Mưa Hội An
Hồ Xuân Ngọc

Cơn mưa phùn bay qua thành phố nhỏ..
Có một thành phố nhỏ không có mưa phùn.
Vào mùa mưa chỉ có những ngày bão táp dầm dề, tầm tã. Mưa không dứt hột, mưa ba bốn ngày, mưa dâng nước sông An Hội phủ ngập bờ, ngập cả con đường Nguyễn Thái Học chật hẹp, tạo thành con đường nước đục lờ, ngoằn ngoèo giữa hai dãy phố nhấp nhô không đều dạng. Hội An. Hội An cần những cơn mưa phùn hơn mưa lũ, Hội An cần thêm chút lãng mạn cho thành phố nhỏ cổ kính, thêm chút lãng mạn cho những cặp tình nhân đang yêu nhau. Và, thêm chút lãng mạn để gợi hứng cho những nhà thơ…cô đơn.
Tôi đến Hội An giữa mùa mưa, giữa tháng mười lạnh căm u ám, u ám như tấm lòng của tôi lúc bấy giờ. Thành phố nhỏ Hội An quạnh quẽ, xa lạ, như phủ thêm nỗi buồn trong tôi. Những ngày đầu mới đến, tôi thường khoác áo mưa, cầm dù đi lang thang trên mấy con đường phố hẹp của Hội An để nghe cái lạnh luồn vào da thịt, để liếm những giọt nước mưa phả vào mặt, vào môi, để nhìn con đường ướt nhẫy nước, trơn láng, hun hút nỗi buồn. Tôi thích để mặc cơn mưa đẩy trên đường phố, qua từng nhà, từng ngã tư, qua Chùa Cầu âm u gập ghềnh những mảnh ván long đinh dưới chân, qua trường Lễ Nghĩa với bậc thềm cao, qua ngôi chợ vắng có lão ăn mày mù tội nghiệp. Mưa đẩy bước chân tôi trên phố Hội. Rồi, chính cơn mưa lũ đẩy tôi vào khúc quanh định mệnh của đời người. Mưa cho tôi gặp người con gái yêu kiều. Người, mà sau nầy thành…bà xã tôi.
Ngày định mệnh bắt đầu vào một buổi chiều mưa mù mịt, lạnh buốt cuối tháng mười. Mưa thật lớn, những hạt mưa đập mạnh xuống mặt đường dội ngược, toé lên thành những bông nước trong suốt lởm chởm trên mặt nhựa bóng nước, rồi vỡ vụn hòa lẫn với giòng nước xuôi theo vệ đường. Hàng phượng vĩ ven lề rũ lá, nhẫn nhục, đong đưa theo sức đẩy cuồng nộ của những hạt mưa vô tình.
Như thường lệ, tôi lại khoác áo mưa, giương dù dạo phố. Từ Trần Quý Cáp qua Ty Thông Tin ngược lên Cường Ðể. Gần đến Chùa Cầu, ngay ngã ba bưu điện, tôi rẽ trái rồi bọc lại Nguyễn Thái Học. Chính cái lúc vừa qua khỏi ngã tư Thống Nhất thì tôi bị cú “sét” – “cú sét ái tình”.
Người con gái vừa tạt nguyên một thau nước vào tôi là người dộng tôi cú sét ái tình vừa nói. Nàng đứng đó, trên thềm nhà, tay còn cầm cái thau nhựa nhỏ nhìn tôi bối rối. Nàng ấp úng:
-Xin lỗi anh! Trời mưa lớn quá…Tôi tưởng không có ai đi qua nên tạt nhầm…
Nàng có mái tóc ngắn, đôi mắt lớn, mũi cao. Khi nàng nói, mấy đồng tiền nhỏ cạnh khoé miệng lúm vào. Trời đất! Ai nỡ đi cằn nhằn người đẹp nhỏ nhắn dễ thương như vậy. Tôi cười:
-Không sao! Tôi đã ướt sẵn vì mưa, có ướt thêm chút nữa cũng chẳng hề gì.
Nàng khẽ gật đầu ngỏ ý cám ơn rồi quay vào nhà. Dáng nàng gầy nhỏ, khoan thai theo bước chân. Tôi nhìn theo với nỗi bâng khuâng kỳ lạ. Tôi thấy nhiều kệ thuốc bằng gỗ đặt sát chân tường, cao tận trần trong nhà nàng. Một dãy tủ kiếng thấp nối nhau dài ra tận cửa, trong tủ chồng chất đủ loại thuốc hộp, vàng đỏ lẫn lộn. A! Nhà nàng bán thuốc bắc. Tôi ngước nhìn bảng hiệu, tấm bảng bằng gỗ sơn màu nâu treo trước tiệm. Ba chữ “Hòa Xương Ðường” màu nhụ kim khắc trên bảng đã tróc một phần sơn trên mặt. Mấy mảng sơn nhỏ bong ra, cuộn tròn lại như tờ giấy quyến, để lộ những lằn gỗ nứt nẻ, ngoằn ngoèo trên mặt bảng.
Tôi đi mãi dưới cơn mưa suốt buổi chiều hôm đó, lòng cứ nghĩ mãi về nàng. Tôi nhớ đôi mắt nhìn tôi bồi hồi và những lúm đồng tiền nơi miệng nàng. Tôi bổng mang một ước muốn rất buồn cười. Rằng, trong một cơn mưa nào sắp tới, nàng sẽ tình cờ tạt lên người tôi một thau nước nữa để tôi có dịp làm quen.
Nhưng cái thau nước tôi mong đợi đó không bao giờ có. Tôi đi qua nhà nàng suốt mùa mưa năm ấy. Bình yên. Một hôm, tạt qua, thấy nàng ngồi đọc sách sau tủ kiếng. Tôi đánh bạo bước vào:
-Chào cô – tôi nở nụ cười đẹp nhất đời – Cô bán cho tôi một gói cam thảo.
Nàng gấp sách lại, ngước lên nhìn tôi vẻ ngỡ ngàng. Nhưng chỉ một giây, nàng nhận ra ngay cái gã đã bị nàng tạt nhầm thau nước dạo nọ. Nàng để quyển sách lên bàn khẻ gật đầu chào: -Anh cần bao nhiêu?
Tôi ngạc nhiên hỏi:
-Bộ cô không bán gói sao?
Nàng lắc đầu. Tôi làm bộ húc hắc ho: -Tôi bị ho nên hơi khó chịu ở cổ. Muốn ngậm ít cam thảo cho dịu bớt. Hay…cô bán cho tôi hai chục đồng để tôi ngậm thử xem sao!
Nàng quay lại, kéo cái hộc nhỏ trên kệ thuốc phía sau, thò tay bốc một nhúm cam thảo, rồi bỏ lên miếng giấy trắng cắt sẵn vuông vức để một chồng trên bàn. Tay nàng thoăn thoắt gói mớ cam thảo một cách gọn ghẽ. Tôi gợi chuyện:
– Ở đây buồn quá hả cô? Ði lên đi xuống chỉ có mấy con đường.
-Tại anh ở chưa quen. Chứ ở đây cũng có nhiều chỗ vui lắm.
Tôi dọ dẫm:
-Vậy nhờ cô chỉ dùm tôi nhé…
Tôi chìa tay ra:
-Tôi tên N.
Nàng bắt tay tôi. Tôi siết nhẹ bàn tay mềm ấm của nàng. Trong một thoáng, tôi thấy như thể tôi đã yêu nàng, như thể giữa tôi và nàng đã có cái gì ràng buộc. Tôi nói, giọng lẫn chút xúc động:
-Tôi có thể làm bạn với…
Nàng rút tay lại nói nhanh:
-Tố V.
– A’, tôi có thể làm bạn với Tố V. được không?
Nàng cúi đầu, im lặng, tay vuốt gói cam thảo. Tôi chăm chú ngắm V. và tìm thấy nhiều nét dễ yêu trên gương mặt nhỏ nhắn của nàng. Tôi nán lại trò chuyện cùng V. suốt buổi trưa hôm ấy. Nàng thật thông minh và dịu dàng. Chúng tôi nhanh chóng trở nên đôi bạn hợp ý.
Tôi mang nỗi ấm áp trong lòng trên đường về. Gói cam thảo nằm yên trong túi như ấp ủ cả hương thơm của nàng. Chưa bao giờ tôi thấy trời Hội An đẹp như hôm nay. Tôi không còn cần những cơn mưa lớn, không cần đợi những cơn mưa phùn để gợi hứng làm…thơ. Bởi từ nay, chính nàng đã là nguồn cảm hứng vô tận đang hiện hữu trong tôi bằng hơi ấm của nàng, hơi ấm của tình yêu vừa chớm.
Chúng tôi yêu nhau từ đó. Những ngày sau, chúng tôi gặp gỡ nhau thường xuyên. Khi thì ở nhà nàng, khi thì trường Lễ Nghĩa. Có những buổi trưa nơi chùa Ngũ Bang, tôi hái hoa sứ tặng V. Lặng ngắm bóng nàng lung linh trên mặt hồ nhỏ sau chùa. Trong cái lặng lẽ uy nghiêm của ngôi chùa vắng, tôi đã mong ước nhiều điều tốt đẹp về V. với cả tình yêu chân thành, thắm thiết cho nàng.
Một bữa, tôi đên chơi thì bất ngờ gặp Ba của V. – ông Hụi. Ông trông mập mạp, hồng hào. Cái áo thun trắng ông mặc trên người trễ xuống, để hở cả một khoảng ngực, lốm đốm những vệt đỏ dưới da, dấu tích của thời tuổi trẻ rượu chè. Ông đón tôi rất niềm nỡ theo thói quen…buôn bán hằng ngày. Hình như ông không hề hay biết gì về những liên hệ giữa tôi và V. con gái ông. Tôi đảo nhanh mắt quanh tiệm. Không có V. Ðã lỡ thì phải tiến lên. Tôi gật đầu chào, trong lúc nụ cười…kinh tế trên môi ông vẫn còn đang nở rộ. Tôi nói:
-Thưa bác…
Ông nhìn tôi, vẫn cười:
-Cần chi rứa mi?
-Dạ… Liếc thấy hủ rượu thuốc trên kệ kiếng ở góc tiệm, tôi lanh trí nói liền:
-Bác có bán rượu thuốc không?
-Mi uống?
-Dạ.
Ông trợn mắt:
-Mi còn trẻ răng uống rượu thuốc?
Tôi nở nụ cười hiền như bụt để lấy lòng ông…già vợ tương lai:
-Con không có ghiền rượu. Nhưng nghe mấy người bạn nói, ở tiệm bác có ngâm rượu thuốc ngon lắm nên con muốn đến nhấm thử.
Ông có vẻ hài lòng vì câu khen tặng của tôi. Ông vui vẻ chỉ cái ghế đẩu bên cạnh. Ông nói trong lúc tay cầm cái ly nhỏ bước tới hủ rượu:
-Ngồi chơi. Mi quê ở mô?
-Dạ, tuốt trong Nam lận.
-Mi làm cái chi ngoài ni? Ði lính hả?
-Dạ không. Con còn đi học. Con đang học ở Trần Qúy Cáp. Cái trường ở gần nhà thương, đối diện với đồn Công Binh đó bác.
Ông cầm ly rượu đưa tôi, rồi ngồi xuống cái ghế cạnh đó. Ly rượu đen ngòm, đặc quánh. Tôi nhấp môt ngụm nhỏ. Rượu cay xè, đắng nghét. Tôi không dám nhăn mặt và làm bộ khen:
-Rượu ngon quá bác. Nuốt xuống thấy dịu ở cổ họng hết sức.
Ông nhìn tôi có vẻ ngạc nhiên. Tôi đoán, có lẽ tôi là người duy nhất ở Hội An khen rượu ông ngon.
-Răng mi không ở trong nớ học mà ra ngoài ni?
Tôi thành thật:
-Con bị trục trặc…giấy tờ.
Ông gật gù ra vẻ thông hiểu trường hợp của tôi. Tôi ngồi cà kê với ông suốt mấy tiếng đồng hồ mà chẳng thấy V. xuất hiện. Trong khi trò chuyện, tôi hết sức lễ độ và cố gắng lấy điểm với ông tối đa. Vì vậy, lúc tôi đứng lên kiếu từ, ông thân mật nắm cánh tay tôi, nói:
-Khi mô rảnh, mi ghé lại đây ngồi nói chuyện với tao cho vui hỉ.
Ông khỏi mời, tôi cũng tìm cách mò tới mà! Vì thế, nên suốt nửa niên học năm đó, tôi ghé…uống rượu thuốc của ông hoài. Chỉ trừ những ngày đi chơi với V. là vắng mặt thôi. Cho đến một hôm, sau kỳ thi, tôi đến thăm ông lần chót để về lại Sài Gòn. Ông không múc rượu trong cái hủ ở ngoài nữa mà cầm ly đi vào phòng trong, rót cho tôi một loại rượu khác. Nốc ly rượu, tôi nghe như cổ mình lủng từng lỗ nhỏ. Ông nói mà mắt nhìn chăm bẵm vào mặt tôi:
-Ðây là thứ rượu đặc biệt nhất của tao ngâm. Mai mi về trong nớ rồi, nên tao dành riêng cho mi một ly thử coi có ngon không?
Rượu vừa chạy qua cổ họng, tôi đã thấy nổ đôm đốm, nhưng không muốn làm ông buồn lòng, tôi khen dối:
-Ngon, ngon lắm bác.
Ông lạnh lùng:
-Muốn thêm ly nữa không. Tao lấy cho.
Tuy không muốn phụ lòng ông, nhưng tôi cũng đành lắc đầu từ chối và cảm thấy lạ lùng vì thái độ kỳ cục của ông. Lúc ra về, tôi cứ thắc mắc hoài, chẳng hiểu vì sao ông lại có vẻ lạnh lùng với tôi như vậy. Tôi mang nỗi thắc mắc trong lòng, mãi đến mấy năm sau mới rõ nguyên nhân. Lúc đó chỉ biết ôm bụng cười…huề. Sau nầy, khi tôi về Sài Gòn được hai năm thì gia đinh V. cũng dọn xuống Sài Gòn. Ông Hụi mở lại tiệm thuốc bắc gần Chợ Thiếc. Tôi bây giờ đã là rể tương lai của ông nên tới lui thường nhật. Một hôm, trước giờ tôi và V. ra bến xe để xuống BT lên ghe vượt biển, sau khi dặn dò đủ điều, ông quay sang tôi nói với giọng buồn buồn:
-Hai đứa mi ra nước ngoài ráng yêu thương, đùm bọc lẫn nhau.Tao cũng không biết nói gì hơn. Thôi, uống với tao ly rượu để chúc tụi mi “thượng lộ bình an”.
Ông mở tủ lấy ra hai cái ly và hủ rượu nhỏ. Ông rót đầy hai ly, xong tự tay đưa tôi một ly. Ông nói:
-Ðây là rượu đặc chế bí truyền của tao. Uống đi, rồi lên đường cho sớm.
Cầm ly rượu đen đặc trên tay, tôi sực nhớ tới mấy năm trước ở Hội An, lần tôi đến chào từ biệt ông, ông cũng rót cho tôi một ly “đặc biệt” như thế nầy. Chẳng hiểu ly rượu năm “nớ” đặc biệt ra sao, mà sau đó tôi đã phải nằm liệt hết hai ngày. Tôi ngập ngừng:
-Thôi…hay “gia” uống đi. Con hông uống đâu. Hồi trước ở Hội An “gia” cho con uống một lần tới giờ vẫn còn…nhức đầu. Ông già vợ tôi phá lên cười sặc sụa. Ông vỗ vai tôi một cái thật mạnh làm ly rượu tôi đang cầm trên tay sóng sánh tràn cả ra ngoài. Ông nói trong tiếng cười:
-Hà…hà…Rượu hồi nớ là để dành cho mấy thằng…cua con gái tao, còn rượu bây chừ là cho con rể. Dĩ nhiên tao phải cho con rể tao uống rượu…thiệt chớ.
Bây giờ V. đã là vợ tôi. Thời gian qua như chớp mắt. Mới đó mà hơn hai mươi năm rồi. Ông già chúc tụi tôi hạnh phúc, thì tụi tôi đang hạnh phúc. Chỉ tiếc ông không còn sống để thấy cái hạnh phúc của tụi tôi và để đọc những giòng chữ nầy, để cùng cười xòa với thằng rể đã bị ông cho uống rượu…dỏm dạo nào.
Còn Hội An? Chẳng biết Hội An giờ ra sao? Có cơn mưa phùn nào lạc về phố Hội cho những chàngthi sĩ…cô độc tìm nguồn thơ? Còn tôi? Tôi xin cám ơn những cơn mưa lũ, cám ơn những giọt mưa ngoan đã cho tôi nhiều kỷ niệm và một tình yêu tuyệt vời. Mai nầy có ai về qua phố Hội làm ơn, làm ơn mang dùm tôi nỗi nhớ.