Nhà Phê Bình Văn Học Nguyễn Hưng Quốc với tác phẩm “Sống Với Chữ”
Người Viiệt Online, Feb. 2005
LTS. Nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc là một nhà biên khảo văn học Việt Nam rất có ảnh hưởng tại Úc và nhiều nơi khác trên thế giới. Ông hiện dạy Ngôn Ngữ, Văn Học, Văn Hoá và Chiến Tranh Việt Nam tại trường đại học Victoria, Úc; nguyên chủ bút tạp chí Việt; một trong những người chủ trương Trung tâm văn học nghệ thuật liên mạng Tiền Vệ (http://www.tienve.org). Ông cũng là tác giả của các tác phẩm nổi tiếng như Văn Học Việt Nam Dưới Chế Độ Cộng Sản (1991), Văn Hoá Văn Chương Việt Nam (2002). Vào ngày 20 tháng 2 tới đây, Sống với Chữ, tác phẩm thứ tám của ông đã được ra mắt tại trường đại học Victoria University (Melbourne), cùng với tác phẩm của giáo sư Nguyễn Ngọc Phách là Chữ Nho và Đời Sống Mới, Thành Ngữ Hán Việt Thông Dụng.
Ông Nguyễn Hưng Quốc còn là tác giả của những tác phẩm biên khảo có giá trị về văn học Việt Nam hội thoại trên đài Chân Trời Mới (phát về Việt Nam mỗi ngày từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối trên làn sóng 1503 Kí lô chu kỳ). Trong một chương trình phỏng vấn của Đài này, cô Nguyệt Như mở cuộc phỏng vấn ông Quốc về một tác phẩm mới nhất của ông: “Sống Với Chữ”. Chúng tôi xin đăng tải lại nguyên văn một phần của bài phỏng vấn:
Nguyệt Như: giáo sư, nếu tính từ năm 1988 là năm tác phẩm đầu tay của giáo sư – Tìm Hiểu Nghệ Thuật Thơ Việt Nam – ra đời, cho đến nay là 16 năm, và trong 16 năm đó GS đã viết 8 cuốn sách, gần như trung bình mỗi 2 năm một cuốn. Cũng được biết là trong mấy năm qua, GS vừa dạy vừa viết vừa học (nghiên cứu để đệ trình luận án tiến sĩ). Xin GS cho biết trong 3 lãnh vực vừa Xin kính chào giáo sư Nguyễn Ngọc Tuấn, tức nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc, đâu là lãnh vực GS cảm thấy hứng thú nhất trong mấy năm vừa qua? Tại sao?
Nguyễn Hưng Quốc: Trong ba công việc: viết sách, dạy học và soạn luận án, việc tôi thích nhất là viết sách và chán nhất là soạn luận án. Nằm ở giữa, đong đưa giữa cái thích và cái chán là việc dạy học, một công việc cần sự tương tác giữa thầy và trò, ở đó niềm vui hay nỗi buồn tuỳ thuộc khá nhiều vào sinh viên. May mắn là trong đời đi dạy của tôi, niềm vui nhiều hơn là sự chán nản. Một phần là mỗi năm tôi thường dạy nhiều lớp, nhiều trình độ khác nhau; do đó, nếu buồn hay chán ở nơi này thì lại được niềm vui và sự phấn khởi ở những nơi khác. Hơn nữa, phần khác, sinh viên nói chung, nhất là sinh viên Việt nam nói riêng, khá dễ thương, vừa hiền lành vừa có tình. Đó là việc dạy học. Còn việc viết sách thì hẳn nhiên là vui rồi. Hình như trong đời, tôi không có đam mê nào lớn hơn việc đọc sách và viết sách. Thế giới chung quanh tôi có thể nói toàn là sách báo. Suốt cả ngày nếu không bận họp hành hay lên lớp bao giờ tôi cũng đọc sách. Đọc nhiều nên nhu cầu viết cũng lớn. Mỗi lần viết, nhất là viết được như ý mình muốn, sướng không thể tả được. Riêng việc viết luận án, tuy cũng là viết, nhưng đó là cái viết của học trò (dù là học trò cao cấp), cái viết trong khuôn khổ, đầy những ràng buộc, những phép tắc, nên không có những lúc phóng bút hả hê như là lúc viết sách hay viết báo.
NN: Xin giáo sư có thể cho biết nội dung của luận án tiến sĩ ông nghiên cứu trong mấy năm qua được không? Và nếu phải so sánh với một tác phẩm cũng mất vài ba năm để hoàn tất thì công việc nào thử thách hơn? Tại sao?
NHQ: Đề tài luận án của tôi là về mối quan hệ giữa văn học và chính trị trong nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Socialist Realism in Vietnamese Literature: An Analysis of the Relationship Between Literature and Politics). Thật ra mối quan hệ giữa văn học và chính trị đã được chú ý từ lâu. Cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm, ở Hy Lạp, triết gia Plato đã nhấn mạnh đến ý nghĩa chính trị của văn học và đề nghị trục xuất nhà thơ ra khỏi nước cộng hoà lý tưởng của ông sau khi đã choàng lên đầu họ một vòng hoa nguyệt quế. Ở Trung Hoa thời cổ đại, Đức Khổng Tử cũng nhận ra ý nghĩa chính trị lớn lao của văn học, do đó, ông nói: “Thi khả dĩ hưng, khả dĩ quần, khả dĩ oán…” nghĩa là thơ có thể làm cho người ta phấn chấn lên, gần gũi với nhau, hoặc đâm ra oán hận nhau, v.v… Quan niệm như thế cho nên ông mới bỏ công sưu tập tập Kinh Thi, gồm những bài ca dao và dân ca thời bấy giờ. Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của những bài ca dao và dân ca ấy, theo ông, là “Tư vô tà”, tức không có tà tâm, không có ý xấu. Với đặc điểm ấy, ông tin là Kinh Thi sẽ có chức năng giáo dục tốt và có ảnh hưởng tốt về chính trị. Đến khoảng thế kỷ 18, nhất là trong thời kỳ Cách mạng Pháp diễn ra sôi nổi, giới trí thức châu Âu lại càng nhận thức được ý nghĩa chính trị sâu sắc của văn học. Thời ấy người ta xem nhà văn và nhà thơ như những nhà lãnh đạo công luận, những người hướng dẫn quần chúng. Quan niệm này đã ảnh hưởng sâu đậm đến Karl Marx và Engels, hai người sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản. Có thể nói không có chủ thuyết nào lại đề cao ý nghĩa chính trị của văn học cho bằng chủ nghĩa cộng sản. Tuy nhiên, việc đề cao ấy lại dẫn đến hậu quả là văn học bị biến thành một công cụ, thuần tuý là một công cụ của chính trị. Ở Liên xô trước đây như vậy. Ở các quốc gia Đông Âu trước đây cũng như vậy. Ở Trung Hoa lục địa cũng như vậy. Và ở Việt Nam dĩ nhiên cũng như vậy. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là: mức độ của mối quan hệ ấy ở các nước khác nhau như thế nào? Cách thức xử lý mối quan hệ ấy giữa các nước khác nhau như thế nào? Đó chính là những trọng tâm mà tôi đặt ra trong luận án của mình. Nói cách khác, tôi muốn tìm hiểu lại quá trình du nhập của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa vào Việt Nam, so sánh chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Nga, ở Pháp và ở Trung Quốc, và cố gắng lý giải những sự khác biệt cũng như tường đồng giữa các nền văn học ấy, v.v… Nói cách khác nữa, thực chất luận án của tôi là một thứ văn học so sánh (comparative literature), nó nhắm vào mối liên hệ giữa ba hay bốn nền văn học khác nhau chứ không hẳn chỉ tập trung vào nền văn học Việt Nam.
Công việc nghiên cứu và viết luận án này khó hơn việc viết sách vì thứ nhất là phải viết bằng tiếng Anh chứ không phải bằng tiếng Việt, ngôn ngữ mẹ đẻ và cũng ngôn ngữ mà tôi thông thạo hơn hẳn. Thứ hai là phải cố gắng thuyết phục các giám khảo và các độc giả ngoại quốc, những người không có cùng kinh nghiệm và mối đồng cảm với mình.
NN: Tác phẩm Sống với Chữ mà giáo sư ra mắt vào Chủ Nhật này, 20 tháng 2 năm 2005, được giới thiệu là tập hợp những bài viết được tác giả xem là hiền lành nhất của mình, nhắm đến sự đồng cảm hơn là khiêu khích hay thách thức. Phải chăng những tác phẩm trước đây được đánh giá là khiêu khích hay thách thức? Hay đó cũng là mục tiêu của giáo sư để tạo ra những tranh luận bổ ích tìm hướng đi mới của nền văn học Việt Nam hiện nay?
NHQ: Không phải cuốn sách nào của tôi cũng có tính chất khiêu khích hay thách thức người đọc. Hai tác phẩm đầu tiên, Tìm hiểu nghệ thuật thơ Việt Nam (1988) và Nghĩ về thơ (1989) được viết một cách nhẹ nhàng, thơ mộng. Cuốn sách thứ ba và thứ tư của tôi, một cuốn về văn học Việt Nam dưới chế độ Cộng sản (1991) và một cuốn về nhà văn Võ Phiến (1996) cũng được viết một cách nghiêm túc, với tư cách là một nhà nghiên cứu, làm việc với tài liệu, nói có sách mách có chứng, chứ không khiêu khích ai. Chỉ có ba cuốn sách gần đây nhất, từ Thơ, v.v… và v.v…. (1996) đến Văn học Việt Nam từ điểm nhìn h(ậu h)iện đại (2000) và Văn hoá văn chương (2002), tôi mới hay đặt ra những vấn đề có thể gây sốc và trên thực tế, từng gây tranh luận sôi nổi trên nhiều tờ báo văn học hải ngoại, như cuộc tranh luận về vấn đề trí thức và phản trí thức trên tờ Hợp Lưu, vấn đề tính chất nghiệp dư trong văn học Việt Nam hay cách hiểu và đánh giá bài thơ Con cóc (Con cóc trong hang / con cóc nhảy ra / con cóc nhảy ra / con cóc ngồi đó / con cóc ngồi đó / con cóc nhảy đi….) trên tờ Văn Học ở California, v.v…
Còn cuốn Sống với Chữ thì khác. Cuốn sách gồm hai phần. Phần thứ nhất, về ngôn ngữ, ở đó, chủ yếu tôi chỉ tập trung vào việc phân tích những cái hay cái đẹp của tiếng Việt, những đặc điểm nổi bật nhất của tiếng Việt cũng như của việc dạy và học môn tiếng Việt. Phần thứ hai, về văn học, tôi chỉ viết về một số kỷ niệm giữa tôi và một số văn nghệ sĩ như Mai Thảo, Võ Phiến và Lê Thành Nhơn, cũng như một số nhận xét bước đầu của tôi về một số nhà văn khác như Phan Khôi và Võ Đình. Ở cả hai phần, về ngôn ngữ cũng như về văn chương, tôi chỉ đóng vai trò người thưởng ngoạn và phân tích hơn là đánh giá hay phê phán. Tôi gọi cuốn Sống với Chữ hiền lành là vì vậy.
NN: Có phải vì quá bận rộn trong những năm qua nên giáo sư chưa tìm ra thời gian và đề tài cho tác phẩm mới? Hay lý do nào làm giáo sư trở thành “hiền ra” để “nhắm đến sự đồng cảm” trong tác phẩm Sống với Chữ?
NHQ: Tôi “hiền” ra là vì đề tài nó thế chứ không phải do tôi muốn. Tôi không tin là mình có thể thay đổi ngôn ngữ được nhiều nên không tập trung vào việc phê phán. Ngôn ngữ là của chung trong xã hội. Ngôn ngữ là của mọi người. Khi mọi người trong xã hội chấp nhận, người cầm bút cũng phải chấp nhận. Do đó, không “hiền” cũng không được. Còn về đề tài mới thì hầu như lúc nào tôi cũng có sẵn. Tôi không gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đề tài. Văn học Việt Nam như một khu đất trống, còn rất nhiều vấn đề cần được khai triển, mổ xẻ, phân tích, tha hồ cho giới phê bình làm việc.
NN: Tiêu đề “…Và những thứ con khác”, giáo sư có kết luận như sau: “Sống trong một xã hội như xã hội Việt Nam, chỉ có thánh may ra mới không biết chửi tục.” Dầu có đồng cảm phần nào nhận định này nhưng người đọc có thể cảm giác hơi cay đắng từ nơi tác giả trong nhận định đó. Có đúng như vậy không thưa giáo sư?
NHQ: Trước hết, nói về vấn đề chửi tục, có mấy điều cần ghi nhận. Thứ nhất là từ khá lâu, ít nhất là cách đây khoảng 4, 50 năm, đã có nhiều người chú ý đến hiện tượng hay chửi tục của người Việt Nam. Vào đầu thập niên 60 ở Sài Gòn, giáo sư Nguyễn Văn Trung viết hẳn một cuốn sách nhan đề Ngôn ngữ và thân xác trong đó đề cập đến hiện tượng chửi tục của người Việt; nhà văn Võ Phiến cũng viết hai bài tiểu luận về đề tài này. Nghe nói có người còn soạn hẳn một luận án tiến sĩ ở Pháp về hiện tượng chửi tục. Thứ hai, hầu hết các tác giả vừa được nhắc đều cho là thói chửi tục rất phổ biến ở Việt Nam, hơn nữa, họ còn cho là người Việt Nam chửi tục khá hay, thường có vần có điệu, lên bổng xuống trầm và có lúc miên man từ giờ này qua giờ khác, thao thao bất tuyệt.
Vấn đề là tại sao người Việt Nam lại hay chửi tục như vậy? Các nhà văn tôi vừa nhắc nêu lên những cách kiến giải khác nhau. Tuy nhiên, riêng tôi, xuất phát từ kinh nghiệm nhiều lần về Việt Nam, tận mắt chứng kiến thực trạng ở Việt Nam, tôi cho một vài câu chửi tục cũng có tác dụng thư giãn tinh thần. Rất nhiều người trong nước cũng nhận định tương tự. Họ cũng bất mãn, cũng dằn vặt khó chịu và cũng muốn “xổ nho”. Người hiền từ thì đành nhún vai than thở “cái nước mình nó thế”. Cái câu nói “cái nước mình nó thế” hiện nay rất phổ biến trong nước. Nếu trong câu viết của tôi có gợi lên chút gì như là cay đắng thì có lẽ cũng phải thôi. Phải vô tâm lắm người ta mới không có chút cay đắng ấy.
NN: Trước đây, giáo sư Nguyễn Ngọc Phách đã từng nói đại ý rằng muốn giỏi tiếng Việt thì bắt buộc phải giỏi Hán Việt. Giáo sư có đồng ý với nhận định này không? Và tầm ảnh hưởng thực tế của Hán Việt sẽ ra sao đối với tiếng Việt và văn học Việt Nam trong những thập niên tới đây?
NHQ: Hẳn nhiên là việc biết chữ Hán Việt sẽ giúp chúng ta hiểu tiếng Việt sâu sắc hơn. Cũng giống như ở Tây phương, việc biết tiếng Latinh và Hy Lạp cổ sẽ giúp người ta hiểu tiếng Anh hay tiếng Pháp sâu hơn. Tuy nhiên, điều hiển nhiên này dù sao cũng có giới hạn. Thứ nhất là, dù vay mượn khá nhiều từ Hán Việt, tiếng Việt hiện nay cũng là một sinh ngữ độc lập, không ngừng phát triển và thay đổi, không còn lệ thuộc hoàn toàn vào từ gốc nữa. Thứ hai, người ta có thể bù đắp việc thiếu hụt vốn từ Hán Việt bằng cách chịu khó tra cứu từ điển Tiếng Việt. Ví dụ, lâu nay có rất nhiều người lẫn lộn giữa các từ như “yếu điểm” và ‘điểm yếu”, “đồng tính luyến ái” và ‘đồng tình luyến ái”, v.v… Lẫn lộn như thế rõ ràng là vì không có vốn kiến thức căn bản về từ Hán Việt. Nhưng để khắc phục sự lẫn lộn ấy, người ta không cần phải bỏ công học chữ Hán mà chỉ cần tra từ điển tiếng Việt thông dụng cũng đủ. Tôi biết rất nhiều nhà văn và nhà thơ hàng đầu của Việt Nam không hề biết chữ Hán. Mai Thảo không biết chữ Hán. Thanh Tâm Tuyền có lẽ cũng không biết chữ Hán. Vậy mà họ vẫn là những bậc thầy về tiếng Việt.
NN: Tốc độ phát triển của tiếng Việt và nền văn học Việt Nam ở trong nước so với hải ngoại khác nhau nhiều không thưa giáo sư? Và chủ yếu là do đâu? Tại sao?
NHQ: Câu hỏi gồm hai khía cạnh khác nhau: tiếng Việt và văn học Việt. Hai khía cạnh ấy khác nhau. Tiếng Việt ở hải ngoại thì càng ngày càng nghèo và càng cũ đi. Nhưng văn học thì không hẳn như thế. Một phần vì nói đến ngôn ngữ là nói đến đại chúng; nói đến văn học là nói đến việc sử dụng ngôn ngữ của một số người, những người yêu mến và có năng khiếu đặc biệt về ngôn ngữ. Phần khác, trong văn học, ngoài ngôn ngữ còn có nhiều yếu tố khác như kiến thức, kinh nghiệm, tầm nhìn về văn học cũng như về cuộc đời nói chung. Trong những trường hợp này, ở hải ngoại có khi lại được nhiều thuận lợi hơn là ở trong nước.
NN: Nhiều người cho là những kinh nghiệm hay vốn sống ở hải ngoại xa lạ với Việt Nam, là không có chất Việt… Giáo sư nghĩ sao về nhận định này?
NHQ: Thật ra, thứ nhất, cái gọi là “chất Việt” hay “Tính Việt” không phải là cái gì cố định hay thuần nhất. Với mỗi người và mỗi thời kỳ, do nhu cầu chính trị khác nhau, người ta lại đưa ra những định nghĩa về ‘chất Việt” hay ‘tính Việt” khác nhau. Thứ hai, bản sắc hay cá tính của một dân tộc, cũng như của một con người, không ngừng thay đổi trong quá trình giao lưu, hơn nữa, chính nhờ sự giao lưu ấy mà nó trở thành giàu có và đẹp đẽ hơn. Trong lịch sử, văn hoá Việt Nam từng nhiều lần chuyển mình nhờ những sự giao lưu như thế. Không có sự tiếp xúc với những yếu tố “phi-Việt” trong nền văn hoá của Ấn Độ, của Trung Hoa, của Chiêm Thành hay của Pháp… văn hoá Việt Nam chắc chắn không được, không như bây giờ. Bởi vậy, theo tôi, cái gọi là thiếu ‘chất Việt” hay “tính Việt” của cộng đồng hải ngoại không hề là một vấn đề. Có khi, ngược lại, đó là một cơ may. (NN)