Nắng Hạ
Nguyễn Qúy Ðại, Munich Germany
Mặt trời lên cao ngang các ngọn thông già, nắng ban mai mát dịu, những áng mây như dải lụa trắng lơ lửng trên bầu trời trong xanh, các vòi nước tự động thỉnh thoảng phun lên những vẹt nước trắng, rơi đều trên cỏ xanh, mịm như tấm thảm trải dài, hoa hồng, hoa cẩm chướng, lung lay qua từng cơn gió nhẹ, những đàn chim màu đen mỏ vàng nho nhỏ hót liếu lo trên cành phượng nhiều hoa . Lâu lắm thấy lại phượng vĩ nở hoa đỏ, che kín khỏang sân nhỏ của Hotel ở Mallorca ngoài khơi Tây Ban Nha, tôi nhặc vài cánh phượng, đưa cho các con, kể lại thời học trò nhiều kỷ niệm về mùa hè. Các nữ sinh Việt Nam hay ép hoa phượng vào lưu bút, trao tay viết tạm biệt trong 3 tháng hè, về vùng quê Nội hay Ngoại yên tĩnh vui sống với cảnh thiên nhiên hoa cỏ.
“ Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã đến
Đàn trai non hớn hở rủ nhau về
Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê
Ôi tất cả mùa xuân trong muà hạ“
Xuân Tâm
Có thể khí hậu miền nhiệt đới, mùa hạ nóng nên học sinh nghĩ hè 3 tháng, nhưng các quốc gia Âu Châu nghĩ 6 tuần lễ, ở Đức khí hậu lạnh, nắng ấm rất ít nên hè về mọi người thường đi nghĩ, tắm biển các vùng biển Địa Trung Hải .
Muà hè ở miền Trung trời nóng như lửa đổ, cỏ bị cháy vàng, những cánh đồng lúa khô nức nẻ, các dòng sông cạn nước, để lộ những nông cát trắng phau, những hàng phượng vĩ nở đỏ một khung trời .
Trưa hè ở Đà Nẵng im lặng trên đường Thống Nhất đến Cầu Vồng nhiều cây cao bóng mát, nhiều ve sầu kêu suốt ngày đêm, thỉnh thoảng vài ba con chim đi kiếm mồi làm ngưng tiếng ve hát. Tuổi học trò mộng mơ, nhạc phẩm bất hủ “nổi buồn hoa phượng” đã làm rung động, nổi lòng buồn man mác lúc chia tay mỗi người một phương trời xa..“ Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn, chín mươi ngày qua chứa chang tình thương, ngày mai xa cách hai đứa hai nơi, phút gần gủi nhau mất rồi, tạ từ là hết người ơi ! tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng, biết ai còn nhớ đến ân tình sâu trường xưa in bóng hai đứa nay đâu ?…Nếu ai đã từng nhặc hoa thấy buồn, cảm thông được nổi vắng xa người thương, Màu hoa phượng thắm như máu con tim, Mỗi lần hè thêm kỷ niệm, người xưa biết đâu mà tìm…!“(1)
Tại hải ngoại tuổi học trò không có kỷ niệm như lứa tuổi chúng ta trưởng thành bên quê nhà, Nam sinh mặc đồng phục quần xanh áo trắng, tóc phải hớt gọn gàn .Nữ sinh áo dài trắng . Thời gian trôi qua, kỷ niệm của tôi và các bạn xuất thân từ ngôi trường thân yêu đó chỉ còn lại trong ký ức. Người bạn gởi tặng hình trường Phan chu Trình, kỷ niệm 50 năm thành lập và sinh nhật thứ 150 của cụ Phan Chu Trinh, nhà cách mạng quê hương Xứ Quảng. Thời gian trôi qua 32 năm các cây phượng trong sân trường có tàng lá xanh nở nhiều hoa
Bức tượng bán thân bằng đồng đen của cụ Phan Châu Trinh bên cột cờ tồn tại với thời gian, cùng với lòng tôn kính của mọi người . Trường đã đào tạo nhiều thế hệ tài năng giúp đời. Các nhà văn, nhà thơ nổi danh như : Trần gia Phụng, Phan Nhật Nam, Lệ Hằng, thi sĩ Nguyễn Đức Bạt Ngàn với bài Bình Minh Câm được diễn ngân trên đài BBC.. Nhiều thiên tài khác phục vụ trên các lãnh vực khoa học và kỷ thuật ở khắp nơi.
Các anh chị tôi thường nhắc lại vỡ kịch “bỏ trường mà đi” lúc đó Phan Nhật Nam đóng vai chính. Đúng vậy chúng ta thật sự bỏ trường mà đi, bỏ cả quê hương xứ Quảng ra đi trong nổi đau, thương xót ngậm ngùi, không một lời tạ từ. Thân phận người ra đi trong các hòan cảnh khác nhau.
Sau 29.3.75 phần nhiều các thầy cô không còn tiếp tục dạy. Thầy Trần Gia Phụng không bị tập trung cải tạo nhưng cùng chung số phận, chuẩn bị rời Đà Nẵng thầy ầm thầm đến trước cổng trường, hướng về tượng cụ Phan và ngôi trường thân yêu lạy mấy lạy, trước khi ra đi làm người viễn xứ . Thầy tâm sự với tôi trong niềm thương nuối tiếc, đó cũng là tâm sự của các thầy cô bắt buộc rời bỏ nghề nghiệp !
Đà Nẵng ngày nay dù đổi thay, nhưng những dấu chân kỷ niệm vẫn in đậm trong ký úc chúng ta. Các con đường quen thuộc Lê Lợi, Thống Nhất, Quang Trung, Hoàng Diệu vv.. đã đi qua trong dòng đời với những ngày mưa nắng, chiếc phà sang sông trên sông Bạch Đằng nước vẫn xuôi dòng về biển cả, Những trưa hề nóng buị, những chiều mưa lạnh đi qua cầu Đèo lách trong cơn gió heo mây .
Học sinh Phan Chu Trinh “hào hoa học giỏi”, các kỳ thi tú tài thường có kết qủa cao nhất, so với các trường tại Đà Nẵng. Kỷ niệm những giờ nghĩ học đứng ở tiệm sách Việt ngã tư Lê Lợi Thống Nhất trêu nữ sinh các trường : Phan Thanh Giản, Nguyễn Công Trứ ( Bán Công) Bồ Đề.. thường đi ngang qua đường Lê Lợi . Các em Phan Thanh Giản mặc áo dài trắng hay màu xanh da trời, dễ chịu trong những ngày nắng gắt., đi ngang Phan chu Trinh nón lá che nghiêng vì e lệ, mắc cở bị đám đông nam sinh đứng làm” hàng chào” và trêu như thi sĩ Thu Nhất Phương với những dòng thơ ngọt ngào man mác :
“Sao em biết anh nhìn mà nghiêng nón
Chiều mùa thu mây che có nắng đâu
Nắng sẽ làm phai mái tóc xanh màu
Sẽ làm khô làn môi en dịu ướt
Còn ta mắt anh..
Có sao đâu mà em phải cúi đầu từ khước “
………………………..
“Nếu nghiêng nón có nghĩa là từ khước
Thì mười ngón tay em sao bỗng quấn quít đan nhau
Nửa vầng má em bỗng thắm sắc hồng đào
Đôi chân bước ..anh nghe chừng sai nhịp“.
Tuổi học trò thật đẹp mơ mộng và thích vui chơi hơn làm chính trị, bãi trường có dịp đi chơi Ngũ Hành Sơn, tắm biển Mỹ Khê, đi Túy Loan ăn mì Quảng, đi Hội An ăn Cao lầu… Các giai đoạn biến động miền Trung, học sinh ý thức chính trị hời hợt đôi khi bị xách động xuống đường… Có lần bị ăn lựu đạn cay, bởi vì thiểu số học sinh qúa khích ném đá tấn công CSDC đến an ninh các đường quanh trường.
Biến động chính trị đi qua, mái trường thân yêu được trã lại cho tương lai tuổi học trò. Những sáng đi học trên đường Hoàng Diệu, anh em tôi thường gặp thầy Nguyễn Văn Xuân ( nhà văn) Hội trưởng Hội Khuyến Học, mùa đông luôn mặc áo khoát dài đội mũ két . thầy Phạm Thế Mỹ ( nhạc sĩ) đi dạy chở theo ái nữ là ( Diễm), thầy Thể hiệu trưởng trường Bán Công, cũng chở theo ái nữ rất đẹp, Chúng tôi rất nghịch chạy Honda chầm chậm sát sau, bẻ các cành phượng hay hoa giấy màu tím để trên cặp …, nhưng các em e lệ sợ thân phụ không dám nói!
Trên đường tới trường thường gặp Hoa và Thu nữ sinh Phan Thanh Giản, Thu tóc thề ngang vai, Hoa tóc hơi dài cột bằng nơ tím hay xanh, thả xuống hai bên má, khuôn mặt trái xoan tăng thêm nét kiều diễm…Chúng tôi quên nhau trong những buổi tan học về… Những năm học ở Huế tôi gặp Thu học Văn khoa, năm 1974 tôi làm việc tại Sài Gòn gặp lại Hoa, học Luật với em tôi, lúc ấy còn độc thân tuổi học trò được nhắc lại như kỷ niệm đẹp khó quên…Chúng tôi ăn kem cạnh Mini Rex, nhưng luôn nhớ về Đà Nẵng với quán Cafe Ngọc Anh sau Hội Việt Mỹ có nhiều cây kiểng đẹp, chúng tôi đã uống cafe với nhà văn Duy Lam Hội Phó hội Khuyến học ( trung tá Nguyễn Kim Tuấn cháu gọi nhà văn Nhất Linh bằng cậu) . Sài Gòn trời mưa rồi chợt nắng, không kéo dài như ngoài Trung có khi kéo dài cả ngày, đường Hoàng Diệu, Phan Chu Trinh ngập nước. Chiều cuối tuần chúng tôi đi chơi Hoa mặc áo dài lụa xanh da trời,
Nắng Sài gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông….
hay
Tóc em anh sẽ gọi là mây
Ngày mai hai đứa mình xa cách
Anh vẫn nhìn mây trắng bay….“
Nguyên Sa
Tôi làm việc 7 tháng với chính quyền VNCH, sau ngày 30.4.1975 chỉ biết nhìn mây trắng bay trong các trại cải tạo!! không còn thấy màu xanh của lụa, thay vào đó màu xanh ô liêu và mũ cối dép râu…
Mái trường xưa ấp ủ tuổi học trò, nhiều giáo sư thường trùng tên nhưng khác họ. Các Thầy: Tôn Thất Dương Kỳ dạy Pháp văn, Dương Ngọc Kỳ dạy Anh Văn, Bùi Tấn dạy tóan, Trần Tấn dạy Pháp Văn .
Thầy Trần Tấn đeo kính cận nặng độ, thầy thương học trò như con, Tôi không thể quên buổi sáng thứ hai, mặc đồng phục trắng lớp tôi đến phiên kéo cờ và hát quốc ca, nhưng hát yếu xiù, không hùng hồn chút nào. Học sinh tuần tự vào lớp hai giờ đầu Pháp văn, trên hành lang các thầy cô đi đến từng lớp, Thầy Tấn vào lớp chúng tôi đứng dậy chào, thầy Lê Long Viên Tổng giám Thị cùng đi vào, trên tay cầm con roi dài, nói với thầy Tấn
– Kiểm soát lại học sinh nào không thuộc Quốc Ca, cả lớp hát không ra hồn gì hết. Quốc Ca Quốc Hồn Quốc Tuý của dân tộc Việt Nam không thuộc sau nầy làm được gì hữu ích cho Quốc Gia ?
Thầy bảo chúng tôi đứng lên và hát lại Quốc Ca, chúng tôi đứng nghiêm trang hướng về bảng đen hát thật lớn thầy bảo :
– Hát như rứa tạm được.
Cho phép chúng tôi ngồi xuống, nhưng thầy gọi 3 anh chàng ngồi dưới lớp từ trường tư nhưng loại giỏi được chọn vào học, không thuộc Quốc Ca chỉ nhấp miệng, làm sao tránh được “hung thần “ Tổng Giám Thị, gọi 3 anh chàng ấy đứng lên không hát được, bị phạt roi cầm tay thầy sử dụng ngay, bắt nằm lên bàn đánh mỗi người 3 roi, thầy Viên ốm gầy, nhưng sức lực phi thường đường roi của thầy vun vút, anh nào anh nấy nhăn mặt như khỉ ăn ớt, đưa tay xoa nhẹ chổ đau, xong trận đòn chưa tha còn bảo :
Về nhà học lại cho thuộc sáng mai đến văn phòng trình diện.
Thỉnh thoảng thầy và thầy Phương kiểm soát đồng phục, bảng tên tóc dài bị rầy, năm Đệ nhất tạm coi như đã trưởng thành “ba gay”, để tóc dài theo phong trào Hippy, đôi khi thầy lấy kéo hớt ngang mai, không phát giấy hoản dịch. kỷ kuật của trường nghiêm minh.
Đề tưởng Niệm các Thầy đã mất, năm 1967 thầy Trần Vinh Anh làm chánh chủ khảo kỳ thi tú tài bị một vài thí sinh đâm chết, Quan tài được mang về Đà Nẵng, đám tang nhiều học sinh đưa tiển thầy đến nơi an nghĩ cuối cùng, cái chết của thầy gây xúc động mạnh, báo chí lên án : nền Gáo dục bị lung lay, Đạo đức gia đình và xã hội suy đồi.. Cuộc chiến trước và sau 1975 nhiều Giáo sư, học sinh xuất thân từ ngôi trường nầy đã hy sinh cho Tự Do và Dân chủ .
Thầy Trần Tấn dạy Pháp Văn chúng tôi học với thầy những giờ học khó quên in sâu vào ký ức ..Thầy Tấn mở sổ điểm gọi đọc bài récitation nhưng có vài bạn không thuộc, dãy bàn đầu bên dưới bực của thầy ngồi, Thụy ngồi bên tôi chui xuống bàn mở cuốn tập có bài đó, cho mấy bạn không thuộc bài, nhìn đọc ngon lành không thiếu một chữ, mỗi khi dò bài học sinh đứng quay mặt nhìn vào thầy trã lời, ít khi nào nhìn xuống phiá bạn học. bất thình lình thầy đứng lên nhìn thấy Thụy ngồi dưới bàn, thầy không rầy Thụy nước mắt thầy chảy dài hai bên má nhăn nheo và nói :
– Các em làm như rứa là lừa thầy, sau nầy các em ra đời giúp ích được gì cho xã hội, hay lại tiếp tục lưà dối đời nửa hay sao ? Các em học cho tương lai không phải học cho thầy.. sáng nay các em không làm tròn bổn phận của một học sinh tương lai hưũ ích cho đất nước, hàn gắn lại khổ đau của dân tộc chiến tranh đang tàn phá.. Thầy đi lên đi xuống trong giọng nói trầm buồn, cả lớp yên lặng không một tiếng động. Tôi đứng lên :
-Thưa thầy chúng con xin lỗi làm phật ý thầy mong thầy tha thứ ..
Thầy đưa tay cho tôi ngồi xuống, đi lên bảng bảo các em mở tập học chương khác..
Tình yêu của thầy đối với học trò như con, từ đó chúng tôi hối hận ngoan ngõan học chăm không vi phạm kỷ luật. Chúng tôi học siêng năng kỳ thi đậu hơn nửa lớp, lời dạy khoang dung của thầy chúng tôi khó quên,
Thầy Nguyễn Lương Hiền cao ốm, mùa đông mặc áo len dày tới cổ, đeo kính đen cả ngày lẫn đêm, thầy ít khi nào ngồi trên bàn Giáo sư, thường đứng hay ngồi trên đầu bàn học sinh, giảng bài nói về Đạo Đức Học, Tâm Lý, Luận lý có nhiều đề tài học sinh được góp ý tranh cải về “ Thuyết Tiến Hóa” của triết gia Darwin Charles (1809-1882) Tác phẩm. Nguồn gốc các loài ( De le origine des espèces au moyen de la sélection naturelle) chúng tôi hăng say tranh luận đến hết giờ chuông reo tạm kết thúc. Có lúc thầy bị cảm khan tiếng nhưng cố gắng giảng cho kịp chương trình học cho mùa thi .
Thầy Trần Công Kiểm dạy Công dân, tôi còn nhớ mãi thầy nói “ Nguyễn Trường Tộ nhà chính trị kinh bang tế thế…” về luật cung và cầu trong kinh tế học thao thao bất tuyệt. thầy Quế dạy Việt văn mất trong trại cải tạo, biết được tin giới hạn các thầy trên đã mất, học trò mỗi người một phương trời xa, riêng tôi đốt nén nhang lòng, hướng về quê hương tưởng nhớ đến các Thầy quá cố.
Trường Phan Chu Trinh nhiều lớp, nhiều giáo sư, tôi học với các thầy : Trần Gia Phụng, Đỗ Viết Lê ( Sử địa), Nguyễn Thanh Trầm, Kim Cương ( Vạn vật) Trần Thông, Trần đình Quân, thầy Quế ( Việt Văn), Tạ Quốc Bảo, thầy Huấn, Dương Ngọc Kỳ ..( Anh Văn mỗi thầy một phương pháp riêng, Thầy Huấn muốn học thuộc ngữ vựng ngày học 5 chữ nhiều năm sẽ thuộc cả cuốn tự điển ; thầy Bảo cần học thuộc các mẫu câu, thành ngữ,văn phạm, thầy Kỳ muốn hằng ngày viết nhật ký bằng tiếng Anh…nhưng rất tiếc thiếu chương trình luyện giọng nghe và hiểu .
Dạy toán thì thầy Nguyên, thầy Đức, thầy Hào, muốn giỏi toán phải học thuộc công thức, làm hết bài tập ứng dụng nhiều sách . Sau năm 1975 tôi gặp thầy Hào ở chợ trời thuốc tây Sài Gòn ! thầy Ấm, cô Vân, thầy Tấn ( Pháp Văn ).. ngoài ra còn nhiều cô khả ái tôi còn nhớ tên Mộng Hoàng, Kim Cương, Kim Anh…
Giờ Vạn vật là môn học tôi không thích, nhưng thầy Nguyễn Thanh Trầm làm cho môn học vui nhộn hấp dẫn, về cơ thể con người thầy nói “ cái lưởi nguy hiểm nhất tất cả sự việc xảy ra đều do cái lưởi… Đàn bà là sinh vật nguy hiểm nhất, nhưng quả đất nầy không có Đàn bà sẽ khô cằn hơn..”. Đôi mắt của Tây Thi cũng nguy hiểm “ nhất cố khuynh nhân thành, tái cố khuynh nhân quốc “!
Thầy Trần Thông với hai câu trong bài cổ văn “ Đói lòng ăn nửa trái sim, uống lưng bát nước đi tìm người (thương) yêu”. Thầy dẫn chứng tình yêu trong thi ca bình dân, tình yêu phát xuất từ rung động bẩm sinh của con người, tạo dựng hạnh phúc gia đình, xã hội … Nhưng thầy Thông tôn thờ “chủ nghĩa độc thân “ đi chiếc xe Velo solex, có lẽ thầy muốn sống lập dị, xe Honda thời đó không đắc lắm . Giai phẩm “Như giọt mưa xuân” do thầy làm cố vấn qui tụ nhiều cây viết học trò rất sáng nhiều hy vọng, góp mặt vào làng văn. Thầy Nguyễn Đình Trọng ( nhà thơ Đông Trình) nhà thơ phản chiến, thơ của thầy gây xúc động tuổi trẻ, trong giai đoạn chiến tranh đêm đêm nghe tiếng đại bác với ánh hỏa châu . Sau cuộc chiến không biết thầy còn làm thơ nửa không ? Thầy Trần Đình Quân cũng là nhạc sĩ ngoài giờ dạy sinh hoạt với nhóm du ca “ Về nguồn” với bộ bà ba màu nâu hát cho người, hát cho quê hương !! nhiều nam nữ học sinh Phan Chu Trinh và Nữ trung học theo đoàn du ca đó . Cuộc chiến chấm dứt vết thương chưa kép kín, trại tập trung cải tạo rộng mở, tiếng hát của thầy chìm vào lãng quên, thầy Quân đến Hoa kỳ thời gian nào? và bị bệnh về nảo chửa trị, sức khỏe của thầy ra sao ? thầy Trần Đại Tăng dạy toán cũng là một thi sĩ làm thơ rất hay.
Báo Người Việt viết về sinh hoạt hội ái hữu các trường tại California, được biết có ông Hiệu Thái Doãn Ngà tham dự, thầy Tạ Quốc Bảo làm (M.C) điều khiển chương trình sinh hoạt cùng ái nữ Mộng Cầm ? thầy Bảo dạy Anh văn, thầy dự định xuất bản cuốn văn phạm Anh Văn ( mẫu câu cách dùng thì) năm lớp Đệ nhị tôi phụ nhận quay bài học, giúp thầy phân phát cho các bạn. Sau nầy ở Huế về gặp thầy mở tiệm sách trên đường Hùng Vương gần chợ Cồn, tôi mua vài cuốn sách thầy cho giảm giá tiền, thông cảm đời sinh viên nghèo, tình thầy trò quý nhau, sau nầy thầy có xuất bản các tác phẫm ấy không ?
Nhận Đặc San Đất Ngũ Phụng của Hội Ái Hữu Quảng Nam Đà Nẵng tại Houston, có địa chỉ thầy Trần Gia Phụng, tôi liên lạc mua sách, và điện thoại xin phỏng vấn, viết bài giới thiệu các tác phẩm của thầy, trên các báo tại Âu Châu và Dân Chúa Úc Châu.
Học trò nhớ thầy cô đã dạy, nhưng thầy cô khó có thể nhớ hết học trò. Tôi luôn nhớ các thầy cô của Trường Phan Chu Trinh, các bạn cùng chung những niên học dài
Thầy Trần Gia Phụng định cư năm 1995 tại Toronto do các con bảo lãnh. Từ 1996 đến nay xuất bản 9 tác phẩm rất hấp dẫn và giá trị cho Sử học, đóng góp vào kho tàn Văn Hóa Việt Nam.
Năm 2001 thầy gởi tặng tôi cuốn Án Tích Cộng Sản Việt Nam, năm 2002 nhận được 3 tác phẩm ( Những câu chuyện Việt Sử tập 3; Ải Nam Quan và cuốn thơ Ngụ ngôn của thân phụ thầy là nhà thơ Song Châu Trần Gia Thoại). Thầy Phụng trước 1975 sinh hoạt trong Hội Hồng Thập Tự, cứu trợ nạn nhân chiến cuộc hoặc thiên tai, viết bình luận chính trị cho báo Sóng Thần. Hy vọng thầy đến thăm người em Dr. Trần Gia Phước Giáo sư Đại học Wuerzburg tôi sẽ đón thầy đến Munich. Tình thầy trò lưu lạc xứ người rất quý, sách thầy viết giúp tôi ôn lại những trang lịch sử hào hùng của Dân Tộc Việt Nam. Các bản thảo vài bài tôi viết gởi đến thầy xin góp ý, và luôn tôn kính tình thầy trò, như người xưa viết “ nhất tự vi sư, bán tự vi sư” . Sự xuất hiện của thầy Trần Gia Phụng trên Văn đàn, Báo chí như một vì sao sáng của xứ Quảng ở hải ngoại.
Người bạn cho biết hè năm 2003 họp mặt học sinh tại nhà cô Mộng Hoàng ở San José ? người đó thường về Đà Nẵng, gặp thầy Lê Long Viên vẫn còn hút “ống vố “ như xưa, thầy Nguyên dạy toán chuyển qua trường ”Sao Mai” Cựu học sinh Phan chu Trinh tốt nghiệp Đại Học Sư phạm Huế về lại dạy trường PCT rất nhiều. Tại Đức nhiều học sinh Phan Chu Trinh trước 1975 du học thành công, nhưng sống tản mát khắp các tiểu bang gặp nhau rất khó.( nhiều bạn trước 1975 hoạt động trong “hội đoàn kết “ thân cộng sản, riêng tôi yêu thích chủ thuyết Dân Quyền của cụ Phan Chu Trinh (1872-1925) không thích Karl Marx và Lénin) .Tôi rời Sài Gòn 23 năm chưa có dịp trở lại !
Viết về kỷ niệm thời học trò 32 năm về trước không tránh được thiếu sót, kính mong quý thầy cô, bạn hữu cảm thông cùng sống lại những ngày trong quá khứ, một thời vàng son, đáng yêu và đáng nhớ. Nắng hạ về sưởi ấm chúng ta trong những ngày xa xứ.
Nguyễn Quý Đại Munich
Rudolf Vogel Bogen 12
81739 Munchen Germany
tel 0049- 89-6701734
(1) bản nhạc nầy tôi chỉ nghe và chép lại
Các website viết về Trường Phan Chu Trinh
http://xuquang.com
http:// www.phanchautrinhdanang.com
http://www.pct.ic24.net
http://www.hoiquangda-dallas-fortworth.com
Đia chỉ trường PCT e.mail: [email protected]
( tôi liên lạc một vài lần nhưng không được trã lời !)