Nhà văn tiền phong Nguyễn Văn Xuân
Nguyễn Đình Tòan

Nguyễn Văn Xuân thuộc lớp nhà văn tiền phong của chúng ta. Ông khởi viết từ trước năm 1945. Nhưng mãi tới năm 1957, tác phẩm đầu tay của ông cuốn “Bão Rừng” mới được xuất bản. Đó là một trong những lý do khiến ông không được các độc giả biết đến nhiều. Mặt khác, ông thường viết những truyện về lịch sử, nhất là các nhân vật của ông hầu hết lại là những người cùng địa phương với ông như các lãnh tụ Văn Thân Nguyễn Hiệu, Phan Bá Phiến, Tổng Đốc Hoàng Diệu, cụ Trần Cao Vân vv… như trong cuốn “Hương Máu”.
Còn cuốn “Bão Rừng” ông viết về đời sống ở một đồn điền cao xu thời Pháp thuộc.
Thực ra, những đề tài như thế, các tiểu thuyết chất chứa rất nhiều những tài liệu, dữ kiện lịch sử như thế, đáng lẽ phải được đọc rất nhiều mới phải.
Không phải Nguyễn Văn Xuân không bám sát thời cuộc.
“Cây Đa Đền Cũ” của ông ghi lại thời kỳ kinh hoàng, vô chính phủ sau hiệp đinh Geneve, khi cộng sản rút đi, quốc gia chưa kịp tới, gần như người ta tha hồ chém giết, thanh toán nhau.
Trước 75 , độc giả miền Nam đã được đọc bản dịch cuốn tiểu thuyết “Người Đàn Bà Trong Cồn Cát” của nhà văn Nhật Bản Kobe, với khung cảnh lạ lùng nhân vật chính bị rơi vào một hố cát, bốn bề toàn cát, không còn cách gì thoát khỏi, thức ăn lẫn với cát, tắm rửa bằng cát.
Hai truyện “Dịch Cát” và “Xóm Mới” của nguyễn Văn Xuân cũng viết về một vùng gồm toàn động cát ở địa phương nơi ông sinh sống, trong vùng đó người ta sống và chết đều thê thảm ,rùng rợn.
Nguyễn Văn Xuân có một bút pháp riêng biệt, điềm đạm. Đọc ông, người ta có thể nhận ra ông cân nhắc từng chữ trước khi dùng.
Nếu người ta đọc và thường tỏ ra khâm phục cái tinh vi trong các nhận xét của Nguyên Tuân khi viết về một người sành uống trà trong “Vang Bóng Một Thời”, thì đôi khi người ta vẫn có cái khó chịu vì sự tác điệu của tác giả “Vang Bóng Một Thời” [ như cái kiểu nói “Tôi rước tôi ra đường” chẳng hạn].
Đọc “Tiếng Đồng” của Nguyễn Văn Xuân độc giả cũng được biết đến một cái “sành” khác : cái “sành” của một người “nghe tiếng đồng”. Tiếng đồng Nguyễn Văn Xuân nói ở đây là tiếng phèng la, tiếng chuông, những thứ được đúc bằng đồng. Nghe thì giản dị như vậy, thực tế, người ta không thể ngờ rằng, muốn đúc một cái chuông, cái phèng la có âm sắc, tiếng ngân đúng như ý muốn không phải chuyện dễ. Nhân vật Cảo của Nguyên Văn Xuân chỉ là một người nhà quê, không có học vấn gì, nhưng anh ta có đôi tai, cả làng P.K. cái làng ở kế cận làng tác giả, cả làng chuyên nghề làm chuông, làm
phèng la, đã nhờ vào đôi tai của Cảo mà bán được nhiều hàng hơn. Khi thợ trong làng đúc xong một cái phèng la, gọt từng ly đồng để cho chỗ dày chỗ mỏng đúng kích thước rồi, đến khi đánh thử tiếng kêu vẫn không đúng như dự tính. Vào cái thời ấy mọi sư tính toán của người ta hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm và cái “thính” của đôi tai mà làm ra các vật dụng ấy
thôi. Chủ thợ còn dang ngẩn ngơ chưa biết lý do thì nhân vật Cảo bước vào nói ngay: “ Cha này ẩu quá, loại này sao lại đánh bằng dùi quấn vải?Phải đánh bằng loại cây cứng chớ.Đánh vậy thì bào làm sao có tiếng được”.
Nguyễn Văn Xuân Viết :
“ Rồi không chờ đợi, hai con mắt đen thui thủi, có hơi hồng hồng, xám xám như hơi rừng núi hực lên. Anh xách đại một chiếc guốc đang mang, đập vào nhạc cụ. Đột nhiên và lạ lùng, chính tôi không hề phân biệt, mà cũng không bao giờ để ý phân biệt âm thanh của tiếng đồng, thế mà tự nhiên tôi có cảm tưởng rõ ràng là tiếng mới này hay hơn, phong phú và ngân vang hơn tiếng cũ nhiều”.
Một tù trưởng người Thượng, có rất nhiều chiêng, trong đó có một bộ lẻ một chiếc, lại là chiếc cổ nhất, lớn nhất mà vị tù trưởng quí hơn hết. Ông nói là nếu có ai tìm được cái chiêng bị mất, ông sẵn lòng mua giá cao nhất hoặc đổi gì ông cũng chịu. Cảo đã bảo đánh cho nghe. Anh nghe gần, nghe xa. Tự tay gõ cùng khắp, cả sấp lẫn ngửa cả trong lẫn ngoài, suốt buổi. Rồi anh nói , anh có thấy trong nhà một người Thượng ở Buôn Mê Thuột có cái chiêng y hệt cái này. Chắc là của ông bị mất. Nếu ông muốn mua lại, tôi đi lấy về cho. Dĩ nhiên là ông tù trưởng ngã giá, bằng lòng ngay. Anh liền về ủy thác cho ông cụ đúc cái chiêng thứ hai chỉ bằng vào trí nhớ ghi nhận được cả về kích thước kích thước lẫn âm thanh cái chiêng của người Tù Trưởng.
Phải hiểu thế nào là “chiêng đôi”mới biết “cái liều” cũng là “cái tài”của nhân vật Cảo của Nguyễn Văn Xuân thế nào.
“ Tôi theo ông cụ trở lại nhà trên. Ông cụ lấy hai cái phèng la, móc trên hai cái móc cách xa nhau hơn một thước tây, cùng theo một chiều với nhau, nghĩa là cái mặt phèng la phía sau nhìn vào lưng cái phía trước”.
Ông cụ bảo :
-Cái này lớn hơn cái trước nhiều. Tôi đánh, cậu nghe thử cái thứ hai ra sao.
Ông lấy dùi đánh mạnh. Tôi tự phàn nàn đôi tai mình kém quá, không nghe gì ở nhạc cụ thứ hai trước mặt nó cả.
Ông cụ cười ha hả :
– Thì tôi cũng không nghe chi hết. Lần này cậu thử nghe xem sao.
Ông lấy cái thứ nhất xuống, thay bằng một cái cùng cỡ và giống hệt như hai giọt nước với cái thứ nhất, rồi cũng dùng cái dùi ban nãy để đánh. Trước khi đánh ông còn bảo tôi:
– Loại này là đồ “chiêng đôi” Trà Bồng. Gọi thế chứ nó cũng là phèng la. Giọng Trà Bồng gồm có mấy giọng: Bù rốp [ cao ], Bù rắp lay, lay [ lớn và nhỏ ] Bù rớt Bù rởn. Đây là loại‘Lay giọng lớn.
Tiếng thùng … ngao phát ra từ cái phèng la ở phía sau thì lạ lùng. Tôi nghe như cũng có tiếng thùng… ngao như thế phát ra ở cái phía trước. Tôi tưởng mình nghe lầm. Nhưng rõ ràng là như thế. Rõ ràng không ai đánh, thế mà cái phía trước cứ kêu, mà kêu y hệt như cái thứ hai. Như hai đứa trẻ song sinh, đứa này bị đánh đau xót la hét thế nào thì đứa kia cũng đau xót la hét lên như thế.
Tôi buột miệng kêu lên :
– Giông nhau như đúc!
– Thì thế mới gọi là “đồ đôi” mà cậu.
– Nhưng làm sao cái chiêng này ở một nơi, cái chiêng kia một ngả mà anh Cảo cả quyết nó sẽ “đồng thanh tương ứng” với nhau như thế này được?
Thì tôi đã nói : Cảo là loại đặc biệt mà!
Tuy có thể gọi chung là phèng la nhưng chiêng vẫn khác phèng la vì cái “nướm” ở giữa và vì mặt nó không phẳng mà lại dợn sóng. Dợn sóng ấy không phải đúc ra như vậy. Nguyễn Văn Xuân cho biết như sau :
“ Nếu đúc ra thì nó không kêu. Chỉ khi nào đúc xong, lấy chân dận lên trên, rồi lận từ bên trong ngược ra cho nó dợn sóng, nó mới chịu kêu. Lấy dùi đánh vào nướm nó kêu bu rồi chuyển sang lu lu lu khi đi qua vòng cổ áo là bộ phận xoayquanh cái nướm. Cuối vòng cổ áo gặp đường dợn sóng khiến tiếng cũng dợn sóng theo u u ù ù ú u u. Từ đây âm thanh vangra đến vòng quỳ là vòng cuối cùng phát ra u u a a …Nhưng lại gặp cái vành dày, nó dội ngược cả tiếng lại nên rung mạnh cả mặt”.
Nhân vật Cảo của Nguyên Văn Xuân sống hoàn toàn tư nhiên, không có vẻ gì khoe khoang, kiểu cách, nhưng người đọc vẫn cảm nhận ở nơi anh một tâm hồn nghệ sĩ tài hoa.
Ngoài truyện, ông Nguyễn Văn Xuân còn viết rất nhiều sách biên khảo, trong đó các cuốn : “Phong Trào Duy Tân Ở Miền Trung”, “Chinh Phụ Ngâm diễn âm” và bộ “Văn Học Trình Diễn Ở Miền Nam” được các nhà chuyên môn đánh giá rất cao.
Nguyễn Đình Toàn