NGƯỜI CỦA MUÔN NĂM CŨ
Phan Xuân Sinh
Nhận được điện tín của gia đình báo là ba tôi đau nặng, tôi phải về gấp. Tôi sắp xếp mọi chuyện rồi lên xe đò về Đà Nẵng, thành phố nầy tôi đã bỏ đi hơn ba năm nay. Hơn ba năm cái gì đã xẩy ra nơi đó, những người thân sống ra sao, bạn bè còn ở lại hay tản mác? Tất cả tôi đều không hay biết. Trước ngày tôi rời khỏi thành phố nầy, tôi hay tin chồng của Hương vừa tử trận trên mặt trận Pleiku, và Hương chuẩn bị mang con cái về lại Đà Nẵng. Mẫu tin của một người bạn làm cho tôi xao xuyến trong thời gian sống xa nhà, dù giữa chúng tôi không còn gì để lưu luyến. Hương trở về chốn cũ thì tôi lại ra đi. Đó cũng là cái may để chúng tôi khỏi có dịp nhìn nhau trong ngỡ ngàng.
Ba tôi bị bệnh đau tim, căn bệnh hiểm nghèo nầy giống như giỡn chơi. Oâng có thể ngã xuống bất cứ lúc nào, nhưng cũng có thể ngồi dậy ngay khi valve tim hoạt động lại bình thường. Lần nầy thì không biết sao ông lại nằm liệt gường cả mấy ngày, không tỉnh dậy, nên người nhà vội vàng đánh điện tín gọi tôi về. Xe đò chạy từ Sài Gòn về Đà Nẵng mất một ngày rưởi. Thời gian tôi ngồi trên xe đò chính là lúc ông tỉnh lại. Về đến nhà thì ông đã bình thường, mặc dù trông người ông còn mệt mỏi, rũ rượi. Trông thấy tôi ông vui hẳn lên, cha con hơn ba năm không gặp nhau. Chỉ mới ba năm thôi ông già hẳn và tiều tụy. Suốt những ngày trở về nhà, tôi ít đi đâu để dành thời giờ sống với gia đình.
Buổi sáng dậy sớm cha con ngồi uống trà nói chuyện. Thỉnh thoảng có vài người bạn đến thăm tôi. Ai cũng bảo rằng tính tình tôi thay đổi nhiều, ít nói và hay gắt gỏng. Ai cũng khuyên tôi nên cưới vợ, làm như chuyện lấy vợ sẽ thay đổi được bản tính con người. Có nhiều lần tôi định đi thăm Hương, nhưng không hiểu tại sao tôi đắn đo mãi, rồi lại không đi được. Bạn bè để ý hỏi tôi về điều nầy, tôi chỉ lắc đầu không giải thích, tôi chỉ nói sẽ đi nhưng bây giờ thì chưa đi được, chỉ đơn giản vậy thôi. Ba tôi ngồi cười cười, không ý kiến. Ngày trước, khi tôi quen với Hương, Ba tôi là người phản đối chuyện nầy. Con gái lưỡng quyền cao thế nào chồng cũng chết sớm, mà ông thì không thích con trai của mình chết lảng nhách như vậy. Hồi đó tôi bực tức cái khoa tướng số cay nghiệt ấy, con gái gò má cao đều ế chồng hết sao. Thật tội nghiệp cho con gái nhà ai có gò má như vậy. Khi chồng Hương chết, mấy đứa em tôi trằm trồ khen ba tôi là người biết nhìn xa thấy rộng, quyết định của Ba tránh đi được cái tang của gia đình. Ông gật gù thỏa mãn cái quyết định sáng suốt của mình.
Một lần Đức đến thăm, tôi có hỏi Đức về cuộc sống của Hương bây giờ. Đức không trả lời câu tôi hỏi, mà chỉ khuyên tôi: “Mầy nên đến thăm Hương”. Chỉ có vậy thôi, mà tôi suy nghĩ lung tung, đăm chiêu suốt ngày. Không biết cuộc sống của Hương bây giờ ra sao? Buổi chiều, tôi ăn vội vàng miếng cơm lấy lệ, rồi ra phía nhà sau ngồi hút thuốc. Không biết vì sao tôi còn nghĩ tới Hương nhiều như vậy. Tôi còn yêu Hương ư? Có lẽ là không, lòng tôi đã nguội lạnh từ lâu. Dù biết rằng những cô bạn gái của tôi đến trước hoặc sau Hương, đều không bằng tình của tôi dành cho Hương. Tuy nhiên đến bây giờ thì mọi việc trở thành bình thường. Có lẽ tôi thấy tôi nghiệp cho hoàn cảnh côi cút của gia đình Hương thì đúng hơn, góa bụa trong lúc còn quá trẻ.
Sáng hôm sau như thường lệ. Ba tôi dậy sớm pha trà, ngồi đợi tôi dậy. Hình như hôm nay ông có điều gì muốn nói với tôi:
“Ngồi đây, Cha con mình ít có dịp tâm sự. Hôm nay ba có một vài điều muốn nói với con”.
Nhìn ông, tôi đoán biết ông có chút gì muốn nói, mà từ lâu không nói được. Tôi làm thinh ngồi xuống, ông chậm rải:
“Đúng ra, ngày trước ba không nên có ý kiến về chuyện tình duyên của con. Ba phải để con định đoạt những gì mà con thích”
“Thôi ba ạ, chuyện đã qua lâu quá rồi. Mà con cũng không có gì hờn trách ai cả. Hồi đó con cũng chưa muốn lấy vợ, chứ không phải tại Ba đâu”.
“Dù gì thì ba cũng có ý kiến trong chuyện nầy. Bây giờ ba nghĩ lại thì thấy lúc ấy mình thật vô lý. Chuyện sống chết, trời kêu ai nấy dạ, hơi đâu quan tâm cho mệt”.
Tôi vẫn lặng thinh, ngồi nghe ông nói:
“Hôm nay con nên đi thăm Hương, tội nghiệp con nhỏ. Mới có hai mươi mấy tuổi đã thành gái góa”.
Tôi ngạc nhiên về thái độ kỳ lạ của ông. Ngày xưa, mỗi lần Hương đến nhà thăm tôi ra về là ông không nhìn mặt tôi. Thái độ âm thầm phản đối nầy gây cho tôi một sự khó khăn. Tôi không dám nói điều nầy ra với Hương, vì sợ Hương buồn. Tôi cũng không dám ngăn cản để Hương đừng đến nhà tôi, vì như thế sẽ xúc phạm tới Hương. Hương sẽ nghĩ không tốt về gia đình tôi. Mà ngược lại, Hương lại khen gia đình tôi, mọi người đều tốt và vui vẻ với Hương, khen ba tôi là người tế nhị, hiền lành. Hương càng khen, tôi lại càng đau khổ. Nhiều lần, tôi định nói với Hương sự thật vấn đề giữa chúng tôi. Sự ngăn sông cách núi trầm trọng, chứ không bằng phẳng như Hương nghĩ. Thế nhưng tôi lại không can đảm làm điều nầy.
Ông thấy tôi làm thinh, ông nghĩ rằng tôi vẫn còn giận ông chuyện nầy:
“Ba xin lỗi con vậy. Khi nào có con, con mới thấy được tình thương của cha mẹ. Tình thương nầy biến thành một thứ ích kỷ, chỉ lo cho sự an nguy của con mình. Còn mọi chuyện khác đều không quan trọng”.
“Ba ạ, ba không có lỗi phải gì về chuyện nầy cả. Ngày đó con tự quyết định, vì con nghĩ mình còn quá trẻ, không thể lấy vợ. Ba yên tâm, con sẽ đến thăm Hương mà. Về tới đây mà không đi thăm nhau thì bạc tình quá. Con cũng không muốn ai hiểu lầm chuyện nầy”.
Tôi nhớ lại, có một đêm Hương hớt hải đến tìm tôi. Tôi nằm trong phòng đang đọc sách, Hương tự mở cửa chạy ào vào khóc nức nở, tôi cũng hoảng hồn vì không biết chuyện gì đã xảy ra. Sau một lúc nguôi ngoai, Hương cho biết có một người đến nhà muốn dạm hỏi. Hương bảo tôi phải quyết định ngay lập tức chuyện này, nghĩa là tôi cũng phải làm như người kia, thì Hương sẽ ưu tiên chọn tôi. Giống như một món hàng, mặc cả nhau, giành giựt nhau. Tự ái của tôi nổi lên, tôi đay nghiến nói với Hương những lời mà lẽ ra tôi không nên nói lúc ấy: “Tôi không làm gì cả. Em cứ chọn lựa tùy ý. Tôi trắng tay, không sự nghiệp, nên không thể lấy vợ giữa lúc này. Vậy thôi. Em về đi”.
Tôi mất Hương từ đó. Khi bình tỉnh, nhớ lại câu nói nhát gừng, như muối xát vào mặt ai mà chịu nổi. Tôi hối hận tự trách mình, tại sao tôi phải nói những lời nặng nề như vậy. Có những lời nhẹ nhàng hơn, êm ái hơn để khi ra đi Hương còn có chút gì nghĩ tốt về tôi. Tôi biết Hương lúc ấy giận tôi tái mặt, nên quyết định nhanh chóng về chuyện lấy chồng. Ngày cưới của Hương, đúng vào dịp tôi được nghỉ phép mười ngày trước khi ra đơn vị. Tôi chờ một tấm thiệp mời của Hương, để gửi một chút quà chúc mừng. Nhưng tôi không được cái hân hạnh này. Như vậy đủ biết Hương hận tôi đến chừng nào. Bấy giờ tôi mới thấy thấm đau, cái đau rưng rức trong người làm tôi không chịu nỗi. Tôi chạy xe qua trước nhà Hương, trước sân nhà che rạp để đãi đằng, khách ngồi chật ních. Tôi không đủ can đảm dừng xe nhìn vào trong nhà. Suốt trong mười ngày phép tôi vùi đầu vào ly rượu cùng bạn bè. Lúc đó tôi mới biết tôi vẫn còn yêu Hương.
Gần bảy năm không gặp, chắc Hương đổi khác nhiều. Tôi nghĩ vậy. Tôi chọn ngày cuối trước khi rời Đà Nẵng, tôi sẽ tới thăm Hương. Tôi tính toán trong đầu, nếu Hương từ chối không tiếp tôi thì ngày mai tôi cũng ra đi, không có dịp gặp nhau đỡ thấy xấu hổ. Nếu Hương chịu tiếp tôi, chúng tôi có quyến luyến nhau thì cũng không có cơ hội gặp lần thứ hai. Đằng nào tôi cũng phải ra đi trong ngày hôm sau. Sự tính toán ti tiện nầy, tôi không dám nói ra cho ai biết. Sao tôi lại nhỏ nhen như vậy? Có lẽ vì tự ái, vì muốn làm cao giá hay tôi chạy trốn một sự thật. Đúng vậy, lúc sau nầy tôi thấy mình quá yếu đuối khi đứng trước những nghịch cảnh. Tôi phải lường trước những sự việc có thể xảy ra, để lẩn trốn. Tôi không thể chai lì trước mặt Hương.
Ba tôi hỏi:
“Lúc nào con đi thăm Hương?”.
“Sao Ba quan tâm chuyện nầy nhiều vậy. Để thời gian nghĩ ngơi cho khỏe”.
“Con không ở trong tâm trạng của Ba nên con không hiểu. Ba đã chết đi sống lại nhiều lần. Mỗi lần tĩnh dậy, ba thấy mình cần phải làm những việc để chuộc lại lỗi lầm mắc phải. Chuyện của con và Hương đã làm cho ba ngậm ngùi bao nhiêu năm nay. Khi nào con đi, nhớ cho ba biết để gửi cho mấy đứa nhỏ con của Hương một ít quà”.
Trông khuôn mặt tiều tụy và sự hối hận của ông thật thê thảm. Tôi đã nói nhiều lần với ông là chỉ có tôi với Hương chịu trách nhiệm về chuyện nầy. Hương không đủ bản lĩnh từ chối chuyện hôn nhân. Còn tôi thì còn quá trẻ không thể lấy vợ khi còn ăn bám vào gia đình. Chờ vài năm nữa thì gia đình Hương không chịu, sợ tôi không giữ lời, Hương trở thành gái già. Ba tôi không dính dáng gì về chuyện nầy. Thế nhưng ông vẫn không tin lời của tôi nói.
Tôi thấy sức khỏe của ba tôi trở lại bình thường, tôi muốn ông vào Sài Gòn chơi một chuyến, luôn tiện tôi đưa ông đi khám tim vì phương tiện khám bịnh ở đó đầy đủ tiện nghi. Ông hỏi tôi:
“Nếu không may ba chết ở Sài Gòn, thì làm sao con mang ba về Đà Nẵng được”.
“Con sẽ thiêu, rồi mang bình tro đựng hài cốt về. Vừa vệ sinh vừa tiện”.
“Thôi, như vậy ba không đi đâu hết. Ở nhà có chết, được chôn cất tử tế. Đi xa làm khổ thêm cho con cái”.
Tôi biết ông không thích thiêu nên nói vậy. Chết rồi mà ông cũng sợ nóng, thật tội nghiệp. Tôi hứa sẽ làm theo ý muốn của ông nếu ông có mệnh hệ nào khi chữa bệnh ở Sài Gòn. Tôi nói với ông biết là ngày mai tôi đi thăm Hương, vì tôi dự trù sẽ rời Đà Nẵng vào ngày mốt. Tôi nhờ Đức báo cho Hương biết, để Hương có chịu tiếp tôi hay không. Không biết tại sao tôi vẫn thấy hồi hộp và lo lắng. Có lẽ tôi sợ gặp Hương, tôi sợ nhìn thấy sự cô đơn của Hương, tôi sợ lòng tôi sẽ ngã quỵ, vì không chịu được sự đau khổ cùng tận mà Hương đang gánh chịu. Tôi đi ra đi vào, bồn chồn khó chịu. Tôi đã từng trải quá nhiều về yêu đương, đã có hàng tá cô bồ, nếm đủ mùi cay ngọt của những mối tình. Thế mà bây giờ chuẩn bị đứng trước một người đàn bà, tôi lại thấy lòng mình nao núng.
Tôi ra phố, tìm mua cho Hương một món quà. Tôi suy nghĩ không biết mua gì đây. Trong đời tôi ít khi nào biếu quà cáp cho ai, nên không biết lựa chọn cho thích hợp. Tôi nhớ lại ngày trước tôi có tặng Hương một đồng hồ đeo tay, chắc bây giờ nếu còn thì nó quá cũ, có thể thay thế được. Vì vậy tôi tìm cho Hương một cái đồng hồ khác. Không ngờ khi tôi đến thăm, trên tay Hương đeo chiếc đồng hồ đó nhưng còn quá mới. Hương cho tôi biết từ khi tụi tôi chia tay, Hương cất kỹ nó. Mỗi năm đem ra cho thợ lau chùi, rồi lại cất vào tủ. Hương hỏi tôi có còn giữ cái gì của Hương tặng không. Tôi lắc đầu trả lời là thân của tôi giữ còn chưa nỗi, thì làm sao giữ được cái gì.
Mới có mấy năm, tôi thấy Hương đổi khác nhiều quá. Vóc dáng dĩ nhiên gái hai con có đẩy đà hơn, khuôn mặt đầy cương nghị, chứ không non choẹt như ngày nào. Hương bình tĩnh và ăn nói chậm rãi hơn.
“Anh Xuân chưa muốn lấy vợ?”
“Không có ai ưng mình hết, thì làm sao lấy được”.
Tôi vừa trả lời vừa cười. Có lẽ Hương cho rằng trong câu trả lời hàm chứa sự trách móc. Hương cúi đầu nói với tôi như khóc:
“Anh lúc nào cũng đổ lên đầu người khác. Anh chê người ta thì đúng hơn. Anh có yêu ai thực lòng đâu mà cưới với hỏi”.
“Hơn bảy năm mới gặp lại em. Mọi chuyện cũ đã được yên nghỉ, đã được an bài. Người nào cũng có phần lỗi. Đúng ra hồi đó mỗi đứa dẹp bớt tự ái thì cục diện bây giờ đã thay đổi. Bao năm anh vẫn ray rức mãi về chuyện này. Mong muốn gặp lại em để nói lời xin lỗi”.
Hương bật khóc nức nở. Hình như nước mắt cũng làm vơi bớt đi sự đau khổ của con người. Tôi lặng lẽ ngồi yên. Mội hồi lâu, Hương nói với tôi trong nước mắt:
“Chỉ một lời xin lỗi thôi mà anh ích kỷ không nói sớm hơn, để bây giờ tan nát cả một đời người. Em hận anh nhưng cũng yêu anh, mỗi khi nghĩ về anh”.
Tôi ngồi cúi đầu. Hương nói tiếp:
“Ngày cưới, em cứ ngóng chờ anh tới. Em thấy xe honda của anh chạy qua cửa nhà, em chạy ra gọi mà anh không quay lại. Nếu anh ngừng lại, thì em sẽ theo anh ngay lúc ấy. Để bây giờ em không ra nông nỗi nầy”.
“Ngày đó, anh chạy qua xem thử đám cưới của em lớn không? Nhưng khi tới nơi, anh không dám ngừng xe để nhìn vào. Anh không đủ can đảm nhìn thấy em. Anh biết giờ phút đó, anh đã thực sự vĩnh viễn mất em. Những ngày sau anh vùi đầu vào ly rượu”.
Cũng lại những chuyện cũ nói với nhau. Nói ra để rồi khóc, để rồi ngậm ngùi. Tôi đã tiên đoán những gì sẽ xảy ra, nhưng không làm sao có phương thức giải quyết được. Rồi đến lúc phải chia tay. Khi tôi bước ra cửa, tôi thấy những người hàng xóm đang lấp ló nhìn tôi. Có lẽ họ muốn trông rõ mặt thằng bồ cũ của Hương, người mà trước đây đã đi mòn gót giày trong ngõ hẻm này. Có người vẫy tay chào tôi, như có sự quen biết từ lâu. Hương nói với tôi là tối nay Hương muốn tới nhà thăm gia đình tôi.
Tôi nhớ, ngày trước khu Nại Hiên tôi ơ,û nổi tiếng du đảng ở Đà Nẵng. Con gái ít dám lén phén đi một mình ngang qua đó. Khi mới quen với Hương, Hương hỏi nhà, tôi nói mình dân quê ra thành phố trọ học, ăn ở không nơi nào nhất định. Sau khi đã quen lâu tôi mới nói thật là tôi thuộc dân cố cựu Nại Hiên. Hương lè lưỡi. Hương nói đùa là biết trước sẽ không dám quen với tôi. Mỗi lần Hương muốn tới nhà tôi là phải cho đứa em vào gọi tôi ra đầu ngõ hẻm đón trước. Thiệt tình thì không đến nổi dữ dằn như vậy, nhưng đồn đãi mãi thành ác cảm với khu tôi ở. Tôi hỏi Hương bây giờ có cần tôi ra đón không. Hương trả lời là du đãng cở như anh còn sợ Hương, thì Hương sợ gì ai nữa. Tôi mĩm cười trả đũa lại: “Nếu được làm du đãng, thì không có đứa nào đến với Hương, mà không bước qua xác của anh”. Tôi mới biết được một điều, giữa đàn bà và con gái có sự khác biệt. Một bên thì nhút nhát, sợ sệt. Còn một bên thì gan lì, chai đá. Có phải chăng họ đã chịu đựng quá nhiều những nghịch cảnh, đã biến đổi họ trở thành một con người khác.
Đêm đó, khi đến thăm gia đình tôi xong, tôi đưa Hương về. Tôi chở Hương trên chiếc xe honda như ngày xưa. Thế nhưng tôi có cảm tưởng tôi không phải là tôi, và Hương cũng không phải là Hương của ngày đó. Chúng tôi đã qua đi cái thời kỳ yêu đương vớ vẩn, mộng mị chất đầy. Sự va chạm, cọ sát, không làm cho tôi cảm thấy sung sướng, nổi da gà mà ngược lại tôi thấy vừa nhờn nhợn, vừa tội nghiệp cho Hương. Tôi chở Hương đi đến những nơi mà ngày xưa tụi tôi hay hò hẹn. Chúng tôi cũng ngồi lại trên chiếc ghế đá ngoài bờ sông Hàn, trước Tòa Thị Chính mà ngày xưa hai đứa vẫn hay ngồi. Đến bãi biển Thanh Bình mà mùa hè hay hẹn nhau ra tắm. Đi trên con đường Quang Trung mà tôi hay đón Hương khi tan trường.Tôi nhớ những lúc giận dỗi Hương không chịu leo lên xe tôi chở. Mà tôi bỏ đi, thì chiều hôm đó thế nào Hương cũng lên nhà tôi khóc lóc. Bảo rằng tôi không thương, không chìu chuộng. Nghĩa là phải hành hạ nhau thì mới thể hiện tình yêu.
Chỉ còn một nơi tôi không tới được, Nam Ô. Vùng đất mang nhiều kỷ niệm của tụi tôi. Còn tất cả tôi đều chở Hương đi qua. Tôi mang tâm trạng như một thằng lính giải ngũ, khi đất nước thanh bình, thăm lại chiến trường xưa. Trong lòng và ngoại cảnh đều tan hoang đổ nát. Chỉ còn lại chăng là chút ngậm ngùi thương tiếc. Rồi ngày mai tôi sẽ lên xe đò trở lại Sài Gòn, Hương sẽ trở về với các con. Chúng tôi sẽ đi trên hai con đường khác nhau, khó có dịp gặp gỡ. Một đêm đi với Hương mà chúng tôi ít nói chuyện với nhau, chúng tôi lặng lẽ như người mất hồn. Có lẽ tụi tôi không muốn quấy rầy nhau, để mỗi người theo đuổi ý nghĩ riêng của mình.
Trời gần sáng tôi chở Hương về nhà, tôi nắm tay Hương thật chặt, tôi kéo Hương lại gần. Hương nhắm mắt chờ đợi tôi hôn. Nhưng bỗng nhiên tôi cảm thấy có cái gì đó ngăn tôi lại, môi của tôi không đặt trên môi Hương. Tôi hôn lên trán Hương. Chiếc hôn của một thứ tình thương quý trọng nhau. Bây giờ trong Hương, trong tôi không còn ràng buộc bởi những hệ lụy của gia đình, thân xác đứa nào cũng tan tác, chẳng cần phải giữ gìn. Thế nhưng trách nhiệm của chiếc hôn sau này sẽ làm cho chúng tôi bức rức, dày vò. Tôi không muốn Hương phải còn nghĩ về tôi, còn lo lắng cho tôi. Những cái gì đã qua hãy để cho nó nằm yên, đừng nên khơi dậy. Hương bảo tôi nên ở lại chơi thêm vài ngày. Tôi ngần ngừ, không dứt khoát rồi rồ máy xe chạy về nhà.
Tôi lên xe đò trở lại Sài Gòn sáng hôm đó. Tôi mang tâm trạng của một người chạy trốn. Chạy trốn với chính mình, chạy trốn một thực thể rối rắm, chạy trốn Hương. Tôi nhục nhã và đau khổ với suy nghĩ nầy, nhưng biết làm sao hơn, khi mà tinh thần của tôi quá yếu đuối. Tôi tự đặt cho mình một giới hạn với Hương, giới hạn đó đã quá đủ, không xé rào tiến thêm. Tôi không muốn lăn trên vết xe cũ để làm khó khăn thêm cho Hương sau này. Tôi không muốn phải ân hận. Thế thôi. Ba tôi ngồi một bên suốt trên đoạn đường vào Sài Gòn, ông chỉ nói chuyện với tôi khi nào cần thiết, ông để cho tôi đắm chìm trong suy nghĩ. Đến Sài Gòn, khi đổi qua xe taxi về nha øtôi, ông nói:
“Ba biết, con khó khăn lắm mới vượt qua tình huống vừa rồi. Thôi, như vậy cũng trọn tình, trọn nghĩa”.
“Làm sao mà trọn được, khi mà đôi bên vẫn còn những ấm ức. Con nghĩ cái khó khăn là ở lại chứ không phải ra đi như bây giờ”.
Ba tôi vừa cười, vừa gật đầu:
“Ba nghĩ, bao nhiêu năm lăn lộn với đời sống. Con không còn bướng bỉnh. Thế mà con vẫn như ngày nào”.
“Con chỉ bướng bỉnh với ba thôi. Chứ mà bướng bỉnh với đời, họ vật con chết”
Một năm sau, tôi lấy vợ. Sau đó tôi nghe tin Hương tái giá. Cuộc đời của chúng tôi đã sang trang. Đứa nào cũng tất bật lo cho đời sống. Có dịp về Đà Nẵng tôi lại đến thăm gia đình Hương, được nhìn mái gia đình ấm cúng, được thấy nụ cười rạng rỡ. Những điều đó đã nói lên cái hạnh phúc trong vòng tay Hương đang giữ, thật chắc chắn. Một lần tôi đến thăm Hương đúng vào buổi trưa. Gia đình quây quần bên mâm cơm thật đạm bạc. Cơm ghế khoai, một dĩa cá kho mặn, một tô canh bầu. “Chồng chan vợ húp” đúng như câu ca dao. Trong lòng tôi bỗng nhiên quý trọng cái hạnh phúc của Hương đang có. Cái hạnh phúc mà không có gì có thể đổi được. Tôi chắc chắn như vậy./
Phan Xuân Sinh