Nguyễn Nam An

Hoàng Xuân Sơn 

Tên thật Lê Văn Mùi. Bút hiệu khác An Phú Vang. Sinh tại
Ðà Nẵng Quảng Nam. Cựu học sinh Phan Chu Trinh. Hiện
định cư tại Hoa Kỳ.

Tác phẩm đã xuất bản:

Tôi Chim Ngủ Ðậu Cành Xanh (thơ, Nhân Văn xuất bản 1996)
Thức, Buồn Chi (thơ, Nhân Văn xuất bản 1996)
Biển Thuở Chờ Ai (thơ, Văn 2000)
TiCi (thơ, Tân Thư, 2000)

Nguyễn Nam An, Người Thơ Xông Xáo

Hoàng Xuân Sơn 

Tôi gọi ngay Nguyễn Nam An (NNA) , bút hiệu khác : An Phú Vang là nhà thơ xông xáo . Trước mặt tôi là hai tập thơ của NNA mới phát hành . Một : Biển Thuở Chờ Ai (BTCA) – Văn xuất bản tháng 3 năm 2000 . Hai : Thơ TiCi (TC) – Tân Thư xuất bản năm 2000 . Hai tập thơ in liền một lúc giữa thời buổi thơ ca “khó như gì” đã chứng tỏ bản chất xông xáo của người thơ NNA . Chưa hết, mở hai thi tập, chỉ mới đọc thoáng đã thấy NNA bay nhảy cực kỳ : Mới vừa ở Santa Ana thoắt cái đã chạy xuống Houston hỏi thăm người nữ . Rồi trở về Sàigòn hành quân qua Xuân Lộc. Bay lên cao nguyên “gọi người yêu dấu xa v(c)i …”. Lui về Nam Ô trấn thủ những ngày thơ ấu cũ. Rồi quay lại phố Bolsa ngồi trầm ngâm bên cốc cà phê “cái nồi” … Ở đâu, bất cứ địa danh nào, NNA cũng để tơ lòng chùng xuống và nguồn thơ lai láng trào dâng. Thơ đong đầy kỷ niệm và vẽ chân dung của hiện tại muôn bề . Xót xa có, thơ mộng có, nhớ nhung có, ê chề có. Nhưng trên tất cả, NNA đã đèo nặng một nguồn thơ nguyên chất, ngồn ngộn sức sống. Như nham thạch, chưa bị thời gian đẽo mòn và lửa cuồng nhân sinh thiêu đốt. Nói như Tưởng Năng Tiến : những câu thơ nồng nàn của NNA là những tín hiệu sống động (vital signs) … và nếu một ngày nào đó bắt NNA ngưng làm thơ, anh cũng sẽ ngừng thở không lâu, sau đó. Tôi cũng không mảy may nghi ngờ trái tim nồng nàn đa cảm của NNA. Trái tim ứ đầy tình thơ luôn đi tìm những mạch sống ẩn hiện trong khắp cùng thời gian không gian, những khoảnh khắc, những nơi anh đã đến, ẩn mình, đã đi, đã trở về để khơi đều những nhịp đập trần gian . BTCA và TC là hai tập thơ tình thuần túy. Dù là tình yêu nam nữ, tình quê hương, tình bạn bè, tình đồng đội .. vv .. tất cả đều được trân trọng trong một mối tình lớn NNA : một chữ TÌNH viết hoa.
“Anh sẽ còn làm thơ tình như ngày thương em trăng soi trên giòng sông nước cạn .
Anh sẽ còn làm thơ tình cho em . . . . .
Bài thơ vàng màu trăng đêm soi đầu ngõ hay xanh màu áo em đêm phiêu lãng lần đầu
Từ dạo đó anh mang tình sầu thuở lớn . . . . ” (TC – trang 7)
NNA khởi làm thơ từ chuỗi ngày hoa niên thơ mộng. Thơ anh tràn đầy những hình ảnh dịu hiền của mưa nắng thân thương thời mới lớn.
“Ngày xưa thơ bay hoa cau hoa bưởi
Buổi sáng vườn trầu buổi tối vườn cam
Một chuyến đò ngang một sông tản mạn
Một nắng dịu vàng một ướt mưa sang ” . . . (TC – trang 16)
Một lần mưa ướt tóc cũng đủ khắc dấu tình đầu ngô nghê :
“Mưa ngày xưa là mưa con nít thôi
Ướt anh thằng cu ướt em con bé
Có sợ gì đâu có chi tránh né
Nhiều nhất thêm lần ướt tóc em ơi! ” . . . (BTCA – trang 20)
Rồi cũng có lúc bứt lìa nơi chôn nhau cắt rốn . Ði giữ quê hương như bao người trai thời ly loạn . “Ðà Nẵng nhớ về thấp thoáng xưa có ngư(c)i hỏi lần cuối bên hiên. Sao bỏ mà đi, bỏ lớp bỏ trường bỏ ngày nắng mới “‘để rồi : “Cắm cúi nhớ về lòng giếng xưa nước trong soi màu mắt Tôi rớt xuống ướt đời mình trèo lên mặt đất vọng động mối tình câm . Hai mươi năm hồn em đã ngủ yên lòng tôi nỗi niềm trăm sóng động . Nhủ lòng Nam Ô đã xa rồi như buồn trăng nam ổ giờ ngủ với vàng đêm.” (BTCA – trang 45, 46)
Và khi nỗi nhớ chỉ còn là tiếng gọi thầm :
“Gọi em là mưa trên đầu ngọn núi
Nước mát lòng khe uống nhé yêu thương
Gọi tên giòng sông vang trong trí tưởng
Nay núi mai rừng đi giữ quê hương ” . . . (BTCA – trang 47)
Những ngày ở quân ngũ là một cái mốc thời gian lớn trong cuộc đời NNA. Chính khi ở lính hay khi nhớ về quãng đời chinh chiến, NNA đã viết được nhiều bài thơ hay; mỗi bước đi một ngậm ngùi cho quê hương, cho đồng đội hay cho chính mình .
“Mây lưng núi nặng buồn theo đường pháo
Ai líu lo chiều nhặt củi trên đồi
Ðâu cũng là quê hương bao chìm nổi
Buồn hay vui lòng hố cá nhân tôi ” . . . (BTCA – trang 90)
Những đoạn tình buồn thả vào cuộc chiến như những cánh thư không hồi đáp :
“Anh gởi niềm tin nơi cụm sim rừng Gò Dài xa lắc
Ngồi dưới poncho nghe mưa hiu hắt Trường Sơn
Thằng nào không buồn nhớ ngày đi học
Tấp bạt mạng, sống trở về, . . . .
Mày gởi cho ai thơ tình buồn thả từ đèo Hải Vân xuống biển
Cũng may đời còn thương đất giấu mìn chân chưa lần vướng
Tao mày chưa đến nỗi trở về bại tướng cụt chân trong buổi chiều đất nước tang thương ” . . . (BTCA – trang 71)
NNA làm thơ dưới nhiều thể loại khác nhau. Trong hai thi tập BTCA và TC, thơ lục bát chiếm đa số. Ðây cũng là sở trường của anh. Tôi đọc thấy những bài sáu tám ngôn ngữ bình dị, không kiêu sa lộng lẫy, thật an nhiên, mang một vẻ đẹp nhẹ nhàng kín đáo; như phơn phớt má hồng …
“Em về Nam Ổ còn ai
Chân Mây ngó xuống biển hoài ngóng lên
Em là trăng của đôi miền
Là Tiên Sa nhớ thuở biền biệt khi
Là Ðà Nẵng một lần đi
Quan tài . Ðứng lại . Nhớ gì trường không
Em về đâu sóng mênh mông
Thời anh. Ði. Ở. Còn trông ngóng hoài ” (BTCA – trang 83)
Một nỗi vui len lén, nhẹ gót theo người tình :
“Chào sương cúi phố chào xe
Bôn ba đường ngườc tôi về đường xuôi
Chào cây nhánh mới đưa vui
Hỏi em đêm ngủ có ngời chiêm bao ” … (BTCA – trang 104)
Và nhiều câu lục bát thơ mộng khác trong TC, một tập thơ hầu như dành riêng cho ngư(c)i nữ ở khắp nơi trong cuộc đờii tình .
“Ngủ yên chi, giấc chiều sang
Dặm ngàn thung lũng, dặm bàng hoàng vương
Lên non tưởng dễ quên buồn
Nào hay em vẫn về nương bên đời ” . . . (TC – trang 33)
Vẫn nhiều lúc cô đơn. Ði hoài như người tình đơn phương .
“Ði như sóng cứ đi hoài
Một hai đi nữa đường dài (dài hơn)
Trăng sừng trâu móc cô đơn
Nửa đêm trên núi vẫn đường ngườc xuôi
Em bên người, tôi bên trời
Nhớ nhau ngoái lại : Nửa đời trắng mây ” (TC – trang 64)
Nhưng dầu gì cũng xin cám ơn người, xin tạ ơn đời, đã giữ gìn nhau được chút an nhiên cho cõi sống chia đều gánh mộng .
“Tưởng ôm trăng ngủ giữa đời
Tưởng ôm thơ giữa lòng người mai sau
Một ngày hoa bưởi hoa cau
Bỗng nhiên trắng rụng chờ nhau chốn nằm
Tôi cao thấp với mười năm
Tôi an nhiên với mùa trăng đi về
Mặc đèn sương phố đêm chia
Ân cần tôi gánh vai kia ơn người ” (TC trang 88)

Tôi mới gặp NNA lần đầu cách nay không lâu. Một nhân dáng rất trẻ. Quá trẻ so với cõi thơ hùng hậu và khá già dặn của anh. Thật ra chúng tôi đã biết nhau khá lâu từ hồi còn mồ ma tờ Nhân Văn của các bạn Tưởng Năng Tiến, Lý Khánh Hồng, Thượng Văn v..v.. Hồi đó NNA đã là một cây viết xông xáo. Hầu như anh làm một chân tiếp ứng thường trực trên sân cỏ Nhân Văn. Giờ này cũng vậy. Thơ NNA tràn ngập khắp các báo văn nghệ và có tiếng vang đáng kể. Cho đến giây phút này anh đã tích lũy được 04 tập thơ và 01 CD về thơ. Ðó là một tài sản đáng chú ý của một người làm thơ giữa thời buổi khó khăn. Ngoài thơ, NNA còn viết truyện. Nhưng thật ra chỉ có thơ mới biểu lộ được sức viết sung mãn và hồn hậu như tính tình mau mắn của anh (thể hiện qua sự quảng giao bằng hữu trên liên mạng). Anh đã mang một tinh thần hướng đạo phụng vụ cho thơ ca và xông xáo giữa cõi đời. Một nét đặc biệt khác của NNA : Anh thích đưa ngôn ngữ đời thường, trần trụi vào trong thơ. Những ngôn từ trẻ, thời thượng, kiếm hiệp, có vẻ “bụi” một tí khiến gây một cảm giác gần gụi thân quen khi mới đọc. Nhưng liệu sử dụng quá liều lượng có vượt quá giới hạn của chất thơ hay không? Thử đọc một vài đoạn :
“Vì quá bực mình em rầy rà đôi khi : “you loạng quạng!
Cho tôi ăn cơm “tay cầm” mì gói đều chi
Thênh thang làm thơ đem in về chất đống
Tôi thành nhà thơ … Thùng! Thùng! Thùng! …
Như giấy vụn đôi khi! “. . . (BTCA – trang 138) ”
“Khi Lệnh Hồ Xung cầm tay Doanh Doanh hỏi
Sao em không nhắc nhớ giùm dể tôi nói yêu em
Nên hôm nay đã xa có chiều say ngóng với
Ðường giang hồ tôi bia – Bud – cạn – buồn vui ” . . . (TC – trang 54)
“Những ngày đen đá cà phê
Nồng lên khói thuốc vỉa hè Bolsa
Tình sầu … nghe Tuấn Ngọc ca
Ý Lan đậm VẾT SÂU mà cố thương ” . . . (BTCA – trang 109)
“Ngồi viết ‘procedures’ ngồi ‘generate specifications’
Không vui bằng ngồi làm thơ
Làm thơ nhớ tóc em thơm hương bồ kết ” . . . (TC – trang 59)

Dầu gì, NNA cũng đã tạo được cho mình một tiếng thơ riêng biệt. Một tiếng thơ tự nhiên không cầu kỳ, chắt lọc. Thơ của anh có nhiều điểm tương đồng với lối viết dung dị, lành nhưng vẫn có nhiều ý tưởng đột phá độc đáo của Luân Hoán, Quan Dương… Anh giữ đư(r)c nét đặc thù về ngôn ngữ thơ ca : để nguyên chất liệu sần sùi thô thiển của đất đá – Không vận dụng sự khéo léo nào để làm cho câu cú được trơn láng hơn . Có cần thiết lắm không?

Hoàng Xuân Sơn
Tháng ba năm hai ngàn lẻ một

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button