Nguồn sống từ một ngôi nhà

Tấn Vịnh, Theo Thế giới phụ nữ số 25, ra ngày 22.7.2002

Nhà gươl Cơ Tu cũng như nhà Rông ở Bắc Tây Nguyên hay đình làng của người Kinh là nơi diễn ra các sự kiện quan trọng như lễ hội mừng được mùa, mừng năm mới, đón khách quý… Nơi vui chơi, hội họp, tiếp khách, nơi già làng công bố những phán quyết liên quan đến vận mệnh cộng đồng hay các trường hợp vi phạm luật tục, nơi tổ chức và quản lý hoạt động của cộng đồng theo tập tục cổ truyền và cũng là nơi ngủ chung của các chàng trai chưa vợ trong làng. Theo phong tục xưa, nữ giới không được phép bước vào nên nhà gươl còn gọi là nhà
đàn ông.

Lửa hội Cơ Tụ

Mỗi dịp lễ hội, cây nêu được dựng trước sân không chỉ để trang trí như “lễ đài” chính mà còn để buộc các con vật hiến tế, nơi tiến hành những nghi thứcđâm trâu tế thần linh. Trẻ già, trai gái say sưa theo nhịp trống, chiêng, tiếng khèn, lời hô hét oai hùng của các chàng trai nhún nhảy ngả nghiêng đi quanh cây nêu, ngược chiều kim đồng hồ. Chính từ nơi này, những sáng tạo của các nghệ sĩ dân gian ra đời, góp phần làm phong phú kho tàng nghệ thuật cổ truyền.

Ngôi nhà làng hun đúc ý thức cộng đồng, sự đoàn kết, thương yêu giữa các thành viên, đồng thời cũng là nơi hình thành nên những chuẩn mực ứng xử và ý thức cộng đồng. Một con thú săn được mang đến nhà gươl xẻ thịt, chia đều cho mỗi nhà. Những ống bương rượu tà vạc ngọt thơm đầu mùa, miếng cơm lam trong ống lồ ô, một điếu thuốc, cơi trầu… đều cùng nhau hưởng. Bên bếp lửa hồng, râm ran những lời tâm tình, sâu lắng truyền thuyết xưa, dịu êm những làn điệu dân ca, sôi động âm thanh rừng núi… Men rượu cần ngây ngất mang đến cho họ sự thư thái, yên vui, sau những ngày dãi dầu mưa nắng. Mỗi nhà gươl còn là một công sự phòng thủ, nơi trai tráng tụ tập dưới sự dẫn dắt của già làng, rèn luyện sức vóc và dũng khí để bảo vệ làng.
Nơi lưu giữ mạch nguồn văn hóa Có thể nói nhà gươl như bảo tàng nghệ thuật của người Cơ Tu, đặc biệt là điêu khắc với tài hoa sáng tạo của các nghệ nhân. Là nơi hội tụ khí thiêng của
đất trời, nơi giao hòa và gửi gắm niềm tin giữa con người với vũ trụ, thần linh và lưu giữ những giá trị tinh thần thiêng liêng. Nhà gươl càng lớn, càng nhiều hình tượng trang trí càng chứng tỏ sự hùng mạnh và khéo léo của làng. Rất trang trọng và gần gũi, nhà Rông hay nhà gươl toát lên nét đẹp tâm hồn, khí phách, tài hoa và khát vọng về cuộc sống tốt đẹp của các dân tộc ở Trường Sơn – Tây Nguyên. Bao đời nay mái nhà làng đã nuôi dưỡng mạch nguồn văn hóa, làm nên bản sắc riêng rất cần được trân trọng giữ gìn

Phục hồi ngôi nhà làng

Nhưng cũng như ngôi nhà Rông, nhà gươl Cơ Tu đang bị suy thoái trầm trọng, nhất là từ những năm 60 của thế kỷ XX do chiến tranh, do sự biến đổi, phát triển kinh tế xã hội. Rồi gỗ và vật liệu xây dựng ngày càng khan hiếm khiến các ngôi nhà làng ngày càng thưa vắng dần.
Tuy nhiên, trong vài năm gần đây với sự khuyến khích của Nhà nước phong trào phục hồi nhà gươl của đồng bào ở miền Tây Quảng Nam đã có những bước chuyển biến khá tốt. Được sự giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần của chính quyền không bao lâu nữa làng bản Cơ Tu sẽ xóa hết điểm trắng nhà gươl. Điều này chẳng những khơi dậy dòng chảy văn hóa cộng đồng, tôn vinh
những giá trị truyền thống mà còn góp phần bảo tồn những giá trị văn hoá cổ truyền, làm giàu cho vốn văn hoá dân tộc.

* Bạn có biết về dân tộc Cơ Tủ

– Cơ Tu nghĩa là người sống nơi đầu nguồn. Dân số gần 5 vạn người, cư trú trên địa bàn lớn thuộc các huyện Hiên, Nam Giang (Quảng Nam), Nam Đông, Phú Lộc (Thừa Thiên – Huế), một số xã vùng cao huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng và một số ở phía Đông huyện Kà Lùm (tỉnh Sê Kông của Lào)

– Là một trong những dân tộc còn bảo lưu gần như nguyên vẹn nhiều yếu tố văn hóa cổ truyền, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Nổi trội nhất là kiến trúc nhà cửa, nhà mồ, điêu khắc, trang trí, trang phục cổ truyền, lễ hội truyền thống, văn hóa ẩm thực… Trong đó, kiến trúc nhà gươl là công trình quy mô, thể hiện rõ nhất tinh hoa văn hóa của người Cơ Tu

– Làng Cơ Tu gọi là vel hay vil được tổ chức khá chặt chẽ, đứng đầu là già làng và tự quản bằng các luật tục. Mỗi làng có chừng 30 nóc nhà, cấu trúc theo hình móng ngựa, nhà gươl ở giữa làng, lớn và đẹp nhất. Với người Cơ Tu, chưa có nhà gươl là chưa có làng, vì vậy khi lập làng họ phải lo lập nhà gươl trước.

 

Related Articles

Back to top button