Nhân vật và ngôn ngữ trong “Tháng Giêng Tháng Bảy Buồn Như Nhau”

Mai Kim Ngọc

“Hoàng Nga viết hay lắm!” anh Võ Phiến nói với tôi qua điện thoại. Trước đấy một tuần, Nguyễn Mộng Giác cũng nói với tôi một câu tương tự.

Nhưng ‘Hoàng Nga viết hay’ do anh Võ Phiến phát biểu có một quá trình đặc biệt. Sự việc là tôi vẫn hay chia sẻ với anh cảm nghĩ về những tác phẩm văn học mới xuất bản hay tái bản, và thường thường chúng tôi đồng ý với nhau. Nhưng cái thú vị là không phải bao giờ chúng tôi cũng đồng ý, những lần sai biệt thỉnh thoảng cũng có xảy ra. Thí dụ như anh rất thích Nguyễn Tuân, còn tôi tuy kính trọng và ngưỡng mộ tiền nhân, nhưng thật tâm không thể liên hệ được với nhà tùy bút huyền thoại của văn học Việt Nam mà ba tôi và anh cả tôi thủa sinh thời vẫn tấm tắc khen… Mỗi lần khác biệt như vậy, với cái tính khoa học thực nghiệm mang sang từ nghề y, tôi hăng say chứng minh quan điểm của tôi, hay gặng hỏi cho ra cơ sở quan điểm của anh. Còn anh, ít khi anh phát biểu bằng ngôn ngữ, nhưng qua cái yên lặng lịch sự đặc biệt nơi anh, tôi đọc được ý kiến anh.

Tháng Giêng Tháng Bảy Buồn Như Nhau của Hoàng Nga thoạt tiên rơi vào trường hợp tương tự. Khi đọc xong cuốn truyện Hoàng Nga gửi tặng qua Nguyễn Mộng Giác, tôi gọi anh Võ Phiến, tấm tắc khen haỵ Anh yên lặng nghe tôi nói. Năm phút, mười phút trôi qua, anh không phát biểu gì, để mặc tôi độc thoại. Gần hai chục năm quen anh, tôi đã quen nghe anh nói, nghe được dấu chấm, dấu phẩy, thậm chí cả dấu chấm than hay chấm hỏi của anh trên đường dây viễn liên. Hôm nào anh se mình, tôi nghe được cả cơn suyễn nhẹ của anh sắp trở lại để căn dặn anh uống thuốc. Và hôm nói chuyện về Hoàng Nga, tôi nghĩ anh đã không chia sẻ với tôi sự hân hoan về tác phẩm đầu tay của nhà văn nữ. Thành thử ít hôm sau khi anh gọi lại khẳng định phát biểu ‘Hoàng Nga viết hay lắm’, tôi mới vỡ lẽ là tôi không tinh tế khi nghe điện thoại như tôi nghĩ, và sự yên lặng hôm trước của anh chẳng qua là cẩn trọng, anh chưa muốn phát biểu về một cuốn sách chưa tới tay anh.

Tôi nghĩ Hoàng Nga viết hay vì nhiều lý do. Thứ nhất, bút pháp bà cao, cái thiên phú còn kèm theo cả cái công phu nghiên cứu trau dồi. Bà viết kỹ, lưu tâm đến âm hưởng, nhịp điệu từng câu từng đoạn. Tác phẩm lại hài hòa cân xứng khi nhìn vào tổng thể. Bà không chọn những đề tài thời sự thời thượng để lợi dụng sự lưu tâm sẵn có của quần chúng độc giả. Bà cũng không viết về những câu chuyện những cảnh sống ngang tàng hay kiêu bạc để khai thác cái gây cấn ly kỳ của cốt truyện. Cả nét ‘hiện sinh’ cũng không có nơi bà, suốt bấy nhiêu truyện ngắn, không có nút áo nào bị gỡ hay dải yếm nào bị cởi. Không, bà viết văn học thuần túy mà kiêng dùng tiểu xảo dễ dãi nhất thời. Bà lấy những cảnh đời rất bình thường làm cốt truyện. Tay không, bà bước vào cõi nhân tâm tìm được trong cái tầm thường những tác phẩm văn học haỵ

Quả thật, Hoàng Nga viết về những người nữ thuộc giới trung lưu, không có gì đặc biệt về nhan sắc hay địa vị. Họ sinh hoạt trong những cảnh sống khác nhau, hoặc tại quốc nội, hoặc tại một nước tây phương sau khi di tản khỏi cố quốc. Và người đàn bà gặp một người đàn ông, giao tình mỗi ngày một thân thiết, câu chuyện lứa đôi như ngấp nghé cuối đường. Nhưng đoạn kết có hậu và hạnh phúc không bao giờ xảy ra. Vì lẽ này lẽ nọ, cặp tình nhân chia taỵ Nàng trở lại đời sống bình thường và tầm thường có sẵn trước cuộc tình, bề ngoài có lẽ vẫn bình thường vẫn tầm thường, nhưng nội tâm đã mang thêm một vết đau mới…

Lý do của sự đổ vỡ cũng rất tầm thường và bình thường. Chàng yếu đuối nên chao đảo, đang gắn bó với cô chị lại xoay sang mê cô em… Có khi chàng can đảm vượt qua một số câu nệ, còn trai tân mà mong xây dựng tương lai với người đàn bà đã có một đời chồng và đứa con riêng, để rồi lại vấp váp vì một vài câu nệ còn sót lại mà cũng bỏ ra đi biệt tăm… Có khi chàng yêu nàng thắm thiết, nhưng chỉ vì cái nhìn của đứa con thơ của nàng, cái nhìn đầy lo lắng và ghen tuông thường tình của nó, chàng cũng dứt tình biến vào hư vô.. Lại có khi chỉ là sự phá rầy của một cô em chồng quá quắt hay một bà mẹ chồng khắc nghiệt nhỏ mọn…

Hoàng Nga công bình, không luôn luôn đổ lỗi cho nam giới, và những người nữ của bà cũng có khi phạm vào những hoàn cảnh hay hành động ‘không phải đạó. Hiện thực, bà không ngần ngại ghi lại những ‘sai tráí của những nhân vật nữ mà bà tâm đắc. Truyện của bà có người đàn bà xốn xang thao thức khi nghe tin cố nhân tái xuất hiện tại một quận lỵ ven đô. Nàng vất vả dối chồng giấu con, thu xếp đi thăm chàng bằng cái vé xe đò trả bằng cả tuần lương vay trước, trong khi nhà không đủ gạo ăn trong cái Tết nghèo sắp tới… Đâu đấy trong tuyển tập có nụ tầm xuân, có cám dỗ ngoại tình, có giật người yêu của chị, có tất cả những thường tình có thể xẩy ra nơi người nữ, dù những thường tình ấy phù hợp hay không phù hợp với đạo lý quy ước.

Chỉ có điều trong những hoàn cảnh ngoài khuôn khổ, dù sa ngã hay cư xử cho phải đạo, hành động của họ vẫn có khả năng thuyết phục, vì họ chiến thắng hay quy hàng tội lỗi một cách không dễ dàng, với những dằn vặt, giằng co, trăn trở. Độc giả vừa cảm động vừa thích thú được khám phá cõi nhân tâm của những người đàn bà đi qua cuộc sống với hành trang nặng nề và vô lý nhất, trong đó những món kỵ nhau lại được gói chung với nhau. Nửa này là nữ tính, là lãng mạn đến thiết tha, nửa kia là lòng mơ ước một cung cách sống đạo lý đến khe khắt.

Cái buồn trong truyện Hoàng Nga mới đọc nghe nhẹ như tuổi thơ tỉnh nhỏ thanh bình. Tôi lật ngắm trang cuối tập truyện để tìm xuất xứ, thấy ghi tác giả sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng, nơi tôi đã có dịp ở nhiều năm. Tôi hơi ngạc nhiên, vì Đà Nẵng tôi biết bấy giờ còn là đô thị mang cái tên Tourane rất tây của thời Pháp tạm chiếm, Đốc lý còn là một sĩ quan lục quân Pháp, và cả thị xã chỉ có một truờng tiểu học dậy chương trình Việt. Học sinh sau tiểu học phải ra Huế, lên Đà Lạt, hay vào Sài Gòn học tiếp. Tôi còn nhớ phố chợ rất dễ thương với tiệm Tân Mỹ Photo trưng ảnh mấy mỹ nhân tỉnh lẻ, mấy thanh niên sơ mi cổ trần ngắn tay, lẫn lộn bên cạnh ảnh mấy sĩ quan Pháp hay Việt Binh Đoàn. Chân dung nào dù nam hay nữ, tây hay ta, cũng đều đặn lại hao hao giống nhau vì thợ ảnh hồi ấy có thói quen khi rửa phim dùng bút chì than điều chỉnh những nét gồ ghề của khách hàng. Lại có tiệm Chà bán vải đầy ắp những xấp gabardine hay sharkskin hợp thời trang, tiệm Alimentation Générale của chú Xồi thơm phức mùi cà-phê mới xay, mùi bánh mì mới ra lò, mùi nho khô, mùi phó-mát gruyère ai ải.Một trong những sinh hoạt lớn của tỉnh là Kéc-mét (kermesse, hội chợ) hàng năm vào dịp Cát-Tó Duy Dê (Quatorze Juillet) ăn mừng ngày phá ngục Bastille, do các nữ tu Thiên Chúa Giáo cộng tác với quân đội viễn chinh Pháp tổ chức. Cái đinh của hội chợ là đoàn xe tải nhà binh ngụy trang thành đoàn xe lửa đủ đầu tầu ống khói, hông xe dán băng vải kẻ hàng chữ lớn Tour De France, mỗi toa một chú Lê-Dương cao lớn lêu khêu giữ trật tự, khởi hành từ cổng nhà thờ chạy vòng quanh đô thị… Cả tỉnh không có lấy một tiệm sách Việt. Ấn phẩm Việt ngữ độc nhất là tờ nhật báo Thần Chung từ Sài Gòn gửi về.

Thật là bất ngờ khi Đà Nẵng sản xuất được một nhà văn nữ như Hoàng Nga, tác giả của một cuốn truyện không những hay mà còn nhuần nhuyễn Việt tính, từ tâm lý nhân vật cho đến bút pháp. Rồi tôi tự cười mình đã gần nửa thế kỷ qua, tôi đã không có dịp cập nhật kiến thức cũng như cảm nghĩ của mình với đô thị nàỵ

Nghĩ vậy, tôi gắng tìm nét Đà Nẵng như tôi biết ngày xưa trong tác phẩm Hoàng Nga, và tôi không phải tìm lâu. Cái buồn nhè nhẹ của tác phẩm Hoàng Nga bây giờ sao giống tiếng phi-lao hiu hắt của bãi biển Thanh Bình cuối hè khi cả Đà Nẵng sắp trở lại cái u hoài vô duyên cớ lẫn với cái uể oải thường lệ của một thị xã duyên hải. Còn nữa, cuốn sách làm tôi chợt nhớ lại một sự việc cỏn con quên bẵng đã lâu, vô tình mà liên hệ đến tác phẩm vừa đọc đang nằm trên bàn viết. Sự việc đó là một trò chơi nhi đồng tôi có dịp chứng kiến tại Cầu Chùa, một cây cầu gỗ có mái ngói tại Hội An, nhân một hôm Tết ghé về nhà anh bạn chơi.

Tôi muốn nói đến trò chơi ‘giành cột’ các em bé từ những phố xung quanh rủ nhau ra chơi hôm ấy trên cầụ Mỗi em dựa một cột, trừ một em không có cột đứng chơ vơ ở giữa. Một hiệu lệnh hô lên, và tất cả các em bỏ cột đang dựa để đổi lấy cột khác. Đó là dịp cho em đứng chơ vơ nãy giờ có cơ hội kiếm được cột dựa. Thoạt tiên tôi chỉ thấy chức năng giáo dục của trò chơi, chơi mà học đúng như các cụ vẫn nói. Trò giành cột tập luyện cho các em nhanh chân lẹ mắt, ước đoán được dự tính của người khác, và nhậy ứng để bắt lấy cơ hội khi cơ hội tới… Còn nữa, đó là trò chơi đầy lạc quan, lần này mất cột thì lần tới vẫn còn cơ hội kiếm được cột mới. Tái sắp xếp của tương lai luôn luôn còn đấy, và không có thất bại nào là thất bại vĩnh viễn…

Nhưng tôi chóng vánh thấy ngay cả tuổi thơ cũng có những cái buồn của nó. Một em bé gái cỡ mười một mười hai, tóc xõa ngang vành tai, xúng xính trong bộ cánh Tết như một cô Chiêu của truyện cổ tích. Em xinh đẹp, thông minh, nhưng trong cuộc chơi hôm ấy, em bị thủ vai không có cột dựa liên tiếp nhiều lần. Em bé gái không thiếu nhanh nhẹn, em chỉ thiếu một chút quả quyết, một chút ‘nhẫn tâm’, nếu nhẫn tâm có nơi tuổi thơ, để chen lấn xô đẩy hay thậm chí giằng áo bạn mà chiếm đoạt cái cột của mình. Gương mặt tiu nghỉu của em khi bơ vơ giữa Cầu Chùa làm tôi bỗng thấy cuộc chơi trẻ con không hẳn vô thưởng vô phạt. Tôi liên tưởng đến bói toán, đến tính tình và số phận con người thường phát hiện từ tuổi thơ, và tôi miên man nghĩ em bé gái sẽ lớn lên thành một người đàn bà thua thiệt, không hẳn vì kém nhan sắc hay tài năng, mà vì tâm địa hiền lành. Nhưng cảnh xuân hôm ấy đẹp và nhẹ nhàng, và tôi tự mỉm cười là mình tiểu thuyết hóa cái buồn con nít thành những bi ai không đâụ.. Hôm nay đọc Tháng Giêng Tháng Bẩy Buồn Như Nhau, chợt nhớ lại em gái nhỏ đất Hội An năm xưa, tôi chạnh nghĩ biết đâu em bé gái không quen Tết năm đó đã lớn lên để trở thành một nhân vật nữ của Hoàng Nga.

Giống như em bé thua cuộc trong trò chơi giành cột, những nhân vật nữ của Hoàng Nga là những ngưòi đàn bà thất bại trong oan uổng. Họ không làm chuyện gì bất công, không thô lỗ vụng về, mà trái lại dịu dàng và đầy nữ tính… Không chậm chạp hay ngu si, họ tế nhị, hiểu người, hiểu đời… Nhưng cũng như em bé chơi trò giành cột năm xưa, họ hơi thừa tự ái, tự trọng, và hơi thiếu một chút ‘nhẫn tâm’. Chỉ cần chai sạn một chút, lì lợm một chút, rẻ tiền một chút là họ đã nắm được cái mà mọi người gọi là chiến thắng trong tình yêu. Nhưng họ đã không chai sạn nổi, không lì lợm nổi, không rẻ tiền nổi, vì họ không được huấn luyện, hay không có sẵn xu hướng tranh giành từ trong bản tính. Trong thực tế thường éo le và khó khăn của đời sống di tản hay ngay tại quốc nội, những đức tính ấy cồng kềnh quá và đã cản trở không cho họ nhanh tay chụp lấy ‘hạnh phúc’ khi ‘hạnh phúc’ lảng vảng xung quanh. Tựa hồ như họ sợ rằng nếu giật lấy thành công bằng mọi giá, họ không còn là họ, và hạnh phúc không còn là hạnh phúc sau chút thủ đoạn họ dùng để bắt được người đàn ông. Nhưng quân tử Tầu (chữ của Hoàng Nga), họ lại tiếc rẻ là đã không chai sạn, không lì lợm, không rẻ tiền để cố đấm ăn xôi. Tiếc rẻ để mà tiếc rẻ, vì nếu cơ hội trở lại, thì người đàn bà ấy sẽ cư xử in hệt như đã cư xử, và vẫn trắng tay…

Thật ra truyện của Hoàng Nga buồn hơn cái buồn của trò chơi giành cột. Hai cái buồn chỉ giống nhau ở chỗ hàm oan, giống nhau ở chỗ thất bại vì tâm địa không chịu bon chen xô lấn. Nhưng cái đau của người đàn bà thua thiệt trong cuộc sống khác hẳn cái buồn man mác của em bé không chiếm được cột dựa trong trò chơi nhi đồng. Những phũ phàng cay đắng mà nhân vật nữ của Hoàng Nga trải qua không phải là cái đau mọc răng sữạ Nó là cái đau đoạn trường, nếu được phép mượn chữ của cụ Nguyễn Du.

Cái đau mới trông đã tưởng như nhẹ nhàng chẳng qua là vì Hoàng Nga ngụy trang nó bằng một văn phong không bi ai, không cường điệu, không van xin, không nguyền rủa, mà cũng không rên xiết. Trong những cảnh quyết liệt của ly dị hay bội bạc, phản ứng của nhân vật nữ của Hoàng Nga vẫn gần như nhẹ nhàng. Họ gượng một câu bông đùa, họ gượng một nụ cườị Vậy mà câu bông đùa nghe kỹ có nghẹn ngào, và nụ cười nhìn kỹ có ngấn nước mắt. “Sad clown’s smile” tôi nghĩ đến một hình tượng đọc đâu đấy trong văn học nước ngoài để so sánh với nụ cười của nhân vật nữ trong truyện của Hoàng Nga. Chú hề ruột gan rối mù vì tang thương bản thân, vẫn ráng nụ cười rộng đến mang tai để làm vui khán giả. Chú lừa được khán giả nhẹ dạ, nhưng trên khuôn mặt vẽ đậm nụ cười giả, đôi mắt chú là đôi mắt của một sinh vật trúng thương, mở cửa cho thấy một tâm hồn tan tác bầm dập.

Chú hề mua vui cho khán giả, còn nhân vật của Hoàng Nga mua vui cho người yêu vừa phụ mình. Thật ra người đàn bà không chủ tâm mua vui, mà vận dụng chút sinh lực cuối cùng để trấn an kẻ tình phụ mà nàng vẫn còn yêụ Không giữ được người đàn ông, nhân vật nữ của Hoàng Nga vì tự ái, hay vì độ lượng, hay vì từ bi, đã nấu bữa cơm ly biệt bằng những món gừng cay mắm mặn thích khẩu của chàng. Với nụ cười gượng và câu bông đùa, người đàn bà như nói, ‘Em trúng thương rồi, nhưng em biết anh không có cách khác. Anh yên tâm, em không đau lắm, em không sao đâu, anh yên lòng mà đi…’

Chính bông đùa ấy, nụ cười ấy đã làm nhân vật nữ của Hoàng Nga đẹp vô vàn. Nhưng phân tích lại thì tôi ghi nhận một sự ngạc nhiên. Hoàng Nga tạo ra những nhân vật nữ xinh đẹp mà không cho họ một chân dung. Bà không dành bao nhiêu chữ, gần như không dành chữ nào cho khóe hạnh nét ngài, hay mái tóc huyền làn da trắng, hay đường môi quả tim của họ. Bà cho họ một nội tâm sáng láng, và cái nội tâm này có khả năng làm rạng rỡ mọi dung nhan. Cái tốt đẹp bỗng có mắt, có môi, có da, có thịt, và những nhân vật nữ trở thành sống động trong trí tưởng tượng của độc giả, hiển hiện với chân dung mượn từ kinh nghiệm sống riêng hay hư cấu của mỗi người.

Tôi đọc lại lần thứ hai tập truyện của Hoàng Nga để tìm một số trích đoạn, thông lệ trong vụ điểm sách. Và tôi khám phá rằng trích đoạn truyện của Hoàng Nga không hẳn là dễ. Hoàng Nga không gửi gấm tâm sự bà trong những những câu nẩy lửa hay triết lý ồn àọ Tuyệt nhiên tôi không tìm được những câu đại loại như ‘thân phận đàn bà thời loạn’ , hay ‘tư cách của đàn ông không khác gì cái chung thủy của họ’, hay ‘ôi cao quý thay, trăn trở thay cái tình mẫu tử thiêng liêng’ để tiêu biểu cho văn phong hay nhân sinh quan, vũ trụ quan của bà.

Tất nhiên là văn của Hoàng Nga, nhất là văn đối thoại, có những câu cường điệu, hay nhí nhảnh, hay dí dỏm, hay ngộ nghĩnh, hay có khi ủy mị nữạ Những câu như vậy bà dùng để xây dựng sự thật tâm lý của nhân vật và đã thành công. Lẩy những câu ấy ra khỏi văn cảnh là lẫn lộn quan điểm của nhân vật bà với quan điểm của chính bà.

Có lẽ tôi xin mở dấu ngoặc ở đây để bàn đôi lời về đối thoại trong tiểu thuyết hay ngoài đời. Lỗi lầm thông thường của tiểu thuyết dở là không để cho nhân vật phản ánh cái nhìn của nhân vật, mà lại nói lên cái nhìn của tác giả, hay nguy hại hơn nữa cái phán xét của tác giả về chuyện phải trái ở đời. Thành thử nhiều khi một đám nhân vật khác nhau mà phát biểu hoàn toàn giống nhau, vì họ cùng nhất quán nói giùm cái nhìn của tác giả, hay phát huy những chân lý mà tác giả cho là tuyệt đối. Truyện như vậy đọc chán lắm. Còn nữa, ngôn ngữ của đối thoại không phải để hiểu theo nghĩa đen của từ. Sự phát biểu của nhân vật không phải để truyền thông sự việc một cách máy móc. Tôi xin lấy thí dụ, khi nhân vật người vợ hỏi chồng vừa đi làm trễ về ‘Mấy giờ rồi anh?’, bà ta hỏi không phải vì không có đồng hồ, mà dụng ý là muốn ghi nhận là chồng đi làm về quá trễ và trông đợi hay đòi hỏi một giải thích thỏa đáng. Nếu câu trả lời của người chồng là ‘Bây giờ là tám giờ hai phút, sáu giây, em ạ’ , cuộc đối thoại sẽ hoàn toàn ngô nghê, và sự ngô nghê sẽ vô cùng nhàm chán nếu không còn dụng ý gì khác. Thật ra, đối thoại của nhân loại trong hay ngoài tiểu thuyết phần lớn là những câu nói xéo, phản ánh quá trình liên hệ giữa người nói và người nghe. Cái xéo của ngôn ngữ có thể ác hay hiền, có thể đằm thắm dịu dàng, hay cay đắng oán trách, tùy theo quá trình liên hệ. Hay rộng hơn, nó còn phản ánh cái tâm của hai người đối thoạị Giả dối hay cường điệu, ích kỷ hay vị tha, duyên dáng hay thô bạo, cái xéo của đối thoại sẽ đem lại xương thịt, thậm chí linh hồn cho nhân vật. Tôi nghĩ Hoàng Nga đã thành công trong việc xử dụng cái xéo của ngôn ngữ để xây dựng những nhân vật nữ đầy sinh khí, điều kiện cần và đủ của những tác phẩm thành công. Câu bông đùa hay nụ cười gượng trong nước mắt của người đàn bà bị tình phụ chính là cái xéo của ngôn ngữ bằng lời hay khôn lời được Hoàng Nga xử dụng đến chỗ tinh vi.

Ngôn ngữ như vậy tất không thể lẩy riêng ra từng phần để trích diễn. Trong những truyện thật thành công của bà, cái hay rành rành ra đấy nhưng lại không dẫn chứng được bằng một đoạn, một câu, hay một từ. Từng từ, từng câu, từng đoạn, phần trước hổ tương chặt chẽ với phần sau, trong sự cấu trúc hài hòa toàn bộ của tác phẩm. Trích ra khỏi văn cảnh, cái hay hư hao đị Tựa như dù có xòe ra nắm lông công mới nhổ cho bạn coi, người thợ săn không thể nào kể lại được hết cái đẹp vô vàn khi con công còn sống đang múa trên rừng.

Điểm sách, thông lệ là phải cả khen lẫn chê, dù chữ chê có ngụy trang bằng những mỹ tự như phê bình xây dựng, như trao đổi, như nêu lên câu hỏi để khai triển điểm này điểm nọ với tác giả. Vậy thì tôi chê Hoàng Nga gì đâỵ

Có lẽ tôi đề nghị xây dựng là có truyện hơi nhiều nhân vật quá, như truyện Chị Em, làm người đọc rối mắt. Một thí dụ khác là truyện Một Đời Khôn Cùng. Người đàn ông ôm giỏ nhựa giấu xác con trong chuyến xe đò chật chội là một nhân vật phụ quá bất thường, quá đặc biệt, và cái chết dấm dúi của em bé quá quan trọng để ngoan ngoãn đóng vai một sự kiện phụ. Để người phụ việc phụ quan trọng như thế làm hư hao tư thế nhân vật chính của người đàn bà trốn chồng con đi tìm gặp cố nhân, nội tâm giằng co giữa tiếng gọi con tim và lòng tiết hạnh.

Sau cùng, có lẽ đại diện độc giả phái nam tôi cũng nên than phiền là những nhân vật đàn ông trong truyện Hoàng Nga tuy hợp lý nhưng sao hơi thiếu chất muối. Họ có thể gọi là nhạt. Họ còn như thiếu chất vôi và cột sống họ xem ra thiếu cứng cáp. Tốt thì cũng tốt một cách xoàng xoàng, mà xấu thì cũng xấu một cách xoàng xoàng. Không có ai sắc sảo. Tôi không tin cuộc sống chỉ toàn những người đàn ông ‘giẻ rách’ không có gì đáng nói. Kinh nghiệm sống của một người viết điêu luyện tất phải súc tích, và trong kho chất liệu tích lũy của tác giả hẳn không thiếu gì chân dung tâm lý của những con người đặc biệt. Bao giờ Hoàng Nga cho họ xuất hiện trong tác phẩm của bà?

Tổng hợp lại những khen chê, tôi xin nhắc lại ý anh Võ Phiến là “Hoàng Nga viết rất haỵ” Và tôi nói thêm đôi lời. Tôi mong được thấy thêm những truyện có giá trị như vậy, viết bằng một tấm lòng như vậy và một bút pháp tinh vi mà giản dị như vậỵ Những tác phẩm như Tháng Giêng Tháng Bảy Buồn Như Nhau vẫn còn là những nhu yếu phẩm văn học khan hiếm trên văn đàn Việt ngữ, quốc nội cũng như hải ngoại

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button