Nhắc lại trận lụt khủng khiếp năm 1964 tại Quảng Nam
Duy Lam
Vào năm 1964, Quảng Nam Ðà Nẵng và các vùng phụ cận đã bị một cơn lụt ghê gớm, có thể nói là “vô tiền khoáng hậu” và cũng chính vào dịp nầy, khi bay trên trực thăng thị sát vùng quê ngoại ngập chìm dưới làn nưóc lũ mênh mông cuồn cuộn, tôi mới hiểu ra cái tinh thần kiên cường và khả năng chịu đựng mọi hậu quả của chiến tranh và thiên tai bão lụt của khối dân nghèo xứ Quảng, thật khó tìm được từ ngữ để mô tả sao cho đúng.
Vì các sông chảy từ vùng núi phía tây đổ ra biển, lâu năm đất phù sa bồi lên càng ngày càng nhiều, nên khi mưa lớn trên nguồn đổ xuống với lưu lượng quá lớn, nước các sông sẽ dâng lên dần vượt quá giới hạn của các lòng sông cạn và hẹp, tràn ngập và lan mãi cho đến khi tất cả các khu vực thấp bị ngập lụt. Cái hiện tượng lòng các sông cạn hẹp nầy không phải là các kỷ sư thủy lợi cấp vùng không biết, mà vì tình trạng chiến tranh và giới hạn của ngân khoản không thể thực hiện việc nạo vét quy mô hay mở rộng các cửa sông chảy ra biển, trong đó lớn nhất là cửa sông Hàn với bề rộng của lòng sông lớn hàng đầu.
Buổi sáng, hôm nước sông Hàn bắt đầu dâng lên mới đầu rất chậm nhưng sau đó tăng rất nhanh, người Ðà Nẵng vẫn bình tĩnh và “bình chân như vại” kéo nhau ra bờ sông quan sát và bàn tán về mực nước và tốc lực của dòng cuốn. Rõ ràng người Ðà Nẵng không có vẻ lo âu chút nào về nạn lụt lội có thể lan đến các phố phường hai bên sông, vì đó là hiện tượng xưa nay chưa bao giờ xảy ra. Tôi cũng dùng phà công binh để sang Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn, nhưng sáng đó vì tốc lực dòng chảy bắt đầu mạnh và nhanh, nên cuối cùng đã phải cùng vị Tư Lệnh dùng trực thăng bốc qua sông.
Chỉ trong vài tiếng đồng hồ thôi, các tin tức của các đơn vị đồn trú tại lãnh thổ Quảng Nam tới tấp gởi về Bộ Tư Lệnh và càng ngày càng trở nên đe dọa và cấp bách hơn. Nhiều đơn vị Ðịa Phương Quân đã phải dời lên các gò hoặc vùng đất cao để tránh lụt, nhiều nhất là tại những cao điểm dọc theo con đường xe lửa xuyên Việt. Một số trực thăng Việt-Mỹ đã bắt đầu được gửi đến một số địa điểm các đơn vị cầu cứu, vì hầu như toàn thể lãnh thổ tỉnh Quảng Nam đã biến thành một biển nước mênh mông. Trực thăng khi đến đơn vị Lữ Ðoàn Ðại Hàn Thanh Long đã báo cáo về là Bộ Tư Lệnh của đơn vị nầy chỉ còn mũi các khẩu pháo là còn thò lên trên mặt nước, còn doanh trại cũng đã bị ngập dưới mấy thước nước.
Tại mỏ than Nông Sơn, mấy vị kỹ sư phụ trách được di tản về Ðà Nẵng đã mô tả nước nguồn xuống nhiều và mạnh đến độ ngấn nước dâng lên in hằn trên sườn các núi quanh mõ than cao có lẽ bằng một nhà cao tầng và cảnh tượng thật hãi hùng. Trên đường bay về Ðà Nẵng, các kỹ sư còn báo cáo là hầu hết các làng xã ở Quảng Nam đều bị ngập dưới nước và nhiều nhà cửa bị cuốn trôi với nhiều người dân bám vào hoặc ngồi trên những nóc nhà đang bị nước cuốn ra phía cửa biển. Ở Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn, tuy đa số các đơn vị quân đội đã được di tản an toàn và tổn thất về sinh mạng và quân dụng tuy có, nhưng không đến mức đáng lo ngại lắm, nhưng quân đội đã hầu như bó tay bất lực trong nổ lực cứu dân, vì chỉ có trực thăng là có thể được sử dụng còn các phương tiện tương đối lớn của công binh và hải quân đều không dám phiêu lưu rời nơi neo, vì dòng cuốn quá mãnh liệt không một tàu nào đủ mạnh để mạo hiểm vượt sông Hàn. Tất cả chỉ còn trông cậy vào số trực thăng của các đơn vị đồng minh. Phi đoàn trực thăng của không đoàn Việt Nam chỉ có vỏn vẹn không quá 10 chiếc Sikovsly cũ kỷ với động cơ nổ.. Vào buổi chiều ngày đầu tiên, tôi đã dùng xe jeep chạy dọc trên đường Bạch Ðằng để quan sát và nhận thấy nước sông chảy xiết và nhanh hơn tốc lực khoảng trên 30 km của xe. Tôi cũng như tất cả khối dân Ðà Nẵng tụm năm, tụm ba trên bờ, dều chứng kiến với sự ngạc nhiên và bất lực. đứng nhìn tất cả những mái nhà, thuyền bè và người bị cuốn bám vào các sà gỗ, tất cả đều bị cuốn vùn vụt theo dòng cuốn đổ ra biển. Ðôi khi một vài chiếc thuyền lớn dạt vào bờ và vỡ nát thành nhiều mảnh, vì sức đẩy quá mạnh của nước khi thuyền đâm vào bờ xi-măng. Vì không một chiếc tàu hay thuyền lớn nào dám chạy trên sông, và tôi nhớ chỉ rất ít những người may mắn dạt vào bờ được dân kéo lên cứu thoát. Tôi nhớ vào sáng thứ ba của cơn lụt, tôi và rất nhiều người dân trên đường Bạch Ðằng đã chứng kiến một cảnh tượng chắc khó quên và không thể tưởng tượng có thể xảy ra, khi một khúc của chiếc cầu sắt Eiffel độc nhất bắc qua sông Hàn ở khúc gần Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn từ từ ngã sang một bên rồi đổ xuống sông, giống như một cảnh quay chậm trong một cuốn phim chiến tranh. Cả năm về sau công ty Eiffel đã xây và dựng lại khúc cầu bị bão lụt tàn phá nầy, trong khi lực luợng công binh Mỹ cũng đồng thời bắt một chiếc cầu quân sự khá lớn cũng ở khúc sông nầy, có thể dùng để xe quân sự di chuyển hai chiều. Việc sửa cầu sắt hoàn tất chậm hơn, nên cầu Mỹ kiến tạo đã được khánh thành trước cầu Pháp. Khi dùng xe jeep đi qua cầu Mỹ vào buổi khánh thành, tôi nhớ lại với nụ cười cái búa “cổ lổ sĩ” đóng cọc của công ty Pháp chạy lọc sọc, và lâu lâu khối búa được kéo lên mới rơi xuống đóng vào đầu cọc, trong khi cái búa hơi ép của Mỹ đập lên đập xuống liên hồi hàng vài chục cái cũng trong cùng thời gian một nhát búa Pháp. Quả thật, qua đó tôi ý thức là khoảng cách về kỹ thuật chiến tranh giữa hai cuộc chiến Pháp rồi Mỹ tham dự trên cái mảnh đất chữ S nhỏ bé nầy quả là cách biệt.
Tôi cũng cùng với các đoàn thể hội đoàn Ðà Nẵng thành lập một Ủy Ban Cứu Trợ Nạn Nhân Bão Lụt. Thật ra quyên góp chẳng được bao nhiêu mà nhiệm vụ chính là phân phối đồ cứu trợ của các lực lượng đồng minh cho gia đình hơn 5 nghìn người dân xứ Quảng tử nạn.
Sự tàn phá của trận lụt đến tài sản và mùa màng, nhà cửa của dân Quảng quả thật khó lượng định, vì quá lớn và nói cho đúng dân nghèo đã trắng tay một lần nữa trước thiên tai với cường độ chưa từng thấy tại cái vùng đất từng đã chịu biết bao trận bão lụt trước đây.
(Trích từ bản thảo hồi ký “Những thành phố tôi đã sống qua” sắp in)