Nén hương lòng cho người hùng thế kỷ
Vũ Đình Trường
Tháng 6 năm 1987. Từng đàn ve-sầu-mười-bảy-năm ào ạt kéo nhau bay về khắp bầu trời miền đông nước Mỹ. Lũ ve sầu mắt đỏ, cánh mỏng với những đường gân màu cam đã sống kiếp ấu trùng mười bảy năm sâu dưới lòng mặt đất, âm thầm và lặng lẽ chờ ngày vỡ đất chui lên, lột xác, mọc cánh để trở thành một loài ve đặc biệt chỉ xuất hiện mười bảy năm một lần. Sau một thời gian dài giam hãm dưới lòng đất, lần đầu được hít thở không khí tự do, chúng thi nhau tung bay trên ngàn cây nội cỏ và hát vang lên khúc nhạc tình mùa Hạ. Những chú ve sầu trống không ngớt mời gọi những nàng ve sầu mái và chúng yêu nhau say đắm trong nắng hè ấm áp. Chừng như không có gì ngăn được những trận mây mưa vô tận của đàn ve nghịch ngợm này. Chúng yêu nhau khắp nơi, từ trên cành cây, đầu ngọn cỏ, giữa lòng đường nắng cháy hay ngay cả trên gạt nước của những chiếc xe vùn vụt chạy. Chúng giương mắt nhìn loài người như để tự hào về tình yêu và sự tự do tuyệt đối của chúng và cũng như để nói với loài người rằng, một khi chúng đã đến cùng nhau thì không có bạo lực nào có thể tách rời ra được.
Trong khi lũ ve sầu hát vang lên những lời tình thắm thiết bên này, bên kia bờ Đại Tây Dương hàng ngàn người dân Bá Linh cũng không ngớt vang lên những lời hoan hô nồng nhiệt trong nỗi vui rộn rã khi đứng trước họ là một lãnh tụ của khối tự do đang sang sảng thốt lên những lời hùng hồn chứa chan hy vọng, những lời tuyên ngôn đanh thép mở đầu cho cuộc đấu tranh giải phóng Đông Âu .
Vị lãnh tụ ấy không ai khác hơn mà chính là vị nguyên thủ thứ 40 của Hiệp chủng quốc Hoa-Kỳ, tổng thống Ronald Wilson Reagan, lúc ấy đang phục vụ trong nhiệm kỳ thứ hai.
Đứng trước cổng Brandenburg và bức tường ô nhục ngăn cách Đông và Tây Bá Linh, tổng thống Reagan mắt như dõi về hướng Mạc Tư Khoa với những lời kêu gọi vô cùng dõng dạc mà mỗi lời mỗi chữ như một mũi kim xoáy sâu vào tim óc người cộng sản:
“Này ông Tổng Bí Thư Gorbachev, nếu ông đang mưu cầu hòa bình, nếu ông đang tìm kiếm sự thịnh vượng cho Liên bang Xô Viết và Đông Âu, nếu ông đang tìm tự do, xin hãy đến tại cổng này. Ông Gorbachev, hãy mở toang cánh cổng này ra! Ông Gorbachev, hãy phá tan bức tường này xuống!”
(Nguyên văn Anh ngữ: “General Secretary Gorbachev, if you seek peace, if you seek prosperity for the Soviet Union and Eastern Europe, if you seek liberalization, come here to this gate. Mr. Gorbachev, open this gate. Mr. Gorbachev, tear down this wall!”)
Một câu nói hết sức giản dị gói ghém chỉ trong bốn chữ đã làm cho tổng thống Reagan bỗng chốc trở thành một biểu tượng khổng lồ, một anh hùng vĩ đại của thế kỷ hai mươi, một đối thủ đáng sợ cho cả khối cộng sản trên toàn thế giới. Tiếng hô dõng dạc “Tear down this wall!” của ông đã vượt bức tường âm thanh với âm ba xoáy sâu vào lòng hàng ngàn người dân Đức đang tụ họp trước mặt ông để trở nên một lời phán quyết tối hậu : “Tear down this wall!” Sau một giây sững sờ như không tin những gì họ nghe là sự thật, rừng người Bá Linh nổ tung ra trong một nỗi vui tột độ với những lời hoan hô vang dội. Họ không vui sao được khi ước mơ của họ đang sắp thành hiện thực. Họ không vui sao được khi ngọn lửa hy vọng của họ từ lâu leo lét như chực tắt đã cháy bừng lên bởi một sức mạnh tuyệt vời đến từ bên kia bờ Đại Tây Dương. Họ không vui sao được khi vợ chồng sẽ gặp lại nhau, người yêu sẽ tay trong tay, cha mẹ gặp lại con, gia đình lại đoàn viên sum họp. Họ không vui sao được khi bức tường ô nhục ngăn chia đời họ sắp sửa chỉ còn là tro tàn lịch sử.
Sau thế chiến thứ hai, thủ tướng Anh quốc Winston Churchill đã cảnh giác nhân loại toàn cầu về một bức màn sắt đang được bàn tay vấy máu của Stalin buông xuống để ngăn chia thế giới ra làm hai khối, khối cộng sản và khối tự do. Bức màn sắt ấy không phải chỉ là một lời đe dọa suông mà đã trở thành hiện thực, và suốt mấy mươi năm sau đó, những người dân hiền lành bên kia bức màn sắt đã trở thành đàn chiên non trước nanh vuốt của loài lang sói. Hàng chục triệu người đã bỏ xác rừng sâu, núi tuyết hay trong những nấm mồ tập thể để người cộng sản tiến hành kế hoạch xích hóa toàn cầu.
Trong suốt mấy mươi năm của hậu bán thế kỷ hai mươi gần như không có một lãnh tụ nào của khối tự do có đủ can đãm và nghị lực để vén bức màn sắt ấy lên. Ngoại trừ tổng thống Kennedy ở đầu thập niên sáu mươi, mãi đến gần hai mươi năm sau Hoa Kỳ mới có một vị nguyên thủ như tổng thống Reagan dám trực diện đương đầu với cộng sản. Với tình yêu quê hương dân tộc lúc nào cũng tuôn chảy rạt rào trong huyết quản, với niềm tin mãnh liệt, sự lạc quan cao độ và lập trường chống cộng triệt để, ông đã nhận lãnh trọng trách lèo lái con thuyền quốc gia trong cơn sóng gió bão bùng của những năm đầu thập niên tám mươi. Bên cạnh những vấn đề lớn như kinh tế sa sút, lãi suất tăng vọt, nhiên liệu khan hiếm, quân đội suy yếu vì không được chăm sóc tận tình, nước Mỹ còn phải đối đầu với lực lượng cách mạng Hồi giáo Ba Tư dưới ngọn cờ sắt máu của giáo sĩ Khomeni đã chiếm đóng tòa đại sứ và bắt giam toàn thể nhân viên ngoại giao Hoa Kỳ. Uy tín của nước Mỹ vì thế bị lung lay đến tận gốc rễ và người Mỹ có cảm tưởng như họ đang bị thua một cách chua cay trên bàn cờ thế giới.
Sau khi lên nắm quyền, chỉ trong một thời gian ngắn tổng thống Reagan đã phục hồi kinh tế, mang lại trật tự xã hội, ổn định thị truờng, củng cố quốc phòng, xây dựng và phát triển quân đội. Tinh thần binh sĩ vùn vụt lên cao. Giá xăng dầu và lãi suất cũng bắt đầu giảm xuống rất nhanh. Trong thời điểm này, có rất nhiều người Việt tỵ nạn đã tậu được nhà và bắt đầu bước những bước vững chắc trong việc hiện thực hóa cái mà người Mỹ gọi là “American’s Dream”.
Với cái nhìn của nhà tiên tri, tổng thống Reagan đã bắt tay thực hiện một số đồ án mà dư luận đã cho là bất khả thi. Kế hoạch phòng thủ chiến lược không gian (Strategic Defense Initiative hay còn được gọi là Star Wars) đã bị lắm người cho là hoang tưởng nhưng nó đã dẫn dắt Liên Xô vào một cuộc chạy đua vũ trang mà kết quả là Liên Xô tự nhận thấy không đủ sức theo kịp đà tiến quá nhanh của Mỹ. Đứng trước nguy cơ diệt vong, lãnh tụ Gorbachev đã bắt đầu những cuộc cải cách trong nước với những chánh sách như “Glasnost” và “Perestroika”, mặt khác, ông ta chấp nhận ngồi lại thương thuyết với khối tự do ngõ hầu tìm ra phương thức tự giải cứu. Những cuộc họp thượng đỉnh diễn ra sau đó càng làm cho sự lạc quan và niềm tin chiến thắng của tổng thống Reagan tăng vọt cao hơn. Ông tin rằng chính ông sẽ là người vén bức màn sắt lên cũng như sẽ đập tan thành trì cộng sản tại Đông Âu mà không tốn đến một viên đạn.
Sau bài diễn văn bất hủ của ông đọc truớc cổng Brandenburg ngày 12 tháng 6 năm 1987, một chuỗi dài sự kiện lịch sử diễn ra và bức màn sắt từ từ được vén lên. Dân Đông Đức lớp nổi lên chống lại guồng máy cai trị của Erich Honecker, lớp vượt biên sang Tây Đức và các nước lân cận. Con số người đi tìm tự do nhiều đến nỗi vào tháng 9 năm 1989, Hung Gia Lợi đã phải chấp nhận mở cửa tiếp đón người tỵ nạn Đông Đức. Hai tháng sau đó, nhận thấy không thể nào ngăn cản được làn sóng người đi tìm tự do, Đông Đức đành chấp nhận cho dân chúng ra đi. Người đàn bà đầu tiên đặt chân đến đất tự do đã hân hoan tuyên bố với mọi người rằng “Từ nay tôi không còn là một tù nhân nữa”.
Những ngày tiếp theo, hàng hàng lớp lớp người thi nhau dùng đục và búa đẻo dần từng mảng của bức tường Bá Linh. Từng mẫu bê tông vỡ ra, từng thanh sắt rơi xuống trong sự vui mừng tột độ của dân Đức và cả thế giới tự do, lúc ấy cũng đang chăm chú theo dõi một hiện tượng lịch sử. Khiếp sợ trước khí thế đấu tranh của nhân dân, ngày 22 tháng 12 năm 1989 cổng Brandenburg đã được chánh quyền Đông Đức chánh thức mở toang ra để rồi sau đó việc phải đến đã đến: Ngày 1 tháng 7 năm 1990, Đông Đức và Tây Đức đã trở thành một nước thống nhất dưới chính thể tự do. Cuối cùng, năm 1991, “đế quốc tà ma” (evil empire) Liên Xô cũng chính thức cáo chung. Lời tuyên bố của tổng thống Reagan ở gần hai năm trước đó đã trở thành hiện thực. Dưới mắt nhân dân Đức và các nước Đông Âu, ông như một vị cứu tinh đã giải phóng họ ra khỏi gông xiềng cộng sản. Dưới mắt những người Việt lưu vong, ông như một người hùng đã mang lại cho họ niềm tin về một ngày mai Việt Nam thôi không còn cộng sản.
Tuy ra đời trong một gia đình nghèo khó với thời niên thiếu không mấy êm ả, tổng thống Reagan đã không ngừng phấn đấu để vươn lên. Từ xướng ngôn viên đài phát thanh, sang tài tử màn bạc cho đến thống đốc tiểu bang California và sau cùng là tổng thống liên bang, cuộc đời ông là một tấm gương sáng cho hậu thế. Thắng không kiêu, bại không nản, lại có óc khôi hài và tài hùng biện, ông đã vượt qua hết mọi khó khăn để trở thành một lãnh tụ đầy tài năng và đức độ. Ngay đến cả Mikhail Gorbachev, người đã vì ông mà bị một số dân Nga quá khích nguyền rủa là kẻ phản bội cũng đã nghĩ về ông bằng tấm lòng ngưỡng phục. Dĩ nhiên trong cương vị nguyên thủ quốc gia ông không thể nào làm hài lòng tất cả mọi người. Không nhiều thì ít ông cũng đã có lắm kẻ thù. Những người oán ghét ông mà cụ thể là một vài nhân viên kiểm soát không lưu bị ông sa thải năm 1981 vì đình công bất hợp pháp cũng phải công nhận rằng ông là một trong những vị tổng thống tài ba nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Ông đã giúp cho nước Mỹ chiếm lại được thế thượng phong và người Mỹ có cơ hội ưỡn ngực vươn vai tự hào cùng thế giới. Những quyết định nhanh chóng của ông như cuộc đổ bộ tấn công quân cộng phỉ trên đảo Grenada hay chương trình chống cộng ở Trung Mỹ đã cho khối Xô Viết thấy rằng ông là một lãnh tụ dám nói dám làm. Đế quốc Liên Xô, một “đế quốc tà ma”ø, đã sụp đổ nhưng những nước cộng sản khác như Trung Cộng, Bắc Hàn, Cuba và Việt Nam vẫn còn đó. Trong chiều hướng hiện tại, Trung Cộng có dấu hiệu sẽ vươn lên để trở thành một loại “đế quốc tà ma” trong tương lai. Dưới sự bao che của Bắc Kinh, Bắc Hàn đã không ngừng đặt ra lắm yêu sách và làm khối tự do nhất là Hoa Kỳ phải nhức đầu. Ngày nào những “đế quốc tà ma” ấy còn tồn tại, ngày đó nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung cần có những người như tổng thống Reagan.
Hơn mười lăm năm sau ngày bàn giao ghế tổng thống lại cho tổng thống George Herbert Walker Bush để về California vui thú điền viên trong niềm luyến tiếc của đại đa số dân Mỹ, tổng thống Reagan đã trở lại thủ đô. Nhưng lần này ông đã không trở lại trong dáng dấp linh hoạt hùng dũng với gương mặt khả ái cùng những lời nói hùng hồn thu hút quần chúng mà là trong chiếc quan tài phủ quốc kỳ trên cỗ xe tang do ngựa kéo đi từ phía Nam tòa Bạch Ốc trên lộ trình tiến đến tòa nhà Quốc Hội. Từ lúc còn sống cho đến khi nhắm mắt, bao giờ ông cũng được sự kính yêu quí mến của hàng triệu người trong và ngoài nước Mỹ. Đại đa số dân Mỹ đã nghĩ về ông như một người cha già dân tộc; có lắm bạn trẻ khi được hỏi cảm tưởng về tổng thống Reagan đã phát biểu rằng: “He’s sort like a grandfather to us all”. Người ta đã khóc ông không phải bằng những giọt nước mắt dối trá và bẩn thỉu như giọt nước mắt cá sấu của Tố Hữu khóc Stalin mà bằng những giọt nước mắt chân thành dâng tràn ra từ tận đáy con tim. Toàn nước Mỹ treo cờ rũ để tang ông. Ngay cả đến khu thương xá Eden, một ốc đảo nhỏ của người Việt lưu vong vùng Hoa Thịnh Đốn, lá cờ Hoa Kỳ và lá cờ vàng ba sọc đỏ cũng được hạ xuống bay ủ rũ giữa lưng chừng cột. Người Mỹ gốc Việt hơn bao giờ hết cũng muốn nhân cơ hội này bày tỏ lòng xót xa của mình trước sự mất mát lớn lao của đất nước ân nhân. Bất chấp cái nắng cháy da của những ngày đầu mùa Hạ, nhiều người Việt tỵ nạn đã cùng hàng vạn người bản xứ đứng dọc theo đại lộ Constitution để chứng kiến tang lễ của ông. Hàng trăm ngàn người khác đã đứng đợi từ giờ này sang giờ khác bên ngoài tòa nhà Quốc Hội để chỉ được vào đứng trước linh cửu của ông trong một vài giây ngắn ngủi. Lắm người đã không quản ngại đường xá xa xôi, lái xe xuyên bang về tận thủ đô để được chứng kiến một sự kiện lịch sử, để được nhìn tận mắt lần cuối vị lãnh tụ kính yêu cho dù ông đã nằm yên trong cổ áo quan. Ấy là chưa nói đến hàng triệu người từ Đông sang Tây, từ Nam chí Bắc đã dán mắt vào màn ảnh truyền hình để theo dõi từng chi tiết liên quan đến tang lễ của ông.
Trong suốt thời gian tại chức, tổng thống Reagan luôn nhắc đến ước vọng của ông về một nước Mỹ huy hoàng như một “thành phố rạng ngời trên đồi” (the shining city on the hill). Mỗi khi nhắc đến những chữ này, giọng ông trầm xuống, mắt ông long lanh như in hình bóng diệu kỳ của một thành phố rực rỡ yên bình như thiên đàng tại thế. Cho đến khi ông nằm xuống, người Mỹ vẫn chưa và không biết đến bao giờ mới thực sự được hít thở không khí thanh bình tuyệt đối trong một “thành phố rạng ngời trên đồi” mà ông hằng mơ ước, nhưng người ta có thể tạm yên lòng khi biết rằng một “đế quốc tà ma” đã sụp đổ và hiểm họa chiến tranh nguyên tử cũng không còn nghiêm trọng như xưa. Dẫu rằng nước Nga hôm nay dưới sự lãnh đạo của tổng thống Vladimir Putin đang có những dấu hiệu trở lại với chánh sách độc tài đảng trị của quá khứ, nhưng ánh sáng dân chủ và không khí tự do đã trở nên một thứ gì không thể thiếu trong đời sống người dân. Nước Nga tuy vẫn còn mạnh nhưng đã không còn là một siêu cường quốc đáng ngại như trong giai đoạn chiến tranh lạnh của những năm trước thập niên tám mươi. Đáng kể hơn, sau khi khối Warsaw tan rã, toàn thể Âu châu đã trọn vẹn nằm trong khối Minh Ước Liên Phòng Bắc Đại Tây Dương, một sự kiện mà chỉ hơn một thập niên trước đây không ai ngờ được.
Tháng 6 năm 2004, một lần nữa đàn ve-sầu-mười-bảy-năm lại trở về trên khắp vùng trời miền đông nước Mỹ. Nhưng tiếng hát của chúng lần này chừng như không phải là tiếng hát reo vui của mười bảy năm trước đó khi tổng thống Reagan đọc bài diễn văn lịch sử trước bức tường Bá Linh mà là khúc nhạc trầm buồn tiễn đưa một người con dấu yêu của đất nước, một anh hùng đã góp phần giải phóng Đông Âu, một vĩ nhân của thế kỷ hai mươi. Ngày “Quốc Tang” (National Day of Mourning) thứ sáu 11 tháng 6 năm 2004 khi linh cửu của tổng thống Reagan được chuyển từ tòa nhà Quốc Hội sang Thánh Đường Quốc Gia, bầu trời Hoa Thịnh Đốn bỗng trở nên vô cùng u ám với những đám mây đen thấp lè tè trên nóc nhà thành phố. Trời tháng sáu đang từ nóng bức oi nồng ở những ngày trước đó bỗng trở nên se lạnh với cái lạnh của buổi đầu thu và mưa cũng bắt đầu rơi rả rích như để khóc cho thế giới vừa mất đi một nhân tài siêu tuyệt. Tổng thống Reagan đã nằm xuống nhưng viễn ảnh huy hoàng của một “thành phố rạng ngời trên đồi” vẫn sống mãnh liệt trong lòng người ở lại. Ông nằm xuống nhưng không như một vì sao rụng mà chính là lúc ngôi sao sáng chói của ông hiện ra lấp lánh trên nền trời đêm. Ánh sao của ông sẽ dẫn đường cho thế hệ tương lai mỗi lúc một tiến gần đến “thành phố rạng rỡ trên đồi”, “the shining city on the hill” mà ông hằng mơ ước.
Vĩnh biệt tổng thống Reagan, vĩnh biệt một anh hùng của đất nước Hoa Kỳ, một lãnh tụ của khối tự do, một dũng sĩ can đãm đã chặt xiềng bứt xích cho hàng triệu người dân, một cánh én đầu đàn đã mang lại mùa Xuân hy vọng cho dân tộc Việt Nam nói riêng và cho các chiến sĩ chống cộng trên toàn thế giới nói chung. Ngày mai trong khung cảnh êm đềm của thung lũng Simi thơ mộng bao bọc chung quanh là những rặng núi xanh mơ xin ông hãy ngủ giấc ngàn thu trong niềm vui của một thế giới an bình rạt rào như những lượn sóng hiền hòa của biển Thái Bình bát ngát ngoài kia.
“Tuy ông đã hóa ra người thiên cổ
Lời ông còn vọng mãi đến ngàn sau
Đường ông đi hoa nhân quyền nở rộ
Trời tự do nhân loại ngẩng cao đầu”
Vĩnh biệt tổng thống Reagan, vĩnh biệt. Xin Chúa ban phước lành cho ông, gia đình ông và cho đệ nhất phu nhân Nancy Reagan, người đàn bà khả kính đã một đời cùng ông cộng khổ đồng cam.
Vũ Đình Trường
“National Day of Mourning”, 11 tháng 6 năm 2004