ông nơi đất khách mạo muội kính xin bày tỏ những tư duy đầy xúc động, chỉ mong là những cánh hoa hồng thả bay xuống huyệt mộ. Một lần rồi thôị Vĩnh biệt: Nhà nghệ sĩ tài hoa đã làm vẻ vang cho nét đẹp văn hóa đặc thù của Hội An.

 

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button