Nguyễn Khánh Sơn: Tản Mạn về Bà Tùng Long

 (Nhân đọc tin bà phát hành Hồi Ký Bà Tùng Long)

Tôi làm quen với truyện bà Tùng Long từ lúc còn bé.  Đó là khoảng năm 60 khi tôi mới học lớp ba được theo mẹ vào Sài gòn.  Trong không khí ồn ào của bến xe đò trước giớ khởi hành  trở về miền trung tôi nghe những tiếng rao hàng inh ỏi.  Tôi  chỉ xin mẹ mua mấy cuốn sách để đọc khi đi đường.   Bà đã mua cho tôi cuốn “Bóng Người Xưa” của bà Tùng Long, và một vài cuôn sách khác.   Đó là lần đầu tiên tôi được mẹ mua truyện dài cho đọc.  Chuyến đi xa ở tuổi thơ ấu đó tôi được thấy SàiGòn, đuợc đọc sách người lớn.  Tôi cảm thấy mình lớn hẳn ra hơn những bạn cùng lớp.

Tôi đọc say sưa cuốn “Bóng Người Xưa”  trên chuyến xe đò Phi Long Tiến Lực.  Không biết vì lý do gì tôi vẫn còn nhớ cuốn truyện đó cho đến ngày hôm nay.  Thời gian  qua mau.  Ký ức tôi đã phai mờ nhiều. Nhưng tôi vẫn còn mang máng nhớ đến cuốn truyện dài đầu tiên tôi được đọc.  Câu chuyện đại khái như sau:  Một cô gái có học ở Sài Gòn ra Nha Trang kiếm việc trong thời kỳ Pháp thuộc.  Cô được một ông chủ nhà giàu goá vợ thuê làm cô giáo  dạy kém cho các con của ông ta.  Cô ta được các con của ông chủ rất yêu mến, và sau đó ông chủ cũng mên cô ta luôn. Và cô trở thành bà chủ. Trong thời gian làm bà chủ, cô được biết là bà chủ trước đã bị mất tích chứ không phải chết.  Sau cùng cô ta đưọc biết là trưóc khi bà chủ mất tích bà để lại một giỏ đồ và đôi dép bên bờ sông.  Hình như khúc sau có một tình tiết gì gì đó nữa nhưng bây giờ tôi quên mất.

Tôi chỉ nhớ đến đó và nhớ thêm là ở cuối truyện nhà xuất bản giới thiệu với độc giả:  Nhớ Đón Đọc “Người Xưa Trở Về”.

Sau nầy tôi đọc thêm một số truyện của bà Tùng Long nhưng tôi không bao giờ tìm được cuốn Người Xưa Trở Về.  Tôi rất thắc mắc  vì không biết  câu chuyện sẽ kết thúc như thế nào.  Nó như một bài toán mà tôi không có đáp số.

Khoảng năm 1985 tôi gặp nhà văn Nguyễn Đức Lập trong khi làm báo Tin Việt ở California với nhà báo Nguyễn Thượng Hiệp, tôi được biết bà Tùng Long chính là thân mẫu của anh Nguyễn Đức Lập (Nhà văn Nguyễn Đức Lập là tác giả  tập truyện Cuộc Chiến Tàn Chưa? và giữ  mục  Hương Giáo Đề Thơ  hàng tuần  cho tờ Thời Baó ở California).  Sau nầy tôi  hỏi anh về tác phẩm Người Xưa Trở Về  thì anh cho biết là tác phẩm đó bị kiểm duyệt cấm lưu hành, và truyện Bóng Người Xưa cũng bị kiểm duyệt thu hồi.  Anh cho biết thêm là trong câu chuyện đó, người vợ trước của ông chủ đã vào bưng theo cách mạng, và sau đó trở về móc nối với cô chủ mới theo cách mạng.  Rồi sau đó ông chủ cũng theo cách mạng luôn.

Tôi hỏi anh Lập sao mà cụ là dám viết … ngon vậy.  Anh Lập cho biết, cụ thân sinh của anh là nhà cách mạng, theo  Việt Nam Quang Phục Hội của cụ Phan Bội Châu từ thuở nhỏ.  Cũng đã từng đi Tàu đi Nhựt.  Cụ có nhiều liên hệ với Việt Nam Quốc Dân Đang.  Truyện nầy đưọc bà cụ viết theo bối cảnh chống Tây  của Việt Nam Quốc Dân Đảng.  Trong khi đó thì ở ngoài Trung mấy ông Đai Việt và Quốc Dân Đảng đang lập chiến khu khi chống chính quyền Ngô Đình Diệm nên Bộ Thông Tin không cho tác phẩm nầy ra đời.  Sau ngày đảo chánh TT Diệm, bà đã sửa lại cả hai truyện và cho ra đời dưói tựa đề Một Bóng Người và Người Đã Trở Về.

Khi tôi lên trung học thì không khí văn học miền Nam rầm rộ lắm.  Những  nhà văn lớn như Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền etc, ngự trị trên văn đàn miền Nam.  Tôi đọc các tác phẩm của Mai Thảo, như “Viên Đan Đồng Chữ Nổi”,  nhưng tôi không nhớ được nội dung một tác phẩm nào.  Các nhà phê bình văn học đều cho các ông là nhà văn lớn, tôi vẫn tin là thế.  Có lẽ lúc đó tôi chưa đủ trí khôn để hiểu nó lớn đến như thế nào.

Điều tôi thắc mắc là tại sao Bà Tùng Long không hề được nhắc đến trong văn học Miền Nam.

Một số nhà văn  cho rằng trước năm 1954 ở miền Nam không có một nền văn học.  Cho đến khi các nhà văn miền băc di cư vào Nam  thì miền Nam mới thực sự xây dựng được một nền văn học.

Tôi hoàn toàn không đồng ý với nhận định nầy. Tôi cho rằng  có một sự thiên vị rõ rệt giữa các nhà văn miền Nam và nhà văn di cư.  Theo tôi, dòng văn học miền Nam từ thời Hồ biểu Chánh đến Sơn Nam, Lê Xuyên và dĩ nhiên là Tùng Long đều mang một sắc thái rất mộc mạc của nông dân Nam Kỳ.  Nó không có cái văn chưong bóng bẩy đầy sáo ngữ của Mai thảo, hay huyền bí của Thanh Tâm Tuyền.  Nó có tính cách văn học dân gian hơn là văn học có tổ chức.  Đó là truyền thống suy tư độc lập của người dân sống xa ánh sáng của quyền lực trung ương từ hàng mấy trăm năm.

Tôi nghĩ là chính quyền thời ấy đã  giao  cho các nhà văn  di cư  công tác xây dựng một nền văn học miền Nam đối kháng văn học miền Bắc.  Có thể đó là chính sách văn hoá hay.  Nhưng ở trong thế chính quyền  các nhà văn di cư đã tụm năm tụm ba  coi thường văn chương miền Nam và các tác giả miền Nam.  Đó là một điều không hay tí nào.

Trường hợp  Bà Tùng Long là điển hình,  Bà đã sáng tác hơn 50 tác phẩm nhưng không hề nghe các nhà phê bình văn học miền Nam  tặng cho bà danh hiệu “nhà văn Tùng Long.”   Nhà văn Tùng Long luôn luôn được gọi là “Bà Tùng Long.”

Một nhà văn lớn Bắc kỳ trong lúc nói chuyện với tôi có nhắc đến bà Tùng Long.  Ông ta cho bà là nhà văn máy nước.  Ý ông nói là văn chương của  bà Tùng Long là để cho các cô gánh nước mướn đọc.  Tôi thật kinh ngạc và hỏi lại  ong ta đã đọc văn bà Tùng Long chưa.  Ông ngượng ngùng thú thật là chưa.  À! thì ra, người ta đã có sẳn một số định kiến về ba mà không hề có nổ lực đọc một vài tác phẩm của bà.

Tôi nghĩ các nhà phê bình văn học đã gán cho văn chương bà Tùng Long một nhãn hiệu văn chương bình dân (hay hạ cấp, không có … sang)  để gạch tên bà ra khỏi giới văn bút.  Tôi chắc là họ muốn  xây dựng một loại hình văn chương tháp ngà riêng cho họ.

Khi ra hải ngoại, tôi có dịp đọc một số nhà văn trong hội văn bút, tôi thấy giới văn chương nghệ thuật thật là “unfair“ với bà.  Bởi lẽ, theo ý riêng của tôi bà  xứng đáng danh hiệu nhà văn hơn nhiều người.

Điều tôi thấy bà Tùng Long đi trước xa người Mỹ là vụ Gở Rối Tơ Lòng.  Bà đã đi trước cả Dear Abbey và Dear Ann Landers cả mấy năm, và trước cô Quỳnh của báo Thế He, của Diệu báo Thế Giới Mới  cả nửa thế kỷ.  Là người đàn bà Việt Nam sinh ra và lớn lên rồi cầm bút trong chế độ thuộc địa  mà bà đã có cái nhìn xa trông rộng, trước cả các nhà bỉnh bút lớn trên thế giới.  Bà thấy được nhu cầu tâm lý to lớn  của phụ nư Việt Nam trong xã hội trọng nam khinh nữ.  Thật là đáng  kính phục!

Giới truyền thông và Văn bút Việt Nam đáng lẽ phải biết vinh danh một người đàn bà  như thế.  Gan cho bà  nhãn hiêu nhà văn máy nưóc quả thật là có mắt mà không có tròng.

Bản tin trong nước gần đây cho biết như sau:

“Nhà Xuât bản Trẻ vừa cho phát hành cuốn “Hồi ký bà Tùng Long” nhân dịp mừng thọ bà 88 tuổi.

“Bà Tùng Long tên thật là Lê Thị Bạch Vân , sinh năm 1915 tại Đà Nẵng. Bà là một nhà văn nổi tiếng chuyên viết tiểu thuyết tâm lý xã hội ở miền Nam trước 1975. Bà là tác giả của 50 tiểu thuyết, trong đó có 16 tiểu thuyết được tái bản và in sau năm 1975.

“Từ năm 1953 đến năm 1972, bà Tùng Long vừa đi dạy học, vừa viết báo, viết văn để nuôi dạy 9 người con. “Tôi chưa bao giờ dám tự hào xưng mình là văn sĩ. Tôi chỉ nói tôi viết văn là để nuôi con, chỉ thế thôi”.

“Vào những năm 60, bà vừa đi dạy vừa viết truyện đăng báo (feuilleton), mỗi tháng bà kiếm được 49.000 đồng, thời điểm đó giá vàng 5.000 đồng / lươ.ng. Cũng vào thời điểm đó, có người ghen tức với thu nhập của bà đã chê tiểu thuyết tâm lý xã hội của bà là bình dân, không cao siêụ Bà đã trả lời: “Một nhà văn Pháp tuyên bố: Nếu tôi có một ngai vàng thì tôi sẵn sàng đổi nó để tìm hiểu tâm lý phụ nữ … Như thế thì tôi, một phụ nữ tại sao lại không viết để nói lên tâm lý phụ nữ.”

“Nhà báo Trần Quân đã viết trên báo Times ở Sài Gòn năm 1963: “Bà Tùng Long có thể tự hào là bà đã nhận lấy trách nhiệm quan trọng trong khi cầm bút vạch ra cho phụ nữ đương thời con đường phải đi để được cùng tham gia với nam giới xây dựng một xã hội công bằng và tiến bộ hơn”.

“Bà Tùng Long còn nổi tiếng là người đầu tiên khởi xướng viết mục “Gỡ rối tơ lòng” trên báo Sài Gòn Mới (1953) và giúp’ báo bán chạỵ

“Sau năm 1975, nhiều báo cũng mời bà viết tiết mục này với nhuận bút cao nhưng bà đã biết từ chối vì “thời nào có người nấy”. Hiện nay một số báo vẫn có mục như Gỡ rối tơ lòng, nhưng không biết người gỡ rối có đem lại hạnh phúc cho người bị rối như bà Tùng Long đã làm.

“Trong dịp kỷ niệm sinh nhật 87 tuổi năm ngoái, những học trò mái tóc bạc phơ, sau hơn 40 năm vẫn đến ôm chúc mừng và khóc. Một cô giáo phải dạy dỗ như thế nào mới được học trò yêu thương đến như vậỵ Bà nói: “Nghề dạy học được tôi xem là nghề tay mặt còn viết văn chỉ là nghề tay trái mà thôi”

Theo như nhận xét riêng của tôi thì việc “Sau năm 1975, nhiều báo cũng mời bà viết tiết mục này với nhuận bút cao” là chuyện  hết sức … tào lao.   Anh Nguyễn Đức Lập cho biết là bà cụ không bị “dớt” sau năm 75 vì bà cụ là … đàn bà.  Bà được yên là may chứ đừng nói tới chuyện được mời viết với nhuận bút cao!

Ở đây chúng ta thấy bà cũng khéo léo ứng đáp.  Bà nói “thời nào có người nấy”  cũng phải.  Thời kỳ Cộng Sản đánh tư sản, cả nước lo vượt biên còn hơi đâu mà nghĩ chuyện gở rối tơ lòng.

Điều đáng ngạc nhiên hơn là các nhà văn xứ Quảng cũng không hề nhắc nhở đến người đàn bà cùng quê nầy.    Khi viết tới đây tôi  vội lên net để kiểm tra một lần cho chắc ăn.  Điêu tôi nói quả không sai.  Trong  danh sách các nhà văn xứ Quảng trong XuQuang.com không có tên Tùng Long.    Họ cũng xúm lại ca ngợi các nhà văn “lớn” xứ Quảng mà quên phéng  đi là quê hương của họ đã sản sinh ra một nhà văn nữ “lớn hơn” .  Hỏi thử  có   nhà văn naò lớn hơn  một nhà văn đã có  những tác phẩm  ướt át hơn Quỳnh Dao, và một thời bán chạy hơn cả Quỳnh Dao, và đi trước Quỳnh Dao cả 2 thập niên?  Tôi đọc Quỳnh Dao thấy bà ta xây dựng cốt truyện qua bối cảnh “tình cảm xã hội” giống như Bà Tùng Long.  Thế mà bên trọng bên khinh!  Đến các nhà văn xứ Quảng cũng chả thèm đếm xỉa gì đến bà thì chả trách các nhà văn  di cư.  Thế thì tôi phải xin lỗi mọi người vì đã lắp bắp những nhận định văn học không chính xác.  Có thể lắm bà Tùng Long không được đánh giá cao vì truyền thống “trọng nam khinh nữ”  và “sính đồ ngoại” chứ không phải do bệnh “kỳ thị nam bắc.”

Tiện đây tôi cũng xin “nhắc khéo“ bác sĩ chủ tịch hội Quảng Đà  đừng quên vinh danh bà Tùng Long trong ngày Văn hoá và Hội Ngộ Quảng Đà Hải Ngoại 2003 tại Dallas tháng 5 tới đây.     Quên bà Tùng Long trong ngày Văn Hoá xứ Quảng là vô cùng có tội với một bậc tiền bối văn học đương đại của xứ Ngũ Phụng Tề Phi.

Một điều đáng ghi nhận là đức khiêm tốn của bà.  Với trên 50 tác phẩm mà bà nói: “Tôi chưa bao giờ dám tự hào xưng mình là văn sĩ. Tôi chỉ nói tôi viết văn là để nuôi con, chỉ thế thôi”.  Wow!  Đúng là tâm hồn người đàn bà xứ Quảng! Có lẽ do đức khiêm tốn của bà mà bà chỉ được người ta gọi là Bà Tùng Long, thay vì “Nhà Văn Nữ Tùng Long” hay “Nữ sĩ Tùng Long” hay “nhà văn Tùng Long.”  Tôi thấy đến nưóc nầy thì danh xưng “văn sĩ”  hay “nhà văn” cũng có lẽ vô nghĩa đối với bà.  Riêng tôi, tôi thấy gọi bà là văn sĩ Tùng Long cũng  chướng.  Có lẽ bà mãi mãi là  “Bà Tùng Long” trong lòng mọi người.

Dù gì đi nữa thì mẩu tin về bà Tùng Long xuất bản hồi ký  cũng làm tôi vui.  Tôi xin được chúc mừng nhà văn Nguyễn Đức Lập cùng với gia đình cụ bà Tùng Long về thành quả cuối đời của cụ.  Sức viết của cụ thật là amazing!

Và hôm nay, tôi  xin thú thiệt, là tôi cũng chẳng có gì mắc cở khi bị gọi là “fan” của bà Tùng Long.  Mỗi khi gia đình tôi có chuyện lục đục,  tôi luôn luôn bị vợ nói mát: ”Đáng lý ra anh đừng lấy tôi.  Anh nên lấy mấy con gánh nước chuyên môn đọc truyện bà Tùng Long mới đúng.  Có lẽ như thế gia đình  của anh hạnh phúc hơn“

Những lúc đó tôi chỉ biết bóp đầu suy nghĩ.  Tôi ước ao, giá có bà Tùng Long ở đây tôi nhờ  bà gở rối tơ lòng cho mình thì hay biết mấy.  Và có thể lắm bà cũng đồng ý với quan điểm của nhà tôi.!

NGUYỄN KHÁNH SƠN

TIỂU SỬ BÀ TÙNG LONG

Tên thật Lê Thị Vân bút hiệu khác Lê Thị Bạch Vân sinh ngày 01 tháng 8 năm 1915 (khai sinh ghi 21-4-1915) tại Đà Nẵng quê nội Hội An Quảng Nam giáo chức chủ bút tuần báo Tân Thời (1935) tổng thư ký báo Phụ Nữ Diễn đàn cọng tác với nhiều tuần báo, nguyệt san kết hôn cùng nhà báo Hồng Tiêu Nguyễn đức Huy (người Quảng Ngãi, năm 1935)

Tác phẩm đã xuất bản :

Lầu Tỉnh Mộng (tiểu thuyết 1956)

Tình Duyên (tiểu thuyết 1956)

Ngày Mai Tươi Sáng (truyện nhi đồng 1956)

Ái Tình Và Danh Dự (tiểu thuyết 1957)

Chúa Tiền Chúa Bạc (tiểu thuyết 1957)

Còn Vương Tơ Lòng ( tiểu thuyết 1957)

Giang San Nhà Chồng (tiểu thuyết 1957)

Hai Trẻ đánh Giày ((truyện nhi đồng 1957)

Hoa Tỉ Muội (tiểu thuyết 1957)

Mẹ Chồng Nàng Dâu (2 cuốn, tiểu thuyết 1957)

Nhị Lan (tiểu thuyết 1957)

Một Người Chị ( truyện nhi đồng 1957)

Tấm Lòng Bác ái (truyện nhi đồng 1957)

Vợ Lớn Vợ Bé (tiểu thuyết 1957)

Tình Vạn Dặm (tiểu thuyết 1958)

Tình Và Nghĩa (tiểu thuyết 1958)

Vợ Hiền (tiểu thuyết 1958)

Trên đồi Thông (tiểu thuyết 1963)

Con đường Hạnh Phúc (tiểu thuyết 1963)

Giòng đời (tiểu thuyết 1966)

Ai Là Mẹ (tiểu thuyết 1967)

Bên Suối Chi Lan (3cuốn,tiểu thuyết 1967)

Biệt Thự Mỹ Khanh (tiểu thuyết 1967)

Chọn đá Thử Vàng (tiểu thuyết1967)

Duyên Lành (tiểu thuyết 1967)

Giữa Cơn Sóng Gió (tiểu thuyết 1967)

Một Bóng Người (tiểu thuyết 1967)

Những Phút Chia Ly (truyện ngắn 1967)

Tình Câm (tiểu thuyết 1967)

Tờ Di Chúc (tiểu thuyết 1967)

Người Xưa đã Về (tiểu thuyết 1972)

Related Articles

Check Also
Close
Back to top button