Một thời khuyến học
Võ Văn Dật

Một anh bạn về thăm Việt Nam vừa trở lại Hoa Kỳ đã làm quà cho tôi bản đồ thành phố Ðà Nẵng, gọi là “quà của quê hương”, vì “dù sao, anh cũng đã từng là dân Ðà Nẵng trong mấy chục năm”. Khi thử xem Ðà Nẵng ngày xưa của mình đã có những gì thay đổi, bất chợt bắt gặp ba chữ Hội Khuyến Học ở góc đường Nguyễn Thị Minh Khai (trước 75 là Nguyễn Thị Giang) và đường Hải Phòng ( Nguyễn Hoàng cũ). Ủa, Hội Khuyến Học nào đây? Chắc không phải là Hội Khuyến Học Ðà Nẵng mà tôi đã từng sinh hoạt ngày nào, nhưng cái tên gọi này bỗng dưng gợi lại cho tôi những hoài niệm xưa.
Hồi đó, Hội Khuyến Học có một cơ sở khá khang trang nằm ở số 38 Ðộc Lập. Ðể có ngân khoản đài thọ cho hoạt động của Hội, tòa nhà chính được đem cho Mỹ thuê làm Phòng Thông Tin Hoa Kỳ và Hội Việt Mỹ, chỉ giữ lại dãy nhà phụ bên trái làm phòng họp, lớp học đêm và Quán cơm Học sinh. Tuy lấy số nhà theo đường Ðộc Lập nhưng chúng tôi chưa bao giờ dùng cổng chính (cho thuê mất rồi, còn gì), chỉ toàn vào ra bằng cổng bên hông, trổ ra trên con đường hẽm mang cùng số 38, khá rộng, xe hơi vô ra thoải mái. Con hẽm này là ngõ vào quán Cà phê Ngọc Anh, mà chủ nhân cũng là hội viên Khuyến Học, một nhà chơi cây kiểng và sưu tầm đồ cổ nổi tiếng. Con hẽm này cũng dẫn vào nhà của nhà văn Duy Lam, phó Hội trưởng đặc trách Văn Hóa Nghệ Thuật của Hội. Thành ra, trong cuộc họp hằng tuần của Ban Chấp hành, thường ít khi ông phó Hội trưởng Duy Lam vắng mặt. Mùa lạnh, với cái tẩu ngậm lệch bên miệng, tay thọc túi quần, anh tà tà thả bộ từ nhà ra trụ sở Hội để dự họp, đi về thoải mái như đi dạo lúc chiều hôm.
Từ Sàigòn, tôi xin đổi về Ðà Nẵng vào mùa hè 1970, tưởng chỉ tạm trú một vài năm, ai dè 20 năm có dư, dầu vậy, không nhớ được đã gia nhập Hội Khuyến Học năm nào. Có điều, tôi lại nhớ rất rõ hai ngừời đã ‘dụ khị’ tôi vào Hội, cả hai đều là Ủủy viên trong Ban Chấp hành, đó là các anh Hồ Minh và HNL. Ngoài đời, một người là sĩ quan Quân pháp cấp tá, một người là luật sư vừa tốt nghiệp, mỗi người một cá tính, một phong cách, nhưng lại đồng qui ởủ một điểm là rất nhiệt tình với công tác xã hội.
Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy giữa những công tác khuyến học mà Hội đã làm, chẳng hạn cấp học bổng, mở lớp đêm, lập thư viện, tổ chức những cuộc nói chuyện của những nhân vật có tiếng tăm trong một lãnh vực nào đó, thì việc “khuyến học”thiết thực và hiệu quả nhất hồi đó là mởụ Quán cơm Học sinh. Do tình hình bất an ở thôn quê, nhiều học sinh phải ra thành phố trọ học, dĩ nhiên đa số nhà nghèo, cái ăn là cả một vấn đề. Hội Khuyến Học rất thông cảm, nên Quán Cơm đã ra đời. Chỉ cần đóng 3 đồng bạc mỗi ngày là các em học sinh có được hai bữa cơm trưa chiều no bụng, dĩ nhiên chẳng cao lương mỹ vị gì, nhưng chắc chắn là đở lo cái bao tử hành hạ. Ðó là 3 đồng góp thêm vào tiền mua thức ăn, chứ còn mọi thứ khác như gạo, tương, mắm muối, củi lửa, chén bát, bếp núc thì Hội phải lo đài thọ, trong đó lo nhất là chạy gạo, mà chạy gạo thì Hồ Minh và HNL là hai tay chủ lực hỗ trợ cho ông Hội phó Phan Du đặc trách về xã hội. Có thể nói các đại bài, tiểu bài gạo có lòng ở Ðà Nẵng lúc đó đều nhẳn mặt các ông này. Thỉnh thoảng hai anh lại rủ tôi đi cùng, ý chừng đi ‘ăn xin’ đông người thì dễ ăn dễ nói và cũng dễ làm động lòng ‘thí chủ‘‘ hơn chăng? Sau ngày “Ðà Nẵng giải phóng”(!), trong Ban Chấp hành có hai người dính tới “ngụy quân ngụy quyền”(!) phải đi tù, là Hồ Minh và tôi. Khi thăm nuôi tôi, bà xã báo cho biết “Hội có ủy lạo cho gia đình mình và gia đình anh Minh mỗi nhà một tạ gạo”. Thật là quí hóa, đúng là ‘miếng khi đói bằng gói khi no’. Tôi biết đó là gạo của Quán Cơm Học Sinh giải thể mà chúng tôi đã góp phần đi xin bá tánh. Tôi bảo bà xã lấy cái bao tời đó giặt sạch, gởiủ vào trại cho tôi.-“Ðể làm chi?”, -“Ðể thay chiếu mà nằm, chứ làm chi. Em không biết, chứ bao bố lót nằm bền hơn chiếu, dễ xếp gọn gàng khi chuyển trại, lại ấm lắm, nhất là vào mùa lạnh.”Không dè cái bao bố của Hội Khuyến Học đa theo tôi suốt bảy năm trường, qua các trại tù, hết Kho Ðạn, đến Ba Liên, Phú Túc rồi Tiên Lãnh, cho tới ngày về mới ‘bàn giao’ lại cho một bạn khác. Anh Hồ Minh không có ngày về. Vi trùng sốt rét đã giữ chân anh vĩnh viễn ở núi rừng Tiên Lãnh, anh yên nghỉ ở mé đồi cạnh Hố Ông Hức. Ngậm ngùi nhớ anh. Hội Khuyến Học có khác, trong Ban Chấp hành thấy nhà văn nhà giáo khá bộn. Hội trưởng Nguyễn Văn Xuân, hội phó Phan Du, hội phó Duy Lam đều là những nhà văn đã thành danh trên văn đàn, trong tay mỗõi ông đều có năm ba tác phẩm trình làng, nên ngồi trong Ban Chấp hành thiệt đúng người đúng chỗ. Ông Hội phó Phan Du thì đã qui tiên đâu vào năm 84 hay 85 gì đó, Khuyến Học nào còn danh nghĩa để có thể bày tỏ một chút gì để nhớ để thương một người đã từng dày công với Hội. Hôm đưa đám, anh Nguyễn Tấn Long và tôi rủ nhau cùng đi, tiếc thương trong lặng lẽ. Năm 1991, lại đến phiên anh Long ra đi khi tuổi mới năm mươi và nhiều mơ ước dở dang, trong đó công trình nghiên cứu hát hò khoan Quảng Nam là đứa con tinh thần già thai nghén nhưng chưa có dịp chào đời. Ông Hội trưởng Nguyễn Văn Xuân nay chắc đã ngoại tám mươi, không biết có còn sức để cầm bút nữa không, và hơi hám có còn sung mãn hùng hồn khi tranh luận, như xưa kia không ? Và, trong cơn dâu bể, may mắn tôi còn nghe được tiếng nói của anh Duy Lam sau hai mươi lăm năm chưa gặp lại:
Từ đấy không còn gì để nói
Sống nổi trôi nghiệp dĩ kẻ mộng du
Nói lảm nhảm tiếng nước người trúc trắc
Chẳng thể dùng ngâm vịnh kiếp phù du
Bạn hữu gặp ôm nhau siết thật chặt
Hỏi tin nhau về cái chết vài người
Rồi tạm biệt người nào đi ngã nấy
Ðọc tên nhau trên cáo phó một ngày.
Duy Lam
(Tôi để tang tôi-Ðặc san QNDN,2000)
Hồi còn trẻ, lần đầu tiên đọc Gia Ðình Tôi của Duy Lam (đăng từng kỳ) trong Văn Hóa Ngày Nay của Nhất Linh, mấy anh em trong nhà tôi cười thoải mái và nói với nhau “Không biết cái ông Duy Lam này người ra sao mà viết tếu tỉnh queo, có thua chi Nguyễn Công Hoan đâu.”Nay thì sau mấy phen bụi đời lăn lóc, nghe chừng cười hết nổi, mà lại chịu mấy câu thơ của anh, cảm ơn anh đã nói giùm cái điều tôi không nói nên lời..
Và còn nhớ những ai nữa? Nào Ðỗ Toàn với cây cọ tài hoa, Trương Duy Hy với Tú Quỳ và niềm hăng say viết lách như một nghiệp dĩ có lúc rất đắng cay, nào Nguyễn Thiếu Dũng, cũng không thiếu đam mê cầm bút, rồi Trần Ðình Thanh Lam, Nguyễn Văn Bảy, Nguyễn Tấn Long v.v và v.v. . . . . Cái điều dễ thương nhất của Ban Chấp Hành là trong cuộc họp hễ có bất đồng là cải nhau như mỗ bò, nhưng khi đã đồng ý về một việc làm, một kế hoạch, một chương trình nào đó thì anh em cùng chung sức lo liệu mỗi người một tay, chẳng chút nề hà. Cứ mỗi lần có vụ “nỗ”giữa ba nhân vật có máu “hay cải”, là Hội trưởng Nguyễn Văn Xuân, Hội phó Duy Lam và Ủy viên Hồ Minh, bọn chúng tôi lại bấm nhau cười : “Ðừng can, để mấy ảnh nỗ cho vui”. Mà vui là đúng chứ. Nỗ trong cuộc họp cứ như là đại liên và súng cối khi đụng trận, mặt ông nào ông nấy ngó như Trương Phi, nhưng rồi anh em lại đâu vào đó, tình cảm không một chút sứt mẻ. Nhờ vậy mà việc nào cũng trôi chảy. Nay tôi vẫn còn nhớ những lần nói chuyện do Hội tổ chức, chẳng hạn ông Cửu Diễn nói về sự phát triển của nghề dệt ở Quảng Nam mà ông đã góp phần không nhỏ trong việc sáng chế và cải tiến khung cửi để dệt vải khổ rộng và hàng hoa. Hoặc nữ khoa học gia Trần Thanh Vân của Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia của Pháp nói về sự thành công của bà trong công cuộc gây giống phong lan bằng phương pháp cấy mô, v.v. và v.v. rất được đông người nghe tham dự, là do anh em chung tay làm việc.
Nói tới Hội Khuyến Học Ðà Nẵng mà không nhắc tới những bậc “bề trên”của Hội thì thật là thiếu sót. Ba ông cố vấn của Hội đều là bác sĩ: bác sĩ Trần Ðình Nam, bác sĩ Thái Can và bác sĩ Huỳnh Tấn Ðối. Ðó là những nhân sĩ khả kính của Ðà Nẵng, luôn luôn có mặt trong mọi hoạt động của lớp trẻ như một khích lệ quí báu. Bác sĩ Huỳnh Tấn Ðối là Chủ tịch Hồng Thập Tự Ðà Nẵng. Bác sĩ Thái Can, bấy giờ đã nghỉ hưu, có cái biệt thự rất xinh ở đường Gia Long với ngôi vườn tươi mát và tủ sách quí, là nơi gặp gỡủ của những tấm lòng nhiệt tình với công tác văn hóa, xã hội, như anh Thuận Xuyên có ghi lại trong hồi ký về việc thành lập Ðại Học Cộng Ðồng Quảng Ðà. Ít ai biết rằng bác sĩ Thái Can, cái cụ già mập mạp phương phi, nói năng chậm rãi đo,ù là tác giả của nhiều bài thơ tình nổi tiếng hồi tiền chiến “Anh biết em đi” (1) , và có thơ trích trong Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh. Các cụ Thái Can và Huỳnh Tấn Ðối không biết nay ở phương nào. Riêng bác sĩ Trần Ðình Nam thì đã qua đời vào năm 1973. Ðây là một khuôn mặt lớn, có tầm vóc quốc gia, đã từng là Thị trưởng Ðà Nẵng, rồi Bộ trưởng Bộ Nội Vụ trong Chính phủ Trần Trọng Kim sau khi Nhật đảo chánh Pháp và trao trả độc lập cho Việt Nam năm 1945, rồi Niên trưởng Giám Sát Viện khi cơ quan hiến định này vừa được thành lập dưới thời Ðệ Nhị Cộng Hòa. Hồi đó, trong niềm thương tiếc của mọi người, ai cũng thấy ông cụ ra đi hơi sớm, nhưng nay nghĩ lại biết đâu ông cụ đã có một sự lựa chọn khôn ngoan, đúng lúc, để chẳng phải gặp cái cảnh “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”của năm 75. Ðám ma có trống có kèn, có tiền hô hậu ủng, có đại diện Chính phủ – Trung tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh QÐI và Quân Khu I đi đưa. Cả thành phố đi đưa. Hội Khuyến Học lãnh phần tế đạo trung ngay trước cổng trường Trung học Sao Mai bằng một bài văn tế viết theo thể phú do tôi chấp bút và Trần Ðăng Sơn đọc rất thống thiết, đúng bài bản, có chiêng trống phụ họa, bà con rất tán thưởng. Còn nhớ hôm đó, nghe tin cụ Nam vừa mất, ông Hội trưởng Nguyễn Văn Xuân trịệu tập ngay một cuộc họp khẩn cấp để bàn việc phúng điếu và phụ giúp tang gia trong việc ma chay, nếu được yêu cầu, vì ngoài việc cụ Nam là cố vấn của Hội thì người cháu ruột đóng vai trưởng nam của cụ, Trần Ðình Thanh Lam, lại là một ủy viên của Hội. Trong cuộc họp, ai cũng đồng ý là ngoài lễ phúng, Hội Khuyến Học phải có một điếu văn để bày tỏ lòng tri ân đối với cụ cố vấn, vì “Hội Khuyến Học mà không có điếu văn thì kỳ lắm”. Ðang khi bàn thảo xem ai là người chấp bút, bỗng không biết ai đó đưa ra ý kiến mới. Ðại khái là mang danh Hội Khuyến Học mà đọc điếu văn theo kiểu Tây thì thường quá, ai làm cũng được, phải đọc văn tế theo kiểu xưa thì mới đúng điệu Khuyến Học (?), mới khác hơn người ta. Ý kiến này được tán thưởng, nhưng ai là người viết đây? Lại không biết ai đó đẩy qua cho tôi, nói rằng tôi “có ngón nghề viết văn tế”(!?). Thôi thì cũng ráng vậy, vì trong thâm tâm , tôi rất thán phục cái nhân cách, đức độ và khí tiết của cụ Trần và cũng thích thể cổ văn này qua bài “Văn tế tướng sĩ trận vong”của tướng Nguyễn Văn Thành (2) , nên cũng muốn nhân dịp này để nói lên điều đó. Nhờ vậy, tôi đã viết xong bài văn tế ngay trong đêm ấy. Gần nửa đêm, Hồ Minh lái xe ngang qua nhà, thấy đèn còn sáng bèn tạt vào, hỏi tới đâu rồi, liệu có xong để ngày mai đem đi kiểm duyệt và in ronéo không. Tôi nói sáng mai tám giờ tới lấy, bảo đảm, chàng ta cười hỉ hả ra về. Ðiều buồn cười là nay tôi không còn lưu giữ được chút gì về bài văn tế đó, dù là bằng giấy tờ hay bằng trí nhớ.
Sau tang lễ cụ Trần, một buổi sáng, đang làm việc thì nghe nói có khách đến thăm. Ông khách tự xưng là Trần Gia Thoại, Hội trưởng Hội Khổng Học Ðà Nẵng. A, thì ra Trần lão thi sĩ đây mà, nghe tiếng đã lâu, nay mới được gặp. “Cháu nghe tiếng bác lâu rồi, cháu là bạn của anh Phụng (3) đây”. Ông cười: “Vậy hả? Rứa thì mình coi như quen biết nhau rồi. Nhân đi ngang đây, biết anh làm ở đây, tôi ghé vào thăm làm quen. Thoạt đầu tôi tưởng bài văn tế cụ Trần do ông Xuân hoặc ông Du viết, hỏi ra, té là anh. Trẻ như anh mà viết được văn thể xưa, vậy là khá lắm. Thôi thì đã có khiếu cổ văn, anh cũng nên tham gia Hội Khổng Học với chúng tôi cho có bạn.” Vậy là tôi lại lang bang qua Hội Khổng Học. Khi Hội xuất bản cuốn Quảng Nam Qua Các Thời Ðại (tập Thượng, viết về lịch sử Quảng Nam từ khởi thủy đến các Chúa Nguyễn) của nhà văn Phan Du, tôi lãnh phần trình bày bìa, cả tác giả và ông Hội trưởng đều có vẻ chịu lắm, vì rất là “Ngũ Phụng Tề Phi”. Âu đó cũng là một lưu niệm đẹp, kiểu “lưu bút ngày xanh”(!) của thời trai trẻ. Không biết trong cơn dâu bể, có ai còn giữ được cuốn sách đó không? Lấy cớ không được khỏe và bận việc bên Hội Hồng Thập Tự Ðà Nẵng, tác giả Quảng Nam Qua Các Thời Ðại đề nghị tôi tiếp tục viết tập Hạ. Tôi nhận lời đe khỏi phụ lòng ông bạn vong niên; vừa viết được ba trong mười một chương của toàn tập thì tháng Ba rã đám Ðà Nẵng !
Nói cho đúng, không phải tôi ưa lang bang, mà cái bịnh lang bang có mặt trong nhiều mâm bát là bệnh phổ biến lúc đó. Thành phố nhỏ, người có nhiệt tình với những công tác văn hóa xã hội không nhiều, nên dễ quen biết nhau, hễ có vịệc gì nên làm, đáng làm thì rủ nhau cùng làm. Do đo,ù hiếm mà thấy ai đứng một chân; một người tham gia hai ba Hội là thường. Phân Hội Hồng Thập Tự , Hội Khổng Học, Ưủy ban Vận động Thành lập Ðại Học Cộng Ðồng Quảng Ðà, Ủy ban Vận động Thành lập Chi nhánh Ðại Học Huế ở Ðà Nẵng v.v. đều là những nơi có mặt hội viên Hội Khuyến Học trong một cương vị nào đó.
Nhờ hoạt động cho Hội Khuyến Học mà tôi có một kỷ niệm mang đầy tinh thần khuyến học cho riêng tôi. Việc người ngoại quốc thông thạo tiếng Việt không hiếm gì, ai đã từng nghe bà Ỷ Lan (người Anh) hay bà Irina (?) (người Nga) nói và viết tiếng Việt hẳn không khỏi ngạc nhiên thích thú về sự thông thạo và lưu loát của họ. Tuy nhiên, cái người gây ấn tượng khó quên đối với tôi lại là một người Mỹ gốc Pháp. Hồi đó, sau khi Hiệp định Paris được ký kết vào tháng 1/1973, người Mỹ bắt đầu cuộc rút lui, họ thôi không thuê trụ sở Hội Khuyến Học nữa. Hội Khuyến Học quyết định sửa sang cơ sở đó để làm thư viện và giao cho tôi lập dự án. Tất cả anh em trong Ban Chấp hành đều đồng ý rằng nếu tự lực thì Hội không đủ sức để tạo lập một thư viện cho ra hồn, và đằụng nào cũng phải nhờ sự giúp đở bằng hiện kim hay hiện vật từ những tổ chức văn hóa xã hội khác, trong đó, hai đối tượng trước mắt mà chúng tôi nhắm đến là Asia Foundation và Ford Foundation. Tổ chức sau có vẻ giàu có và hào phóng hơn. Khi còn làm nghề dạy học ở Huế, tôi đã từng đến trụ sở Ford Foundation Việt Nam ỏ đường Bà Huyện Thanh Quan để xin sách. Chả là tổ chức này có một biệt đãi rất dễ thương đối với giới ‘gõ đầu trẻ’ là cứ mỗi ba tháng, một nhà giáo có thể nhận được ba đầu sách tự chọn trong kho sách của họ. Sách mới có, sách cũ có. Chỉ việc xuất trình thẻ giáo chức rồi vào kho, tha hồ lựa. Trong tủ sách của tôi hồi đó có được mấy bộ sử Tây phương và thế giới cũng từ nguồn này mà ra. Vừa may, có tin Giám đốc Ford Foudation Việt Nam đến Ðà Nẵng và đang ở tại khách sạn Thái Bình Dương ở đường Phan chu Trinh.
Tối hôm đó, theo lời hẹn trước, chúng tôi kéo nhau tới gặp Giám đốc Charles Benoit. Chúng tôi gồm có bốn người, là nhà văn Nguyễn Văn Xuân, Hội trưởng , với hai phó Hội trưởng là nhà văn Phan Du, và tôi, cùng một ủy viên là anh Nguyễn Thiếu Dũng, giáo sư Nữ Trung học Hồng Ðức. Ngồi chờ ở phòng khách chừng mười lăm phút thì Charles Benoit từ phòng thang máy bước ra, tươi cười tiến về phía chúng tôi, chào bằng tiếng Việt, giọng Nam rất sõi:
– Chào các ông , xin lỗi đã để quí ông chờ đợi hơi lâu một chút. Tôi đang nghe điện thoại từ Sàigòn nên không ngưng ngay được.
Ðó là một người đàn ông trí thức, đẹp trai, chừng trên ba mươi và không quá bốn mươi. Vì Benoit nói tiếng Việt rành rẽ nên chúng tôi nói chuyện với nhau rất thoải mái. Mục đích chính của cuộc gặp mặt là để xin Ford Foundation yểm trợ việc thành lập Thư Viện Khuyến Học, nên chúng tôi vào đề ngay. Sau khi nói qua về mục đích và quá trình hoạt động của Hội cùng những thành quả đã đạt được trong những năm qua, ông Hội trưởng giới thiệu tôi trình bày về dự án thư viện. Sau khi trình bày, tôi đưa luôn cho Charles Benoit bản tóm tắt dự án bằng tiếng Anh đã được chuẩn bị sẵn. Như mọi cuộc gặp gỡ ngoại giao khác, ông ta bày tỏ cảm tình với Hội, tán thành dự án và hứa sẽ xem xét để trình lên cấp trên quyết định. Việc chính xong, chúng tôi ngồi tán gẩu . Tôi nói:
– Tôi chưa gặp ai nói tiếng Việt giỏi như ông., tôi rất thán phục. Ngồi ở đây, chúng tôi là người của nhiều miền khác nhau, có giọng nói khác nhau. Vậy nghe giọng nói của chúng tôi, ông có thể nhận ra người ở đâu không?
-Có chứ. Ông là người Huế, còn ông Xuân và ông này (chỉ ông Phan Du) thì “Eng không eng tét đèn đi ngủ”(Aên , không ăn, tắt đèn đi ngủ), “Hết gộ nấu côm thì nấu chố mà eng”(hết gạo nấu cơm thì nấu cháo mà ăn).
Cúng tôi nghe vậy, cùng phá lên cười thích thú và tán thưởng. Thay vì nói đơn giản rằng ông Xuân và ông Du là người Quảng Nam, anh ta đã dùng cách phát âm đặc biệt của người Quảng để trả lời, cũng là một cách gián tiếp chứng tỏ sự thành thạo ngôn ngữ của mình. Tôi hỏi:
Vậy trong thời gian làm việc tại Việt Nam, ông có dự tính nghiên cứu gì không?
Có chứ, tôi ghi danh làm luận án tiến sĩ văn chương tại Ðại học Harvard về đề tài Truyện Kiều nên trong thời gian ở đây tôi đặt trọng tâm vào việc sưu tầm tài liệu, đọc và ghi chép..
Tất cả chúng tôi cùng ồ lên ngạc nhiên. Riêng tôi, thầm nghĩ: tay này bạo gan thật, để thăm dò nội lực xem sao. Tôi nói:
– Chúng tôi công nhận ông rất giỏi tiếng Việt. Tôi cũng được biết ông đã tốt nghiệp cử nhân Hán học ở Ðài Loan. Truyện Kiều, tuy là một tác phẩm văn chương phổ biến, nhưng ngay cả đối với chúng tôi, cũng không dám nói là đã hiểu hếàt tác phẩm. Vả chăng, Truyện Kiều là một kho từ ngữ Hán-Việt mà ông lại học chữ Tàu phát âm theo giọng Bắc Kinh, tôi e rằng đó là một trở ngại.
Ông ta cười thoải mái:
– Vâng, tôi cũng biết thế nên trong thời gian ở Việt Nam,tôi đang học cách phát âm chữ Hán theo lối Việt Nam.
– Khi chọn đề tài Truyện Kiều, tôi tin là ông đã có trong tay thư tịch về Kiều. Tôi chỉ có một thắc mắc: miền Bắc viết về Kiều cũng nhiều, nhưng làm sao ông có được sách, báo của miền Bắc để tham khảo ?
– À, về điểm này , nó có thể khó đối với các ông, còn đối với tôi thì cũng dễ thôi Tôi tìm mua những thứ tôi cần qua ngã Hongkong, Macao và Paris., nên cũng tạm đủ.
– Nói về Kiều, ông có biết loạt bài “Cái Tẩy” (4) của Tản Ðà không?
Như bị điện giật, Charles Benoit hơi nhổm người lên, nhướng mắt hỏi tôi:
– Ông cũng biết “Cái Tẩy”à?
Tôi cười:
– Ông là người Mỹ mà còn biết, huống hồ là chúng tôi. Vậy ông đã có nó trong tay chưa?
Charles thở dài:
– Căn cứ vào thư tịch, tôi biết có bài Cái Tẩy của Tản Ðà, nhưng tìm đâu cũng không có. Ở Sàigòn, tôi đã vào Thư Viện Quốâc Gia, Thư viện Viện Khảo cổ, thậm chí cả những thư viện tư nhân, chẳng hạn của gia đình ông Nguyễn Tường Tam (nhà văn Nhất Linh), nhưng vẫn tìm không ra. Ông biết ở đâu có, xin làm ơn chỉ giúp.
– Tôi có, ông có muốn mượn không?
Charles reo lên như bắt được vàng:
– Trời, ông có hả? Tôi may mắn quá, xin cho tôi mượn, đọc xong tôi sẽ hoàn trả ngay.
Yên chí, ông có thể photocopy làm tài liệu. Ngày mai, cho nhân viên đến chỗ tôi làm việc, tôi sẽ giao họ mang về cho ông.
Sau đó một ngày, y hẹn, Charles Benoit cho người mang trả lại tập tài liệu với một lá thư cảm ơn rất nồng nhiệt và hứa hẹn nhiều về vụ yểm trợ thành lập thư viện. Tôi cũng chắc mẩm trong bụng rằng mình thế nào cũng câu được con cá lớn cho Hội, nào dè cơn bão tháng 3/75 đã quét sạch mọi dự tính tương lai.
Chú thích:
(1) Bài thơ này đã được phổ nhạc, và nếu các bạn nghe Vũ Khanh ca thì tuyệt.
(2) Tiền quân Nguyễn văn Thành là khai quốc công thân triều Gia Long (1802-1820), đã vâng lịnh vua viết bài văn tế này bằng chữ nôm, một áng văn chương tuyệt tác.
(3) Trần Gia Phụng, giáo sư Sử Ðịa, tác giả nhiều sách biên khảo về Việt sử đã xuất bản ở hải ngoại, là con của cụ Thoại. 4 Ðó là một loạt bài do Tản Ðà Nguyễn Khắc Hiếu viết, đăng từng kỳ trên nguyệt san Khuyến Học xuất bản tại Hà Nội khoảng đầu thập niên 30. Trong đó, tác giả trích dẫn những chú thích sai từ những bản Kiều khác rồi đề nghị “nên tẩy”, và thay vào đó bằng một chú thích khác hợp lý hơn, căn cứ vào những sách vở đã dẫn.
(09/2000)