Ngẫm Chuyện Nhân Sinh với Đôi Dòng

Thái Tú Hạp – Thiết Trượng – Du Tử Lê – Lâm Tường Dũ – Nguyễn Ngọc Chấn - Luân Hoán – Hoàng Sỹ

Đôi Dòng

” Năm 1990, Vương Trùng Dương sang tỵ nạn tại California, trong tình bạn bè đã quen biết với nhau từ những thập niên qua, tôi mời anh cộng tác với Saigon Times để góp mặt với nhau. Tuy bận rộn với thời gian đầu nhưng anh vui vẻ vung bút với Chuyện Trong Tuần, sinh động và lôi cuốn.
Từ đó, Saigon Times có thêm mục mới với Chốn Bụi Hồng được thân hữu đồng nghiệp như Huy Phương, Cao Mỵ Nhân… đảm trách.
… Những chuyện nhân gian không phải là chuyện lạ mới xảy ra chung quanh trong đời sống chúng ta. Khi trái đất này có sự xuất hiện nhân vật thứ ba là có chuyện. Từ tình yêu ghen tuông hận thù tranh giành quyền lợi, dị dởm, âm mưu để chiếm đoạt tư hữu… nếu có thiên tài như Tư Mã Thiên cũng chưa chắc đã viết hết những bộ sách dày hàng triệu trang. Nghe bạn tôi đang gom góp những chuyện phiếm trong mục Thiên Hạ Sự, Thế Thái Nhân Tình… để in thành sách. Ý kiến hay lắm chứ. Tôi đã theo dõi và rất thích những mẩu chuyện của Vương Trùng Dương, chứng tỏ anh đọc nhiều và có trí nhớ thật tốt qua từng nhân vật mà anh đã bắt gặp trong sinh hoạt hằng ngày một cách tài tình sâu sắc chính xác và bén nhạy… Tôi tin chắc anh sẽ thành công trong hướng viết này và được đón nhận một cách lý thú.

Thái Tú Hạp

“Giữa thập niên 60, chúng tôi gặp nhau ở quân trường tại Thủ Đức và Đà Lạt, anh đảm trách tờ báo trong phạm vi Sinh Viên Sĩ Quan, cũng vì nghiệp nầy, anh suýt bị mang cánh gà, ca bài giã từ quân trường nhưng rồi “tai qua nạn khỏi” và tiếp tục công việc cho tờ Đường Mới của Khóa I Nguyễn Trãi đến ngày ra trường.
Năm 1993, anh Nguyễn Đức Nhuận ra đời tờ Việt Nam Press, trong vai trò Chủ Bút, phụ trách mục Thế Sự Bồng Bềnh, tôi rủ anh làm Tổng Thư Ký và đảm nhận hai mục Nội Tình Trôi Nổi cùng Chuyện Ruồi Bu… với những diễn biến xảy ra ở nơi chốn “gió tanh mưa máu” của Little Saigon. Dĩ nhiên, bụng làm dạ chịu, có sự sóng gió lẫn khó khăn cho tờ báo nhưng vẫn kéo dài đến khi bận công ăn việc làm nên… Việt Nam Press đình bản.”

Thiết Trượng

“Gần đây, tôi thấy, có dễ không một cộng đồng thiểu số nào, tại Hoa Kỳ, có nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo, ca sĩ, nhạc sĩ, ngâm sĩ, xướng ngôn viên (gọi chung là nghệ sĩ – – Tới mức, những người không có trước tên của họ, một chữ “nhà,” hay chữ “sĩ” nào, rồi đây, sẽ trở thành… thiểu số!
Tuy nhiên, nếu phải tìm cho ra người: Trôi theo (mà không nhập;) ở trong (mà vẫn đứng ngoài) luồng, (thì,) đó là Vương Trùng Dương.
Căn cứ trên việc làm hằng ngày của Vương Trùng Dương, (thì,) chỉ danh thích hợp nhất cho anh, là nhà báo.
Nhưng, với tôi, anh lại người thận trọng, nâng niu chữ, nghĩa hơn rất nhiều nhà văn, nhà thơ… tên tuổi, tôi được biết.
Vì thế, theo tôi, chỉ danh đúng nhất, cho một Vương Trùng Dương, ngoại lệ nầy, là nhà văn.
Tôi thích lắm, khi đọc trong “Lời Ngỏ” mở vào tập Ngẫm Chuyện Nhân Sinh, ông viết:
“Khi bắt tay thực hiện tác phẩm này, chúng tôi chỉ mong nó trở thành món quà nho nhỏ đến với độc giả để giải buồn”.
Mong ước của Vương Trùng Dương, là một mong ước chân thật, khiêm tốn. (Tôi viết nghiêng bốn chữ chân thật, khiêm tốn).
Bởi vì, chân thật, khiêm tốn của Vương Trùng Dương, nhà văn, không cùng nghĩa với chân thật, khiêm tốn của các “nhà,” các “sĩ” khác…
Do đó, với tôi, ông đã là nhà văn, ngay từ những dòng chữ đầu tiên và, cuối cùng của mình.

Du Tử Lê

 

” Với mục Thiên Hạ Sự trên tuần báo Tình Thương vào giữa thập niên 90, qua cái nhìn và ngòi bút của Vương Trùng Dương trước sự kiện đã và đang xảy ra trong sinh hoạt đời sống đầy lao xao, rất lý thú với bạn đọc gần xa.
Trong suốt thời gian qua, Nguyễn Ngọc Chấn CNN, anh và tôi đảm trách nhiều tờ báo, chúng tôi chia nhau để tên trong thành phần trách nhiệm, và anh chỉ muốn làm “Thượng Sĩ già trong đơn vị” với Tổng Thư Ký.
Anh viết khá nhiều thể loại nên bằng hữu xúi bậy anh in thành sách cho vui nhưng cứ lửng lơ con cá vàng và hẹn mãi cho đến khi lên chức “ông”, nghe lời anh em, tuyên bố “đẻ ra đứa con tinh thần” nên đứa con đầu lòng ra đời trong dự án tuổi già của anh lúc nhả tơ.

Lâm Tường Dũ

Quen thân với Vương Trùng Dương cũng tròm trèm một con giáp. Lúc đó, tình cờ tôi đọc bài viết của anh về Quách Dược Thanh bị bức tử trong trại tù CS trên tờ Saigon Times, xuống Little chơi, chúng tôi gặp nhau. Quách Dược Thanh là bạn cùng học Sư Phạm với tôi, cùng Khóa với anh và cùng phục vụ tại Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị ở Đà Lạt. Từ hình ảnh người bạn quý đó, mối dây thân tình giữa chúng tôi đến với nhau rồi “tay trái tay phải” trong nghiệp báo.
Anh là người bày đặt ra chuyện in ấn hai tác phẩm Chuyện Thổ Tả và Ngựa Hoang của tôi. Anh bảo tôi gom bài viết Chuyện Thổ Tả lại để giao cho anh, vài ngày sau, anh “layout” xong rồi ném lại cho tôi; ở thế “chẳng đặng đừng”, thấy hay hay nên “tới luôn bác tài”. Với Ngựa Hoang thì tôi và anh cùng bằng hữu góp ý “thừa thắng chơi dại” rồi anh lại lo phần kỹ thuật cho tác phẩm…
Lần nầy, có lẽ anh tránh tiếng là người chỉ xúi người khác nên mới “phán” phải đáp lễ lại chuyện xúi của bạn bè, vì vậy Ngẫm Chuyện Nhân Sinh được chào đời.
Nguyễn Ngọc Chấn, CNN

Những mẩu chuyện viết để kể của Vương Trùng Dương có thể gọi gọn là “chuyện thiên hạ”’. Thiên hạ vốn là chính ta, bởi ta ở từ thiên hạ. Những “trọng đại”, những “nhỏ nhoi” trong cuộc sống kết lại thành những hoạt cảnh bình thường, nhưng thân mật.
Phiếm là một thể loại rất có hiệu quả trong việc làm sống lại những sinh cảnh của cuộc sống. Người viết phiếm, ít ra phải cần có những thông minh, duyên dáng, tế nhị và bặt thiệp, để biến những mẩu chuyện kể vụn vặt thành một đề tài vừa “mua vui” vừa đủ để nhẹ nhàng suy ngẫm…
Chuyện của ta, chuyện thiên hạ, quanh đi quẩn lại vốn không nhiều, đại loại là những vui, buồn na ná nhau, nhưng lặp lại những câu chuyện đó với một hơi văn chợt như mới, đã là thành công của người viết phiếm, thật không dễù. Vương Trùng Dương, một cây bút đã chứng tỏ được khả năng này.
Luân hoán

Thực hiện tuần báo Đất Nước vào năm 1998, tôi mời chị Minh Đức Hoài Trinh làm Chủ Bút và “ông bạn lang bạt” Vương Trùng Dương làm Tổng Thư Ký. Sáng tối, thấy anh tán gẫu, cà phê thuốc lá với bạn bè; thật tình, lúc đó tôi hơi lo nhưng biết tính anh, chẳng có gì bận tâm, quan trọng cả nên đành im lặng, rồi anh quán xuyến nội dung tờ báo đâu vào đó; đặc biệt, mục Ngẫm Chuyện Nhân Sinh của anh trở thành đề tài “thời sự” với chiêu thức của tay viết phiếm vừa bạo vừa vui.
Được biết, anh cộng tác cho nhiều tờ báo ở Nam Cali và các nơi xa, không hiểu anh viết lách lúc nào, chỉ thấy bài viết góp mặt đều đặn trên trang báo. Với anh, làm báo như uống cà phê, hút thuốc lá: niềm vui và thú tiêu khiển.
Anh chuyên làm việc bao đồng với đồng nghiệp trong tinh thần tùy hứng, không biết lúc nào anh sẽ cao hứng với công việc của mình, gạn hỏi, anh chỉ trả lời đời còn dài. Khi nghe anh báo tin, chọn vài bài trong mục Ngẫm Chuyện Nhân Sinh để in thành tác phẩm, còn chút gì lưu lại sau thời gian phôi phai, vừa ngạc nhiên vừa mừng cho bạn ta… đến ngày sinh nở.

Hoàng Sỹ

anh chỉ trả lời đời còn dài. Khi nghe anh báo tin, chọn vài bài trong mục Ngẫm Chuyện Nhân Sinh để in thành tác phẩm, còn chút gì lưu lại sau thời gian phôi phai, vừa ngạc nhiên vừa mừng cho bạn ta… đến ngày sinh nở.

Hoàng Sỹ

Back to top button